1. Nho giáo và Nho học Việt Nam thế kỷ XVI
Thế kỷ XVI ở Việt Nam là một thế kỷ đầy biến động. Sự phân chia quyền lực và chiến tranh liên miên giữa các tập đoàn Lê – Trịnh – Mạc thể hiện sự khủng hoảng không phải của một triều đại mà của cả chế độ phong kiến đương thời. Mâu thuẫn gay gắt giữa những chuẩn mực, nguyên lý đạo đức Nho giáo và hiện thực lịch sử các vương triều đã khẳng định điều đó. Các trí thức Nho học yêu nước thời kỳ này, nhìn chung chưa thoát khỏi ý thức hệ phong kiến. Song, họ rất muốn tìm lối thoát cho dân tộc, mà trước hết là chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước bởi các tập đoàn phong kiến và sự cát cứ địa phương.
Trong bối cảnh đó, các trước tác của Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tái hiện bức tranh chân thực về tình trạng giai cấp cầm quyền bị tha hóa đạo đức, không đảm trách được nhiệm vụ của một vị vua hiền sáng, cũng như các vị quan với tư cách là phụ mẫu của nhân dân như nguyên lý đạo đức Nho giáo vẫn thường bàn đến. Nhận định về thời cuộc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đau buồn khi “đời nay nhân nghĩa tựa vàng mười”(1), người đời chỉ biết chạy theo danh lợi và thói đời coi trọng của cải hơn cả con người; trật tự xã hội “ngày một suy sụp lỏng lẻo”, “Lễ nghĩa, than ôi ngang trái/ Mũ lọng theo đó đảo ngược/ Thờ vua, tôi chẳng ra tôi/ Thờ cha, con chẳng ra con”(2)...
Về bối cảnh tư tưởng, thời kỳ này nhà Mạc đẩy mạnh phát triển nền giáo dục Nho học, thực hiện chính sách cởi mở tôn giáo. Những hành động đó đã tạo ra không gian tự do tư tưởng, môi trường và điều kiện giao lưu giữa ba tôn giáo tại Việt Nam lúc đó.
Dưới thời Mạc, tư tưởng Nho giáo được phổ cập về cả chiều rộng lẫn chiều sâu, từ trung ương xuống địa phương. Một mặt, xu thế người học Nho nhằm mục đích tiến thân trên con đường quan lộ ngày càng gia tăng; mặt khác, một số lượng không nhỏ nho sĩ đi thi không đỗ đã trở về quê hương; một bộ phận khác là những nhà nho bất đắc chí về quê ở ẩn. Hầu hết những người đó là những người học Nho và họ truyền thụ Nho học cho quần chúng nhân dân tại các làng xã, góp phần hình thành nên một tầng lớp trí thức ở địa phương. Cùng với nó là việc hình thành các nghi lễ, tập tục sinh hoạt theo điển lệ Nho gia(3).
Tình trạng trên cho thấy, Nho giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng của chỉnh thể văn hóa làng xã Việt Nam thời kỳ này. Có được điều đó là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các nho sĩ. Họ vừa là chủ thể truyền bá tư tưởng Nho giáo trong nhân dân, tạo nên sự bình dân hóa Nho học, đồng thời họ cũng chính là đối tượng tiếp nhận các tư tưởng Phật giáo, Đạo giáo và các tín ngưỡng dân gian trong không gian văn hóa làng. Chính việc các nhà nho thâu nhận, giao lưu các tư tưởng của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã hình thành nên xu hướng tam giáo hội dung ở giai đoạn này.
 |
Bên cạnh việc phát triển Nho học để củng cố chính quyền thông qua khoa cử, nhà Mạc còn thực hiện chủ trương nới lỏng hoạt động của Phật giáo. Qua các tư liệu văn bia có thể thấy nhà Mạc “không những không khắt khe, mà còn bằng những con đường chính thức và phi chính thức” “thúc đẩy và tạo điều kiện cho Phật giáo hết sức hưng thịnh”(4). Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Thuân nhận định: “Trong thời kỳ nhà Mạc (1527 - 1592), triều đình theo thể chế nhà Lê. Nho giáo thời kỳ này vẫn được dùng làm hệ tư tưởng để duy trì trật tự xã hội, nhưng không còn vai trò là quốc giáo như thời Lê nữa, trong khi đó Phật giáo, Đạo giáo lại được trung hưng. Triều đình nhà Mạc không những không hạn chế đạo Phật, đạo Lão, mà ngược lại còn tích cực tham gia vào các hoạt động tôn giáo này. Trong thực hành tín ngưỡng, các tôn giáo trên đều có xu hướng hòa đồng để hướng tới một cái chung, cái phúc thiện”(5). Dấu ấn của sự giao lưu tư tưởng ấy thể hiện trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm khi ông viết bài văn bia về việc tạc tượng Tam giáo ở chùa Cao Dương (Thái Bình) năm 1578: “Đại loại, đạo Phật gốc ở chỗ làm sáng sắc và tâm, phân biệt rõ nhân và quả. Đạo Lão chú trọng vào khí để tới chỗ mềm dẻo, nắm cái lý duy nhất giữ bản chất chân thực của mình. Đạo lý đức Thánh Khổng, gốc ở đạo đức, nhân nghĩa, văn hạnh, trung tín. Tất cả đều tuân theo tính tự nhiên của con người mà tu dưỡng đạo đức, cùng với vị Diệu Thiện do lòng thiện mà được nổi tiếng”(6). Như vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tìm thấy giá trị chung của cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo chính là “lòng thiện”, nền tảng nhân bản “tuân theo tính tự nhiên của con người” để trau dồi và rèn luyện đạo đức. Chính những suy tư này là nguồn gốc để hình thành nên quan niệm của ông về Tâm.
Với một nhà nho ưu thời mẫn thế, trong bối cảnh cởi mở tư tưởng và xu thế hòa đồng tam giáo, việc lý giải các vấn đề của thời cuộc, trả lời các câu hỏi mà suy đến cùng đều bắt nguồn từ con người thì sự khủng hoảng Nho giáo thế kỷ XVI có thể coi như một tiền đề tất yếu hình thành nên quan niệm “Tâm” của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Từ thế kỷ XV, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng chính thống, có ảnh hưởng đáng kể đến giáo dục, chính trị và đời sống văn hóa của Việt Nam lúc đó. Hệ thống luân lý đạo đức Nho giáo không còn là những giáo điều tác động đến ý thức con người từ bên ngoài, mà đã trở thành sự tín niệm trong bản thân mỗi cá nhân. Đối với nhà nho, học Nho không chỉ để thăng quan tiến chức, mà còn góp phần hình thành lẽ sống, đạo làm người theo lý luận Nho gia. Thể nghiệm ấy giúp họ thực hiện những nhiệm vụ “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Xuất phát từ sự thôi thúc của ý chí, sự ưu tư của Nguyễn Bỉnh Khiêm với đạo Nho cũng được thể hiện trong nhiều trường hợp. Ông đau xót trước cảnh kẻ quyền quý không biết sự trong sáng của đạo, thờ ơ với đạo: “Trăng vằng vặc soi lòng đạo/ Gió hiu hiu vỗ cửa Nho”(7) . Ông thắc mắc tại sao thời thế rối ren mà người ta không tìm đến đạo Nho: “ải Tần, non Thục đường nghèo hiểm/ Cửa Khổng, lòng Nhan đạo khó khăn”(8). Theo Nguyễn Bỉnh Khiêm, đạo Nho rất cần thiết đối với xã hội đương thời. Để trị được nước không gì tốt hơn đạo Nho. Ông cho rằng sở dĩ xã hội loạn lạc, con người lạnh nhạt với đạo là do kẻ cầm quyền không thực hiện trách nhiệm đúng với tinh thần của đạo Nho. Xuất phát từ suy nghĩ đó, ông đã tìm hiểu, nắm bắt đạo Nho và hành đạo giúp đời. Ông tham chính vào nhà Mạc, dốc lòng vì dân vì nước, đặt niềm tin ở các vị vua nhà Mạc. Song, thực tế xã hội đã làm ông thất vọng trước cảnh “nhà dột từ nóc” với những kẻ tham quan lộng hành. Ông dâng sớ chém mười tám kẻ gian thần nhưng không được chấp nhận. Sau tám năm làm quan, ông về quê ở ẩn và trăn trở về sự hành đạo của nhà nho. Như vậy, có thể thấy, Nguyễn Bỉnh Khiêm có niềm tin vào đạo Nho nhưng khi thực hành nó thì ông lại không thành công.(7)
Qua thái độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể thấy, đến thế kỷ XVI, mặc dù Nho giáo vẫn là hệ tư tưởng chính thống của giai cấp phong kiến Việt Nam nhưng nó đã rơi vào khủng hoảng. Sự khủng hoảng Nho giáo ở đây thể hiện ở một số điểm sau: (1) Nho sĩ không là nho sĩ đúng nghĩa, (2) Nho giáo không được áp dụng một cách đúng đắn nên không giúp ích gì cho xã hội, (3) Nho giáo chân chính là gì và và trách nhiệm của nhà nho ra sao vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng... ở đây, có thể thấy, cần phải truy nguyên cái gốc của khủng hoảng trên. Theo chúng tôi, nguyên nhân nằm ở chính con người trong việc thu nhận Nho giáo nhằm rèn luyện bản thân và ứng dụng nó trong việc “tu, tề, trị, bình”. Bản thân Nho giáo, nếu được hiểu một cách đúng đắn và được vận dụng theo tinh thần chính đạo thì rõ ràng là nó có thể góp phần giải quyết được các vấn đề của hiện thực xã hội đặt ra. Nhận thức được điều này, các trí thức Nho học như Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trăn trở, nhìn nhận trở lại đạo Nho, tìm về Nho giáo ở mặt nghĩa lý. Cùng với việc tiếp nhận những tư tưởng về bản thể luận và nhận thức luận của Phật giáo, Đạo giáo, ông đã luận giải sự khủng hoảng xã hội và khủng hoảng của hệ tư tưởng Nho giáo. ở đây, trong một chừng mực nhất định, Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ ra cái chi phối tư duy và hành động của con người chính là từ “Tâm”.
2. Sự tác động của các học thuyết Tân Nho giáo Trung Quốc với tư cách tiền đề hình thành quan niệm “Tâm” của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Triết học Tống Nho là sự “phục hưng” của Nho học cổ đại, tổng kết quá trình phát triển triết học Trung Quốc từ Huyền học thời Ngụy - Tấn và Phật giáo thời Tùy - Đường để lý giải về vũ trụ, con người. Nếu như Nho học truyền thống mới chỉ nêu lên mô thức sơ bộ về vũ trụ, chủ yếu bàn về nhân sinh quan, luân lý học thì đến Tống Nho trên cơ sở hấp thụ tư tưởng Phật học và Đạo gia, đã xây dựng nên học thuyết Tính lý nhằm luận giải về vũ trụ và con người từ góc độ bản thể luận. Đặc điểm của Tính lý học là từ thuyết vũ trụ luận về sự tồn tại của con người, nâng con người lên tầm bản thể vũ trụ, từ đó xác lập bản chất, địa vị và giá trị của con người. Triết học Tống Nho sử dụng phạm trù Lý để kết nối giữa vũ trụ và con người. Giới tự nhiên (Trời/Thiên lý) đã phú cho con người năng lực tiềm tàng gọi là Tính. Tính cũng chính là Lý và thông qua quá trình “tự mình thực hiện” Tính có thể đạt được sự thống nhất với tính vô hạn của giới tự nhiên trong vũ trụ. Lúc đó, con người nhận thức được thế giới một cách đúng đắn nhất. Sự luận giải này thể hiện trong tư tưởng của các nhà triết học Tống Nho tiêu biểu như Nhị Trình, Chu Hy, Lục Cửu Uyên, Vương Dương Minh...
Đỉnh cao sự phát triển của Tính lý học trong quan niệm về “Tâm” là thuyết Tâm học của Lục Cửu Uyên và Vương Dương Minh. Lục Cửu Uyên cho rằng chỉ có một thế giới tồn tại, và thế giới đó đồng nhất với Tâm thành một thể: “Vũ trụ là Tâm ta, Tâm ta là vũ trụ”(9). Đến Vương Dương Minh, ông khẳng định Tâm là Lý, không có Tâm thì cũng không có Lý: “Thể của Tâm là Tính. Tính tức là Lý... Tâm tuy làm chủ một tấm thân, nhưng kỳ thực nó cai quản các Lý trong trời đất”(10). Như thế, với thuyết Tâm học của Lục – Vương, Nho học Trung Quốc đã phát triển đến mức khách thể và chủ thể đồng nhất, thể hiện qua sự đồng nhất của Lý – Tính – Tâm. Tâm học đã kéo thế giới hiện thực bên ngoài vào nhận thức con người khiến cho thế giới hiện thực không còn là một đối tượng xa lạ, đối lập nằm ngoài con người. Còn con người là một vũ trụ thu nhỏ, các nguyên lý vận hành trong vũ trụ cũng chính là nguyên lý vận hành ứng với con người và xã hội. Qua việc khái quát những cội nguồn và nội dung căn bản của Lý học Tống Nho, đối chiếu với quan niệm Tâm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể thấy ông đã vận dụng nguyên lý, phương pháp tư duy của hệ thống tư tưởng này trong việc lý giải các vấn đề xã hội đương thời.
Theo tiến trình lịch sử tư tưởng, Tống Nho được du nhập và truyền bá vào nước ta do sự tiếp xúc khá mật thiết dưới thời Lý – Trần với phương Nam Trung Quốc. Do sự đô hộ của nhà Minh nên ảnh hưởng của Tống Nho ngày càng nhanh chóng và rộng rãi hơn. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Kỷ Hợi (1419). Mùa xuân. Tháng hai. Nhà Minh sai giám sinh Đường Nghĩa sang ban các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lý đại toàn, Vi thiện âm chất, Miếu thuận sự học cho Nho học các phủ châu huyện”(11). Đến năm 1435, nhân có phái đoàn sang chúc mừng vua Minh lên ngôi, vua nhà Minh lại “ban sách Tứ thư đại toàn mới in xong”(12). Cũng cần nhắc đến chiếu định khoa thi của Lê Thái Tôn năm 1434 và quy định môn thi “kỳ thứ nhất một bài kinh nghĩa, Tứ thư mỗi sách một bài”(13). Tách hai thiên Trung dung, Đại học trong “Lễ ký” thành sách, phân chương mục, chú thích và đưa hai quyển điển như “Ngũ kinh” là việc làm của Trình Di và Chu Hy. Đến thời Nguyên Nhân Tôn (1312 - 1320) thì “Tứ thư” thành kinh điển dùng cho việc thi cử(14). ở nước ta năm 1396 cũng bắt đầu “theo phép thi của nhà Nguyên”(15). Trước đó, đời Trần, Chu Văn An (? - 1370) đã soạn “Tứ thư thuyết ước” (hiện nay tác phẩm này không còn). Với những cứ liệu lịch sử trên, có thể xác định, Tống Nho có mặt ở nước ta từ thời Trần.
Căn cứ vào các tài liệu về Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện nay, chưa có nghiên cứu nào chứng tỏ ông từng đọc sách Tống Nho hay sử dụng nguồn tài liệu của Tống Nho để giảng dạy cho các học trò của mình. Mặt khác, nhìn vào năm sinh - mất của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), có thể nhận định rằng, ông không chịu ảnh hưởng của Vương Dương Minh (1472 - 1529) – người hoàn thiện học thuyết Tâm học của Tống Nho Trung Quốc. Song, các nhà nghiên cứu triết học Việt Nam đều khẳng định Nguyễn Bỉnh Khiêm có chịu ảnh hưởng của Tống Nho. Cụ thể với Tâm học, Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng của Tâm học giai đoạn trước Vương Dương Minh.
Theo tác giả Nguyễn Tài Thư, Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng của sáu triết gia tiêu biểu của Lý học Trung Quốc là Thiệu Ung, Châu Đôn Di, Trương Tải, Trình Hạo, Trình Di, Chu Hy. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc hơn cả đối với ông là Thiệu Ung và Nhị Trình. “Sự hình thành Lý học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là khi ông suy xét và vận dụng các nguyên lý Tống Nho để nhận thức và giải quyết các sự kiện chính trị, tư tưởng và đạo đức đương thời”(16); và “Chuyên tâm vào Lý học, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nâng trình độ Nho học của mình lên mức tư duy kiểu Tống - Minh”(17); hai khái niệm cơ bản trong thơ văn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là “Đạo” và “Lý”. Sở dĩ như vậy, một phần do Nguyễn Bỉnh Khiêm kế thừa các khái niệm trên của các nhà Lý học thời Tống, phần khác do ông thấy đó là công cụ hữu hiệu để nhận thức và khám phá các hiện tượng phức tạp và khó lường được đúc kết từ nhận thức của ông về xã hội và con người đương thời.
 |
Tác giả Trần Nguyên Việt cũng khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp thu quan niệm của Tống Nho về Lý - Đạo - Tâm, song ông không sa đà vào việc phân tích, lý giải triết học, mà về cơ bản, ông đứng trên lập trường của minh triết phương Đông để giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Trong tư tưởng của ông khó tách bạch giữa Lý, Đạo và Tâm, bởi truyền thống của Lý học Trung Hoa phần lớn là trùng hợp với Đạo học, còn Tâm vừa là chủ thể của nhận thức, vừa là đối tượng, mục đích của nhận thức. Cả ba học thuyết trên đều hướng đến việc nhận thức chân lý. Trên thực tế, nhà Lý học Việt Nam chỉ vận dụng các phạm trù của Lý học thời Tống vào việc suy xét và lý giải thế sự(18).
Từ những lý do trên, có thể khẳng định, triết học Tống Nho là một tiền đề quan trọng cho sự hình thành quan niệm về Tâm của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tuy nhiên, cũng cần phải chú ý rằng bản thân ông là một trí thức Nho học được rèn luyện trong gia đình có truyền thống Nho giáo, ông sinh ra và trưởng thành trong cái nôi của Nho học dân tộc.
Nho giáo được truyền bá vào nước ta từ thời Bắc thuộc và dần khẳng định vị thế của mình qua các triều đại. Thời Trần, do yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giáo dục Nho học được đẩy mạnh, giới nho sĩ ngày càng đông đảo hơn trước. Sang thế kỷ XV, khi Lê Thánh Tông xây dựng đất nước cơ bản trên nền tảng Nho giáo thì Nho giáo đã chính thức trở thành ý thức hệ chính thống của quốc gia Đại Việt.
Từ nền tảng đó, đến thế kỷ XVI, Nho giáo phát triển theo hướng sâu hơn. Nó trở thành lý luận để giải thích các vấn đề về nhân sinh quan, thế giới quan tại Việt Nam thời kỳ này. Nho giáo đương thời không còn là lý luận của giai cấp thống trị hay tầng lớp trí thức, mà nó đã thẩm thấu sâu rộng hơn vào đời sống của người Việt. Trong hơn 60 năm thống trị, nhà Mạc đã tổ chức 21 khoa thi Hội, lấy 468 tiến sĩ, trong đó có 11 trạng nguyên. Con số đó có thể so sánh với thời kỳ toàn thịnh của giáo dục và khoa cử thời Lê Thánh Tông. Phan Huy Chú nhận xét: “Nhà Mạc sau hai khoa ở các đời Minh Đức, Đại Chính vẫn theo lệ ba năm một khoa, dẫu bận chiến tranh mà không bỏ thi cử, vì thế được nhiều người tài giỏi, giúp việc giữ nước chống lại nhà Lê, kéo dài đến hơn 60 năm, ấy cũng là cái công hiệu của khoa thi cử đó”(19). Như vậy, logic phát triển của Nho giáo Việt Nam cùng với sự ảnh hưởng của các học thuyết Tân Nho giáo chính là tiền đề để Nguyễn Bỉnh Khiêm hình thành quan niệm “Tâm” nhằm tiếp tục đi sâu, lý giải những vấn đề thời đại, trong đó trọng tâm là vấn đề con người.
Tóm lại, bối cảnh xã hội và tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVI có tác động không nhỏ tới tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bản thân ông là một nhà nho luôn trăn trở với sự hưng vong của đất nước, đồng thời là nhà giáo dục có công “đào tạo thế hệ hậu học”, trong đó, có Phùng Khắc Khoan, người học trò xuất sắc nhất đã tiếp nối lý tưởng Nho học của ông. Trong bối cảnh xã hội rối ren đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không chỉ định hướng học thuật và hoạt động chính trị từ “Tâm” trong sáng của mình, mà còn tạo cho học trò của ông cách thức ứng xử phù hợp với thời thế. Ông xứng danh là một người hành đạo và là nhà tư tưởng vừa có “Tâm” vừa có “tầm vóc” của thời đại.
Thạc sĩ, Phòng Lịch sử triết học Việt Nam, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
(1) Đinh Gia Khánh (Chủ biên). Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.115.
(2) Đinh Gia Khánh (Chủ biên). Sđd., tr.317-318.
(3) Xem: Đinh Khắc Thuân. Góp phần nghiên cứu lịch sử triều Mạc ở Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.245-246.
(4) Huỳnh Công Bá. Phật giáo thời Mạc qua tư liệu văn bia, http://www.mactoc.com/newsdetail/2710/ phat-giao-thoi-mac-qua-tu-lieu-van-bia.aspx
(5) Đinh Khắc Thuân. Sđd., tr.210.
(6) Đinh Khắc Thuân. Sđd., tr.210-211.
(7) Đinh Gia Khánh (Chủ biên). Sđd., tr.142.
(8) Đinh Gia Khánh (Chủ biên). Sđd., tr.69.
(9) Trích theo: Phùng Hữu Lan. Lịch sử triết học Trung Quốc, t.2. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2012, tr.649.
(10) Trích theo: Phùng Hữu Lan. Sđd., tr.668.
(11) Đại Việt sử ký toàn thư, t.3. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.7.
(12) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., tr.111.
(13) Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., tr.7.
(14) Xem: Trần Đình Hượu. Về đặc điểm tư tưởng Việt Nam, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/ index.php?option=com_content&view=article&id=658
(15) Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, t.3. Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.9.
(16) Xem: Nguyễn Tài Thư. Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhà lý học. http://hannom.vass.gov.vn/noidung/ Tinhoatdong/Lists/Hoithaokhoahoc/View_Detail.aspx?ItemID=39
(17) Xem: Nguyễn Tài Thư. Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhà lý học. http://hannom.vass.gov.vn/noidung/ Tinhoatdong/Lists/Hoithaokhoahoc/View_Detail.aspx?ItemID=39
(18) Xem: Trần Nguyên Việt. Tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm về Lý – Đạo – Tâm. Tạp chí Triết học số 9, tháng 9 - 2010, tr.24.
(19) Phan Huy Chú (1961). Sđd., t.3, tr.16.