Sự “hỗn nguyên” trong triết học
(25/11/2021)
Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra những ý kiến của mình nhằm trao đổi về bài viết của tác giả Vũ Minh Tâm có tiêu đề “Triết lý truyền thống ở Việt Nam về vũ trụ” trên một số khía cạnh, như cách hiểu và sử dụng các khái niệm, đánh giá về văn hiến Việt Nam hoặc vấn đề phương pháp luận triết học…
Tư duy hướng nội của Phật giáo và vai trò của nó trong tư duy của người Việt
(18/10/2021)
Theo bài viết, tư duy hướng nội của Phật giáo không chỉ là một sản phẩm đặc thù của lịch sử tư duy Ấn Độ, mà còn là một trong những đặc trưng nổi bật của tư duy phương Đông. Thực chất của tư duy hướng nội là sự nhận thức hướng vào trong, để tâm tĩnh lặng và nhờ đó, “thấy được sự vật như chúng tồn tại”. Đó chính là cơ sở của giáo lý giải thoát của Phật giáo. Đồng thời, bài viết chỉ ra rằng, do Việt Nam tiếp thu Phật giáo khá sớm nên sự ảnh hưởng của tư duy hướng nội tới tư duy người Việt trong lịch sử là khá đậm nét và phổ biến, từ giới Phật học tới giới trí thức phong kiến và tầng lớp bình dân ở Việt Nam.
Một số tư tưởng thiền học cơ bản của Trần Thái Tông
(23/09/2021)
Để làm sáng tỏ nội dung tư tưởng và phương pháp tu thiền của Trần Thái Tông (1218 - 1277) - vị vua mở nghiệp triều đại nhà Trần, trước hết, bài viết tập trung giải thích các khái niệm cơ bản: “tâm”, “không”, “Phật tính”, “giới”, “định”, “tuệ”. Tiếp đó, bài viết phân tích các giai đoạn của con đường tu tập mà thiền gia phải trải qua. Theo tác giả, Trần Thái Tông đã thâu tóm được toàn bộ những yếu chỉ căn bản về tư tưởng và phương pháp tu thiền của thiền học Vô Ngôn Thông, đồng thời diễn giải chúng hết sức dễ hiểu và qua đó, đã góp phần phổ biến thiền học trong dân chúng.
Từ thực tiễn văn học Việt Nam, góp thêm một tiếng nói phương pháp luận vào cuộc thảo luận quốc tế về vấn đề Nho giáo và nữ quyền
(07/07/2021)
Bài viết khảo sát đề tài phụ nữ trên thực tế văn bản văn học Việt Nam từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Giai đoạn này, bên cạnh sự xuất hiện một số nhà văn, nhà thơ phụ nữ, đã có không ít tác giả là nhà Nho - người đàn ông viết về phụ nữ. Tuy nhiên, tình hình khá phức tạp: có những nhà Nho bênh vực người phụ nữ, nhưng cũng có không ít nhà Nho đứng trên quan điểm đạo đức bảo thủ của Nho giáo lên án, đả kích các nhân vật phụ nữ được đề cao. Thực tế cho thấy, không thể đơn giản như nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã làm, với tinh thần lưỡng nguyên (dilemma), hoặc kết tội đơn thuần hoặc bênh vực một chiều Nho giáo trong vấn đề nữ quyền, mà nên xuất phát từ tinh thần nhất nguyên luận (monism).
Ngô Thì Nhậm – Hải Lượng Đại thiền sư
(29/06/2021)
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là danh sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng đời Hậu Lê - Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh tan quân Thanh. Ngô Thì Nhậm xuất thân từ gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, (tục gọi là làng Tó), trấn Sơn Nam (nay là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, Hà Nội). Thuở nhỏ, ông tên là Phó, sau đổi là Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông là người thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông đỗ khoa sĩ vọng năm 1769, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775. Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan ở bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh, được chúa Trịnh Sâm quý mến. Năm 1778, ông được bổ làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên. Khi đó, cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.
Tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly: Đạo đức công phu hay chính trị thực hành
(16/06/2021)
Trên cơ sở trình bày những ghi chép ít ỏi còn lại về tư tưởng và học thuật của Hồ Quý Ly, phân tích những đánh giá của các nhà Nho cũng như của các học giả hiện đại về ông, trong bài viết này, tác giả đã luận giải để góp phần làm rõ thêm tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly. Theo tác giả, động cơ của Hồ Quý Ly khi thảo luận về Nho giáo mang sắc thái chính trị trực tiếp và đậm nét. Việc Hồ Quý Ly phê phán Tống Nho xuất phát từ nhu cầu đem tư tưởng hậu thuẫn cho hoạt động chính trị và cải cách. Điều đó khẳng định tinh thần trọng thực tiễn, trọng hoạt động kinh tế hơn công phu tu dưỡng đạo đức của ông.
Quá trình hội nhập Nho - Phật – Lão hay sự hình thành tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” ở Việt Nam
(16/06/2021)
Nho – Phật – Lão hội nhập là hiện tượng tư tưởng chung ở các nước Đông Á thời Trung đại. Bài viết này khảo cứu quá trình hội nhập Nho – Phật – Lão hay sự hình thành tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” ở Việt Nam. Đây là một quá trình gồm ba bước: một là, tam giáo đỉnh lập; hai là, tam giáo dung hợp; và ba là, tam giáo đồng nguyên. Chính việc tam giáo “cầu đồng tồn dị” để xích lại gần nhau trong tiến trình lịch sử của chúng đã kết thành một mạng lưới tạo nên sức mạnh vì mục đích nhân văn, vì cuộc sống con người.
Nội hàm thông diễn học trong “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn
(07/05/2021)
Bài viết bàn về chương “Vân đài loại ngữ” quyển V (Văn nghệ) của Lê Quý Đôn (1726-1784) - nhà nhân văn Việt Nam thời Hậu Lê. Thông qua sự phân tích của mình, tác giả muốn làm rõ hàm nghĩa giải thích học hàm chứa trong cuốn sách. Hàm nghĩa giải thích học được chia làm hai bộ phận: hình thức và nội dung. Phần hình thức nói về hai loại hình thức đặc sắc trong “Vân đài loại ngữ” và hai loại ý chí do hai loại hình thức này tạo ra (ý chí tác giả và ý chí người biên soạn). Phần nội dung đi sâu thảo luận quan điểm, thái độ và phương pháp của các nhà Nho thời Tống, Minh (Chu Hy, Trương Tải) và Lê Quý Đôn.
Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa
(06/04/2021)
Tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đã hình thành rất sớm ở Việt Nam và được Nho giáo bổ sung, nâng lên tầm mức lý luận, trở thành hệ tư tưởng chính trị của các triều đại phong kiến. Trải qua nhiều thăng trầm, Nho giáo và chủ nghĩa dân tộc Việt Nam khi thì gắn kết chặt chẽ, lúc bị tách rời về mặt hình thức hoặc nội dung, nhưng ảnh hưởng của Nho giáo vẫn âm ỉ tác động tới sự vận động của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. Trong bài viết này, tác giả đã phân tích 3 vấn đề: 1/ Vai trò của Nho giáo trong sự hình thành tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Việt Nam; 2/ Đặc trưng của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam; 3/ Biện chứng của chủ nghĩa dân tộc trong thời đại toàn cầu hoá.
Từ "Luận ngữ ngu án", xem xét Nho học Nam truyền và sự thay đổi diện mạo của nó
(09/03/2021)
Bài viết so sánh diện mạo của “Luận ngữ” trong ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên với chủ thể so sánh là Khổng Tử trong thời kỳ Xuân Thu – Chiến Quốc ở nước Lỗ cũng như những nước chư hầu khác, tức là thế kỷ IV – V trước CN., tiếp theo là Chu Hy trong giai đoạn Nam Tống sơ kỳ, tức là giữa thế kỷ XII – XIII của đế quốc Trung Hoa; cuối cùng là Phạm Lập Trai trong giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII ở Việt Nam. Bài viết cho rằng, tuy sự sắp xếp, biên soạn “Luận ngữ” của Phạm Lập Trai có nhiều điểm chưa rõ, nhưng phong cách của ông thực sự là một bước đột phá rất đáng bàn trong việc chú giải “Luận ngữ”.
|
|