Tham dự Đại hội có GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học; TS. Trần Tuấn Phong, Phó Viện trưởng Viện Triết học; TS. Vũ Thị Kiều Phương, Phó Viện trưởng Viện Triết học cùng toàn thể hội viên Hội Triết học đang công tác tại Viện Triết học.

Tại Đại hội, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học đã trình bày Dự thảo Báo cáo về đội ngũ nhân sự và phương hướng hoạt động của Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học. Báo cáo chỉ rõ, Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học hiện có 29 hội viên tham gia sinh hoạt. Các hội viên có học hàm, học vị là phó giáo sư, tiến sĩ và thạc sĩ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, như: Triết học Mác – Lênin, Triết học Việt Nam, Triết học phương Đông, Triết học phương Tây, Đạo đức học, Mỹ học, Logic học, Triết học chính trị - xã hội,… Điều này chứng tỏ, các hoạt động nghiên cứu của Viện Triết học rất đa dạng, phong phú và chuyên sâu. Cùng với các hoạt động hợp tác quốc tế, trong những năm gần đây, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của Viện được công bố đã gặt hái được nhiều thành công. Điều này đã gia tăng uy tín của Viện trong giới nghiên cứu triết học trong và ngoài nước, đồng thời mở ra cơ hội cho các hội viên được tham gia nhiều chương trình, dự án khoa học tầm cỡ. Đặc biệt, hoạt động tư vấn chính sách, giảng dạy cũng là một thế mạnh của Viện.
 |
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Chi hội sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: thứ nhất, tham gia tư vấn chính sách, cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thứ hai, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế; và thứ ba, tập trung vào công tác xuất bản, công tác giảng dạy nhằm bồi dưỡng nguồn nhân lực và nghiên cứu tinh hoa triết học của nhân loại. Cần nói thêm rằng, Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học có một thế mạnh riêng, đó là có sự hỗ trợ đắc lực của Tạp chí Triết học – một trong số ít tạp chí quốc gia với bề dày truyền thống và lịch sử lâu đời. Đây sẽ là diễn đàn cho giới nghiên cứu khoa học nói chung, nghiên cứu triết học nói riêng.
 |
Tại Đại hội, các hội viên đã tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo. Tất cả đều nhất trí và cho rằng, để Hội Triết học nói chung, Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học nói riêng ngày càng phát triển, lớn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm là phát triển hội viên cả về chất và lượng. Bên cạnh đó, sự cống hiến hết mình của hội viên với tình yêu triết học là đòi hỏi cần thiết và quan trọng.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa – Chủ tịch Hội Triết học khẳng định, Hội Triết học sẽ luôn phát triển, bởi, những ai yêu mến sự thông thái, yêu mến sự hiểu biết sẽ đến với Hội Triết học. Đồng thời, giáo sư cho rằng, Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học có rất nhiều thế mạnh với những nghiên cứu cơ bản rất chuyên sâu, xứng đáng là cơ quan đầu ngành triết học ở Việt Nam hiện nay. Điều tập trung cần làm hiện nay là phát huy thế mạnh này hơn nữa để tạo sức lan tỏa ra xã hội, cộng đồng, thậm chí là với bè bạn quốc tế; từ đó, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tư duy, nhận thức triết học cho xã hội.
Với sự nhất trí cao của các hội viên về đề án nhân sự Ban Chấp hành Chi hội, Đại hội đã tiến hành bầu cử một cách công bằng và minh bạch. Kết thúc bầu cử, 05 đồng chí được tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành, gồm: 1) PGS.TS. Nguyễn Tài Đông; 2) TS. Trần Tuấn Phong; 3) TS. Vũ Thị Kiều Phương; 4) PGS.TS. Nguyễn Thu Nghĩa; 5) Ths. Nguyễn Việt Cường.
Thay mặt Ban Chấp hành Chi hội Triết học cơ sở Viện Triết học, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông tin tưởng, Chi hội sẽ là nơi tụ hội của những đam mê triết học đến với nhau và chắc chắn rằng, Chi hội sẽ luôn giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để mọi người cùng cống hiến cho triết học.