NGUYỄN VĂN PHÚC (*)
Có thể nói, quan niệm tách rời đạo đức khỏi kinh doanh sẽ dẫn đến những định hướng, những giải pháp không đúng đắn và bất lợi về mặt thực tiễn. Trong bài viết này, tác giả luận giải để làm rõ rằng, đạo đức có nguồn gốc từ lao động và hoạt động sinh sống của con người; rằng, chính trong quá trình ấy, con người nhận thấy phải tương trợ lẫn nhau, nghĩa là phải hy sinh những lợi ích nhất định cho người khác, cho cộng đồng. Đó không là gì khác ngoài nội dung của đạo đức kinh doanh. Theo tác giả, với một nền kinh tế thị trường thì cần phải biến những nguyên tắc thị trường trở thành nhu cầu bên trong của chủ thể kinh doanh. Như vậy, hành vi kinh doanh đã đồng thời mang nội dung đạo đức và được thúc đẩy bởi động cơ đạo đứ
Cho đến nay, trên bình diện lý luận, không phải mọi người đều nhất trí rằng kinh doanh cần có đạo đức. Một số học giả muốn tách đạo đức khỏi kinh doanh. Họ khẳng định rằng, đạo đức là đạo đức, kinh doanh là kinh doanh, không nên nhầm lẫn hành vi đạo đức với hành vi kinh doanh. Sự nhầm lẫn về mặt lý luận sẽ dẫn đến những định hướng, những giải pháp không đúng đắn và bất lợi về mặt thực tiễn. Theo họ, hành vi đạo đức được đặc trưng bởi tính vị tha, tính tự luật. Điều đó có nghĩa là, trong hành vi đạo đức, động cơ đạo đức biểu hiện trực tiếp, không thông qua các quy định bên ngoài, chẳng hạn, sự quy định về mặt lợi ích. Mục đích của hành vi đạo đức là đạo đức, hành vi đạo đức không lấy đạo đức làm thủ đoạn để thực hiện mục đích khác ngoài đạo đức. Do vậy, hành vi đạo đức phải là hành vi đem lại lợi ích cho người khác, cho xã hội, chứ không phải cho chủ thể. Hơn thế, sự tương trợ người khác phải mang tính tự giác, tự nguyện, phải là sự thôi thúc từ nhu cầu tự thể hiện nhân cách, nghĩa là từ sự thôi thúc bên trong mang tính tự luật.
Trái với hành vi đạo đức, hành vi kinh doanh được đặc trưng ở tính vị kỉ, tính tha luật. Nói cụ thể hơn, tối đa hóa lợi nhuận của chủ thể là yêu cầu của bản thân hành vi kinh doanh; bởi nếu không có mục đích thu lợi thì người ta đã không tham gia vào quan hệ thị trường, không đầu tư kinh doanh. Như thế, hành vi kinh doanh không có tư cách vị tha của hành vi đạo đức. Ngoài ra, trong kinh doanh, khi chủ thể hành vi đáp ứng một lợi ích nhất định của đối tác, thì xét đến cùng, sự đáp ứng ấy cũng là vì lợi nhuận của bản thân họ. Chẳng hạn, khi một doanh nghiệp nào đó luôn đảm bảo chất lượng hàng hóa và cố gắng hạ giá bán, thì thoạt nhìn, điều đó thể hiện tinh thần phục vụ khách hàng, nhưng thực chất đó chỉ là thủ đoạn nhằm thu nhiều lãi nhất. Điều đó có nghĩa là, sự phục vụ người khác của các doanh nghiệp không phải là sự lựa chọn tự nguyện, không mang tính tự luật, mà mang tính tha luật.
Từ sự phân biệt và đặt đối lập như vậy giữa tự luật và tha luật, những người chủ trương tách đạo đức khỏi kinh doanh cho rằng, trong lĩnh vực kinh doanh, chúng ta không nên bận tâm đến những ràng buộc đạo đức. Cụ thể là, trên bình diện vĩ mô, khi chế định chính sách kinh tế, luật kinh doanh, các quy định có tính pháp quy, Nhà nước chỉ nên căn cứ vào yêu cầu thị trường, làm sao cho những chế định ấy phản ánh đúng đắn và đầy đủ nhất yêu cầu phát triển của thị trường một cách lành mạnh, hài hòa. Các chính sách kinh tế, luật kinh doanh nếu bị chi phối bởi các yêu cầu, các chuẩn mực đạo đức sẽ cản trở hoạt động kinh doanh và do đó, tác động bất lợi đến sự phát triển kinh tế. Trên bình diện hoạt động của các doanh nhân, sự điều chỉnh của các nguyên tắc thị trường được cụ thể hóa thành pháp luật và các quy định pháp quy là điều kiện cần và cũng là điều kiện đủ để tiến hành kinh doanh. Các chuẩn mực đạo đức không có mối liên hệ hữu cơ, tất yếu với kinh doanh; do đó, không có chỗ trong hoạt động kinh doanh; chúng không thể là động lực, mà ngược lại còn cản trở yêu cầu tối đa hóa lợi nhuận trong kinh doanh.
Cách nhìn nhận trên gặp một trở ngại là, sẽ khó khăn khi phải giải thích sự kiện hiển nhiên - bất kể người kinh doanh nào nếu muốn làm ăn lâu dài, muốn liên tục phát triển, muốn không ngừng thu lợi nhuận thì không thể không tuân thủ một số nguyên tắc và chuẩn mực nhất định. Chẳng hạn, trung thực trong kinh doanh, giữ chữ tín, tôn trọng đối tác, trợ giúp lẫn nhau và thực hiện những trách nhiệm xã hội nhất định. Ngược lại, lối kinh doanh không tuân thủ những nguyên tắc, những chuẩn mực đó và hơn thế, lối kinh doanh vi phạm pháp luật, dẫu có đem lại những khoản lợi nhanh và lớn đến đâu chăng nữa thì cuối cùng cũng phải trả giá bằng sự mất tín nhiệm của đối tác, khách hàng, hoặc sự trừng phạt của pháp luật. Điều đó dẫn đến sự tổn hại không chỉ lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nhân mà cả lợi ích kinh tế chung của xã hội.
Lý giải hiện tượng trên, những người chủ trương tách đạo đức khỏi hành vi kinh doanh cho rằng, những nguyên tắc và chuẩn mực nêu trên không phải là nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức. