Về những giá trị văn hóa vật thể của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần

28/04/2022

Với thời gian tồn tại gần 400 năm, văn hóa Phật giáo thời kỳ Lý - Trần đã để lại một khối lượng đồ sộ các di sản văn hóa vật thể có giá trị to lớn trên các phương diện kiến trúc, xây dựng, hội họa, điêu khắc, mỹ thuật...; biểu hiện cụ thể qua các di tích và hiện vật thờ cúng, như chùa, tháp, lăng mộ, bi ký, tranh vẽ, tượng, đồ thờ... Bài viết này chỉ ra các giá trị văn hóa vật thể của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần. Các giá trị đó có thể coi là cơ sở để xây dựng một chiến lược bảo tồn lâu dài, nhằm kế thừa, khai thác, sử dụng và phát huy các giá trị văn hóa vật thể của Phật giáo trong công cuộc đổi mới đất nước.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ đầu Công nguyên. Với bề dày lịch sử phát triển và sức ảnh hưởng lớn, Phật giáo thời kỳ Lý - Trần đã để lại khối lượng di sản văn hóa đồ sộ trên các lĩnh vực tư tưởng, mỹ thuật, hội họa, âm nhạc, văn học, ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, xây dựng...; với các sản phẩm cụ thể, như chùa, tháp, lăng mộ, bi ký, tranh, tượng, đồ thờ, kinh sách, văn học, cùng với những giá trị chuẩn mực đạo đức, phong tục, tập quán, lối sống, nếp sống,...

Thế nhưng, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đó của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần lại chưa phát huy hết tác dụng của chúng trong xã hội hiện tại. Nhiều di sản văn hóa vật thể của Phật giáo thời Lý - Trần (chùa, tháp, văn bia, chuông, khánh,...) chưa được nghiên cứu thấu đáo. Bên cạnh đó, cùng với thời gian, chiến tranh và do tác động của quá trình đô thị hóa và các lý do chủ quan khác (do tư tưởng ấu trĩ tả khuynh về vấn đề tôn giáo trước năm 1986), nhiều di sản văn hóa của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần đã bị xâm phạm và mai một nhanh chóng.(*)

Tình hình trên đặt ra vấn đề cấp bách là, nếu không có chiến lược bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản này, chúng sẽ nhanh chóng bị biến mất. Tuy nhiên, để làm được việc đó, cần có những nghiên cứu cụ thể nhằm chỉ ra các giá trị văn hóa Phật giáo thời kỳ này và lấy đó làm cơ sở xây dựng một chiến lược bảo tồn lâu dài. Nghiên cứu trên càng có ý nghĩa hơn, khi mà hiện nay, tổ chức UNESCO chủ trương khuyến khích các quốc gia trên thế giới coi trọng các giá trị văn hóa truyền thống, lấy đó là một trong những động lực để phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung phân tích một số giá trị văn hóa vật thể của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần mà theo chúng tôi, cần phải được bảo tồn và phát huy.

Những di sản văn hóa vật thể của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần để lại cho chúng ta ngày nay bao gồm: Di tích lịch sử - văn hóa (chùa, tháp, đền,...); những bảo vật quý, như tượng Phật, tranh khắc vẽ, bi ký, cột đá,...

Đánh giá về giá trị văn hóa vật thể của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể khẳng định:

Thứ nhất, những di tích lịch sử - văn hóa của Phật giáo thời Lý - Trần là chứng tích giúp chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về sự phát triển của văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng.

Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều. Do vậy, phần lớn các tư liệu lịch sử, kinh, sách... bằng các chất liệu giấy, vải, tre, nứa,... đã nhanh chóng hư hoại qua thời gian. Những di tích lịch sử - văn hóa của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần (chùa, đền, tháp,...) thường được làm từ đá, gạch, đồng, gỗ quý... là những chứng tích còn lưu giữ được cho đến nay chính là cái giúp chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam thời kỳ này (trong đó có văn hóa Phật giáo).

Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng từ thời Lý nằm trên một quả đồi thấp trong vòng cung núi Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh). Cùng với Côn Sơn, Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm hợp thành ba trung tâm Phật giáo của nước Việt thời Lý - Trần. Chùa gắn liền với truyền thuyết nhà sư Minh Không - Đệ nhất tổ, người có công dựng chùa, đúc tượng Phật Di Lặc Quỳnh Lâm khổng lồ, một trong Tứ đại khí của Việt Nam. Ngay tấm bia lớn trước sân chùa, tuy văn bản đã bị khắc lại rất lủng củng, nhưng vẫn còn những dòng chữ xác nhận công lao của nhà sư Minh Không, người từng đúc nên pho tượng Di Lặc cao 6 trượng 6 thước tại chùa Quỳnh Lâm. Lịch sử ngôi chùa còn gắn liền với tên tuổi của vị tổ thứ là Đệ nhị tổ Pháp Loa, người lập ra Thiền viện Quỳnh Lâm để truyền kinh, giảng đạo. Từ đây, chùa Quỳnh Lâm bước sang một thời kỳ mới, đóng vai trò quan trọng của một trung tâm văn hóa Phật giáo: Lo việc đào tạo tăng ni, thực hành các nghi thức thụ giới, tổ chức in kinh Đại Tạng, mở các buổi giảng tập kinh sách, truyền bá giáo lý Phật học... Chùa Quỳnh Lâm còn gắn với Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, người lập ra Bích Động Thư xã( ). Trải qua thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc cổ của chùa Quỳnh Lâm đã bị hư hoại, xuống cấp, nhưng nhiều hiện vật, như tấm bia đá lớn thời Lý, khánh đá và vườn tháp, các hiện vật khảo cổ học... vẫn còn giữ được và có giá trị lịch sử lớn.

Nguồn: Internet

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), còn có tên là chùa Đức La (vì xây ở làng Đức La). Ngày nay, chùa thuộc địa phận xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Chùa khởi dựng từ thời Lý, nhưng từ thời Trần, Vĩnh Nghiêm đã trở thành nơi dừng chân cho khách hành hương từ Kinh Bắc lên Yên Tử. Chùa do nhà sư Pháp Loa trụ trì năm 1313. Đây là trung tâm Phật giáo có danh tiếng của Thiền phái Trúc Lâm. Tiếp theo, Huyền Quang đến nghe giảng Phật pháp của sư trụ trì chùa là Pháp Loa và sau đó trở thành Trúc Lâm Đệ tam tổ, nối tiếp trụ trì chùa này. Chùa Vĩnh Nghiêm còn là chứng tích nơi hội tụ, gặp gỡ của Tam tổ Trúc Lâm trong lịch sử. Sách Tam tổ Thực Lục có ghi lại: “Trạng nguyên Huyền Quang một hôm theo vua Trần Nhân Tông đến huyện Phượng Nhỡn vào chùa Vĩnh Nghiêm để nghe Pháp Loa giảng kinh bèn dâng biểu xin xuất gia tu đạo. Vua ưng cho, bèn thụ giáo với Pháp Loa, lấy Pháp hiệu là Huyền Quang”(2).

Bên cạnh đó, Vĩnh Nghiêm còn là trung tâm đào tạo các tăng, ni, ban hành pháp chế của Phật đạo toàn quốc. Sách Tam tổ Thực Lục có ghi: “Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), Đại sư Pháp Loa về chùa Vĩnh Nghiêm trụ trì để định chức tăng đồ trong toàn quốc. Từ sau đó, cứ 3 năm nhà Trần lại định chức Tăng đồ một lần”(3). Đây chính là mốc son ghi nhận sự thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo Việt Nam.

Như vậy, có thể nói, chứng tích và dấu tích của cả một thời Trúc Lâm Tam tổ thành đạo, hoằng pháp, hợp với các chùa Yên Tử và Quỳnh Lâm, thành một hệ thống chùa của miền Đông - Bắc đất nước ta thời Trần. Điều này được thể hiện qua câu ca dao: “Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm; Vĩnh Nghiêm chưa tới, Thiền tâm chưa đành”(4).

Nói đến hệ thống di tích Phật giáo thời Trần, chúng ta không thể không nhắc tới khu Yên Tử. Trong hệ thống Yên Tử, chùa Hoa Yên có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là nơi vua Trần Thái Tông đã tu hành, mà còn là nơi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã sáng lập ra phái Trúc Lâm, đào tạo ra nhiều đệ tử có tiếng, như Pháp Loa, Huyền Quang... Chùa Hoa Yên cũng là nơi Trần Nhân Tông viết sách về Phật, về triết học, như Tăng già toái sự, Thạch Thất mỵ ngữ, Thiền Lâm thiết chủy ngữ lục...(5).

