Đại hội vinh dự được đón tiếp đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; đồng chí Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, và nhiều đại diện của các Bộ, Ban, Ngành, Hội trung ương.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
Trong diễn văn khai mạc Đại hội, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Trưởng ban Ban vận động thành lập Hội Triết học đã điểm lại những thành tựu mà giới nghiên cứu, giảng dạy triết học ở Việt Nam đã đạt được kể từ thời điểm mới chỉ có vài cán bộ giảng dạy triết học trong Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc ở chiến khu Việt Bắc năm 1949; đồng thời khẳng định, việc thành lập Hội Triết học là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, quan trọng đối với giới triết học; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ những người nghiên cứu, giảng dạy triết học ở nước ta. Ngay sau khi khai mạc Đại hội, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã thay mặt Bộ Nội vụ công bố và trao quyết định thành lập Hội Triết học cho đại diện của Ban vận động thành lập Hội.
Tiếp đó, các đại biểu tham dự Đại hội đã nghe các báo cáo Quá trình phát triển ngành triết học ở Việt Nam và nhu cầu cấp bách thành lập Hội Triết học do GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn trình bày, báo cáo Dự thảo điều lệ Hội Triết học do PGS.TS. Nguyễn An Lịch trình bày, báo cáo Định hướng công tác phát triển Hội Triết học giai đoạn 2020-2025 do GS.TS. Phạm Văn Đức trình bày. Các báo cáo đã khẳng định nhu cầu cấp thiết của việc thành lập một Hội Triết học ở Việt Nam, nêu ra những vấn đề chủ yếu trong cơ chế vận hành của Hội, cũng như phương hướng hoạt động của Hội sau khi được thành lập.
Mục đích, tôn chỉ của Hội, theo Dự thảo điều lệ Hội Triết học là: Hội Triết học là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu giảng dạy về triết học tại Việt Nam. Mục đích của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên, hỗ trợ hội viên trong hoạt động nghề nghiệp, nâng cao chất lượng hiệu quả trong nghiên cứu và giảng dạy triết học, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Nguyên tắc tổ chức hoạt động của Hội là:
1. Tự nguyện, tự quản;
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
3. Tự đảm bảo kinh phí hoạt động;
4. Không vì mục đích lợi nhuận;
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Hội Triết học tập trung vào 5 phương diện: Thứ nhất, công tác phát triển hội viên và các chi hội; thứ hai, công tác nghiên cứu khoa học; thứ ba, công tác đào tạo và bồi dưỡng hội viên; thứ tư, công tác hợp tác quốc tế; thứ năm, công tác xuất bản.
Trong bài phát biểu tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đã khẳng định việc thành lập Hội Triết học là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự tập hợp những người làm công tác triết học trong một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, nhằm trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác nghiên cứu, giảng dạy triết học, góp phần vào công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đồng chí cũng nêu ra một vài suy nghĩ mang tính gợi mở về vai trò và trách nhiệm của Hội: thứ nhất, Hội Triết học có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền và chức năng để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có tri thức và tư duy triết học cao, góp phần nâng cao hiểu biết của nhân dân về triết học, cung cấp cơ sở lý luận triết học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thứ hai, Hội Triết học cần đẩy mạnh nghiên cứu tinh hoa triết học thế giới, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam, nghiên cứu và phát triển triết học Mác – Lênin, tư tưởng triết học Hồ Chí Minh nhằm cung cấp cơ sở lý luận triết học cho đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thứ ba, Hội Triết học có nhiệm vụ góp phần làm sáng tỏ vai trò của triết học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với tính cách là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng ta, là ngọn cờ tư tưởng và hạt nhân lý luận của thế giới quan và phương pháp luận cho mọi hoạt động lý luận và thực tiễn. Từ góc độ lý luận triết học, Hội triết học cần đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm triết học sai trái, thù địch, đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, đất nước; thứ tư, Hội Triết học phải trở thành mái nhà chung của các thế hệ những nhà nghiên cứu, giảng dạy triết học của cả nước, cái nôi vun đắp, bồi dưỡng, để Việt Nam có những triết gia, chuyên gia nghiên cứu triết học tầm cỡ khu vực và thế giới, là nơi tham gia tổ chức các diễn đàn học thuật uy tín về triết học cả trong và ngoài nước.
Tại phiên thảo luận, đại hội đã nghe các báo cáo của PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và TS. Nguyễn Thị Luyện, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Các báo cáo thảo luận đã đưa ra nhiều ý kiến gợi mở về nguyên tắc hoạt động và một số hướng đi nhằm nâng cao sự tương trợ, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các thành viên và tổ chức thành viên của Hội Triết học.
Trong khuôn khổ Đại hội, các đại biểu tham dự đã bầu ra Ban Chấp hành Hội Triết học gồm 33 ủy viên và Ban Kiểm tra Hội Triết học gồm 3 ủy viên. Sau khi ra mắt Đại hội, Ban Chấp hành khóa đầu tiên của Hội đã họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 ủy viên và các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký của Hội. GS.TS. Lê Hữu Nghĩa được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Các Phó Chủ tịch Hội gồm: GS.TS. Phạm Văn Đức, GS.TS. Nguyễn Trọng Chuẩn, PGS.TS. Nguyễn An Lịch, GS.TS. Trần Văn Phòng, GS.TS. Trương Giang Long. GS.TS. Trần Văn Phòng đảm nhận vai trò Tổng thư ký Hội.
Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có hai đại diện được bầu vào Ban Chấp hành Hội, gồm: PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng và PGS.TS. Cao Thu Hằng, Phó Viện trưởng. Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Hội Triết học.