Nền hành chính nhà nước Việt Nam hiện nay là bộ máy trực tiếp thực thi quyền hành pháp, tổ chức và điều hành mọi hoạt động trong đời sống xã hội theo pháp luật. Đó là bộ phận năng động nhất và thực hiện trực tiếp nhất chức năng quản lý trong bộ máy nhà nước. Trong toàn bộ cơ cấu nhà nước, nền hành chính nhà nước là một hệ thống rộng lớn nhất, bao gồm các mặt: pháp lý, tổ chức, nhân sự và tài chính công. Nó là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với dân, trực tiếp thực hiện chức năng quản lý công việc hàng ngày của Nhà nước, thường xuyên tiếp xúc với dân, giải quyết các yêu cầu của dân. Nền hành chính là nơi tập trung số lượng nhân viên đông nhất so với tất cả các tổ chức công quyền khác trong xã hội. Như vậy, có thể nói, nền hành chính nhà nước là nơi hội tụ, biểu hiện trực tiếp nhất, rõ ràng nhất, tập trung nhất những ưu việt của chế độ, cũng như những nhược điểm, khuyết điểm của bộ máy nhà nước. Chính vì thế, các đặc trưng của nền hành chính, nhất là đặc trưng về chính trị và tác động của nó có ảnh hưởng rất lớn đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay.(*)
1. Đặc trưng chính trị của nền hành chính nhà nước Việt Nam
Thứ nhất, nền hành chính nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước có ý nghĩa quyết định để bảo đảm Nhà nước ta giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, là Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội...”(1). Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và nền hành chính nhà nước được hình thành trong lịch sử cách mạng Việt Nam, gắn liền với sự tồn tại của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ hai, tính chính trị của nền hành chính chiếm ưu thế. Nền hành chính trong Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà với thế mạnh cơ bản bắt nguồn từ bản chất chính trị của nó - bản chất của dân, do dân, vì dân, một nền hành chính nhân dân, mang đậm tính nhân bản, phục vụ dân tộc và nhân dân. Trong lúc này, do những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử khách quan quy định, tính chính trị của nền hành chính chiếm ưu thế. Điều này, bên cạnh những mặt hợp lý, cũng có mặt hạn chế, thể hiện ở chỗ, nó tạo ra tình trạng trong một thời gian dài, ngay cả khi nhà nước cách mạng đã lớn mạnh thì nền hành chính vẫn tồn tại nhiều khuyết tật, như bệnh quan liêu, thiếu kỷ cương, tham nhũng, yếu kém về kỹ năng hành chính và thiếu kiến thức về khoa học hành chính. Những khuyết tật và căn bệnh đó thực ra không phải xuất phát từ nguồn gốc hay bản chất của nền hành chính cách mạng, mà có nguồn gốc sâu xa và những nguyên nhân trực tiếp. Đó là, nền hành chính mới ra đời, do những con người cụ thể thiết kế theo quan điểm, tư tưởng, lý thuyết mới của chế độ mới, nhưng cũng lại do chính những con người ấy - vốn thoát thai từ trong lòng chế độ cũ (và do đó, không tránh khỏi việc đã nhiễm phải những căn bệnh vốn có của xã hội cũ, của một nền nông nghiệp tiểu nông, lạc hậu...) - tổ chức thực hiện và vận hành. Chính vì thế, nền hành chính nhà nước mới tuy mang bản chất của nhà nước cách mạng, nhưng bản thân nó vẫn chứa đựng một số khuyết điểm, nhược điểm do trình độ nhận thức, kiến thức của chính những người đã thiết kế và vận hành nó trong khi thực hiện quyền hành pháp của nhà nước cách mạng. Tuy nhiên, đó là những hạn chế không thể tránh khỏi trong thời kỳ đầu của những con người - theo cách nói của Mác, là người lao động bình thường, trước đó chưa từng bao giờ nắm quyền lực nhà nước, cũng hoàn toàn chưa từng được học hay thực hành việc quản lý cả một bộ máy nhà nước đồ sộ, phức tạp, hơn nữa lại là kiểu nhà nước mới chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Trong hoàn cảnh như vậy, nền hành chính nhà nước trong thiết kế cũng như trong hành động, mạnh về chính trị mà còn tương đối yếu về chuyên môn - nghiệp vụ cũng là dễ hiểu(2).
Thứ ba, nền hành chính nhà nước còn mang nặng dấu ấn của cơ chế tập trung, bao cấp - sản phẩm tất yếu của thể chế chính trị tập trung cao độ. Nền hành chính nhà nước chưa đáp ứng được những yêu cầu của cơ chế quản lý mới, cũng như yêu cầu phục vụ nhân dân trong điều kiện mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. Cơ chế, mô hình tập trung quan liêu bao cấp vẫn còn chi phối một mức độ đáng kể tất cả các khâu, các lĩnh vực hoạt động của Nhà nước, đặc biệt tập trung ở lĩnh vực hành chính nhà nước - từ tiềm thức, tập quán cho đến cách nghĩ, cách làm của cán bộ, công chức. Thủ tục hành chính còn phiền hà với nhiều loại giấy tờ, chữ ký; cơ chế “xin - cho” chưa bị loại bỏ hoàn toàn. Các biểu hiện cụ thể của tình trạng trên là:
Một là, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ máy hành chính trong nền kinh tế chưa được xác định rõ ràng và phù hợp; phân công, phân cấp giữa các cấp chưa thật sự rành mạch; ôm đồm quá nhiều công việc, từ sản xuất, kinh doanh đến dịch vụ công và phúc lợi xã hội (y tế, giáo dục...), cả công việc của cấp dưới, của cơ sở.
Hai là, hệ thống thể chế hành chính chưa đồng bộ, còn chồng chéo và thiếu thống nhất; thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; trật tự, kỷ cương chưa nghiêm.
Ba là, đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước vừa thừa, vừa thiếu và yếu; thừa về số lượng nhưng lại thiếu những người có chuyên môn cao và thạo việc; trình độ và năng lực của một bộ phận không nhỏ cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc trong giai đoạn cách mạng mới. Công chức hành chính ở các cấp hoạt động ít được kiểm soát bởi các thể chế hữu hiệu; hiện tượng lộng hành, vô trách nhiệm khá phổ biến.
Bốn là, việc thực hiện chức năng hành chính của ủy ban nhân dân ở chính quyền cơ sở chưa đồng bộ, chưa thành hệ thống thông suốt; hiệu lực quản lý, điều hành của ủy ban nhân dân còn nhiều hạn chế, thiếu sót; còn nhiều hiện tượng quan liêu, cửa quyền, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân
Năm là, cơ chế làm việc tập thể của ủy ban nhân dân cấp cơ sở, ngoài những mặt tích cực vốn có, cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, như kìm hãm sự năng động, nhanh nhạy, tự chủ và thông suốt - những đặc trưng rất cần thiết của cơ quan hành chính nhà nước. Cơ chế đó vừa không phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng hành chính, vừa gây ra tình trạng vô trách nhiệm, không rõ địa chỉ của những thiếu sót, khuyết điểm cá nhân trong bộ máy hành chính.
Tình trạng quan liêu và tham nhũng của một bộ phận cán bộ nhà nước và các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta thực sự là một nguy cơ, thách thức lớn. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư xây dựng, tốc độ phát triển kinh tế, gây ra những rối ren kinh tế và bất ổn về chính trị. Tệ quan liêu, tham nhũng và suy thoái về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm cho bộ máy Đảng và Nhà nước suy yếu; lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn; chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước bị thi hành sai lệch có thể dẫn tới chệch hướng.
2. Yêu cầu đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay
Một là, trong lãnh đạo Nhà nước, Đảng không được phép tự biến mình thành Nhà nước hoặc đứng trên Nhà nước; khắc phục tình trạng bao biện, làm thay công việc của chính quyền và các đoàn thể nhân dân, nhưng cũng không được buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội, Đảng phải chịu trách nhiệm toàn diện và cao nhất trước nhân dân về sự phát triển xã hội, đời sống của nhân dân, năng lực và phẩm chất của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, nên mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải được thể chế hoá thành pháp luật và được thực thi chủ yếu bằng công cụ là nền hành chính nhà nước. Đảng phải giáo dục, lựa chọn, đưa các đảng viên ưu tú tham gia các cơ quan hành chính nhà nước, đi đầu trong những công việc khó khăn, phức tạp của công cuộc cải cách hành chính; tạo điều kiện để quần chúng được thực sự đánh giá đảng viên và lựa chọn những đảng viên ưu tú, vì dân trở thành cán bộ, công chức hành chính nhà nước.
Hai là, các hoạt động hành chính cần phải được điều chỉnh từ một trung tâm đầu não để có thể phối hợp ăn khớp và nhịp nhàng với nhau. Song, các yếu tố trong hệ thống đồng thời phải có khả năng linh hoạt, mềm dẻo và kịp thời để có thể giải quyết được các tình huống phát sinh trong thực tế quản lý. Như vậy, yêu cầu đặt ra trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu hành chính là vừa phải tăng cường tính tập trung, vừa phải nâng cao tính tự quản của cơ sở, cùng với tính trách nhiệm cá nhân của công chức, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp. Cần luật hoá điều này để có thể quy rõ người, rõ tội, tránh tình trạng vì là trách nhiệm tập thể nên không ai có tội; và cũng tránh tình trạng nhân danh trách nhiệm tập thể nên những phát minh, sáng kiến cá nhân không được đãi ngộ thoả đáng, từ đó không khai thác và sử dụng được nhân tài. Phải phân biệt rõ tình trạng tập trung và quan liêu của cơ chế hành chính hiện nay với tính tập trung của hệ thống hành chính - cái chỉ xuất hiện khi các yếu tố của hệ thống hành chính được độc lập và tự do hoạt động trong khuôn khổ và chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong luật, tức là chỉ khi trong hệ thống có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các thành tố.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển nền hành chính nhà nước từ tình trạng tập trung, quan liêu, bao cấp, chủ quan duy ý chí, coi nhẹ hoạt động quản lý chuyên nghiệp sang nền hành chính nhà nước năng động, có hiệu lực và hiệu quả, tăng cường tính chuyên môn, quy trình công nghệ trong hoạt động hành chính. Chuyển từ nền hành chính mệnh lệnh (cai trị) đơn thuần sang nền hành chính phục vụ, đáp ứng các yêu cầu của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền.
Bốn là, cải cách bộ máy hành chính phải được đặt lên hàng đầu, trong đó chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở là yếu tố hết sức quan trọng của bộ máy ấy. Không thể có nền hành chính tốt nếu chính quyền địa phương yếu kém. Do đó, cần phải kiện toàn và củng cố ủy ban nhân dân các cấp; nghiên cứu việc không thực hiện hội đồng nhân dân ở một số cấp không thật cần thiết; đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ và thẩm quyền được phân cấp, đặc biệt là tập trung xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền cấp tỉnh và cấp xã đủ mạnh để thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn một cách có hiệu quả. Trong đó, cấp xã cần được xây dựng, kiện toàn đúng với tầm của cấp chính quyền cơ sở và được phân cấp nhiều hơn nữa về chức năng, thẩm quyền quản lý nhà nước. Xác định lại vai trò của hội đồng nhân dân các cấp cơ sở theo hướng đề cao tính tự quản, tính đại diện, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, khắc phục tình trạng hoạt động còn mang tính hình thức hiện nay. Việc xác định mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc của ủy ban nhân dân cấp cơ sở không nên máy móc theo một khuôn mẫu cố định, nên coi đây là công việc của chính quyền địa phương từng cấp tuỳ thuộc vào đặc điểm, yêu cầu cụ thể của từng địa phương. Chỉ có chính những con người ở địa phương cụ thể đó mới hiểu rõ được cần phải tổ chức bộ máy chuyên môn như thế nào cho phù hợp nhất với thực tế địa phương của họ.
Năm là, dân chủ - cái được xác định là thuộc về bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải được thực hành một cách rộng rãi và thực chất trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tình trạng quan liêu hoá, thiếu dân chủ của bộ máy nhà nước là nguyên nhân chính dẫn tới sự xa rời của nhân dân đối với Nhà nước, làm cho nền hành chính bị mất niềm tin và trở nên kém hiệu lực. Mặt khác, chính quyền có trong sạch và được dân tin yêu, ủng hộ thì mới vững mạnh và hoạt động có hiệu lực; ngược lại, chỉ có dựa vào sức mạnh của nhân dân thì mới xây dựng được Nhà nước và nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Muốn vậy, phải tạo mọi điều kiện để người dân được tham gia xây dựng và quản lý nhà nước; đồng thời, phải tạo cơ chế để người dân có thể tham gia kiểm soát, giám sát hoạt động của Nhà nước và công chức nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước. Nhà nước cần nhận được sự phản hồi trực tiếp, trung thực từ phía người dân qua cơ chế phản biện xã hội (bằng những chế tài cụ thể do luật định).
Sáu là, cải cách nền hành chính nhà nước phải tiếp tục là vấn đề trung tâm của sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Cải cách nền hành chính nhà nước sẽ tác động đến cải tiến mối quan hệ về chức năng giữa ba cơ quan quyền lực nhà nước; vì thế, sẽ có tác dụng tốt cho việc tiến hành đổi mới hệ thống chính trị. Nền hành chính nhà nước là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, phục vụ tổ chức và công dân, duy trì trật tự, kỷ cương xã hội. Vì thế, cải cách hành chính nhà nước chính là cải cách phương thức phục vụ dân. Nền hành chính nhà nước là nơi tập trung đông đảo nhất nguồn nhân lực làm việc trong khu vực công, nên cải cách hành chính cũng chính là đổi mới phương thức, tác phong làm việc, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhằm có được một nền hành chính thực sự là nền hành chính phục vụ, vì dân. Mặt khác, hành chính nhà nước là nơi mà người ta thấy rõ nhất những ưu việt của chế độ, nhưng cũng là nơi hội tụ nhất, tập trung nhất, hoặc biểu hiện rõ nhất các nhược điểm, khuyết tật của bộ máy nhà nước. Do đó, để củng cố lòng tin của nhân dân với chế độ nói chung, với Nhà nước nói riêng, đồng thời thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thế giới và khu vực, thì cải cách hành chính nhà nước phải là nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam(3).
Yêu cầu này thể hiện cụ thể như sau:
- Thủ tục hành chính là khâu liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, của doanh nghiệp, liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế. Thủ tục hành chính phải đảm bảo được hai mục tiêu, một là, tăng cường quản lý nhà nước; hai là, tạo điều kiện cho công dân thực hiện được các quyền cơ bản của mình, quản lý phải tạo điều kiện làm tiền đề cho sự phát triển.
- Pháp chế hoá bộ máy hành chính, biên chế công chức và hoạt động hành chính. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương trong tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay là do không đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề pháp chế hoá cấu trúc bộ máy hành chính, vấn đề chức danh và biên chế công chức hành chính, kèm theo đó là phương thức hoạt động của nền hành chính, của công chức hành chính. Vì thế, trong quá trình xây dựng Nhà nước hiện nay, để nền hành chính nhà nước hoạt động có hiệu lực và hiệu quả, cần tăng cường pháp luật hành chính có liên quan tới cả kết cấu bộ máy, tiêu chuẩn, số lượng biên chế, lẫn phương thức hoạt động của cơ quan hành chính.(3)
- Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính. Đây là một trong số các yêu cầu cấp bách của cải cách nền hành chính trong giai đoạn hiện nay. Hoạt động hành chính là một nghề chuyên môn. Công chức là người làm một nghề chuyên môn nhưng không phải là độc lập, tách rời chính trị mà họ đóng vai trò gạch nối giữa chính trị và hành chính, tức họ tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào những quyết định, đồng thời là người thực hiện những quyết định đó của bộ máy nhà nước. Vì thế, một yêu cầu cấp bách và cơ bản của quá trình xây dựng Nhà nước và nền hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay là đánh giá, lựa chọn, bố trí lại cán bộ, công chức, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ những tiêu chuẩn về phẩm chất lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của công cuộc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ này, Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: ”Hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ công chức, coi trọng cả năng lực và đạo đức... Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém và thoái hoá. Tăng cường cán bộ cho cơ sở. Có chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ xã, phường, thị trấn”(4).
Nhận định về thực trạng nghiêm trọng của tình hình tham nhũng, những tác hại to lớn của nó và tính cấp bách của việc ngăn chặn nó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá X cho rằng, ở nước ta hiện nay, tham nhũng ngày càng phát triển, biểu hiện ở nhiều hình thức tinh vi, gây ra những hậu quả hết sức to lớn. Nếu không ngăn chặn được, thì đây là một nguy cơ liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nguyên nhân của tham nhũng rất đa dạng, gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, phải nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan và coi đó là nguyên nhân chủ yếu. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện quyết tâm phòng ngừa và kiên quyết chống tham nhũng, xử lý kiên quyết các vụ việc cụ thể liên quan đến tham nhũng, dù đó là cá nhân, cơ quan hay tổ chức ở bất cứ cấp nào. Đặc biệt, sự quan tâm và quyết tâm của lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề phòng chống tham nhũng được biểu hiện ở việc thành lập các cơ quan chống tham nhũng trực thuộc trực tiếp Thủ tướng, Bộ Chính trị, Thanh tra Nhà nước... Văn kiện Đại hội X khẳng định: “Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai những người tham nhũng, bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; những người bao che cho tham nhũng, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...”(5).
Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải đặc biệt coi trọng các tiêu chuẩn của người cán bộ, công chức nhà nước theo quan điểm của Hồ Chí Minh, cụ thể là:
Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng. Công chức là những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, là người của bộ máy nhà nước, mà Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; do đó, trung thành là yêu cầu đầu tiên cần phải có đối với cán bộ, công chức. Trong bài “Đạo đức cách mạng”, Hồ Chí Minh viết: “Nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là: quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”(6).
Thứ hai, thành thạo công việc. Con người làm bất cứ việc gì, ở đâu mà không thành thạo sẽ gây ra tác hại lớn. Đặc biệt, hành động của bộ máy nhà nước liên quan đến toàn bộ đời sống xã hội, nên sự không thạo việc của người cán bộ, công chức sẽ dẫn đến tác hại khôn lường. Hồ Chí Minh nói: “Cần tiếp tục học tập nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa. Có nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa thì sau này mới tránh được nhiều sai lầm khác... Kỹ thuật hiện nay càng ngày càng tiến, không gắng học tập thì sẽ lạc hậu”(7).
Thứ ba, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Đây là yêu cầu tất yếu, quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng là hoà mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu...”(8).
Thứ tư, phải trung thực, có chí tiến thủ, luôn phê bình và tự phê bình, biết người, biết việc, không thành kiến, không bao che...
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của người cán bộ, là một nhân cách thanh cao, luôn tận tụy vì dân, vì nước. Theo Người, đạo đức của người cách mạng không phải là những giáo điều nói suông, mà phải là đạo đức của hành động: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(9).