Hiếu trong Lê triều hình

03/03/2022

Lê triều hình luật được coi là một trong những bộ luật hoàn chỉnh nhất trong lịch sử pháp luật của nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật này chứa đựng nhiều giá trị và nội dung tư tưởng rộng lớn, là cơ sở và nền tảng trong việc xây dựng nhà nước phong kiến thịnh trị thời Lê sơ. Thông qua các điều luật trong Lê triều hình luật, chúng ta thấy rõ được những quy định nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người, không chỉ bênh vực tầng lớp quan lại mà còn có nhiều điều luật bênh vực các tầng lớp khác trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người già... Tầm vóc và giá trị của Lê triều hình luật là vô cùng to lớn. Song, trong bài viết này chúng tôi chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể, đó là Hiếu. Bởi vì, có thể nói rằng, Hiếu là giá trị đạo đức căn bản trong đời sống con người, là đạo ăn ở của con cháu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

1. Mở đầu

Lê triều hình luật hay còn gọi là Quốc triều hình luật được biên soạn từ khi Lê Lợi lên ngôi, được bổ sung, hoàn thiện trong thời Lê sơ. Bộ luật này được vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1483 - thời gian ông lấy niên hiệu là Hồng Đức, do vậy dân gian thường quen gọi bộ luật này là Luật Hồng Đức.

Lê triều hình luật được coi là một trong những bộ luật hoàn chỉnh nhất trong lịch sử pháp luật của nhà nước phong kiến Việt Nam. Bộ luật này chứa đựng nhiều giá trị và nội dung tư tưởng rộng lớn, là cơ sở và nền tảng trong việc xây dựng nhà nước phong kiến thịnh trị thời Lê sơ; đồng thời thể hiện tinh thần nhất quán trong việc bảo vệ vương triều, bảo vệ nhà vua, tinh thần tự tôn dân tộc, độc lập, tự chủ.

Lê triều hình luật chứa đựng nhiều tư tưởng pháp luật tiến bộ và được xây dựng trên hệ thống có trình độ pháp lý khá cao so với văn bản pháp luật quy định cùng thời. Tác giả Lê Hồng Sơn trong một bài viết của mình đã khẳng định: “Bộ luật đã chứa đựng những khái niệm pháp lý tiến bộ mà có thể so sánh hoặc tương đương với các khái niệm của pháp luật phương Tây hiện đại”(1). Đặc biệt, bên cạnh đó, bộ luật này còn chứa đựng nhiều điều luật đề cao đạo đức, lễ nghĩa, tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả. Thông qua các điều luật trong Lê triều hình luật, chúng ta thấy rõ được những quy định nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của con người, không chỉ bênh vực tầng lớp quan lại mà còn có nhiều điều luật bênh vực các tầng lớp khác trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người già... Đây là bộ luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa thành tựu lập pháp của các triều đại Lý, Trần và tiếp thu một cách có chọn lọc pháp luật của phong kiến Trung Quốc. Vì vậy, nó chịu ảnh hưởng bởi các luật lệ, lễ nghi, chuẩn mực theo tinh thần của Nho giáo. Nhưng bên cạnh đó, Lê triều hình luật còn có rất nhiều điều luật không có trong luật pháp Trung Quốc. Đây chính là những điểm sáng tạo, độc đáo của bộ luật, vì những điều luật đó xuất phát từ truyền thống, phong tục, tập quán mang đậm nét nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam.

Tầm vóc và giá trị của Lê triều hình luật vô cùng to lớn. Song, trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào một vấn đề cụ thể, đó là Hiếu. Bởi vì, có thể nói rằng, Hiếu là giá trị đạo đức căn bản trong đời sống con người, là đạo ăn ở của con cháu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

2. Nội dung

2.1. Hiếu trong đời sống của người Việt

Từ xa xưa, người Việt Nam rất coi trọng việc giáo dục đạo lý làm người cho con cháu, mà trước hết là lấy chữ Hiếu làm đầu. Với mỗi một đứa trẻ, ngay từ khi mới cắp sách đến trường, hiếu hạnh luôn là những bài học đầu tiên trước khi học các đức khác. Trong bài học vỡ lòng đồng ấu ngày xưa, ngay từ đầu đứa trẻ đã được chỉ bảo: “Cây có gốc mới nở nhành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/ Người ta nguồn gốc từ đâu?/ Có cha, có mẹ rồi sau có mình”(2).

Hiếu là một trong những giá trị đạo đức căn bản của con người, là một nội dung quan trọng của đạo làm người, là giá trị nền tảng của đạo lý uống nước nhớ nguồn. Trong lời mở đầu của Nhị thập tứ hiếu – tác phẩm viết về 24 tấm gương hiếu thảo điển hình sâu sắc về đạo thờ cha mẹ của người xưa đã khẳng định: “Người tai mắt đứng trong trời đất/ Ai là không cha mẹ sinh thành/ Gương treo đất nghĩa, trời kinh/ ở sao cho xứng chút tình làm con”(3). Ai cũng được sinh ra bởi cha mẹ của mình, cha mẹ với công lao trời bể sinh thành dưỡng dục nuôi dạy con nên người, con cái báo đáp công ơn đó bằng lòng hiếu kính đối với cha mẹ ấy là hiếu, là đạo làm con.

Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam, tiếng nói đạo đức mang truyền thống văn hóa dân tộc, được kết tụ mấy nghìn năm lịch sử. Với những lời lẽ mộc mạc, dễ hiểu, ca dao, tục ngữ Việt Nam đã đề cao công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Nó không nằm trong phạm vi văn chương bác học mà trở lại gần gũi và phổ cập với đời sống con người qua bao thế hệ. “Công cha nghĩa mẹ cao dày/ Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ/ Nuôi con khó nhọc đến giờ/ Lớn lên con phải biết thờ song thân”(4).

Người Việt rất coi trọng Hiếu, Hiếu không những được coi là một chuẩn mực đạo đức, một tiêu chuẩn để đánh giá, là thước đo nhân cách con người, mà còn là một nguyên tắc hành động, một nguyên lý ứng xử của con cái đối với ông bà, cha mẹ, nghĩa là Hiếu được người Việt nâng lên thành một đạo – đạo Hiếu, đạo làm con. Theo học giả Đào Duy Anh, “Đức tốt của con đối với cha mẹ là hiếu”(5). Với tinh thần đó, Hiếu được định nghĩa: “Hiếu là có lòng kính yêu, hết lòng chăm sóc cha mẹ”(6).

Thực hiện đạo Hiếu là một quá trình liên tục, từ khi cha mẹ còn sống khỏe mạnh, đến lúc cha mẹ ốm đau, già yếu và cả khi cha mẹ qua đời trong tang ma, cúng giỗ, phụng thờ. Phương thức thực hiện đạo hiếu rất phong phú, được thể hiện rõ nét ở những điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, trong gia đình, con cái phải biết ơn và kính trọng ông bà, cha mẹ; khi cha mẹ còn sống thì phải phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo, thành kính; khi cha mẹ già yếu thì sự phụng dưỡng cần phải ân cần hơn; khi cha mẹ khuất núi thì phải thành tâm lo tang chế, cúng tế.

Thứ hai, trong việc thực hiện đạo hiếu của người Việt, người con có hiếu còn là người phải biết bảo vệ thân thể, đạo đức, sức khỏe của mình; đặc biệt phải tự hoàn thiện đạo đức và học vấn của bản thân để trở thành người có nhân cách, đức độ, làm rạng rỡ cho gia đình, dòng họ; phải lập thân, làm nên sự nghiệp để cha mẹ tự hào, phấn khởi.

Thứ ba, người con có hiếu là người không được làm gì ảnh hưởng đến danh dự gia đình, phải có khả năng và điều kiện để kế tục sự nghiệp của cha mẹ, tiếp được chí của cha mẹ, noi gương việc làm tốt của cha mẹ, giữ gìn gia đạo, nền nếp, gia phong.

Đạo Hiếu không chỉ là phạm trù đạo đức, giá trị quan trọng, là một sự “sàng lọc” ý nghĩa nhất để con người tiếp nhận và cải biến các giá trị đạo đức khác, mà còn là phạm trù tín ngưỡng, một tín ngưỡng thế tục; hơn nữa, Hiếu còn là một điều luật xã hội mà mọi người phải tuân thủ. Trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của con cái được cô đúc trong khái niệm Hiếu. Mỗi cá nhân phải tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của gia đình, gia tộc, tuân theo nền nếp, gia phong “trên kính, dưới nhường”, biết báo đền công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, có như thế mới được coi là có hiếu, khác đi sẽ bị coi là bất hiếu. Với những ý nghĩa như vậy, trong Lê triều hình luật, khái niệm Hiếu được đề cập khá sâu sắc trên nhiều phương diện.(5)

2.2. Những quy định cụ thể về Hiếu trong Lê triều hình luật

Thứ nhất, Lê triều hình luật quy định Hiếu là biết ơn, kính trọng ông bà, cha mẹ khi còn khỏe; phụng dưỡng, chăm sóc chu đáo, thành kính đối với ông bà, cha mẹ khi yếu già; thành tâm lo tang chế, cúng tế khi cha mẹ qua đời.

Hiếu kính ông bà, cha mẹ, trước hết thể hiện ở lòng yêu mến, kính trọng, lễ phép, vâng lời, làm cho ông bà cha mẹ vui lòng và phụng dưỡng lúc tuổi già, trái với những điều trên thì bị coi là bất hiếu. Lê triều hình luật đã quy định, khi ông bà, cha mẹ còn sống, đặc biệt khi về già, làm phận con cháu phải ý thức được trách nhiệm của mình mà chăm lo, phụng dưỡng. Điều 506 quy định: “Con cháu làm trái lời dạy bảo, không cung dưỡng bề trên, bị ông bà cha mẹ trình lên quan thì chúng bị xử đồ làm khao đinh; con nuôi, con kế tự mà bất hiếu với cha nuôi, cha kế thì xử giảm tội trên một bậc và mất tài sản đã được chia cho”(7).

Điều 485 cho thấy, phận là con cháu phải hết lòng bảo vệ ông bà, cha mẹ của mình: “Ông bà, cha mẹ bị kẻ khác đánh, con cháu đánh trả lại nhưng không gây thương tật cho họ thì không bị tội. Nếu bị thương tật thì bị tội như đánh người thường nhưng được giảm ba bậc. Đánh chết thì bị tội nhẹ hơn luật thường một bậc”(8). Việc cưới xin phải có trình tự, chu đáo thể hiện sự kính trọng đối với cha mẹ (điều 314), khi ông bà, cha mẹ đang bị giam cầm, tù đày thì con cháu không được tổ chức cưới gả; nếu được ông bà, cha mẹ cho phép thì lễ cưới cũng chỉ được tổ chức đơn giản, không tiệc tùng đãi khách linh đình, nếu ai không tuân thủ thì chiểu theo luật để xử phạt. Thậm chí, ngay cả việc phân chia tài sản khi vợ chồng ly dị hay chồng hoặc vợ chết cũng được quy định rõ thể hiện sự hiếu thuận, theo đó tài sản cha mẹ cho phải trả về cho cha mẹ để lo phần thừa tự (điều 375, điều 376). Lê triều hình luật quy định rõ, phận làm con cháu (kể cả con dâu, cháu dâu) không được phép lăng mạ, đánh mắng ông bà, cha mẹ. Nếu ông bà, cha mẹ có vi phạm điều gì trái với pháp luật thì phận làm con cháu cũng không được đi thưa kiện và nếu thưa kiện thì không những không được khen mà còn bị xử phạt. Hơn nữa, nếu thưa kiện mà lý lẽ không đúng thì tội còn nặng thêm (điều 511).

Như vậy, khi ông bà và cha mẹ còn sống, đạo làm con cháu là phải vâng lời, kính trọng, lễ phép, chăm sóc, yêu thương,... cố gắng làm những điều khiến cho ông bà, cha mẹ vui lòng; khi ông bà, cha mẹ làm điều sai trái thì phải lựa cách khuyên can, thậm chí sẵn sàng chịu tội thay ông bà, cha mẹ mà không kêu ca, oán thán; đặc biệt, khi ông bà, cha mẹ về già thì trách nhiệm đó của con cái phải được nâng lên ở mức cao hơn, không được tỏ thái độ khinh thường, vô lễ, xúc phạm tới ông bà, cha mẹ. Các điều 478, 479, 480, 483, 484 cũng đã quy định rõ và xử phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ khi con cháu có hành vi đánh mắng, lăng mạ ông bà, cha mẹ, các bậc tôn trưởng, bề trên. Lê triều hình luật cũng quy định rằng, con cháu không được phép thông dâm với bề trên, hay lấy người có vai vế trên mình, như vậy là phạm vào bất kính, sẽ bị xử tội (điều 319).(8)

Hiếu kính với cha mẹ cũng đồng nghĩa với việc cố gắng làm những điều khiến cha mẹ vui lòng, tránh những việc khiến cha mẹ buồn hay làm tổn hại đến tuổi thọ của cha mẹ. Vì vậy, anh em phải hòa thuận, thương yêu nhau, tôn trọng nhau, phân định rõ thứ bậc; vợ chồng phải yêu thương, chung thủy như nhất, ý thức được trách nhiệm sinh con nối dõi tông đường,... chiếu theo đó thì những điều ngược lại đều sẽ bị phân xử tội trạng. Điều 146 quy định rõ việc phân chia trưởng thứ cùng trách nhiệm, nếu trái lời sẽ bị xét xử tội đồ hay lưu.

Đạo làm con cháu không chỉ dừng lại ở việc hiếu kính khi ông bà, cha mẹ còn sống và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già. Trong Lê triều hình luật còn có những quy định về đạo hiếu của con cháu khi ông bà cha mẹ đã mất. Biểu hiện trực tiếp là thái độ của bậc con cháu trước sự ra đi của ông bà, cha mẹ và việc cử hành các nghi thức tế tự, tang ma. Khi ông bà, cha mẹ khuất núi, con cháu phải hết lòng đau xót, nhớ thương. Trái với đạo trên, người con lại hân hoan vui mừng, đàn ca nhảy múa, lảng tránh việc tang ma,... thì đáng bị xử tội thật nặng (điều 130).

Nguồn: Internet

Lê triều hình luật quy định rõ rằng, nếu đang có tang ông bà, cha mẹ hoặc tang chồng mà cử hành việc cưới xin thì xử tội biếm, buộc đôi vợ chồng mới cưới phải chia lìa (Điều 317). Khi cha mẹ mất, nếu con cái không chịu tang đúng lễ, hoặc lừa dối cha mẹ mất để mưu cầu lợi lộc cho bản thân thì sẽ bị xử phạt. Cùng với việc xót thương, con cháu phải chu toàn việc tang ma, tế tự, lo phần hương hỏa cho ông bà, cha mẹ của mình, làm tròn chữ hiếu với ông bà, cha mẹ.

Lê triều hình luật có quy định rất rõ các nghi thức trong phần Tang lễ. Trong từng trường hợp cụ thể, việc quy định để tang là khác nhau. Điều 42 quy định rõ: “Để tang ông bà với cụ cố đều giống nhau ở các trường hợp: Tang ông bà và tang tằng cao, tang cháu chắt, chút cũng giống nhau. Cháu nội theo lịnh để tang ông bà thì như cha mẹ để tang ông bà. Con để tang mẹ đẻ, mẹ kế, mẹ nuôi như để tang người sinh ra mình. Bảo là con thì dù trai, gái cũng như nhau”(9).

Tuy nhiên, việc tế tự phải được làm sao cho phải phép, tránh hình thức, phô trương, nếu không sẽ bị phạt. Vấn đề này cũng được Lê triều hình luật quy định rõ ràng và chi tiết trong chương Điền sản, trong mục Bổ sung về luật hương hỏa, từ điều 388 đến điều 400. Phần hương hỏa đều được quy định phân chia, sử dụng rất chi tiết; riêng với phần đất hương hỏa, Lê triều hình luật nhấn mạnh, cần phải giữ gìn, cấm đem bán, vì bán đất hương hỏa là bất hiếu với ông bà, tổ tiên, bị xử tội. Điều 400: “Dù con cháu nghèo khó cũng không được làm trái luật là bán ruộng đất hương hỏa. Nếu làm trái, có ai tố cáo thì bị xử vào tội bất hiếu. Nếu người trong họ mua ruộng đất ấy thì mất tiền mua; người ngoài mua thì cho chuộc, không được cố giữ”(10).

Thứ hai, bên cạnh những quy định về Hiếu là kính yêu cha mẹ, chăm sóc chu đáo lúc cha mẹ bị ốm đau, tuổi già, đau xót nhớ thương khi cha mẹ qua đời, chu toàn việc tang ma, tế tự, Lê triều hình luật còn quy định về Hiếu là phải biết bảo vệ thân thể, đạo đức, sức khỏe của mình; đặc biệt phải tự hoàn thiện đạo đức và học vấn của bản thân để trở thành người có nhân cách, đức độ, làm rạng rỡ cho gia đình, dòng họ; phải lập thân, làm nên sự nghiệp để cha mẹ tự hào, phấn khởi.

Điều 457 quy định trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, theo đó con cái phải làm những việc thiện, điều tốt để cha mẹ được vui lòng, hãnh diện; nếu làm điều xấu, phạm pháp thì cha mẹ sẽ phải gánh lấy hậu quả, bị xử tội phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ của tội mà người con gây ra.

Anh em phải hòa đồng, yêu thương nhau để ông bà, cha mẹ được vui lòng, nếu để mâu thuẫn, cãi vã, đánh chém nhau thì xử tội. Điều 512: “Anh em không còn hòa thuận đến nỗi đưa đến kiện tụng nhau thì ai trái lẽ, bị xử tội nặng hơn người thường một bậc”(11).

Không những thế, Lê triều hình luật còn chỉ rõ những việc khiến ông bà, cha mẹ buồn như bán trộm điền sản, đưa người về nhà ăn trộm, anh em bất hòa, đánh nhau thì phạm vào bất hiếu và bị xử phạt,... (điều 378, 440).

Thứ ba, Lê triều hình luật còn quy định về Hiếu là không được làm gì ảnh hưởng đến danh dự gia đình, phải kế tục sự nghiệp của cha mẹ, giữ gìn gia đạo, nền nếp gia phong của gia đình. Người con có Hiếu còn phải biết khuyên cha mẹ làm điều hay, tránh điều dở.

Điều 305 quy định, nếu tự mình làm mất khả năng sinh sản, không sinh được con cháu nối dõi cho gia tiên cũng là phạm tội bất hiếu, xử tội đồ hay lưu.

Trong Lê triều hình luật, đạo Hiếu không chỉ thể hiện ở sự yêu mến, kính trọng, vâng lời, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, mà còn chỉ rõ rằng, khi ông bà, cha mẹ phạm điều sai trái, làm con cháu phải lựa cách khuyên can, thậm chí cho phép con cháu chịu tội thay khi ông bà, cha mẹ bị phạt. Điều 38 quy định rõ: “Đều được giảm một bậc tội khi con cháu chịu tội đánh roi, đánh trượng thay cho ông bà, cha mẹ”(12). Khi cha mẹ làm điều sai trái, làm con mà không khuyên can, để cha mẹ làm mà mắc tội, chịu phạt, trong khi đó lại còn đàn hát, thậm chí lo chuyện riêng tư như ăn hỏi, cưới xin thì bị phạt tội.

Như vậy, đạo làm con cháu thể hiện tập trung trong đạo Hiếu với các biểu hiện cụ thể như sau: Hiếu kính khi ông bà, cha mẹ còn sống; phụng dưỡng khi ông bà, cha mẹ già yếu và xót thương, lo tế tự cho phải phép khi ông bà, cha mẹ khuất núi. Đó là đạo Hiếu của phận làm con cháu với ông bà, cha mẹ, trái lại là bất hiếu, phạm một trong Thập ác đã được quy định. Bên cạnh những biểu hiện trực tiếp trên, trong Lê triều hình luật cũng có nhiều điều luật khác mà khi thực hiện được cũng là gián tiếp thực hiện đạo Hiếu, như chấp hành nghĩa vụ với đất nước, trung với vua, anh em phải biết nâng đỡ nhau, vợ chồng phải thủy chung son sắt,...(12)

3. Kết luận

Ra đời trong bối cảnh xã hội phong kiến và chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, Pháp gia và nhiều văn bản luật phong kiến trước đó, Lê triều hình luật không thể không chứa đựng những hạn chế nhất định và phần nào đó không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Song, không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà Lê triều hình luật mang lại về phương diện luật pháp nói chung và những điều luật về Hiếu nói riêng. Kế thừa những yếu tố tích cực, lọc bỏ những yếu tố hạn chế trong quan niệm về Hiếu trong Lê triều hình luật theo tinh thần biện chứng sẽ giúp chúng ta phát huy được nhiều giá trị to lớn trong quá trình thực hiện đạo Hiếu trong gia đình Việt Nam hiện nay. Bên cạnh chữ Hiếu, đến nay, nhiều điều luật trong Lê triều hình luật vẫn còn ý nghĩa đối với xã hội hiện đại, không chỉ trong lĩnh vực lập pháp mà cả trong lĩnh vực đạo đức, trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; trong việc hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về con người và quyền con người, nhằm thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. 

 

                 

(*) Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số I1.7-2013.04.

(**) Phó giáo sư, tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(1 ) Lê Hồng Sơn. Quốc triều hình luật - Công trình pháp điển hóa tiêu biểu trong lịch sử lập pháp Việt Nam thời kỳ phong kiến. Kỷ yếu Hội thảo Quốc triều hình luật, do Bộ Tư pháp và ủy ban nhân dân Tỉnh Thanh Hóa tổ chức, 2007, tr.112.

(2) Phạm Côn Sơn. Nền nếp gia phong. Nxb Thanh niên, 2006, tr.112.

(3) Quách Cư Nghiệp. Nhị thập tứ hiếu (Lý Văn Phức dịch - Hoàng Phủ Ngọc Phan biên soạn). Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 1990, tr.7.

(4) Vũ Ngọc Phan. Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1987, tr.415.

(5) Đào Duy Anh. Hán Việt từ điển. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.295.

(6) Viện Ngôn ngữ học. Từ điển tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng, 2004, tr.439.

(7) Lê triều hình luật (Nguyễn Quang Thắng phiên âm, dịch nghĩa; Nguyễn Văn Tài hiệu đính). Nxb Văn hóa - Thông tin, 1998, tr.273.

(8) Lê triều hình luật. Sđd., tr. 485.

(9) Lê triều hình luật. Sđd., tr.53.

(10) Lê triều hình luật. Sđd., tr.217.

(11) Lê triều hình luật. Sđd., tr.275.

(12) Lê triều hình luật. Sđd., tr.51.


Nguyễn Thị Thọ (**)

Tạp chí Triết học, số 1 (296), tháng 1 - 2016


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007