Những trình bày trên về một số di tích Phật giáo thời kỳ Lý - Trần cho thấy, văn hóa Phật giáo thời Lý - Trần đã để lại nhiều công trình tôn giáo, mỗi di tích lịch sử - văn hóa đều gắn với những câu chuyện cụ thể về lịch sử xây dựng, hoạt động, vai trò và vị thế của di tích trong hệ thống di tích Phật giáo thời kỳ này. Các di tích đó không chỉ là những bằng cứ chứng minh cho bề dày lịch sử văn hóa dân tộc, mà còn là những chứng tích để các nhà khoa học tìm hiểu về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở giai đoạn thịnh trị nhất; khơi gợi niềm trân trọng, tự hào cho các thế hệ mai sau. Bên cạnh đó, nó còn có tính giáo dục cao và tạo tiềm năng để khai thác du lịch.

Thứ hai, văn hóa Phật giáo thời kỳ Lý - Trần đã để lại những công trình tôn giáo, mang dấu ấn của một thời kỳ thịnh trị (chùa, tháp, lăng mộ, bi ký...) – đó là những công trình đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc... để lại cho thế hệ mai sau kế thừa và phát huy.

Về những ngôi chùa tiêu biểu được xây dựng từ thời Lý, chúng ta có thể kể đến: Chùa Một Cột (Hà Nội), chùa Phật Tích, chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Đọi Sơn (Hà Nam), chùa Lạng (Hưng Yên), chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội)... Các chùa tháp tiêu biểu thời Trần bao gồm: Hệ thống chùa tháp Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), chùa tháp Phổ Minh (Nam Định), chùa Vĩnh Khánh với tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc, Hà Nội), chùa Bối Khê (Thanh Oai, Hà Nội)... Đây là những công trình đạt đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc độc đáo.

Về giá trị kiến trúc của các chùa thời Lý - Trần, có thể nói như sau: Các chùa thời Lý có đặc trưng kiến trúc trên nền chùa hình vuông, có ba bậc, bốn cửa xung quanh, đúng hướng Đông, Tây, Nam, Bắc... Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, loại chùa có mặt bằng vuông hoặc gần vuông này có thể là một hình thức kết hợp chùa với tháp, xuất hiện từ thời Bắc thuộc, mà kiến trúc chùa thời Lý chỉ là sự tiếp nối. Đặc biệt, chùa thời Lý thường xây trên núi, bạt sâu vào sườn núi, có nhiều bậc cao, có bó đá (chùa Phật Tích hay chùa Dạm là ví dụ). Nhìn chung, chùa thời Lý thường là những quần thể gồm các kiến trúc đăng đối, đối xứng qua một trục hay trục trung tâm(6).

Chùa Diên Hựu (chùa Một Cột, Hà Nội) là một kiến trúc độc đáo có một không hai trên thế giới. Chùa được khởi dựng từ giấc mơ của vua Lý Thái Tông, khi ông chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, dắt lên tòa. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên vua làm chùa, dựng cột đá giữa mặt đất, làm tòa sen của Phật Quan Âm đặt lên cột như đã thấy trong mộng... Sau này, vua Lý Nhân Tông đã cho nâng cấp, làm chùa đẹp hơn, đào hồ ở đài hoa sen, gọi là Linh Chiểu. Ngoài hồ, có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh... Ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước chùa xây bảo tháp. Hàng tháng, cứ Rằm, mồng Một và mùa hạ ngày 8 tháng Tư, xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hằng năm lấy làm lệ thường(7).

Về giá trị mỹ thuật, điêu khắc, hội họa, chúng ta thấy chùa tháp thời Lý thường được trang trí bằng các tượng tròn và các phù điêu đẹp, một số lớn được chạm khắc trên đá. Đó là tượng voi, sư tử, tê giác, trâu, ngựa (chùa Phật Tích, Bắc Ninh), tượng sóc trên thành bậc (chùa Lạng ở Hưng Yên, chùa Bà Tấm ở Hà Nội), hình tiên nữ múa hát (chùa Phật Tích)... Ngoài ra, rồng, phượng, cúc dây, hoa sen, sóng nước cũng được chạm khắc trên các ngôi chùa. Nghệ thuật chạm khắc hoa văn cánh sen ở chùa Phật Tích đã đạt tới mức điêu luyện, nhất là trên những tảng đá kê chân cột chùa. Sự tinh tế, hoàn hảo trong đường nền chạm khắc hoa sen thể hiện ở chỗ, hình hoa sen chạm nổi quanh chân cột; có 16 cánh sen chính và 16 cánh sen phụ; mỗi cánh sen trông giống như những mai rùa, trên mặt chạm đôi rồng đối xứng hai bên, ẩn hiện trong mây, ôm lấy lạc thư ở giữa. Đây thực sự là một kiệt tác điêu khắc đá, mở đầu và đại diện cho môtíp kiến trúc: Tảng đá kê chân cột chạm cánh sen, lan truyền khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ(8).

Một số điêu khắc Chăm Pa cũng có ảnh hưởng đến Phật giáo thời Lý, như chim thần Garuda, vũ nữ Apsara, nữ thần người - chim Kinnari... Trong các chùa thời Lý thường có nhiều tấm bích họa. Bia chùa Linh Xứng chép rằng: “Quanh tường vẽ dung nghi đẹp đẽ của 16 La Hán cùng mọi hình tướng biến hóa, muôn hình vạn tượng không thể kể xiết”. Bia chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh cũng ghi rằng: “Tranh vẽ trên tường vôi, mọi duyên nhân quả, muôn nghìn biến hóa, hết sức huyền diệu”(9).

Môtíp kiến trúc đó cũng đã tác động đến nền kiến trúc Phật giáo thời Trần. Bên cạnh việc tôn tạo, sửa chữa các kiến trúc có từ thời Lý, nhà Trần đã cho xây dựng mới hàng loạt ngôi chùa từ vùng cao đến đồng bằng. Tuy nhiên, cũng giống như những chùa tháp thời Lý, phần lớn chùa tháp thời Trần hiện nay đã bị hư hoại, đổ nát do thời gian, chiến tranh và cả sự tàn phá của con người.

Mặc dù vậy, Phật giáo thời Trần vẫn để lại những di sản văn hóa vật thể hết sức quý giá, tiêu biểu là hệ thống chùa tháp Yên Tử. Tại đây có hơn 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ, như chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng,... và quần thể tháp Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông với khu vườn tháp có 44 ngọn tháp cùng nhiều quần thể tháp khác. Trong đó, chùa Hoa Yên là công trình nổi tiếng, được nhắc đến nhiều trong sử sách, được coi là ngôi chùa chính trong hệ thống chùa ở Yên Tử.

Những chùa ở khu Yên Tử đều được ông cha ta tận dụng địa hình, địa thế, cảnh quan môi trường xung quanh để xây dựng nên với một kiến trúc độc đáo, mỗi chùa một vẻ khác nhau, làm lay động lòng khách mỗi khi đến tham quan. Nhiều chùa được dựng trên địa thế rộng rãi và đẹp như chùa Lân ở chân núi, dựa lưng vào vách núi, cổng hướng ra một con suối lớn. Vườn chùa rộng, có đường chạy từ cổng vào, hai bên là những tháp lớn nhỏ. Chùa Hoa Yên cũng được dựng trên một sườn núi thoải. Nền chùa được bạt thành hai lớp. Lớp trước chùa dùng làm nơi dựng cổng và cũng là nơi dựng các tháp lớn nhỏ, kỷ niệm các nhà sư đã tu hành ở chùa. Lớp sau có diện tích rộng hơn là nơi làm nền dựng tòa chính điện của chùa và các kiến trúc phụ khác. Chùa Một Mái lại có kiểu kiến trúc nép mình bên sườn núi ở vị trí cao giữa lưng trời, một nửa chùa ẩn sâu trong hang núi, nửa còn lại phô ra bên ngoài chỉ có một phần mái, đúng như tên gọi của chùa(10).

Những kiến trúc chùa tháp trong hệ thống Yên Tử là những hình mẫu rất sinh động về cách bố trí, kết cấu, kiến trúc, trang trí ngôi chùa. Các nhà kiến trúc, mỹ thuật hiện đại qua đó, có thể học được không chỉ kỹ thuật kiến trúc, xây dựng, mà cả cách thức bố trí không gian xây dựng hài hòa, hợp với khung cảnh thiên nhiên... Với những giá trị đặc biệt về cảnh quan, kiến trúc, văn hóa và lịch sử, quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Ngoài chùa, thời Lý - Trần còn có những ngôi tháp có kiến trúc độc đáo. Tháp có vị trí quan trọng trong kiến trúc Phật giáo. Tháp được dựng lên làm nơi thờ Phật, có tính chất kỷ niệm hoặc để làm mộ cho các sư tăng (ví như tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Yên Tử). So với tháp thời Lý, tháp thời Trần thường nhỏ hơn, tháp gồm nhiều tầng, mặt cắt vuông hoặc có một số tháp cắt hình lục giác (tháp Trần Nhân Tông ở Yên Tử), càng lên cao, tháp càng thu nhỏ dần và tận cùng đỉnh, thường là một khối tròn vút nhọn như hình quả bầu (còn gọi là quả hồ lô)...

Những tháp ở thời Trần đều là những tháp có tính chất phụ thêm vào quần thể kiến trúc của chùa, trong khi, ở thời Lý, các tháp thường là kiến trúc chính, là trung tâm của toàn bộ ngôi chùa (ví dụ, tháp Phổ Minh ở chùa Phổ Minh, tháp Bình Sơn ở chùa Vĩnh Khánh, tháp Phật hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Hoa Yên...). Các tháp thường được xây ở phía trước chùa cao vút lên như cây nêu, nhằm phô trương vẻ bề thế của toàn bộ quần thể kiến trúc ngôi chùa. Mặt khác, nó còn là điểm nhấn đánh dấu cho du khách thập phương khi hành hương về chùa nhận biết từ xa. Do là kiến trúc phụ của ngôi chùa, nên tháp thời Trần đều nhỏ hơn tháp thời Lý. Về trang trí, các tháp thời Lý thường trang trí rất cầu kỳ với những tượng Kim Cương đứng gác ở cửa hay những tiên nữ bưng mâm hứng móc ngọc ở đỉnh. Các tháp thời Trần trang trí đơn giản hơn, chỉ là những hoa văn hình rồng, hoa lá...

Tháp đá Phổ Minh là công trình độc đáo còn lại từ thời Trần tương đối nguyên vẹn. Tháp có 14 tầng, cao 21,2m. Toàn bộ tháp xây trên một hồ vuông. Hồ có hành lang bao bọc, bốn phía có cửa và có các thành bậc rồng đá, sấu đá. Cùng với các cánh sen ở bệ tháp, hồ lại bao quanh tháp nên tháp trông giống như một búp sen khổng lồ nổi trên mặt nước. Tháp Phổ Minh là kiến trúc có giá trị của dân tộc ta. Tháp có hình dáng cao, thanh mảnh. Nó gợi cho các phật tử và du khách đến vãn cảnh chùa lòng sùng kính, một cảm giác siêu thoát, linh thiêng. Tháp đẹp, vì nó gắn với ngôi chùa rộng lớn xung quanh. Hình tháp in bóng xuống mặt ao phía trước, hòa vào các cây cổ thụ cao lớn trong sân chùa, cảnh Phật nhưng trông rất ấm cúng(11).

Nguồn: Internet

Thứ ba, ngoài giá trị về kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc, những chùa, tháp thời Lý - Trần còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật và bi ký có giá trị.

Những hiện vật trong các ngôi chùa thời kỳ Lý - Trần gồm: Thư tịch, châu bản, thần sắc, hương ước, bia đá, chuông đồng, khánh đá, hoành phi, câu đối, cửa võng,... Những di sản văn hóa này không chỉ giúp chúng ta hiểu về giá trị của ngôi chùa, của Phật giáo thời kỳ lịch sử này mà đôi khi còn “giải mã” những bí ẩn về văn hóa Việt Nam, bởi trên thực tế, chúng ta rất thiếu những tư liệu cổ sử chép về thời kỳ này. Chúng tôi xin lấy ví dụ chùa Phật Tích (thời Lý) và chùa Vĩnh Nghiêm (thời Trần) làm minh chứng cho nhận định trên.

