Tìm kiếm

ĐẠO ĐỨC KINH DOANH MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM

20/02/2023

Tạp chí Triết học, số 3, năm 2013

PHẠM VĂN ĐỨC (*)

Khái niệm đạo đức kinh doanh có nội hàm là những quy định, quy tắc và các tiêu chuẩn chỉ đạo hành vi của chủ thể trong hoạt động kinh doanh. Đạo đức kinh doanh bao gồm việc tuân thủ luật pháp, việc thực hiện trách nhiệm mang tính đạo đức của doanh nghiệp, việc bảo vệ quyền lợi cho những người có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi của cộng đồng.

Thực tế chỉ ra rằng, nhận thức về đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay chưa có sự thống nhất và đầy đủ. Chính điều đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Theo chúng tôi, có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự yếu kém trong đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, đó là nguyên nhân về nhận thức, nguyên nhân kinh tế và nguyên nhân pháp lý. Do đó, để thực hiện đạo đức kinh doanh ở Việt Nam, thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc tuyên truyền, giáo dục và xây dựng các quy tắc ứng xử về đạo đức kinh doanh là những giải pháp quan trọng, cấp thiết để từng bước xây dựng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.

1. Mở đầu

Trong quan niệm cũ của người Việt Nam, tầng lớp kinh doanh bị nhìn nhận một cách tiêu cực, coi là những người làm ăn gian dối, bất chính và vô đạo đức. Song, từ khi đổi mới đến nay, cùng với chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quan niệm về tầng lớp doanh nhân và doanh nghiệp đã có sự thay đổi. Từ chỗ bị coi là người làm ăn gian dối, trong điều kiện kinh tế thị trường, doanh nhân được xem là những người có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, là tầng lớp tinh túy của xã hội. Về mặt nhà nước, bắt đầu từ năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã lấy ngày 13 tháng 10 là ngày doanh nhân để vinh danh những người làm ăn giỏi, những người có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phải thừa nhận rằng, mục đích hàng đầu và tối thượng của những người làm kinh doanh và các doanh nghiệp chính là lợi nhuận.(*)Lợi nhuận là động lực hết sức quan trọng đối với các doanh nhân và doanh nghiệp. Động lực đó đã thúc đẩy các nhà doanh nghiệp có những cải tiến và sáng kiến hay trong kinh doanh để mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ đối với doanh nghiệp, mà còn đối với xã hội nói chung. Nhưng bên cạnh mặt tích cực như vậy, lợi nhuận còn có tác động tiêu cực. Để đạt được lợi nhuận, nhiều nhà doanh nghiệp bất chấp cả đạo lý và pháp luật. Đây là vấn đề mang tính quy luật chung của mọi nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, vấn đề đạo đức của nhà doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh luôn là vấn đề mang tính thời sự cấp thiết. Đặc biệt, ở Việt Nam hiện nay, khi mà nền kinh tế thị trường còn non trẻ, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ thì vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra một cách cấp thiết hơn.

Đạo đức kinh doanh là một dạng của đạo đức xã hội, thuộc lĩnh vực của đạo đức nghề nghiệp, đạo đức ứng dụng, giống như đạo đức của người thầy thuốc, của thầy giáo, đạo đức cảnh sát, v.v.. Tuy nhiên, phạm vi và tác động của đạo đức kinh doanh mang tính rộng lớn và bao quát tới toàn xã hội.

2. Quan niệm về đạo đức kinh doanh

Đạo đức bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp ethiko ethos, nghĩa là phong tục hoặc tập quán. Tuy nhiên, với tư cách một khái niệm khoa học, đạo đức kinh doanh mới chỉ xuất hiện từ nửa đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Người đầu tiên đưa ra khái niệm này là nhà nghiên cứu đạo đức kinh doanh nổi tiếng Norman Bowie(1).

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về đạo đức kinh doanh. Theo Phillip V.Lewis, Đại học Abilene Christian, Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian từ năm 1961 đến 1985 trên các sách giáo khoa và tạp chí có khoảng 185 định nghĩa về đạo đức kinh doanh. Sau khi tổng hợp các điểm chung của 185 định nghĩa, Phillip V.Lewis đã xác định đạo đức kinh doanh như là những quy tắc, tiêu chí, chuẩn mực để đánh giá hành vi của chủ thể kinh doanh. Ông viết: “Đạo đức kinh doanh là tất cả những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức hoặc luật lệ để cung cấp chỉ dẫn về hành vi ứng xử chuẩn mực và sự trung thực (của một tổ chức) trong những trường hợp nhất định”(2). Còn Ferrels và John Fraedrich lại chú ý đến phương diện điều chỉnh hành vi của đạo đức kinh doanh đối với chủ thể kinh doanh: “Đạo đức kinh doanh bao gồm những nguyên tắc cơ bản và tiêu chuẩn điều chỉnh hành vi trong thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, việc đánh giá một hành vi cụ thể là đúng hay sai, phù hợp với đạo đức hay không sẽ được quyết định bởi nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, các nhóm có quyền lợi liên quan, hệ thống pháp lý cũng như cộng đồng”(3).

Cho đến nay, ở Việt Nam, đạo đức kinh doanh vẫn là vấn đề khá mới mẻ; giáo trình và sách viết về đạo đức kinh doanh không nhiều. Ngoài một số cuốn sách của Mỹ được dịch ra tiếng Việt(4), gần đây đã có khá nhiều bài báo viết về đạo đức đăng trên trang Web. Diễn đàn doanh nghiệp, Lao động, Saigon Times, Thời báo kinh tế Sài Gòn, v.v.. Tuy nhiên, các bài báo này chỉ tập trung mô tả những hiện tượng vi phạm đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, chứ ít bàn đến những vấn đề lý luận.

Dưới dạng khái quát và đơn giản nhất, có thể hiểu đạo đức kinh doanh là những quy tắc được xã hội chấp nhận để phân định hành vi của chủ doanh nghiệp là đúng hay sai, là có đạo đức hay không có đạo đức để trên cơ sở đó nhằm điều chỉnh hành vi của các nhà kinh doanh.

Nhưng nếu coi đạo đức thuộc hình thái ý thức xã hội, là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc nhằm điều chỉnhđánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong hiện tại hoặc quá khứ cũng như tương lai, được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội thì đạo đức kinh doanh không chỉ là tuân thủ luật pháp, mà còn và chủ yếu là thực hiện trách nhiệm mang tính đạo đức của doanh nghiệp.

Theo định nghĩa này, đạo đức kinh doanh có rất nhiều điểm chung với sự tuân thủ luật pháp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa đạo đức kinh doanh không chỉ bao gồm việc tuân thủ pháp luật, mà còn quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi cho những người có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi của cộng đồng.

Từ cách hiểu về đạo đức kinh doanh như vậy nên một số người đồng nhất đạo đức kinh doanh với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; một số người cho rằng đạo đức kinh doanh rộng hơn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; một số khác lại coi đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đều là sự thể hiện của triết lý kinh doanh và độc lập với nhau. Đây là vấn đề cần được thảo luận và làm rõ.

Trên thực tế, khái niệm “đạo đức kinh doanh” và “trách nhiệm xã hội” thường hay được sử dụng để thay thế cho nhau tùy thuộc vào những văn cảnh cụ thể mà ít có sự phân biệt rạch ròi. Xét trên bình diện lý luận, đây là hai khái niệm khác nhau, phản ánh những khía cạnh khác nhau trong hoạt động kinh doanh của chủ thể.   

Có thể coi trách nhiệm xã hội là nghĩa vụ mà một doanh nghiệp hay cá nhân cần thực hiện nhằm đạt được nhiều nhất những tác động tích cực và giảm tối thiểu các tác động tiêu cực đối với xã hội, còn đạo đức kinh doanh là những quy định, quy tắc và các tiêu chuẩn chỉ đạo hành vi của chủ thể trong hoạt động kinh doanh. Người ta thường quan niệm trách nhiệm xã hội là những cam kết của các chủ doanh nghiệp với xã hội; trong khi đó, đạo đức kinh doanh lại là các quy định rõ ràng về những phẩm chất đạo đức chỉ đạo quá trình đưa ra quyết định của những tổ chức kinh doanh.

Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy, nếu đạo đức kinh doanh quan tâm đến các nguyên tắc và quy định chỉ đạo những quyết định của chủ thể và tổ chức, thì trách nhiệm xã hội quan tâm tới hậu quả đối với xã hội của những quyết định đó. Nếu đạo đức kinh doanh thể hiện những động cơ, mong muốn, kỳ vọng xuất phát từ bên trong thì trách nhiệm xã hội thể hiện những mong muốn, kỳ vọng xuất phát từ bên ngoài.

Tuy nhiên, định nghĩa trên đây cũng còn quá chung để xác định trong thực tế một doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp nào là có đạo đức, một doanh nghiệp hay chủ doanh nghiệp nào là vi phạm đạo đức. Nếu lấy các quy định về pháp luật mà soi xét thì chúng ta có thể xác định được (mặc dù trong nhiều trường hợp là không dễ) hành vi nào là có đạo đức và hành vi nào là vi phạm đạo đức.

Nhằm cụ thể hóa các quy tắc, các tổ chức đã xây dựng những quy tắc ứng xử (code of conduct) hoặc Hiệp ước toàn cầu (Global Compact). Chẳng hạn, các bộ quy tắc ứng xử bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Bộ đầu tiên do Levi Straus xây dựng năm 1991. Hiện nay, trên thế giới ước tính có khoảng hơn 1000 bộ quy tắc ứng xử do các công ty đa quốc gia xây dựng, trong đó có SA8000 do tổ chức quốc tế về Trách nhiệm xã hội của Mỹ xây dựng (Social Accountability International – SAI).

Nội dung của các bộ quy tắc ứng xử đầu tiên rất khác nhau, nhưng ngày nay các bộ quy tắc này chủ yếu tập trung vào các tiêu chuẩn của ILO. Hầu hết các bộ quy tắc này đều gồm 10 điểm, thể hiện các nguyên tắc trong công ước cơ bản của ILO, chẳng hạn SA8000 có các quy định về trách nhiệm xã hội sau: 1/ Lao động trẻ em; 2/ Lao động cưỡng bức; 3/ An toàn và vệ sinh lao động; 4/ Tự do hiệp hội và quyền thoả ước lao động tập thể; 5/ Phân biệt đối xử; 6/ Xử phạt; 7/ Giờ làm việc; 8/ Trả công; 9/ Hệ thống quản lý(5).

Trên phương diện quốc tế, tháng 7 năm 2000  Liên hợp quốc đã chính thức công bố Hiệp ước toàn cầu đối với cộng đồng các doanh nghiệp. Mục đích của Hiệp ước toàn cầu nhằm hỗ trợ các cam kết của doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững và một nền kinh tế công bằng. Các thành viên buộc phải đưa ra tuyên bố mang tính cam kết của doanh nghiệp đối với các nguyên tắc của Hiệp ước. Tại thời điểm hiện nay có khoảng 8.000 người tham gia; trong đó, có 5.300 doanh nghiệp, cả doanh nghiệp tư nhân lẫn doanh nghiệp nhà nước từ 130 nước khác nhau trên thế giới.(5)

Hiệp ước toàn cầu bao gồm 10 nguyên tắc chung được chia thành 4 nhóm:

1. Nhóm các nguyên tắc thuộc về nhân quyền

Nguyên tắc 1: Doanh nghiệp phải ủng hộ và tôn trọng các quyền con người đã được Quốc tế công bố;

Nguyên tắc 2: Doanh nghiêp phải cam kết không đồng lõa với việc lạm dụng nhân quyền.

2. Nhóm các nguyên tắc thuộc về lao động

Nguyên tắc 3: Doanh nghiệp phải ủng hộ việc tự do thành lập hiệp hội và thừa nhận quyền thương lượng tập thể; 

Nguyên tắc 4: Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc;

Nguyên tắc 5: Thật sự xóa bỏ tình trạng lao động trẻ em;

Nguyên tắc 6: Loại bỏ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng lao động và việc làm.

3. Nhóm các nguyên tắc thuộc về môi trường

Nguyên tắc 7: Doanh nghiệp phải ủng hộ các phương án phòng ngừa đứng trước thách thức về môi trường;

Nguyên tắc 8: Doanh nghiệp cần thực hiện các sáng kiến để nâng cao hơn nữa trách nhiệm đối với môi trường; 

Nguyên tắc 9: Doanh nghiệp cần khuyến khích phát triển và phổ biến công nghệ thân thiện với môi trường.

4. Nhóm các nguyên tắc thuộc về chống tham nhũng

Nguyên tắc 10: Doanh nghiệp phải chống lại nạn tham nhũng dưới mọi hình thức, kể cả hối lộ và nhận hối lộ.

Hiệp ước toàn cầu không phải là bộ quy tắc ứng xử, mà được xem như là một cương lĩnh tình nguyện. Trên cơ sở cương lĩnh đó, các doanh nghiệp xây dựng bộ quy tắc ứng xử.

Vấn đề đặt ra là, có một bộ quy tắc chung cho các quốc gia hay mỗi quốc gia cần xây dựng một bộ quy tắc riêng? Ở cấp độ quốc gia, có nên đặt vấn đề xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho các doanh nghiệp hay không?

3. Một số vấn đề đạo đức kinh doanh đặt ra trong các doanh nghiệp Việt Nam

3.1. Trong doanh nghiệp nhà nước

Vấn đề nổi cộm của đạo đức kinh doanh trong các doanh nghiệp nhà nước hiện nay là vấn đề tham nhũng.

Theo báo cáo điều tra tham nhũng ở Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương thực hiện cuối năm 2005, có tới 56,5% cán bộ, công chức được hỏi đánh giá: Cấp trên trực tiếp của mình tham nhũng ở các mức độ khác nhau. Cấp trên là những người đứng đầu đã dính vào tham nhũng rồi thì nói chống tham nhũng ít người nghe và chỉ là hô hào suông.

Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI), Việt Nam thuộc nhóm nước có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Năm 2011 mặc dù có những tiến bộ nhất định, nhưng Việt Nam vẫn là nước có điểm số thấp và đứng cuối bảng xếp hạng. Theo TI, ở châu Á, tình hình tham nhũng ở Việt Nam nghiêm trọng hơn so với Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... nhưng ít nghiêm trọng hơn Mông Cổ, Philippines, Lào, Nepal, Campuchia, Myanmar(6).

Năm 2012, Việt Nam, Lào và Trung Quốc đã tụt hạng đáng kể trong bảng xếp hạng. Triều Tiên vẫn tiếp tục là quốc gia tham nhũng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ so với vị trí 112 trước đây.

Bảng xếp hạng năm 2011 của TI có 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ở đồ thị thứ hai về mức độ nhận thức tham nhũng trong lĩnh vực công, Việt Nam đạt 31 điểm. Năm 2011, Việt Nam được 2,9 điểm trong thang điểm từ 0 - 10.

Theo đánh giá của TI, kinh tế Việt Nam đang có nhiều bất ổn trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ bê bối ở các tập đoàn và sự quản lý kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước khiến giới đầu tư lo ngại. Chính phủ Việt Nam gần đây đã tăng cường nỗ lực chống tham nhũng, bắt giữ một số nhà điều hành ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước(7).

3.2. Trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Tính đến năm 2007, có 4509 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đa số các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam đã thực hiện khá tốt vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả, sản xuất những sản phẩm có uy tín, có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, nâng cao sự tăng trưởng của nền kinh tế. Unilever được xem là một trong những công ty có vốn đầu tư nước ngoài thành công nhất trong các hoạt động kinh doanh và hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Từ năm 1995 đến 2005, Unilever Việt Nam đã đóng góp vào ngân sách quốc gia hơn 2.400 tỉ đồng. Tháng 4 năm 2000, Unilever Việt Nam đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về những thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh và đóng góp cho xã hội qua các dự án hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như giáo dục. Công ty cũng được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (2002) và Huân chương Lao động hạng Nhì (2005) vì những thành tích xuất sắc trong hoạt động kinh doanh và những đóng góp vì sự phát triển của Việt Nam.

Bên cạnh đa số những liên doanh và doanh nghiệp nước ngoài có uy tín cao, chú trọng đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội khi hoạt động ở Việt Nam, vẫn có một số doanh nghiệp nước ngoài vi phạm nghiêm trọng các vấn đề này. Trong đó, trước hết phải kể đến Vedan, một công ty của Đài Loan, đã xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Cá biệt vẫn có những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam buôn lậu và trốn thuế, như doanh nghiệp Kanaan, Coca cola...

3.3. Trong các doanh nghiệp tư nhân

Ngoài một số doanh nghiệp làm ăn có uy tín, đã tiếp cận thị trường quốc tế, có ý thức và trách nhiệm đối với cộng đồng, như Công ty cổ phần taxi Mai Linh, Công ty cà phê Trung Nguyên, Công ty dệt may Thái Tuấn, v.v. thì vấn đề đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang là vấn đề nổi cộm. Đa số các doanh nghiệp chưa cung cấp cho xã hội những sản phẩm có chất lượng cao, chưa có ý thức giữ chữ tín trong các hoạt động kinh doanh (với khách hàng, với đối tác, với xã hội, v.v.). Đa số các doanh nghiệp tư nhân cũng chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề đối xử với người lao động, vấn đề bình đẳng giới... - những vấn đề thuộc về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Những biểu hiện làm ăn kiểu chụp giật, không tôn trọng chữ tín vẫn đang là những hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, cùng với việc ra đời các chính sách, quy định của Nhà nước, các hiện tượng trên đang được khống chế dần dần.

Một điều cần phải thừa nhận rằng, so với những năm bắt đầu đổi mới, các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh. Điều này vừa phản ánh hiện tượng hợp thức hóa các doanh nghiệp đã tồn tại, vừa cho thấy sự hình thành các doanh nghiệp mới. Sự đa dạng đáng chú ý này của khu vực doanh nghiệp đã được công nhận là một trong những đặc điểm chính, thậm chí là điểm mạnh của quá trình chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa chú trọng văn hóa kinh doanh; vì vậy, môi trường kinh doanh Việt Nam còn vô số những điều bất cập.

Từ những điều trình bày trên đây, có thể khẳng định rằng, vấn đề nổi cộm nhất của đạo đức kinh doanh trong xã hội Việt Nam là vấn đề thiếu chữ tín:

Xã hội Việt Nam vẫn là xã hội thiếu chữ tín (low trust society). Lòng tin hay chữ tín rất thiếu vắng trong xã hội Việt Nam. Để tin nhau, người ta đều phải dựa vào yếu tố gia đình hay quan hệ huyết thống. Đây là một vấn đề bất cập rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh về một môi trường kinh doanh thuận lợi ở Việt Nam. Khả năng tạo dựng lòng tin, chữ tín và tính liên kết trong kinh doanh vẫn tiếp tục được nhìn nhận như là những mặt yếu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Tình trạng vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề báo động trong xã hội Việt Nam. Để thu về lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể đã sử dụng những hóa chất độc hại trong quá trình chế biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng. Ví dụ, người ta đã sử dụng các chất độc hại để chế biến thực phẩm, như dùng MDP3 để sản xuất nước tương, chất phoóc-môn (formaldehyde) để làm bún, bánh phở; chất Rhodamine B để tạo màu cho hạt dưa, dùng phẩm màu công nghiệp để làm ớt bột, v.v..

Các vụ ngộ độc thức ăn do người kinh doanh thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm với cộng đồng gây ra vẫn đang là hiện tượng rất phổ biến ở Việt Nam. Trong quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài, một số doanh nghiệp Việt Nam còn chưa giữ được chữ tín. Rất nhiều lô hàng Việt Nam bị đối tác nước ngoài trả về vì chất lượng lần hai không giống với chất lượng lần một. Việc một số doanh nghiệp Việt Nam bội tín khi đã ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài cũng gây ảnh hưởng xấu đối với uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam.

4. Một số giải pháp thực hiện đạo đức kinh doanh ở Việt Nam

Có thể quy nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp vào ba nguyên nhân chính, đó là nguyên nhân về nhận thức, nguyên nhân kinh tếnguyên nhân pháp lý. Do đó, để nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm của doanh nghiệp, cần bám sát những nguyên nhân nói trên để đề ra những giải pháp phù hợp. Cụ thể là:

Thứ nhất, cần xây dựng một hành lang pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi đạo đức kinh doanh một cách đầy đủ và nghiêm túc. Điều này liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo môi trường và khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Khung pháp lý chính là biện pháp có hiệu lực nhất đối với việc thực hiện đạo đức kinh doanh; đồng thời, là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho giải pháp về đạo đức, làm cho các động cơ đạo đức thường xuyên được củng cố và ngày càng có hiệu lực trên thực tế. Cái khó cho Việt Nam và các nước đang phát triển nói chung là trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư nước ngoài, nếu đặt nặng các mục tiêu về môi trường và xã hội thì các doanh nghiệp khó có thể thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng, nếu không đặt mạnh vấn đề đạo đức kinh doanh thì những hậu quả về môi trường và xã hội sẽ không thể bù đắp được bằng các kết quả của sự tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu phát triển bền vững, do vậy, cũng không thể thực hiện được.

Thứ hai, cần tuyên truyền, giáo dục cho tất cả các doanh nghiệp, trước hết là các chủ doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, phải làm cho họ hiểu rằng việc thực hiện đạo đức kinh doanh không chỉ có tác dụng đối với xã hội nói chung mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xét về lâu dài và về khía cạnh xây dựng thương hiệu. Công tác tuyên truyền, giáo dục rất quan trọng, bởi tất cả những hành vi của con người đều thông qua ý thức của con người, đều do ý thức của họ điều khiển. Do đó, vấn đề đặt ra là, phải làm sao cho việc thực hiện đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp trở thành động cơ bên trong của các chủ doanh nghiệp. Việc thực hiện đạo đức kinh doanh trước hết cần được xem là một hành vi đạo đức và được điều khiển bằng động cơ đạo đức. Đây chính là giải pháp bên trong đạo đức.

Thứ ba, cần xây dựng các quy tắc đạo đức dưới dạng các quy tắc ứng xử hay hiệp ước toàn cầu mà các tổ chức quốc tế đã làm. Trên thực tế, Việt Nam cũng đã tiến hành xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và đã có hiệp ước toàn cầu của Việt Nam. Mạng lưới Hiệp ước toàn cầu của Việt Nam (GCNV) được ra đời từ năm 2007. Có thể nói, Hiệp ước toàn cầu của Việt Nam “là trung tâm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp quốc gia hàng đầu”. GCNV hỗ trợ các thành viên của mạng lưới trong việc  xây dựng, triển khai mối liên kết giữa doanh nghiệp với cộng đồng, doanh nghiệp với môi trường, doanh nghiệp với chính phủ, doanh nghiệp và khách hàng, hướng đến phương châm doanh nghiệp bền vững, xã hội phồn vinh. GCNV bao gồm hơn 75 tổ chức trong và ngoài nước là các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, học viện, các cơ quan của Liên hợp quốc và các cơ quan chính phủ tại Việt Nam. Phần lớn thành viên của GCNV là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, các bộ quy tắc ứng xử này chưa thực sự có tác dụng điều chỉnh các hành vi của chủ doanh nghiệp một cách có hiệu quả. Do đó, hiện nay cần phải tiếp tục xây dựng bộ quy tắc ứng xử phù hợp với điều kiện của Việt Nam và làm cho bộ quy tắc ứng xử đó thực sự điều khiển hành vi của các chủ thể kinh doanh và các doanh nghiệp.

5. Kết luận

Đạo đức kinh doanh là vấn đề tương đối mới mẻ với Việt Nam. Song, trong những năm gần đây, trước những hậu quả tiêu cực về xã hội do các doanh nghiệp gây ra, vấn đề đạo đức kinh doanh được đặt ra một cách cấp bách. Ở Việt Nam, việc thực hiện đạo đức kinh doanh hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững. Có thể khẳng định rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc tuyên truyền, giáo dục và xây dựng các quy tắc ứng xử về đạo đức kinh doanh là những giải pháp quan trọng, cấp thiết nhằm từng bước xây dựng đạo đức kinh doanh ở Việt Nam hiện nay. 


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Triết học, Tổng biên tập Tạp chí Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

([1]) Xem: Marcoux, A.M. “The concept of business in business ethics, Journal of private enterprise, April 1, 2006.

(2) Xem: Phillip V.Lewis. Defining Business Ethics: Like Nailing Jello to a Wall, Journal of Business Ethics 4, 1985, 377-383.

(3) Ferrels and John Fraedrich, Business ethics - Ethical decision making and cases, Houghton Mifflin Company, 2005.

(4) Một số cuốn sách của Mỹ đã được dịch sang tiếng Việt. Chẳng hạn, cuốn của Verne E.Henderson. “WHAT'S ETHICAL IN BUSINESS?” do Nxb McGraw - Hill Ryerson ấn hành.

(5) Xem: Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 3 (443) tháng 2 năm 2009.

(6) Xem: www.vnexpress.net ngày 19 tháng 11 năm 2012.

(7) Xem: www.vietnamnet.vn ngày 6  tháng 12 năm 2012.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007