Triết học trong khoa học tự nhiên không chỉ bao hàm triết học trong toán học, triết học trong cơ học, triết học trong vật lý học, triết học trong hóa học, triết học trong sinh học, mà còn bao hàm triết học trong các khoa học tự nhiên khác.
Các quan điểm được trình bày trong cuốn sách không chỉ gồm các quan điểm đã được thống nhất mà còn gồm cả các quan điểm trái ngược nhau. Các quan điểm đó đều có nghĩa quan trọng về nhận thức. Bởi, các quan điểm đó đều là suy nghĩ nghiêm túc và trách nhiệm của các nhà bác học lớn về cả trí tuệ và đạo đức. Theo tác giả, cho dù không đồng ý với một quan điểm nào đó thì việc tìm hiểu quan điểm ấy cũng là bước đi cần thiết trong quá trình nhận thức về thế giới. Điều quan trọng nữa, nếu không đồng ý với một quan điểm nào đó thì chúng ta cần phê phán quan điểm ấy, nhưng khi phê phán, chúng ta cần dành một phần hoài nghi đối với quan điểm của mình.
Với mục đích giúp bạn đọc có thể lựa chọn cho mình một trong số các quan điểm đã có hoặc sáng tạo ra quan điểm mới, tác giả cuốn sách này, một mặt, chú giải khách quan các quan điểm khác nhau về các vấn đề nghiên cứu, nhất là các quan điểm đối lập với triết học Mác – Lênin, mặt khác, dành một dung lượng đáng kể để trích dẫn nguyên văn ý kiến của các học giả nổi tiếng, đặc biệt là ý kiến của các nhà kinh điển của triết học Mác – Lênin.
Cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1: Quan niệm chung về triết học trong khoa học tự nhiên
Chương 2: Triết học trong toán học
Chương 3: Triết học trong cơ học
Chương 4: Triết học trong vật lý học
Chương 5: Triết học trong hóa học
Chương 6: Triết học trong sinh học
philosophy.vass.gov.vn