Giáo dục và y tế là hai trong những nhu cầu cơ bản của con người. Phát triển giáo dục và y tế là điều kiện cho sự phát triển bền vững. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến giáo dục và y tế; đã dành cho hai lĩnh vực này nguồn lực đáng kể, ngay cả trong thời kỳ trước đổi mới, dù gặp khó khăn về kinh tế, nhưng giáo dục và y tế vẫn được Đảng và Nhà nước bao cấp toàn bộ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một mặt, sự bao cấp này đã tạo ra sự lãng phí lớn nguồn lực bởi tình trạng "cha chung không ai khóc"; mặt khác, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nhu cầu về giáo dục và y tế của nhân dân ngày càng lớn, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, do đó, Nhà nước không thể bao cấp tràn lan cho giáo dục và y tế như trước đây. Hệ thống giáo dục và y tế nước ta dần chuyển sang cơ chế thị trường với việc thực thi chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế. Thực hiện chính sách này là nhằm phát huy hơn nữa các nguồn lực xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu của nhân dân về giáo dục và y tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi người trong lĩnh vực này. Đây cũng là xu thế chung của nhiều nước trên thế giới.
Trong những năm gần dây, nhờ thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế, thu hút được các nguồn lực, tài lực, vật lực trong các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp giáo dục và y tế nước ta có những bước phát triển vượt bậc. Trong lĩnh vực giáo dục, Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; số lượng và trình độ giáo viên/giảng viên cũng tăng nhanh và ngày càng đạt chuẩn và vượt chuẩn; nhiều trường học được xây dựng; số lượng trẻ em đến trường ngày càng đông, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa... Trong lĩnh vực y tế, là việc mở rộng và phát triển các bệnh viện công lập và ngoài công lập; phát triển hệ thống y tế cơ sở; nhân lực ngành y tế gia tăng cả về số lượng và chất lượng... Nhờ những thành tựu trong việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế, chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI), so với mức thu nhập bình quân đầu người, là tương đối cao.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách đó cũng đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết. Nhiều trường hợp nhân danh thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế mà chỉ chú ý đến việc thu phí, dẫn đến lạm thu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người. Một số người vì viện phí tăng cao mà phải bỏ dở việc chữa bệnh của mình. Một số học sinh không được đến trường do phải đóng các loại phí quá cao. Nhiều cơ sở giáo dục đang quá tải người học. Nhiều bệnh viện đang quá tải bệnh nhân. Sự suy thoái đạo đức và lối sống đang diễn ra ở một bộ phận nhân lực ngành giáo dục và ngành y tế.
Chính vì những lý do nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh và chấn chỉnh hơn nữa việc thực hiện chính sách xã hội hóa về giáo dục và y tế, đáp ứng yêu cầu phát triển ở nước ta hiện nay, là cần thiết và cấp bách. Và đây cũng chính là lý do để cuốn sách này ra đời.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay.
Chương 2: Thực trạng việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay.
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách xã hội hóa giáo dục và y tế ở Việt Nam hiện nay.
Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam