Tư tưởng về "đạo trị nước" ở các nhà nho Việt Nam

18/11/2015

Tư tưởng về đạo trị nước ở các nhà Nho Việt Nam được thể hiện tập trung ở hai nội dung: thứ nhất, quan niệm về dân và vai trò của dân; thứ hai, đạo làm vua, đạo bề tôi, quan hệ vua – dân và vua – bề tôi. Tư tưởng này, một mặt, ở mức độ nhất định, cũng chịu ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo Trung Quốc; mặt khác, được xây dựng và bị quy định bởi những điều kiện của xã hội Việt Nam, bởi những yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn đặt ra cho giai cấp phong kiến, cho dân tộc Việt Nam… Vì vậy, tư tưởng đó đã vượt ra ngoài sách vở kinh điển của Thánh hiền Nho giáo; góp phần giải đáp được những yêu cầu và nhiệm vụ của công cuộc giữ nước và dựng nước đặt ra, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến. Nó có những giá trị tích cực không thể phủ nhận.

1. Nho giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ II TCN. cùng với đội quân xâm lược phong kiến phương Bắc, song việc truyền bá Nho giáo tương đối có nền nếp là từ thế kỷ thứ II. Trong thời kỳ Bắc thuộc, Nho giáo chưa có vai trò gì đáng kể, chưa thực sự bám rễ trong đời sống của con người và xã hội Việt Nam, cũng chưa có dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ Nho giáo được người Việt Nam coi trọng. Có lẽ khi đó, với đông đảo người Việt, Nho giáo chỉ là công cụ xâm lược, thống trị, đô hộ của các thế lực xâm lược phương Bắc và là phương tiện hữu hiệu nhất của chúng trong việc đồng hoá nền văn hoá nước ta vào nền văn hoá Hán và biến nước ta thành quận, huyện của Trung Quốc. Mặc dù trong thời kỳ Bắc thuộc, chính quyền đô hộ đã thiết lập ở nước ta một thể chế chính trị - xã hội theo mô hình Trung Quốc (nằm trong chính sách Hán hoá), nhưng về căn bản, chúng vẫn chưa khắc phục được sự khác nhau giữa văn hoá Hán và văn hoá Đông Nam Á, tức là chưa tạo ra được những điều kiện cho Nho giáo tồn tại vững chắc ở Việt Nam.

Chỉ từ khi đất nước ta giành được độc lập vào năm 938, Nho giáo mới có điều kiện phát triển. Tất nhiên, hơn nửa thế kỷ sau đó, dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, nước ta vẫn chưa thực sự ổn định, do vậy, Nho giáo vẫn chưa có vai trò gì đáng kể.

Đến thế kỷ XI, khi vương triều Lý được thành lập thì việc xây dựng, củng cố, duy trì chế độ phong kiến và một bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cao đã trở thành một nhu cầu cấp bách, một xu thế phát triển tất yếu của xã hội Việt Nam. Do vậy, giai cấp phong kiến đã lựa chọn và sử dụng Nho giáo với tư cách hệ tư tưởng, công cụ thống trị và quản lý xã hội. Đây là một sự lựa chọn khôn ngoan, một sự lựa chọn được tính toán rất chu đáo của triều đại phong kiến nhà Lý. Việc Lý Thái Tổ ban bố Chiếu dời đô trong đó nêu cao bài học định đô, trị nước của thời Tam đại ở Trung Quốc; việc Lý Thái Tông khẳng định trước quần thần rằng, xã hội Đường Ngu là xã hội tốt đẹp đáng noi theo; việc vua Lý Thánh Tông cho lập Văn Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử, Tứ phối và thất thập nhị hiền vào năm 1070; việc vua Lý Nhân Tông tổ chức thi Minh kinh bác học vào năm 1075 để chọn người có tài văn học vào làm quan và dạy Nho học, lập Quốc Tử Giám vào năm 1076 để dạy Nho học, năm 1086 mở khoa thi chọn người có tài vào Hàn lâm viện; việc vua nhà Lý tổ chức bộ máy nhà nước với những chức danh giống quan chế đời Đường,… là những minh chứng của sự lựa chọn đó.

Từ đó trở đi cho đến triều đại phong kiến nhà Nguyễn (thế kỷ XIX), Nho giáo luôn tồn tại như một hiện tượng xã hội hiển nhiên và có vai trò, ảnh hưởng nhất định tới nhiều lĩnh vực, nhiều mặt trong xã hội và con người Việt Nam.

2. Về cơ bản và cũng là chủ yếu, Nho giáo là một học thuyết chính trị - xã hội và đạo đức mà một trong những chức năng chủ yếu của nó là giáo hoá, đào tạo, hoàn thiện con người và ổn định, hoàn thiện xã hội. Từ đời Hán trở đi, Nho giáo còn là hệ tư tưởng, là công cụ thống trị của giai cấp địa chủ phong kiến trong việc xây dựng, củng cố, duy trì bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền và chế độ phong kiến, trong việc bảo vệ, duy trì cơ sở kinh tế - xã hội của chế độ và xã hội phong kiến cũng như địa vị, quyền lợi của giai cấp ấy.

Với tính chất và chức năng trên, Nho giáo đã đề xuất một đường lối trị nước (Đạo trị nước) nhất quán và những điều kiện, yêu cầu để thi hành đường lối này. Có thể nói, tư tưởng về “Đạo trị nước” là tư tưởng, nội dung chủ yếu nhất trong học thuyết chính trị – xã hội, đạo đức của Nho giáo. Điều kiện căn bản để Nho giáo tồn tại, phát triển, có vị trí, vai trò và ảnh hưởng đến xã hội và con người Việt Nam là nó phải ít nhiều biến đổi để phù hợp với cơ sở kinh tế – xã hội, văn hoá, phong tục tập quán… của xã hội Việt Nam, đáp ứng được những nhu cầu tồn tại, phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam và giải đáp được những yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn của xã hội Việt Nam đặt ra. Do đó, Nho giáo Việt Nam không thể không bị “khúc xạ”, “bản địa hoá”, được “cấu trúc lại”. Tức là nó được người Việt Nam lọc bỏ, phát triển, mở rộng mà như nhiều nhà nghiên cứu Nho giáo ở Việt Nam khẳng định, Nho giáo Việt Nam không phải là Nho giáo Trung Quốc, nó là sản phẩm của người Việt Nam, là bộ phận cốt lõi của văn hoá truyền thống Việt Nam.

Vì vậy, cũng là tất yếu, tư tưởng về Đạo trị nước của các nhà Nho Việt Nam cũng có những điểm tương đồng và khác biệt với Nho giáo Trung Quốc. Bởi tư tưởng về Đạo trị nước của họ, về cơ bản, được xây dựng và bị quy định bởi những điều kiện của xã hội Việt Nam; bởi những yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn đặt ra cho giai cấp phong kiến, cho dân tộc Việt Nam; bởi thành phần xuất thân của họ và quan hệ giữa nhà Nho với chính quyền phong kiến, với người dân…

Đường lối trị nước của Nho giáo, về cơ bản, là Đức trị (đôi khi còn được gọi là Nhân trị, Lễ trị, Vương đạo); tức là dùng đạo đức để cai trị, tổ chức và quản lý xã hội. Tất nhiên, bên cạnh việc dùng đạo đức, Nho giáo cũng chủ trương dùng hình phạt, pháp luật (Pháp trị), như Tuân Tử chỉ rõ: “Từ bậc sĩ trở lên thì phải dùng lễ nhạc mà đối đãi; đối với dân chúng trăm họ thì phải dùng pháp luật mà cai trị”(1) và “xem xét chính trị biết phân biệt rõ ràng, người nào lấy điều thiện đến với ta, thì dùng lễ mà đối đãi họ, người nào lấy điều bất thiện đến với ta thì dùng hình phạt đối đãi với họ. Hai hạng người đó được phân biệt thì người hiền và kẻ bất hiền không lẫn lộn, phải trái không rối loạn”(2). Tuy vậy, giữa Đức trị và Pháp trị, Nho giáo trước sau như một vẫn đề cao, coi trọng Đức trị, còn pháp luật, hình phạt chỉ là biện pháp nhất thời, tiêu cực nhằm trợ giúp cho việc giáo hoá trong những lúc khốn cùng của việc cai trị mà thôi, và chỉ áp dụng đối với những kẻ bất hiền, không chịu an phận, không nghe theo giáo hoá, ưu thích dũng cảm, chán cảnh nghèo hèn.

Nho giáo đưa ra đường lối Đức trị nhằm khắc phục tình trạng rối loạn từ trong gia đình đến ngoài thiên hạ, xây dựng và duy trì xã hội ổn định, có trật tự, kỷ cương, sao cho giai cấp địa chủ phong kiến mãi là giai cấp thống trị, còn các giai cấp khác mãi bị áp bức, bị thống trị, dù rằng các nhà Nho có nói đến cái xã hội mà ở đó “có vua thánh tôi hiền, mọi cái đều là của chung, mọi người đều có quyền lợi, đều có sản nghiệp riêng, đều được chăm sóc” đi chăng nữa.

Các nhà Nho Việt Nam chủ trương đường lối Đức trị của Nho giáo cũng không ngoài mục đích trên. Nhưng nội dung của đường lối ấy có thay đổi, phát triển và được cụ thể thêm cho phù hợp với Việt Nam.

Khi nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ, nhiệm vụ chính trị chủ yếu của giai cấp phong kiến và cũng là của dân tộc ta là xây dựng một nhà nước phong kiến ổn định, phát triển về mọi mặt. Đồng thời, do Việt Nam luôn phải đối mặt với những nguy cơ và hành động xâm lược từ bên ngoài,  nên ngoài nhiệm vụ dựng nước, dân tộc ta phải thực hiện nhiệm vụ giữ nước. Hai nhiệm vụ này gắn chặt với nhau, là yêu cầu của sự tồn tại, phát triển không chỉ đối với chế độ phong kiến mà còn đối với cả dân tộc. Bởi vậy, một xã hội ổn định, phát triển bền vững về mọi mặt, một xã hội thái bình, không có chiến tranh chết chóc, vua đức dân từ, mọi người đều no đủ… luôn là điều mong ước của các nhà Nho Việt Nam. Để đi tới một xã hội như vậy, các nhà Nho Việt Nam không chỉ vận dụng những tư tưởng trong đường lối Đức trị của Nho giáo mà còn phát triển, mở rộng thêm những nội dung mới mà bản thân Nho giáo không đề cập đến, như tư tưởng chiến tranh giữ nước phải dựa vào dân, phải xây dựng được sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong nội bộ giai cấp thống trị,… (như trong Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi,…). Tư tưởng đó trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam thời phong kiến đã trở thành một trong những vấn đề trung tâm mà các nhà Nho Việt Nam đề xuất trong Đạo trị nước của mình. Do đó, những khái niệm như Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa, Trí, Tín vốn là của Nho giáo Trung Quốc nhưng đã được các nhà Nho Việt Nam cải biến, phát triển, làm cho những khái niệm ấy vốn hết sức gò bó, khắc nghiệt trở nên ít gò bó, khắc nghiệt hơn và mang tính dân tộc, tính nhân dân.

Để thi hành đường lối Đức trị và nhằm xây dựng một xã hội phong kiến ổn định, có trật tự, kỷ cương và thái bình thịnh trị, trong quan niệm về việc trị nước, Nho giáo đề cập đến nhiều vấn đề như đạo làm vua, đạo bề tôi, mối quan hệ giữa vua - bề tôi - dân, dân và vai trò của dân,… Các nhà Nho Việt Nam khi đề cập đến đường lối trị nước, trong suy nghĩ và tư tưởng của họ không ngoài những vấn đề trên, thể hiện tập trung ở hai nội dung sau:

Thứ nhất, quan niệm về dân và vai trò của dân.

Trước hết cũng cần khẳng định rằng, trong đời sống chính trị ở Trung Quốc từ trước thời Khổng Tử và trong suốt thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các thế lực thống trị, dù muốn hay không, không thể không quan tâm, dù ở một mức độ nào đó, đến đời sống và vai trò của người dân. Điều này không phải là ý muốn chủ quan của các thế lực thống trị mà nó phản ánh một thực tế ở Trung Quốc (cũng như các nước phương Đông nói chung) là, địa vị thống trị của họ không phải bao giờ và lúc nào cũng bị quyết định trực tiếp bởi địa vị kinh tế. Ngay Kinh Thư đã cho thấy nhiều tư tưởng thể hiện sự quan tâm của tầng lớp thống trị đến đời sống và vai trò của dân. Chẳng hạn, “mệnh trời” tuy được thừa nhận có uy quyền tối cao, tuyệt đối nhưng thậm chí lại bị đồng nhất với “ý dân”, “lòng dân”. Những câu như “Trời nhìn tự dân ta nhìn”, “trời nghe tự dân ta nghe”, “sự sáng suốt ở trời thể hiện ra sự sáng suốt của dân”, “dân muốn gì trời cũng phải theo”, v.v. không phải là ít trong cuốn sách này. Điều đó nói lên rằng, việc quan tâm đến đời sống và vai trò của dân còn có ý nghĩa như một hằng số trong đời sống chính trị của các nước phương Đông. Bởi vậy mà cũng là tất yếu, dân và vai trò của dân là một vấn đề được hầu hết các nhà Nho quan tâm, là một nội dung cơ bản trong học thuyết chính trị - xã hội, trong đường lối Đức trị của Nho giáo.

Đề cập đến vấn đề này, các nhà Nho Trung Quốc từ Khổng Tử trở đi đều đặc biệt quan tâm đến dân, đề cao vai trò của dân, đều đòi hỏi nhà vua, người cầm quyền phải thật sự yêu thương, chăm sóc dân như cha mẹ đối với con cái. Từ một quan niệm cho rằng, thần dân trong thiên hạ đều là con Trời, đều là của Thiên tử, vua thay Trời trị dân, chăm sóc dân, Khổng Tử, Mạnh Tử đều coi dân là gốc nước (dân vi bang bản), dân là đáng quý nhất (dân vi quý), đều nhấn mạnh đến vai trò của dân như coi dân là nước, vua chỉ là thuyền. Từ đó, các nhà Nho đều coi “dưỡng dân” là một trong những nhiệm vụ chính trị cơ bản nhất của người cầm quyền. Mạnh Tử đã từng nói: “Các vua chư hầu có ba điều phải coi là quý trọng: đất đai, dân chúng và việc chính trị. Người nào coi trọng châu ngọc, tai ương ắt tới thân”(3). Đồng thời, các nhà Nho luôn coi việc được lòng dân, hợp ý dân, được dân tin hay không có quan hệ chặt chẽ tới sự hưng - vong, an - nguy của triều đại, của chế độ. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, các nhà Nho đều khuyên nhà cầm quyền: muốn được lòng dân, được dân tin thì phải lo cho dân đủ ăn, đủ mặc, phải giúp họ làm giàu, phải để cho dân có tài sản riêng; đối xử với dân phải giữ chữ Tín, sai khiến dân phải hợp thời. Có thể dẫn ra nhiều câu nói của các nhà Nho để minh chứng cho những tư tưởng trên. Song dân trong quan niệm của các nhà Nho không phải là tất cả những người dân nói chung, mà chỉ là những người dân nào biết nghe và hành động theo giáo hoá của kẻ thống trị, biết tuân phục và an phận với địa vị của mình. Còn ngược lại, họ chỉ là những kẻ bất hiền, tiểu nhân, hèn kém về đạo đức và trí tuệ. Với những người như vậy, các nhà Nho đều chủ trương, nhà cầm quyền phải dùng pháp luật, hình phạt đối với họ.

Tóm lại, trong quan niệm của nhiều nhà Nho Trung Quốc, họ luôn đề cao vao trò của dân nhưng với họ, dân cũng chỉ mãi mãi là thần dân của kẻ cầm quyền thống trị mà thôi.

Xuất phát từ hoàn cảnh xã hội, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra cho công cuộc dựng nước và giữ nước ở từng thời kỳ, lại chủ yếu xuất thân từ tầng lớp nông dân, sống gần gũi với dân, chứng kiến được cảnh đau khổ của dân và nguyện vọng của dân, nên tư tưởng về dân ở các nhà Nho Việt Nam có nội dung rộng hơn, phong phú hơn và mang tính nhân văn, nhân đạo hơn so với tư tưởng về dân của các nhà Nho Trung Quốc. Dân trong quan niệm của các nhà Nho, các nhà tư tưởng của chế độ phong kiến Việt Nam là toàn thể dân chúng nói chung. Từ việc coi dân là cơ sở thành - bại của công cuộc dựng nước và giữ nước, có vai trò quan trọng nhất đối với sự hưng - vong, an - nguy của triều đại, các nhà Nho Việt Nam đều cho rằng, điều quyết định là mọi chủ trương, chính sách của nhà vua, người cầm quyền có hợp lòng dân, có được dân ủng hộ hay không. Vì vậy, với tư cách nhà tư tưởng của chế độ phong kiến, họ đều cho rằng, mọi hoạt động chính trị, mọi chủ trương, chính sách của nhà nước phải lấy ý dân, lòng dân làm căn cứ, phải coi việc được lòng dân, hợp ý dân làm mục đích. Qua các tác phẩm của nhiều nhà Nho cũng như trong Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục đã cho thấy, để được lòng dân, hợp ý dân, theo các nhà Nho, thì việc an dân, quan tâm đến đời sống và nguyện vọng của dân, nuôi dân phải ân đức, sai khiến dân phải ôn hậu… là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của nhà cầm quyền, là cái gốc của đạo trị nước, điều cốt yếu của đạo làm vua.

Tư tưởng trên được quán thông ở tất cả các nhà Nho, ở mọi thời kỳ hưng thịnh hay khủng hoảng của chế độ và xã hội phong kiến Việt Nam.

Ở thời Lý Trần, tư tưởng “trên thuận mệnh trời, dưới theo ý dân” không chỉ là cơ sở để Lý Công Uẩn ra Chiếu dời đô mà còn là điều kiện cơ bản để “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”. Đồng thời, tác giả của Chiếu dời đô đã chỉ rõ cái nghiệp vương của mình là “làm cho dân được giàu của, nhiều người”, bởi có như vậy, “cơ nghiệp mới được to lớn, mới được thịnh vượng”.

Những quan niệm về dân của Nho giáo cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của Lý Thường Kiệt và Trần Quốc Tuấn. Từ quan niệm rằng, dân là cơ sở để tiến hành cuộc chiến tranh giữ nước, các ông đã đưa ra những chủ trương đúng. Đó là nhà vua phải dựa vào dân để đánh giặc, phải đoàn kết toàn dân. Lý Thường Kiệt, tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập “Nam quốc sơn hà” đã cụ thể hoá cái “Đạo làm chủ ở nuôi dân” là: sai bảo dân thì ôn hậu, phải khoan hoà giúp đỡ trăm họ, phải yêu mến mọi người, phải biết dân lấy sự no ấm làm đầu, phải nuôi dưỡng người già nơi thôn dã”(4). Còn theo Trần Quốc Tuấn, để thực hiện được nhiệm vụ này, nhà vua phải thi hành chính sách “khoan thư sức dân”, vì đó là “kế sâu gốc bền rễ” và là “thượng sách để giữ nước”. Khoan thư sức dân ở đây chính là đòi hỏi nhà cầm quyền phải bồi dưỡng sức dân, phải quan tâm, chăm lo đời sống của dân.

Đến Nguyễn Trãi, một người học Nho, đỗ đạt cao, người mà cả cuộc đời luôn vì dân, vì nước thì tư tưởng của ông về dân, về vai trò của dân và thái độ của vua, triều đình đối với dân so với các nhà Nho trước ông đã tiến lên một trình độ phát triển mới. Khi đề cập đến những vấn đề này, ông là một nhà Nho, nhưng là một nhà Nho yêu nước, thương dân đến cháy lòng. Trong quan niệm về một xã hội lý tưởng, điều quan tâm nhất của ông là đất nước thái bình. Nhưng, đất nước thái bình, theo ông, trước hết, người dân phải có một cuộc sống no đủ, không còn tiếng oán sầu, hờn giận của dân. Với ông, đó còn là điều căn bản, cốt yếu nhất của Đạo trị nước. Ông nói: “Lòng thánh muốn cho dân được nghỉ ngơi, văn trị cuối cùng phải đưa đến thái bình”. Như các nhà tư tưởng thời Lý Trần, Nguyễn Trãi cũng cho rằng, điều cốt yếu nhất của đạo trị nước là an dân; nhiệm vụ chính trị cơ bản nhất của nhà cầm quyền là phải nuôi dân, chăn dân, huệ dân. Vì theo ông, đời sống vật chất có được bảo đảm thì trật tự xã hội mới ổn định, cuộc sống no đủ thì đạo đức con người mới được tôn trọng, như ông nói: “Đói rét thiết thân thì không đoái hoài gì lễ nghĩa”. Song, không dừng lại ở đó, theo ông, điều cơ bản trước nhất để an dân là phải bảo vệ dân, phải đảm bảo đời sống an ninh của dân, phải lo trừ bạo ngược:

“Việc nhân nghĩa cốt ở an dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”(5).

Tư tưởng trên của ông không chỉ thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mà còn được nhắc tới trong thư ông gửi Liễu Thăng: “Quân của vương giả chỉ có dẹp yên mà không đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Như vậy, ở Nguyễn Trãi, “an dân” gắn liền với đất nước thái bình, không có chiến tranh, không còn cướp bóc, bạo ngược. Tấm lòng thương dân, yêu dân, vì hạnh phúc của dân của ông không chỉ là những người dân ở đất nước ông, mà còn là những người dân ở đất nước của bọn xâm lược, thậm chí ngay cả những kẻ đã lầm đường, những tên giặc đã ra hàng. Bởi theo ông, những người đó cũng chỉ là những nạn nhân của chiến tranh mà thôi. Do đó, không phải ngẫu nhiên, ông là người phê phán chiến tranh, coi đó là việc nguy hiểm, chỉ bất đắc dĩ mới thi hành, chiến tranh là cốt để bảo vệ dân chứ không làm hại dân. Trong thư gửi Lương Minh, Hoàng Phúc, ông viết: “Binh cốt để bảo vệ dân, không phải là để hại dân… Binh là bất đắc dĩ mới dùng”. Rõ ràng, cũng là một nhà Nho và trong tư tưởng của ông, chúng ta vẫn bắt gặp những mệnh đề, khái niệm của Nho giáo, nhưng những mệnh đề, khái niệm đó được dùng để diễn đạt một chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả, toàn diện, vượt ra ngoài khuôn mẫu cứng nhắc, chật hẹp của Nho giáo Trung Quốc.

