Ý thức văn hoá trong “Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn
(07/03/2017)
Bài viết khảo cứu khía cạnh ý thức văn hoá trong những bản Chiếu thư, Tấu sớ, Hịch được ghi chép trong cuốn “Đại Việt thông sử” do Lê Quý Đôn biên soạn. Trên cơ sở xác định rằng, nội dung của ý thức văn hoá rất rộng lớn, bài viết chỉ đi vào một vài khía cạnh trong những nội dung đó. Cụ thể, đó là vấn đề ý thức mệnh trời, vấn đề ý thức lịch sử và vấn đề ý thức chủ thể (chủ quyền). Từ đó, tác giả bài viết đưa ra những nhận định, đánh giá của bản thân về ý thức văn hoá của người Việt trong thời kỳ phong kiến và trong mối tương quan với văn hoá - lịch sử Trung Quốc.
Về giá trị đương đại của Nho giáo Việt Nam
(07/03/2017)
So sánh với việc một số nước Đông Á đã vận dụng thành công những mặt tích cực của Nho giáo vào xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh, bài viết phân tích một cách ngắn gọn nhưng súc tích những giá trị đương đại của Nho giáo mà Việt Nam cần khai thác một cách hợp lý trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đó là vấn đề mối quan hệ giữa Nho giáo và kinh tế, vấn đề tu dưỡng đạo đức, vấn đề tư tưởng Nho giáo về quản lý đất nước, vấn đề kết hợp giữa đạo đức và pháp luật,… Cuối cùng, bài viết khẳng định, nếu không đặt vấn đề nghiên cứu Nho giáo một cách nghiêm túc thì sẽ là cơ hội cho sự phục hồi những nhân tố tiêu cực của Nho giáo.
Tư tưởng luân lý mới của các nhà Nho Duy tân trong “Tân đính luân lý giáo khoa thư”
(06/10/2016)
Bài viết trình bày và phân tích những tư tưởng luân lý mới của các nhà Nho duy tân trong Tân đính luân lý giáo khoa thư. Qua những nội dung chính trong sáu trên tổng số bảy chương của cuốn sách, tác giả bài viết chỉ ra rằng, các nhà Nho duy tân của Tân đính luân lý giáo khoa thư đã phá vỡ giới hạn chật hẹp của hệ thống luân lý truyền thống Nho gia, đưa vào đó những nội dung luân lý rộng hơn, phong phú và mới mẻ hơn với một trật tự và sự kiến giải khác nhằm góp phần khích động tự hào và tự tôn dân tộc, chấn hưng dân trí, dân khí. Song, các nhà Nho duy tân vẫn bàn về luân lý mới với cách thức tư duy cũ về luân lý và do đó, cái mới trong Tân đính luân lý giáo khoa thư không đầy đủ và không triệt để.
Tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ về dân sinh và xây dựng xã hội hài hoà
(23/09/2016)
Trong bài viết này, tác giả đã góp phần làm rõ thêm những nội dung cơ bản trong các tư tưởng quan trọng của Nguyễn Trường Tộ về dân sinh và xây dựng xã hội hài hoà. Điều đáng quý ở Nguyễn Trường Tộ là, ông không những đưa ra những nội dung cụ thể, rõ ràng về dân sinh, mà còn luôn trăn trở tìm kiếm các phương thức mưu sinh cho dân chúng. Đồng thời, ông còn đưa ra những tư tưởng sâu sắc về xã hội hài hoà cũng như các phương pháp để thực hiện xã hội lý tưởng. Theo tác giả, tư tưởng về dân sính và xã hội hài hoà của Nguyễn Trường Tộ đầy sức sống, có giá trị gợi mở đối với việc xây dựng một đường lối phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta hiện nay.
Vấn đề dân sinh trong Đại việt sử ký toàn thư và ý nghĩa thời đại của nó
(23/09/2016)
Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử lớn của Việt Nam, ghi chép lại những sự kiện lịch sử của gần 3000 năm (từ thời Hồng Bàng đến năm 1675). Đây cũng chính là kho dẫn chứng dồi dào cho vấn đề dân sinh của bài viết này. Trong bài viết này, vấn đề dân sinh được tác giả xem xét trong ba lĩnh vực: đời sống sản xuất vật chất xã hội, chính trị - xã hội và đời sống tinh thần của xã hội. Theo tác giả, nhiều triều đại phong kiến trong lịch sử Việt Nam đã ban hành và thực thi các chính sách dân sinh và an sinh xã hội, thậm chí khái niệm dân sinh cũng đã xuất hiện trong bộ sử ký này. Cuối cùng, tác giả chỉ ra bài học quý giá từ vấn đề dân sinh trong lịch sử đối với giai đoạn phát triển hiện nay ở Việt Nam.
Mối quan hệ tam giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập thời Lý – Trần
(25/02/2016)
Bài viết góp phần luận chứng một hiện tượng độc đáo, có một không hai trong lịch sử của dân tộc, đó là mối quan hệ tam giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập dưới thời Lý – Trần. Theo tác giả, cả Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đều được Nhà nước phong kiến sử dụng và khuyến khích phát triển; tam giáo này không chỉ ảnh hưởng và tác động lẫn nhau, mà còn cạnh tranh với nhau để giành vị trí hàng đầu.
Triết lý truyền thống ở Việt Nam về vũ trụ
(25/02/2016)
Bài viết phân tích triết lý truyền thống của người Việt về vũ trụ, coi vũ trụ là hệ thống toàn vẹn của những mối liên hệ nội tại vừa thống nhất và tập trung, vừa phong phú và đa dạng. Về đại thể, vũ trụ gồm 3 thể: Trời - Đất - Người. Không chỉ làm rõ thêm những đặc điểm chung trên phương diện triết lý về vũ trụ, tác giả còn xác định tính thực tiễn, giá trị thực tiễn của các quan niệm truyền thống về vũ trụ. Theo tác giả, triết lý truyền thống của ông cha ta về vũ trụ là một nhân tố quan trọng góp vào sự phát triển đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một mạch “tinh huyết” làm nên “thần khí” văn hoá phương Đông.
Tư tưởng triết học Trần Thái Tông
(25/02/2016)
Bài viết phân tích triết học Phật giáo Trần Thái Tông trên ba khía cạnh cơ bản: bản thể luận, nhận thức luận và nhân sinh quan. Theo các tác giả, Trần Thái Tông không chỉ là một vị vua anh hùng dám xả thân vì nghĩa và vì quốc gia xã tắc, mà còn là một triết gia với những tư tưởng độc đáo, đặc sắc về triết học Phật giáo. Trong đó, chúng ta phải đặc biệt kể đến sự kết hợp hài hoà giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần nhập thế cao cả, đem đạo vào đời để cứu dân độ thế của ông. Giá trị của tư tưởng triết học Trần Thái Tông không chỉ là chấm dứt sự tản mát về tư tưởng giữa các dòng thiền cuối thời Lý, mà còn là một trong những tiền đề tư tưởng cho sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
|
|