Triết học có thể đóng vai trò gì trong cuộc sống? Triết học có thể đóng vai trò gì trong cuộc sống?
(12/09/2018)
Trong bài này, tác giả đề cập đến hai thái cực trái ngược nhau khi đánh giá vai trò của triết học trong cuộc sống. Thái cực thứ nhất coi thường vai trò của triết học vì cho rằng: 1) Triết học nghiên cứu và giải quyết những vấn đề quá chung nên những kết quả nghiên cứu của nó không có tác dụng thiết thực gì hết; 2) Triết học không có phương pháp và trang thiết bị nghiên cứu riêng của mình như của khoa học tự nhiên nên tính chân lý của các kết quả nghiên cứu triết học không được bảo đảm. Thái cực thứ hai, ngược lại, lại tuyệt đối hoá vai trò của triết học, cho rằng chỉ cần nắm được triết học thì sẽ giải quyết được tất cả các vấn đề cụ thể của cuộc sống. Tác giả đã luận chứng cho quan điểm, theo đó, cả hai thái cực trên đều sai lầm vì để giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề cụ thể của cuộc sống, cần kết hợp chặt chẽ cả hai loại tri thức: 1/ Tri thức chung (trong đó có tri thức triết học và tri thức khoa học chuyên ngành) và tri thức thực tiễn (trong đó có sự hiểu biết tình hình thực tiễn và trình độ tay nghề được biểu hiện qua sự nhạy cảm thực tiễn).
Sự phát triển của Nho giáo thời kỳ Lý - Trần Sự phát triển của Nho giáo thời kỳ Lý - Trần
(28/07/2018)
Để làm rõ quá trình phát triển của Nho giáo với tư cách học thuyết chính trị – đạo đức trong thời kỳ Lý – Trần, trong bài viết này, các tác giả đã đưa ra và luận giải: 1. Những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá, giáo dục ở thời kỳ Lý – Trần; 2. Quan niệm của vua, quan thời Lý – Trần về đạo trị nước, yên dân của Nho giáo; 3. Tư tưởng về “Trời” và “mệnh Trời” của Hán Nho và ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội Việt Nam thời Lý – Trần; 4. Các Nho sĩ Việt Nam thời Lý – Trần vận dụng các phạm trù đạo đức Nho giáo trong lĩnh vực chính trị và xây dựng các chuẩn mực đạo đức; 5. Quá trình hình thành, phát triển và vị trí chủ đạo của giáo dục Nho học trong nền giáo dục đất nước thời Lý – Trần.
Quá trình chuyển biến tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng Quá trình chuyển biến tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng
(03/07/2018)
Xuất thân khoa bảng, đỗ đạt cao, nhưng Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947) có một cái nhìn khá mới mẻ với thời cuộc. Ông tiếp thu tư tưởng yêu nước của các nhà Nho trong lịch sử, song cũng đi tìm cái mới, cái tiến bộ trong các học giả yêu nước của Trung Quốc, trong lịch sử duy tân tự cường của Nhật Bản, trong văn hoá tư sản phương Tây. Quá trình thành lập và hoạt động trong phong trào Duy Tân, làm Viện trưởng Viện Nhân dân đại biểu, chủ bút báo Tiếng Dân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó chủ tịch liên hiệp kháng chiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam là quá trình Huỳnh Thúc Kháng luôn đi tìm cái mới, những giá trị mới để mang lại độc lập, tự do, dân chủ cho dân. Mặc dù sự phát triển tư tưởng ở Huỳnh Thúc Kháng cũng chứa đựng những mâu thuẫn, nhưng ông đã vượt lên những mâu thuẫn đó để có thể tiến kịp tư tưởng thời đại. Đó là điểm khá nổi bật và khác biệt trong tư tưởng của ông.
Mấy vấn đề Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XVI và XVII Mấy vấn đề Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XVI và XVII
(09/05/2018)
Thế kỷ XVI và XVII là thời đầy biến động của xã hội Việt Nam. Chiến tranh xảy ra liên miên giữa các tập đoàn phong kiến, từ cuộc chiến tranh Trịnh – Mạc cho đến Trịnh – Nguyễn, làm đảo lộn đời sống xã hội. Nho giáo, mặc dù trước đó có ảnh hưởng rất lớn ở Việt Nam nhưng lúc này, đã bộc lộ những hạn chế, dần mất vị trí của mình, tạo điều kiện cho sự phát triển Phật giáo, Đạo giáo… Tuy nhiên, suốt từ thời Mạc cho đến Lê trung hưng, Phật giáo, Đạo giáo hay bất cứ một tôn giáo nào khác cũng vẫn không thay thế được Nho giáo ở cương vị của một đạo trị nước, một học thuyết về quản lý xã hội. Điều đó lý giải cho sự tồn tại của Nho giáo trong xã hội phong kiến ở nước ta.
Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về con người và giáo dục con người Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về con người và giáo dục con người
(04/04/2018)
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là nhà tư tưởng tiêu biểu của lịch sử dân tộc, với những đóng góp về mặt triết học, chính trị học, quân sự học,  văn học, giáo dục… Trong đó, vấn đề con người được ông quan tâm trước hết. Ông tiếp cận vấn đề con người và bản tính con người vừa trên cơ sở “thiên tính tự nhiên” vừa trong những mối quan hệ xã hội phức tạp. Đặc biệt, ông chỉ ra vai trò to lớn của điều kiện kinh tế và giáo dục đối với sự hình thành và thay đổi bản tính con người. Nhận thức được tính quy luật của sự phát triển xã hội, Ngô Thì Nhậm có những tư tưởng mang tính chất chiến lược về giáo dục và trọng dụng hiền tài. Với những đóng góp của mình, ông “mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam, làm vẻ vang cho giống nòi”.
Biện chứng của tư duy dung hòa trong văn hóa - tôn giáo Việt Nam: Lịch sử và hiện tại Biện chứng của tư duy dung hòa trong văn hóa - tôn giáo Việt Nam: Lịch sử và hiện tại
(23/03/2018)
Tư tưởng dung hoà như một nguyên tắc tồn tại của người Việt Nam được hình thành từ rất sớm trong lịch sử và ngày càng được bổ sung thêm nhiều nội dung mới theo tiến trình phát triển của dân tộc. Tư tưởng này bao gồm các nội dung: hoà hợp với tự nhiên; dung hoà với xã hội; dung hoà với con người. Tư tưởng dung hoà vận động trong suốt lịch sử cổ-trung đại Việt Nam đã tạo ra một diện mạo văn hoá Việt, làm nên một tổng thể các yếu tố văn hoá - tôn giáo (Nho - Đạo – Phật và các yếu tố bản địa) khi được bổ sung thêm những giá trị nhân văn mới mẻ, tiến bộ của phương Tây thời cận, hiện đại. Tuy có giai đoạn tư tưởng dung hoà bị lãng quên hay bỏ qua, gây nên những hệ quả tiêu cực về văn hoá- xã hội, nhưng sự tự nhận thức, điều chỉnh và ứng dụng nguyên tắc này trên tinh thần thời đại, phù hợp với thực thể văn hoá - xã hội của người Việt vẫn luôn được giới tinh hoa coi như  chiếc chìa khoá vàng cho sự phát triển văn hoá của dân tộc.
Một số đặc điểm cơ bản của tư tưởng triết học dân tộc thời kỳ đầu độc lập (Thế kỷ X) Một số đặc điểm cơ bản của tư tưởng triết học dân tộc thời kỳ đầu độc lập (Thế kỷ X)
(17/03/2018)
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, thế kỷ X là giai đoạn lịch sử  đặc biệt và có thể nói, là bước quá độ từ một nước thuộc địa của phương Bắc chuyển dần thành nước độc lập, tự chủ. Đây cũng là thời kỳ tổ chức xã hội nước ta chưa ổn định, nguy cơ cát cứ và bị xâm lược luôn đe dọa sự tồn vong của dân tộc. Do vậy, việc truy tìm đặc điểm tư tưởng triết học thời kỳ này cần được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, bên cạnh những tư tưởng được trình bày dưới dạng thành văn liên quan tới triết học tôn giáo, theo chúng tôi, cũng cần phải đề cập tới loại hình “triết học vô ngôn”. Ở đây, một số quan niệm về “có” và “không” đã ẩn chứa một  “thể loại” triết lý vô ngôn liên quan đến sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời bấy giờ. Theo chúng tôi, đây là vấn đề luôn đặt ra cho các nhà nghiên cứu lịch sử tư tưởng triết học nhưng chưa được xem xét một cách chuyên sâu.
Về bài Về bài "Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn"
(02/03/2018)
Trên cơ sở đưa ra những ý kiến trao đổi, phân tích về ba nội dung chủ yếu (1/ Đường lối cứu nước; 2/ Nguyên nhân mất nước và 3/ Thực chất của phong trào Duy Tân) được đề cập trong “Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn” của Nguyên Ngọc, tác giả đã làm rõ thực chất của cái được gọi là “tính cập nhật kỳ lạ” trong các vấn đề đó. Theo tác giả, những lập luận trong “Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn” cần phải được suy nghĩ một cách khách quan, toàn diện, trên quan điểm lịch sử để tránh những hiểu lầm, những tác động không tốt.
Những nét độc đáo trong tư duy người Việt qua văn học dân gian Những nét độc đáo trong tư duy người Việt qua văn học dân gian
(02/02/2018)
Văn học dân gian Việt Nam là dòng văn chương bình dân nhưng đã ẩn chứa những khái niệm trừu tượng, những phán đoán và sự nhận thức của người Việt. Hay nói khác đi, văn học dân gian Việt Nam đã có những quan niệm nhất định về vũ trụ, nhân sinh không hoàn toàn vay mượn tư tưởng của Nho, Phật, Lão. Đó chính là những nét độc đáo của tư duy người Việt về thế giới, con người.
Ảnh hưởng của Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Du Ảnh hưởng của Nho giáo trong tư tưởng Nguyễn Du
(22/01/2018)
Tam giáo đồng nguyên là nét đặc trưng điển hình trong tư tưởng Nguyễn Du. Trong đó, Nho giáo có những ảnh hưởng sâu sắc tới các tư tưởng chính trị, đạo đức và nhân sinh của ông. Tư tưởng đạo đức của Nguyễn Du mang hình thức ngôn từ Nho giáo nhưng thấm đượm nội dung Phật giáo và dân gian, nên nó không khắc nghiệt như đạo đức Tống Nho. Giá trị đạo đức do Nguyễn Du tạo lập mang tính đa diện, gắn kết đa chiều: không gian - thời gian - con người - giá trị, nên nó mang đậm phong cách Việt. Tư tưởng nhân sinh của Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của vũ trụ quan Nho giáo nhưng có giá trị nhân văn cao cả. Với ông, đời người và xã hội vận động theo luật phản phục, bĩ cực thái lai; mỗi người có một số phận do mệnh trời quy định, nhưng nếu nỗ lực hành thiện thì số phận ấy có thể cải biến được. Với quan niệm này, ông đã cố gắng thoát ly khỏi ảnh hưởng Nho giáo để trở về với những giá trị nhân văn của dân tộc.
Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007