Ngày 28 tháng 7 năm 2023, tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, trong khuôn khổ thực hiện Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, Chương trình đã phối hợp với Khoa Giáo dục lý luận của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Cách tiếp cận nghiên cứu xây dựng hệ giá trị”.
Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết có giá trị khoa học cao và sự tham dự của các nhà khoa học đến từ nhiều viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Triết học, Viện Tâm lý học, Viện Nghiên cứu Con người) cũng như các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, giảng viên,… đến từ các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học tại Đà Nẵng, như Học viện Chính trị khu vực III, Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng - Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội Vùng Trung Bộ, Trường Đại học Đông Á,… Hội thảo cũng đã được đón tiếp đồng chí Lê Thanh Hùng, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương khu vực Miền Trung và Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải - Chủ nhiệm Chương trình đã khẳng định ý nghĩa của việc nghiên cứu hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời khẳng định những khó khăn, phức tạp của vấn đề bởi “giá trị và hệ giá trị vừa rất cụ thể, cảm tính, vừa rất trừu tượng”. Do vậy, bàn về giá trị và hệ giá trị là một quá trình lâu dài với nhiều ý kiến, cách tiếp cận và chiều cạnh của vấn đề. Thông qua hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải mong muốn các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia,… tập trung phân tích nội hàm các giá trị cốt lõi, làm sáng tỏ đâu là những giá trị cốt lõi nhất của các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người. Trong giai đoạn 5-10 năm tới, Việt Nam cần đề cao những giá trị cốt lõi nào? Mối quan hệ giữa các giá trị đó ra sao? Sắp xếp các giá trị được đề xuất như thế nào cho hợp lý nhất? Đặc biệt, ở Đà Nẵng và khu vực miền Trung giàu truyền thống, những nét đặc thù của các hệ giá trị chủ yếu, cơ bản, cốt lõi được thể hiện ra sao trong giai đoạn hiện nay? Xu hướng biến động của chúng như thế nào?
Hội thảo được chia làm hai phiên. Trong hai phiên này, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chuyên gia tập trung làm rõ các khái niệm và nội dung cơ bản của hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời, thảo luận về những nét đặc thù của các hệ giá trị này tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung. Các bài tham luận gửi tới hội thảo đã đi sâu phân tích nội dung của một số giá trị cốt lõi, chỉ ra mối quan hệ giữa các giá trị cốt lõi, đề xuất các giải pháp để phát huy các hệ giá trị,… Một số tham luận được trình bày tại hội thảo: Dân chủ - Giá trị hợp thành hệ giá trị quốc gia và quá trình hiện thực nó ở khu vực Tây Nguyên (PGS.TS. Hồ Tấn Sáng); Tinh thần tự tôn dân tộc trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam (PGS.TS. Ngô Văn Minh); Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới – Yêu cầu cấp thiết để giữ “hồn cốt của dân tộc (TS. Nguyễn Nữ Đoàn Vy); Định hướng giá trị lối sống của sinh viên và các biện pháp giáo dục: Một nghiên cứu trường hợp (PGS.TS. Trần Xuân Hiệp); Những nhân tố tác động đến chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (TS. Vương Thị Bích Thủy); Hình thành hệ giá trị con người Việt Nam cho học sinh phổ thông thông qua phát triển các phẩm chất chủ yếu (TS. Hà Văn Hoàng); Giá trị yêu nước: Cách tiếp cận và những nội hàm cơ bản (TS. Đinh Thị Phượng); Từ tìm hiểu về phong tục các tỉnh miền Trung trong sử tịch dưới góc nhìn địa - văn hóa đến tiếp cận xây dựng hệ giá trị Việt Nam thời đại mới (TS. Lê Thị Mai);…
Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TSKH. Lương Đình Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học, các chuyên gia đã có những đóng góp hết sức quý báu thông qua các bài tham luận cũng như những ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội thảo. Các ý kiến đều có giá trị khoa học, mang tính xây dựng và là những gợi mở cho Ban Chủ nhiệm Chương trình trong thời gian tới.