Tìm kiếm bản nguyên đầu tiên của toà nhà Vũ trụ, luận giải bản nguyên đó về phương diện bản thể luận và gắn nó với một hay một vài dạng tồn tại cụ thể, - tồn tại dưới dạng trực quan cảm tính mà các giác quan của con người có thể nhận biết được, - của vật chất - đó là một trong những đặc trưng chủ yếu làm nên tính độc đáo của triết học Hy Lạp cổ đại. Trước Hêraclít, nhà triết học nổi tiếng của trường phái Milê - Talét (624 - 547 TCN), người có công đầu trong việc làm cho hình học Ai Cập và thiên văn học Babilon trở thành hình học và thiên văn học với tư cách những bộ môn khoa học, người đã giải thích đúng đắn hiện tượng nhật thực và xác định độ dài của một năm là 365 ngày, người đã đưa ra định lý Talét trong toán học mà cho đến nay, vẫn còn nguyên giá trị - đã cho rằng, trái đất là một cái đĩa khổng lồ trôi nổi trên đại dương bao la và nước chính là yếu tố đầu tiên, là bản nguyên của mọi vật, tất cả đều sinh ra từ nước để rồi lại trở về với yếu tố cuối cùng là nước, nước vận động vĩnh hằng và giữ vai trò hết sức quan trọng trong tự nhiên cũng như trong đời sống con người. Sau Talét, nhà triết học cũng thuộc trường phái Milê - Anaximanđrơ (610-546 TCN), người đầu tiên đặt vấn đề nghiên cứu nguồn gốc loài người, coi con người là kết quả tiến hoá của loài cá, người sáng chế ra đồng hồ mặt trời để đo giờ trong một ngày, người coi trái đất là một khối hình trụ, là trung tâm của Vũ trụ, vận động quay tròn mà sinh ra nóng, lạnh - đã cho rằng , cơ sở đầu tiên, độc nhất của mọi dạng vật chất là Apâyrôn và coi Apâyrôn là dạng vật chất đơn nhất, vô định, vô hạn, tồn tại vĩnh hằng, không giống bất kỳ vật thể nào, không giống nước, cũng không giống không khí, mà là cái nằm giữa nước và không khí, là thực thể vô cùng (subtance infinie) và bao trùm toàn Vũ trụ. Học trò của Anaximanđrơ là Anaximen (585 - 525 TCN), người coi mặt trời, mặt trăng và tất cả các tinh tú khác đều từ trái đất mà ra, do trái đất quay quanh mà bắn ra xa, thì cho rằng, khởi nguyên vật chất đầu tiên mà ông gọi là “vật chất mẹ” là không khí – cái giữ vai trò tối quan trọng trong đời sống muôn loài và trong tự nhiên, cái mà cùng với hơi thở – nguồn sống, sinh khí của con người – bao trùm cả Vũ trụ và con người biết được nhờ quá trình làm cho nó trở nên đậm đặc hơn hay loãng hơn.
Kế thừa và tiếp thu tư tưởng duy vật của các nhà triết học thuộc trường phái Milê, khi lý giải vấn đề cơ bản của triết học về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, vật chất và ý thức, Hêraclít đã khẳng định một cách dứt khoát rằng, thế giới vật chất là do chính vật chất sinh ra, giới tự nhiên bắt nguồn từ bản thân tự nhiên. Rằng, Vũ trụ này không phải là sản phẩm của Thượng đế, thần thánh; thế giới vật chất không phải do con người tạo ra. Vũ trụ là một chỉnh thể vật chất vận động. Ngay cả thế giới tinh thần mà ông đồng nhất với đời sống linh hồn, theo ông, cũng được sinh ra từ vật chất. Và, nguyên thể vật chất đầu tiên, bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của mọi dạng vật chất là Lửa. Ông viết : “Thế giới là một chính thể bao gồm vạn vật. Thế giới là đồng nhất với hết thảy mọi sự vật tồn tại trong nó. Thế giới ấy không do bất cứ vị thần nào sáng tạo ra, cũng không do bất cứ người nào sáng tạo ra. Thế giới là một ngọn Lửa sống bất diệt trong quá khứ, hiện tại cũng như trong tương lai. Ngọn lửa ấy cháy sáng trong một khoảnh khắc nhất định và cũng tàn lụi đi trong một khoảnh khắc nhất định theo những quy luật của nó” (B30)(**).
Khi tìm kiếm nguyên thể vật chất đầu tiên của Vũ trụ và khẳng định nguyên thể đó là Lửa, Hêraclít, cũng như các nhà triết học duy vật tiền bối thuộc trường phái Milê, đã xuất phát từ quan niệm cho rằng, mọi quá trình diễn ra trong Vũ trụ này đều là những quá trình tự nó; chúng tự vận động mà không cần đến bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài của một lực lượng xa lạ nào đó, kể cả Thượng đế. Vũ trụ tự vận động với năng lực nội tại, vốn có và năng lực đó chính là “sự sống”. Tính năng động hay “sức sống” của các vật thể trong Vũ trụ này thể hiện ra ở sự vận động liên tục và biến đổi thường xuyên của chúng. Chúng vận động và biến đổi theo quy luật Vũ trụ – Logos. Logos là cái vốn có, phổ biến, cái quy định trật tự thay thế lẫn nhau một cách hài hoà của các vật thể trong Vũ trụ. Vũ trụ là một chỉnh thể thống nhất của các vật thể, nó “vừa là cái duy nhất, vừa là cái Đa, cái Bội đa” (B72) và do vậy, Vũ trụ này không thể thiếu một khởi nguyên ban đầu thống nhất và chung cho mọi vật thể, một khởi nguyên đóng vai trò là tác nhân của mọi sự biến đổi và chuyển hoá. Và, khởi nguyên đó chính là Lửa.
Lý giải vì sao Lửa là khởi nguyên vật chất đầu tiên của Vũ trụ chứ không phải là một nguyên thể vật chất, một yếu tố vật chất nào khác, Hêraclít đã dựa vào trực quan cảm tính mà cho rằng, sở dĩ Lửa có tư cách đó là bởi “hết thảy mọi sự vật đều chuyển hóa thành Lửa” và “Lửa cũng chuyển hoá thành hết thảy sự vật”, giống như “hàng hoá chuyển thành vàng, vàng lại chuyển thành hành hoá” (B90). Không chỉ thế, Lửa còn “điều khiển tất cả”, “Lửa phán xét tất cả” (B92).
Còn một lý do nữa đã khiến cho Hêraclít kiên quyết khẳng định Lửa là bản nguyên vật chất đầu tiên của Vũ trụ. Đó là: vào thời đại của Hêraclít thì trong số bốn yếu tố, bốn bản thể vật chất phổ biến - Đất, Nước, Lửa, Không khí mà người Hy Lạp biết tới, Lửa được coi là yếu tố tích cực nhất, năng động nhất và cũng tinh tế nhất. Giống như dòng sông đang chảy đã đem lại cho Hêraclít một quan niệm rõ ràng về “dòng chảy”, về sự “trôi đi, chảy đi” – sự vận động vĩnh hằng của vật chất, Lửa, sự bùng cháy, sự phát sáng của Lửa và hiện tượng ánh sáng do Lửa phát ra, tia nắng soi rọi của Mặt trời “toả lan ra như biển” (B77) đã đem lại cho ông, đã khiến ông liên tưởng đến một hình ảnh sống động về cơ sở nền tảng, về tác nhân mà con người có thể cảm thấy được của mọi sự biến đổi và chuyển hoá trong Vũ trụ. Lửa, theo Hêraclít không chỉ là tác nhân, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của Đất, Nước, Không khí, mà còn là tác nhân, nguyên nhân dẫn đến, sự tiêu tan, biến mất, “sự chết” của những bản thể vật chất này. Ông viết: “Lửa sinh ra cái chết của đất. Khí sinh ra trong cái chết của Lửa. Nước sinh ra trong cái chết của khí. Đất sinh ra trong cái chết của nước. Lửa chết thì khí sinh. Khí chết thì nước sinh. Đất chết thì nước sinh. Nước chết thì khí sinh. Khí chết thì Lửa sinh. Ngược lại cũng như vậy” (B76). Lửa không chỉ là tác nhân, nguyên nhân khiến cho “cái lạnh nóng lên, cái nóng lạnh đi, cái ướt khô đi, cái khô ướt lại, …” (B66), mà còn là tác nhân, nguyên nhân gây nên sự biến đổi, chuyển hoá của vạn vật trong Vũ trụ. Không chỉ có vạn vật trong Vũ trụ có sự biến đổi và chuyển hoá lẫn nhau, mà cả Lửa, theo Hêraclít, cũng luôn cũng tự biến đổi và chuyển hoá theo cái Logos vốn có của nó. Ông viết: “Sự chuyển hoá của Lửa là: đầu tiên thành biển, một nửa biến thành đất, nửa còn lại thành gió xoáy… Đất lại hoá thành biển và tuân theo Logos mà trước kia, biển hoá thành đất đã tuân theo” (B31). Sự tự biến đổi, chuyển hoá của Lửa được thể hiện ra ở độ lửa và nhờ độ lửa này, nhờ sự tăng lên hay giảm đi của độ lửa mà vật chất chuyển hoá từ thể rắn (Đất) sang thể lỏng (Nước), từ thể lỏng sang thể hơi (Không khí) và ngược lại. Song, chu trình chuyển hóa này của vật chất không dừng lại ở đó, mà nó còn tiếp tục chuyển hoá để trở về với cái bản nguyên đầu tiên của nó là Lửa.
Các nhà triết học sau Hêraclít, khi luận giải quan niệm của ông về quá trình biến đổi và chuyển hoá của vật chất diễn ra nhờ sự tự biến đổi và chuyển hoá của Lửa, nhờ sự tăng giảm của độ lửa, đã khái quát quá trình đó thành một chu trình hai cấp độ:
- Cấp độ thứ nhất được gọi là con đường đi lên (có nhà triết học gọi là con đường thượng) diễn ra theo trật tự: Lửa ® vật chất ở thể rắn (Đất) ® vật chất ở thể lỏng (Nước) ® vật chất ở thể hơi (Không khí) ® Lửa.
- Cấp độ thứ hai được gọi là con đường đi xuống (cũng có nhà triết học gọi là con đường hạ) ® diễn ra theo trật tự : Lửa ® vật chất ở thể hơi (Không khí) ® vật chất ở thể lỏng (Nước) ® vật chất ở thể rắn (Đất) ® Lửa.
Chu trình hai cấp độ diễn tả quá trình biến đổi và chuyển hoá này của thế giới vật chất còn được các nhà triết học sau Hêraclít coi là một chu trình khép kín, thống nhất ở “một ngọn Lửa sống bất diệt”. Bởi lẽ, theo họ, chính Hêraclít cũng đã khẳng định như vậy khi ông cho rằng, “con đường lên dốc và đường xuống dốc là cùng một con đường” (B60); rằng, “tự nhiên chết hai lần ở cùng một trạng thái. Tự nhiên đang chết luôn diễn ra sự xuất hiện và tiêu vong, tiến lại gần và đi ra xa, tích tụ và phân tán” (B91); rằng, ngay cả trong mỗi con người thì “sống và chết, thức và ngủ, trẻ và già trước sau cũng đều là một. Cái sau biến hoá thành cái trước. Cái trước biến hoá lại trở thành cái sau” (B88),… và tất cả đều là do sự bùng cháy hay tàn lụi của ngọn lửa theo Logos vốn có của nó (B30).
Một lý do nữa mà theo chúng tôi, không thể bỏ qua, khi lý giải vì sao trong số những nguyên thể vật chất phổ biến, Hêraclít đã khẳng định Lửa là nguyên thể vật chất đầu tiên, là khởi nguyên vật chất duy nhất của Vũ trụ. Đó là lý do mà theo sự phỏng đoán của các nhà triết học sau Hêraclít, mặc dù Hêraclít là người theo chủ nghĩa duy vật, thậm chí ông còn là nhà triết học duy vật tiêu biểu cho một nền triết học rực rỡ của nhân loại, song không vì thế mà ông không chịu ảnh hưởng của những câu chuyện thần thoại mang tính hoang đường và vốn đã trở thành tiềm thức của những người Hy Lạp cổ đại. Đó là câu chuyện về thần Dớt và các vị thần khác trên đỉnh Ôlimpia - nơi mà theo truyền thuyết, luôn ngự trị một ngọn Lửa thiêng với ánh sáng huyền diệu, vĩnh hằng. Và, thần Dớt - chúa tể của các vị thần sở dĩ có được địa vị đó và giữ được địa vị đó một cách vĩnh viễn trên đỉnh Ôlimpia linh thiêng là bởi Ngài nắm được quyền sở hữu ngọn Lửa thiêng, được hun đúc bởi chính khí thiêng của ngọn Lửa vĩnh hằng, nắm được cái Logos vốn có của ngọn Lửa ấy và do vậy trở thành “người duy nhất có trí tuệ” anh minh (B32); bản thân thần Dớt thì được coi là hiện thân của Mặt trời trên Trái đất, là sự nhân cách hoá Mặt trời - nơi mà Lửa có độ lửa lớn nhất và Lửa ở đây, độ lửa ở đây dẫu “cũng mỗi ngày mỗi khác” (B6) nhưng sự tồn tại của nó là bất diệt. Do chịu ảnh hưởng của câu chuyện thần thoại này và với một quan niệm như vậy, Hêraclít đã coi Lửa là bản nguyên vật chất đầu tiên, duy nhất của Vũ trụ.
Lý giải vì sao Lửa là bản nguyên vật chất duy nhất của vạn vật trong Vũ trụ, Hêraclít cho rằng, Vũ trụ này là một, là duy nhất đối với mọi cái hiện tồn, là chỉnh thể thống nhất, nên vạn vật trong nó phải có chung một nguồn phát sinh, một cội nguồn xuất phát và nguồn gốc, cội nguồn đó chính là Lửa. Ngay cả thế giới tinh thần mà ông đồng nhất với đời sống linh hồn, theo ông, cũng có nguồn gốc xuất phát từ vật chất, được sinh ra từ lửa. Khẳng định nguồn gốc vật chất của linh hồn, Hêraclít viết: “Đối với linh hồn thì chết có nghĩa là biến thành nước. Đối với nước thì chết tức là biến thành đất… Nước từ đất mà ra, linh hồn cũng từ nước mà ra” (B36). “Linh hồn… là cái thoát ra từ nơi ẩm ướt” (B12). Linh hồn được sinh ra từ nước. Nước lại được sinh ra từ đất nhờ “sự chuyển hoá của lửa” (B31). Do vậy, linh hồn cũng là cái được sinh ra từ Lửa, do sự chuyển hoá của Lửa. Song, “linh hồn là một dạng tinh tuý của Lửa, là sự bùng cháy của Lửa, là tia chớp” (B15) và do vậy, con người không thể dễ dàng tìm thấy “biên giới của linh hồn”, dẫu có đi khắp mọi nẻo đường “cũng vẫn không thể tìm thấy được”, bởi gốc rễ của linh hồn ở nơi tinh tuý nhất của Lửa và bởi bản thân linh hồn cũng luôn biến đổi theo quy luật - Logos vốn có của nó: “Logos là cái mà linh hồn vốn có, tự nó phát triển” (B115).
Như vậy, có thể nói, trong quan niệm của Hêraclít thì lửa là bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của vạn vật trong Vũ trụ. lửa là cơ sở nền tảng của thực tại vật chất, bao trùm toàn bộ thực tại vật chất này, “toả lan ra như biển” khắp Vũ trụ này và quy định, quyết định (“điều khiển”, “phán xét” theo cách nói của Hêraclít) sự vận động, biến đổi, chuyển hoá của thực tại vật chất ấy, của mọi vật thể trong Vũ trụ theo cái Logos - quy luật vốn có của nó. lửa là cái mà từ đó, vạn vật được sinh ra, kể cả linh hồn với tư cách thế giới tinh thần, để rồi lại biến đổi, chuyển hoá thành lửa, trở về với chính lửa như là hệ quả tất yếu của Logos Vũ trụ. “Sự chuyển hoá của Lửa”, sự tự thay đổi theo con đường lên - xuống của độ lửa là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời và diệt vong của vạn vật trong Vũ trụ và của cả Vũ trụ với tư cách một chỉnh thể. Do vậy, mọi sự “phán xét” về Vũ trụ này và vạn vật sống trong đó đều phải được “thực hiện thông qua Lửa” (B64), thông qua độ lửa với tư cách sản phẩm trực tiếp của sự chuyển hoá của Lửa. Vạn vật trong Vũ trụ này đều có thể chuyển hoá thành Lửa và Lửa cũng có thể chuyển hoá thành bất cứ vật thể nào, kể cả linh hồn, trong Vũ trụ. Vũ trụ là một chỉnh thể thống nhất và tính thống nhất của Vũ trụ là ở “ngọn lửa sống bất diệt”, vĩnh hằng nhưng cũng luôn bùng cháy và lụi tàn trong những khoảnh khắc nhất định, ở những vật thể nào đó theo Logos vốn có của nó.
Với tư cách là cái bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của Vũ trụ, Lửa, trong quan niệm của Hêraclít không phải là một hiện tượng tự nhiên tự phát, xa lạ với Logos Vũ trụ và không tuân thủ, phục tùng một giới hạn nào; cũng không phải là một khởi nguyên phi lý, không có lý tính, không phải là một lực lượng, một sức mạnh không thể điều khiển được bởi một lực lượng, một sức mạnh nào đó, lại cũng không phải là “một sự sáng tạo” nhưng không biết mình sáng tạo ra cái gì. Với Hêraclít, Lửa là khởi nguyên tự nhiên tích cực, năng động và tinh tế nhất. Lửa vận động, biến đổi và chuyển hoá theo Logos Vũ trụ và tuân thủ cái Logos của chính nó - độ lửa. Lửa “tạo ra, quản lý và quy định mọi sự biến hoá” (B100). Lửa “điều khiển tất cả”, “phán xét tất cả” (B92), “phán xét thế giới và vạn vật sống trong đó” (B64), song không phải vì thế mà có thể “tự do vượt quá độ” (B94). Lửa có sức mạnh vạn năng nhưng vẫn phải tuân thủ “sự sáng suốt duy nhất” – trí tuệ, bởi “đó là cái có thể chế ngự vạn vật thông qua vạn vật” (B56). Lửa có trong vạn vật, song ở một chừng mực nào đó, vẫn là cái xa lạ với vạn vật. Lửa chuyển hoá theo Logos vốn có của nó dẫn đến sự ra đời của vạn vật trong Vũ trụ và đến lượt mình, vạn vật ra đời vận động, biến đổi, chuyển hoá theo độ lửa để rồi lại trở về với cái bản nguyên đầu tiên của mình – Lửa: “Hết thảy mọi sự vật đều chuyển hoá thành Lửa. Lửa cũng chuyển hoá thành hết thảy sự vật” (B90). Lửa là bản nguyên vật chất sinh thành ra vạn vật trong Vũ trụ, song Lửa cũng là cái thiêu đốt vạn vật ấy, thiêu đốt cả Vũ trụ này, đưa cả Vũ trụ này về cõi vĩnh hằng: “Nếu như không có Mặt trời, cho dù có các tinh tú khác cũng chỉ là đêm tối” (B99). Lửa là bản nguyên vật chất “có lý tính” và do vậy, là cái duy nhất quy định tính có trật tự, tính hài hoà của Vũ trụ, mang lại cho vạn vật trong Vũ trụ và cả Vũ trụ này sự tồn tại hợp lý, tồn tại như một chỉnh thể thống nhất, “đồng nhất đối với hết thảy mọi sự vật” (B30). Lửa là “kẻ sáng tạo” duy nhất ra Vũ trụ này, là cái đem lại sự vận động, biến đổi và chuyển hoá “không ngừng nghỉ” của Vũ trụ này, đem lại cho Vũ trụ này sức sống trường tồn, năng lực sống vĩnh hằng. Lửa - đó không phải là thứ Lửa thông thường, mà là “sự cháy” với tư cách khởi nguyên sáng tạo sự sống. Lửa là cái “sống vĩnh hằng”, là cái không chỉ đem lại sự sống cho vạn vật, cho Vũ trụ, mà còn tượng trưng cho mọi cái sống động, năng động và tích cực. Song, Lửa cũng là “sự chết”, là cái chấm dứt sự tồn tại của vạn vật, đem lại sự nguội lạnh cho những “linh hồn… bị ẩm ướt” (B117). Lửa “bùng cháy” thì sự sống xuất hiện, sự vật mới ra đời. Còn khi Lửa “lụi tàn” thì sự sống chấm dứt, sự vật cũ không còn. “Bùng cháy” và “lụi tàn” là hai quá trình diễn ra đồng thời, theo chu kỳ và được chế định, được điều tiết bởi độ lửa. Nói cách khác, song song với quá trình chuyển hoá của Lửa thành vạn vật thì cũng diễn ra quá trình ngược lại – sự chuyển hoá của vạn vật thành Lửa. Lửa với tư cách khởi nguyên ban đầu, duy nhất và sự đa dạng của các vật thể đơn nhất tạo thành một sự thống nhất biện chứng - thống nhất trong mâu thuẫn và trong sự hài hoà của chúng, thống nhất trong sự chuyển hoá lẫn nhau của chúng.
Không chỉ thế, với Hêraclít, Lửa còn là thực tại vật lý, là cơ sở tự nhiên của mọi cái đang diễn ra, đồng thời là hình ảnh, là biểu tượng của mọi cái đang diễn ra đó và với tư cách này, Lửa tự nó là Vũ trụ.
Tính độc đáo, khác thường trong quan niệm của Hêraclít về Lửa không chỉ dừng lại ở đó. Với tư cách người theo chủ nghĩa vật hoạt, Hêraclít còn coi Lửa là “sự sống vĩnh hằng”, là sức sống bất diệt, là cái đem lại “sinh khí” không chỉ cho con người, cho thế giới hữu sinh, mà còn cho cả những vật thể vô tri, vô giác, cho thế giới vô sinh. Còn với tư cách một nhà phiếm thần luận, Hêraclít đã coi Lửa không chỉ là cái tạo nên “thân xác” của vạn vật, mà còn là cái tạo nên “linh hồn” cho vạn vật ấy. Với quan niệm này, ông đã gán cho Lửa những hoạt động tâm lý giống như hoạt động tâm lý ở con người. Và, khác với nhiều nhà triết học tiền bối, Hêraclít còn đưa ra một quan niệm hết sức độc đáo về cái khởi nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất này – quan niệm coi Lửa là một quá trình – quá trình liên tục “bùng cháy” và “lụi tàn” theo cái Logos vốn có của nó.
Nói về quan niệm coi Lửa là một quá trình của Hêraclít, Hêgen đã khẳng định rằng, với Hêraclít thì “Lửa là thời gian vật lý; nó là sự không yên tĩnh tuyệt đối”(1). Cũng nói về quan niệm này của Hêraclít, trong tác phẩm Triết học của Hêraclít khó hiểu ở Êphedơ, Ph.Látxan cho rằng, Lửa ở Hêraclít là “một thứ lửa thuần tuý và tuyệt đối phi vật chất”. Và, với cách hiểu này, Ph.Látxan khẳng định: “Triết học của Hêraclít = Triết học duy tâm”(2).
