1. Biểu hiện cụ thể của sự thất tín trong các lĩnh vực hoạt động thương mại ở Trung Quốc
Năm 2011, Trung Quốc xảy ra rất nhiều hiện tượng thất tín trong kinh doanh được cả nước quan tâm chú ý.
Ngày 26 tháng 1 năm 2011, Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc cho biết, siêu thị Carrefour bị cáo buộc gian lận giá cả, có những hành vi gian lận giá cả như dùng giá thấp để thu hút khách hàng nhưng thanh toán lại bằng giá cao, niêm yết giá được ghi rất dễ gây nhầm lẫn, không thực hiện lời hứa giá cả. Hôm đó Carrefour đã xin lỗi người tiêu dùng, đồng thời cam kết nghiêm chỉnh chấp hành chính sách “nếu giá thu ngân cao hơn giá niêm yết thì sẽ bồi thường gấp 5 lần”.
Ngày 15 tháng 3 năm 2011, chương trình “Báo cáo chất lượng hàng tuần” của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin: Trại nuôi lợn ở Mạnh Châu tỉnh Hà Nam đã sử dụng thuốc đã bị cấm sử dụng là clebuterol để chăn nuôi lợn. Clebuterol có thể làm tăng hàm lượng thịt nạc cho động vật, giảm chi phí, đồng thời có thể làm cho thịt sớm được đưa ra thị trường, nhưng clebuterol có độc tính tương đối mạnh, sử dụng lâu dài sản phẩm thịt có chứa clebuterol sẽ dẫn đến biến dạng nhiễm sắc thể, gây bệnh ung thư ác tính. Sau đó, việc điều tra và phá vụ án này đã đạt được những tiến triển quan trọng, bắt giữ 96 nghi can. Ngày 25 tháng 7 những thủ phạm chính của vụ án đã bị Tòa án nhân dân trung thẩm thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam kết án tử hình.(*)
Ngày 11 tháng 4 năm 2011, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin siêu thị Hoa Liên (Thượng Hải) nhiều năm nay tiêu thụ “bánh bao nhiễm độc” (bánh bao quá hạn được thu hồi rồi tẩm thuốc làm thành mới. Sử dụng chất phụ gia có hại cho sức khỏe như chất bảo quản, phẩm màu nhân tạo và chất phụ gia). Hai ngày sau, Cục Giám sát chất lượng kỹ thuật thành phố Thượng Hải đã thu hồi giấy phép sản xuất của một nhà máy chế biến thực phẩm ở Thượng Hải vì đã sản xuất “bánh bao nhiễm độc”. Có 5 bị can đã bị Bộ Công an xử phạt theo pháp luật.
Trên đây là những vụ án thất tín thương mại của một số doanh nghiệp gây ảnh hưởng rất lớn ở Trung Quốc năm 2011. Việc làm thất tín của công ty nổi tiếng quốc tế như Carrefour đã gây cú sốc lớn đối với người tiêu dùng Trung Quốc, vì họ vẫn luôn cho rằng những công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới này có tiêu chuẩn đạo đức thương mại tương đối cao. Những vụ án “thịt lợn chứa clebuterol” và “bánh bao nhiễm độc” đã làm trầm trọng thêm tâm lý hoài nghi và lo sợ đối với an toàn thực phẩm của người tiêu dùng Trung Quốc. Những vụ thất tín thương mại xảy ra thường xuyên ở một số nơi của Trung Quốc có những biểu hiện cụ thể sau:
Một là, sản xuất và tiêu thụ hàng giả kém chất lượng. Phạm vi, chủng loại hàng giả kém chất lượng ngày càng nhiều, mức độ nguy hại ngày càng tăng. Những năm gần đây, không chỉ những mặt hàng như thuốc, rượu, thực phẩm, mỹ phẩm tồn tại hàng giả kém chất lượng mà cả thuốc, máu bệnh viện dùng để chữa bệnh cứu người cũng xuất hiện hàng giả kém chất lượng, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn tính mạng người dân.
Hai là, doanh nghiệp và người bán hàng gian lận, lừa đảo. Trong hoạt động thương mại, một số doanh nghiệp và người bán hàng dựa vào ưu thế nắm bắt nguồn lực và thông tin đã gian lận chất lượng và gian lận giá cả với người tiêu dùng, không thực hiện đúng lời hứa cam kết dịch vụ hoặc không chu đáo đến nơi đến chốn, người tiêu dùng bị lừa. Đồng thời quảng cáo giả tạo tràn lan, những thông tin quảng cáo lừa đảo khiến cho người tiêu dùng khó mà phân biệt thật giả đối với nhiều thông tin phức tạp trên thị trường, nảy sinh tâm lý không tín nhiệm, làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Ba là, môi trường tín dụng doanh nghiệp của xã hội tương đối thấp. Hiện nay, khoảng cách giữa môi trường tín dụng thương mại của Trung Quốc và các quốc gia phát triển kinh tế thị trường là tương đối lớn, hệ thống pháp luật và pháp quy có liên quan hoàn thiện, mức độ xử phạt những hành vi thất tín còn quá nhẹ, hệ thống quản lý chữ tín thương mại vẫn chưa hình thành. Theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, doanh nghiệp Trung Quốc mỗi năm bị tổn thất kinh tế trực tiếp và gián tiếp khoảng 600 tỷ nhân dân tệ do thiếu tín dụng. Số liệu nghiên cứu cho thấy, hiện nay tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp Trung Quốc từ 1% đến 2%, và có xu hướng ngày càng tăng. Tỷ lệ nợ xấu của các doanh nghiệp ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển thường từ 0,25% đến 0,5%; Trung Quốc mỗi năm ký khoảng 4 tỷ hợp đồng, trong đó tỷ lệ thực hiện chỉ có 50%.
Chữ tín được coi là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp. Đối diện với hiện tượng thất tín trong kinh doanh xuất hiện không ngừng, Chính phủ Trung Quốc đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, bởi vì mất chữ tín trong kinh doanh, gian lận trong hoạt động thương mại không chỉ nguy hại đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, phá hoại trật tự vận hành xã hội kinh tế thị trường, mà còn tổn hại đến công bằng xã hội, xâm hại lợi ích của người tiêu dùng, cản trở sự tiến bộ, văn minh và đạo đức của xã hội. Để giải quyết vấn đề thất tín trong kinh doanh, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể các cấp của Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp. Một số hoạt động dưới nhiều hình thức, như thẩm định chữ tín thương mại, hội thảo về chữ tín trong kinh doanh, xây dựng thương hiệu chữ tín trong kinh doanh đã diễn ra. Tuy nhiên, những hoạt động này thường chỉ là hình thức và khẩu hiệu, việc xây dựng chữ tín trong kinh doanh rất khó triển khai thực hiện và hiệu quả không rõ rệt. Muốn giải quyết được vấn đề chữ tín trong kinh doanh của Trung Quốc, trước hết phải làm rõ những vấn đề nổi cộm liên quan đến chữ tín trong kinh doanh là gì? Trên cơ sở đó mới có thể xác lập các đối sách tương ứng.
2. Những vấn đề nổi cộm liên quan đến chữ tín trong thương mại của Trung Quốc
Vấn đề thứ nhất: Chữ tín trong kinh doanh có chi phí cao, khó có thể hình thành cơ chế ưu đãi đối với hoạt động kinh doanh đảm bảo chữ tín.
Kinh tế thị trường vốn có đặc trưng là theo đuổi hiệu quả và lợi nhuận. Trong điều kiện kinh tế thị trường, theo đuổi tối đa hóa lợi nhuận là “dòng máu kinh tế mạnh mẽ đang chảy trong huyết quản của nhà kinh doanh”. Đối diện với sự cạnh tranh dữ dội trên thị trường, để tồn tại một số nhà kinh doanh thương mại đã lựa chọn những hành vi thất tín, như gian lận, làm giả bán giả, trốn nợ. Dưới cơ chế kinh tế thị trường vốn chưa hoàn thiện ở Trung Quốc hiện nay, những hành vi thất tín như vậy thường mang lại lợi ích không chính đáng. Từ lâu, trong hoạt động giao dịch thương mại câu “giữ chữ tín thì thua lỗ, không giữ chữ tín thì giàu có” đã trở thành một tín ngưỡng kinh doanh thương mại và được thực thi. Trong những vụ án thất tín thương mại kể trên, thương gia đã dùng những thủ đoạn đi ngược lại đạo đức kinh doanh, coi nhẹ quyền lợi và an toàn tính mạng của người tiêu dùng nhằm mục đích thu được lợi ích kinh tế lớn nhất.
Hoạt động kinh doanh của bất cứ thương gia nào cũng đều không biệt lập, mà cần có sự giao lưu kinh tế với các thương gia khác. Kinh doanh thương mại là một hoạt động liên quan đến quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích và quan hệ đạo đức đa phương, nếu một bên giữ chữ tín, bên kia lại thất tín thì hậu quả hoặc là không đạt được giao dịch và trao đổi, hoặc là một bên chịu tổn thất trong vụ giao dịch và trao đổi này, còn bên thất tín sẽ đạt được những lợi ích không chính đáng. Đối với những thương gia theo đuổi chữ tín trong kinh doanh, không còn nghi ngờ gì đã tăng chi phí để đảm bảo chữ tín và do vậy, lợi ích kinh tế tự thân sẽ bị ảnh hưởng. Còn nếu như chữ tín trong kinh doanh về lâu dài không được bảo đảm thì sẽ xuất hiện hiện tượng “tiền xấu ra tiền tốt” trong kinh tế học, thương gia nào tôn trọng chữ tín thì ngược lại - không thể đạt được sự phát triển tốt. Khi số ít thương gia vì thất tín mà đạt được lợi ích lớn và may mắn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật và thị trường, những thương gia khác để có được ưu thế cạnh tranh cũng ganh đua theo cách làm này mà vứt bỏ nguyên tắc chữ tín thương mại, cơ chế ưu đãi của việc kinh doanh bảo đảm chữ tín thương mại sẽ không thể xác lập được.
Vấn đề thứ 2: Thiếu uy tín trong việc công ảnh hưởng lớn tới uy tín và niềm tin của doanh nghiệp.
Chính phủ, doanh nghiệp và nhà quản lý doanh nghiệp đều là những chủ thể làm việc trên cơ sở cần có chữ tín. Ở Trung Quốc, uy tín của chính phủ được gọi là “uy tín nhà nước”. Tuy các cấp chính quyền vẫn thực hiện những việc cần thiết để bảo đảm uy tín, nhưng hiện tượng mất uy tín trong hệ thống hành chính công vẫn tương đối nghiêm trọng. Ví dụ, một số quyết sách của chính quyền địa phương một số nơi vẫn xuất hiện các hiện tượng “lãnh đạo mới không chịu nhận trách nhiệm về những sự vụ của tiền nhiệm để lại” khi có sự thay đổi người lãnh đạo; một số cơ quan chính quyền địa phương vẫn tồn tại hiện tượng thay đổi, sửa đổi các quyết sách gây mất ổn định và thiếu tính thống nhất, khiến lòng tin của nhân dân với Nhà nước bị tổn thương; một số cơ quan chính quyền địa phương còn đưa ra các yêu cầu hay lời hứa tùy tiện đối với các doanh nghiệp, nhưng sau đó lại không giữ lời hứa, mà những khoản đầu tư của các doanh nghiệp đó khi đã đưa vào đầu tư thực tế thì khó có thể lấy lại, điều này là một trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp khiến họ có thái độ bất bình với các chính sách của Nhà nước; một số ít cán bộ công chức suy thoái về đạo đức khi đại diện cho Nhà nước thực hiện công vụ đã làm nảy sinh sự bất mãn của các doanh nghiệp đối với cá nhân các công viên chức này, dần dần khiến cho các doanh nghiệp mất niềm tin vào Nhà nước, vào Chính phủ.
