Trong hai ngày 22 và 23/4/2024 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung Đông Nam Á, văn phòng Hà Nội và Trường Đại học Quy Nhơn đã tổ chức thành công Hội thảo quốc tế với chủ đề “Quản lý phát triển xã hội: kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế”. Đây là Hội thảo quốc tế lần thứ sáu được tổ chức nhằm tiếp tục chuỗi chủ đề liên quan đến các vấn đề dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng xã hội, quản lý phát triển xã hội... trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.
Hội thảo có sự tham dự trực tiếp và trực tuyến của hơn 70 đại biểu trong nước là các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên hiện công tác tại: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định, Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Quy Nhơn, Trung Tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và xã hội tỉnh Bình Định, Trường chính trị Lê Duẩn tỉnh Quảng Trị, Học viện Quản lý giáo dục, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Kỹ thuật - Mật mã, Trường Đại học Mỏ - Địa chất,… Đặc biệt, Hội thảo vinh dự được đón tiếp TS. Phan Chí Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tham dự và phát biểu. Về phía khách mời quốc tế, có sự tham gia của diễn giả đến từ các quốc gia: Slovakia, Trung Quốc, Lào, Ấn Độ. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được tổng số 40 bài tham luận liên quan đến chủ đề Hội thảo..
Phát biểu chào mừng hội thảo, TS. Phan Chí Hiếu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Vấn đề quản lý phát triển xã hội và hoàn thiện mô hình quản lý phát triển xã hội có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, thuật ngữ “quản lý phát triển xã hội” lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng; theo đó, tăng cường quản lý phát triển xã hội được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Đến Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”. Trên cơ sở đó, Đảng và Nhà nước tiếp tục có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội trên tất cả các phương diện như: Xây dựng chính sách xã hội, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Theo đó, Hội thảo khoa học quốc tế do Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung Đông Nam Á, văn phòng Hà Nội phối hợp tổ chức với chủ đề “Quản lý phát triển xã hội: Kinh nghiệm Việt Nam và quốc tế” có ý nghĩa thiết thực: Thứ nhất, tạo diễn đàn để các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học trong quản lý phát triển xã hội và xây dựng mô hình quản lý phát triển xã hội trên các phương diện ở mỗi quốc gia; thứ hai, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp tiếp tục hoàn thiện phương pháp, cách tiếp cận, lý thuyết và mô hình quản lý phát triển xã hội, hiện thực hóa các giá trị của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; thứ ba, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc thực hiện nhiệm vụ tăng cường hiệu quả quản lý phát triển xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, góp phần cung cấp những luận chứng khoa học phục vụ tổng kết 40 năm công cuộc đổi mới của Việt Nam và chuẩn bị xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học, Trưởng Ban Tổ chức hội thảo cũng khẳng định rõ: Quản lý sự phát triển xã hội và quản lý để xã hội phát triển là hai mặt của một vấn đề. Mục tiêu cơ bản của nó là quản lý thế nào để xã hội được phát triển và mọi người đều được hưởng một cách công bằng thành quả của sự phát triển. Nội dung cơ bản của quản lý phát triển xã hội là hiệu quả, trách nhiệm, minh bạch, phương thức của quản lý phát triển xã hội là hệ thống luật pháp, chính sách phù hợp với thực tiễn; đảm bảo môi trường cho sự phát triển; công bằng và dân chủ kinh tế, các rào cản được xóa bỏ, các nguồn lực được tập trung và sử dụng hiệu quả; hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật hoạt động theo nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, quyền lực được kiểm soát. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhắc đến hai khái niệm là “quản lý phát triển” và “quản lý xã hội” với tư cách là hai nội dung quan trọng nhất của đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Vấn đề quản lý phát triển xã hội cũng không tách rời vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) cũng xác định: “Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hoá bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”. Có thể nói, quản lý phát triển xã hội là một chủ đề quan trọng và phức tạp của xã hội hiện đại, là một nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, thường xuyên mà Việt Nam phải nhận thức và vận hành tốt trong giai đoạn hiện nay.
Với tinh thần đó, 13 tham luận đã được các diễn giả tập trung thảo luận sôi nổi tại 3 phiên toàn thể, 1 phiên diễn đàn bàn tròn và 1 buổi khảo sát về thành tựu quản lý phát triển xã hội trong lĩnh vực văn hóa tại Tây Sơn, Bình Định. Các nội dung thảo luận của Hội thảo tập trung vào 3 nhóm chủ đề chính sau đây:
- Thứ nhất, quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam.
- Thứ hai, quản lý phát triển xã hội: kinh nghiệm quốc tế.
- Thứ ba, quản lý phát triển xã hội theo các góc nhìn cụ thể.
Tổng kết hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tài Đôngđánh giá cao chất lượng của các báo cáo tham luận và ý kiến trao đổi, kiến nghị của các chuyên gia, đại biểu tham dự. Những phân tích, luận giải, đánh giá của các đại biểu tham dự có thể mở ra những chủ đề tranh luận bên lề hội thảo và hơn thế, mở ra chủ đề cho những hội thảo khoa học, thỏa thuận hợp tác giai đoạn tiếp theo trong thời gian tới. PGS.TS. Nguyễn Tài Đông cũng cho biết, với chất lượng khoa học đạt được, các bài tham luận sẽ nhanh chóng được tuyển chọn đăng tải trên Tạp chí Triết học, đồng thời biên tập, dịch, hiệu đính và xuất bản thành sách trong năm 2025 (ấn bản tiếng Việt và tiếng Anh xuất bản tại Việt Nam).
Một số hình ảnh tại hội thảo: