Trong hai ngày 06-07/6/2023, tại trụ sở Viện Triết học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) ở 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội, Viện Triết học phối hợp với Hội Triết học và Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới”.
Tham dự hội thảo, về phía các đại biểu Việt Nam có: TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Triết học; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông - Viện trưởng Viện Triết học. Về phía các đại biểu Trung Quốc, Hội thảo vinh dự được đón tiếp Ông Bành Thế Đoàn - Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; GS.TS. Chung Thụy Thiêm - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây; GS.TS. Vi Đông Tuyết - Phó Viện trưởng thường trực, Học viện Chủ nghĩa Mác, Đại học Sư phạm Quảng Tây. Về phía Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội có Bà Đỗ Thanh Vân - Viện trưởng Viện Khổng Tử và Ông La Quân - Phó Viện trưởng Viện Khổng Tử. Tới dự hội thảo còn có sự góp mặt của đông đảo các nhà khoa học của Viện Triết học, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Hội Triết học; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tạp chí Cộng sản; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Ngoại thương; Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội và các nhà khoa học Trung Quốc đến từ Đại học Sư phạm Quảng Tây, Đại học Thanh Hoa, Đại học Quảng Tây, Đại học Sư phạm Nam Kinh.
Phát biểu chào mừng hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt của các đại biểu tham dự, khẳng định ý nghĩa của hội thảo. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội vẫn là một xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc cần làm rõ các giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, vị trí, vai trò và sự đóng góp của các nước xã hội chủ nghĩa trên bản đồ thế giới, góp tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Góp sức vào công cuộc trọng đại này của mỗi nước, các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết tốt các vấn đề lý luận nảy sinh trong quá trình phát triển xã hội chủ nghĩa, sáng tạo và phát triển những vấn đề lý luận, từ đó dẫn dắt sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước đi đến thành công.
Tiếp theo, phát biểu chào mừng hội thảo, Ông Bành Thế Đoàn, Tham tán văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng khi góp mặt tại hội thảo. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến thành tựu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Ông cũng cho rằng, trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước, các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp và xây dựng truyền thống hữu nghị “vừa là đồng chí vừa là anh em”. Đây là tài sản quý báu của nhân dân hai nước cần phải kế thừa, bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học đánh giá những thành tựu trong xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội ở hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là sự khẳng định sức mạnh, sức sống và tương lai của chủ nghĩa xã hội trên thế giới. GS.TS. Lê Hữu Nghĩa cho rằng, hội thảo là cơ hội tốt để các chuyên gia, các nhà khoa học hai nước trao đổi học thuật, thông tin về lý luận và thực tiễn của chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước để tham khảo, học hỏi và làm rõ các vấn đề liên quan đến chủ đề hội thảo.
Trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo là góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp tục làm sáng tỏ hơn các thành tựu của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc. PGS.TS. Nguyễn Tài Đông khẳng định, sự thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa đối với hai nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng, có đóng góp to lớn cho thế giới. Do vậy, hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn đã được giải quyết cũng như những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và Trung Quốc.
Hội thảo đã nghe 21 báo cáo được trình bày trực tiếp tại 3 phiên toàn thể, tập trung vào các nhóm vấn đề sau đây: Một là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới trên phương diện kinh tế; hai là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới trên phương diện tư tưởng, chính trị; ba là, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Trung Quốc và những đóng góp với thế giới trên phương diện văn hóa, hội nhập quốc tế.
Các nhà khoa học đã thảo luận sôi nổi tại 3 phiên toàn thể, tập trung phân tích những đóng góp của chủ nghĩa ở Việt Nam, Trung Quốc đối với thế giới trên tất cả các phương diện của đời sống, từ kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, đến ngoại giao, quân sự, giải quyết những vấn đề toàn cầu,…Thực tế cho thấy, những đóng góp này thể hiện qua các thành quả mà Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được trong quá trình phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, những ý kiến trình bày, thảo luận cũng nêu những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam và Trung Quốc cùng những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng và phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội của hai nước.
Tổng kết hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, GS.TS. Phạm Văn Đức cho rằng, với tinh thần khẩn trương, khoa học, nghiêm túc, hội thảo đã hoàn thành chương trình theo đúng mục tiêu đã đặt ra. Những nội dung được trình bày, thảo luận tại hội thảo hết sức phong phú, bám sát chủ đề và nêu được những đóng góp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam và Trung Quốc. Đó là những đóng góp về lý luận vào kho tàng tri thức nhân loại. Những đóng góp đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao các nhà nghiên cứu lý luận Việt Nam, Trung Quốc vì sự phát triển ngày càng dân chủ, tự do và hạnh phúc của hai nước.