Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các quốc gia, dân tộc đang nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng một nền hòa bình vững chắc trên toàn thế giới. Nền hòa bình đó không chỉ ở chỗ không còn tiếng súng, mà còn là ở sự tự do tư tưởng, tự do sống trong hạnh phúc, tự do phát triển các tiềm năng và đoàn kết trong một liên minh rộng lớn, một liên minh đủ sức chống lại bạo hành, chiến tranh và các hiểm họa bất trắc khác.
Thực tế hiện nay, bên cạnh sự xung đột về kinh tế, văn hóa, tôn giáo, dân tộc giữa các quốc gia, còn xuất hiện xu hướng áp đặt văn hóa của một số nước có nền kinh tế phát triển hơn,... Đồng thời, xu hướng đấu tranh chống lại sự áp đặt "đồng hóa" văn hóa cũng xuất hiện.
Vì vậy, để phát động và thúc đẩy văn hóa hòa bình, xu hướng đối thoại thay cho đối đầu, UNESCO đã chọn năm 1995 là "Năm quốc tế về khoan dung", năm 2000 là "Năm văn hóa hòa bình" và năm 2001 là "Năm đối thoại giữa các nền văn minh". Đặc biệt từ những năm cuối của thế kỷ XX, tư tưởng khoan dung được đề cập nhiều và đang được phát triển để trở thành nền tảng thực hiện mục tiêu này.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu nghiên cứu về tư tưởng khoan dung và những giá trị vận dụng trong thời đại ngày nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Vận dụng tư tưởng kkhoan dung trong bối cảnh Việt Nam hiện nay của TS. Nguyễn Thị Phương Mai.
Nội dung cuốn sách trình bày khái lược về sự ra đời, phát triển của tư tưởng khoan dung trong lịch sử triết học, tư tưởng khoan dung trong nhận thức và hoạt động của Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khoan dung và vấn đề "cùng tồn tại hòa bình" trong thế giới toàn cầu hóa; yêu cầu và ý nghĩa của việc thực hiện tư tưởng khoan dung trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương 1: Khái niệm và lịch sử của tư tưởng khoan dung
Chương 2: Tư tưởng khoan dung trong nhận thức và hoạt động của Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chương 3: Ý nghĩa của tư tưởng khoan dung trong bối cảnh toàn cầu hóa
Viện Triết học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam