1. Tuyển chọn đội ngũ quan lại
Trong bộ máy nhà nước, vấn đề nhân sự luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu, ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước. Ngay khi mới thành lập, vương triều Nguyễn đã xem việc xây dựng một đội ngũ quan lại có năng lực giúp vua quản lý đất nước là vấn đề hết sức cấp bách. Mặt khác, lãnh thổ rộng lớn so với các triều đại trước đó cũng đòi hỏi cần thiết phải bổ sung số lượng nhân lực tại các địa phương. Nhận thức được vai trò của hiền tài đối với đất nước, trong thời gian trị vì, Minh Mệnh đã bốn lần ra chiếu cầu hiền với hy vọng thu nạp nhân tài để giúp vua xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các nho sĩ Bắc Hà với tâm lý “hoài Lê” đã khá thờ ơ với con đường quan lộ, khiến vua Minh Mệnh từng nói với quan cận thần rằng: “Năm trước đã từng xuống chiếu tìm người tài giỏi giúp việc, đến nay chưa thấy ai hưởng ứng. (...) Nay trẫm dừng chân ở Bắc Thành gần hàng tháng mà vẫn yên lặng không nghe gì. Hay là vì các nha môn trong ngoài, nhân trước thấy chiếu nói cử người hiền lương phương chính mà không dám đương danh hiệu ấy chăng?”(1).
Trong khi đó, ở khu vực phía Nam, người Nam Bộ không quan tâm nhiều đến lĩnh vực khoa cử khiến nguồn nhân lực cho bộ máy nhà nước bị thiếu hụt. Năm 1826, khi xem xét kết quả kỳ thi Hội với 9 người đỗ đều xuất thân từ miền Bắc, Minh Mệnh đã nói rằng: “Nay thiên hạ một nhà, Nam Bắc đều là tôi con của Trẫm, cho nên Nam hiền thì dùng Nam, Bắc hiền thì dùng Bắc, không phải có thiên tư. Vả lại học trò Nam Bắc đều là người ở trong giáo dục, học lực tưởng cũng không hơn kém nhau, thế mà nay 9 quyển đỗ đều là người Bắc là sao thế? Nên lựa lấy 1, 2 người từ Thừa Thiên vào Nam để cổ lệ sĩ phong mới phong”(2).
Chính vì thế, Minh Mệnh đã thi hành nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động giáo dục – đào tạo để bổ sung đội ngũ quan lại. Trước hết, Minh Mệnh mở rộng các cơ sở đào tạo nhân tài, như thành lập trường Quốc Tử Giám. Hệ thống trường lớp cũng được thiết lập từ kinh đô cho đến các phủ, huyện trong cả nước. Mặt khác, để nâng cao chất lượng đào tạo, ông đặc biệt chú trọng đến đội ngũ giáo chức chuyên trách, đôn đốc việc học tập.
Đặc biệt, nhằm bổ sung đội ngũ quan lại phục vụ bộ máy nhà nước, Minh Mệnh đề ra các quy định mới về thi cử. Dưới thời vua Gia Long, triều đình chỉ tổ chức kỳ thi Hương, nhưng đến năm 1822 vua Minh Mệnh đã mở thêm khoa thi Hội, thi Đình. Từ năm 1826, Minh Mệnh quy định 3 năm một khoa thi (thay vì 6 năm một khoa thi). Trong đó, năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, triều đình tổ chức thi Hương; năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi, triều đình tổ chức thi Hội và thi Đình. Đồng thời, để gia tăng lượng người lấy đỗ, bên cạnh danh hiệu Tiến sĩ, Minh Mệnh đã lấy thêm danh hiệu Phó bảng cho người đỗ thi Hội. Với quy định về học vị Phó bảng, Minh Mệnh đã phần nào giải quyết được yêu cầu nhân sự cho bộ máy chính quyền đương thời.
Như vậy, với chủ trương dựa vào giáo dục Nho học để mau chóng đào tạo nguồn lực quan lại - tri thức Nho học làm rường cột cho chính thể, Minh Mệnh đã chú ý hoàn thiện chế độ giáo dục khoa cử theo mô hình Nho giáo, các kỳ khảo thí được duy trì ổn định, có quy củ toàn quốc, góp phần xóa bỏ sự chênh lệch về văn hóa Nho giáo giữa các vùng miền. Đặc biệt, ảnh hưởng nổi bật mà Minh Mệnh tạo ra trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục lúc bấy giờ chính là xác lập tính khuôn mẫu quy củ, khơi dậy tinh thần Nho học ở Đàng Trong, nhất là Nam Bộ, tạo nền tảng vững chắc để các đời vua sau sử dụng. Theo đánh giá của học giả Choi Byung Wook trong “Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mệnh” thì chính sách văn hóa - giáo dục của Minh Mệnh đã thúc đẩy sự ra đời của một thế hệ nhà nho mới ở Nam Bộ: “Các nhà nho thời kỳ trước phần lớn ngả theo hoạt động kinh doanh và chẳng để lại chứng cứ nào về việc họ đầu tư kiến thức của mình cho người làng. Lưu Bảo Tâm – một cử nhân năm 1810 trở thành mối lái. Nhà nho Trần Dã Lão của thập niên 20 thế kỷ XIX trở về quê hương để theo nghiệp kinh doanh của gia đình sau khi đã học hành tinh thông. Trước đó, Trịnh Hoài Đức cũng tham gia kinh doanh buôn bán. Trái lại, từ sau thập niên 40 của thế kỷ XIX, ngày càng nhiều nho sĩ Nam Bộ trở thành các thầy giáo làng. (...) Một thế hệ mới các nhà nho nổi lên, trở thành các thủ lĩnh địa phương, thu phục nhân tâm và quyền lực trong làng xã, để sau này, khi người Pháp xâm lược Nam Bộ, họ có khả năng tập hợp, động viên nhân dân đứng trước ngọn cờ trung quân ái quốc”(3).
 |
|
2. Cải cách hành chính từ trung ương đến địa phương
Minh Mệnh chủ trương thực hiện cải cách bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Mục đích của cuộc cải cách trước hết là nhằm xóa bỏ tình trạng cát cứ, phân quyền ở địa phương, tập trung quyền lực vào trung ương. Bên cạnh đó, Minh Mệnh muốn gia tăng sự kiểm soát lẫn nhau trong giới quan liêu, nâng cao hiệu lực của bộ máy quan lại. Cuộc cải cách hành chính được tiến hành ở cấp trung ương và địa phương. ở cấp trung ương, Minh Mệnh chuyển Văn thư phòng (cơ quan phụ trách văn thư giấy tờ và cố vấn cho nhà vua về việc quốc gia đại sự) được thành lập vào thời Gia Long thành Nội Các và hoàn thiện Lục Bộ.
Nội Các là cơ quan mới có đầy đủ quyền hạn thay mặt nhà vua giải quyết mọi công việc của các trấn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời luôn chịu sự lãnh đạo trực tiếp của nhà vua. Xem xét mối quan hệ giữa Nội Các và Lục Bộ, có thể khẳng định rằng, mục đích của Minh Mệnh chính là tạo ra sự ràng buộc trong các cơ quan trung ương, nhằm tăng cường trách nhiệm của Lục Bộ. Minh Mệnh đã thiết lập cơ chế Nội Các có quyền duyệt công văn, phê đáp tờ tâu của Lục Bộ. Ngược lại, Lục Bộ có quyền lập “Phiếu Nghĩ” để bàn định về các phê đáp của Nội Các.
ở cấp địa phương, trọng tâm của cuộc cải cách là xóa bỏ tình trạng tồn tại biệt lập của các đơn vị hành chính, đặc biệt là Bắc Thành và Gia Định Thành. Dưới thời Gia Long trị vì, nhà nước nắm quyền quản lý trực tiếp vùng Kinh kỳ, còn hai trấn Bắc Thành và Gia Định Thành liên hệ với nhà nước thông qua Tổng trấn. Sự phân bố các đơn vị hành chính này như sau: Triều đình trung ương bao gồm 4 Doanh (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam) và Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Khương, Bình Thuận. Bắc Thành bao gồm 11 trấn là Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng, An Quảng và Hưng Hóa. Gia Định gồm 5 trấn là Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.
Hạn chế của bộ máy chính quyền địa phương trên đây chính là thiếu tính thống nhất trong phân cấp tổ chức hành chính giữa miền Bắc và miền Nam, giữa đồng bằng và miền núi. Mặt khác, tính chất quân sự còn đậm nét trong cách thức tổ chức chính quyền địa phương thời vua Gia Long. Đơn cử trường hợp Gia Định Thành, phần lớn các chức vụ quan trọng từ Tổng trấn đến Phó tổng trấn, Hiệp tổng trấn, trấn thủ đều xuất thân từ tầng lớp võ quan. Bên cạnh đó, Tổng trấn có quyền lực cất nhắc, bổ nhiệm, bãi miễn quan lại, chỉ huy điều động quân đội và giải quyết các sự vụ thường ngày. Mối quan hệ giữa Tổng trấn với người dân Gia Định chặt chẽ, ràng buộc sâu sắc hơn so với triều đình trung ương. Do đó, đất nước tuy thống nhất về mặt hình thức nhưng trên thực tế, mầm mống phân quyền, cát cứ vẫn tồn tại bởi quyền lực của hai Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành.
Vấn đề đặt ra cho triều đình Minh Mệnh trong công cuộc cải cách hành chính ở địa phương chính là giải thể quyền lực của các Tổng trấn. Tuy nhiên, việc thủ tiêu chế độ quyền lực ở Bắc Thành và Gia Định Thành không phải là một bài toán giản đơn khi nó liên quan đến quyền lợi của các viên quan đại thần. Chính vì thế, mặc dù đăng quang trị vì đất nước vào năm 1820 nhưng phải hơn 11 năm sau (1831), Minh Mệnh mới tiến hành can thiệp vào bộ máy quyền lực ở Bắc Thành và Gia Định Thành. Ông đã lựa chọn giải pháp khôn ngoan khi tiến hành cải cách địa giới lần lượt từ Bắc đến Nam, phân chia các trấn thành tỉnh. Năm 1831, Minh Mệnh chủ trương chia các trấn từ Quảng Trị tới Bắc Kỳ đặt làm 18 tỉnh: Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, Sơn Tây, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Yên, Nam Định, Hưng Yên, Lạng Sơn và Cao Bằng. Năm 1832, ông tiếp tục chia các trấn từ Quảng Nam trở vào trong làm 12 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Biên Hòa, Phiên An, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên.
Như vậy, sau cuộc cải cách của Minh Mệnh, cả nước có 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Trong đó, 30 tỉnh lại được chia thành 14 liên tỉnh (thường bao gồm 2 tỉnh). ở mỗi tỉnh, có một vị quan là Tuần phủ và Bố chánh phụ trách Ty phiên (quản lý thuế má, dinh điền), án sát phụ trách Ty Niết (quản lý hình án), Lãnh Binh phụ trách quân đội.
Trong cuộc cải cách hành chính ở địa phương, đối với các vùng biên giới miền núi dân tộc thiểu số và cả miền duyên hải rộng lớn, Minh Mệnh vừa tiến hành phủ dụ, vừa từng bước tăng cường sự kiểm soát của triều đình trung ương. Năm 1821, Minh Mệnh ban bố nghị chuẩn tạm đặt các chức Cai châu, Phó châu, Lại mục chuyên cai quản các châu nơi biên trấn. Từ năm 1827, ông tiến hành xóa bỏ các chức tước đặt ra từ trước như Tuyên úy đại sứ, Tuyên úy sứ, Chiêu thảo sứ, Phòng ngự sứ... và thay vào đó là các chức tri phủ, tri huyện, huyện thừa, chỉ thêm chữ “Thổ” ở đằng trước như: Thổ tri phủ thì bậc tòng Lục phẩm/ Thổ tri huyện thì bậc tòng Thất phẩm/ Thổ huyện thừa thì bậc tòng Bát phẩm/ Thổ lại mục thì bậc tòng Cửu phẩm.
Bên cạnh đó, vua Minh Mệnh còn thực hiện chính sách cứng rắn đối với tầng lớp hào trưởng châu, mục, thổ tù. Năm 1829, nhà vua ra chỉ dụ bãi bỏ lệ thế tập các thổ tù và cất cử người đủ tiêu chuẩn (có học, thanh liêm, tài năng, được dân tin ở trong hạt) vào các chức sắc cấp cơ sở ở địa hạt đó. Tuy nhiên, đáng chú ý và quan trọng hơn là chế độ “lưu quan” và “hồi tỵ” của Minh Mệnh đã để lại tiền lệ tốt cho đời sau trong việc quản lý hành chính tại địa phương.
Để hạn chế và ngăn ngừa sự chống đối của lực lượng thổ quan, Minh Mệnh đã hướng dẫn cho các thổ quan hợp lực với lưu quan để thuận lợi trong làm việc. Mặc dù vậy, chính sách kết hợp chế độ lưu quan với chế độ thổ quan mới chỉ được thi hành ở địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số phía Bắc, vì lực lượng thổ tù ở đây có thế lực rất mạnh và theo truyền thống lâu đời, họ đều tự cai trị theo luật tục, tách khỏi triều đình trung ương. Cùng với việc bổ nhiệm lưu quan người Kinh, Minh Mệnh còn tiến hành cải cách phân định lại, đổi tên toàn bộ động, sách cũ thành xã để thống nhất đơn vị hành chính trên cả nước. Trên thực tế, đây chính là biện pháp cai trị khôn ngoan, phân tách các mường lớn thành nhiều xã của vua, nhằm chuyển đổi tổ chức xã hội cấp cơ sở truyền thống của các dân tộc thiểu số, hạn chế khả năng cát cứ, ly khai của địa phương, hạn chế thế lực của các lang, đạo, châu, phìa, tạo trước đó.
Tiếp theo chế độ “lưu quan” là chế độ “hồi tỵ”. Đây cũng được xem là một chính sách nhân sự cần thiết để củng cố và hoàn thiện bộ máy hành chính theo mô hình chế độ phong kiến tập quyền trong xã hội Việt Nam thời Minh Mệnh, khi mà nền cai trị của nhà vua phải đối mặt với tình trạng dân cư đông và phức tạp như: Đa dạng sắc tộc, cát cứ, ly khai do sự mở rộng lãnh thổ. Vua Minh Mệnh đã kế thừa và hoàn thiện chính sách này từ Lê Thánh Tông - người đầu tiên trong lịch sử đề ra chế độ “hồi tỵ” thông qua Lê triều Hình luật. Luật hồi tỵ được Minh Mệnh ban hành vào năm 1831 và liên tục được bổ sung vào các năm tiếp theo, bao gồm các nội dung sau đây:
1. Quan lại không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai quản.
2. Quan lại không được lấy người cùng quê làm người giúp việc.
3. Người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở.
4. Các lại dịch nha môn, các bộ ở kinh đô và các tỉnh là con, anh em ruột, anh em con chú, con bác với nhau thì phải tách ra, đổi bổ đi nơi khác.
5. Các quan lại không được làm quan ở nơi trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi.
6. Các lại mục, thông lại cũng không được làm việc ở phủ huyện là quê hương mình.
7. Các lại mục, thông lại, các nha thuộc các phủ huyện là người cùng làng cũng phải chuyển bổ đi nơi khác.
8. Các quan viên từ Tham biện trở lên ở các trấn, tỉnh về kinh đô chầu được dự đình nghị, song trong các cuộc họp có bàn việc liên quan đến địa phương mà mình nhậm trị thì không được vào dự.
9. Các khảo quan (coi thi, chấm thi) có người thân thích dự thi ở trường mình thì phải báo lên cấp trên để tránh đi. Nếu cố tình không khai báo sẽ bị trọng tội vì cố ý làm trái.
10. Các quan thanh tra, xét xử thấy trong vụ án, vụ điều tra có người thân quen của mình (bà con nội, ngoại, bạn thân...) đều phải khai báo và hồi tỵ ngay.
11. Cấm quan đầu tỉnh lấy vợ trong trị hạt vì sợ gia đình vợ nhũng nhiễu; cấm các quan tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt vì sợ quan hiếp dân để được mua rẻ; cấm tư giao với đàn bà con gái trong trị hạt; cấm các quan lại đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh(4)...
Có thể nói, cùng với các chính sách trên, chính sách hồi tỵ của Minh Mệnh đã góp phần chấm dứt sự cai trị lâu đời của các dòng họ người dân tộc và các lãnh chúa địa phương, đặc biệt là các lãnh chúa thuộc khu vực phía Nam hoặc miền biên viễn thượng du phía Bắc. Chính sách này cũng thể hiện một tư duy chính trị sắc bén, am tường của ông trong việc thông hiểu văn hóa các tộc người, truyền thống văn hóa làng xã cũng như nhận thức được các nguy cơ tiềm ẩn làm suy yếu quyền lực tập trung của vương triều trong các quan hệ thân tộc, đồng hương, thầy trò... tác động đến việc thực thi công quyền một cách khách quan, nghiêm cẩn của đội ngũ quan lại đương thời. Chính sách hồi tỵ có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và được duy trì trong các đời triều vua Nguyễn sau đó, vì nó hạn chế tình trạng cấu kết bè đảng, nạn cát cứ, chuyên quyền của các cấp chính quyền địa phương, phát huy tính công tâm, khách quan trong việc thực thi chức trách của quan lại, sự thống nhất về chính trị - xã hội.
 |
3. Quản lý quan lại thông qua cơ chế pháp luật
Như chúng ta đã biết, dưới thời Nguyễn, nhà vua chiếm vị trí tối cao trong hệ thống chính trị, nắm toàn quyền quyết định cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà vua là người ban hành luật pháp; phê duyệt, quyết định mọi việc triều chính; bổ nhiệm, bãi miễn đội ngũ quan lại; việc xử phạt các tử tội hoặc đại thần phạm tội đều phải chờ mệnh lệnh của vua. Đặc biệt, kể từ thời Minh Mệnh trở đi, các vua Nguyễn còn thi hành nhiều biện pháp nhằm đề cao vai trò của nhà vua trong việc quản lý, cai trị đất nước. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các vua Nguyễn cũng như Minh Mệnh đều không chịu bất kỳ sự hạn chế nào của luật pháp. Thực tế lịch sử đã cho thấy, dù đóng vai trò là người ban hành bộ Hoàng Việt luật lệ, song Gia Long vẫn không thể cứu được những đại thần đầu triều như Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường và sau này là chính ông khi phạm tội.
Tư tưởng pháp trị trên đây của Gia Long được Minh Mệnh tiếp tục kế thừa và bổ sung, biểu hiện trước hết ở việc ông san định lại bộ Hoàng Việt luật lệ cho phù hợp với thực tiễn xã hội lúc bấy giờ. Ông cho rằng: “Đặt ra hình phạt là cốt để răn bảo kẻ gian ác. Luật theo ý đời xưa, mà không hợp với đời nay, hợp với pháp luật, mà không hợp với phong tục,... bọn các ngươi nên xem xét kỹ luật cũ, luận bàn cách thêm bớt, sao cho vừa phải, Trẫm hầu xét định thi hành”(5). Trên cơ sở đó, bộ Hoàng Việt luật lệ được bổ sung thêm một số điều luật mới, chẳng hạn như định lệ về việc xét các địa phương xử án hay hoặc dở, về những sai lầm của các thuộc viên và quan lại tham nhũng, hối lộ.
Minh Mệnh cho rằng, không nên có thái độ phân biệt người thân kẻ sơ khi xử lý các sự việc liên quan tới pháp luật. Trong lần truất phế hoàng tử Miên Phú vì cưỡi ngựa vô tình đạp chết ông lão, Minh Mệnh đã bộc lộ rõ tư tưởng này: “Trẫm là chúa tể của thiên hạ nếu vì con em mà không áp dụng pháp luật, thời lấy gì làm gương cho mọi người”(6). Sau này, trong việc thành lập Đô Sát Viện năm 1832, tư tưởng này lại tiếp tục được khẳng định: “Phàm hoàng thân quốc thích, quan viên lớn nhỏ có làm điều bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý kiến không theo công lý đều được tham hặc”(7).
Hay như trong việc xử lý quan phiên là Chiêu Chùy Tôn La Ca Đồng Phù ngang nghịch vô đạo, trong Dụ gửi vua phiên, Minh Mệnh cũng thể hiện sự đề cao tính quy phạm, phổ biến của pháp luật: “Pháp luật là chung của thiên hạ. Bọn Tham Đích Tây phản quốc theo giặc, Đồng Phù khi quân ngược dân, theo pháp luật đều phải giết. Vương nên cương quyết, xử theo nghĩa lớn, không nên nhu nhơ”(8). Không chỉ vậy, ông còn xem việc thi hành luật pháp là cơ sở để thể hiện tư tưởng thân dân, tỏ rõ “cái ý trừ bạo, an dân của triều đình”. Nội dung lời Dụ ban hành năm 1821 (năm Minh Mệnh thứ hai) cho thấy rõ điều này: “Gia Định là nơi đất rộng dân nhiều (...). Không may có Hoàng Công Lý, lấy tư cách đê hèn, chứa chất thói tham bạo, vặn trái pháp luật, ăn lót kể đến muôn vàn, bắt người làm việc [riêng] mỗi lần đến hàng mấy nghìn, mọt nước hại dân đến thế là cùng. Nghĩ các ngươi vô tội mà gặp nỗi độc hại này, dù của cải đền được nhưng nỗi khổ lâu ngày khó mà hồi được. Nay tội nhân như thế, pháp luật phải được thi hành, để cho nhân dân uất ức một phương đều rõ cái ý trừ bạo an dân của triều đình”(9).
Như vậy, có thể thấy, dù thâu tóm mọi quyền hành vào tay nhà vua, song ở mức độ nhất định, Minh Mệnh vẫn thể hiện tư tưởng an dân, thân dân trong việc điều chỉnh các rối loạn xã hội bằng kỷ cương pháp luật trên cơ sở “Chính đạo”. Trong lời Dụ với bầy tôi năm 1820, Minh Mệnh đã nhấn mạnh đến việc cần thiết phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung điều lệ cho phù hợp với dân: “Hình để đe răn kẻ gian, luật thì theo ý đời xưa mà lệ thì lựa cho hợp sự nghi đời nay, theo đổi biến thông chứ không thể gắn chặt mãi được (...). Trẫm vâng nhận cơ nghiệp lớn, trau dồi điển chương cũ, càng nghĩ rằng sách luật là đồ để giúp việc trị, điều mục hoặc giả còn thiếu, hữu ty sai về nhẹ nặng, thì dân biết đặt chân tay vào đâu”(10). Chính việc tự điều chỉnh theo hướng ngày càng hoàn thiện trong việc san định chính sách luật pháp này đã làm cho thể chế triều Nguyễn dưới thời Minh Mệnh có cơ sở xã hội để tồn tại khá lâu trong chế độ phong kiến nước ta.
Tất nhiên, xét về bản chất, hệ thống chính sách pháp luật dưới thời Minh Mệnh trị vì vẫn chỉ là sự thể chế hóa quyền lực của nhà vua, thể hiện ý chí của tập đoàn phong kiến, giai cấp thống trị. Song, trong chừng mực nhất định, với các nội dung trên đây, nền chính trị pháp luật do Minh Mệnh xây dựng đã góp phần ổn định trật tự, kỷ cương xã hội, bảo đảm an ninh cho người dân. Không chỉ vậy, hệ thống pháp luật đó còn được vận hành trên cơ sở tồn tại một Hội đồng Đình thần (bao gồm các quan chức cao cấp đang thi hành công vụ và nhậm chức ở các Bộ, Nha tại kinh đô) và cơ quan tư pháp, giám sát là Tam pháp ty.
Được thành lập từ năm 1803 dưới thời Gia Long, Hội đồng Đình thần đóng vai trò là cơ quan tư vấn tối cao của triều đình về một số vấn đề như sau:
- Giải quyết những vụ việc thuộc liên ngành, bộ, nha mà các cơ quan chuyên trách của trung ương không tự mình giải quyết được.
- Những bản án xin triều đình phúc thẩm hoặc có kháng cáo.
- Giải quyết đơn khiếu nại về cường hào bức hiếp.
- Các đơn tố cáo tội quan lại tham nhũng(11).
Không chỉ vậy, Hội đồng Đình thần còn đóng vai trò như một pháp viện tối cao để xét xử các đại thần mắc trọng tội, như vụ án Lê Chất, nguyên Tổng trấn Bắc Thành bị xử năm 1836 và xem xét các án tử tù trước khi trình lên Hoàng đế... Chẳng hạn, sự việc bộ Hình xét tội trạng các tù phạm có sai sót đều được giao xuống Đình thần bàn xử, xem xét trước khi tâu lên nhà vua nhằm đảm bảo tính công minh của luật pháp.
Như vậy, Minh Mệnh kế thừa tiền bối theo đường lối đức trị kết hợp pháp trị, tổ chức theo mô hình quân chủ phong kiến tập quyền để thâu tóm mọi quyền hành vào tay nhà vua. Trên thực tế, tư tưởng chính trị của ông đã đáp ứng được phần nào các yêu cầu thực tế của đất nước lúc bấy giờ. Mặc dù là vua, nhưng Minh Mệnh vẫn đặt mình và hoàng gia vào quy phạm đạo đức, pháp luật và đường lối cai trị đó thể hiện tư tưởng thân dân, an dân, điều chỉnh kỷ cương pháp luật trên cơ sở chính đạo. Vì thế, những bổ sung, điều chỉnh, điều tiết trong việc san định Hoàng Việt luật lệ và hoàn thiện thể chế luật pháp tổ chức bộ máy quan lại này đã giúp cho triều Nguyễn dưới thời Minh Mệnh có cơ sở xã hội để ổn định đất nước sau thời gian dài rối ren, sắp xếp hành chính, kỷ cương đất nước, giữ ngôi vua tồn tại khá lâu trong chế độ phong kiến nước ta. Không chỉ vậy, quan niệm về phương thức xây dựng bộ máy nhà nước của Minh Mệnh còn cung cấp những bài học kinh nghiệm quý báu mà chúng ta cần nghiên cứu. (11)
(*) Tiến sĩ, Phòng Lịch sử Triết học Việt Nam, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục, t.2. Nxb Giáo dục, 2007, tr.170-171.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd., t.2, tr.170.
(3) Choi Byung Wook. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.202-203.
(4) Dẫn theo: Nguyễn Xuân Tùng. Luật hồi tỵ và một vài suy ngẫm về công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Nguồn: http://www.sotuphap. hochiminhcity.gov.vn/tintuc/lists/posts/post.aspx?Source=&Category=&ItemID=1921&Mode=1
(5) Minh Mệnh chính yếu, t.2. Nxb Thuận Hóa, Huế, 1994, tr.322.
(6) Minh Mệnh chính yếu. Sđd., tr.370.
(7) Nội các triều Nguyễn. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Bản dịch tập 14). Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tr.130.
(8) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd., t.2, tr.106.
(9) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd., t.2, tr.134.
(10) Quốc sử quán triều Nguyễn. Sđd., t.2, tr.66.
(11) Đỗ Bang (chủ biên). Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn (1802 – 1884). Nxb Thuận Hóa, 1997, tr.43.