Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong là hai nhà nho, hai nhà tư tưởng lớn trong lịch sử của hai dân tộc Việt Nam và Hàn Quốc. Cả hai cùng tin vào một hệ tư tưởng, cùng đối diện với các thách thức lớn của thời đại, cùng suy tư để thúc đẩy tu tâm dưỡng tính đối với bản thân, thể hiện kinh thế tế dân đối với xã hội. Vì vậy, giữa Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong có nhiều điểm khác biệt nhưng cũng không ít điểm tương đồng, rất đáng quan tâm và nghiên cứu.
Kinh thư là tác phẩm thể hiện sâu đậm những ý tưởng, quan điểm, nguyên tắc chính trị của các thời Hạ, Thương, Chu; do vậy, nó có vai trò rất lớn đối với chủ trương và hoạt động chính trị của các nhà nho. Kinh thư là gạch nối hoàn hảo giữa Kinh học và Thực học, giữa phát triển đạo Nho và cứu người, giúp đời. Chính vì vậy, Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong - những nhà Kinh học và Thực học tiêu biểu rất coi trọng và dành nhiều tâm huyết nghiên cứu Kinh thư.
Cuốn sách Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong – Từ chú giải Kinh Thư đến tư tưởng chính trị đã trình bày một cách hệ thống và khúc chiết về Kinh thư dưới nhãn quan của Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong, cũng như tư tưởng chính trị của hai ông thể hiện trong việc chú giải tác phẩm kinh điển này. Cách tiếp cận triết học so sánh trên nền tảng liên văn hóa được sử dụng trong cuốn sách rất phù hợp với so sánh ngoại biên, với tư cách không lấy một hệ thống này làm chuẩn để nhìn nhận, đánh giá hệ thống kia.
Cuốn sách gồm 4 chương:
Chương 1: Các yếu tố bối cảnh
Chương 2: Thư kinh diễn nghĩa và tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn
Chương 3: Các tác phẩm chú giải Kinh thư và tư tưởng chính trị của Jeong Yak Yong
Chương 4: So sánh tư tưởng chính trị của Lê Quý Đôn và Jeong Yak Yong thể hiện trong các sách chú giải Kinh thư
http://philosophy.vass.gov.vn/