70 năm qua, có lẽ ít văn kiện nào của Đảng mà ý nghĩa và giá trị của nó đối với cách mạng Việt Nam lại được nghiên cứu, bàn luận nhiều như Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943). Đã có nhiều cách lý giải khác nhau về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đặc biệt này, về cách tiếp cận vấn đề, về nội dung của Đề cương và những bài học lịch sử rút ra từ đó. Bài viết này muốn góp tiếng nói vào việc làm rõ thêm những vấn đề đó của văn kiện nổi tiếng này từ góc nhìn của phương pháp luận triết học.
1. Thông thường, để đánh giá, xem xét một sự vật, hiện tượng, trước hết phải đặt sự vật, hiện tượng ấy vào điều kiện lịch sử của nó. Việc nhận định những vấn đề liên quan đến Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu có tính nguyên tắc này.
Theo đó, cần thấy rằng, ở nước ta vào đầu những năm 40 của thế kỷ XX, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội hết sức rối rắm và phức tạp. Thực dân Pháp đã biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu cũ, nhưng Pháp lại vừa mới thua trận. Nhân danh phe thắng thế, phát xít Nhật lại hùng hổ nhảy vào. Tình thế ấy đặt nhân dân ta vào cảnh “một cổ hai tròng” với sự áp bức dã man của hai kẻ thù không đội trời chung nhưng lại đang tranh giành một miếng mồi béo bở. Vì thế, vùng dậy đấu tranh, đuổi giặc, cứu nước trở thành cứu cánh duy nhất và có ý nghĩa sống còn đối với toàn dân tộc. Vấn đề huy động lực lượng cho một cuộc cách mạng làm thay đổi vận mệnh dân tộc trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.(*)
Nhưng, để làm được điều đó, trước tiên cần phải có lý luận cách mạng làm điều kiện, tiền đề. Bởi, chỉ có như vậy mới thức tỉnh được quần chúng, định hướng được nguồn lực, quy tụ được sức mạnh. Đối tượng phù hợp nhất để đáp ứng yêu cầu này không thể là ai khác ngoài tầng lớp trí thức đương thời. Nhưng bản thân tầng lớp này, như thực tế lịch sử cho thấy, lại đang bị chia rẽ bởi những khuynh hướng văn hóa - tư tưởng hết sức khác nhau.
Như chúng ta đã biết, ngay sau khi Nhật nhảy vào Đông Dương, một bộ phận trí thức tỏ ra “thức thời”, một mặt, họ chủ trương bài Pháp, quay sang chê bai và miệt thị văn hóa phương Tây; mặt khác, lại tỏ rõ lòng tin mù quáng vào thuyết “đồng văn, đồng chủng”, ca ngợi hết lời phong tục, tập quán và tinh thần “võ sĩ đạo” của văn hóa Nhật. Trào lưu “cạo trọc đầu”, nói tiếng Nhật bồi,... nhanh chóng trở thành “mốt”, được nhiều trí thức a dua, bắt chước. Một số người trong số này còn cam tâm làm tay sai cho Nhật, lún sâu vào con đường phản nước, hại dân.
Trong khi đó, một bộ phận trí thức khác thì ngược lại, tỏ rõ lòng trung thành với “người cũ”, tung hô khẩu hiệu “Pháp - Việt phục hưng”, hết lòng ca ngợi công lao “khai sáng” của Pháp, nhiệt thành chứng minh cho sự “đồng quy” giữa tôn chỉ “cần lao, gia đình, Tổ quốc” của văn hóa Pháp với truyền thống Nho giáo trước đó của văn hóa Việt Nam. Một số trí thức cực đoan trong số đó, dưới sự hậu thuẫn của Pháp, đã chuyển sang công khai chống lại Đảng Cộng sản Đông Dương. Họ thành lập cả nhà xuất bản để tuyên truyền chủ nghĩa Tờrốtkít, phủ nhận và bôi nhọ lịch sử oai hùng của dân tộc.
Tuy nhiên, thực tế lịch sử cho thấy, phần đông trí thức Việt Nam lúc bấy giờ, dù giàu lòng tự tôn dân tộc, đặc biệt khát khao về dân chủ và tự do, nhưng do chưa được thức tỉnh về con đường giải phóng nên, hoặc là còn đang mò mẫm tìm đường, hoặc là đóng cửa “án binh bất động”, nghe ngóng, chờ thời. Thậm chí, nhiều người trong số họ tìm thú vui trong những “nghiên cứu” vô thưởng, vô phạt hay tự thỏa mãn với những “tìm tòi” siêu thực, bí hiểm, cao siêu, v.v. và v.v..
Trong bối cảnh ấy, để thức tỉnh được tầng lớp trí thức đang bị chia năm sẻ bảy, qua đó thức tỉnh được quần chúng nhân dân, Đảng phải có một đường lối văn hóa thực sự đúng đắn, khoa học và phù hợp. Đường lối này phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, đủ để thu phục được tầng lớp trí thức, thống nhất được nhận thức của họ về một trong những vấn đề vốn luôn phức tạp và đặc biệt nhạy cảm này. Nó cũng phải bảo đảm tính lôgíc, ngắn gọn và dung dị để dễ dàng truyền bá cho quảng đại quần chúng trong điều kiện Đảng chưa thể ra hoạt động công khai. Đặc biệt, đường lối này cũng phải thể hiện rõ nguyên tắc tính đảng, tính chiến đấu nhằm hiệu triệu toàn dân theo Đảng bước vào một mặt trận đầy cam go, nhưng sẽ quyết định tương lai của toàn dân tộc - mặt trận văn hóa.
Trên thực tế, Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên đây và còn hơn thế nữa. Điều đó tự nó quy định ý nghĩa và giá trị to lớn về nhiều mặt của văn kiện đặc biệt này đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.
2. Có thể nói, Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) sở dĩ có sức lan tỏa mạnh mẽ và giá trị bền vững là do, bản thân nó, trong nội dung và cấu trúc của nó được tạo dựng và hoàn thiện bởi một phương pháp tiếp cận thực sự khoa học.
Dễ nhận thấy rằng, dù là một văn kiện nhỏ, với dung lượng chỉ trên dưới 1300 từ, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) lại là một công trình khoa học thực sự, lần đầu tiên trình bày văn hóa Việt Nam và những vấn đề có liên quan như một hệ thống cấu trúc với một phương pháp tiếp cận nhất quán. Theo đó, khác với tính chất phiến diện, một chiều thường thấy trong các công trình nghiên cứu trước đó, Đề cương này đã trình bày văn hóa như một hệ thống bao gồm nhiều mặt, nhiều yếu tố, nhiều quá trình khác nhau nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau: Giữa tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; giữa văn hóa, kinh tế và chính trị; giữa các nguyên tắc dân tộc, đại chúng và khoa học; giữa lịch sử, nguy cơ và triển vọng... Hơn nữa, Đề cương này còn đặt các mặt, các yếu tố, các quá trình trên đây trong mối quan hệ qua lại tất yếu giữa chúng với nhau theo một phương pháp tiếp cận duy nhất - quyết định luận duy vật biện chứng, qua đó, làm nổi bật hệ thống các quy luật đã và đang chi phối sự vận động và phát triển của văn hóa Việt Nam.
Với luận điểm coi “...nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội kia”([1]), Đề cương đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với các phương pháp tiếp cận đương thời về văn hóa Việt Nam. Ở đó, với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, văn hóa phải phản ánh và do cơ sở kinh tế quyết định. Đây chính là một nội dung căn bản của một trong những quy luật cơ bản nhất của chủ nghĩa duy vật lịch sử - quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Trên thực tế, với phương pháp tiếp cận này, Đề cương đã trình bày và cắt nghĩa khá chính xác theo lập trường mácxít - lêninnít những vấn đề cốt lõi nhất của văn hóa Việt Nam đương đại: Từ lịch sử có tính giai đoạn đến tính chất của từng giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển văn hóa Việt Nam; từ những nguy cơ hiện hữu đến những nguyên tắc vận động của nó; từ tiền đồ đến mục đích trước mắt cũng như những việc cần kíp của các nhà văn hóa,...
Không dừng lại ở đó, với sức mạnh của công cụ nhận thức khoa học trên đây, Đề cương còn tiến xa hơn khi vạch ra lộ trình của cuộc vận động văn hóa Việt Nam với những hình thức, bước đi và mục tiêu phù hợp với điều kiện lịch sử. Theo đó, mặc dù khẳng định “nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa”(2), nhưng trên cơ sở phân tích điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội lúc bấy giờ, Đề cương đã xác định tính chất của nền văn hóa mới mà Đảng ta chủ trương “chưa phải là văn hóa xã hội chủ nghĩa hay văn hóa Xôviết”(3). Đây là một nhận định hết sức đúng đắn, nó cho phép ngăn ngừa ngay từ đầu những biểu hiện chủ quan, duy ý chí mang tính chất “tả khuynh” - một căn bệnh dễ mắc và khó chữa của một đảng cầm quyền khi hoạch định chính sách và tổ chức thực tiễn. Cũng theo lôgíc ấy, dựa chắc vào nguyên tắc lấy hiện thực lịch sử làm tiền đề, Đề cương đã xác định dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là ba nguyên tắc vận động cho cuộc vận động văn hóa Việt Nam đương đại. Sở dĩ phải dân tộc hóa vì một nền văn hóa dưới ách áp bức của phát xít, thực dân đã và đang bị nô dịch và chia rẽ nặng nề. Đó là một nền văn hóa thiếu hẳn tinh thần độc lập, tự do và thống nhất dân tộc. Đặt nguyên tắc khoa học hóa lên vị trí ưu tiên vì một nền văn hóa muốn thực sự mang tính cách mạng, trước hết nó phải có một nền tảng khoa học chắc chắn làm tiền đề. Trong khi đó, ở một nước nông nghiệp lạc hậu thì chủ nghĩa kinh nghiệm thường lấn át tri thức khoa học và khoa học trong một nước bị đô hộ thì khó mà được ưu tiên phát triển. Phải coi đại chúng hóa là một nguyên tắc của vận động văn hóa vì quần chúng là cội nguồn của sức mạnh, là chủ thể đích thực của mọi giá trị văn hóa. Nhưng trên thực tế, văn hóa lại đang trở thành, hoặc là thứ xa xỉ mà quần chúng không thể với tới, hoặc là những sản phẩm hổ lốn, độc hại, phản giá trị mà quần chúng không thể thụ hưởng và tiếp biến. Đó thực sự là ba nguyên tắc cơ bản nhất, không thể tách rời nhau, phản ánh đúng nhất thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Đồng thời, đây cũng là ba khẩu hiệu hành động, hướng đội ngũ trí thức theo Đảng xây dựng một nền văn hóa mới cho tương lai của dân tộc.(2)
Tuy nhiên, điều đặc sắc nhất của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) là ở chỗ, mặc dù là công trình về văn hóa, nhưng nó lại không chủ yếu bàn về văn hóa nói chung, không quá chú trọng đến các vấn đề về học thuật hay câu từ, mà tư tưởng xuyên suốt của nó là vấn đề về văn hóa giải phóng và giải phóng văn hóa Việt Nam khỏi xiềng xích của văn hóa trung cổ và nô dịch. Điều này lý giải tại sao những thuật ngữ mà chúng ta đã biết và quen dùng trong xây dựng một nền văn hóa, như “xây”, kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” làm chính,... hầu như không xuất hiện trong văn kiện quan trọng này. Trong khi đó, những thuật ngữ như “mặt trận”, “chống”, “tranh đấu”,... lại chiếm vị trí ưu tiên và được luận bàn khá công phu, tỉ mỉ. Có người coi đó là những hạn chế lớn của Đề cương này, nhưng những hạn chế đó, nếu đúng thì cũng là những hạn chế cần thiết và khó tránh khỏi của bất kỳ một công trình nào bàn về một vấn đề hết sức lớn và phức tạp như văn hóa dưới dạng một đề cương phác thảo, với mục đích trước hết phục vụ cho luận chiến, lại trong điều kiện Đảng chưa nắm được chính quyền.
3. Từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), chúng ta có thể rút ra những bài học lịch sử là bởi, trước hết, nó là một công trình phản ánh trí tuệ tập thể; sau đó, bản thân nó cũng có những đặc tính cho phép nó được bổ sung, hoàn thiện và trên thực tế, đã nhiều lần được bổ sung, hoàn thiện cùng tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Lịch sử đã ghi nhận rằng, đồng chí Trường Chinh là người khởi thảo Đề cương này, đồng thời cũng là người trước tiên và luôn đi đầu trong việc “giải thích thêm”, bổ sung và hoàn thiện văn kiện này cho phù hợp với yêu cầu của các giai đoạn cách mạng. Trong các bài báo Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này (viết cùng năm 1943); Một con quỷ đội lốt mácxít (viết năm 1945) và đặc biệt là trong báo cáo trình bày tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (tháng 7/1948) với tiêu đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã làm rõ hàng loạt vấn đề mà Đề cương này chưa có điều kiện trình bày hoặc trình bày một cách chưa đầy đủ, chưa thuyết phục, như khái niệm mở rộng về văn hóa; về nội dung, tính chất, mối quan hệ giữa các nguyên tắc; về chủ nghĩa Tờrốtkít ở Việt Nam; về nội dung và hình thức của nền văn hóa mới cũng như vấn đề kế thừa có chọn lọc các nền văn hóa khác nhau trên thế giới để làm giàu nền văn hóa Việt Nam,...
Cũng với tinh thần thực sự cầu thị, sau báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) còn tiếp tục được mở rộng, điều chỉnh và hoàn thiện bằng hàng loạt các chủ trương, nghị quyết về văn hóa và văn nghệ của Đảng; trong đó, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là đỉnh cao về đường lối văn hóa của Đảng ta trong thời kỳ mới.
70 năm đã trôi qua kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) ra đời, cách mạng Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài với những giai đoạn chuyển đổi có tính bước ngoặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề cương này đã và đang hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình. Nghiên cứu sự ra đời và quá trình bổ sung, phát triển của Đề cương này, chúng ta lại có thêm những bài học mới.
Một là, bài học về sai lầm và sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. Đảng, Đề cương, đường lối, chủ trương, chính sách,... có thể có hạn chế, sai lầm, cũng như một con người khó có thể tránh khỏi những hạn chế, khuyết điểm. Vấn đề là ở chỗ, thái độ đối với khuyết điểm, hạn chế, sai lầm đó như thế nào. Từ chối nhận khuyết điểm, hạn chế, sai lầm sẽ không có cơ may sửa chữa để phát triển. Đó là một sai lầm tiếp theo. Nhưng thừa nhận khuyết điểm, sai lầm cho qua chuyện, coi đó như một “mốt” thời thượng mà không thực sự quyết tâm sửa chữa thì đó là nguy cơ thực sự của một đảng cầm quyền. Bài học này dù không mới, nhưng chưa bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Hai là, bài học về mối quan hệ giữa “chống” và “xây” trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển của cách mạng, nhất là ở những thời điểm chuyển đổi có tính chất bước ngoặt thì kẻ thù tư tưởng đủ loại của hệ tư tưởng của Đảng luôn mọc lên như nấm sau đợt mưa rào. Cuộc đấu tranh chống lại những tư tưởng thù địch là tất yếu và hết sức quyết liệt. Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong khi luận chiến chống lại những tư tưởng thù địch, chúng ta phải luôn coi việc xây dựng, hoàn thiện, làm mới hệ tư tưởng của Đảng là chính, là nhân tố giữ vai trò quyết định cho thắng lợi của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này. “Chống” mà không “xây”, như thực tế cho thấy, trong trường hợp tốt nhất, chúng ta vẫn bị tụt hậu về mặt lý luận và do vậy, sẽ gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh chống lại kẻ thù tư tưởng của Đảng.
Ba là, bài học về việc giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình phát triển. Đã có thời vì quá đề cao “văn hóa tập thể” nên chúng ta đã lảng tránh kinh tế thị trường, coi đó như là “cha đẻ” của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Nhưng cũng có lúc dường như chúng ta lại quá nhấn mạnh kinh tế thị trường mà dè bỉu “chủ nghĩa tập thể”, coi đó như là rào cản của mọi sự phát triển. Thực ra, đó là hai thái cực của cùng một sai lầm – bệnh cực đoan. Thực tiễn cho thấy rằng, sự “thiếu hụt văn hóa” không chỉ là sản phẩm của tình trạng kinh tế lạc hậu, kém phát triển, mà còn là “cái giá phải trả” của sự phát triển kinh tế nhưng không được định hướng về mặt văn hóa. Đơn giản bởi vì, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Lịch sử sẽ tiếp tục phát triển với những bước quanh co, phức tạp, nhưng tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) vẫn còn nguyên các giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc. Đề cương này vẫn là một lý luận, một cương lĩnh chỉ đạo tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, giá trị đó phải được vận dụng và cụ thể hóa trong điều kiện mới hiện nay. Nghiên cứu, khai thác giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) là một quá trình liên tục cùng với những bước tiến của cách mạng, không phải chỉ một lần, một giai đoạn cụ thể là xong. q