Các nhà kinh tế học nhìn nhận uy tín là kết quả của sự lựa chọn lý tính của nhân dân. Trong công việc, người làm kinh doanh theo đuổi lợi ích lâu dài sẽ lựa chọn mô hình kinh doanh giữ chữ tín với hy vọng tạo dựng được lợi ích lâu bền. Các doanh nghiệp có mục tiêu phát triển lâu dài sẽ không để thất tín bằng cách nhắm mắt làm liều; bởi vì, họ tin vào tương lai tốt đẹp. Đương nhiên, họ cũng cần phải cân nhắc tới yêu cầu liên hệ mật thiết giữa sự phát triển bền vững và uy tín kinh doanh, yêu cầu này cần phải cao hơn đối với uy tín của chính phủ. Nếu các quyết sách, chính sách vừa ban hành đã thay đổi, không đảm bảo được tính ổn định lâu dài, các doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra nhiều tiền vốn hơn để phù hợp với định hướng của chính phủ và sự thay đổi về chính sách. Tần suất thay đổi về chính sách càng nhanh thì khả năng suy xét tới lợi ích lâu dài của các doanh nghiệp càng ít, hiện tượng mất uy tín trong hoạt động của doanh nghiệp sẽ càng tăng. Khổng Tử, khi nói về quan hệ giữa người làm chính trị và dân chúng, cho rằng, “dân vô tín nhi bất lập”, ý nói nếu dân không tin vào người làm chính trị, thì việc triều chính quốc gia khó mà vững vàng. Uy tín chính là “lập chính chi bản”, khẳng định uy tín là yêu cầu nội tại của việc chính phủ thực hiện đạo đức chính trị của chính họ.
Vấn đề thứ 3: Tâm lý xã hội không tin tưởng lẫn nhau dẫn tới sự khó khăn trong kinh doanh của các doanh nghiệp.
Xã hội Trung Quốc hiện nay đang tồn tại hiện tượng tâm lý không tin tưởng lẫn nhau. Trong lĩnh vực kinh tế, người tiêu dùng không tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ mà các doanh nghiệp cung cấp; trong lĩnh vực chính trị, quần chúng không tin tưởng vào hiệu quả của các chính sách và cách làm việc của các quan chức chính phủ. Về khía cạnh pháp luật, nhân dân không tin tưởng vào tư pháp. Nhân dân mất niềm tin vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống xã hội sẽ từng bước tạo nên sự mất niềm tin với tất cả những người khác. Lòng tin được coi là thứ nằm ngoài nguồn nhân lực và vật lực, là nguồn chủ yếu để quyết định tăng trưởng kinh tế nhà nước và phát triển xã hội. Nguy cơ mất niềm tin trong dân chúng lâu dài nhìn từ góc độ doanh nghiệp là trở ngại lớn đối với việc thiết lập các giao dịch, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển doanh nghiệp, hạn chế tốc độ phát triển kinh tế.
Lòng tin là một hành vi hai chiều, bao gồm tín nhiệm người khác và được người khác tín nhiệm, chỉ có tin tưởng và được tin tưởng cùng tồn tại thì các quan hệ kinh tế và quan hệ đạo đức trong cuộc sống xã hội mới đảm bảo vận hành bình thường và đúng trật tự. Trong đời sống kinh tế - xã hội của Trung Quốc, tâm lý thiếu tin tưởng lẫn nhau sẽ khiến cho mọi người đều phải tính đến lợi ích cá nhân, lo lắng đối tác không giữ chữ tín và lời hứa gây tổn hại cho mình. Tâm lý không tin tưởng lẫn nhau có lợi cho một số cá nhân, một số doanh nghiệp lựa chọn hành vi lừa đảo người khác để trục lợi cho riêng mình. Cho dù việc đó có gây nguy hại tới người khác hay cho xã hội thì cũng không được họ tính đến. Trong các hoạt động kinh tế thương mại trên internet ngày nay của Trung Quốc, do người tiêu dùng và các nhà kinh tế mạng không tin tưởng lẫn nhau, lo sợ đối tác không giữ uy tín khiến việc phát triển kinh tế mạng không thể phổ cập nhanh, không được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Nền kinh tế mạng với mục đích giảm bớt vốn giao dịch lại chưa đạt được kết quả như dự tính ban đầu. Người tiêu dùng Trung Quốc thiếu sự tin tưởng tuyệt đối vào các giao dịch kinh tế trên mạng. Nguyên nhân của tình trạng này là do các môi trường giao dịch kinh tế của các doanh nghiệp trên mạng chưa thực sự đủ an toàn, khiến người tiêu dùng lo sợ bị lừa hoặc gặp phải thiệt hại về kinh tế.
3. Các giải pháp tạo uy tín cho doanh nghiệp
Thứ nhất, nâng cao ý thức cam kết hợp tác của người làm kinh doanh doanh nghiệp.
Kinh tế thị trường đã đánh bại tính tự phát và tính khu vực của sản xuất và trao đổi trong điều kiện phát triển kinh tế tự nhiên, yếu tố sản xuất sản phẩm lao động được luân chuyển và phân phối trong toàn xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các khu vực khác nhau liên kết lại trên cơ sở phụ thuộc lẫn nhau. Mọi người hình thành mối quan hệ đa tầng về kinh tế và đạo đức thông qua phương thức giao tiếp xã hội đặc thù là trao đổi sản phẩm, để giải quyết thỏa đáng mối quan hệ này thì cần phải có sự cam kết dưới các hình thức. Giữa các doanh nghiệp sự cam kết chính là việc đạt được giao dịch thông qua ký kết hợp đồng; mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng biểu hiện cụ thể qua uy tín kinh doanh. Người kinh doanh nếu không muốn thất bại trong cạnh tranh thị trường thì phải thực sự coi trọng “nói được làm được” và lấy đó làm phương châm kinh doanh của mình, bảo đảm sản phẩm và dịch vụ đưa ra không có vấn đề về chất lượng. Nếu có vấn đề, phải kịp thời công khai, đưa ra biện pháp giải quyết, lấy uy tín đổi lấy sự cảm thông và tôn trọng của người tiêu dùng.
Trong hoạt động doanh nghiệp, tinh thần cam kết hợp tác quan trọng hơn tiền vốn và kỹ thuật. Sự đầu tư vốn và dẫn dắt của kỹ thuật là điều kiện bên ngoài của hoạt động doanh nghiệp, có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, nhưng có những yếu tố bên ngoài đó mà lại thiếu tinh thần cam kết hợp tác thì vẫn chưa đảm bảo kinh doanh có uy tín. Tùy theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tinh thần cam kết của các doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển không ngừng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, do chịu ảnh hưởng của văn hóa đạo đức doanh nghiệp Trung Quốc truyền thống, các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ đặc biệt coi trọng vấn đề quan hệ huyết thống, quan hệ địa lý và quan hệ nghề nghiệp, lấy sự tin tưởng lẫn nhau giữa những người quen biết để làm cơ sở chính trong giao dịch, do đó hoạt động doanh nghiệp chưa thoát khỏi quan niệm “giao dịch giữa những người quen biết”.
Kinh tế thị trường mới hiện nay đã bước sang giai đoạn toàn cầu hóa, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải vượt qua các mối quan hệ huyết thống và hạn chế địa lý để giao dịch với các đối tượng không quen biết và người tiêu dùng mới. Hành vi giao dịch và hợp tác giữa các doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào sự tin tưởng giữa những người thân quen, mà phải lấy cơ sở là các hợp đồng. Chỉ có nghiêm túc thực hiện các hợp đồng mới có thể xây dựng được hình tượng đạo đức doanh nghiệp uy tín, từ đó mới có thể nhanh chóng hòa nhập với nền kinh tế trong nước và quốc tế. Do đó, việc nâng cao ý thức cam kết đối với người kinh doanh doanh nghiệp chính là bồi dưỡng ý thức giữ chữ tín, đây cũng là cơ sở của việc kinh doanh có uy tín. Sự ra đời và phát triển của ý thức cam kết cần sự tự giác của người làm kinh doanh, quan niệm đạo đức và quan niệm giá trị của người làm kinh doanh không chỉ là phẩm chất đạo đức mang nét riêng của họ, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới các quyết sách của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới đạo đức nghề nghiệp của nhân viên trong doanh nghiệp. Do đó, có thực hiện được kinh doanh có uy tín hay không, điều quan trọng chính là người kinh doanh doanh nghiệp có ý thức cam kết hay không.
Thứ hai, tăng cường các biện pháp xử lý pháp luật đối với các hành vi thất tín doanh nghiệp.
Pháp luật là biện pháp chủ yếu để kiểm soát xã hội hiện đại, nó có tác dụng hỗ trợ rất quan trọng trong quá trình xây dựng các doanh nghiệp có uy tín. Pháp luật Trung Quốc có một số quy định cụ thể về uy tín doanh nghiệp, nhưng do chưa đảm bảo hoàn thiện trong khâu lập pháp nên còn tồn tại những lỗ hổng cho một số doanh nghiệp thất tín. Đồng thời, mức độ thưởng phạt về uy tín chưa thực sự nghiêm minh đã gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp với tư cách người làm kinh tế sẽ có sự so sánh giữa vốn và lợi ích trong hoạt động giao tiếp kinh tế. Nếu không xử phạt những doanh nghiệp không giữ chữ tín, số vốn của những doanh nghiệp này sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với lợi ích mà họ đạt được. Điều đó cũng có nghĩa là thất tín sẽ mang lại lợi ích. Nếu không phải trả giá cho hành vi thất tín thì các nhà kinh doanh sẽ có xu hướng nghiêng về thất tín, từ đó khuyến khích hành vi vi phạm hợp đồng, thất tín ngày càng nhiều hơn. Những công ty lớn, như Tập đoàn Quốc tế Carrefour nêu trên, sở dĩ có thể làm được việc thiếu đạo đức như vậy ở Trung Quốc chính vì cái giá của uy tín ở Trung Quốc còn quá thấp, việc xử lý theo luật pháp đối với các hành vi thất tín còn quá nhẹ.
Để xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp chế đáng tin cậy, Nhà nước cần phải bảo hộ các doanh nghiệp giữ chữ tín, xử phạt nghiêm các doanh nghiệp không giữ chữ tín. Thông qua việc xây dựng cơ chế xử phạt các doanh nghiệp thất tín một cách nghiêm khắc, dùng các biện pháp cưỡng chế pháp luật để ngăn chặn các hành vi vi phạm của thương gia, vốn giao dịch của các thương gia thất tín sẽ gia tăng. Chỉ cần người kinh doanh doanh nghiệp có trích lục tín dụng không tốt, thì trong thời gian nhất định sẽ không được đăng ký kinh doanh, hay không được hưởng các dịch vụ ngân hàng... khiến các doanh nghiệp này phải tự bỏ ra nguồn vốn lớn và phải trả giá không nhỏ.
Chỉ như vậy mới có thể bảo đảm cho trật tự uy tín thị trường hoạt động bình thường, xác lập vị trí “điều khoản tối thượng” của uy tín giữa các mối giao tiếp xã hội và kinh tế. Đồng thời, sau khi thiết lập được các quy định pháp luật về uy tín, các doanh nghiệp phải nghiêm túc chấp hành. Ở Trung Quốc đã tồn tại tình trạng xử lý không nghiêm túc việc thực hiện pháp luật sau khi được ban hành, các quy định không thể thực hiện triệt để. Điều này sẽ khiến kẻ vi phạm pháp luật có thể đạt được lợi ích lớn. Nếu pháp luật mất tác dụng sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc thực hiện chữ tín của doanh nghiệp và không thể lường được mức thiệt hại của nó.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tín dụng xã hội.
Uy tín nhà nước là định hướng cho uy tín doanh nghiệp. Hệ thống xây dựng uy tín của Trung Quốc là một thể thống nhất bao gồm uy tín nhà nước, uy tín xã hội, uy tín tư pháp và uy tín doanh nghiệp; trong đó, uy tín nhà nước giữ vị trí tiên phong chỉ đạo. Uy tín nhà nước dựa trên bối cảnh văn hóa đạo đức chính trị truyền thống sâu sắc của Trung Quốc, “giữ chữ tín với dân” là quan niệm giá trị quan trọng của đạo đức chính trị truyền thống lâu đời Trung Quốc được các nhà chính trị coi trọng và thực hiện qua nhiều thời đại. Xã hội kinh tế thị trường hiện nay tuy có yêu cầu cao hơn đối với uy tín nhà nước, nhưng vấn đề then chốt vẫn là “giữ chữ tín với dân” và cần thiết phải có sự thay đổi trên tất cả các lĩnh vực thực hiện giữ gìn uy tín nhà nước. Chính phủ là người lãnh đạo và tổ chức hệ thống tín dụng xã hội hoàn thiện, uy tín nhà nước có ảnh hưởng rất lớn tới việc hệ thống tín dụng xã hội có từng bước tiến tới hoàn thiện được hay không. Uy tín nhà nước yêu cầu sự “quang minh chính đại” thông qua chế tài pháp luật để hoàn thiện trình tự quyết sách của Chính phủ, bảo đảm sự sáng suốt của việc chế định chính sách công, nâng cao uy tín của Chính phủ. Khi quyết định những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp, cần phải mở rộng sự tham gia hợp tác của các doanh nghiệp, lấy “quang minh” và công khai làm phương thức thực hiện công vụ doanh nghiệp. Nhà nước phải giành được sự tin tưởng của doanh nghiệp, trở thành tấm gương về giữ chữ tín và niềm tin để các doang nghiệp dựa vào, noi theo.
Nhà nước cần kiện toàn và hoàn thiện hệ thống quản lý uy tín doanh nghiệp. Do khuyết thiếu cơ chế đánh giá cấp độ nguy hiểm tín dụng doanh nghiệp, nên không thể phân biệt rõ những doanh nghiệp giữ chữ tín tốt và những doanh nghiệp không biết giữ chữ tín, đồng thời không thể khích lệ một cách có hiệu quả những doanh nghiệp giữ chữ tín tốt hãy làm tốt hơn nữa và những doanh nghiệp không biết giữ chữ tín hãy nỗ lực đạt được mục tiêu xây dựng chữ tín. Đồng thời, hầu hết các doanh nghiệp ở Trung Quốc thực sự đang tồn tại tình trạng thiếu nhân tài trong lĩnh vực quản lý uy tín, cơ cấu quản lý chữ tín, chức trách, trình tự không thể thực hiện đúng yêu cầu. Năm 2007, Phòng Công vụ thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa ra “kiến nghị về việc xây dựng hệ thống tín dụng xã hội”, trong đó có một số biện pháp mới nhằm xây dựng, phát triển tín dụng doanh nghiệp.
Xung quanh mục tiêu xây dựng uy tín doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống tín dụng xã hội nên coi trọng triển khai theo các bước sau: Thực thi chế độ ký kết hồ sơ thầu và hợp đồng lớn, xây dựng các quy định việc tuân thủ tín dụng, xử lý bằng pháp luật các hình thức gian lận hợp đồng; phát huy tác dụng của hội thương nghiệp, hiệp hội công thương, thúc đẩy xây dựng ngành tín dụng và tự giữ chữ tín; thành lập chế độ cộng hưởng thông tin tín dụng doanh nghiệp; từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống chia sẻ thông tin dựa trên nền tảng của mã hiệu cơ cấu tổ chức doanh nghiệp, hình thành cơ chế liên hợp xử lý những hành vi thất tín, khiến các doanh nghiệp đã một lần thất tín khó có cơ hội lặp lại. Đồng thời, nhìn nhận từ góc độ quản lý chữ tín doanh nghiệp, doanh nghiệp nên coi uy tín là một tài nguyên quan trọng; bồi dưỡng văn hóa giữ uy tín doanh nghiệp, lấy uy tín làm định hướng cho hoạt động doanh nghiệp, để uy tín có thể thâm nhập vào từng hệ thống tổ chức hoạt động doanh nghiệp, vào từng hoạt động doanh nghiệp và hành vi của mỗi nhân viên. q
Người dịch: ThS. NGUYỄN ĐỨC HÒA
(Viện Triết học,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)