Triết học Cantơ dưới nhãn quan của G.W.F.Hêgen

16/01/2018

Hêgen không chỉ phê phán những hạn chế mà còn đánh giá cao những đóng góp của triết học Cantơ, coi triết học Cantơ là “cơ sở và điểm xuất phát của triết học Đức hiện đại”. Theo ông, triết học Cantơ là chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Mặc dù vậy, đối với Hêgen, triết học Cantơ có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tế, nhiều vấn đề triết học do I.Cantơ khởi xướng đã được Hêgen phát triển từ lập trường của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Đó cũng là cơ sở dẫn đến nhận định của Sáclơ Taylo cho rằng, có thể coi triết học của Hêgen là triết học Cantơ đã được cải biến.

 

Như chúng ta đã biết, triết học cổ điển Đức mà I.Cantơ (1724-1804) là người sáng lập cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX là một trong những tiền đề lý luận trực tiếp cho sự ra đời của triết học Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác nói chung. Nền triết học này đã đạt được một thành quả hết sức quan trọng - đó là phép biện chứng mà I.Cantơ là người khởi xướng và đạt đến đỉnh cao trong triết học Hêgen (1770-1831). Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi phê phán nghiêm khắc tính chất duy tâm, thần bí của triết học Hêgen, đã đánh giá rất cao phép biện chứng trong triết học của ông và niềm tin vào sức mạnh của lý tính con người.

Phép biện chứng là thành tựu lớn nhất của triết học Hêgen, nhưng đó không phải là duy nhất. Hêgen còn có nhiều đóng góp hết sức có giá trị trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là về lịch sử triết học. Hệ thống triết học của Hêgen là “một sự phong phú về tư tưởng mà ngày nay người ta vẫn còn ngạc nhiên” và trong đó “có vô số những vật quý giá đến nay vẫn còn giữ được toàn bộ giá trị của chúng”(1).

Hêgen coi trọng và đánh giá rất cao lịch sử triết học. Ông cho rằng, bản chất của triết học là “tư tưởng của một thời đại”; nó mang tính kế thừa, bởi “học thuyết triết học xuất hiện sau, về thời gian, là kết quả của toàn bộ các học thuyết triết học trước đó và do vậy, cần phải chứa đựng các nguyên lý của tất cả các học thuyết ấy; và cũng do vậy, nó là học thuyết triết học phát triển nhất, đầy đủ nhất và cụ thể nhất”(2). Và, cho dù có sự khác nhau đến thế nào chăng nữa thì các học thuyết triết học, theo Hêgen, tất yếu chỉ là “một triết học nằm trong quá trình phát triển”. Hêgen là người đầu tiên đã phát hiện ra mối quan hệ biện chứng giữa lôgíc và lịch sử trong lịch sử triết học. Tuy nhiên, do xuất phát từ lập trường duy tâm, ông đã cho rằng, lôgíc là cái thứ nhất, là cái quy định lịch sử.

Xuất phát từ quan điểm đồng nhất tư duy với tồn tại, Hêgen cho rằng: “Cái đích và mối quan tâm cuối cùng của triết học là để dung hoà (versoehnen) giữa tư tưởng, khái niệm với hiện thực”(3). Ông đã phóng chiếu quan điểm này vào sự phân tích, xem xét và đặc biệt là đánh giá các học thuyết triết học khác nhau trong lịch sử; trong đó, ông đã dành một sự quan tâm đáng kể cho triết học của I.Cantơ. Hêgen quan niệm rằng, trong triết học của ông, ý niệm đã nhận thức được tính tất yếu của nó; các mặt tự nhiên và tinh thần chỉ tồn tại với tư cách sự biểu đạt cái toàn bộ (Totalitaet) của ý niệm và chúng không chỉ đồng nhất với tư cách tự nó, mà còn mang lại một sự đồng nhất của bản thân ý niệm.

Đó là những xuất phát điểm quan trọng trong việc xem xét, luận giải sự phân tích và đánh giá của Hêgen về triết học Cantơ.

