Tư tưởng của Nguyễn An Ninh về khoa học

08/06/2022

Đầu thế kỷ XX, trên diễn đàn tư tưởng Việt Nam, Nguyễn An Ninh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên bàn về những vấn đề khoa học, như sự khác nhau giữa khoa học phương Đông và phương Tây, vấn đề người máy, giải thích hiện tượng sao chổi, vấn đề khoa học hải dương, khoa học về con người, v.v.. Đồng hành với các phong trào “đổi học thuật” của Phan Bội Châu, “chấn dân khí” của Phan Châu Trinh, tư tưởng khoa học của Nguyễn An Ninh đã góp phần chuyển biến tư duy của dân tộc từ niềm tin vào lực lượng thần thánh sang hiểu biết tri thức khoa học. Nghiên cứu tư tưởng khoa học của Nguyễn An Ninh có thể rút ra bài học coi trọng sự tuyên truyền, phổ biến tư tưởng khoa học tiến bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), xuất thân trong gia đình nhà nho yêu nước. Thuở thiếu thời, ông rất thông minh, thông thạo Hán học, giỏi tiếng Pháp, mười lăm tuổi ông đã tập viết báo bằng tiếng Pháp. Năm mười sáu tuổi, Nguyễn An Ninh vào học Cao đẳng Y - Dược Hà Nội. Sáu tháng sau, ông chuyển sang học Cao đẳng Luật và cai trị. Trong thời gian học tại Hà Nội, vào dịp nghỉ hè năm thứ hai (1917) ông sang Pháp để dự thi vào Trường Đại học Sorbonne - Pari và đã đỗ hạng ưu. Năm 1918 ông sang Pháp học, trong vòng một năm ông đã nhận được bằng Cử nhân luật thay vì học ba năm. Cảm phục tài năng của Nguyễn An Ninh nhiều trí thức ở Pháp như giáo sư Marcel Cachin, nhà báo Vaillant Couturier  rất quý trọng ông. Ông cũng là một thành viên trong nhóm Ngũ Long: Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn ái Quốc, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh.

Nguyễn An Ninh là một trong những nhà tư tưởng tiêu biểu ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX, với nhiều lĩnh vực như triết học, chính trị, tôn giáo, văn hóa, khoa học. Vào thời kỳ đó, ở Việt Nam triết học, tôn giáo, khoa học rất ít được quan tâm. Dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến, hệ tư tưởng Nho giáo ăn sâu bám rễ tại Việt Nam rất xa lạ với khoa học. Các nhà tư tưởng xuất thân từ nền giáo dục Nho học tiến bộ cũng rất khó tiếp cận tư tưởng khoa học, đặc biệt là khoa học phương Tây. Khác với họ, Nguyễn An Ninh là một trong những người đầu tiên tiếp cận tư tưởng hiện đại và trình bày những vấn đề mới trong đời sống tinh thần, đó là tư tưởng khoa học.(*)

Sở dĩ Nguyễn An Ninh quan tâm đến khoa học là vì: Thứ nhất, ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Bộ, nơi nền văn minh phương Tây xâm nhập vào khá sớm. Nguyễn An Ninh thường đạp xe quanh Sài Gòn để ngắm cảnh đẹp, khám phá các công trình kiến trúc, các di tích văn hóa, lịch sử. Thứ hai, Nguyễn An Ninh với bản tính thông minh, hiếu động, thích khám phá đã có những câu hỏi muốn tìm đến tận cùng của nhận thức ngay từ khi còn nhỏ. Lúc thiếu thời Nguyễn An Ninh rất thích đọc các loại sách, đặc biệt là các sách về khoa học kỹ thuật phương Tây. Có lẽ vì thế nên trong tâm hồn, trí tuệ của Nguyễn An Ninh đã hình thành những mầm mống về tư tưởng khoa học từ rất sớm. Thứ ba, khi trưởng thành, sang Pháp - cái nôi văn hóa, khoa học của phương Tây và nhân loại, ông sớm nhận thấy vai trò quan trọng của văn hóa, của khoa học đối với sự phát triển xã hội, từ đó ông càng say mê khám phá, tìm hiểu văn hóa và khoa học. Thứ tư, từ thực trạng nền văn hóa, khoa học của dân tộc trong chế độ thực dân, phong kiến hết sức lạc hậu, yếu kém, Nguyễn An Ninh đã nhận thức được rằng, muốn thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thì không thể không truyền bá tư tưởng khoa học. Chính vì thế, khi về nước, bên cạnh việc truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác, ông đã tích cực truyền bá tư tưởng khoa học.

Trong tư tưởng về khoa học của mình, Nguyễn An Ninh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của các lĩnh vực hóa học, vật lý, khoa học hải dương, khoa học con người, v.v.. Ông quan niệm khoa học là sự tìm kiếm, phát hiện ra bản chất, những quy luật vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Song, ông cũng cho rằng những thành tựu của khoa học được áp dụng vào cuộc sống có thể tạo nên kết quả xấu hay tốt, thiện hay ác là tùy thuộc vào con người. Theo Nguyễn An Ninh, “tìm cho ra cái quy luật tất yếu, tìm hiểu để biết tận tường, ấy là khoa học”( ). Khoa học phải dựa vào lý trí để tìm hiểu bản chất sự vật, hiện tượng, quy luật của trời đất. Người ta không thể dùng tình cảm, nhận thức cảm tính để phát hiện ra quy luật, bản chất của sự vật, hiện tượng. Ông cho rằng “khoa học hóa ra như một người vô tình, vì khoa học đi tìm cái cội nguồn của các nhiệm màu trong trời đất, để biết được các quy luật của trời đất”( ). Mặc dù những quan niệm về khoa học của Nguyễn An Ninh mới chỉ là những phác thảo chưa đầy đủ, nhưng trong bối cảnh những năm đầu thế kỷ XX của một đất nước thuộc địa nửa phong kiến lạc hậu, bắt đầu tiếp xúc với nền khoa học châu Âu, thì những quan niệm đó đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khoa học cho xã hội đương thời. Từ góc độ đó, có thể nói, Nguyễn An Ninh là một trong những người có đóng góp nhất định vào bước chuyển của tư duy dân tộc từ niềm tin vào lực lượng thần thánh, siêu nhiên sang hiểu biết tri thức khoa học.

Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng, trong tiến trình lịch sử nhân loại, sự phát triển của khoa học tại phương Đông sớm hơn phương Tây, đặc biệt là các lý thuyết khoa học. Tuy nhiên, trong ứng dụng khoa học vào đời sống xã hội, thì phương Tây lại sớm hơn phương Đông. Chính vì thế phương Tây phát triển nhanh hơn phương Đông và thông thường trong quan niệm của đa số người, khi nói đến khoa học người ta thường nói đến phương Tây, chứ không phải là phương Đông. Tìm hiểu sự phát triển khoa học của phương Đông và phương Tây, Nguyễn An Ninh cho rằng vào thời cổ đại, khoa học ở phương Đông đã đạt được những thành tựu nhất định. Ông viết: “á Đông tìm ra địa bàn, nhà in, thuốc pháo. á Đông ta cũng có thuyền đi sông đi biển, có xe cộ, cũng biết đào kênh mấy ngàn dặm, xây cất lâu đài bên thành lũy to tát. Y khoa á Đông cũng có người giỏi, tính toán cũng có người hay, thiên văn địa lý cũng có người tài. Nhưng khoa học bên á Đông thường chỉ vừa dùng cho xã hội”(3). Theo ông, sở dĩ người ta chỉ nói đến khoa học phương Tây là do khoa học phương Đông thường gắn với triết lý nhân sinh, giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống, nó không tách thành những ngành riêng biệt, độc lập như ở phương Tây. Ông viết: “Chẳng phải á Đông ta từ xưa đến nay không biết chút gì là khoa học. Nhưng khoa học bên á Đông từ xưa đã có trong xã hội, trôi theo một dòng với vận mệnh xã hội. Nên khoa học bên á Đông không tách ra thành một ngành riêng biệt trong xã hội như bên Âu Tây”(4). Ngược lại, ở phương Tây sở dĩ khoa học phát triển nhanh là do khoa học đã tách thành ngành độc lập và sản phẩm của nó được áp dụng trực tiếp vào các lĩnh vực của đời sống xã hội: “Khoa học bên Âu Tây ngày nay đã trở thành một ngành độc lập trong xã hội, chuyên chăm lo khảo sát cho biết các quy luật của trời đất, cho biết bản chất của cây, của đá, biết vì sao vật nặng thì rớt, biết nước chảy xuống dưới nhưng người ta cũng có thể làm cho nước chảy ngược lên được”(5). Sự phát triển của khoa học cũng thúc đẩy phương Tây phát triển rất nhanh. Những phác thảo so sánh về sự phát triển của khoa học giữa phương Đông và phương Tây của Nguyễn An Ninh đã vẽ nên một bức tranh sơ lược, toàn cảnh về sự phát triển của khoa học trên thế giới; từ đó, ông đi đến nhận định rằng xã hội Việt Nam muốn phát triển cần phải coi trọng sự nghiệp phát triển khoa học, cần xây dựng đội ngũ các nhà khoa học, trí thức thực sự tài năng, tâm huyết đối với vận mệnh phát triển của dân tộc trong hiện tại cũng như tương lai. Theo Nguyễn An Ninh, mặc dù khoa học trên thế giới đã phát triển và Việt Nam cũng đã có mối quan hệ với Tây Âu mấy chục năm nhưng ý thức của dân tộc vẫn chưa coi trọng khoa học, chưa biết chủ động tiếp thu khoa học. Đó là nhược điểm lớn mà dân tộc Việt Nam cần phải nhận thức rõ. Ông viết: “ở xứ ta cho đến nay, gần bảy chục năm giao thiệp với Âu Tây, mà vẫn còn quá ít người biết sử dụng khoa học, chưa nói đến những người có tâm hồn khoa học”(6). Như vậy, có thể nói, Nguyễn An Ninh đã nhận thấy thực trạng lạc hậu của khoa học nước nhà so với sự phát triển khoa học của thế giới, nhận thấy tính tất yếu phải phát triển khoa học, coi khoa học là động lực của sự phát triển của đất nước. Chính vì thế, ông cho rằng, “vấn đề du học thật là một vấn đề sống chết của nước ta”(7). Theo ông, khi du học, bước chân ra xã hội bên ngoài người Việt Nam mới nhận thức được yếu kém của dân tộc mình, từ đó mới có thể tìm cách khắc phục những yếu kém đó. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là vấn đề khó khăn vì điều kiện kinh tế của người Việt Nam còn thấp, mặt khác sức ỳ trong thói quen của người Việt còn quá lớn nên việc du học chưa được quan tâm.

Bên cạnh những tư tưởng bàn về sự phát triển khoa học của phương Đông, phương Tây và Việt Nam, Nguyễn An Ninh cũng bàn về sự phát triển của khoa học trong thế giới hiện đại và tương lai qua việc lý giải hiện tượng sao chổi, vấn đề đại dương, người máy và ảnh hưởng sự phát triển của nó trong tương lai.

Nguồn: Internet

Nguyễn An Ninh đã viết bài báo nhan đề “Sao chổi” trong đó ông giải thích quan niệm của các dân tộc trên thế giới về sao chổi, đồng thời dẫn chứng những lý giải của khoa học hiện đại về hiện tượng này. Theo ông, trước đây, khi khoa học chưa phát triển, trong quan niệm của người châu á, người châu Âu đều cho rằng sao chổi xuất hiện là hiện tượng lạ thường, là hình bóng của các vị thần, là cây dao của trời để phạt nhân loại vi phạm tội lỗi, là điềm xấu báo hiệu những tai họa sắp đến với con người, v.v.. Chính vì thế, hiện tượng này khiến cho con người xuất hiện tâm lý sợ hãi, hoang mang. Họ cho rằng con người sắp phải đón nhận một hình phạt nghiêm khắc, lớn lao của trời đất, thần thánh. Quan niệm này khá phổ biến, không chỉ với người phương Đông mà cả phương Tây. Nguyễn An Ninh viết: “Dân Tàu, dân ấn Độ, dân Âu Tây, trong nhơn loại trước đây dân nào cũng tin rằng sao chổi hiện ra là điềm báo trước những tai họa lớn sắp đến”(8). Để trấn an tâm lý hoảng sợ của người dân dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học của châu Âu, cụ thể là kết quả nghiên cứu của Newton, Halley, Clairant, Lalande, Hortense Lepaute, ông khẳng định: Sao chổi là hiện tượng trong tự nhiên. Ông viết: “Khoa học tìm ra nguồn gốc sao chổi, phá được một sự dại lớn của nhơn loại. Nên nói khoa học phá dị đoan mê tín là đúng lắm”(9). Theo đó, sự luận giải của ông về sao chổi trong một xã hội phong kiến, lạc hậu như Việt Nam đầu thế kỷ XX là việc làm rất có ý nghĩa. Những tri thức khoa học ông truyền bá đã góp phần phá bỏ đi những tư tưởng, thái độ mê tín, dị đoan của xã hội Việt Nam bấy giờ.

Bên cạnh việc giải thích về sao chổi trên cơ sở khoa học, Nguyễn An Ninh còn bàn về sự xuất hiện người máy. Ông gọi người máy là “người của khoa học”, nó xuất hiện trên cơ sở sự phát triển của tiến bộ khoa học: “Đứng về mặt cơ khí tiến bộ mà nói, thì sự chế tạo người máy là một công trình kết quả vẻ vang của khoa học”(10). Theo Nguyễn An Ninh, khi người máy xuất hiện, ngoài mặt tích cực, nó còn có ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của nhân loại, nó có nguy cơ làm thay đổi mối quan hệ giữa người với người. Ông viết: “Người ta lo sợ rồi đây việc làm người máy đến lúc tiến bộ cực điểm thì có lẽ nhân loại phải tiêu diệt dần đi; cuộc đời cạnh tranh xâu xé giữa con người và máy móc lúc bấy giờ sẽ trở nên hiểm nghèo lắm và người máy sẽ chiếm nhiều địa vị rất quan trọng trong tất cả các giới ở xã hội tối văn minh kia,...”(11). Ông cũng cho rằng, trong tương lai khi người máy xuất hiện và phát triển rộng rãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ăn, việc làm của người lao động chân tay, người máy sẽ thay thế sức lực người lao động, ông viết: “Nhưng đừng tưởng tượng sự phát minh mới mẻ ấy không có một ảnh hưởng gì, trái lại nó làm cho những hạng người ngu dốt, yếu hèn sẽ không sống như ngày nay, vì trừ “bộ óc khôn” ra thì thật rất khó khăn mà đem cái thân lực lưỡng để mưu sự sanh tồn lắm vậy!!!”(12). Cho đến nay, dự báo của ông đã thành hiện thực, nhiều công đoạn trong nền sản xuất hiện đại, nhiều hoạt động ở những lĩnh vực khó khăn, người máy đã thay thế con người. Khi người máy, hay máy móc tự động hóa thay thế con người trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ, v.v. thì mối quan hệ con người với con người cũng sẽ khác nhiều so với xã hội trước đó. Có thể nói, đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam việc Nguyễn An Ninh đưa ra tư tưởng về người máy có một ý nghĩa đặc biệt. Nó góp phần thúc đẩy xã hội Việt Nam tiếp cận những tri thức hiện đại của nền văn minh công nghiệp và tự động hóa.

Bên cạnh những tư tưởng trên, Nguyễn An Ninh còn có những tư tưởng vượt trước những người cùng thời với ông ở Việt Nam lúc đó về tương lai của khoa học. Ông viết: “Nhưng dẫu sao, chúng ta phải công nhận khoa học ngày nay đã tiến bộ mà khối óc cỏn con của chúng ta không thể tưởng tượng được. Khoa học càng tiến bộ, sự sống của loài người càng lý thú, song le đang lúc các công sở, tư sở, hãng xe, hãng buôn bớt thầy thợ, giảm việc làm, số người không cơm ăn, không nhà ở càng nhiều thêm, mà các ngài bên ấy không lo giải quyết giùm, cứ mãi miệt mài trong phòng thí nghiệm, trong xưởng máy móc để phát minh những thứ có thể làm cho đời người trở nên gay go, hiểm nghèo”(13). ở đây, ông đã chỉ ra một hệ quả là khi các nước tư bản tập trung phát triển khoa học, kỹ thuật, phát triển sản xuất hay nói cách khác là coi trọng “tư tưởng kỹ trị” thì họ cũng phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa con người với con người trong xã hội. Nếu xã hội tư bản chỉ lo phát triển khoa học, kỹ thuật mà không chú ý cải thiện các quan hệ xã hội thì tất sẽ có khủng hoảng xã hội, cụ thể là vấn đề việc làm cùng với nó là các hệ lụy khác. Cho đến nay, những dự đoán của Nguyễn An Ninh đã thành hiện thực, khoa học công nghệ càng phát triển, càng đem đến cho con người nhiều tiện ích, đồng thời nhiều hệ lụy của nó cũng phát sinh và ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của con người, thất nghiệp, ô nhiễm môi trường, cường độ lao động cao, nảy sinh nhiều bệnh tật mới, v.v..

Bên cạnh đó, Nguyễn An Ninh còn đề xuất tư tưởng khoa học về biển, về con người. Về đại dương, Nguyễn An Ninh cho rằng biển có vai trò hết sức quan trọng đối với con người. Biển bảo đảm giao thông đường thủy cho nhân loại; biển là nơi dự trữ nước cho con người bảo đảm sự hài hòa sinh thái; biển là môi trường nuôi trồng của muôn loài thủy hải sản, các loài thực vật biển; là nơi cung cấp năng lượng thủy triều, nguồn nước nóng trong đại dương, v.v.. Theo ông, “biển là chỗ trữ sự sống của trái đất này”(14). Những nhận định của Nguyễn An Ninh về vai trò của đại dương cho đến nay hoàn toàn đúng đắn. Nó phản ánh sự “nhìn xa trông rộng” về nguồn tài nguyên lớn lao của nhân loại mà con người cần phải nhận thức đầy đủ để khai thác an toàn, hiệu quả. Ngày nay, sau nhiều thế kỷ, khi các quốc gia đã khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên trong lòng đất, thì họ lại hướng đến khai thác nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú trong lòng đại dương. Những cuộc đụng độ trên đại dương giữa các cường quốc đã cho thấy vai trò của biển, đảo là vô cùng quan trọng. ở đây, có thể thấy, Nguyễn An Ninh đã có những dự báo hết sức chính xác, đúng đắn về vai trò của biển đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nguyễn An Ninh cũng đã nghiên cứu và có những tư tưởng tiến bộ về con người. Ông lý giải về sự hình thành con người trên quan điểm của khoa học hiện đại. Trên cơ sở các thành tựu của khoa học hiện đại, ông cho rằng sự hình thành con người là kết quả của quá trình tiến hóa của tự nhiên. Mỗi con người được hình thành từ sự kết hợp của trứng ở người mẹ và tinh trùng của người cha, thể xác của con người có gen di truyền từ thế hệ trước. Song, tinh thần hay linh hồn con người không phải do từ bên ngoài nhập vào khi thụ thai như các tôn giáo quan niệm, mà là kết quả của sự di truyền từ các thế hệ trước. Ông viết: “Khoa học kinh nghiệm nói cái trứng (ovule) của đờn bà và con tinh trùng (spermatozoide) của đờn ông hiệp nhau lại hóa ra một cái tế bào. Cái tế bào này là căn gốc sanh lần lần ra đủ cả tế bào mà làm cái xác thịt. Cái tánh chất của nó do nơi tánh chất của cái trứng và của con tinh trùng. Anh em, tuy một cha mẹ mà khác nhau chút ít, là vì cái cách của trứng và tinh trùng điều hòa với nhau hiệp làm một, mỗi khi đều khác nhau chút ít. Còn phần nhiều trong tánh chất là của ông bà lưu truyền từ mấy đời trước. Cho nên con cháu thường giống ông bà hơn giống cha mẹ, giống về xác thịt và giống về tánh tình nữa. Như thế thì không thể nào nói được rằng linh hồn ở đâu đâu bay đến nhập vào cái thai”(15). ở đây, Nguyễn An Ninh đã dựa trên cơ sở của sinh học hiện đại để luận về những vấn đề như gen, di truyền hay mối quan hệ linh hồn và thể xác. Theo ông, “khoa học ngày nay kinh nghiệm rằng tinh thần trí tuệ của con người quan hệ với xác thịt, mà xác thịt quan hệ với hoàn cảnh, cũng không thể nhìn nhận con người là tự do được”(16). Theo quan niệm này, tinh thần, trí tuệ, thể xác của con người chịu sự tác động chi phối của hoàn cảnh bên ngoài. Vì thế, con người không thể tự do theo ý muốn chủ quan của mình được mà phải chịu sự chi phối, quy định của các quy luật tự nhiên.

Tuy nhiên, Nguyễn An Ninh cũng cho rằng khoa học hiện đại vẫn chưa giải quyết một số vấn đề về tiềm năng của con người. Trong sách Tôn giáo, ông đã chỉ ra rằng những hiện tượng như cầu hồn, ngồi đồng là những hiện tượng mà khoa học cần phải tìm lời giải thích để tránh sự lợi dụng của các hoạt động mê tín dị đoan. Ông viết: “Khoa học quả quyết rằng một ngày kia sẽ giải nghĩa rõ rệt các sự lạ này mà kẻ mê tín lợi dụng về đường dị đoan mê hoặc. Trong thân thể con người còn nhiều cái lực mà con người chưa biết rõ và chưa làm chủ nổi. Cho đến như trí nhớ của mình, mình cũng không xài trọn hết”(17). Cho đến nay, khoa học đã khẳng định, khả năng trí tuệ của con người chỉ mới được sử dụng một phần không đáng kể. Điều đó có nghĩa là cần mở một cửa sổ cho trí tuệ được khai thông. Từ việc đúc kết những thành tựu của khoa học hiện đại, Nguyễn An Ninh đã đi đến kết luận quan trọng khi coi khoa học là cơ sở quan trọng thúc đẩy triết học phát triển, cũng như sự thay đổi hình thức của nó. Ông viết: “Vì vậy, hình thức của duy vật thuyết phải thay đổi mỗi khi có sự phát minh mới mẻ trong khoa học tự nhiên (sciences naturelles)”(18).