Không thể nói Lửa trong quan niệm của Hêraclít là thứ Lửa “thuần tuý và tuyệt đối phi vật chất”. Lửa ở Hêraclít là bản nguyên vật chất đầu tiên và duy nhất của Vũ trụ. Lửa chuyển hoá theo cái Logos vốn có của nó là nguyên nhân dẫn đến sự sinh thành của vạn vật trong Vũ trụ. Nếu có thể nói về hạn chế trong quan niệm này của Hêraclít thì đó là, khi coi sự sinh thành của vạn vật trong Vũ trụ nhờ sự chuyển hoá của Lửa, Hêraclít đã không nhận thấy có sự phát triển từ thấp đến cao trong cái “dòng chảy” và biến đổi phổ biến, liên tục của vạn vật trong Vũ trụ. Ở ông cũng không có quan niệm rõ ràng về sự biến đổi chất lượng, mặc dù ông có nói tới sự chuyển hoá lẫn nhau của các mặt đối lập và nói tới sự chuyển hoá từ một trạng thái chất lượng này sang trạng thái đối lập của nó. Mặc dù Hêraclít coi sự biến đổi và chuyển hoá trong Vũ trụ diễn ra không chỉ từ cái giản đơn và thấp (Đất, Nước, Không khí) đến cái phức tạp và cao hơn (Lửa), mà còn ngược lại (B76). Song, về thực chất, chu trình hai cấp độ diễn tả quá trình biến đổi và chuyển hoá của vạn vật trong Vũ trụ mà Hêraclít đưa ra không cho thấy một sự phát triển của thế giới vật chất nhờ sự chuyển hoá của Lửa theo nghĩa hoàn thiện: chuyển hoá từ thấp lên cao. Ở ông, Lửa “bùng cháy” và “lụi tàn”, vạn vật xuất hiện và tiêu vong với tư cách một quá trình không chịu sự quy định, quyết định của thần thánh hay con người được lặp đi lặp lại một cách không có mục đích. Với ông, Vũ trụ này và vạn vật trong nó dường như chỉ là thứ “trò chơi” của Lửa với chính nó, là mục đích tự thân của Lửa. Quan niệm coi đời sống tinh thần – hoạt động linh hồn nhờ sự chuyển hoá của Lửa có cả trong thế giới hữu sinh lẫn thế giới vô sinh mà Hêraclít đưa ra chỉ thuần túy là quan niệm theo vật hoạt luận. Mặc dù vậy, ở nó vẫn có một đóng góp tích cực - đó là sự thừa nhận và bảo vệ nguyên lý duy vật nền tảng - đòi hỏi sự giải thích các hiện tượng tự nhiên dựa vào chính tự nhiên chứ không phải vào các lực lượng xa lạ. Quan niệm coi Lửa là bản nguyên của cả thế giới vật chất lẫn thế giới tinh thần ở Hêraclít dẫu mang tính phiếm thần luận, song nó đã cho phép khẳng định thế giới là môt chỉnh thể thống nhất, thế giới thống nhất ở “ngọn lửa sống bất diệt”.
V.I.Lênin, khi nhắc lại quan niệm coi thế giới là một chỉnh thể thống nhất đã, đang và sẽ còn là ngọn Lửa sống vĩnh hằng, luôn “bùng cháy” và “lụi tàn” theo những quy luật của nó mà Hêraclít đưa ra, đã coi đó là “một sự trình bày rất hay những nguyên lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng”(3). Chúng ta hoàn toàn có thể coi đây là một sự đánh giá đúng đắn đối với cống hiến quan trọng này của Hêraclít về Lửa với tư cách bản nguyên đầu tiên và duy nhất của Vũ trụ.