Có thể nói, trong hầu hết các tác phẩm của mình, khi trình bày một luận điểm nào đó, Hêgen đều quay trở lại phân tích, đánh giá và so sánh chúng với triết học Cantơ(4). Song, do phạm vi của bài viết, chúng tôi chỉ có thể trình bày một số luận điểm cơ bản.

Một điều dễ nhận thấy là, khi phân tích và phê phán triết học Cantơ, Hêgen cũng đồng thời đánh giá cao những đóng góp của nhà triết học tiền bối này. Ông khẳng định triết học Cantơ là “cơ sở và điểm xuất phát của triết học Đức hiện đại”(5).

Nhận xét một cách khái quát về triết học Cantơ, Hêgen cho rằng, triết học này dẫn chúng ta quay về với bản chất của tự ý thức, nhưng lại không thể cung cấp được một thực tại (Realitaet) cho bản chất đó của tự ý thức (hoặc nói cách khác, cho tự ý thức thuần tuý) và không chỉ ra được tồn tại ở trong chính bản thân nó. Rằng, I.Cantơ đã đưa tri thức vào trong ý thức và tự ý thức, nhưng lại “giữ chặt” nó trên phương diện nhận thức mang tính chủ quan và hữu quan(6).

Chúng ta đều biết, luận điểm cơ bản của triết học Cantơ là ở chỗ, các tính quy định như cái phổ quát và tất yếu không có ở trong cảm giác. Chúng có một nguồn gốc khác so với tri giác và nguồn gốc này là chủ thể, là cái Tôi trong tự ý thức của tôi. Rằng, triết học Cantơ được gọi là triết học phê phán, vì với ông, mục đích trước tiên của triết học là phê phán khả năng nhận thức của con người. Vì vậy, khi đánh giá quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen cho rằng, I.Cantơ đã không đúng khi khẳng định trước khi nhận thức thì người ta phải nghiên cứu khả năng nhận thức và để đạt đến chân lý, trước tiên người ta phải nhận thức chính các loại công cụ và những công dụng của chúng. Bởi lẽ, nói như thế thì có khác gì “người ta cần phải nhận thức khả năng của nhận thức trước khi nhận thức; hoặc giống như là muốn biết bơi trước khi nhảy xuống nước”(7). Theo Hêgen, việc nghiên cứu khả năng nhận thức cũng chính là nhận thức.

Mặc dù vậy, Hêgen vẫn đánh giá rất cao việc I.Cantơ đưa nhận thức của con người ra xem xét và coi đó là “một bước tiến lớn, một bước tiến quan trọng”.

Với quan niệm rằng, cái tất yếu và phổ quát do không nằm trong các sự vật bên ngoài, nên chúng phải là cái tiên nghiệm (a priori), tức là nằm trong bản thân lý tính, I.Cantơ đặt vấn đề: Các phán đoán tiên nghiệm tổng hợp có được như thế nào? Và, câu trả lời của ông là: Phán đoán là sự liên kết (Verknuepfung) các tính quy định của tư tưởng như chủ từ và vị từ; không gian và thời gian là cái kết nối và cũng là cái tiên nghiệm, tức là ở trong tự ý thức. Nhận xét quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen cho rằng, những ý tưởng của I.Cantơ là vĩ đại, nhưng quá trình thực hiện các ý tưởng đó thì lại bị bó hẹp trong một quan điểm mang tính kinh nghiệm, thô sơ và rất chung chung.

I.Cantơ gọi triết học của mình là triết học siêu nghiệm, song Hêgen lại rất “dị ứng” với thuật ngữ này. Ông cho rằng, triết học siêu nghiệm chẳng qua chỉ là một hệ thống các nguyên tắc của lý tính thuần tuý - những nguyên tắc chỉ ra cái phổ quát và tất yếu trong lý trí tự ý thức mà không cần phải tiếp xúc với đối tượng. Rằng, trong nhận thức thì lý tính mang tính điều hành, còn trong thực tiễn thì nó có tính cấu thành. Do vậy, “phê phán lý tính thuần tuý” không phải là nhận thức các đối tượng, mà là sự nhận thức các nguyên tắc của chính nó, nhận thức ranh giới và phạm vi mà nó không được phép vượt qua. Và, với cách tiếp cận theo phương diện tâm lý, I.Cantơ đã phân chia các giai đoạn chính của ý thức lý luận thành: đầu tiên là cảm tính, thứ hai là giác tính và thứ ba là lý tính. Tuy nhiên, khi đánh giá hệ thống 12 phạm trù giác tính của I.Cantơ, Hêgen đã coi đó là “một thành tựu” của triết học Cantơ, vì mỗi nhóm bao gồm 3 phạm trù và “ở đây, tính bộ ba, hình thức cũ của trường phái Pitago, Platôn mới và Thiên Chúa giáo, xét về bề ngoài, đã được sử dụng lại(8).

Hêgen cho rằng, việc I.Cantơ phát triển các phạm trù của nhận thức dựa trên sơ đồ bộ ba: a) lý tính lý luận (lý tính thuần tuý), b) lý tính thực tiễn, g) sự thống nhất của hai cái đó - năng lực phán đoán, đã tạo ra “bản năng” (Instinkt) cho khái niệm. Rằng, hạn chế của I.Cantơ là ở chỗ coi hiện thực là cái nằm bên ngoài ý thức; còn vật tự nó là cái không thể được nắm bắt bằng khái niệm, cái phải được phân biệt với các hiện tượng. Hêgen gọi sự phân biệt này là một “sự phân biệt ghê tởm” (abscheulich)(9).

Đánh giá cao công lao của I.Cantơ trong việc nhận ra những mâu thuẫn sâu sắc trong các phạm trù cơ bản, song, theo Hêgen, I.Cantơ đã không đạt đến chỗ coi các mâu thuẫn này là các mâu thuẫn có tính bản thể luận, mà chỉ thừa nhận nguồn gốc của chúng trong tư duy.

Trong quan niệm của I.Cantơ, kinh nghiệm là cái chỉ có thể nắm bắt được hiện tượng và với nhận thức có được nhờ kinh nghiệm, con người không thể nhận thức được vật tư nó (Ding an sich). Luận giải quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen cho rằng, “chẳng có gì dễ hơn” để nhận biết vật tự nó. Vật tự nó chẳng qua chỉ là một cái trừu tượng, một sản phẩm của tư duy trừu tượng. Rằng, “vật tự nó (danh từ vật cũng có nghĩa là tinh thần, Thượng đế) diễn tả đối tượng trong chừng mực được trừu tượng hoá khỏi mọi cái mà nó tồn tại theo ý thức, khỏi mọi thứ quy định tình cảm cũng như khỏi mọi tư tưởng xác định của chính nó. Dễ dàng nhận thấy rằng, cái gì là còn lại - đó là cái trừu tượng, cái trống rỗng hoàn toàn với tư cách thế giới bên kia…”(10).

I.Cantơ tự nhận triết học của ông là chủ nghĩa duy tâm trong chừng mực thừa nhận con người chỉ nhận thức chính những tính quy định của mình và do vậy, không thể đến được với cái khách quan. Song, theo Hêgen, triết học Cantơ là chủ nghĩa duy tâm chủ quan, vì nó không để cho nội dung tràn vào và chỉ thấy trước nó những hình thức trừu tượng của cái chủ quan(11). Rằng, chỉ bắt đầu từ I.Cantơ, giác tính và lý tính mới được phân biệt với nhau theo nghĩa: Giác tính là tư duy trong các quan hệ hữu hạn, còn lý tính cũng là tư duy nhưng có đối tượng là cái vô điều kiện, cái vô hạn - cái ý niệm (Idee) theo cách diễn đạt của Platôn.

I.Cantơ cho rằng, khi con người sử dụng các phạm trù với tư cách cái chỉ có thể được áp dụng trong trực quan cảm tính để quy định cái vô hạn thì khi đó, họ sẽ vấp phải các diễn dịch sai lầm (các võng luận: Paralogismen) và các mâu thuẫn tất yếu (Antinomien). Đánh giá cao quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen đã coi đây là “bước tiến bộ quan trọng nhất và sâu sắc nhất của triết học hiện đại”(12) và nhờ đó, chủ nghĩa giáo điều cứng nhắc của siêu hình học lý trí bị xoá bỏ, còn sự vận động biện chứng của tư duy thì được đề cao. Tuy nhiên, Hêgen cũng phê phán I.Cantơ đã có “quá nhiều sự âu yếm” (Zaertlichkeit) đối với các sự vật, vì mâu thuẫn trong quan niệm của ông ta chỉ có trong tinh thần mà không có trong các sự vật khách quan. Rằng, I.Cantơ chỉ đưa ra được bốn mâu thuẫn và như thế là quá ít ỏi, trong khi trên thực tế, mâu thuẫn có trong “tất cả các đối tượng, tất cả các biểu tượng, khái niệm và ý niệm”(13). Hêgen cũng nhấn mạnh rằng, việc hiểu được điều đó và việc xem xét các đối tượng trong tính mâu thuẫn của nó vốn thuộc về “bản chất” của sự nghiên cứu triết học.

Trong Phê phán lý tính thuần tuý của I.Cantơ, Hêgen nhận xét, chúng ta thấy sự miêu tả: Tôi là lý tính, biểu tượng và bên ngoài tôi là các sự vật. Chúng là những cái hoàn toàn khác biệt, chống lại nhau. Đó là kết luận cuối cùng của triết học lý luận, song I.Cantơ đã không đạt đến sự thống nhất (Einheit) giữa hai mặt này.

Trong Phê phán lý tính thực tiễn, I.Cantơ phân tích bản chất của ý chí, nguyên tắc của ý chí và cho rằng, con người với tư cách hữu thể đạo đức, tự do đã vượt lên trên tất  cả những quy luật của tự nhiên và hiện tượng. Con người đó có các quy luật đạo đức nội tại và quy tắc của quy luật này là sự tự do và sự tự trị của ý chí. Đối với I.Cantơ, ý chí tự do và ý chí tuân theo các quy luật của đạo đức là như nhau. Đánh giá cao quan niệm của I.Cantơ về tự do với tư cách hạt nhân của đời sống đạo đức con người, Hêgen cho rằng “việc đưa ra nguyên tắc coi tự do là trụ cột cuối cùng mà con người phải xoay quanh đó; là đỉnh cao nhất mà qua đó, con người không còn thừa nhận một quyền uy nào nữa, không còn bị trói buộc bởi bất cứ cái gì không tôn trọng sự tự do của nó - đó là một bước tiến lớn”(14).

I.Cantơ coi lý tính thực tiễn là cái có tính tự trị: nó tự ban bố các quy luật cho chính bản thân mình và đó chính là các quy luật đạo đức. Các quy luật đạo đức này nói lên một cách tiên nghiệm việc con người cần phải hành động và thể hiện bổn phận của mình trong hành động ấy và đó chính là mệnh lệnh tuyệt đối. I.Cantơ kêu gọi con người chỉ hành động theo các phương châm có khả năng trở thành phổ quát. Phê phán quan niệm này trong Phê phán lý tính thực tiễn của I.Cantơ, Hêgen cho rằng, việc tuân theo “mệnh lệnh tuyệt đối” sẽ dẫn đến một mâu thuẫn sâu sắc là buộc phải gạt bỏ đạo đức. Rằng, con người đạo đức của I.Cantơ chỉ dừng lại ở cái cần phải (Sollen) và “kết quả là cái đích này chỉ có thể đạt được trong một quá trình kéo dài vô tận và đó chẳng qua chỉ là những lời nói suông về đạo đức…, còn hệ thống tinh thần đang tự thực hiện thì không được nghĩ đến”(15). Chính vì vậy, thứ đạo đức hoàn thiện, hoàn hảo vẫn chỉ là thế giới bên kia, vì nó đã thiết định trước sự khác biệt giữa ý chí đặc thù và ý chí phổ quát. Và, giống như lý tính lý luận tách rời cảm tính, lý tính thực tiễn đối lập với cảm tính thực tiễn, với bản năng và dục vọng. Tuy nhiên, khi phê phán đạo đức học Cantơ, phê phán sự bất lực của lý tính trong triết học Cantơ, một lần nữa, Hêgen đã khẳng định sức mạnh tuyệt đối của lý tính: “Người ta khó tin lý tính là hiện thực, song thực ra, không có gì là hiện thực ngoài lý tính; nó là một quyền lực (Macht) tuyệt đối”(16).

Cùng với đó, Hêgen cũng không đồng ý với cách giải quyết mâu thuẫn giữa tự do và tất yếu của I.Cantơ. Ông cho rằng, với cách giải quyết của I.Cantơ thì rốt cuộc, mâu thuẫn đó với định đề của Thượng đế, với cái Thiện vẫn không được giải quyết. Cái Thiện vẫn nằm ở phía bên kia đối với tự nhiên, cái Thiện và tự nhiên không thể thống nhất với nhau, chúng nằm trong một hệ thống nhị nguyên và do vậy, “quy luật của tất yếu và quy luật của tự do vẫn khác biệt nhau”, vẫn tách rời nhau.

Theo Hêgen, I.Cantơ còn rơi vào tình trạng đối lập giữa tư duy của chủ thể với đối tượng khách quan, giữa cái phổ biến trừu tượng với tính cảm quan của ý chí và do vậy, đã đẩy sự đối lập của đạo đức đến những giới hạn cực đoan khi khẳng định mặt thực tiễn của tinh thần cao hơn mặt lý luận.

Hêgen cũng cho rằng, trong Phê phán năng lực phán đoán, I.Cantơ đã đúng khi nói đến “biểu tượng, tư tưởng về ý niệm” trên cơ sở khảo sát những năng lực phán đoán thẩm mỹ mang tính mục đích. Tuy nhiên, các đối tượng được coi là cái đẹp của tự nhiên, của nghệ thuật và các sản phẩm mang tính mục đích của tự nhiên mà I.Cantơ sử dụng để thâm nhập sâu hơn vào cái hữu cơ và cái sinh động, theo Hêgen, chỉ được ông khảo sát về phương diện tư duy thuần tuý.

I.Cantơ định nghĩa năng lực phán đoán là “năng lực quan niệm cái riêng với tư cách cái chứa đựng trong cái chung” và gọi năng lực phán đoán ấy là năng lực suy nghĩ, bởi “nó (năng lực phán đoán), nếu chỉ bắt gặp cái cá biệt, thì buộc phải tìm thấy cái phổ biến đối với cái cá biệt ấy"(17) và do vậy, nó buộc phải cần đến quy luật, đến nguyên tắc với tư cách cái tự nó. Coi mục đích chính là một quy luật như vậy, I.Cantơ khẳng định năng lực phán đoán là cái cầu nối giữa giác tính và lý tính, giữa cái đặc thù và cái phổ biến; còn cái đẹp là cái thuộc về lĩnh vực chủ quan. Nói về quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen nhận xét rằng, trong năng lực phán đoán thẩm mỹ của I.Cantơ, chúng ta thấy một sự thống nhất “trực tiếp” giữa cái phổ biến và cái đặc thù, bởi cái đẹp chính là sự thống nhất trực tiếp, không cần đến khái niệm.

I.Cantơ quan niệm cái đẹp trong nghệ thuật là sự thống nhất mà trong đó, cái đặc thù phù hợp với khái niệm. Nhưng, theo ông, sự điều hoà hoàn toàn các mặt đối lập như vậy chỉ là sự hoà giải đối với phán đoán thẩm mỹ của chúng ta và của sáng tạo nghệ thuật mà thôi, chứ không phải là một cái gì chân thực và hiện thực về bản thân mình và vì mình. Đánh giá cao quan niệm này của I.Cantơ, Hêgen coi mỹ học Cantơ là “điểm xuất phát để hiểu đúng đắn cái đẹp trong nghệ thuật. Song, chỉ bằng cách khắc phục những thiếu sót trong triết học Cantơ, chúng ta mới có thể tìm ra cách thức nhận thức sự thống nhất thực sự giữa tự do và tất yếu, giữa cái đặc thù và cái phổ biến, giữa lý tính và cảm tính”(18).

Qua sự phân tích, đánh giá và phê phán của Hêgen đối với những luận điểm cơ bản trong triết học Cantơ, như đã trình bày trên, chúng ta có thể thấy vai trò hết sức quan trọng của triết học Cantơ đối với bản thân Hêgen. Rất nhiều vấn đề triết học do I.Cantơ khởi xướng đã được Hêgen phát triển từ lập trường của chủ nghĩa duy tâm tuyệt đối. Chính vì vậy, chúng ta có thể hiểu được vì sao nhà Hêgen học nổi tiếng - Sáclơ Taylo đã viết rằng: “Có thể coi triết học của Hêgen là triết học Cantơ nhưng đã được cải biến đi”(19).

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi muốn nhắc lại nhận xét của V.I.Lênin rằng, “khi một nhà duy tâm phê phán những cơ sở của chủ nghĩa duy tâm của một nhà duy tâm khác, thì bao giờ cũng có lợi cho chủ nghĩa duy vật”. Rằng, “so với Cantơ và những nhà triết học khác, thì Hêgen sâu sắc hơn nhiều, khi ông nghiên cứu sự phản ánh của vận động của thế giới khách quan vào trong vận động của những khái niệm”(20).

 


(*) Sinh viên K46, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập., t 21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.397, 398.

(2) G.W.F.Hêgen. Bách khoa thư các khoa học triết học, t.1. Nxb Suhrkamp, 1999,  tr.58 (tiếng Đức).

(3) G.W.F.Hêgen. Những bài giảng về lịch sử triết học, t.3. Nxb Suhrkamp, 1996, tr. 455 (tiếng Đức).

(4) Xem: G.W.F.Hêgen. Khoa học lôgíc, t.1,  tr.59-62, 88-92, 148, 181; Bách khoa thư, t.1,  tr.112-147; Những bài giảng về lịch sử triết học, t.3, tr.329-386, Mỹ học, t.1. Nxb Văn học, 1999, tr.134-140.

(5) G.W.F.Hêgen. Khoa học lôgíc, t.1. Nxb Suhrkamp, 1996, tr 59 (tiếng Đức).

(6) Xem: G.W.F.Hêgen. Những bài giảng về lịch sử triết học, t.3. Nxb Suhrkamp, 1996,  tr 333 (tiếng Đức).

(7) G.W.F.Hêgen. Sđd; tr.334

(8) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 344.

(9) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 355.

(10) G.W.F.Hêgen. Khoa học lôgíc, t.1. Nxb Suhrkamp, 1999, tr.121 (tiếng Đức).

(11) Xem: G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 123.

(12) G.W.F.Hêgen. Bách khoa thư các khoa học triết học, t.1. Nxb Suhrkamp, 1996, tr.126 (tiếng Đức).

(13) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 128.

(14) G.W.F.Hêgen. Những bài giảng về lịch sử triết học, t.3. Nxb Suhrkamp, 1996, tr.367 (tiếng Đức).

(15) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 369.

(16) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr.372.

(17) G.W.F.Hêgen. Mỹ học. Nxb Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 135.

(18) G.W.F.Hêgen. Sđd., tr. 140.

(19) Charles Taylor. Hêgen. Nxb Suhrkamp, 1998, tr. 695 (tiếng Đức).

(20) V.I.Lênin. Toàn tập, t. 29. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,1981, tr. 188.


Tạp chí Triết học, số 4 (167), tháng 4 - 2005


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007