Chiều ngày 11/4/2024, Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Theo dấu Phật hoàng – Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử” tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang.
Tham dự Tọa đàm, về phía tỉnh Bắc Giang, có ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang; ông Trần Văn Lạng - Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang; ông Dương Công Định, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Nam; ông Nguyễn Văn Đăng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Lục Nam; v.v.. Về phía Viện Triết học có PGS.TS. Nguyễn Tài Đông, Viện trưởng Viện Triết học; PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Triết học; cùng với một số nhà khoa học trong và ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như: PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm; PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi, Viện Sử học; TS. Nguyễn Văn Phong, Trưởng phòng Phòng Lịch sử và Văn hóa Phật giáo, Viện Trần Nhân Tông;…
Mục đích chính của Tọa đàm là nhằm đánh giá các giá trị, làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử, vị trí, vai trò của vùng đất Lục Nam nói riêng, vùng đất Tây Yên Tử nói chung trên con đường hoằng pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông; từ đó, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi, thảo luận, tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nổi bật của vùng đất Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử - Bắc Giang, tôn vinh giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử ở vùng Lục Nam, góp phần bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế về di sản để phát triển kinh tế - xã hội địa phương; mở ra cơ hội thu hút đầu tư du lịch, nhất là du lịch tâm linh - sinh thái, tạo động lực để du lịch Bắc Giang nói chung, du lịch huyện Lục Nam nói riêng phát triển đột phá trong tương lai.
Trong Bài phát biểu đề dẫn, PGS.TS. Nguyễn Tài Đông đã nhấn mạnh: Tọa đàm nhằm bổ sung thông tin, tư liệu, làm rõ hơn những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của huyện Lục Nam trong dòng chảy của lịch sử dân tộc, cũng như trong mối quan hệ với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Phật Hoàng Trần Nhân Tông; đồng thời đưa ra định hướng nghiên cứu, các góc nhìn đa chiều và phương án triển khai nhằm góp phần phát triển kinh tế - văn hóa của huyện Lục Nam trong thời gian tới trên cơ sở chắt lọc các giá trị cốt lõi của văn hóa Lục Nam, cũng như những điểm cốt tủy trong tư tưởng và văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.
Các đại biểu cùng các nhà khoa học tham dự Tọa đàm đã lắng nghe 04 báo cáo tham luận, tập trung vào các vấn đề nổi bật như: “Lục Nam từ góc nhìn địa văn hóa” của PGS.TS. Trần Trọng Dương (Viện Nghiên cứu Hán Nôm); “Lục Nam trong không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử): tư liệu và nhận thức” của TS. Nguyễn Anh Thư (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội); “Lục Nam và hệ thống chùa thời Lý, Trần” của TS. Trần Anh Dũng (Hội Khảo cổ học Việt Nam); “Di sản văn hóa tại huyện Lục Nam” của nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng (Nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang). Tọa đàm cũng dành thời lượng lớn để các đại biểu, các nhà khoa học có mặt cùng bình luận, đặt câu hỏi, thảo luận về các vấn đề xoay quanh chủ đề của Tọa đàm.
Nhìn chung, các báo cáo trong Tọa đàm đều khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật của vùng đất Lục Nam trong không gian văn hóa Tây Yên Tử - Bắc Giang, tôn vinh giá trị di sản Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và di tích, danh thắng Tây Yên Tử. Trên cơ sở những tư liệu và nhận thức đó, các nhà khoa học cũng gợi mở và đề xuất một số định hướng nghiên cứu và phát triển văn hóa của huyện Lục Nam nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.
Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở và khoa học, Tọa đàm thực sự trở thành diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý trao đổi các kết quả nghiên cứu cũng như chia sẻ kinh nghiệm quản lý của mình. Với ý thức trách nhiệm trước sự nghiệp phát triển kinh tế - văn hóa của đất nước nói chung cũng như tỉnh Bắc Giang nói riêng, với tinh thần khoa học, hợp tác cùng phát triển, các nhà khoa học, nhà quản lý tham dự Tọa đàm đã có nhiều ý kiến có giá trị đóng góp vào sự thành công của Tọa đàm. Có thể nói, chủ đề của Tọa đàm cũng chính là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp thiết cần được tiếp tục nghiên cứu và thảo luận ở các chương trình nghiên cứu sâu hơn và rộng hơn với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà tu hành và doanh nghiệp; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa của dân tộc nói chung, phát huy hiệu quả đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế di sản văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng.
Một số hình ảnh khác tại tọa đàm: