Ngày 11/9/2024, tại Tp. Cần Thơ, Hội Triết học phối hợp với Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Học viện Chính trị khu vực IV tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự hội thảo có: GS.TS. Lê Hữu Nghĩa - Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Triết học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Tài Đông Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Phan Công Khanh Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cùng đông đảo các nhà khoa học, giáo viên đang công tác tại các viện nghiên cứu, trường đại học, học viện trong nước.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông (Viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đặt vấn đề về sự cần thiết phải Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Từ đó, PGS.TS. đưa ra giá trị lý luận và thực tiễn mà chủ để của hội thảo đem lại.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.TS. Lê Hữu Nghĩa cho rằng mục tiêu của hội thảo là thảo luận, trao đổi từ các góc nhìn khác nhau về chủ đề xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo có các nhiệm vụ cụ thể là:
1) Góp phần nghiên cứu, lý giải, đánh giá những vấn đề nóng về giá trị ở Việt Nam, nhằm trực tiếp cung cấp cơ sở lý luận và phương pháp luận cho các nhà nghiên cứu và các ngành, các cấp, các cơ quan có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị chuẩn mực con người gắn liền với hệ giá trị gia đình Việt Nam.
2) Nghiên cứu, luận giải làm sáng tỏ quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 về từng hệ giá trị cốt lõi nói trên và về quan hệ cũng như ý nghĩa định hướng thực tiễn của tổng thể các hệ giá trị đó đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
3) Định hình và làm sâu sắc thêm Hệ giá trị quốc gia Việt Nam gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.
Hội thảo gồm 3 phiên: Phiên thứ nhất, dưới sự đồng chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Tài Đông và GS.TS. Hồ Sĩ Quý, có chủ đề “Triết học và hệ giá trị quốc gia”; phiên thứ hai, dưới sự đồng chủ trì của TS. Trần Tuấn Phong và PGS.TS. Vũ Hoàng Công, có chủ đề “Hệ giá trị quốc gia trong mối liên hệ với các hệ giá trị khác”; và, phiên thứ ba, dưới sự đồng chủ trì của GS. Trần Văn Phòng - PGS.TS. Nguyễn Xuân Phong, có chủ đề “Các hệ trị với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Trao đổi, phát biểu tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng hiện tượng lệch giá trị đang gia tăng và trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long – một khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Hiện nay, các ngành, địa phương và tổ chức xã hội đang phối hợp với các nhà khoa học để xác định các hệ giá trị. Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận sâu hơn. Sự thiếu vắng hoặc mờ nhạt của các giá trị định hướng rõ ràng trong thời gian qua đã dẫn đến sự xuống cấp đáng lo ngại trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức và văn hóa ở Việt Nam nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Hội thảo đã kết thúc thành công với nhiều báo cáo chất lượng. Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu thảo luận về những giá trị đặc trưng của người miền Tây, như nghĩa hiệp, khoan dung, hào phóng, thích nghi và năng động, đặc biệt là trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: