Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm đời Trần, trong đó tiêu biểu là tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông - “đệ nhất tổ thiền Trúc Lâm Yên Tử” nổi lên như một dấu son góp phần khắc hoạ đậm nét bản sắc, cốt cách, tâm hồn Việt Nam nói chung và đặc trưng của triết học Phật giáo Việt Nam nói riêng. Từ những nội dung cơ bản trong tư tưởng triết học của ông, nổi bật lên những đặc điểm chủ yếu: Một là, tính kế thừa, dung hợp; hai là, tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực; và ba là, tinh thần nhân văn sâu sắc.
Trong quá trình phát triển nội tại của Thiền tông Việt Nam, tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông ra đời không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà nó có cội nguồn từ đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ Lý - Trần và là sự kế thừa, dung hợp, phát triển những yếu tố của các dòng thiền trước đó, như thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường thời nhà Lý và đặc biệt là sự kế thừa trực tiếp triết lý thiền của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ; là sự dung hợp của Thiền, Tịnh, Nho, Lão trên tinh thần truyền thống triết lý đạo đức nhân sinh Việt Nam, tạo nên bước phát triển mới cho Thiền học Việt Nam.
Tính chất kế thừa, dung hợp ấy trong tư tưởng triết học Trần Nhân Tông không phải là sự lắp ghép giản đơn, mà là tiếp thu, phát triển trên cơ sở của một triết lý quan trọng nhất, được nêu lên thành tôn chỉ của thiền Việt Nam, như lời Quốc sư Phù Vân đã chỉ dạy và Trần Thái Tông đã viết trong tác phẩm Thiền tông chỉ nam rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”([1]).
Trước hết, là sự kế thừa, dung hợp trong quan điểm về tâm của triết học Trần Nhân Tông. Chúng ta đều biết, vấn đề quan trọng và cốt yếu nhất trong triết lý thiền là cái tâm. Do vậy, trong vấn đề bản thể luận, khi tiếp thu tư tưởng của các dòng thiền trước đây, Trần Nhân Tông cũng tập trung vào việc lý giải phạm trù tâm. Về phạm trù tâm trong triết lý thiền của Phật giáo nguyên thuỷ, chúng ta thấy, thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã đưa ra khái niệm “tâm ấn”, chú ý đến cái tâm đã được khuôn dấu và ấn chứng, được coi là đối tượng của sự trao truyền trực tiếp tri thức từ thầy sang trò và là cái tinh yếu được giác ngộ bằng tâm truyền tâm, không cần đi qua bất cứ khâu trung gian nào; trong nó tràn đầy thái hư, không thiếu không dư, không đi không tới, không được không mất, chẳng thường chẳng đoạn, vốn không ở chỗ sinh, cũng không ở chỗ diệt. Thiền phái Vô Ngôn Thông thì đưa ra khái niệm “tâm địa” và coi đó là cái bản nhiên, thanh tịnh, viên mãn, vốn có ở trong mỗi con người, là cái gốc của vạn pháp. Phát triển các quan niệm này, Trần Thái Tông đưa ra khái niệm “tâm hư không”, nhấn mạnh ý nghĩa “vô trụ”, “vô niệm” của tâm để chỉ bản thể của vạn pháp. Ông coi “tâm hư không” này là bản thể, là cội nguồn của tất cả, không thể dùng ngôn từ để mô tả, cũng không thể dùng tư tưởng để diễn đạt; nó vượt lên trên mọi sự đối đãi, thị phi, vô danh, vô tính, vô hình, như như, bất sinh bất diệt, không thiện không ác, thanh tịnh, bản nhiên, viên mãn. Nếu như Tuệ Trung Thượng sĩ đã phát triển tư tưởng ấy bằng khái niệm “tâm thể” - cái tâm “tự nhiên như nhiên”, thanh khiết, đồng nhất giữa “hữu” và “vô”, “thể” và “tướng”, “sắc” và “không”, “thị” và “phi”, “chân” và “tà”..., thì Trần Nhân Tông, bằng sự kế thừa, dung hợp và phát triển các quan điểm trên, đã đưa ra khái niệm “tâm tĩnh lặng“ để giải thích bản thể của vạn pháp. Theo ông, đó là cái “cao rộng hư không, nào có ràng nào có buộc; bản tính sáng trong kết tụ, không có dữ, không có lành. Lâu ngày do sự lựa chọn cân nhắc mà sinh ra tắt ngang lắm ngả; chỉ cần quáng mờ một nháy mắt cũng dễ cách xa nhau một trời một vực”([2]). Đó là thể hoàn toàn trong trẻo, thanh tịnh, tuyệt đối, không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ hay tư tưởng, có sẵn trong mỗi con người, bao hàm và đồng nhất tất cả. Nhưng, khi trong tâm khởi lên ý niệm thì cái vũ trụ bao la, đồng nhất ấy tan biến bởi cái tâm sai biệt, phân chia thành tha ngã, trong ngoài, thị phi và làm xuất hiện thế giới hiện tượng thiên hình vạn trạng.
Sự dung hợp, kế thừa, phát triển trong tư tưởng triết học của Trần Nhân Tông còn thể hiện trong lĩnh vực nhân sinh. Điều đó được thể hiện trong quan niệm của ông về mục đích, lý tưởng sống và về vấn đề sinh tử của con người. Mục đích, lý tưởng cao cả nhất trong triết lý Phật giáo nói chung, triết lý thiền Việt Nam nói riêng là tu luyện đạo đức, trí tuệ, hành động theo giới, định, tuệ để đạt tới cái tâm thanh tịnh, trong sáng, bản nhiên, tức đạt tới sự giác ngộ, giải thoát hay Niết bàn. Theo lý tưởng đó, để đạt tới “tâm hư không” và vô niệm, Trần Thái Tông chủ trương phải “kiến tính”, xóa vọng niệm bằng sự dung hoà giữa “tiệm ngộ” với “đốn ngộ” và coi đó là sự tổng hợp giữa thuật vấn đáp, niêm, tụng, bao hàm cả giới, định, tuệ, niệm Phật, sám hối.
Cùng với mục đích ấy, trong vấn đề nhân sinh, Tuệ Trung Thượng sĩ hướng nhiệm vụ thiền học của mình là làm sao giúp chúng sinh phá bỏ mê lầm, thủ tiêu “nhị kiến”, vượt lên mọi đối đãi, thị phi, tha ngã, phàm thánh, sống chết để trở về với “tâm thể” trong sáng, bản nhiên của mình, đạt tới sự tự do, an nhiên, tự tại. Quan điểm này của Tuệ Trung Thượng sĩ đã chịu ảnh hưởng tư tưởng tiêu dao, phóng túng, tự do, bình đẳng của Lão - Trang. Nhưng, sự tiêu dao, phóng túng này không phải là tùy thích, mà cái căn bản là người ta phải đạt được đạo như quan điểm của Lão - Trang hay phải giữ được Phật tính, “tâm thể”... như quan điểm của Tuệ Trung Thượng sĩ.
Tuy nhiên, sự giải thoát hay tinh thần tự do của Tuệ Trung Thượng sĩ không có phần cao siêu như giáo lý Phật giáo Đại thừa, không cực đoan như Lão - Trang, mà tự nhiên, bình dị, “trộn lẫn cùng thế tục, hòa cùng ánh sáng, chứ không trái hẳn với người đời, nhờ đó mà nối theo được hạt giống pháp, và dìu dắt được kẻ sơ cơ”(3). Tự do hay giải thoát với đặc tính như thế, theo Tuệ Trung Thượng sĩ, là mục đích và động lực của sống thiền. Hơn thế, để đạt đến tâm thể an nhiên, thanh tịnh, tự tại thì phải phá bỏ mọi câu nệ, ràng buộc, hình thức, lễ nghi, như “ngũ giới”, “tam quy”... Đó là tinh thần “phá chấp triệt để” trong thiền của Tuệ Trung Thượng sĩ, là cơ sở để Trần Nhân Tông tiếp nối, hoàn thiện tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực trong tư tưởng triết học của ông.
Kế thừa những tư tưởng đặc sắc đó về triết lý nhân sinh của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông cho rằng, muốn đạt đến “tâm tĩnh lặng”, chân như, Phật tính, hay cái gốc của mình và để đạt tới trạng thái giải thoát hay Niết bàn mà không phải tìm đâu xa, người ta không phải bắt đầu từ luận lý, bám víu vào câu chữ của giáo lý, “lập tông lập chỉ”, “thuyết lý ồn ào”, “quên trăng ngắm ngón”, “lựa chọn cân nhắc, tắt ngang lắm ngả”(4), phân biệt hữu vô, phải trái có tính chất biên kiến đối đãi, mà phải chứng ngộ trong chính cuộc sống của mình qua quá trình tu tập, rèn luyện, kết hợp trong đó các phương pháp tinh tuý của Nho, Lão, Phật, lấy thiền làm nòng cốt, bằng giới, định, tuệ; từ tu hạnh đầu đà đến vong nhị kiến, phá chấp và đạt đến “tâm tĩnh lặng”. Đó là quá trình công phu như đãi cát tìm vàng, gắng sức dùi mài, “dứt nhân ngã”, “trừ tham sân”, “xét tâm thân, rèn tính thức”, “cầm giới”, “công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng”, thanh tao, đạm bạc, giác tính sáng trong, thân tâm vui vẻ, rũ hết duyên trần, chẳng còn bỉ thử, nhất tâm bất loạn, vượt biên kiến để đạt tới vô niệm.
Trong vấn đề sinh tử, Trần Thái Tông coi vấn đề sinh tử không phải là vấn đề có tính thuần lý cao siêu, trừu tượng, mà nó chính là bản thân cuộc sống thực của mỗi người và do vậy, con người phải coi đó là lẽ tự nhiên, không bám víu mà cũng không cần lẩn tránh, vẫn sinh tử mà chẳng lầm sinh tử. Còn theo Tuệ Trung Thượng sĩ, do “nhị kiến” phân biệt, đối đãi nên con người ta mới cho sinh tử là vấn đề hệ trọng và thường lo sợ, nên hoặc là đi tìm kiếm sự trường sinh bất tử, hoặc là lẩn trốn khỏi chúng, giống như con hươu khát nước đuổi theo bóng nước giữa sa mạc để rồi cuối cùng, cũng bị chết gục. Cũng như vậy, trong vấn đề sinh tử, Trần Nhân Tông không thoả mãn với các quan điểm và cách giải quyết của các thiền sư đi trước. Ông đã trình bày vấn đề sinh tử một cách rõ ràng trong bài kệ trước khi viên tịch rằng:
“Mọi pháp đều không sinh,
Mọi pháp đều không diệt.
Nếu hiểu được như thế,
Chư Phật thực hiện tiền;
Chẳng đi cũng chẳng lại”(5).
Như thế, sinh diệt, theo Trần Nhân Tông, có tính chất “vô thường”, huyễn ảo của thế giới, nhưng bản chất của chúng là hư, là không, chẳng sinh chẳng diệt, chẳng đi chẳng lại, không có gì là ngăn cách giữa chúng, chúng là một theo lý nhân duyên và quan điểm “vô thường”, “vô ngã” của triết lý Phật giáo. Sở dĩ có sinh có tử là do tâm sai biệt, tâm vọng động của chúng sinh sinh ra mà thôi. Do vậy, con người cần nhận ra bản chất của vấn đề sinh tử và chấp nhận nó như là một lẽ tự nhiên, sống và thể hiện hết mình qua đời sống, sống tùy tục. Và, hơn nữa, theo ông, sự giác ngộ, giải thoát cần phải được thực hiện ngay trong vòng sinh tử, ngay trong đời sống.
