Ngày 30/5/2024, được sự đồng ý của đơn vị chủ trì, đề tài khoa học cấp Bộ “Phân hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay: một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (giai đoạn 2023 - 2024) do TS. Vũ Thị Thu Hằng làm chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo khoa học trong khuôn khổ kế hoạch được phê duyệt thực hiện của đề tài giai đoạn năm 2024.
Tham dự Hội thảo, về phía đơn vị chủ trì có sự tham gia của TS. Trần Tuấn Phong, Phó Viện trưởng Viện Triết học; TS. Vũ Thị Kiều Phương, Phó Viện trưởng Viện Triết học. Về phía các khách mời, chuyên gia có: GS.TS. Phạm Văn Đức, Hội Triết học; GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Hội Triết học; GS.TS. Trịnh Duy Luân, Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; TS. Nguyễn Đình Hòa, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Triết học. Tham dự Hội thảo còn có sự hiện diện của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Triết học và nhóm thành viên thực hiện đề tài.
Mục đích của Hội thảo là nhằm trao đổi khoa học, đánh giá, thảo luận các vấn đề có liên quan, xoay quanh chủ đề chính của đề tài, như: tập trung làm rõ thực trạng phân hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay (trên các lĩnh vực cụ thể như kinh tế, giáo dục và y tế, văn hóa), phân tích các vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra những định hướng giải pháp trong việc giải quyết vấn đề phân hóa xã hội ở Việt Nam.
Trong bài phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Văn Đức nhấn mạnh đến ý nghĩa của chủ đề Hội thảo cũng như đề tài nghiên cứu. Vấn đề phân hóa xã hội ở Việt Nam là một lĩnh vực nghiên cứu đa ngành, liên ngành khoa học, do đó từ phương diện triết học cần tập trung luận giải, phân tích xu hướng và dự báo về diễn tiến cũng như tình hình của xu hướng phân hóa xã hội trong tương lai dựa trên những bằng chứng và cứ liệu của hiện thực đã được các nghiên cứu thứ cấp chỉ ra.
GS.TS. Hồ Sĩ Quý nêu quan điểm, khi phân tích thực trạng phân hóa xã hội ở Việt Nam theo lát cắt từng lĩnh vực cụ thể trong xã hội cần chú ý các tiêu chí đánh giá, đặc biệt là các tiêu chí trong phân tích thực trạng phân hóa xã hội trong lĩnh vực văn hóa bởi đây là một lĩnh vực rộng, các đại lượng để đo lường còn trừu tượng.
Các đại biểu cùng các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã nghe 05 báo cáo tham luận, tập trung vào các vấn đề nổi bật như: “Phân hóa xã hội về kinh tế” của GS.TS. Trịnh Duy Luân (Viện Xã hội học), “Thực trạng phân hóa xã hội về văn hóa” của ThS. Nguyễn Thị Vân Anh (Viện Triết học), “Thực trạng phân hóa xã hội về giáo dục, y tế và một số vấn đề đặt ra” của ThS. Hoàng Thị Thúy An (Viện Triết học), “Phân hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Phạm Thị Hường (Viện Triết học), “Kinh nghiệm giải quyết vấn đề phân hóa xã hội ở Hàn Quốc và gợi ý cho Việt Nam” của TS. Đào Vũ Vũ (Viện Triết học). Hội thảo cũng dành thời lượng lớn trong phiên thảo luận để các đại biểu, các nhà khoa học tham dự cùng trao đổi, bình luận, đặt câu hỏi thảo luận làm rõ hơn các vấn đề xoay quanh chủ đề của Hội thảo.
Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở và khoa học của các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã thực sự tạo nên bầu không khí học thuật sôi nổi, giàu ý nghĩa. Hội thảo trở thành diễn đàn trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu kết quả nghiên cứu. Đáng lưu ý, các nhà khoa học cũng đạt được sự thống nhất quan điểm đối với chủ đề của Hội thảo đó là trong nghiên cứu phân hóa xã hội cần xem xét tính tác động, ảnh hưởng hai chiều đến sự phát triển ổn định của xã hội. Chủ đề của Hội thảo là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết cần được tiếp tục nghiên cứu và thảo luận ở các chương trình nghiên cứu sâu hơn và rộng hơn với sự tham gia không chỉ của các nhà khoa học, qua đó góp phần tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước trong công tác quản lý phát triển xã hội.
Một số hình ảnh tại Hội thảo: