Con người thời biến Ngô Thì Nhậm - Quan niệm "thời" của Kinh Dịch và Khổng Tử

03/06/2022

Thế kỷ XVI - XVIII là thời kỳ bất ổn nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, thời kỳ mà sự bất toàn của chế độ phong kiến được thể hiện một cách toàn diện và sâu sắc. Trong bối cảnh “thời biến” đó, có một nhân vật mà người ta thấy hiện diện trong mọi biến cố lớn của lịch sử, với nhiều tư cách, mà trong tư cách nào cũng thể hiện rất xuất sắc. Cuộc đời hoạt động của ông cũng để lại nhiều tranh cãi bởi có nhiều tư cách đối lập, nhiều gương mặt hoạt động phong phú, nhiều quan điểm chính trị mâu thuẫn, tư tưởng khác biệt nhau hiện thân trong một con người - Nhân vật ấy là Ngô Thì Nhậm. Bài viết này muốn góp phần tìm kiếm lời giải nhất quán cho những tư cách phức tạp và lối ứng xử chính trị đầy mâu thuẫn của Ngô Thì Nhậm qua quan niệm về chữ “Thời”.

1. Đôi nét về chữ “Thời” ở Kinh Dịch và Khổng Tử

Khái niệm “Thời” là một nội dung của triết học nhân sinh. Quan niệm “thời” được suy tư nhiều trong triết học phương Đông. Do sự gắn bó chặt chẽ của nó với vấn đề nhân sinh nên “thời” trở thành một trong những khái niệm then chốt trong nhân sinh quan và trong triết học chính trị của Trung Quốc cũng như của Việt Nam. Người ta thường gặp các cặp khái niệm nhân sinh - chính trị gắn với chữ “thời” trong cách suy tư, trong văn hóa và tư tưởng của người Trung Quốc, Việt Nam như: “Thời thế”, “thời vận”, “thời biến”, “thời cơ”, “tùy thời”, “phùng thời”, “thức thời”, hay “thất thời”, v.v.. Trong văn hóa của hai quốc gia này, quan niệm về “Thời” còn được coi là một trong những thước đo đánh giá năng lực nhận thức chính trị - xã hội của một nhà tư tưởng. Có thể thấy, quan niệm về “thời” thể hiện rất rõ qua Kinh Dịch và tư tưởng của Khổng Tử.(*)

Kinh Dịch được coi là “quần kinh chi thủ”, cuốn sách đứng đầu mọi kinh điển và là khởi nguồn cảm hứng cho nhiều dòng tư tưởng triết học Trung Quốc trong lịch sử. Kinh Dịch cũng góp phần hình thành nên tư tưởng cơ bản của Trung Hoa và là tác phẩm đầu tiên của Trung Hoa tập trung bàn về chữ Thời. Quẻ 17 Tùy  , Thoán từ trong Kinh Dịch nói: “Tùy thời chi nghĩa, đại hĩ tai” (Cái nghĩa của việc tuân theo thời, to lớn thay!)(1). ở đây, tuân theo không có nghĩa là bị lôi kéo hay đi theo một cách bị động, mà là cần phải vận động theo các quy luật nội tại tất yếu. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả, không bị tiêu tốn quá nhiều sức lực và mạo hiểm.

Nhìn vào cấu trúc, có thể thấy, quẻ Tùy cho phép đảm bảo được hai đòi hỏi trên. Quẻ dưới: Một hào dương xuất hiện dưới hai hào âm. Quẻ trên: Hào dương phát triển và nắm được vị trí chủ đạo, nhưng vẫn đi theo một hào âm trên cùng. Như vậy là dương đi theo âm. Dương là cái cứng mạnh, nhưng lại đi theo âm là cái mềm dẻo. Điều này có nghĩa là tuân theo, nhưng không phải là tuân theo một cách cưỡng bức, bị động mà là tuân theo một cách chủ động, có chính kiến. Vì thế, biết áp dụng cho mỗi biến cố một lối hành xử là cả một sự “xuống” công phu và khéo léo. ở Khổng Tử, quẻ này thường được coi là ứng hợp với quan niệm thuận theo thời thế của ông. Trong lịch sử, khi các bậc tiên Nho muốn xưng tụng tài đức của Khổng Tử thì không tìm được danh hiệu nào xứng hơn là “Thánh chi Thời”. Chính vì thế mà Khổng Tử, bản thân có trong mình sự toàn vẹn, hoàn hảo về chủ kiến chính trị và đạo đức, đã có thể phục vụ được các ông vua chư hầu thời của mình, kể cả những vị hoàng đế đầy thủ đoạn. Chính ông cũng tự nói rằng, chẳng có gì là có thể làm, cũng chẳng có gì là không thể làm (vô khả, vô bất khả 無可無不可)(2), nghĩa là chẳng có cái gì nhất định hợp hay không hợp với ông. Do tuân theo và tin vào bản thân nên ông có thể và có khả năng nắm lấy những cơ hội, dù nhỏ nhất, để thực thi lý tưởng.(1)

Tiếp nữa, Kinh Dịch cũng coi trọng sự chuyển hóa và không cực đoan. Theo Kinh Dịch thì không có một quẻ nào là tiêu cực hoàn toàn, hay tích cực hoàn toàn. Luôn luôn có sự chuyển hóa giữa âm và dương để làm nên tính chất của một quẻ. Cái tiêu cực ẩn chứa mầm mống tích cực và ngược lại. Vì thế, có thể coi Kinh Dịch là cuốn sách đầu tiên dạy về phép biện chứng của người Trung Quốc.

Quẻ Khuê   (quẻ 38) trong Kinh Dịch có tượng là chia lìa, nối tiếp tượng hợp đoàn trong quẻ Gia Nhân   (quẻ 37). Trong quẻ Gia Nhân, các hào từ 1 đến 5 đều ở đắc vị, nhưng trong quẻ Khuê thì ngược lại, các hào từ 2 đến 5 đều thất vị. Về tượng thì trạch (hồ) chảy xuống dưới, hỏa bốc lên trên. Điều này cho thấy hai khuynh hướng khác biệt nhau rất rõ ở hai quẻ này, thể hiện sự đối lập nhau nhưng vẫn thống nhất với nhau. Dịch viết: “Trời đất một ở trên cao, một ở dưới thấp, vốn là khác nhau, chia lìa nhau, vậy mà công hóa dục vạn vật là của chung trời đất”; “Trai gái một dương một âm là trái nhau, vậy mà cảm thông với nhau”; hay “Vạn vật tuy khác nhau mà việc sinh hóa cùng theo một luật như nhau”.

Sẽ không thể có mối liên hệ giữa các cực, mối quan hệ giữa các giới tính hay sự liên kết giữa các sự vật nếu thiếu thời điểm chia tách; nếu không có sự chia tách thì chỉ là sự hỗn tạp chứ không phải là sự hợp nhất. Cái tiêu cực đối lập với cái tích cực như là sự phân đôi trong sự hợp nhất. Như vậy, nó cũng đồng thời biểu hiện khả năng tiếp sau cái tiêu cực là cái tích cực sẽ đi theo. Tại đây, cần phải thấu hiểu nguyên lý về sự luân phiên, đắp đổi của các mặt đối lập.

Phải chăng Kinh Dịch dạy chúng ta cách cư xử khi Đạo bị bít lối và thời điểm thuộc về phía đối nghịch. Thay vì muốn tiến lên phía trước một cách kiên quyết và do đó có tính cưỡng bức, bất chấp khó khăn gặp phải thì tốt hơn nên kiên trì chờ đợi cho tình thế tự nó đổi mới. Không phải vì ta không dám tiến lên mà là vì ta biết chờ cho các yếu tố tự nó thể hiện đầy đủ, rồi sau đó tự chỉnh sửa để đổi mới. Cũng có thể minh chứng điều này qua quẻ Kiển (quẻ 39  )(3), tượng chia lìa, bốn hào giữa đắc vị, nhưng hai hào âm ở hai đầu cho thấy một thái độ mềm dẻo, không tấn công cứng nhắc, phải dừng lại trước trở lực (ba hào trên là quẻ Khảm, tượng nguy, ba hào âm dưới thuộc về quẻ Cấn, tượng dừng. Thấy nguy nên dừng lại. Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi (Cấn), tiến lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Muốn tiến hay lui đều trở ngại, không khác gì đại tướng lâm nguy). Hào nhất và hào lục là âm, mềm dẻo đầu cuối để cho 4 hào giữa tự vào vị trí, tự điều chỉnh nó. ở đây, những cách xử thế gợi ý rằng “nhẫn nại là tốt lành”, “tùy theo thời điểm là quan trọng” (dụng thời chi yếu) là cách mà Dịch khuyên - ứng xử thuận thời khi gặp giai đoạn chướng ngại.

