Nho giáo và văn hóa ứng xử trong tư tưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm
(09/03/2021)
Trong bài viết này, tác giả đi sâu phân tích văn hóa ứng xử trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựa trên những chuẩn mực đạo đức Nho giáo. Văn hóa ứng xử của Nguyễn Bỉnh Khiêm dưới ảnh hưởng của Nho giáo, theo tác giả, được thể hiện đậm nét qua ba hình thức cơ bản: cách ứng xử trước thế sự, cách ứng xử đối với bề trên và việc đối xử với kẻ dưới. Văn hóa ứng xử của ông thiên về cách tiếp cận giá trị và so sánh. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đứng trên lập trường Nho giáo, dựa vào hệ giá trị chuẩn của Nho giáo để đánh giá hành vi của con người trong xã hội.
Khái niệm "Thành" của Nho giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam
(09/03/2021)
Thứ nhất, bài viết trình bày sự hình thành và nội dung của khái niệm “thành” của Nho giáo thông qua tư tưởng về “thành” của một số bậc đại Nho Trung Quốc trong một số kinh điển của Nho học. Trên cơ sở đó, thứ hai, bài viết trình bày và phân tích ảnh hưởng của khái niệm “thành” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thông qua tư tưởng của một số gương mặt tiêu biểu trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; đó là Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh.
Luận lý khí của Lê Quý Đôn
(11/02/2021)
Trên cơ sở lịch sử Nho học Việt Nam, bài viết trình bày và phân tích luận lý khí trong “Vân đài loại ngữ” của Lê Quý Đôn. Tác giả chỉ ra rằng, luận lý khí của Lê Quý Đôn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Chu Tử học. Nhưng, trong quá trình trình bày luận lý khí của mình, Lê Quý Đôn đã có những nhận định rất đặc sắc, làm nên cái riêng của ông, khiến ông được gọi là học giả tập đại thành của Nho học Việt Nam. Bài viết chỉ ra rằng, dù Lê Quý Đôn dùng “lý”, “khí” để giải thích sự sinh thành và vận động của đất trời, nhưng ông không hề bài xích Phật giáo và Đạo giáo. Trái lại, ông còn có tư tưởng dung hợp tam giáo.
Vị trí và vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam
(15/02/2021)
Bài viết chỉ ra rằng, kể từ khi vào Việt Nam (thế kỷ I TCN.), một mặt, Nho giáo là công cụ thống trị của chính quyền đô hộ và phục vụ cho chính quyền đô hộ; mặt khác, sự truyền bá Nho giáo cùng với việc phổ biến chữ Hán đã đưa tới Việt Nam một kho tàng tri thức về xã hội và tự nhiên. Nho giáo ở Việt Nam đã từng có vị trí độc tôn (ở thế kỷ XV) và có những vai trò đáng kể đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội Việt Nam, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu nhằm xây dựng và bảo vệ chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam. Song, Nho giáo cũng có không ít nhược điểm và do vậy, đối với những tàn dư của Nho giáo ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần phải biết tiếp thu có chọn lọc.
Về tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi
(18/01/2021)
Trước khi đi sâu vào phân tích những tư tưởng triết học cơ bản và đặc sắc của Nguyễn Trãi - nhà chính trị, nhà quân sự tài năng, nhà văn hóa, tư tưởng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam ở cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, bài viết chỉ ra những tiền đề lý luận của những tư tưởng ấy. Tiếp theo, bài viết khảo sát tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi ở ba lát cắt: 1/ Quan điểm của Nguyễn Trãi về thiên mệnh, về trời đất và con người; 2/ Tư tưởng của Nguyễn Trãi về nhân nghĩa, đặc biệt là tư tưởng về dân và vai trò của dân; 3/ Quan niệm của Nguyễn Trãi về thời. Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh rằng, ẩn chứa đằng sau hệ thống các quan điểm đó của Nguyễn Trãi chính là "chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam" đã "được phát triển đến đỉnh cao".
Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam
(18/01/2021)
Trước hết, bài viết trình bày ba đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam: thứ nhất là về vai trò của Nho giáo đối với xã hội Việt Nam phong kiến, độc lập, tự chủ; thứ hai là về chiều hướng và động lực phát triển của Nho giáo Việt Nam; thứ ba là về bốn phong cách tư duy của Nho giáo Việt Nam. Tiếp đó, bài viết chỉ ra và phân tích ba nguyên nhân đã làm nên những đặc trưng đó, gồm: một là, sự truyền bá và phát triển của Nho giáo ở Việt Nam đã diễn ra trong điều kiện không bình thường; hai là, chế độ phong kiến chuyên chế tông pháp ở Việt Nam chỉ cho phép Nho giáo phát triển theo một chiều hướng và trong phạm vi có lợi cho triều đình; và ba là, Nho giáo Việt Nam thiếu cơ sở vật chất cần thiết để phát triển.
Một số suy nghĩ về nghiên cứu triết học ở Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hiện nay
(11/10/2018)
Trên cơ sở trình bày những thành tựu chủ yếu và vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu triết học ở Việt Nam, tác giả tập trung phân tích vai trò và những định hướng nghiên cứu lớn của nghiên cứu triết học ở Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá. Ba định hướng lớn được tác giả tập trung phân tích là: thứ nhất, nếu như các nhà triết học trên thế giới đang tập trung nghiên cứu những vấn đề do toàn cầu hoá đặt ra, tức là phản tư những vấn đề thế giới hay vấn đề toàn cầu, thì triết học Việt Nam phải tập trung nghiên cứu những vấn đề thực tiễn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế; thứ hai, nghiên cứu những tư tưởng triết học Việt Nam; thứ ba, nghiên cứu những trào lưu và những tư tưởng, những quan điểm triết học của các nhà triết học tiêu biểu trên thế giới cả phương Đông lẫn phương Tây; trước hết là những trào lưu, những tư tuởng và quan điểm triết học có ảnh hưởng nhiều hơn đến Việt Nam.
Triết học Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế
(11/10/2018)
Trong bài viết này, tác giả khẳng định rằng, trong lịch sử, Việt Nam đã có triết học của mình, thể hiện tập trung ở hai vấn đề: tư tưởng triết học về số phận của cá nhân con người và tư tưởng triết học về số phận của đất nước. Đó cũng là sắc thái tư duy triết học đặc thù của Việt Nam. Mặt khác, tác giả cũng luận chứng để cho thấy rằng, trước đây, triết học Việt Nam ít nhiều đã có sự giao lưu với bên ngoài; ngày nay, mở cửa và hội nhập quốc tế vừa là cơ hội, vừa là thách thức mới đối với sự phát triển của triết học Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc nhận thức lại tư duy truyền thống và lựa chọn, kế thừa những giá trị trong tư duy triết học của thế giới là điều kiện để có sự hội nhập tích cực.
Tư tưởng triết học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX
(10/10/2018)
Trên cơ sở phân tích sự phát triển của tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX, tác giả đưa ra một số nhận xét cơ bản sau: thứ nhất, tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX chịu sự quy định của những điều kiện vật chất xã hội mang tính lịch sử – cụ thể; thứ hai, sự tiếp nhận triết học Mác - Lênin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; thứ ba, sự phát triển tư tưởng triết học dân tộc giai đoạn này là một quá trình tiếp biến biện chứng; thứ tư, nội dung chủ đạo của tư tưởng triết học Việt Nam đầu thế kỷ XX là vấn đề độc lập dân tộc và dân chủ xã hội; thứ năm, hình thái biểu hiện của nó mang tính tổng hợp.
Triết học, đạo đức và tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
(17/09/2018)
Triết học Việt Nam tồn tại và phát triển trên cơ sở vừa khẳng định bản sắc dân tộc của mình, vừa tiếp thu mọi giá trị tích cực của các dân tộc khác. Theo tác giả, ở Việt Nam, yêu thương không những là một tình cảm tự nhiên, mà còn là một điều kiện để tồn tại, là lẽ sống bền vững và là hạnh phúc lớn nhất của con người. Chủ nghĩa yêu nước là biểu hiện rõ rệt nhất của tính cộng đồng Việt Nam; đồng thời, là cốt lõi của mọi tư duy triết học, là tiêu chuẩn cao nhất trong đạo đức, là điều thiêng liêng nhất trong mọi tôn giáo ở Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hoá cũng như sự mở rộng quan hệ giao lưu, đối thoại giữa các nền văn minh và trào lưu triết học trên toàn thế giới, việc phấn đấu cho thế giới được sống trong hoà bình, hữu nghị, cho các dân tộc được phồn vinh và hạnh phúc là mục tiêu cao nhất, có ý nghĩa sâu sắc của triết học.
|
|