"Hướng tới nền hòa bình vĩnh cửu" - Khát vọng của nhân loại (Kỷ niệm 210 năm ra đời tác phẩm "Hướng tới nền hòa bình vĩnh cửu" của I.Cantơ)

16/01/2018

Đối với I.Cantơ, “hoà bình” là sự kết thúc mọi thù địch, mọi hành động chiến tranh. Với nhãn quan triết học, trong “Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu”, ông đã vạch ra những điều kiện, nguyên tắc cơ bản để xây dựng và bảo đảm nền hoà bình vĩnh cửu cho cộng đồng nhân loại. I.Cantơ nhấn mạnh rằng, hoà bình phải được thiết lập một cách tích cực, được bảo vệ bằng luật pháp quốc tế và hiến pháp dân sự; rằng, con người phải có quyền công dân thế giới – một quyền cao hơn, hay chí ít, cũng không thấp hơn quyền tự do cá nhân. Theo đó, có thể khẳng định “Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu” không chỉ là tư tưởng triết học độc đáo, có ý nghĩa nhân văn cao cả của I.Cantơ, mà hơn thế, còn là một khát vọng chân chính của nhân loại.

Một học giả lỗi lạc trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau, như thiên văn học, địa chất học, vật lý học, v.v. - đó là những gì chúng ta biết về Imanuin I.Cantơ (1724 - 1804) ở giai đoạn tiền phê phán (trước năm 1770). Song, phải tới giai đoạn sau, giai đoạn thường được gọi là giai đoạn phê phán, I.Cantơ mới xuất hiện như một nhân vật khổng lồ về triết học. Với ba tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý (1781), Phê phán lý tính thực tiễn (1788) và Phê phán năng lực phán đoán (1790), triết học I.Cantơ đã trở thành điểm khởi đầu của một dòng triết học có ảnh hưởng hết sức to lớn đến lịch sử văn hoá nhân loại - triết học cổ điển Đức.

Theo I.Cantơ, triết học cần phải coi nhiệm vụ hàng đầu là xác định bản chất của con người. Ông nhận xét rằng, khoa học từ trước cho đến thời ông chưa có được một nền tảng phát triển vững chắc, bởi “khoa học về con người” vẫn chưa được chú trọng và cũng chưa có sự phát triển đúng mức. Chính vì vậy, triết học cần hướng vào việc giải quyết những vấn đề của cuộc sống và hoạt động thực tiễn, cần giúp cho con người có cách nhìn đúng đắn về bản thân và thế giới để từ đó, có thể vạch ra những nguyên tắc cơ bản cho hoạt động sống của con người vì lý tưởng nhân văn, đạo đức và tự do.

Trong số các tác phẩm của I.Cantơ, có một tác phẩm ít được nhắc tới, song đó lại là tác phẩm thể hiện khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người, cho mọi người. Ở đó, những tư tưởng về hoà bình, về cuộc sống tự do cho con người cũng như những điều kiện, những cách thức đạt tới nó được nhắc đến nhiều nhất và cụ thể nhất. Đó là tác phẩm Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu (Zum ewigen Frieden, 1795)(1). Tuy nhiên, trong lịch sử nhân loại, khát vọng về hoà bình không phải chỉ riêng của I.Cantơ. Đó là mong ước ngàn đời của cả nhân loại. Trong tác phẩm này, I.Cantơ đã cố gắng lý giải vấn đề làm thế nào để có thể chấm dứt chiến tranh và loại bỏ được tai hoạ này cho nhân loại? Và, I.Cantơ đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua chính trị mà theo ông, bằng cách này, nhân loại có thể đạt được mục đích hoà bình và cuộc sống tự do.

 Nước Đức, trong lịch sử cũng như trong thời đại của I.Cantơ, luôn được coi là “trái tim”, đồng thời cũng là “quả táo bất hoà” của châu Âu, như nhận xét của nhà triết học G.V.Lépnít (1646 - 1716). Thật vậy, ngay khi mới ra đời, từ sau hiệp ước Vécđoong năm 843 đến thế kỷ XVI, nước Đức luôn trong tình trạng bất ổn, tình trạng cát cứ và sự phát triển rời rạc của các thành thị. Chính vì vậy, dù có vị trí ven biển thuận lợi, nhưng nền kinh tế Đức phát triển hết sức chậm chạp và so với các nước phát triển ở Tây Âu thời bấy giờ, như Anh và Pháp, Đức là nước có nền kinh tế khá lạc hậu.

Từ thế kỷ XVI, lịch sử thế giới bước sang trang mới được đánh dấu bởi phong trào văn hoá Phục hưng và sự xuất hiện, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng chủ đạo của thời kỳ Phục hưng là đề cao chủ nghĩa nhân văn, đòi giải phóng con người, đả phá tư tưởng phong kiến và giáo hội Thiên Chúa. Các nhà tư tưởng thời kỳ này thường đề cao quyền tự nhiên của con người và chủ trương giải phóng con người khỏi những ràng buộc tôn giáo. Với sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa, mối quan hệ hợp tác giữa các nước tư bản được hình thành, song những cuộc tìm kiếm thuộc địa, xâm lược lẫn nhau để giành giật thị trường giữa các nước này cũng theo đó mà xuất hiện.

Riêng với nước Đức, năm 1795, bản Hiệp ước hoà bình giữa Pháp và Phổ được ký kết. Bản Hiệp ước này, một mặt, tạo dựng nền hoà bình tạm thời cho Phổ, đem lại cho nó những điều kiện nhất định để xây dựng đất nước. Mặt khác, nó thể hiện sự yếu thế của Phổ, vì Pháp ép Phổ phải nhường một phần lãnh thổ của mình cho Pháp.

Với “con mắt” của một nhà triết học lỗi lạc, I.Cantơ nhìn nhận những sự kiện trên một cách sâu sắc, tìm ra căn nguyên và vạch ra những điều kiện căn bản để xây dựng nền hoà bình không chỉ cho nước Phổ, mà cả trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả những điều đó được ông trình bày trong Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu. Hoà bình vĩnh cửu có thể là không thực tế, nhưng I.Cantơ quả quyết rằng, nhân loại phải làm, phải hướng tới nó, vì đó là nhiệm vụ của cả cộng đồng nhân loại. Không chỉ thế, Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu còn là lời kêu gọi toàn thể nhân loại, thể hiện ước muốn của toàn nhân loại.

Vậy, I.Cantơ hiểu thế nào là “hoà bình”?

Theo ông, “hoà bình” là sự kết thúc mọi sự thù địch, mọi hành động chiến tranh. Hơn nữa, khi áp dụng “mệnh lệnh tuyệt đối” vào mối quan hệ giữa các nước, ông đã kêu gọi loại bỏ mọi hoạt động hay chính sách nào ảnh hưởng đến nền hoà bình của các quốc gia. I.Cantơ còn chỉ ra rằng, mọi quốc gia cũng như mọi cá nhân đều phải quan tâm đến quyền hợp pháp và trong trường hợp này, liên minh quốc gia là cách duy nhất để thiết lập nền hoà bình và quyền chung đó. Do vậy, những hội nghị thường xuyên của các quốc gia, rốt cuộc, đều phải phù hợp với thực tế để những sự đối lập có thể giải quyết được bằng những cách thức của quá trình dân sự, bằng cách lấy sự thương thảo thay cho chiến tranh.

Coi việc thiết lập nền hoà bình của liên minh các quốc gia dựa trên sự hợp pháp của pháp lý hơn là dựa trên cơ sở đạo đức, trên những nguyên lý về đạo đức, I.Cantơ đã đi đến kết luận rằng, sự phổ biến và bền vững của hoà bình không thể được hình thành như một phần giản đơn, mà nó chính là toàn bộ mục đích cuối cùng, là sự kết thúc lý luận về các quyền cần được cân nhắc trong giới hạn của lý trí.

Trong Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu, I.Cantơ đã đưa ra sáu điều khoản sơ bộ cho một nền hoà bình vĩnh cửu giữa các quốc gia:

“1. Không có bản hiệp ước hoà bình nào có giá trị khi mà trong đó, ngầm chứa những cơ sở cho một cuộc chiến tranh trong tương lai.

2. Không có quốc gia độc lập, dù lớn hay nhỏ, phải nằm dưới quyền thống trị của quốc gia khác bởi sự thừa kế, mua bán, tranh giành hay một món quà tặng.

3. Đội quân thường trực sẽ hoàn toàn bị thủ tiêu cùng với thời gian.

4. Những khoản nợ nhà nước không được phép sử dụng cho những công việc đối ngoại chính trị.

5. Không có quốc gia nào có thể sử dụng vũ lực để can thiệp vào hiến pháp hay cơ cấu chính phủ của quốc gia khác.

6. Trong thời gian chiến tranh với các quốc gia khác, không một quốc gia nào được sử dụng những hoạt động thù địch để làm mất đi sự tin cậy lẫn nhau trong trạng thái hoà bình tương lai, như tung những kẻ ám sát (percussores), sử dụng những kẻ đầu độc (venefici), vi phạm những điều khoản đã được thoả thuận và xúi giục làm phản (perduellio) ở quốc gia đối lập(2).

Như vậy, rõ ràng là, ngay trong điều khoản sơ bộ đầu tiên, I.Cantơ đã nói lên thực chất của bản Hiệp ước hoà bình giữa Pháp và Phổ được ký kết năm 1795. Nền hoà bình hiện tại của Phổ không phải là nền hoà bình mà ông cũng như những người dân của nước Phổ mong muốn. Bởi vì, Hiệp ước này chỉ tạo dựng được một thứ hoà bình tạm thời, còn một khi tham vọng của Pháp lớn hơn, nước Pháp sẽ không thấy thoả mãn với phần đất đã có được do sự nhượng bộ của Phổ. Như vậy, bản Hiệp ước “hòa bình” kia thực ra chỉ là bản hiệp định ngừng chiến, chứ không phải là bản hiệp ước hoà bình theo đúng nghĩa của nó. Ai dám chắc rằng, một bản hiệp ước được ký với những điều kiện vật chất xác định có lợi cho một phía lại có thể tồn tại mãi mãi? Chính lịch sử nước Đức đã chứng minh rằng, bản Hiệp ước đó là vô giá trị. 

Không chỉ thế, I.Cantơ còn nhấn mạnh rằng, khi một hoặc cả hai phía hướng tới bản Hiệp ước hoà bình đã trở nên quá kiệt sức để có thể tiếp tục gây chiến với nhau, thì sẽ dẫn tới những hạn chế ngầm, sự ngưng chiến tạm thời để rồi khi có thời cơ thuận lợi trong tương lai, nó sẽ bị phá bỏ và lòng tin cũng không còn.

Để có được nền hoà bình vĩnh cửu, I.Cantơ kêu gọi loại bỏ quân đội thường trực, mặc dù lực lượng này không thường xuyên tham gia vào các hoạt động chiến tranh, nhưng việc duy trì nó với số lượng không phù hợp lại là mối đe doạ đối với các quốc gia khác và từ đó, khiến cho việc “chạy đua vũ trang” giữa các quốc gia trở thành khó tránh khỏi. I.Cantơ còn cho rằng, các quốc gia không có quyền tiến hành chiến tranh trừng phạt lẫn nhau, vì sự trừng phạt sẽ làm xuất hiện quyền lực cao hơn và không còn giữ được sự cân bằng trong quan hệ giữa các nước. Quốc gia nào cũng có ba thứ vũ khí thể hiện sức mạnh của mình là quân đội, sự liên minh và đồng tiền, trong đó đồng tiền là thứ vũ khí đáng tin cậy nhất. Chiến tranh có thể nổ ra khi sức mạnh của quốc gia đó được thể hiện trong năng lực kinh tế. Trong xã hội hiện đại, vấn đề này đã được thể hiện một cách rõ ràng, dễ thấy và I.Cantơ chính là người đã nhận ra điều này ngay từ những ngày đầu của xã hội tư bản. Nếu chiến tranh cứ diễn ra thường xuyên thì, theo ông, sẽ không có điều kiện để phát triển kinh tế và do vậy, chiến tranh là cái luôn xung khắc với thương mại. Việc phải thường xuyên chuẩn bị chiến tranh sẽ dẫn đến việc đánh mất một cách vô bổ những năng lực con người và đến lượt mình, điều đó sẽ kìm hãm việc phát triển các giá trị mang bản chất người.

Như vậy, mục đích rõ ràng nhất trong những mệnh đề trên của I.Cantơ là nhằm loại bỏ sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các quốc gia, thiết lập quan hệ quốc tế và đề xuất những nguyên tắc phân xử xung đột. Trong điều khoản sơ bộ thứ hai, I.Cantơ còn chỉ rõ rằng, lệnh cấm được nói đến ở đây chỉ là cách thức để đạt mục đích, chứ không phải là cái có hiệu lực, là sự chiếm hữu. Rằng, trên thực tế, đó không phải là quyền lực cần thiết, ngay cả khi nó có được tính hợp hiến đối với mọi quốc gia và với công luận. Với tất cả những điều khoản sơ bộ này, I.Cantơ hy vọng đạt đến sự ổn định cho mọi quốc gia khi chủ quyền của mỗi quốc gia này (điều khoản sơ bộ thứ hai và thứ năm) được bảo đảm, những mối đe doạ bên ngoài đối với chủ quyền của các quốc gia khác (điều khoản sơ bộ thứ ba và thứ tư) được xoá bỏ và sự cam kết của mỗi quốc gia bằng lời hứa danh dự của quốc gia khác có thể tin cậy được (điều khoản sơ bộ thứ nhất và thứ sáu). Và, ngay cả khi đạt tới sự ổn định đó, nền hoà bình vĩnh cửu giữa các dân tộc cũng chỉ có thể đạt được với nguyên tắc nhất định trong tương lai. Nếu không có những nguyên tắc này, thì theo I.Cantơ, nhân loại sẽ không thể có nền hoà bình vĩnh cửu ngay cả khi nền hoà bình hiện có đảm bảo rằng, sẽ không có chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, khi đưa ra quan điểm này, I.Cantơ vẫn đồng ý với quan điểm của Tômát Hốpxơ (1588 - 1679) rằng, chiến tranh là hiện tượng tự nhiên. Không chỉ vậy, ông còn khẳng định rằng, chiến tranh tự nó là một hiện tượng tự nhiên hữu ích, là cái cho phép bảo vệ bản sắc và sự độc lập của các dân tộc và ở một chừng mực nào đó, nó còn kích thích phát triển toàn diện những năng lực bản chất của con người. Nhưng, khác với T.Hốpxơ, I.Cantơ không coi chiến tranh là một phương thức hành động. Theo ông, đó chỉ là một phương tiện bất đắc dĩ mà người ta buộc phải tiến hành để khẳng định các quyền của mình bằng sức mạnh và để hy vọng, rốt cuộc thì “nền hoà bình vĩnh cửu của các quốc gia cũng phải được thiết lập”. Điều này, theo I.Cantơ, chỉ có thể đạt được khi áp dụng ba điều khoản cuối cùng.

Khi đưa ra ba điều khoản cuối cùng cho một nền hoà bình vĩnh cửu giữa các quốc gia, I.Cantơ đã quan sát và cho rằng, quốc gia nào cũng có thể bị cuốn hút bởi các cuộc xung đột và chiến tranh và do vậy, hoà bình phải được thiết lập một cách tích cực và được bảo vệ bởi hiến pháp dân sự. Hiến pháp này được quy định bởi luật pháp đối với mỗi công dân, luật pháp đối với mỗi quốc gia và luật pháp đối với quyền công dân thế giới :

“1. Hiến pháp dân sự của mỗi quốc gia nên hướng tới nền cộng hoà.

2. Luật pháp quốc tế phải dựa trên liên minh của những quốc gia tự do.

3. Quyền công dân thế giới bị giới hạn bởi hoàn cảnh của lòng mến khách chung”(3).

Theo I.Cantơ, pháp luật phải được áp dụng cho mọi người và mọi người đều bình đẳng trước nó, kể cả chính phủ, nghĩa là không loại trừ một ai. Rằng, những nguyên tắc của tự do, của luật pháp chung và của sự bình đẳng là những cái có liên quan với nhau. Với quan niệm này, I.Cantơ hy vọng rằng, việc các chính phủ yêu cầu công dân của nước mình không tán thành chiến tranh sẽ ngăn cản được sự tàn phá, bởi họ không phải là những kẻ cầm quyền, mà là những vật hy sinh và chịu nhiều đau khổ nhất khi chiến tranh xảy ra.

Với I.Cantơ, “luật pháp quốc tế phải dựa trên liên minh của những quốc gia tự do” và phải thiết lập quyền lợi của các quốc gia trong liên minh đó. Để bảo vệ cho quan điểm này của mình, I.Cantơ đã giải thích rõ sở dĩ những bộ luật của H.Gruxi (Grotius, 1583 - 1645), S.Puphendooc (Pufendorf, 1632 - 1694), E.Vatten (Vattel, 1714 - 1767) không thể có được sức mạnh hợp pháp là bởi họ là những người đã lớn tiếng bào chữa cho chiến tranh.

Để kết thúc mọi cuộc chiến tranh, theo I.Cantơ, sự liên minh giữa các quốc gia bao giờ cũng là cần thiết. Rằng, một khi những nước cộng hoà liên kết lại với nhau trong việc thành lập liên minh thì các quyền lập pháp, hành pháp tối cao và sức mạnh của tư pháp đều có thể được thiết lập dựa trên sự dung hoà những điểm khác biệt giữa các quốc gia. Và, một khi các quốc gia này không thừa nhận sức mạnh tối cao đó thì, để có thể bảo vệ được các quyền của mình, họ buộc phải từ bỏ sự tự do không tuân theo pháp luật chung để đến với sự tự do cuối cùng và an toàn trong phạm vi của luật pháp chung.

“Quyền công dân thế giới bị giới hạn bởi hoàn cảnh của lòng mến khách chung”, song do Hiến pháp dân sự của mỗi nước và do luật pháp quốc tế quy định, nên mọi công dân đều có quyền không bị coi là kẻ thù địch khi đến một quốc gia khác, mặc dù đó chỉ là quyền của một vị khách chứ không phải là của chủ nhân. I.Cantơ đã tiên lượng trước điều đó khi ông viết: “Một cộng đồng hẹp hay rộng lớn hơn trên trái đất này đều có quyền phát triển cho đến khi sự vi phạm về quyền tại một nơi nào đó trở thành hiện tượng phổ biến ở khắp nơi”(4). Như vậy, theo I.Cantơ, quyền công dân thế giới phải cao hơn hay ít ra, cũng không thể thấp hơn quyền tự do cá nhân và đó là cái không thể thiếu để có được một nền hoà bình vĩnh cửu.

Với những nội dung đó, Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu của I.Cantơ vẫn có ý nghĩa nhất định đối với thời đại ngày nay, khi mà chiến tranh và hoà bình đã trở thành một trong những vấn đề toàn cầu lớn của cả nhân loại. Quan điểm của ông về một nền hoà bình vĩnh cửu đang đặt ra nhiều câu hỏi không chỉ cho các nhà triết học, các nhà khoa học xã hội, mà cho tất cả các nhà chính trị trên thế giới và cho toàn thể nhân loại. Theo dự đoán của I.Cantơ, thế giới nhất định sẽ hướng tới một nền hoà bình vĩnh cửu. Và, với dự đoán này, ông đã đưa ra những thước đo để kiểm tra, để đánh giá bước tiến trên từng nấc thang đó của nhân loại trong quá trình xây dựng một nền hoà bình vĩnh cửu.

 Những tư tưởng về một nền hoà bình vĩnh cửu, về một cuộc sống tốt đẹp cho con người của I.Cantơ vừa thể hiện khát vọng ngàn đời của nhân loại, vừa là cơ sở để cho các nhà triết học đi sau phát triển, chẳng hạn, những nhà Khai sáng Pháp, như Môngtexkiơ, Rútxô, v.v.. Giờ đây, xây dựng một nền hoà bình vĩnh cửu đang trở thành một trong những dự án có ý nghĩa xã hội lớn nhất, được giới khoa học và các nhà chính trị quan tâm không chỉ trong khuôn khổ nghiên cứu những vấn đề toàn cầu của nhân loại, mà còn như một “mệnh lệnh tuyệt đối” phải được thực thi vì sự sống còn của loài người. 

Sau 210 năm, kể từ khi ra đời, mặc dù còn chứa đựng những điều khó có thể thực hiện được khi xã hội còn không ít những thế lực vẫn nuôi tham vọng thống trị thế giới bằng chiến tranh, bằng sức mạnh của vũ khí huỷ diệt, nhưng những tư tưởng cơ bản của Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu của I.Cantơ vẫn có sức mạnh của tư tưởng nhân văn cao cả, có khả năng tập hợp lực lượng và tập trung sức mạnh của đông đảo những người yêu chuộng hoà bình trên phạm vi toàn thế giới. Một nền hoà bình thực sự chỉ có được khi cả nhân loại đoàn kết trong một liên minh rộng lớn, một liên minh đủ sức chống lại chiến tranh.

                                                                            


(*) Sinh viên K46, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
(1) Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng bản tiếng Anh được truy cập từ Internet, trang http://. Philosophy/Kant/Perpetual Peace.

(2) Imanuin I.Kant. Hướng tới nền hoà bình vĩnh cửu. (Kant/ Perpetual Peace), http:/. www.yahoo.com. Philosophy/Kant/Perpetual Peace.

(3) Imanuin Kant. Perpetual peace.  Tài liệu đã dẫn,  http://www.yahoo.com.

(4) I.Cantơ. Tài liệu đã dẫn.


Tạp chí Triết học, số 4 (167), tháng 4 - 2005


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007