Từ thế kỷ XVI trở đi, các nhà Nho Việt Nam luôn phải đối mặt với tình trạng đất nước bao phen bị chia cắt. Tất cả họ đều mơ ước đến một xã hội thái bình, không có chiến tranh. Tất cả họ đều gắng tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất nước rối loạn, chia cắt, để từ đó đề xuất những chủ trương, đường lối trị nước mong cho chiến tranh chấm dứt, đất nước thái bình. Đường lối trị nước mà họ chủ trương là đường lối nhân nghĩa.

Theo các nhà Nho thời kỳ này, nhân nghĩa là một chính sách, một biện pháp mà nhà vua thi hành để đưa đất nước thoát khỏi cảnh loạn ly, tương tàn, nhân dân khỏi cảnh ly tán, chết chóc. Đồng thời, theo họ, điều cốt yếu nhất của nhân nghĩa là phải làm cho dân no đủ, yên ổn, đất nước thái bình (Nguyễn Dữ), vì vậy, nếu nhà vua thi hành nhân nghĩa để cứu nước, cứu dân thì sẽ được trời quý, dân theo (Phùng Khắc Khoan). Mặc dù sống trong thực tế “nước có nhiều vua lắm chúa” nhưng các nhà Nho luôn nghĩ tới dân (đặc biệt là những người nghèo khổ), vẫn cho rằng vai trò của dân gắn liền với sự an - nguy của xã hội (Nguyễn Bỉnh Khiêm). Do vậy, theo họ, nhà vua muốn trị nước thì trước hết và cốt yếu là phải làm cho dân được yên. Mà để dân được yên, nhà vua cần chăm lo đời sống của dân, phải cứu vớt những người nghèo khổ, quyền lợi của vua phải gắn bó với quyền lợi của dân (Nguyễn Bỉnh Khiêm), phải tạo cho dân có tài sản riêng, thu của dân có mức độ, nhẹ tô thuế, bớt hình phạt (Phùng Khắc Khoan).

Tựu trung lại, theo các nhà Nho lúc bấy giờ, đối tượng và nội dung của đường lối trị nước là dân, vì dân, an dân, đất nước thái bình.

Thứ hai, đạo làm vua, đạo bề tôi, quan hệ vua - dân và vua - bề tôi.

Nói tới đạo trị nước cũng là nói đến đạo làm vua, đạo làm bề tôi, vì chủ thể trị nước là vua, bề tôi (quan lại).

Nhà Nho khi đề cập tới đạo làm vua là đề cập đến tư cách đạo đức của vua, quan hệ giữa vua với bề tôi và thần dân trong nước, trong thiên hạ.

Nho giáo đặc biệt đề cao vai trò của đạo đức, sự tu dưỡng đạo đức của nhà vua đối với sự hưng - vong, an - nguy, trị - loạn của triều đại, của chế độ, thành - bại của công việc trị nước, trị dân. Khổng Tử đã từng nói: “Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi”(Lấy đức để làm việc chính trị, cũng như ngôi sao Bắc thần, ở yên vị mà các ngôi sao khác đều châu về)(6) và “Dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình pháp để giữ trật tự, dân tránh khỏi tội nhưng chưa biết hổ thẹn. Dùng đức để dẫn dắt, dùng lễ để giữ trật tự, dân biết hổ hẹn mà tiến tới chỗ tốt lành”(7). Ông còn nói tiếp: “Kỳ thân chính, bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính, tuy lệnh bất tùng” (Bản thân nhà cầm quyền ngay thẳng, tuy không ra lệnh, mọi việc vẫn trôi chảy; bản thân không ngay thẳng, có ra lệnh dân cũng chẳng theo)(8), còn Mạnh Tử thì khẳng định: “Hễ vua có nhân thì không ai dám bất nhân, hễ vua có nghĩa thì không ai dám bất nghĩa(9). Không những thế, Nho giáo còn khẳng định thêm rằng, nhà vua, người cầm quyền có đạo đức, hành động có đạo đức mới được lòng dân, mới được dân tin, còn khi đã không được lòng dân, lòng tin của dân thì sự nghiệp chính trị của nhà vua tất phải đổ. Mạnh Tử đã chỉ rõ: “Mất thiên hạ là vì để mất dân, để mất dân là vì để mất lòng người. Muốn được thiên hạ, có đường lối hẳn hòi: hễ được dân là được thiên hạ vậy. Muốn được dân, có đường lối hẳn hòi: hễ được lòng người, là được dân vậy. Muốn được lòng người, có đường lối hẳn hòi: dân muốn gì hãy đem lại cho thật nhiều, dân ghét điều gì, chớ đem thi thố, thế thôi”(10). Song, để được lòng dân, để được dân chúng, nhà Nho cho rằng, nhà vua, người cầm quyền phải coi dân là gốc nước, dân là quý, chăm lo đời sống vật chất của dân, là tấm gương sáng cho dân, thi hành đường lối Nhân chính. Mạnh Tử nói: “Nếu nhà vua thi hành nhân chính, dân sẽ thương yêu người trên, và liều mình vì bậc quan trưởng vậy”(11). Ngay trong quan niệm về một xã hội lý tưởng, các nhà Nho cũng coi “vua thánh tôi hiền” là một trong những đặc điểm cơ bản của xã hội đó.

Bàn về đạo làm vua, quan niệm của các nhà Nho Việt Nam cũng không ngoài những vấn đề cơ bản trên. Nhưng từ tình hình thực tiễn của đất nước và những yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn đặt ra trong mỗi một thời kỳ; đồng thời xuất phát từ quan niệm rằng, vua chỉ đại diện cho đất nước chứ đất nước không phải là của riêng vua, nên các nhà Nho Việt Nam không chỉ chú ý đến mặt tu dưỡng đạo đức mà còn chủ yếu nhấn mạnh tới thái độ, trách nhiệm của vua đối với nước, với dân, với bề tôi. Đó không chỉ là yêu cầu cần có mà là tiêu chuẩn đạo đức để nhà vua tu dưỡng, răn mình. Chính vì vậy, ngay từ thời Lý - Trần và cả sau này, các nhà Nho Việt Nam đều khẳng định, trị hay loạn chủ yếu là phụ thuộc vào hành vi, đức độ của nhà vua, vào việc tu thân trau đức, sửa mình của nhà vua.

Cả trong những hoàn cảnh đất nước vừa có hoà bình, vừa có chiến tranh, thật sự hoà bình yên ổn, hay rối loạn khủng hoảng, các nhà Nho đều khẳng định vai trò của nhà vua, đạo đức của nhà vua; coi đó là nguyên nhân cơ bản nhất đối với vận mệnh của đất nước, của nhân dân. Theo đó, đạo đức của một minh quân, trước hết, đó là thái độ, trách nhiệm đối với dân (đã trình bày phần trên); đó là nghĩa vụ, trách nhiệm đối với đất nước. Khi đất nước hoà bình, đạo đức của nhà vua là phải làm cho quốc gia hưng thịnh, thái bình, phải luôn tự mình tu dưỡng đạo đức sao cho ít dục vọng để không làm hại lợi ích của nước, của dân, phải luôn tăng cường ý thức cảnh giác và củng cố võ bị để đối phó với những âm mưu, hành động xâm lược của kẻ thù. Khi đất nước trong cảnh loạn lạc, khủng hoảng, nhà vua phải thi hành đường lối nhân nghĩa yêu nước, thương dân; đạo đức nhà vua là phải làm điều thiện, bớt ham muốn, dục vọng; phải đặt lợi ích của dân, của đất nước lên trên quyền lợi của nhà vua, tập đoàn phong kiến thống trị; phải bằng hành động cụ thể để cứu nước, cứu dân ra khỏi cảnh loạn ly, đau khổ bởi chiến tranh…

Đạo đức của nhà vua còn thể hiện trong thái độ của vua đối với kẻ bề tôi và trong quan hệ giữa vua và bề tôi. Bề tôi (hàng ngũ quan lại) là người giúp vua, là chỗ dựa của vua trong việc trị nước, trị dân. Bởi vậy, các nhà Nho quan niệm rằng, nước trị là do quan giỏi, vua dùng người quân tử; còn nước loạn là do quan xấu, vua dùng tiểu nhân. Về mối quan hệ giữa vua và bề tôi, trong thiên Bát dật (Luận ngữ), Khổng Tử nói: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sự quân dĩ trung” (Vua lấy lễ sai khiến bề tôi, bề tôi lấy lòng trung để thờ vua)(12). Nhưng, để bề tôi tuyệt đối trung thành với vua, hết lòng vì quyền lợi của vua, thì nhà vua phải là tấm gương sáng về đạo đức. Tấm gương sáng về đạo đức của nhà vua không chỉ là sự cần mẫn, siêng năng, hết lòng trong việc trị nước, an dân, mà còn phải hết lòng yêu thương bề tôi. Để tiến hành cuộc chiến tranh cứu nước thắng lợi, các nhà Nho Việt Nam cho rằng, nhà vua không chỉ dựa vào dân mà còn phải đồng cam cộng khổ, đoàn kết với bề tôi chống giặc, phải thưởng bổng lộc hậu đãi họ. Để công việc trị nước được thành công, nhà vua phải quan tâm đến đời sống vật chất của tầng lớp quan lại, phải lấy việc làm cho quan lại có đời sống vật chất sung túc, đầy đủ là một trong những công việc hàng đầu của nhà vua. Nếu không, như Ngô Thì Nhậm đã chỉ rõ, các cấp chính quyền từ triều đình tới địa phương sẽ rệu rã, xã hội sẽ mất an ninh. Để đất nước được yên trị, bề tôi hết lòng với vua, với nước, với dân, nhà vua phải trọng người hiền tài, xa lánh kẻ bất hiền, phải biết nghe những người nói thẳng, tránh kẻ phỉnh nịnh. Nguyễn Đức Đạt nói: “Vua có trực thần, là gốc của việc trị. Vua có nịnh thần, là gốc của việc loạn. Vua mà tin kẻ “ngậm miệng ăn tiền” thì bại vong, theo người nói thẳng thì hưng thịnh”(13). Ngoài ra, trong quan niệm của Nho giáo cũng như các nhà Nho Việt Nam, phẩm chất của người trung thần không chỉ phải tuyệt đối trung thành với vua, hy sinh vì vua, giữ uy tín cho vua, chịu khó nhọc thay vua mà còn phải can gián hành vi sai trái của vua, giúp vua làm điều thiện. Theo Nguyễn Đức Đạt, những kẻ bề tôi mà luôn “lựa lời đón ý” nhà vua chỉ là những kẻ làm hại đạo trung, chỉ là để giữ bổng lộc, họ không phải là bậc trung thần. Để có những người trung thần, Ngô Thì Nhậm luôn đòi hỏi tầng lớp quan lại phải được giáo dục. Vì có được giáo dục họ mới có văn, có hạnh, mới giữ được sự trong sạch, có liêm sỉ, có khí tiết. Trước đó, Lê Thánh Tông còn cho rằng, một bậc trung thần không chỉ thông thuộc sách thánh hiền mà cần phải có năng lực tổ chức thực tiễn để giúp vua, cùng vua dựng nước, trị nước. Còn theo Minh Mệnh, nhà Nho đồng thời là nhà vua triều Nguyễn - thì tầng lớp quan lại - những kẻ trung thần - phải thật sự và thường xuyên chăm lo đến đời sống của dân, không được giúp vua làm điều bất thiện đối với dân.

Nhưng để nước trị, dân an, để bề tôi có đạo đức và hết lòng vì vua, để được lòng dân và dân tuân phục, theo các nhà Nho, điều có ý nghĩa quyết định là nhà vua phải là tấm gương sáng trong việc tự mình tu dưỡng đạo đức, phải thật sự yêu nước, thương dân, phải phục vụ lợi ích đất nước, lợi ích của dân hết mực, hết lòng.

3. Như vậy, tư tưởng về đạo trị nước ở các nhà Nho Việt Nam, ở mức độ nhất định, cũng chịu ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo Trung Quốc và xét đến cùng, cũng là nhằm bảo vệ địa vị, quyền lợi của giai cấp phong kiến cầm quyền, thống trị và nhằm củng cố, duy trì chế độ, xã hội phong kiến. Do vậy, tư tưởng đó không tránh khỏi những hạn chế, bảo thủ và phản động. Nhưng trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong mỗi một giai đoạn phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam, tư tưởng ấy được các nhà Nho Việt Nam kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển. Chính vì vậy, tư tưởng về “đạo trị nước” của các nhà Nho Việt Nam, ở một chừng mực nhất định, đã góp phần giải đáp được những yêu cầu và nhiệm vụ của công cuộc dựng nước, giữ nước đặt ra. Về cơ bản, tư tưởng ấy phù hợp với xu thế phát triển của xã hội Việt Nam thời kỳ phong kiến. Bởi vậy, tư tưởng đó đã vượt ra ngoài sách vở kinh điển của Thánh hiền Nho giáo. Nó có những giá trị tích cực không thể phủ nhận.

 


(*) Tiến sĩ triết học, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

(1) Lã Trấn Vũ. Lịch sử các học  thuyết chính trị Trung Quốc. Nxb Sự thật, Hà Nội,1964, tr. 270.

(2) Lã Trấn Vũ. Lịch sử các học thuyết chính trị Trung Quốc. Sđd., tr. 273.

(3) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.1361.

(4) Đinh Gia Khánh (chủ biên). Văn học Việt Nam (thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII). Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 66.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, t. I (Ngô Đức Thọ dịch và chú thích). Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.440.

(6) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd.,  tr. 214.

(7) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 215.

(8) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 502.

(9) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 1065.

(10) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 1033.

(1[1]) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 808.

(12) Chu Hy. Tứ thư tập chú (Nguyễn Đức Lân dịch và chú giải). Sđd., tr. 255.

(13) Dẫn theo: Lê Sĩ Thắng. Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.II. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997, tr. 134.


Tạp chí Triết học, số 1 (188), tháng 1 - 2007


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007