Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, do sự xâm lược và cai trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có những biến chuyển sâu sắc. Việt Nam từ một xã hội phong kiến thuần túy đã trở thành một xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Nhiệm vụ đánh đổ ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, giành lại độc lập cho dân tộc trở thành nhiệm vụ cơ bản và cấp bách. Chính bối cảnh đó đã làm xuất hiện nhiều bậc chí sĩ, các nhà tư tưởng với lòng yêu nước tha thiết, không ngừng đi tìm con đường cứu nước, với những chủ trương và biện pháp theo các khuynh hướng khác nhau. Song, do hạn chế bởi điều kiện lịch sử nên các phong trào đấu tranh của họ đều không thành công. Mặc dù vậy, các phong trào đó cũng như tư tưởng của họ đã để lại những dấu ấn nhất định. Một trong những nhà tư tưởng tiêu biểu cho giai đoạn này là Phan Bội Châu. Với chủ trương duy tân đất nước, tự cường dân tộc, bạo động cách mạng nhằm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giải phóng nhân dân và dân tộc Việt Nam, xây dựng nước Việt Nam cộng hòa dân chủ, tư tưởng của Phan Bội Châu đã thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc.(*)
Tư tưởng của Phan Bội Châu nói chung, giá trị nhân văn trong tư tưởng của ông nói riêng, là sự phản ánh những đặc điểm, điều kiện lịch sử và yêu cầu cấp thiết của xã hội Việt Nam và thế giới giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hiện thực xâm lược, áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản với nhân dân lao động các nước chính quốc và thuộc địa đã khiến cho yêu cầu giải phóng con người trở thành yêu cầu bức thiết; sự cai trị, áp bức, bóc lột của chế độ thực dân phong kiến đối với nhân dân Việt Nam đã khiến cho yêu cầu giải phóng nhân dân và dân tộc Việt Nam cũng trở thành vấn đề sống còn.
Là hình thái ý thức xã hội, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu chịu ảnh hưởng và có sự tiếp thu những tư tưởng trước đó. Đó là tinh thần yêu nước thương nòi, ý chí độc lập và tự cường dân tộc, lòng nhân ái, khoan dung, tinh thần cố kết cộng đồng dân tộc, mang tính nhân văn đặc sắc trong truyền thống văn hóa Việt Nam; đó còn là tư tưởng đề cao các giá trị tốt đẹp trong đạo lý, “cương thường” của Nho giáo; là lòng nhân ái, “đại từ đại bi, chúng sinh bình đẳng”(1) của Phật giáo. Không những thế, Phan Bội Châu còn tiếp thu và kế thừa những quan điểm nhân văn đặc sắc của các trào lưu tư tưởng phương Tây, như: Quan điểm về bản tính con người của Socrate, quan điểm về đạo đức của Platon, quan điểm tiến hóa luận của Ch.Darwin; thuyết ái tha và chủ nghĩa lợi tha của Auguste Comte; quan điểm đề cao vai trò của con người trong thế giới của R.Descartes, F.Bacon và J.G.Fichte; tư tưởng bình đẳng, bác ái của đạo Giatô; tư tưởng tiến bộ về quyền con người, về độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng của J.J.Rousseau, Ch.L.Montesquieu; tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng của Th.More, S.Simon, Ch.Fourier... Đặc biệt, Phan Bội Châu đã tiếp thu và chịu ảnh hưởng khá sâu sắc tính nhân văn cao cả trong tư tưởng giải phóng con người của chủ nghĩa Mác - Lênin, khi ông khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa muốn cho tất cả loài người ai ai cũng được tự do và hạnh phúc. Mục đích của chủ nghĩa xã hội tóm tắt chỉ có bấy nhiêu mà thôi”(2). Những tư tưởng đó được kế thừa, chắt lọc và kết tinh lại qua trí tuệ, nhân cách của một nhà văn hóa, nhà tư tưởng, nhà chính trị, nhà yêu nước, thống nhất trong con người Phan Bội Châu, tạo nên những giá trị nhân văn đặc sắc trong tư tưởng của ông.
Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu khá phong phú và sâu sắc. Trước hết, đó là quan điểm đề cao vai trò, giá trị con người. Trên phương diện thế giới quan, để đề cao vai trò, giá trị con người, Phan Bội Châu đã nghiên cứu những quan điểm luận lý học phương Đông, học thuyết triết học và xã hội học phương Tây để đi tới khẳng định: “Con người là một giống thần linh ở trong vạn vật, mà cũng có thể gọi là một vật tôn trưởng trong vạn vật”(3); và bản chất hơn hẳn của con người so với các con vật, đó là bản chất xã hội. Qua nghiên cứu triết lý và tri thức khoa học, văn hóa phương Đông và phương Tây, Phan Bội Châu còn cho rằng, con người là cao quý nhất trong vạn vật. Theo ông, con người là sản phẩm phát triển cao nhất của tự nhiên, là tinh anh của trời đất, không chỉ dũng mãnh bởi sức mạnh của tay chân; sáng tỏ bởi sự tinh tường của con mắt, lỗ tai; có trí khôn, thiêng liêng đứng đầu muôn vật bởi bộ óc khôn khéo, mà còn có tình cảm, linh tính tinh tế bởi có trái tim nhạy cảm và biết phân biệt phải trái, bởi có lương tri(4). Cho nên, chúng ta phải sống cho xứng đáng với thiên chức làm người.
Trên phương diện nhân sinh quan và chính trị - xã hội, Phan Bội Châu đề cao vai trò, giá trị con người qua việc đề cao phẩm cách làm người (personality) và quyền con người (human rights), trên cơ sở phê phán sự mê tín, ngu muội của một bộ phận người dân và sự chà đạp lên nhân phẩm và quyền con người Việt Nam của thực dân Pháp. Ông coi nhân cách là bản chất của con người, là biểu hiện cách thức làm người và nhân quyền là quyền tự nhiên thiêng liêng của con người, là cái làm cho con người khác với vạn vật, gắn liền với các vấn đề như dân quyền, quốc quyền, độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng. Đây là những quan điểm thể hiện tính chất tiến bộ trong tư tưởng của ông.
 |
Một trong những nội dung đặc sắc thể hiện giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu là quan điểm đề cao lòng nhân ái, vị tha của ông. Để làm rõ nội dung quan điểm “nhân ái”, “vị tha”, Phan Bội Châu đã đưa ra định nghĩa khá sâu sắc về “nhân ái”. Ông cho rằng, nhân ái là tấm lòng “trắc ẩn” của con người; là tình yêu thương con người, trong đó có tình yêu đồng bào, giống nòi và Tổ quốc; là bản chất tốt đẹp “vốn phôi thai từ bụng mẹ, có nhân ái mới ra nhân chủng, là lòng nhân trời phú cho ta; nhân ái chính là điểm khác biệt về chất giữa con người và loài cầm thú, giữa người có nhân và kẻ bất nhân”(5).
Đặc biệt, trong quan niệm nhân ái, vị tha, Phan Bội Châu không dừng lại ở quan niệm trừu tượng, nói chung, mà nó đã được ông thể hiện sinh động trong quan điểm về tình yêu rộng lớn và sâu xa hơn, đó là tình yêu đồng bào, yêu thương nhân dân, yêu giống nòi, Tổ quốc; ở lòng căm thù sâu sắc bọn đế quốc thực dân xâm lược. Trong đó, ông đặc biệt đề cao vai trò của nhân dân lao động, khi khẳng định: “Nước cường thịnh là nhờ ở nhân dân”(6), “nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì nước mất”(7), cho nên “vận mệnh của nước ta là do dân ta nắm giữ”(8). Nhờ thấy rõ vai trò và sức mạnh to lớn của nhân dân, nên khi chủ trương bạo động cách mạng, Phan Bội Châu luôn kêu gọi toàn dân đồng lòng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Ông cảm thông với cuộc sống khổ cực của dân ta do thực dân Pháp gây nên: “Đồng bào chúng tôi, cho đến nay đã chịu trăm cay ngàn đắng, trên người da thịt không chỗ nào lành lặn, hơi thở thoi thóp, có tai mà như điếc, có mắt mà như mù, có miệng mà như câm, có tay chân mà như tê liệt”(9). Phan Bội Châu cũng phê phán những người, tuy cùng là đồng bào, cùng Tổ quốc, nhưng không biết yêu thương nhau, nghi kỵ, chia lìa, chém giết lẫn nhau. Vì thế, ông viết: “Vì cả đồng bào mà mưu cầu hạnh phúc thì dù có hy sinh bản thân cũng không tiếc”(10).
Về tình yêu thương giống nòi và Tổ quốc, bằng những tri thức khoa học và quan điểm triết lý sâu sắc, Phan Bội Châu cho rằng, về bản chất đã là loài người, đã cùng giống nòi, thì phải biết yêu thương nhau, nếu không con người chỉ là giống vật tầm thường. Trong tư tưởng của mình, Phan Bội Châu luôn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc và lòng tự hào về dòng dõi con Rồng cháu Tiên, con cháu Hùng Vương với hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước oanh liệt. Ông kêu gọi mỗi người dân Việt Nam không chỉ có nghĩa vụ phải làm “vẻ vang nòi giống Lạc Hồng” và truyền thống “dòng dõi Rồng Tiên”, mà còn phải biết đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, tạo thành sức mạnh to lớn để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, “giữ lợi quyền của ta”(11). Bên cạnh lòng yêu thương rộng lớn và sâu đậm đối với đồng bào, với giống nòi, dân tộc và Tổ quốc, quan điểm nhân ái, vị tha trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn thể hiện ở lòng vị tha, bao dung không chỉ với nhân dân, mà còn với những người lầm lỗi và với kẻ thù khi đã biết ăn năn, hối cải(12).
Cùng với quan điểm đề cao vai trò, giá trị con người và lòng nhân ái, vị tha, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn thể hiện trong quan điểm quan tâm, giáo dục phát triển hoàn thiện con người Việt Nam. Hiểu rõ vai trò to lớn và ý nghĩa sâu xa của tri thức và giáo dục, Phan Bội Châu rất quan tâm đến giáo dục, đến phát triển tri thức, đạo đức, nâng cao tinh thần, ý chí cho nhân dân, đặc biệt là nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự cường dân tộc cho người dân Việt Nam, làm cho “dân trí mở mang, dân khí lớn mạnh, dân quyền phát đạt”(13). Ông quan niệm, giáo dục “là cái khuôn đúc người. Quan lại, binh lính cũng từ đó mà ra. Giáo dục cũng là cái gốc để gây dựng nền chính trị. Thuế khóa, hình pháp, mọi sự đều do đó mà định”(14). Giáo dục trở thành nhiệm vụ hết sức cơ bản và cấp bách đối với nước ta. Theo ông, do đời sống quá đói nghèo, lạc hậu, người dân nước ta vẫn còn chìm đắm trong ngu muội, tối tăm, khiến cho dân trí kém, dân khí yếu, “dân ta ngu ngốc dại khờ, không biết giành dân quốc, giữ quốc mệnh. Chỉ ngày đêm lo hết lòng hết sức đem máu mỡ của mình cung đốn cho bọn độc phu, dung nhân uống nuốt! Than ôi! Thật đáng thương thay!”(15). Theo Phan Bội Châu, dân trí thấp kém không chỉ là nguyên nhân làm cho dân không biết làm chủ, mà còn khiến cho dân rơi vào mê tín, dị đoan, khiến thực dân Pháp dễ bề cai trị. Không những thế, từ khi xâm lược và cai trị nước ta, với chiêu bài “khai hóa”, thực dân Pháp đã dùng chính sách ngu dân hiểm độc. Nền giáo dục mà Pháp chủ trương xây dựng ở nước ta, về thực chất, “chỉ làm cho người Việt Nam trở thành những con trâu, con ngựa cực kỳ ngoan ngoãn, những tên nô lệ mắt mù, tai điếc mà thôi!”(16). Vì thế, phát triển giáo dục càng trở thành nhiệm vụ cấp thiết. Ông khẳng định: “Vấn đề thuộc về giáo dục là một việc cần thiết của nước ta lúc bấy giờ”(17).