Tính chất kế thừa, dung hợp trong triết học Trần Nhân Tông còn thể hiện ở sự kết hợp tư tưởng Thiền, Tịnh độ với tư tưởng đạo đức nhân sinh của Nho, Lão qua việc xác định ý nghĩa cuộc sống, tu luyện đạo đức, lối sống, gắn với các khái niệm, phạm trù, như “đạo nghĩa”, “thờ chúa”, “thờ cha”, “trượng phu trung hiếu”. Điều đó còn được biểu hiện trong nội dung thuyết “Thập thiện” mà Trần Nhân Tông biên soạn và thuyết giảng cho dân chúng khắp các thôn quê, thị thành. Điều đó cũng được biểu hiện qua nếp sống và lối sống cực kỳ thanh tao, giản dị, vô cùng đạo hạnh của ông khi làm vua cũng như khi xuất gia tu hành.
“Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý,
Biết đào hồng, hay liễu lục, thiên hạ năng mây chủ trị âm...
Gìn tính sáng tính mới hầu an;
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Dứt trừ nhân ngã thì ra thực tướng kim cương;
Dừng hết tham sân mới lảu lòng mầu viên giác.
Cầm giới hạnh, địch vô thường, nào có sá cầu danh bán chác.
Ăn rau ăn trái, nghiệp miệng chẳng hiềm thửa đắng cay;
Vận giấy sồi, thân căn cơ ngại chi đen bạc.
Nhược chỉn vui bề đạo đức, nửa gian lều quý nửa thiên cung;
Dầu hay mến thửa nhân nghì, ba phiến ngói yêu hơn lầu gác”(6).
Cùng với tính chất kế thừa, dung hợp, tư tưởng triết học Trần Nhân Tông còn nổi bật lên tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực. Có thể nói, thiền hành động, nhập thế tích cực là một trong những đặc điểm của Thiền tông Việt Nam thời Lý - Trần nói chung, của Trần Nhân Tông nói riêng. Vấn đề nhập thế hay sống thiền trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã được nói tới, tuy chưa hệ thống. Trong Thiền uyển tập anh, khi nói về phép tu thiền để đạt tới giác ngộ, đã ghi rằng các thiền sư luôn sống giữ gìn giới luật, thanh lọc tâm thân, hòa vào cuộc sống thiên nhiên, vui cùng cỏ cây, muông thú, “giới hạnh tinh nghiêm, đạo tâm mở rộng, hàng ngày ăn rau rừng, uống nước suối”(7). Trần Thái Tông đã phát triển tính chất nhập thế của thiền Việt lên một bước mới khi đi từ quan điểm “chân Phật” lên “hoạt Phật” và từ quan điểm “tâm bình thường thị đạo” phát triển lên thành yếu chỉ của cái tâm “tồn nhi bất tri”, vui cái vui của đạo, sống hài hòa với đời, đời đạo hòa quyện, không còn có sự phân biệt giữa một bên là ông vua với một bên là thiền sư. Phát triển tính chất nhập thế của thiền Việt Nam lên một bước mới, Tuệ Trung Thượng sĩ còn táo bạo hơn, khi chủ trương tu luyện phá chấp triệt để và coi đạo với đời không tách rời nhau. Với quan niệm này, ông tu đạo ở trong chính cuộc đời bụi bặm, cuộc đời với mọi sự biến ảo (maya) của nó và coi đó là nơi thử thách, tôi luyện con người, như đóa sen nở trong lò lửa đỏ. Các vị Phật và các vị Bồ tát cũng vậy, xuất hiện và hành thiền trong cõi trần tục, nhưng không nhiễm bởi trần tục. Trong bài Thị chúng, ông viết:
““Dối” ưa “thực” ghét, ấy trò đời,
Thực dối tam kia, bụi cả thôi.
Muốn nhảy cho cao, sang bến nọ,
Hỏi xem con trẻ có như lời?”(8).
Trần Nhân Tông, với sự ảnh hưởng sâu sắc tính chất thiền hành động nhập thế của ông nội là Trần Thái Tông và thầy dạy là Tuệ Trung Thượng sĩ, đã phát triển tính chất này ở thời đại ông lên một bước mới, khẳng định tính chất thiền hành động nhập thế tích cực như một đặc trưng riêng có của thiền Việt Nam.
“Thiền”, phiên âm từ tiếng Phạn “dhyana”, nghĩa là tĩnh lự, yên lặng. Vậy, thiền thực chất là sự thể nghiệm trực tiếp về bản chất của cái tôi, là sự nhận thức hướng nội, sự suy tư, chiêm nghiệm trực tiếp tâm mình, không qua khâu trung gian, sự nhận thức trọn vẹn đối tượng, không chia cắt đối tượng, nhận thức sinh động như nó vốn có. Thiền là một pháp môn căn bản của Phật giáo, nhưng trong quá trình tồn tại và phát triển, nó được biểu hiện qua những khuynh hướng, tính chất khác nhau, khi được lưu truyền trong những điều kiện và các vùng đất khác nhau. Nếu thiền ở Ấn Độ là sự suy tư, chiêm nghiệm có tính chất suy lý, trừu tượng; thiền ở Trung Hoa là thiền hành động, thì với đặc điểm và yêu cầu của điều kiện lịch sử, với truyền thống, tinh thần văn hóa và con người Việt Nam, thiền đã được các thiền sư thời Lý-Trần, đặc biệt là Trần Nhân Tông mở rộng nội dung và tính chất của nó, mang tính chất hành động, nhập thế tích cực.(7)
Tinh thần nhập thế tích cực của thiền Trần Nhân Tông được thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, đó là việc Trần Nhân Tông quyết tâm phục hồi và phát huy vai trò chủ đạo của tư tưởng Phật giáo trong đời sống tinh thần xã hội Đại Việt, đưa triết lý đạo đức Phật giáo thâm nhập sâu rộng và trở thành nền tảng đạo đức của nhân dân Đại Việt. Thứ hai, đó là việc Trần Nhân Tông đem triết lý Phật giáo gắn với đời sống xã hội, thể hiện triết lý đó bằng hoạt động, sống tích cực, không xa lánh cuộc đời, không tu hành theo kiểu ép xác khổ hạnh, cũng không phải thuần túy “trầm tư mặc tưởng”, mà luôn đề cao nhân nghĩa và cái tâm từ bi; không phân biệt sang hèn và luôn nhớ tới nguồn cội; không trốn tránh cuộc sống để tìm vào thiên nhiên (như Lão giáo), mà thuận theo tự nhiên, dưỡng thân tâm, diệt dục, trừ dâm tà; không chỉ dừng lại ở sinh hoạt tôn giáo và việc thực hành các giới luật, các lễ nghi tôn giáo hàng ngày, như tụng kinh, niệm Phật; cũng không phải chỉ là những hành động thường nhật, mà là những hành động có ý nghĩa và mục đích cao cả, lớn lao hơn nhiều, như lo cho dân cho nước, đánh giặc cứu dân, cứu nước, lấy triết lý đạo đức nhân sinh nhân bản Phật giáo, lấy thiền phục vụ cho đời gắn đạo với đời, trên tinh thần dung hợp Phật, Nho, Lão và nền tảng tinh thần văn hóa dân tộc, coi đó là giáo lý chỉ đường cho thiền Việt Nam.
Sở dĩ triết học Trần Nhân Tông thể hiện rõ đặc điểm thiền hành động, nhập thế tích cực là do ông chịu ảnh hưởng và tiếp thu tinh thần nhập thế qua tư tưởng chính trị, đạo đức trong đạo trị nước của Nho gia, đem những yếu tố tích cực trong học thuyết này, như “tam cương ngũ thường”, quan điểm về “hữu vi” của “đấng trượng phu” kết hợp với cái tinh yếu trong tư tưởng thiền. Điều này, trước đó đã được chính Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện trong tư tưởng của các ông. Trong Thiền Tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông đã nêu rõ ảnh hưởng của Nho gia đối với đời sống chính trị - xã hội, rằng “phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của tiên thánh”(9). Tuệ Trung Thượng sĩ, khi tiếp thu nguyên tắc xử thế của Nho gia, đã viết:
“Sâu thì dấn chừ, nông thì xắn vén,
Dùng thì làm chừ, bỏ thì ẩn tàng”(10).