Như vậy, quan niệm về chữ Thời của Dịch nhấn mạnh đến tính cơ hội của các thời điểm, nắm đúng cơ hội sẽ thuận thời để không nhọc công đạt mục đích. Còn với những tình thế khó khăn, Kinh Dịch nhấn mạnh đến yếu tố chuyển hóa, tự vận động biến đổi của sự vật hiện tượng, không nên dùng ý chí can thiệp, hay cứng nhắc cưỡng lại. Trạng thái mới xuất hiện của sự vật hiện tượng sẽ tự nó vượt qua được khó khăn trở ngại. Nắm được tinh thần của chữ Thời trong Kinh Dịch và trong quan niệm của Khổng Tử là cơ sở để hiểu được tinh thần Thời trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm.

Khổng Tử nói rằng: “Thêm cho ta vài năm, trọn vẹn học Dịch, có thể không lầm lẫn lớn vậy” (Luận ngữ, Thuật nhi)(4). Khổng Tử từng chăm chỉ học Dịch đến nỗi mấy lần đứt cả sợi dây xâu gáy sách. Tuy nhiên, ông vẫn muốn có thêm thời giờ để học cho thấu đáo. Mong muốn này cho thấy sức ảnh hưởng lớn của Dịch đối với Khổng Tử cũng như việc ông đã thể hiện tinh thần “tùy thời” của Dịch ra sao để được coi là vị Thánh thức thời.

Trong Luận ngữ (Thiên XVIII, Vi Tử, tiết 8), Khổng Tử đã phân biệt ba loại thánh nhân. Họ đều bỏ công danh phú quý, đi ở ẩn, nhưng họ có những phong độ ứng xử rất khác nhau. Loại thứ nhất như Bá Di, Thúc Tề “chẳng khuất chí mình, chẳng nhục thân mình” (bất giáng kỳ chí, bất nhục kỳ thân), không thể chê trách vào đâu cả; loại thứ hai như Liễu Hạ Huệ, Thiếu Liên, kém hơn, “phải khuất chí mình, phải nhục thân mình”. Tuy vậy, lời nói của họ “hợp luân lý” (ngôn trúng luân), việc làm của họ “hợp lòng mong nghĩ của dân” (hành trúng lự); loại thứ ba như Ngu Trọng, Di Dật “ở ẩn nơi xa vắng và ăn nói rất tự do, phóng túng” (ẩn cư, phóng ngôn) nhưng “giữ mình đúng lẽ thanh khiết và biết bỏ phế đúng lẽ quyền biến” (thân trúng thanh, phế trúng quyền). Sau khi nêu ba loại thánh nhân và không sắp mình vào một loại nào, Khổng Tử viết: “Còn ta thì khác ở chỗ chẳng có gì là được hoặc không được” - tức là chẳng có gì là thích hợp với ta hoặc không thích hợp với ta (Ngã tắc dị ư thị, vô khả, vô bất khả).

Trong ba loại người nói trên, loại thứ nhất và loại thứ hai là hai thái cực đối lập với nhau, loại thứ ba xem như nửa này, nửa kia. Khổng Tử không thuộc về loại thứ nhất, chẳng thuộc về loại thứ hai, càng không phải là loại thứ ba. Ông có thể là loại người này cũng như có thể là loại người kia, đó là tùy theo tình thế. Khổng Tử không phải là người cố chấp, cũng chẳng phải là người không cố chấp. Vì ông có thể cố chấp như những người cố chấp nhất, khước từ mọi sự nhân nhượng mà cũng có thể thỏa hiệp hoàn toàn, miễn sao có cơ giúp ích cho đời. Người minh triết là người “không định ra được phẩm chất” với ý nghĩa là không có phẩm chất như là thuộc tính “cố hữu”, “bất biến”, mà có phẩm chất này hay phẩm chất kia là do đòi hỏi của tình thế.

Mạnh Tử nhận định, Khổng Tử là “Thánh chi thời giả dã”. Hình mẫu về vị Thánh thức thời này đủ để thủ tiêu sự phân biệt đạo đức, “thiện” hay “ác”, vì nó được triển khai tùy theo thời điểm. Khổng Tử có thể không khoan nhượng trong số những người cố chấp nhất khi cần, nhưng cũng lại biết dung hòa trong số những người ưa dung hòa nhất khi cần. “Khi cần xuất thì xuất, khi cần xử thì xử...”. Khổng Tử đã tự loại mình ra khỏi tất cả các nhóm khác – những người cố chấp, hay những người đã nhân nhượng, hay thậm chí những người đã lui về ẩn dật cốt chỉ để phù hợp với đòi hỏi của thời thế: “Ta khác với tất cả bọn họ”, vì “không có gì mà ta không thể làm hoặc ta có thể làm”. Khổng Tử luôn sẵn sàng, không cứng nhắc, khuôn mình vào bất cứ lập trường nào, hạn định mình vào bất kỳ sự phân loại nào, kể cả về mặt đức hạnh. Bởi, theo ông, chính sự cố định mình trong đức hạnh lại bộc lộ thiếu sót khi khiến chúng ta bỏ mất khả năng phát triển toàn diện, cũng là khả năng thích ứng với đòi hỏi của thời điểm.

Một hình mẫu lý tưởng như Khổng Tử xuất hiện trong thời loạn như thời Xuân Thu tất yếu có ảnh hưởng không nhỏ tới những lựa chọn chính trị của Ngô Thì Nhậm trong bối cảnh Việt Nam thế kỷ XVIII rối ren và hỗn loạn.

Nguồn: Internet

2. Lý giải về con người “thời biến” Ngô Thì Nhậm

Sau nhiều năm hòa bình trong hoàn cảnh quốc gia phong kiến độc lập và thống nhất, Việt Nam bước vào một thời kỳ phân tranh và nội chiến kéo dài gần ba thế kỷ, bắt đầu từ năm 1527 với việc Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Chiến tranh Nam Bắc triều nổ ra ngay sau đó và kéo dài hơn một trăm năm đã đồng thời nuôi dưỡng trong lòng nó mầm mống của một tình thế phân tranh xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai nhóm Trịnh, Nguyễn trong nội bộ triều Lê Trung hưng. Những mâu thuẫn xã hội và biến động chính trị nảy sinh từ hoạt động tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến thời kỳ này đã đặt ra trước tầng lớp nhà nho - trí thức Việt Nam đương thời nhiều vấn đề trong cả nhận thức lẫn hoạt động; và quá trình giải quyết những vấn đề ấy đã tạo ra sự chuyển biến trong khả năng cũng như tập quán ứng xử chính trị của họ. Những xáo trộn đất nước sau vụ đảo chính của Mạc Đăng Dung đã kéo tầng lớp nho sĩ - trí thức ra khỏi giấc mơ “bình an ý thức hệ” khi cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa các phe phái phong kiến đặt ra trước họ nhiều vấn đề mới về tương lai đất nước và vận mệnh dân tộc. Những vấn đề này thách thức tài năng của họ, đồng thời đặt toàn bộ tri thức cũng như đạo đức chính trị của họ vào một khảo nghiệm lịch sử. Việc cần phải có một chiến lược gia kiệt xuất đủ khả năng giải quyết các vấn đề trọng đại trong điều kiện thực tế của hiện trạng chính trị đương thời vừa là một đòi hỏi tất yếu của lịch sử, vừa là nguyện vọng của nhân dân. Trên thực tế, ở giai đoạn này đã xuất hiện một nhân vật đáp ứng được những đòi hỏi đó, ông là Nguyễn Bỉnh Khiêm - người đứng trên tất cả các phe phái chính trị lúc đó và không gắn lợi ích của mình với bất cứ tập đoàn nào.

Với Nguyễn Bỉnh Khiêm, giới nho sĩ - trí thức Việt Nam đã đạt tới một trình độ nhận thức cũng như khả năng ứng xử chính trị linh hoạt, thực tế hơn so với giai đoạn trước đó. Sự phân biệt vương triều chính thống với văn hóa truyền thống nơi họ đã minh bạch hơn trước, giúp họ trở thành tầng lớp phản ánh không những quyền lợi và tương lai của đất nước mà còn cả lợi ích và nguyện vọng của nhân dân. Nói cách khác, nhà nho Việt Nam đã tự do hơn nhiều về tư duy chính trị so với giai đoạn trước.