Với Phan Bội Châu, giáo dục, theo nghĩa khái quát nhất chính là nuôi dưỡng và dạy dỗ con người một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, nhằm mục đích đào tạo ra những con người hoàn thiện. Ông cho rằng, giáo dục là công việc chung của toàn xã hội: “Trên triều đình, dưới xã hội, đều hết lòng chăm nom về việc giáo dục, đức dục, thể dục, không sót sự gì. Các ấu trĩ viện, dục anh viện, các trường tiểu học, trung học, đại học khắp thành thị thôn quê chỗ nào cũng có... khiến cho ai ai cũng tiến bộ ngày ngàn dặm”(18), “mở trường để cho người nước ta bất kỳ giàu nghèo, sang hèn, trai gái”(19) đều được học tập. Phan Bội Châu còn vạch trần nội dung giáo dục lệch lạc, phiến diện, mang tính nô dịch, nhằm biến người Việt Nam thành nô lệ, trâu ngựa mà thực dân Pháp đã thực hiện ở nước ta. Ông cũng phê phán cả nội dung giáo dục bảo thủ, lạc hậu, phiến diện đã ăn sâu ở nước ta hàng ngàn năm. Từ đó, Phan Bội Châu chủ trương một cuộc duy tân về giáo dục và học thuật, duy tân từ cách mở trường đến nội dung, phương pháp giáo dục và cả việc bổ nhiệm, sử dụng người tài sau khi đã được giáo dục, đào tạo. Ông chủ trương bỏ cái học hư văn, “ngục tù bát cổ thi phú”, nhưng vẫn tôn trọng cái đúng của sách xưa, đồng thời ông cho rằng phải biết tiếp thu, học tập cái tiến bộ của tri thức, khoa học phương Tây. Ông nhấn mạnh, nội dung giáo dục phải toàn diện; phải giáo dục cả trí dục, đức dục và thể dục; giáo dục cả tri thức khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội; đặc biệt, cần phải giáo dục những tri thức về kinh tế, quân sự, luật học, thông tin, công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, lâm nghiệp, y học và các vấn đề xã hội, như dân chủ, độc lập, tự do, bình đẳng, trên nền tảng tinh thần yêu nước(20). Ông cũng chủ trương đổi mới phương pháp thi cử, “việc thi cử lập quy chế mới, chứ không thi văn suông”(21) và “cấp học bổng xuất dương du học thật hậu để giúp đào tạo người tài cho đất nước”(22).
Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn được thể hiện ở quan điểm, lý tưởng giải phóng con người, giải phóng nhân dân, giải phóng dân tộc. Theo Phan Bội Châu, mục đích và tôn chỉ của lý tưởng giải phóng con người, giải phóng dân tộc Việt Nam là đánh đuổi thực dân pháp, xóa bỏ chế độ phong kiến độc hại, giành lại độc lập cho dân tộc, chủ quyền cho đất nước, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Đây là vấn đề có ý nghĩa và vai trò quyết định đối với tất cả những vấn đề khác như nhân cách, nhân quyền, tự do, độc lập, bình đẳng, vận mệnh của dân tộc, của đất nước và con người Việt Nam. Mục đích cao cả đó đã được Phan Bội Châu khẳng định trong tôn chỉ của Việt Nam Quang phục hội: “Tôn chỉ của Quang phục quân là đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục Việt Nam và thành lập nước cộng hòa dân chủ”; “Quang phục quân trong khi vừa đánh đuổi giặc Pháp, đồng thời cũng vừa xây dựng một nước cộng hòa dân chủ: Quyền bính của nước là của chung toàn dân, do nhân dân quyết định. Những dấu vết độc hại của chính thể chuyên chế không còn nữa. Rạng rỡ thay dân tộc Việt Nam ta! Trên mặt địa cầu, Việt Nam trở thành một dân tộc hùng cường, hoàn toàn tự do!”(23).
Xuất phát từ thực tiễn xã hội, quan điểm, chủ trương và phương pháp cách mạng của Phan Bội Châu từng giai đoạn, từng bước, có những sự thay đổi; từ tư tưởng duy tân đến tư tưởng đấu tranh bạo động, kết hợp tuyên truyền công khai hợp pháp với bạo động, và từ đấu tranh bạo động sang đấu tranh ôn hòa, có tính chất cải lương, nhưng không ly khai hẳn với con đường bạo động, để rồi sau những trải nghiệm không thành trong những năm 1918 - 1923, ông lại quay về với con đường bạo động một cách kiên quyết, qua việc thành lập các tổ chức cách mạng: Duy tân hội (1904 - 1912) và Phong trào Đông du, Việt Nam quang phục hội (1912 - 1925) và chủ trưởng cải tổ Việt Nam quang phục hội thành Việt Nam quốc dân đảng (1923), với lực lượng cách mạng là “mười hạng người đồng lòng”, mà lực lượng nòng cốt là Quang phục quân.(23)
Khái quát toàn bộ nội dung giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu, có thể nói, giá trị nhân văn của ông nổi bật lên những đặc điểm chủ yếu sau: Một là, giá trị nhân văn trong tư tưởng Phan Bội Châu là sự thống nhất giữa văn hóa và chính trị, thể hiện giá trị nhân văn của ông, được lý giải bằng những tri thức văn hóa của nhân loại, từ phương Đông đến phương Tây hết sức sâu rộng và phong phú. Điều đó làm cho nội dung giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu hết sức sâu sắc. Đặc biệt, những tri thức văn hóa đó không tách rời những vấn đề chính trị và tri thức chính trị. Nó gắn bó, thống nhất chặt chẽ với chính trị, xuất phát và phản ánh yêu cầu của chính trị cũng như giải đáp những vấn đề của chính trị - xã hội. Đó là văn hóa cứu dân cứu nước và chính trị cứu dân cứu nước. Hai là, cùng với đặc điểm trên, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn thể hiện ở sự thống nhất giữa tính dân tộc và tính nhân loại. Phan Bội Châu luôn dựa trên nền tảng truyền thống của dân tộc Việt Nam; tiếp thu, kế thừa và thể hiện sâu sắc tinh thần và truyền thống ấy; trong đó cái cốt lõi nhất chính là lòng yêu nước thương nòi; luôn phản ánh lý tưởng, khát vọng cao cả của dân tộc, phản ánh yêu cầu cấp thiết và cơ bản nhất của dân tộc ta, đó là lý tưởng, khát vọng độc lập, tự do, với tinh thần dân tộc cao cả và lòng yêu nước nhiệt thành của ông. Mặt khác, trong quá trình hoạt động cách mạng, nhờ có điều kiện tiếp thu những tri thức mới của nhân loại, Phan Bội Châu đã có được tầm nhận thức rộng mở, vượt ra khỏi tầm hạn hẹp trong phạm vi dân tộc, để tiếp nhận, phản ánh những tri thức và điều kiện lịch sử - xã hội mới của nhân loại và thời đại. Ba là, trong nội dung giá trị nhân văn của tư tưởng Phan Bội Châu có một nét đặc sắc và xuyên suốt, vừa thể hiện rõ truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện đặc điểm riêng trong tư tưởng và con người Phan Bội Châu, đó là tinh thần yêu nước – như nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu nhận định: “Đó là một đặc sắc của Phan Bội Châu”(24). Có thể nói, tinh thần yêu nước là điểm xuất phát, là cơ sở, nền tảng, nguồn gốc, tôn chỉ và là điểm đặc sắc, cốt lõi, xuyên suốt trong tất cả các quan điểm thể hiện nội dung giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu.
Chính từ những nội dung và đặc điểm đặc sắc đó, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu không chỉ có giá trị, ý nghĩa sâu sắc về mặt lý luận, mà còn có giá trị và ý nghĩa về mặt thực tiễn đối với lịch sử xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước hết, về mặt lý luận, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu đã góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm nội hàm những khái niệm, phạm trù và quan điểm trong nội dung tư tưởng tinh thần và giá trị nhân văn của dân tộc Việt Nam, từ đó làm giàu thêm bản sắc và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Không những thế, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn góp phần phát triển, bổ sung nội dung tư tưởng, giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc Việt Nam bởi những khái niệm, phạm trù và những quan điểm với nội hàm và tính chất mới, tiến bộ, như nhân cách, nhân quyền, dân quyền, quốc quyền, gắn với những vấn đề như độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng..., đã góp phần tạo ra bước chuyển tư tưởng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Do đó, giá trị nhân văn trong tư tưởng Phan Bội Châu đã trở thành một trong những tiền đề lý luận mà các nhà tư tưởng sau này kế thừa và phát triển.(24)
Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn, có tính đột phá trong việc khơi dậy sức mạnh và lòng tin của nhân dân. Nó chính là hồi chuông thức tỉnh ý chí độc lập, tinh thần tự chủ, tự cường của dân tộc ta, khơi dậy sức mạnh và lòng tin của nhân dân ta; từ đó giúp cho dân ta có đủ tinh thần, nghị lực, ý chí, bản lĩnh, can đảm, đồng lòng đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đất nước. Giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn có ý nghĩa sâu sắc trong việc khơi dậy và nâng cao tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam; là nguồn động lực, là sức mạnh tinh thần to lớn “có tác dụng cổ động tinh thần cách mạng”(25), động viên, tập hợp, đoàn kết toàn dân, đồng lòng đứng lên đánh đuổi giặc Pháp, cứu nước cứu nhà.
Tuy nhiên, do điều kiện lịch sử và lập trường giai cấp, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn còn những hạn chế nhất định. Thứ nhất, mặc dù Phan Bội Châu đã cố gắng kế thừa trên tinh thần phê phán các quan điểm của Nho giáo, đồng thời tiếp thu những tri thức khoa học và những quan điểm mới, tiến bộ, có tính chất dân chủ tư sản, song nhìn chung, ông vẫn còn ảnh hưởng bởi nhiều khái niệm, phạm trù, quan điểm của Nho giáo cả về mặt nội dung lẫn hình thức và thường giải thích chúng dưới lăng kính của nhà nho yêu nước. Thứ hai, ông chưa có một thế giới quan thực sự khoa học. Đặc điểm thế giới quan của Phan Bội Châu là tính thiếu nhất quán và sự mơ hồ, pha trộn giữa quan điểm của Nho giáo với một số kiến thức khoa học của phương Tây. Mặt khác, do chưa có một thế giới quan khoa học và với vốn kiến thức ít ỏi về xã hội học, lại bị chi phối bởi lập trường giai cấp, cho nên Phan Bội Châu cũng chưa có quan điểm đúng đắn trong việc xác định vai trò, vị trí của nhân dân. Ông không dựa vào quan hệ lợi ích kinh tế để phân chia các giai cấp xã hội, mà có lúc dựa vào nghề nghiệp, địa vị xã hội, có lúc lại dựa vào huyết thống, tôn giáo để làm tiêu chuẩn cho sự phân chia ấy. Thứ ba, ông còn mơ hồ trong việc xác định các lực lượng cách mạng, nhất là việc xác định lực lượng nòng cốt của cách mạng. Phan Bội Châu còn có sự dao động, thiếu nhất quán, thậm chí thỏa hiệp và có khuynh hướng cải lương trong chủ trương và phương pháp cách mạng, thể hiện trong các tác phẩm Pháp - Việt đề huề, Y hồn đơn, Thiên hồ! Đế hồ!, rằng: “Nhân dân Việt Nam làm thứ cách mạng văn minh”(26), “không cần phải dùng đến bạo động đổ máu, chỉ dùng cách mạng hòa bình”(27), rồi lại chủ trương bạo động cách mạng. Đây cũng chính là sự khủng hoảng chung về đường lối của các phong trào yêu nước thời kỳ này.
Sở dĩ giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu còn những hạn chế trên là bởi ông đang trong quá trình chuyển biến lập trường tư tưởng, từ quân chủ chuyên chế sang dân chủ tư sản và đang tiến gần đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; do vậy, ông chưa hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của thế giới quan cũ, đồng thời cũng chưa hoàn toàn tiếp thu được những tư tưởng mới, tiến bộ lúc bấy giờ. Hơn nữa, do hạn chế bởi chính lịch sử, ông chưa có đủ điều kiện để đạt được tầm nhìn bao quát mọi sự biến chuyển của thời cuộc. Vì vậy, ông chưa thể định hình được một thế giới quan khoa học để lý giải đúng đắn các vấn đề đặt ra. Song, nếu bỏ qua những hạn chế ấy, giá trị nhân văn trong tư tưởng của Phan Bội Châu vẫn là những bài học lịch sử bổ ích đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là bài học tất cả vì con người, vì nhân dân; bài học đề cao và phát huy vai trò của con người, của nhân dân và bài học quan tâm, giáo dục phát triển hoàn thiện con người.
(*) Bài viết thuộc đề tài khoa học công nghệ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, loại C năm 2016.
() Tiến sĩ Triết học, Trưởng Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
() Thạc sĩ Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
(1) Phan Bội Châu. Toàn tập, t.10. Nxb Thuận Hóa, Huế, 2000, tr.37.
(2) Phan Bội Châu. Sđd., t.7, tr.134.
(3) Phan Bội Châu. Sđd., t.7, tr.182.
(4) Xem: Phan Bội Châu. Sđd., t.8, tr.11-12.
(5) Phan Bội Châu. Sđd., t.8, tr.41.
(6) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.73.
(7) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.68.
(8) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.179.
(9) Phan Bội Châu. Sđd., t.5, tr.271.
(10) Phan Bội Châu. Sđd., t.4, tr.73.
(11) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.413.
(12) Xem: Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.371-373.
(13) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.179.
(14) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.184.
(15) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.179.
(16) Phan Bội Châu. Sđd., t.5, tr.281.
(17) Phan Bội Châu. Sđd., t.7, tr.213.
(18) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.184.
(19) Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.184.
(20) Xem: Phan Bội Châu. Sđd., t.2, tr.184 - 185.
(21) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, tr.99.
(22) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, tr.99.
(23) Phan Bội Châu. Sđd., t.3, tr.367.
(24) Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, t.II. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.123.
(25) Phan Bội Châu. Sđd., t.1, XLIII.
(26) Phan Bội Châu. Sđd., t.5, tr.208.
(27) Phan Bội Châu. Sđd., t.5, tr.233.