Chùa Phật Tích là ngôi chùa thời Lý, tên chữ là Vạn Phúc tự, nằm ở sườn núi Tiên Du, còn gọi là núi Lạn Kha (thôn Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Chùa Phật Tích được xếp vào Đại danh lam Quốc tự thời Lý trước đây. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị, xếp hàng đầu về lượng di vật cổ thuộc thời Lý ở nước ta. Những hiện vật còn lưu giữ ở chùa gồm: Tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh, chân cột dàn nhạc (năm 1057), hàng linh thú trước sân chùa, xá lợi nhục thân tượng táng của Thiền sư Chuyết Chuyết (ngài hóa thân năm 1644)... Ngoài ra, chùa còn lưu giữ 32 tháp có niên đại (thế kỷ XVII - XX). Những cuộc khai quật của các nhà khảo cổ học tại chùa còn thu được khối lượng lớn cổ vật thời Lý, tiêu biểu là tượng A Di Đà. Đây là pho tượng cổ của chùa (niên đại năm 1057), chiếm vị thế vô cùng quan trọng đối với nền mỹ thuật dân gian nước ta và là bảo vật quốc gia(12). Hiện nay, bức tượng đã được chế ra nhiều phiên bản bày tại các viện bảo tàng, như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội...

Một chùa khác được xây dựng dưới thời Trần là chùa Vĩnh Nghiêm, hiện còn bảo lưu được nhiều hiện vật quý. Đó là hệ thống tượng Phật hoàn chỉnh với nhiều tượng Phật, La Hán, Hộ Pháp, Thiên Vương, cảnh Thập điện Diêm Vương. Trong nhà Tổ đệ nhất có tượng Tam tổ Trúc Lâm: Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Bên cạnh đó là những tấm bia đá đời Trần (dựng năm 1394), thời Lê (1606). Đặc biệt, chùa còn lưu giữ nhiều bản ván gỗ khắc kinh Phật có giá trị.

Bên cạnh các cổ vật, các chùa thời kỳ Lý - Trần còn là nơi lưu giữ nhiều bi ký quý giá, là tư liệu cổ giúp chúng ta hiểu biết thêm về Phật giáo thời kỳ này. Do khuôn khổ bài báo, chúng tôi chỉ xin nêu vắn tắt giá trị một số bi ký thời Lý và thời Trần:

- Bia An Hoạch Sơn, chùa Báo Ân (Thanh Hóa, 1099 - 1100). Văn bia không ghi năm soạn, phần đầu bia thuyết minh lẽ huyền diệu của đạo Phật, ca ngợi tên tuổi các vị vua chúa, thày tu đã có công đón nhận và truyền bá đạo Phật. Đặc biệt, nhờ bia này, chúng ta biết giai đoạn Lý Thường kiệt vào trấn giữ Thanh Hóa cả thảy 19 năm (1082 - 1100).(12)

- Bia tháp Viên Thông, chùa Thanh Mai (huyện Chí Linh, Hải Dương), khắc vào năm 1362, khắc niên phả vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm là Đồng Kiên Cương, pháp danh là Pháp Loa. Ông là người uyên thâm giáo lý đạo Thiền, là người sáng lập ra nhiều chùa danh tiếng, như Quỳnh Lâm và Thanh Mai, chủ trì thuyết giảng nhiều bộ kinh điển Phật giáo và đào tạo nhiều đệ tử nổi tiếng. Văn bia này giúp các nhà khoa học có thêm tư liệu tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là nghiên cứu về công trạng của những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc Lâm.

- Bia tháp Hiển Diệu chùa Kim Cương (Hoa Lư, Ninh Bình) là tấm bia thời Trần còn nguyên vẹn. Tấm văn bia này có giá trị lớn không chỉ cho ngành tôn giáo học tìm hiểu về sự phát triển của đạo Phật, mối quan hệ giữa Phật giáo và nhà nước phong kiến thời kỳ này, mà còn cho cả các ngành khoa học khác, như ngôn ngữ, văn học, khảo cổ học, sử học, kinh tế học,...

- Bia chùa Sùng Khánh (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) cho chúng ta  biết về quy mô Phật giáo thời Trần đã phát triển rộng lên vùng núi Hà Giang và cho thấy cố gắng của các triều đình phong kiến Việt Nam trong việc củng cố vùng biên ải của Tổ quốc.

Thứ tư, nghiên cứu hệ thống tượng thờ trong các ngôi chùa thời kỳ Lý - Trần cho phép chúng ta hiểu rõ về sự dung hợp giữa các tông phái trong Phật giáo và giữa Phật giáo với các tôn giáo khác cùng thời.

Đó là hiện tượng cùng thờ các vị Phật chung trên Tam Bảo: Phật Thích Ca (phái Thiền tông), Phật A Di Đà (Tịnh Độ Tông), thờ các vị Thiên vương (Mật Tông). Bên cạnh sự dung hợp giữa các tông phái của Phật giáo nêu trên, các ngôi chùa này còn cho thấy sự dung hợp giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, như Nho giáo, Đạo giáo cùng thời. Qua nghiên cứu chùa Quỳnh Lâm, một ngôi chùa Quốc tự, một trung tâm Phật giáo có vị trí quan trọng vào hàng nhất nhì ở thời Lý - Trần, nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi đã chỉ rõ: ở đây không chỉ có nhiều cứ liệu giúp chúng ta hiểu thêm bản sắc Phật giáo Việt Nam vào giai đoạn thịnh trị của nó, mà còn rộng hơn, qua đấy hiểu được cái khí hậu tư tưởng của thời đại, tức là những điều kiện cốt yếu tạo nên các phương thức giao lưu, chung sống giữa nhiều dòng văn hóa khác biệt trong đời sống xã hội Việt Nam ở giai đoạn lịch sử rực rỡ này… Đó là sự hội nhập văn hóa giữa Phật, Đạo và Nho - ba hệ tư tưởng không cùng nguồn gốc và có sự đối nghịch với nhau, nhưng đều du nhập vào đời sống tinh thần của người Việt từ sớm, và với thời gian, đã mặc nhiên trở thành các hệ giá trị văn hóa dân tộc. Nguyên nhân là do các triều vua thời Lý - Trần có quan điểm chính trị cởi mở, sớm nhận thức được vai trò của các tôn giáo trong đời sống xã hội(13).

Như vậy, có thể nói, các di sản văn hóa vật thể của Phật giáo thời Lý - Trần không chỉ giúp chúng ta hiểu biết về kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật, hội họa, tượng thờ,... của thời kỳ này, mà hơn thế, việc nghiên cứu này còn cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về tư tưởng, giá trị văn hóa của một thời đại. Vì vậy, chúng ta, những thế hệ tương lai, không chỉ cần phải coi trọng và đánh giá đúng những giá trị văn hóa của Phật giáo thời kỳ Lý - Trần, mà còn cần phải kế thừa, khai thác, sử dụng những giá trị văn hóa này vào việc phát triển văn hóa - xã hội trên con đường đổi mới và hội nhập. 

 

                 

(*) Ủyy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

(1) Xem: Nguyễn Huệ Chi. Hiện tượng hội nhập văn hóa thời Lý - Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm. Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 2 và số 3, năm 2000.

(2) Tam Tổ Thực Lục (Thích Phước Sơn dịch và chú giải). Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1995, tr.80.

(3) Tam Tổ Thực Lục. Sđd., tr.30.

(4) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long. Chùa Việt Nam. Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010, tr.160.

(5) Xem: Nguyễn Bích Ngọc. Nhà Trần trong văn hóa Việt Nam. Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2009, tr.250.

(6) Xem: Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long. Sđd., tr.20.

(7) Xem: Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr.312 - 313; 340.

(8) Xem: Thích Đức Thiện. Bảo tồn di sản Phật Tích, những vấn đề đặt ra, trong: Một số vấn đề về văn hóa tôn giáo và tư vấn bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Nxb Thời đại, Hà Nội, 2012, tr.215 - 217.

(9) Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long. Sđd., tr.22.

(10) Xem: Nguyễn Đức Nùng (Chủ biên). Mỹ thuật thời Trần. Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1997, tr.22.

(11) Xem: Nguyễn Đức Nùng (Chủ biên). Sđd., tr.40 - 43.

(12) Xem: Thích Đức Thiện. Bảo tồn di sản Phật Tích, những vấn đề đặt ra, trong: Một số vấn đề về văn hóa tôn giáo và tư vấn bảo tồn di sản văn hóa tôn giáo trong giai đoạn hiện nay. Nxb Thời đại, Hà Nội, 2012, tr.215 - 218.

(13) Xem: Nguyễn Huệ Chi. Sđd., tr.37 - 41.


Phan Nhật Huân (Thích Thanh Huân) (*)

Tạp chí Triết học, số 3 (298), tháng 3 - 2016


Xem tin phát hành ngày:

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Điện thoại: +84 (024)35140527, +84 (024)35141134, Fax: +84 (024)35141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007