Với Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm của nhà Mạc “ngụy triều”, người trí thức Việt Nam đã chứng tỏ được rằng, họ hoàn toàn có khả năng kế thừa truyền thống cũng như thi thố tài năng mà không nhất thiết phải ghép mình vào với vương triều chính thống.

Sang thế kỷ XVIII, xuất hiện một nhân vật mà dấu ấn của ông đậm nét trong mọi biến cố lớn của lịch sử thời kỳ này, đó là Ngô Thì Nhậm. Trong nhiều tư cách, tư cách nào ông cũng thể hiện rất xuất sắc. Ông là Nho thần không chỉ phụng sự triều Lê – Trịnh mà còn phụng sự triều Tây Sơn; ông cũng là nhà hoạt động thực tiễn chính trị, kinh tế, quân sự và hơn hết, ông còn là nhà hoạt động tư tưởng. Tác phẩm của ông đề cập đến nhiều vấn đề, từ những vấn đề nhức nhối rất cụ thể của cuộc sống nông tang, chiến tranh, biến loạn, thiên tai, nạn đói; hoặc những việc quốc gia đại sự như quân chính, bang giao cho tới những vấn đề tư biện cao siêu về Lý, Dục, Tâm. Trên phương diện hoạt động thực tiễn, ông là nhà nho Hi Doãn, noi theo hình tượng Y Doãn – nhân vật đã giúp nhà Thương làm cuộc “cách mệnh” với nhà Hạ; khi lui về ở ẩn, ông lại là Thiền sư Hải Lượng, đệ tứ tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Song, cuộc đời hoạt động của Ngô Thì Nhậm cũng để lại nhiều tai tiếng, từ chuyện “giết bốn cha để được chức Thị lang” tới việc đi theo nhà Tây Sơn để tiêu diệt chính nhà Lê – Trịnh, cái nôi đã nâng đỡ mình những bước đầu tiên trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông. Quá nhiều tư cách đối lập, nhiều gương mặt hoạt động phong phú, nhiều quan điểm chính trị mâu thuẫn, tư tưởng khác biệt nhau hiện thân trong cùng một con người. Để lý giải về trường hợp của ông, có lẽ chúng ta chỉ có thể cắt nghĩa được khi xem xét vế đối nổi tiếng “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế” của ông khi đối lại Đặng Trần Thường.

ở đây, Ngô Thì Nhậm ví thời đại mình sống cũng giống như Xuân Thu Chiến Quốc. Theo chúng tôi, nếu chỉ xét tới cái thế loạn như thời Chiến Quốc của Việt Nam lúc đó, sau khi chế độ chuyên chế tập quyền ở Việt Nam lên đến đỉnh cao thời vua Lê Thánh Tông (thời kỳ xác lập ý thức hệ Nho giáo qua khoa cử), thì có lẽ dư luận đã không đàm tiếu về Ngô Thì Nhậm nhiều và gay gắt đến thế. Trên thực tế, những gì mà chế độ chuyên chế phong kiến, qua khoa cử Nho giáo do nhà Lê và chúa Trịnh tạo ra sau vài trăm năm cầm quyền đã ăn sâu, cắm rễ và cấy vào tâm thức của người trí thức một kiểu ý thức hệ “trung, hiếu” theo tinh thần Hán Nho mà mục tiêu của nó là phục vụ cho vương quyền, chứ không phải phục vụ cho sự khai phóng tư tưởng. Thứ “trung, hiếu” vừa cứng nhắc, vừa đơn giản “ăn lộc nào, thờ chủ nấy” đã khiến tầng lớp “kẻ sĩ” phân chia năm bè bảy mối quanh giới thống trị: Người thờ Lê, kẻ theo Trịnh, người về với Nguyễn, thậm chí Lê Chiêu Thống còn sang Thanh xin quân về chống lại Tây Sơn hay Nguyễn ánh cầu viện quân Xiêm để giành lại đế vị mà dân gian vẫn giễu cợt là “rước voi về giày mả tổ”. Thực trạng “trung, hiếu” nực cười của kẻ sĩ trong thế kỷ này không những không góp phần mang lại bước tiến nào cho lịch sử dân tộc, thậm chí còn kéo lùi lịch sử mà thực chất là “trung vua” nhưng “phản quốc”.

Một thời đại cát cứ như vậy sẽ không thể dùng một ý thức hệ chuyên chế để giải quyết triệt để vấn đề. Khả năng xử lý tình huống đòi hỏi sự trưởng thành vượt bậc của người trí thức, đòi hỏi phải có cái khả năng vượt khỏi những ràng buộc của bất cứ định kiến hẹp hòi nào để nhìn ra chiều gió lớn của lịch sử, để nhận thấy chữ Thời. Và, với tất cả những gì đã thể hiện, chúng tôi cho rằng, Ngô Thì Nhậm đã làm được điều đó.

Trong 6 năm lẩn trốn nhà Trịnh, Ngô Thì Nhậm đã nghiền ngẫm kinh Xuân Thu. Ông đã từng có đối chiếu so sánh, và hẳn đã rút ra nhiều điều trùng hợp với những gì mình đối mặt. Khảo cứu, phê phán, bình luận, Ngô Thì Nhậm đã làm nên một tác phẩm Kinh học hiếm có cho học thuật là Xuân Thu quản kiến. Về mặt tư tưởng, khi tiếp nhận Xuân Thu, Ngô Thì Nhậm đã có thể dứt áo với những rối ren của thời Lê - Trịnh. Ông có quyền chọn lựa để theo bất cứ một tập đoàn chính trị nào mà không sợ bất cứ một thứ tai tiếng gì như bất trung, bất nghĩa, giống như vị vạn thế sư biểu của ông là Khổng Tử đã từng làm.

Ngô Thì Nhậm đã tự ví thời đại ông sống là thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi mà các chư hầu đua nhau làm bá chủ, chèn ép lẫn nhau và chèn ép cả Thiên tử nhà Chu, lễ nhạc băng hoại. Những người có hiểu biết và chủ trương gìn giữ văn hóa cũ như Khổng Tử không được trọng dụng. Thời thế đó đã khiến Khổng Tử đi lang thang khắp các nước chư hầu để đem cái đạo của mình “rao bán”. Vị vua chư hầu nào nghe theo và tôn trọng ông thì ông ở, coi thường thì ông lại đi. Khổng Tử rời khỏi nước Lỗ, bị ruồng bỏ ở nước Tề, bị đuổi ở nước Tống và nước Vệ, bị nguy khốn ở giữa miền nước Trần và nước Thái, cuối cùng lại trở về nước Lỗ. Người ta thật khó hình dung về vị “chí thánh tiên sư”, “vạn thế sư biểu”, bậc “tố vương” lại có cuộc đời lang bạt, trải qua đủ mọi cung bậc, từ được trọng vọng tới suýt chết vì đói.

Khổng Tử không phải không biết mình đang theo đuổi thứ lý tưởng đã không còn phù hợp với thời cuộc. Ông nhiều lần băn khoăn về cái đạo của mình, nhưng ông kiên quyết không hạ thấp cái đạo của mình xuống cho người đời dễ theo(5). Mặt khác, để dụng được đạo, Khổng Tử lại không hề kén chọn nơi chốn hay con người, ông sẵn lòng đi phò tá cho cả những bồi thần làm phản như Công Sơn Phất Nữu hay Phật Bật, không từ bỏ một cơ hội nào để đạo của mình có chỗ thực thi. Ông cũng không kén chọn hoàn cảnh nhất định phải theo một khuôn mẫu minh quân nào, chỉ cần người mời ông tỏ ra có thành ý và ham học hỏi, ông đều sẵn sàng chia sẻ. “Nếu họ dùng ta, ta sẽ làm cho đất họ thành nhà Đông Chu chăng?”. Ông từng ví mình như quả bầu, phải được dùng để ăn thì mới có giá trị chứ không phải để ngắm, học trò đã rất lo lắng khi thấy ông hăng hái muốn trợ giúp cho cả những bề tôi phản loạn: “Cái mà thật cứng thì mài cũng không mòn; cái thật trắng thì bỏ vào thuốc nhuộm cũng không đen. Ta không phải vỏ bầu, sao chỉ có thể treo lên mà không thể ăn được?”(6).

Chính vì thế, không ai đánh giá Khổng Tử là bất trung hay bất nghĩa được. Bởi, “bất trung” hay “bất nghĩa” không phải là những khái niệm được hình thành trong giai đoạn Khổng Tử sống. Chưa có một tập đoàn chuyên chế xuất hiện, cho mãi đến thời Mạnh Tử sau này, vì thế vẫn còn những tư duy cách mạng kiểu “Vua coi bề tôi như chó ngựa thì bề tôi cũng chỉ coi vua như kẻ qua đường”. Trong một bầu không khí văn hóa đua chen, trong bối cảnh tư tưởng khai phóng như thế, Khổng Tử, xét trên phương diện ứng xử chính trị, chưa hề bị ràng buộc bởi thứ khuôn thước chật hẹp “trung, hiếu” kiểu chuyên chế. Ngô Thì Nhậm xem xét lại kinh Xuân Thu, có lẽ để chắc chắn hơn một lần nữa về mặt tư tưởng, tham khảo lại lựa chọn lịch sử cho những quyết định chính trị táo bạo của mình.

Khẳng định “gặp thời thế, thế thời phải thế” cho thấy sự lựa chọn dứt khoát, đúng thời điểm, tình huống, không thể khác được ở Ngô Thì Nhậm. Ông cũng không tùy tiện đi theo lãnh tụ nông dân áo vải hay tùy tiện bội nghĩa với Lê - Trịnh. Một người học vấn uyên bác như ông biết mình sẽ mang tai tiếng gì, (ông từng mang cái tiếng “sát tứ phụ” thời Lê - Trịnh, lần đi theo Tây Sơn này, tội của ông nặng hơn nhiều), nhưng giống như Khổng Tử, ông đã chọn lựa, chấp nhận mất cái tiếng “trung, hiếu” của con người cá nhân để thực thi đạo lớn, lý tưởng lớn mình hằng theo đuổi.(6)

Theo thời gian, bước trưởng thành trong lựa chọn chính trị một cách linh hoạt dựa trên quan niệm về “thời” như vậy đã dần dần được khẳng định, góp phần tạo nên một truyền thống dân chủ chính trị nơi những người trí thức Việt Nam giai đoạn này và sau đó. Truyền thống ấy đã đem lại cho lịch sử Việt Nam những Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích của thời Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, một Cao Bá Quát với ngọn cờ Vũ Thang “Điếu dân phạt tội” ở miền Bắc năm 1851, những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp dưới ngọn cờ cứu nước “chẳng nghe Thiên tử chiếu” ở Nam Kỳ sau Hòa ước năm 1862... Có thể nói, con người “thời biến” Ngô Thì Nhậm với những lựa chọn chính trị, tư tưởng đa sắc thái không phải là sản phẩm chủ quan của cá nhân Ngô Thì Nhậm, mà có cội nguồn từ sự trưởng thành về ý thức chính trị của trí thức phong kiến Việt Nam, cũng như sự vận dụng linh hoạt tinh hoa tư tưởng trong chữ “Thời” của Nho giáo nói riêng và tư duy phương Đông truyền thống nói chung. 

 

 

 

(*) Thạc sĩ, Phó trưởng phòng phụ trách, Phòng Triết học phương Đông, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(1) Phan Bội Châu. Quốc văn Chu Dịch diễn giải. Nxb Văn học, Hà Nội, 2010.

(2) Xem: Nguyễn Hiến Lê. Luận ngữ. Nxb Văn học, Hà Nội, 1989.

(3) Xem: Phan Bội Châu. Sđd., tr.420, 421.

(4) Lý Minh Tuấn. Tứ thư bình giải. Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr.166.

(5) Tử Cống đã khuyên thầy nên hạ thấp cái đạo xuống một chút thì người đời mới theo kịp. Khổng Tử đã mắng Tử Cống là cái chí không xa, vì không lo trau dồi cái gốc là đạo đức của mình, lại cứ đi lo phần ngọn là không được người dung nạp. Xem Tư Mã Thiên. Sđd., tr.220.

(6) Tư Mã Thiên. Sử ký. Nxb Văn học, Hà Nội, 2003, tr.230.


Trần Thị Thúy Ngọc (*)

Tạp chí Triết học, số 5 (300), tháng 5 - 2016


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007