Tiếp thu tinh thần nhập thế của Nho gia trong triết lý thiền của mình, Trần Nhân Tông luôn đề cao trách nhiệm, bổn phận và hành động tích cực của kẻ trượng phu, chủ trương làm trai phải quyết trả nợ nước non, giúp ích cho đời, đền đáp núi sông, lo cho dân cho nước. Chính điều đó đã làm cho tư tưởng thiền của ông gắn với hiện thực xã hội, với đời sống của dân và vận mệnh của đất nước, dân tộc.
Tư tưởng triết học Trần Nhân Tông mang đậm tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực còn do ông chịu ảnh hưởng, tiếp thu tinh thần phá chấp của các thiền phái trước kia, đặc biệt là tiếp thu quan điểm của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ.
Tinh thần phá chấp, gắn đạo với đời, nhập đời vào đạo của Trần Thái Tông được thể hiện rõ trong bài Phổ thuyết sắc thân của ông: “Như chưa thấu Phật, tâm, ý tổ; trước hãy nên trì giới tụng kinh. Đến lúc hay Phật là không, tổ là không; thì giới chẳng cần trì, kinh không cần tụng. Trong ảo sắc cũng là chân sắc; nơi phàm thân cũng thực pháp thân. Phá lục tặc làm lục thần thông; đưa bát khổ thành bát tự tại”(11).
Tiếp thu tinh thần đạo tự nhiên, vô vi, tiêu dao của Lão Tử, tinh thần phá chấp đó được Tuệ Trung Thượng sĩ phát triển lên đỉnh cao bằng quan điểm sống thiền, hành thiền, xuất thế trong chính sự nhập thế. Để đạt tới giác ngộ, giải thoát, ông không quan tâm đến việc ăn chay hay ăn mặn, chẳng cần niệm Phật với ngồi thiền, không cần trì giới và nhẫn nhục, chẳng cần tụng kinh, gõ mõ, không cần theo kinh sách nhà Phật. Đó thực sự là tinh thần phá chấp, nhập thế triệt để, độc đáo. Trong bài Trì giới và nhẫn nhục, Tuệ Trung Thượng sĩ viết:
“Trì giới và nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng trì giới nhẫn nhục”(12).
Thiền ở Tuệ Trung Thượng sĩ không chỉ là một tôn giáo thuần túy mà ông đã nâng lên thành một cách sống, một đạo sống giúp con người đạt tới giác ngộ, giải thoát và hạnh phúc ngay trong cuộc sống trần tục. Chính cuộc đời là lò lửa để tôi luyện con người. Vì thế, ông viết:
“Nên biết trong đời sinh đức Phật,
Lạ chi giữa lửa nở sen vàng”(13).