Như vậy, từ những quan điểm, tư tưởng nêu trên, có thể thấy Nguyễn An Ninh là một trong những nhà tư tưởng đầu tiên ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã dành sự quan tâm khá toàn diện đến các lĩnh vực khoa học, như chế tạo người máy, sinh học, lý học, hóa học, hải dương học, thiên văn học, tâm lý học, v.v.. Tuy nhiên, những tư tưởng của ông về khoa học mới chỉ là những phác thảo sơ bộ. Mặc dù vậy, những lý giải về khoa học hiện đại của Nguyễn An Ninh về các hiện tượng khoa học như người máy, sao chổi, biển, các khoa học vật lý, hóa học, v,v. đã cung cấp cho đời sống xã hội những nhận thức khoa học rất cần thiết. Nó không chỉ có tác dụng nâng cao hiểu biết mà còn là cơ sở để phòng chống những hủ tục lạc hậu như mê tín, dị đoan trong xã hội. Vì thế, có thể nói, tư tưởng khoa học của ông ít nhiều đã góp phần xây dựng lối sống mới, dự báo tương lai, chỉ ra xu thế phát triển của khoa học trên thế giới, đồng thời cũng chỉ ra tính lạc hậu, con đường tất yếu phải phát triển khoa học phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nước nhà. Đầu thế kỷ XX, những phong trào cách mạng dân chủ tư sản của Phan Bội Châu với chủ trương “đổi học thuật, nuôi nhân tài, chấn dân khí”; Phan Châu Trinh với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đã phát động phong trào nâng cao dân trí trong đời sống xã hội, những tư tưởng khoa học của Nguyễn An Ninh là một trong những nội dung của phong trào ấy. Những tư tưởng của Nguyễn An Ninh về vai trò của khoa học đã giúp cho cách mạng dân chủ tư sản Việt Nam đầu thế kỷ XX thực hiện tốt chủ trương “đổi học thuật”, “khai dân trí”.

Với những quan điểm, tư tưởng tiến bộ của mình, Nguyễn An Ninh được giới trí thức Việt Nam đầu thế kỷ XX rất tôn trọng, nể phục. Nhà nghiên cứu Nguyễn Minh Hoàng khi đọc những tác phẩm của ông cách hàng chục năm vẫn hết sức ca ngợi: “Càng đọc những bài báo của ông Nguyễn An Ninh chúng ta càng phục tài sử dụng tiếng Pháp và sự uyên bác những tri thức văn hóa của ông”(19). Trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (Khóa XI) của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ, những quan điểm, tư tưởng khoa học của Nguyễn An Ninh có giá trị như bài học kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về khoa học và công nghệ đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức. 

 

 

 

 

(*) Tiến sĩ, Phó Trưởng khoa Giáo dục Chính trị, Đại học Sài Gòn.

(1) Dẫn theo: Mai Quốc Liên - Nguyễn Sơn. Nguyễn An Ninh tác phẩm. Nxb Văn học, Hà Nội, 2009, tr.964.

(2) Dẫn theo: Mai Quốc Liên - Nguyễn Sơn. Sđd., tr.969.

(3) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.968.

(4) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.968.

(5) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.969.

(6) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.969.

(7) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.992.

(8) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Văn học, Hà Nội, 2009, tr.971.

(9) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.972.

(10) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.1095.

(11) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.1096.

(12) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.1096.

(13) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.1097.

(14) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.974.

(15) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.902.

(16) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.904.

(17) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.916.

(1 ) Dẫn theo: Mai Quốc Liên – Nguyễn Sơn. Sđd., tr.933.

(19) Nguyễn Minh Hoàng. Tạp chí Hồn Việt, số 20, tháng 2-2009, tr.24.


Phạm Đào Thịnh (*)

Tạp chí Triết học, số 5 (300), tháng 5 - 2016


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007