Góp phần tìm hiểu tư tưởng chính trị của Ngô Thì

27/01/2022

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) là một trong những nhà tư tưởng lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Tư tưởng mà ông để lại có nội dung khá phong phú và đặc sắc; và một trong những nội dung ấy là tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị của Ngô Thì Nhậm được thể hiện qua các quan điểm về mệnh trời và ý dân, lòng dân, thân dân; quan điểm về đạo làm vua và làm tôi; quan điểm về phương pháp trị nước, về sử dụng hiền tài; quan điểm và khát vọng xây dựng một xã hội lý tưởng thanh bình, thịnh trị. Nếu bỏ qua những hạn chế do sự chế định của thời đại, tư tưởng chính trị của ông vẫn là những bài học thiết thực và bổ ích đối với nước ta hiện nay.

Ngô Thì Nhậm là một trong những nhân vật lịch sử lớn của Việt Nam ở thế kỷ XVIII. Ông được biết đến với tư cách vừa là một nhà chính trị vừa là một nhà văn, nhà trước thuật, đồng thời còn là một nhà tư tưởng có tri thức uyên thâm, am hiểu nhiều lĩnh vực. Ông đã để lại một kho tàng văn, thơ có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật cho đời sau. Nhiều tác phẩm gốc của Ngô Thì Nhậm, đặc biệt là những tác phẩm có liên quan đến nhà Tây Sơn đã bị triều đình nhà Nguyễn tiêu hủy, nên hiện nay chỉ còn giữ được một số bản sao, được cho là từ thời Tự Đức về sau. Có thể kể đến một số tác phẩm lớn về văn, thơ, phú của ông như: Bút hải tùng đàm, Thủy vân nhàn đàm, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Cẩm đường nhàn thoại, Hy Doãn công thi văn tập, Hoàng hoa đồ phả, Sứ trình thi họa, Yên đài thu vịnh, Kim mã hành dư, Hàn các anh hoa, Bang giao hảo thoại, Xuân Thu quản kiến, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh... Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm thể hiện trong các tác phẩm trên có nội dung khá phong phú mà một trong những nội dung nổi bật đó là tư tưởng chính trị khá đặc sắc của ông.(*)

Tư tưởng chính trị của Ngô Thì Nhậm được hình thành và phát triển là sự phản ánh đặc điểm điều kiện lịch sử - xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, đó là sự chuyển biến xã hội sâu sắc, phức tạp từ thời kỳ Lê - Trịnh đến triều Tây Sơn cũng như thời kỳ đầu nhà Nguyễn; là sự kế thừa những quan điểm về chính trị, đạo đức của Nho giáo và các nhà tư tưởng Việt Nam trước đó, thể hiện trên nhiều vấn đề như: Quan điểm về mệnh trời và ý dân, lòng dân, ái dân; quan điểm về đạo làm vua, làm quan, làm bề tôi; về tinh thần khoan dung độ lượng; quan điểm trọng dụng hiền tài; khát vọng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị...

Trong quan điểm về mệnh trời, do ảnh hưởng bởi quan niệm “Thiên mệnh” của Nho giáo, Ngô Thì Nhậm luôn tin vào sự chi phối của trời đối với cuộc sống con người và xã hội, kể cả sự hưng thịnh hay suy vong của một triều đại. Ông cho rằng tất cả những việc như “phế”, “hưng”, “dài”, “ngắn”, “vận mạng” của con người và xã hội đều do trời định, con người không thể điều khiển được. Theo ông, sống ở trong trời đất, con người đều có mệnh, cho nên con người cần phải biết tuân theo mệnh; mọi công việc của con người trong thiên hạ, từ việc dựng người có lễ, diệt trừ bọn phản loạn đến việc các bậc làm vua ban hành mệnh lệnh, pháp luật, đều phải ứng với mệnh trời và đạo trời, không được tùy tiện(1). Ngô Thì Nhậm viết: “Trời giúp thiên hạ đặt ra vua thầy, cho nên người có đức lớn ắt được chịu mệnh trời, làm chúa tể của thần dân thiên hạ”(2). Vì thế, những người làm vua phải hiểu rõ mệnh trời; thay trời trị vì thiên hạ, phải thực hiện đúng nhiệm vụ và quyền hạn của mình theo mệnh trời. Nếu không, ắt sẽ phải chịu những tai họa do trời giáng xuống, thiên hạ rơi vào đại loạn, nhân dân lâm vào cảnh khổ cực, lầm than. Ngô Thì Nhậm viết: “Những tai họa xuất hiện đều là do trời không vừa ý việc làm của các bậc thánh nhân”(3).