Khi con người giác ngộ được chân như, tự tính, hiểu được vạn pháp “vô thường”, “vô ngã”, bản thể là không thì không gì có thể trói buộc con người được. Kế thừa tư tưởng phá chấp ấy của Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông phát triển tinh thần phá chấp trong triết lý thiền của mình với ý nghĩa tích cực hơn. Từ quan điểm về “vọng niệm” của Trần Thái Tông và “nhị kiến” của Tuệ Trung Thượng sĩ, ông đã đề cao quan điểm “lý bất nhị”, không chấp hai mặt (có có - không không), gạt bỏ sự đối lập giữa Phật và chúng sinh. Trong bài Câu hữu câu vô, ông cho rằng, vạn pháp là “có có - không không” và cũng là “chẳng có, chẳng không”, bởi bản thân chúng biến đổi vô thường như “nón tuyết, hài hoa”, chúng quyện chặt với nhau như sắn bìm quấn quýt,... Do vậy, nếu phá bỏ được định kiến “chấp có chấp không” thì sẽ đạt tới giác ngộ chân lý. Chính quan điểm đó đã đem lại cho Trần Nhân Tông cái nhìn tự do phóng khoáng, không bị ràng buộc bởi sự phân biệt giữa đạo và đời. Gắn đạo với đời đã làm cho tư tưởng, hành động thiền của ông mang tính chất nhập thế tích cực.(11)
Tư tưởng triết học Trần Nhân Tông thể hiện đặc tính thiền hành động, nhập thế tích cực còn do ông đã có quan điểm độc đáo về vấn đề sinh tử. Theo ông, con người không thể tránh khỏi sinh tử và người ta không thể chạy trốn khỏi sinh tử để tìm ra Niết bàn mà ngược lại, phải ở ngay trong sinh tử để thấu suốt bản tính của nó và nhận ra theo triết lý “vô thường”, “vô ngã” là không sinh, không tử. Vì thế, vấn đề sinh tử không phải là chuyện tầm thường, vô ích, mà là vấn đề lớn, quyết định thái độ, hành động sống của con người. Sự sống như hơi thở qua buồng phổi, cuộc đời như mây bay, gió thoảng, nên con người phải biết quý trọng nó, sống có ích cho đạo và đời, hết mình với đời và đạo. Do vậy, cần chấp nhận chuyện sinh tử như một lẽ thường nhiên; sống nhưng không lầm và chấp vào những cái huyễn ảo của cuộc đời; phải sống giữa đời, “tùy duyên hành đạo”.
Tư tưởng coi sinh tử là lẽ tự nhiên, phải vượt lên sự sinh tử, phải quý trọng cuộc sống và sống có ích cho đời đã được Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ đề cập đến. Hiểu rõ bản chất của sự sinh tử, trong bài Sống chết là lẽ thường mà thôi, Tuệ Trung Thượng sĩ viết:
“Người ngu điên đảo tử và sinh,
Bậc trí, tử sinh thường thôi vậy”(14).
Trong Phổ khuyến phát bồ đề tâm, khi nêu lên quan điểm con người cần quý trọng cuộc sống và sống có trách nhiệm với đời và đạo, Trần Thánh Tông đã viết: “Kinh có câu rằng: “Một lần bỏ lỡ mất thân thì muôn kiếp không còn trở lại”. Đau đớn lắm thay!””(15).
Tư tưởng triết học Trần Nhân Tông sở dĩ thể hiện rõ tính chất thiền hành động, nhập thế tích cực, ngoài những lý do trên, còn một nguyên nhân khác, đó là bản thân cuộc đời và sự nghiệp của ông với vị trí xã hội và địa vị tôn giáo đặc biệt - vừa là vua, vừa là thiền sư. Không chỉ là người sáng lập ra thiền phái lớn nhất Việt Nam thời đó, mà còn là vị vua anh minh dẫn dắt muôn dân, trị vì đất nước, ông đã không thể tách rời đạo với đời, mà kết hợp đạo với đời, gắn lợi ích của bản thân với lợi ích của toàn dân tộc.(14)
Cùng với tính chất kế thừa, dung hợp, tính chất thiền hành động, nhập thế, tư tưởng triết học Trần Nhân Tông còn mang tính nhân văn sâu sắc. Tính nhân văn đó được thể hiện ở những nội dung chủ yếu: Một là, quan tâm sâu sắc đến con người; hai là, luôn thể hiện sự trăn trở với ý nghĩ và lòng mong muốn lo cho đời sống của dân, giáo hoá đạo đức cho dân; ba là, đánh giặc cứu nước, cứu dân, xây dựng một chế độ thân dân.
Quan tâm đến con người, Trần Nhân Tông luôn khẳng định và tin tưởng vào bản tính tốt đẹp của con người, coi Phật tính là cái luôn có sẵn trong tâm mỗi con người. Trong sự quan tâm đến con người, ông còn đặc biệt đề cao vị trí, vai trò của con người trong cuộc sống. Theo ông, sống mà không giúp ích gì cho đời là điều đáng hổ thẹn của kẻ trượng phu (sinh vô bổ thế trượng phu tàm). Gắn bổn phận, lợi ích và việc tu dưỡng, rèn luyện cá nhân với lợi ích của dân tộc, ông cho rằng, làm trai phải quyết trả nợ non nước, phải để lại gì cho núi sông, phải giúp ích cho đời. Với tấm lòng yêu thương chúng sinh vô hạn, ông đã chỉ ra cái gốc trong mỗi con người, rồi lại chỉ ra cho họ là tại sao bị lạc đường để giúp họ trở về gốc, trở về với chính bản thân mình.
Tính nhân văn trong triết học Trần Nhân Tông còn thể hiện trong ý nghĩ và hành động quan tâm, lo lắng đến đời sống của dân, giáo hóa đạo đức cho dân của ông. Trong suốt cuộc đời mình, dù làm vua hay làm giáo chủ, lúc nào ông cũng hết lòng lo cho dân, cho nước, lo học hỏi, tham thiền nhằm xây dựng một hệ tư tưởng, một tổ chức Phật giáo thống nhất làm chỗ dựa tinh thần cho một quốc gia thống nhất, có nền văn hóa, văn minh độc lập, chống lại ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, chống sự xâm lược của quân Nguyên - Mông tàn bạo. Điều đó được biểu hiện rõ trong bài Tiễn xứ Bắc Ma Hợp, Kiều Nguyên Lãng của ông:
“Trung Thống, chiếu xưa, lời hãy nhớ,
Nỗi lo đất nước, dịu lòng tôi”(16).
Với tấm lòng thương dân, “ưu quốc”, Trần Nhân Tông còn sang tận Chiêm Thành, gặp gỡ Chế Mân, hứa gả công chúa cho vua Chiêm để giữ tình giao hảo lâu dài giữa hai nước Chiêm - Việt. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, ông không chỉ giữ vai trò là linh hồn, mà còn là người trực tiếp rèn binh, khiển tướng, tổ chức lãnh đạo, động viên quân dân Đại Việt nêu cao tinh thần và khí phách dân tộc, đoàn kết trên dưới một lòng “Sát Thát”, giành thắng lợi vẻ vang. Ông đã thấm thía sâu sắc rằng, dân tộc Việt Nam, nếu đoàn kết một lòng từ vua đến dân, quyết tâm đánh giặc, giữ gìn bờ cõi, thì quân giặc dù mạnh và hung hãn đến mấy cũng phải thua. Ông tìm thấy trong đạo Phật nhiều yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết toàn dân và đặc biệt là, củng cố nền đạo đức xã hội, và coi đó là một trong những cơ sở không thể thiếu góp phần vào sự phồn thịnh và lành mạnh của xã hội.(16)
Tinh thần nhân văn, nhân bản của Trần Nhân Tông còn thể hiện rõ nét ở tư tưởng đạo nghĩa, khoan dung để thu phục hiền tài, giáo hóa dân chúng và nhờ vậy mà giữ yên bờ cõi, xây dựng lòng tin yêu, kính trọng nơi dân chúng. Cao hơn nữa, tính nhân văn trong triết học Trần Nhân Tông còn thể hiện ở sự nghiệp đánh giặc giữ nước, cứu dân, xây dựng một chế độ chính trị thân dân, một xã hội yên bình, thịnh trị. Ông chủ trương “khoan thư sức dân”, ban hành các chính sách để dưỡng dân và giáo dân, biết dựa vào sức mạnh của dân để làm kế thượng sách giữ nước và lấy đó làm cơ sở cho sự tồn tại vững chắc của nhà nước quân chủ. Việc ông tổ chức Hội nghị Diên Hồng đã thể hiện cao tinh thần lấy dân làm gốc. Đây là hình thức “Quốc dân đại hội” đầu tiên ở nước ta, lấy ý kiến của dân, tạo điều kiện cho dân tỏ rõ ý chí, quyết tâm và trực tiếp tham gia, góp phần quyết định vận mệnh của đất nước. Trong hai lần kháng chiến chống Nguyên - Mông, Trần Nhân Tông đã trở thành ngọn cờ cố kết lòng dân, lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách, đưa kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang.