Con người là một trong những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học nhân loại. Nguyễn Trãi (1380 - 1442) là một nhà tư tưởng vĩ đại, nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Ông sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đầy biến động của sự chuyển tiếp giữa các vương triều, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Ông đã tiếp thu học thuyết Nho giáo để nỗ lực góp phần xây dựng và đào tạo con người cho triều đại mới - triều đại Lê sơ. Tư tưởng triết học về con người của Nguyễn Trãi đã có những đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng dân tộc.
1. Cách tiếp cận đối tượng con người
Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có triết học. Tư tưởng về con người của Nguyễn Trãi chịu ảnh hưởng của “tam giáo” (Nho, Phật, Đạo), trong đó, Nho giáo chiếm vị thế chủ đạo bởi ông sống trong giai đoạn mà Nho giáo ở nước ta đã có một quá trình phát triển và đạt tới vị trí cao trong hệ tư tưởng của xã hội.
Nho giáo là một học thuyết triết học chính trị - xã hội nên vấn đề con người được đặc biệt quan tâm ở nhiều phương diện: Tính người, đạo làm người, quan hệ của con người, nhân cách lý tưởng, giáo dục con người,... Một trong những đặc điểm của tư tưởng Nho giáo là chú trọng tư tưởng trị nước lấy dân làm gốc, tôn trọng sinh mạng con người, đề cao giá trị đạo đức - nhân văn và nêu rõ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội([1]). Nho giáo tiếp cận con người chủ yếu dựa trên phương diện con người nhân cách, con người nhân nghĩa và hướng tới chủ trương giáo dục và đào tạo con người phụng sự xã hội theo mẫu hình kẻ sĩ, bậc đại trượng phu, quân tử, thánh nhân. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng các nhà Nho Việt Nam, trong đó có Nguyễn Trãi.
Cách tiếp cận vấn đề con người ở Nguyễn Trãi thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau:
Thứ nhất, Nguyễn Trãi quan tâm đến những người lao động mà ông gọi đó là dân, dân chúng, kẻ cấy cày, dân đen, con đỏ, “thương sinh”, người cày, người dân mọn ở thôn cùng xóm vắng, dân phương xa (“hà manh”),..., ông không những bày tỏ lòng thương cảm đối với họ mà còn nêu trách nhiệm cần chăm lo, cứu vớt họ.
Thứ hai, Nguyễn Trãi nhìn con người trong các thân phận xã hội khác nhau. Đó là: Vua, chúa, “thánh vương”, “chủ”, “quân vương”, “thánh chủ”, “đế”, “quan”, “lại”, “tứ dân”, “hào kiệt”, khanh tướng công hầu, người khôn, người trí, bầy dại, đấng thấp, tì thiếp, giai nhân, khách tục, đứa trẻ mồ côi,... Với mỗi hạng người trên, ông đều có sự nhìn nhận và đánh giá riêng về thân phận của họ.
Thứ ba, Nguyễn Trãi đề cao những người mang trách nhiệm giáo hóa nhân quần. Đó là những người của Nho, Phật, Lão: “thánh”, “thánh nhân”, “quân tử”, “trượng phu”, “sĩ”, “kẻ sĩ”, “nho giả”, “nho sinh”, “thiên tử”, “quân vương”, “chúa”, “thần tử” (bề tôi), “nhân nhân quân tử”, đạo sĩ, nhà sư,... Tùy vào chức phận của họ mà ông nêu lên trách nhiệm tương ứng.
Thứ tư, Nguyễn Trãi đặt con người trong các mối quan hệ gia đình và làng xã. Về gia đình, đó là: Cha (“phụ thân”), mẹ (“mẫu thân”), cha mẹ (“cao đường”), con cháu (“tử tôn”, “nhi tôn”), người chồng (“phu”), người vợ (“phụ”), anh em (“huynh đệ”), v.v,.. Về làng xã, đó là: Dân làng, người làng (“hương nhân”),... Với vị trí trong từng mối quan hệ, ông nêu lên các nghĩa vụ tương ứng.
Thứ năm, Nguyễn Trãi quan tâm đến mối quan hệ giữa con người với tự nhiên như nhu cầu tự nhiên của con người (nhu cầu sống, nhu cầu vật chất, tâm sinh lý,...); điều kiện sống gần gũi với tự nhiên; các hiện tượng của tự nhiên như: Trời, đất, trăng, gió, mây, mưa, chim, hạc, đỗ quyên, nhạn, mai, cúc, tùng,... tất cả đều có quan hệ gắn bó với con người. Có khi chúng được nhân cách hóa để trở thành người bạn của con người qua đó thể hiện quan niệm con người phải sống thân thiện với giới tự nhiên.
Thứ sáu, Nguyễn Trãi xem con người là những nhân vật lịch sử, văn hóa. Những nhân vật đó xuất hiện trong tác phẩm của ông đều gắn liền với sự khen chê và đều thể hiện những chuẩn mực về đạo làm người.
Như vậy, có thể thấy, Nguyễn Trãi chưa đưa ra được một định nghĩa hoàn chỉnh có đầy đủ nội hàm, những thuộc tính cơ bản của con người mà mới chỉ dừng lại ở những suy tư, chiêm nghiệm, sự phản ánh về con người và đời sống con người hiện thực qua các tác phẩm mà thôi. Ông quan tâm nhiều đến một trong những thành phần cơ bản của xã hội, đó là người dân; đồng thời, chú trọng nhiều đến các phương diện đạo đức, chính trị - xã hội của con người,... Bởi thế, con người trong tư tưởng của ông chính là con người xã hội, mặc dù mặt tự nhiên của con người cũng được đề cập ở mức độ nhất định. Điều này cũng thể hiện một trong những đặc điểm của triết học phương Đông nói chung và tư tưởng Việt Nam nói riêng là thường nghiêng nhiều về những vấn đề xã hội và nhân sinh hơn là những vấn đề tự nhiên, bản thể.
Ở hướng tiếp cận xã hội - đạo đức, Nguyễn Trãi đã thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề đời sống con người, thân phận và trách nhiệm xã hội khác nhau của con người, những nhân vật lịch sử, văn hóa và mẫu hình con người lý tưởng, v.v.. Hướng tiếp cận này phản ánh thực tế lịch sử xã hội đương thời cần thiết phải chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề giải phóng con người khỏi sự áp bức, đói khổ, chiến tranh và nhiệm vụ xây dựng xã hội theo lý tưởng của Nho giáo. Ở hướng tiếp cận tự nhiên, Nguyễn Trãi bước đầu lý giải nguồn gốc con người, sự sống - chết theo quy luật, nhu cầu sống của con người. Dù dựa vào kinh điển Nho giáo nhưng về cơ bản, ông cũng đã căn cứ trên cơ sở nhận thức về đời sống hiện thực của con người. Xét trong những điều kiện lịch sử - cụ thể, cách tiếp cận của Nguyễn Trãi về con người là tiến bộ, phản ánh sự kế thừa và phát triển trong dòng chảy tư duy triết học của dân tộc.
2. Sự sinh thành và tồn tại của con người
Trong quan niệm về sinh thành con người, Nguyễn Trãi vận dụng các học thuyết Nho, Phật, Lão để khẳng định con người được sinh ra từ trời đất với ý nghĩa là bộ phận tinh túy nhất của tự nhiên. Chẳng hạn, theo Nho giáo, con người là đức của trời đất và sự giao hợp của âm dương, là tụ hội của quỷ thần, là khí tinh tú của ngũ hành [Lễ Ký, “Lễ vận”, IX]. Khổng Tử quan niệm con người do trời sinh ra, mỗi người đều có số, mệnh nên sống ở đời cần phải hiểu biết mệnh trời, tuân theo mệnh trời và kính thờ quỷ thần. Con người cùng muôn vật trong trời đất luôn sinh hóa, vận động không ngừng. Ông chú trọng đến sự phân biệt giá trị con người khác với con vật, tôn trọng sự sống và đạo đức của con người,...
Nguyễn Trãi quan niệm con người được sinh ra là kết quả của sự vận hành, sinh hóa không ngừng của trời đất. Ông so sánh vai trò sáng tạo ra muôn vật của trời đất với vai trò sinh thành và dưỡng dục con cái của cha mẹ: “Trời đất đối với muôn vật, tuy có lúc nổi giận sấm sét, song cái ý hiếu sinh vẫn thể hiện bên trong; cha mẹ đối với các con, dẫu có khi ra oai roi vọt, mà cái ơn cúc dục thật còn ở đấy”(2). Ở đây, “roi vọt” được hiểu là một biểu hiện của tình thương (tục ngữ có câu: “Yêu cho roi cho vọt”). Như vậy, Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định trời sinh ra con người, mà ông còn quan niệm chính điều kiện tự nhiên - trời đất và vận hội thời cơ khiến con người có thể lập nên nghiệp lớn: “Trời sinh thánh trí, đất dấy nghiệp vương,/ Càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường”(3). Có thể khẳng định, Nguyễn Trãi đã nêu lên tư tưởng “tam tài” (trời, đất, người), coi trọng sự sinh trưởng của con người gắn liền với các yếu tố tự nhiên (trời đất).
Trong vấn đề sinh thành con người, Nguyễn Trãi quan niệm số phận con người do mệnh trời quyết định nhưng về sự sống - chết của con người lại được ông lý giải dựa trên quan điểm thực tế: “sinh - tử là lẽ thường”.
Nguyễn Trãi quan niệm con người sinh ra và mất đi là tất yếu, không thể thay đổi được. Ông viết: “Người ta sống trong khoảng trăm năm,/ Rốt cuộc rồi cũng nát với cỏ cây” (Nhân sinh bách tuế nội,/ Tất cánh đồng thảo mộc)(4). Ông coi sự tồn tại của con người ngắn ngủi như một gang tay, chẳng đáng gì so với sự vĩnh hằng của vũ trụ. Vì vậy, theo ông, con người phải sống thuận theo tự nhiên để sự hiện hữu của mình có ích đối với đời.
Từ quan niệm về sự tồn tại của con người, Nguyễn Trãi đã đề cập đến nhân sinh, lẽ sống. Ông cho rằng ở đời thì “vui, buồn, lo, sướng đổi thay nhau; một tươi một héo vẫn nối tiếp nhau” nhưng “chết rồi còn ai vinh ai nhục?” (Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục)(5). Theo ông, chết có nhiều cách, dù có ghét cái chết thì nó vẫn xảy đến, vấn đề là chọn cách chết nào cho xứng đáng và qua sự lựa chọn cái chết cũng thể hiện bản tính con người. Nguyễn Trãi đã chỉ ra ý nghĩa của cái chết nếu như nó gắn với vận mệnh đất nước. Ông phân tích: “Huống chi nói đến cái chết, chết mà có ích cho nước thì dẫu chết cũng đáng, còn nếu chết vô bổ thì chỉ là chết uổng mà thôi. Biết thế nào là có ích, thế nào là vô ích? (...) Nếu chỉ bo bo giữ cái khí tiết nhỏ mọn của mình mà làm hại tính mệnh của dân chúng trong cả một thành, thì lòng của người có nhân quyết không làm thế”(6). Ở đây, có thể thấy, Nguyễn Trãi đã vượt ra khỏi quan điểm “sát thân dĩ thành nhân” của Khổng Tử. Ông không vì bảo tồn chữ nhân đến nỗi hy sinh tính mạng để mình được coi là người nhân (vì mình) mà đòi hỏi sự hy sinh phải “có ích cho nước” (hữu ích ư quốc, tuy tử khả dã)(7) và vì tính mệnh của dân chúng. Sự lựa chọn cái chết như thế có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, thương dân, sẵn sàng xả thân vì nước. Tinh thần ấy thực tế đã trở thành sức mạnh to lớn trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc.
Nho giáo chính thống thường xuất phát từ nhận thức con người là do trời sinh ra nên đời người là sự hiện diện của mệnh trời. Họ quan niệm mỗi người đều có mệnh, mệnh đó có thể sống lâu hoặc chết trẻ, có thể giàu hoặc nghèo, có thể thành đạt hoặc thất thế,... Tất cả đều do trời định đoạt. Nho giáo cũng chủ trương cần phải hiểu biết mệnh trời và mệnh của bản thân mình để rồi từ đó sống và hành động theo mệnh. Đây là quan điểm duy tâm của Nho giáo, nhằm buộc mọi người yên tâm với số phận hiện có của mình(8). Nguyễn Trãi, một mặt, quan niệm cuộc sống con người được quyết định bởi “mệnh”, “thiên mệnh”, “số”, “phận”, “định mệnh”...; mặt khác, lại nhấn mạnh vai trò và sức mạnh của con người có thể vượt lên được số phận. Trong Lam Sơn thực lục, Nguyễn Trãi đã nêu nhiều chi tiết huyền hoặc đề cập đến sự sinh thành con người, thần thánh hóa việc sinh ra con người, nhưng con người ở đây không phải là con người phổ biến mà chỉ là một trong số các thành phần xã hội được xác định là người đại diện cho trời đất ở thế gian - “thiên tử” (vua)(9). Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi cho rằng: “Trời hẳn muốn trao mệnh lớn, bày lắm khó khăn” nhưng con người “càng thêm vững chí bền, vượt muôn nguy khổ”(10). Thực chất sự thần thánh hóa con người ở đây là đề cao vai trò của quân quyền kết hợp với thần quyền. Vua là đại diện cao nhất cho con người đã được trời báo trước việc trao cho gánh nặng cai quản muôn dân,... (tức vua là thánh nhân có nhân tố siêu nhiên kết hợp). Vì vậy, ông quan niệm con người đó còn có vai trò “chỉnh đốn” trời đất và vượt lên trở thành nhân vật anh hùng kiệt xuất(11).
Nguyễn Trãi cũng vận dụng tư tưởng “thiên nhân cảm ứng” của Nho giáo để cho rằng mọi hành động của con người không thể tách rời khỏi sự “chứng kiến” của trời đất. Ông đã khéo léo đề cao sự linh thiêng của trời đất ủng hộ con người chính nghĩa, giáng tai họa xuống những kẻ bạo tàn làm trái với mệnh trời. Viết thư gửi tướng giặc, ông nêu rõ: “Những việc tôi làm đều là tình ý thực thà, có trời đất quỷ thần soi xét trên đầu, giám sát ở bên. Kẻ nuốt lời sẽ lộ rõ dưới ánh sáng mặt trời”. Theo Nguyễn Trãi, nếu con người có lòng thành thực, làm việc chính nghĩa thì “có thể động đến đất trời, cảm đến quỷ thần” và được trời đất che chở. Đối với những người không “hiểu rõ việc thành hay bại đều có mệnh trời”, làm việc gì cũng trái mệnh trời thì họ “tự chuốc lấy tai họa”(12).
Có thể thấy, Nguyễn Trãi vừa vận dụng Nho giáo, vừa vượt lên trên những hạn chế vốn có của nó về “mệnh”, ông đã bước đầu khẳng định sức mạnh con người. Ông nhấn mạnh vai trò quyết định sự thành bại trong công việc chính là con người. Theo ông, “không có chốn hiểm trở trời bày đặt nào là không thể vượt lên được” nên “việc thành hay bại, thực bởi việc người”. Con người làm việc gì cũng “cho hết đạo của mình, thì lòng người cũng như lẽ trời cùng sẽ thuận theo”(13). Vì vậy, ông khẳng định sức mạnh của những người hành động theo chính nghĩa, tức là “hợp lòng người, thuận lẽ trời” sẽ thắng lợi, nó trở thành động lực thôi thúc ý chí giết giặc cứu nước của quân và dân ta. Đối với quân giặc, Nguyễn Trãi lại sử dụng nghệ thuật tâm công, mượn những quan điểm duy tâm về ý trời, mệnh trời quyết định sự may rủi, thành bại, hưng vong của con người để tuyên truyền khiến cho họ giảm khí thế gây chiến tranh xâm lược, không còn tin vào sức mạnh của mình nữa mà tự dẫn đến bại vong.(11)
Như vậy, số phận con người được Nguyễn Trãi quan niệm là do trời quyết định. Tuy nhiên, sự thần thánh hóa con người ở ông cũng cho thấy mục đích đề cao vai trò của con người với tư cách sản phẩm tinh túy của trời đất. Và khẳng định sức mạnh của con người dựa trên chính nghĩa, đạo lý để đi tới thành công trong sự nghiệp dựng nước.
Từ tư tưởng của Nguyễn Trãi về sự sinh thành và tồn tại của con người, có thể nhận thấy những giá trị lý luận sâu sắc khi khẳng định con người là kết quả sinh thành từ tự nhiên, là tinh hoa của trời đất; con người vận động không ngừng theo quy luật tự nhiên (“thiên lý”, “thiên đạo”). Con người trong quan niệm của ông không phải con người chung chung, trừu tượng mà là con người có nhân cách, con người hiện thực với sự hòa quyện của các yếu tố thể chất và tinh thần, chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên và các quy phạm, chuẩn mực xã hội. Con người đó biết giữ gìn, trân trọng sự sinh thành ra bản thân mình và khát khao được sống trong sự bao bọc của vũ trụ và đồng loại (theo lẽ sống hòa hợp với tự nhiên). Con người có sinh ra, có chết đi, do đó họ coi trọng sự sống và cũng “không coi nhẹ cái chết” (biết lựa chọn cái chết có ý nghĩa). Con người được thần thánh hóa dưới sự phù trợ của các yếu tố siêu nhiên khi ý chí của họ đặt vào trách nhiệm gánh vác sứ mệnh dẫn dắt xã hội (cầm quyền, chăn dân). Con người với những số phận, thân phận khác nhau có thể phải chấp nhận “định mệnh” nhưng cũng có thể thắng thế được nó nếu như có sức mạnh lý trí nhận thức và vận dụng quy luật tất yếu của tự nhiên cùng với ý chí quyết tâm vượt lên bản thân mình. Đây là những nét đặc sắc của Nguyễn Trãi khi đã biết sử dụng tư tưởng Nho giáo vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội đương thời.
3. Bản tính con người
Trong các tác phẩm của Nguyễn Trãi thường thấy ông nói đến “tính”, “tâm”, “tính người”, “lòng”, “lòng người”, “lòng thế”, “miệng thế”, “thiên mệnh”, “thiên tính”,... Những khái niệm thể hiện các phương diện tư tưởng của ông về tính người.
Nguyễn Trãi đi từ quan niệm con người được sinh ra là kết quả sinh thành của trời đất để cho rằng, tính người cũng là sự bẩm thụ tinh khí trời đất. Ông viết: “Ấy là vì khi đất sinh ra, tính người bẩm thụ, lẽ thường xưa nay là như vậy” (Cái địa khí sở sinh, nhân tính sở thụ, thử cổ kim chi thường lý dã)(14). “Tính người bẩm thụ” ở đây được hiểu là bản tính tự nhiên trong con người.
Tính người mang bản chất tự nhiên được Nguyễn Trãi đề cập đến khi nêu lên một số hiện tượng mang tính quy luật tâm lý, tình cảm con người. Theo ông, con người có “cái thường tình”, đó là lòng ham muốn (“lòng xuân”) bởi khi đã rung động thì ắt khó giữ được, khó kìm hãm được. Bởi tuổi trẻ (xuân xanh) không trở lại lần thứ hai nên thấy cảnh xuân lại càng tiếc nuối, một khi mà tuổi trẻ qua đi thì duyên lành càng lỡ hẹn và trở nên vô tình với con người. Ông viết: “Lòng xuân nhẫn động ắt khôn thìn./ Xuân xanh chưa dễ hai phen lại,/ Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên”; “Tiếc thiếu niên qua lật hẹn lành,/ Hoa hoa nguyệt nguyệt luống vô tình”. Nguyễn Trãi cũng chỉ ra nhu cầu tâm lý, tình cảm của con người là vô cùng nhưng sự thỏa mãn là có giới hạn: “Mấy của yêu đương đà chiếm được,/ Lại mong chiếm cả hết hòa xuân”. Ông còn khái quát nhu cầu tình ái hiển hiện trong xã hội qua hiện tượng: “Thế sự trai ưa thiếp mọn,/ Nhân tình gái nhớ chồng xưa”(15). Những điều trên đây cho thấy, Nguyễn Trãi đã vượt ra khỏi sự gò bó khắt khe của Nho giáo để bày tỏ những sự thật hiển nhiên trong cuộc sống con người. Cách nhìn nhận về con người của ông rất sâu sắc, gần gũi, mà cho tới nay vẫn còn đúng với thực tế đời sống xã hội.
Từ nhận thức sâu sắc về điều kiện xã hội đương thời, Nguyễn Trãi đã chỉ rõ vai trò của hoàn cảnh sống, của nhu cầu vật chất và tinh thần tác động đến sự thay đổi của tính người.
Nguyễn Trãi quan niệm tính người không phải bất biến mà luôn thay đổi theo điều kiện sống. Ông thừa nhận nếu sống cùng với những người có tính kiêu bạc, gian trá thì “những người trung tín thành thực cũng bị xấu lây” vì vậy, tính người bị giới hạn bởi hoàn cảnh sống hay điều kiện địa lý nhất định. Sự thay đổi của cuộc sống sẽ dẫn đến sự thay đổi trong tính người cũng như trong tâm lý xã hội. Ví như khi người ta nghèo thì chẳng ai nể vì, nhưng khi được thời, đắc thế thì chen chân đến mong làm người thân thích, còn khi thất thế thì láng giềng cũng ngoảnh mặt đi. Điều đó cũng nói lên lòng người bạc bẽo ở đời (“Mựa trách thế gian lòng đạm bạc,/ Thế gian đạm bạc đấy lòng thường”)(16).
Theo Nguyễn Trãi, tính người có những điểm chung như sau:
Một là, tính người thường ham thích những lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần. Nhiều lần Nguyễn Trãi bày tỏ nỗi niềm day dứt về lòng tham phú quý của người đời: “Người tham phú quý người hằng trọng”(17). Chính vì lòng tham tranh đua (về vật chất) của con người khiến cho tình nghĩa, đạo đức cũng trở nên biến đổi. Ông nhắc lại câu ngạn ngữ: “một buổi không có cơm ăn, cha con hết tình nghĩa” để diễn tả sự thay đổi của con người trước điều kiện vật chất(18). Ông khuyên con người hãy dưỡng tính tự nhiên để “lòng chẳng mắc tham là của báu,/ Người mà hết lụy ấy thần tiên”, cần biết trọng phú quý nhưng đó là phú quý trong tâm hồn đạt tới sự hài hòa, tự do tự tại chứ không phải là cái phú quý theo danh lợi (“Phú quý lòng hơn phú quý danh,/ Thân hòa tự tại thú hòa thanh”)(19).
Hai là, tính người ham sống. Điều này được Nguyễn Trãi phân tích từ thực tiễn của cuộc chiến tranh, thể hiện trong các bức thư dụ hàng gửi giặc Minh, đánh vào tâm lý “thường tình” (ham sống, sợ chết) của con người. Ông viết: “Ghét chết thích sống, tìm vinh tránh nhục, đó là thường tình của người ta”(20).
Nhìn chung, Nguyễn Trãi tuy coi tính người là thiện (do trời phú - thiên tính) và thừa nhận tính tự nhiên (theo nghĩa bản năng ham muốn của con người - nhân dục, tính chi sở dục) nhưng ông vẫn chưa coi tính người là hoạt động thực tiễn và là sản phẩm của thời đại họ. Ông nhận thấy được sự thay đổi tính người do tác động của hoàn cảnh xã hội nhưng cũng chưa nêu ra được rõ nét mối quan hệ giữa hoàn cảnh và hoạt động thực tiễn của con người đã tạo ra một tính người nào đó tương xứng. Hơn nữa, tư tưởng của Nguyễn Trãi về tính người cũng còn hạn chế nhất định bởi chưa nêu lên được cách giải quyết thực tế để phát huy hết được sức mạnh và bản chất tốt đẹp của con người; những vấn đề mà ông đặt ra nhằm hoàn thiện tính người, cải tạo và xây dựng xã hội chủ yếu vẫn chỉ là những mong muốn, ước vọng.(16)
Tóm lại, con người trong tư tưởng Nguyễn Trãi là một bộ phận của tự nhiên. Con người được sinh ra từ tự nhiên, biến đổi theo sự biến đổi của tự nhiên và xã hội. Dù còn quan điểm duy tâm về thiên mệnh, số phận, nhưng cơ bản ông đã tin vào khả năng, sức mạnh thế tục của con người. Ông đã nhấn mạnh hoạt động của con người cần phải được dẫn dắt theo chính nghĩa, hợp với lòng người (nhân tâm), thuận theo quy luật tự nhiên (thiên đạo). Tư tưởng của Nguyễn Trãi đã gợi cho chúng ta những điều đáng suy ngẫm, học hỏi, nhưng cần vượt bỏ những hạn chế lịch sử để xây dựng các quan hệ xã hội ngày càng nhân văn, từng bước hoàn thiện bản tính và nhân cách con người mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.