Tuy đề cao vai trò của mệnh trời đối với con người, nhưng Ngô Thì Nhậm cũng không hoàn toàn tuyệt đối hóa vai trò của trời. Ông cho rằng, con người cũng có thể thắng được trời, nếu có đủ tài đức: “Thiên định vốn có thể thắng được con người. Song nếu có đức sáng đủ để trừ tai, có chính sự tốt đủ để cứu họa, thì nhân định cũng có thể thắng được trời”(4).

Nguồn: Internet

Trong quan điểm về nhân dân, Ngô Thì Nhậm nói nhiều về “ý dân”, “lòng dân”, “thân yêu dân”. Ông coi lòng dân như ý trời và ý dân, lòng dân là điều hệ trọng bậc nhất của vua quan trong việc chăn dân, trị nước: “Trời trông, trời nghe ở do dân. Lòng dân yên định, thì ý trời cũng xoay chuyển”(5), ““Dân hòa” cảm ở dưới, thì “thiên hòa” ứng ở trên, hiệu nghiệm được mùa, không hẹn mà đến; bài ca “đại hữu” nay lại vang lên, nên thịnh trị của đời thái bình muôn thuở trông nhờ vào đó”(6). Theo ông, ý dân, lòng dân là căn cứ, là mục đích cho những chủ trương, chính sách của các bậc cầm quyền, là nhân tố quyết định sự phát triển của đời sống và sự yên ổn của xã hội, sự thịnh suy của đất nước. Trong Kiến nghị về chính sự (Kim mã hành dư), Ngô Thì Nhậm viết: “Lương thực đủ là nhờ trong nước yên; trong nước yên là nhờ ở được lòng dân. Muốn được lòng dân, cốt yếu là phải làm cho hai xứ và bốn tuyên được thư thả”(7). Cho nên, vua phải biết chăm lo cho đời sống của nhân dân, giữa triều đình và dân phải có mối liên hệ nhờ cậy lẫn nhau, dựa cậy vào nhau, đó là “thiên lương” vậy. Ông viết: “Kinh thư có câu: Dân không vua thì nhờ cậy vào đâu, vua không dân thì cùng ai giữ nước. Phàm những ai có thiên lương nên hiểu cái nghĩa dựa cậy lẫn nhau là như vậy”(8). Theo ông, các bậc vua chúa có làm được như vậy thì mới thu phục lòng dân và huy động được sức dân, như gió lướt ngọn cỏ, ức triệu lòng như một(9).

Từ quan điểm yêu quý dân, Ngô Thì Nhậm rất chú trọng tới việc giáo hóa dân, tức lấy giáo dục mà cảm hóa, biến đổi con người trở nên tốt đẹp hơn. Theo ông, giáo hóa dân, trước hết phải dùng cương thường, nhất là dùng nhân, nghĩa và lễ để làm chuẩn mực xây dựng nên con người; dùng trung, tín, hiếu, đễ làm quy tắc dạy người(10). Bởi, theo ông, trật tự cương thường có được giữ vững thì phép nước mới được quy củ, nghiêm minh. Ngô Thì Nhậm viết: “Vua tôi, trên dưới, cha con, anh em, tất cả đều có thứ tự hẳn hoi thì mới có lòng cung kính. Lễ nhạc, kỷ cương, pháp độ, hình chính, tất cả đều có quy củ rõ ràng thì mới có sự nghiêm minh”(11).

Trong giáo hóa dân, Ngô Thì Nhậm chủ trương, trước hết, chủ yếu phải thông qua phương pháp dạy bảo, giáo dục; nếu giáo dục rồi mà vẫn không cải hóa được thì mới dùng đến hình phạt. Có như thế thì dân mới phục tùng, dần hướng đến sự thuần hậu: “Kẻ nào dạy bảo không được thì nạt bằng uy quyền, trị bằng hình pháp. Thế là dân điêu cũng trở thành thuần, thói bạc cũng trở thành hậu”(12).

Ngô Thì Nhậm luôn trăn trở trước thực tại của xã hội và đất nước, mong muốn tìm ra con đường giải thoát người dân khỏi khổ ải. Ông coi trọng lễ trong cách giáo dục con người, giúp con người bỏ được danh lợi, xa lìa tham, sân, si. Với ông, việc con người tuân theo lễ chính là con đường ngăn ngừa những tham dục và những thói hư, tật xấu, giữ được lẽ phải, biết nhường nhịn, bỏ sự tranh giành, đố kỵ. Ông viết: “Lễ là để ngăn ngừa tình dục, giữ gìn lẽ phải, chuộng lòng từ nhượng, bỏ mối tranh giành”(13). Ông coi lễ là nguyên tắc và tiêu chuẩn cao nhất của đạo đức, biểu hiện trong các quan hệ cơ bản nhất của xã hội, như vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, anh - em, bạn bè. Đó là đạo lý làm người, là đầu mối của nhân luân, nền tảng của phong hóa. Cho nên, theo ông, bề tôi trước mặt vua phải thể hiện được đúng quy tắc của lễ, như: “Trước mặt vua thì bầy tôi phải xưng tên”(14); chồng vợ phải ứng xử có lễ, như “chồng phải thân hành đi đón vợ là trọng về đạo vợ chồng. Vợ chồng là đầu mối nhân luân, là nền tảng phong hóa, bắt đầu có cẩn thận thì kết quả mới tốt đẹp, dựng được nền tảng thì gốc cội mới bền chặt. Vợ thì phải theo chồng, lúc vu quy mà đi với người khác thì sao cho hợp lễ”(15).

Bên cạnh lễ nghĩa thì đức trung hiếu cũng là yếu tố cơ bản, không thể thiếu trong nội dung giáo dục con người. Triều đình chỉ có thể có kỷ cương khi bậc bề tôi biết trung với vua, gia đình chỉ có trật tự khi con biết hiếu với cha. Đó là nền tảng trong giáo dục, là cơ sở thiết lập sự ổn định quốc gia. Hiếu thuận cũng là một đức tính không thể thiếu của những người làm con. Con đối đãi với cha mẹ tử tế, hiếu thảo thì ắt cha mẹ sẽ vui lòng. Những bậc làm vua cũng không thể không có đức hiếu, vua còn là con của trời, vì vậy phải thể hiện sự hiếu thảo của mình thông qua những việc làm lợi dân, lợi nước. Có như thế trời mới vui, mới thuận lòng, nhược bằng không sẽ bị trời giáng họa. Ngô Thì Nhậm viết: “Vua chúa coi trời là cha mà làm con của trời, cũng như con đối với cha mẹ vậy. Cha mẹ vui vẻ ắt là do lòng hiếu thảo của kẻ làm con có những điều làm vừa lòng cha mẹ... Vua chúa thờ trời cũng vậy, đức đủ để trời chứng giám thì mặt trời, mặt trăng cùng các vì sao được sáng rọi và ngũ hành sẽ thuận thứ tự của nó. Nếu đạo đức có ý tỳ vết, chính sự có khiếm khuyết thì trời sẽ cho xuất hiện những tai dị để quở trách, răn bảo”(16).

Trong nội dung tư tưởng chính trị của mình, cùng với quan điểm yêu quý dân, an dân, giáo hóa dân, Ngô Thì Nhậm cũng đề cao quan điểm khoan sức dân và lòng bao dung, độ lượng của vua đối với dân. Theo Ngô Thì Nhậm, chỉ khi những bậc vua quan có tấm lòng khoan dung và đức độ thì những người bề tôi mới yêu mến, một lòng tin theo và phục tùng. Ngô Thì Nhậm luôn ca ngợi và yêu mến Quang Trung, một vị vua luôn hết lòng vì dân vì nước, với lòng bao dung, độ lượng cao cả: “Kính nghĩ, nay chỉ có hoàng đế bệ hạ, trọng đạo xây đắp ngũ luân, thì việc làm đấu hết là một chữ hiếu. Đức cao chiếu sáng trăm họ, thấu tình mà mở rộng nghĩa, phúc trạch tràn đầy như hạt cây tiêu. Khuôn thánh nêu cao vạn bang, chuộng người thân mà dấy lòng nhân, ân huệ mênh mông như sắn bùn che gốc rễ”(17).

Trong các bản chiếu dụ mà Ngô Thì Nhậm viết thay Quang Trung cũng thể hiện rõ tinh thần tư tưởng vị tha, bao dung của ông. Ông đã sống và hiểu rất rõ những nỗi vất vả, khó khăn của người dân nên luôn thể hiện sự nhân ái, khoan dung với dân. Ông xin vua hoãn lệnh truy nã lính trốn, tha thứ cho dân các thứ phu phen, tạp dịch và các thứ sưu thuế, khoan dung đối với những hạng người không nơi nương tựa, chịu cảnh đói rét, phạm phải tội cướp bóc. Trong Kiến nghị về chính sự (Kim mã hành dư), ông viết: “Thần cúi xin hoãn cái lệnh truy nã lính trốn ở Thanh Hóa và mở một nơi chiêu mộ cho đủ số lính; cấm sự đốc phu phiền nhiễu ở trấn Nghệ An và tha thứ cho dân các thứ thuế đóng thêm, cho thư lòng dân. Lại nhắc cho ba ty và phủ huyện cái chức trách tuyên dương đức hóa, vỗ về chăm sóc cho dân”(18). Với những kẻ phạm tội, Ngô Thì Nhậm không chỉ nhìn những hành động bên ngoài mà ông còn xét đến cả tâm tính của họ, để có thể đưa ra sự xét xử phù hợp nhất, thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Ông viết: “Thịnh ý mến thương người tài của triều đình các ngươi đã biết. Chỉ còn lại những kẻ chưa được sử dụng, ăn mặc không nơi nương tựa, đến nỗi phải lấy cướp bóc để kiếm sống. Xét bản tâm họ, chưa hẳn đã vui với việc làm sai trái ấy. Nhưng vì sự thế bức bách, không kịp tính đến phải trái thiệt hơn mà thôi”(19).

Với tinh thần yêu dân, an dân, khoan dân, lo lắng cho cuộc sống của dân, Ngô Thì Nhậm luôn tìm biện pháp để giúp miễn giảm tô thuế cho dân, giúp dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Ông viết: “Nếu gạn những chỗ có thừa để bù vào những chỗ không đủ, thì cũng đỡ cho những phí khoản cần dùng. Còn những tô thuế, ngoài hai vụ chính cung ra, thứ nào có thể tạm miễn được thì miễn, để cho người nông dân được hài lòng. Thuế tuần ty, trừ một sở chính ra, những nơi phụ, chỗ nào có thể bãi được thì bãi đi, để cho người buôn bán được thỏa”(20). Đặc biệt, trong việc xử lý những kẻ phạm tội, Ngô Thì Nhậm cũng đề xuất những biện pháp trừng phạt sao cho vừa thể hiện tính nghiêm minh của luật lệ vừa thể hiện được sự bao dung, độ lượng của triều đình. Ông viết: “Người nào bị tội phải nộp tiền chuộc, nhưng cùng túng không lo được, cùng những người vì thế mà trốn tránh đi nơi khác, thì cho phép xã dân cam kết sự cùng túng của họ, và đình chỉ không thu tiền chuộc nữa, để trừ cái tệ bắt lây đến hương thôn”(21). Và, ngay cả trong việc xét án, tù tội đồ, tội lưu trở lên, Ngô Thì Nhậm cũng đề nghị có các biện pháp hình phạt mềm dẻo, linh hoạt, rằng: “Lại ra lệnh cho các quan còn việc xét án, tù tội đồ, tội lưu trở lên, những kẻ chính phạm mới được bắt giam, còn những tội đồ thực, điền binh trở xuống, nặng thì cho chuộc, nhẹ thì dù phải đánh roi cũng tha hết, để cho thư nỗi ấm ức của những người oan uổng”(22).

Ông cho rằng, một khi sự nghiêm khắc, công minh nhưng đức độ, nhân từ, khoan dung của các bậc vua chúa và triều đình được thực hiện thì lòng muôn dân sẽ quy về một mối, làng trên xóm dưới không một lời hờn giận, oán sầu. Phạt không đến con cháu, thưởng đến tận đời sau, đó chính là lòng nhân của thánh nhân, là đạo của những vị vua hiền đức. Quý người thiện thì lâu (quý đến tận con cháu), ghét kẻ ác thì mau (ghét riêng kẻ đó thôi)..

Về đạo làm vua và đạo làm tôi, trên lập trường tư tưởng chính trị của Nho giáo, Ngô Thì Nhậm đã vạch ra yêu cầu và các chuẩn mực khá rõ ràng của một người làm vua. Người làm vua bên cạnh tài trí thì cần phải biết tu thân, dưỡng tính để có thể thấu hiểu và có những biện pháp xử lý tốt mọi công việc của quốc gia. Đặc biệt, vua cần phải có lòng nhân nghĩa trong sai khiến dân và “lấy nghĩa làm lợi, không nên lấy lợi làm lợi”(23), có như thế mới xứng đáng là người đứng đầu quốc gia, vì dân vì nước.

Đồng thời, người làm vua phải hướng dẫn cho dân biết tiết kiệm, tích trữ để phòng những khi khó khăn: “Kẻ làm vua quan, cần phải hướng dẫn cho nhân dân dè dặt (tiết kiệm) tích trữ, phát ra, thu vào đúng lúc, để đề phòng mất mùa, đói kém. Vì thế kẻ có chính sách tốt là biết rằng tích trữ là đời sống chủ yếu của thiên hạ”(24). Bên cạnh đó, thánh nhân, vua chúa phải hiểu rõ đạo lý và phải thể hiện rõ đạo lý ấy ở việc làm của mình, phải tỏ rõ phải trái, thiện ác, lấy điều thiện để khuyến khích, lấy điều ác răn đe, như thế mới có thể sai khiến được bề tôi: “Đã có tà, chính, thuần túy, bác tạp, cho nên khi phát ra việc có thiện, ác, phải, trái, thánh nhân không được đừng tỏ ra lời nói, khiến cho người thiện được khuyến khích, kẻ ác có răn sợ, điều phải lấy làm gương, điều trái lấy làm răn”(25). Những người làm vua với địa vị, quyền thế của mình, rất dễ phạm phải những sai lầm như chuyên chế, tự mãn, kiêu căng. Vì vậy, cần phải chú ý dưỡng tính, tu thân để không mắc phải những sai lầm làm hại thân, kiêu căng, lười biếng. Ông viết: “Ôi! Tự mãn thì sinh kiêu, kiêu thì sinh lười. Các vị chúa hùng tài mưu lược, thường thường phạm những sai lầm đó”(26). Ngô Thì Nhậm khẳng định, trong đạo vua tôi, trong quan hệ lớn nhỏ, trật tự thứ bậc xã hội, quan trọng hơn hết là phải biết định rõ danh phận, giữ đúng pháp độ: “Tôn chỉ của thánh nhân tôn trọng nhà vua, ức chế bề tôi thật là tế nhị. Khống chế kẻ lớn, nâng đỡ kẻ bé nhỏ thật là chặt chẽ, sáng suốt định rõ danh phận, giữ đúng pháp độ”(27).

Theo Ngô Thì Nhậm, các bậc làm vua luôn phải giữ được sự sáng suốt để nhìn nhận được sự việc, không vì những lời nịnh nọt mà mù quáng, hành động bất chấp đạo lý, không vì những điều can gián ngay thẳng mà phật ý, nóng giận. Ngược lại, kẻ làm tôi phải thể hiện được sự trung thành với vua, không nên vì lợi ích của bản thân mà lừa dối bề trên. Những điều đó sẽ làm hại đất nước, khiến cho trật tự xã hội mất ổn định, sớm làm cho gia đình bừa bãi, quốc gia suy sụp, tai họa không kể xiết. Ông viết: “Vua không biết lựa chọn đường lối, bị bề tôi lừa dối mà không tỉnh ngộ. Bề tôi chơi khăm được vua mình mà lấy làm đắc ý, khiến cho giềng mối rối loạn, danh phận đảo điên, lòng người sa đọa vào lợi, nghĩa lý ngày càng lu mờ. Trên thì công thất suy sụp, dưới thì tư gia tự do bừa bãi,... thì tai họa không kể xiết”(28). Điều này cũng giống như những “người làm cha nghe lời gièm pha mà không suy xét, cố nhiên có thể tổn thương đến ân tình. Nhưng nghe người khác nói lời ly gián mà không biết phân tách nhận xét, bị những lời khen ngợi che lấp mà không biết rõ mật xấu, sẽ xảy ra biến cố tứ nơi khuỷu nách (trong gia đình). Đó là điều đáng lo ngại nhất của vị đứng đầu nhà nước”(29).

Ngô Thì Nhậm cho rằng, một vị vua dù nắm trong tay quyền thế, hình pháp nhưng nếu không có lòng nhân đức thì không thu phục được lòng người, khó an lòng dân; ngược lại một vị vua có lòng nhân đức nhưng hình pháp không nghiêm thì cũng không thể giữ được phép nước, khó trị nước thành công. Một vị vua vừa nghiêm khắc vừa nhân đức thì tiếng tăm sẽ lan truyền và thấm nhuần khắp chốn, người người khâm phục. Cho nên, việc làm nhân đức là việc làm mang tính đạo đức cao của vua. Người làm vua phải biết tuân theo mệnh trời để thực hiện đức nhân. Tuy nhiên, theo Ngô Thì Nhậm, vua thực hiện nhân đức ở đây cũng có ranh giới nhất định. Đó là, đối với kẻ thù thì nhất quyết không gần gũi, còn đối với dân thì phải tuyệt đối nhân từ.

Đối với người làm bề tôi, phải luôn quan tâm chăm lo công việc của dân của nước. Vua sai lầm thì bề tôi phải tận tình góp ý, bởi nếu không như vậy sẽ sớm đưa đất nước lâm vào cảnh nguy khốn và bản thân cũng không thoát khỏi đại họa. Trong đó, theo Ngô Thì Nhậm, trung hiếu là đức tính cần có của những người làm tôi, làm con. Nếu như: “Bất hiếu với cha thì sau con mình lại bất hiếu với mình, bất trung với vua thì sau bầy tôi mình lại bất trung với mình”(30).

Cùng với việc vạch rõ vai trò và trách nhiệm bổn phận của người làm vua và của bề tôi, Ngô Thì Nhậm còn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa vua và tôi. Theo ông, giữa vua và bề tôi cần phải có mối quan hệ thân thiết với nhau như đầu và tay chân: “Làm người bề tôi mà không lo liệu san sẻ bớt, thì tai nạn đến mất mạng. Làm vua mà soi xét không sáng suốt thì phân tách không khéo léo. Cây cổ thụ bị đẵn thì vận nước sẽ sụp đổ theo. Đầu và chân tay, thân thể cần phải nâng đỡ cho nhau. Chưa bao giờ bầy tôi khô héo mà nhà vua được riêng phần tốt tươi”(31). Bậc vua chúa trị nước phải biết lắng nghe dân chúng mà không sợ rườm tai, người làm tôi phải giữ được đạo trung với vua, góp ý với vua mới giúp cho quốc gia ổn định, thái bình lâu dài.

Dưới lá cờ thân dân, trọng nghĩa của triều đình Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm đã nhận thức được rằng việc dựng nước phải dựa vào muôn dân, trông cậy vào bề tôi hiền tài. Ông đã có một cái nhìn sâu xa về vai trò của giáo dục và trọng dụng hiền tài. Theo ông: “Dựng nước lấy dạy học làm đầu, cầu thị lấy nhân tài làm gấp”(32). Xây dựng đất nước cần phải có nhiều người hiền tài thì mới vững, bình trị thiên hạ cần phải có nền tảng đạo đức thì mới bền. Cho nên việc bình trị quốc gia phải tuyển chọn nhân tài làm gốc. Ông viết: “Từng nghe: Người hiền ở trên đời cũng như sao sáng ở trên trời. Sao tất phải chầu về Bắc thần, người hiền tất phải do thiên tử sử dụng. Nhược bằng giấu mình ẩn tiếng, có tài mà không để cho đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền tài”(33). Ngô Thì Nhậm khuyến khích việc tiến cử người hiền tài để phục vụ cho dân cho nước: “Quan liêu lớn nhỏ và quan chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng, lời không dùng được thì để đấy, chứ không bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng cho đời, cho các quan văn quan vũ đều được tiến cử; lại cho dẫn đến yết kiến, tùy tài bổ dụng. Hoặc, có người từ trước đến nay giấu tài ẩn tiếng, không ai biết đến, cũng cho phép được dâng thư tự cử, chớ ngại thế là “đem ngọc bán rao”(34). Chú trọng đến phương cách sử dụng, phát huy tài năng ở những lĩnh vực khác nhau, ông lưu ý không nên câu nệ người cũ hay người mới, có khoa bảng hay không mà phải dựa vào thực tâm, thực tài và đặc biệt “không thể dùng quyền lực để thúc ép sự cống hiến của nhân tài, mà phải đi từ những chủ trương, chính sách hợp lòng người, thuận lẽ phải”(35). Theo Ngô Thì Nhậm, người biết sử dụng nhân tài là người phải thực sự tỏ rõ sự cầu thị, lắng nghe, trọng đãi, tin tưởng và giữ chữ tín trước sau như một.

Theo Ngô Thì Nhậm, một quốc gia muốn vững mạnh thì nhà cầm quyền không chỉ nhờ có đức trị mà còn nhờ có hình phạt nghiêm khắc. Cho nên uy quyền nhà vua, theo Ngô Thì Nhậm không chỉ được thể hiện qua việc dùng đức trị mà còn được kết hợp chặt chẽ với đề cao trong cách dùng pháp trị: “Không biết giữ vững quyền lực, định rõ hình phạt, để chế ngự kẻ bề tôi bướng bỉnh, khiến cho triều đình trở thành nói đùa bỡn, trở thành kẻ trả thù nhau. Uy quyền nhà vua ít được đề cao, bọn bề tôi kế tiếp nhau lưu vong, thì còn trị nước đâu được”(36). Dùng đức trị sẽ giúp cho thiên hạ thái bình, người người có đức độ, hòa mục, còn dùng sự nghiêm khắc của pháp trị là để áp chế, răn đe những kẻ không phục tùng, làm cho xã hội có trật tự, kỷ cương, yên ổn. Ngô Thì Nhậm từng khẳng định tinh thần nhân ái của đức trị và sự nghiêm khắc của pháp trị rằng: “Lòng người hòa bình, không gì nhanh chóng hơn vương đạo, không gì dễ dàng hơn vương đạo. Mối họa chứa dấu, không gì thâm hiểm hơn bá công (công việc bá đạo), không gì độc ác hơn bá công”(37). Ngô Thì Nhậm cho rằng, trong đạo trị nước, hai yếu tố đức và pháp bổ sung và gắn bó chặt chẽ với nhau sẽ tạo nên một phương pháp trị nước mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả.

Tóm lại, tư tưởng chính trị của Ngô Thì Nhậm về ái dân, ý dân, lòng dân, về đạo làm vua, làm quan và bề tôi, tinh thần khoan dung độ lượng, quan điểm trọng dụng hiền tài, khát vọng xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị, lấy phép tắc, cương thường để quản lý xã hội, dùng lễ nghĩa, đề cao đạo trung hiếu để giáo dục con người... là những quan điểm hết sức phong phú và không kém phần đặc sắc. Nó phản ánh sâu sắc, sinh động đặc điểm, yêu cầu của lịch sử xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, đồng thời cũng thể hiện rõ trí tuệ, tình cảm và tấm lòng của Ngô Thì Nhậm, một con người hết lòng vì dân vì nước. Những quan điểm đó của ông, nếu bỏ qua những hạn chế nhất định, vẫn còn là những bài học lịch sử thiết thực và bổ ích nhất định đối với quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.                 

 

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
(**) Tiến sĩ, Đại học Đà Lạt.
( ) Xem: Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Ngô Thì Nhậm tác phẩm, t.1. Nxb Văn học, 2002,  tr.509.
(2) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.167.
(3) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.293.
(4) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.642.
(5) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.112.
(6) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.113.
(7) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.112.
(8) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.292.
(9) Xem: Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.15.
(10) Xem: Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.37.
(11) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.631.
(12) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.24-25.
(13) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.50.
(14) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.46.
(15) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.23.
(16) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.640-641.
(17) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.296-297.
(18) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.112.
(19) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.289.
(20) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.113.
(21) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.113.
(22) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.3, tr.113.
(23) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.51.
(24) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.446.
(25) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.45.
(26) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.421.
(27) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.427-428.
(28) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.454.
(29) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.455.
(30) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.56.
(31) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.439-440.
(32) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.180.
(33) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.182.
(34) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.182-183.
(35) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.629-822.
(3 ) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.1, tr.429.
(37) Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận). Sđd., t.4, tr.437.

 

 


Doãn Chính (*), Nguyễn Thị Hồng Phương (**)

Tạp chí Triết học, số 1 (296), tháng 1 - 2016


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007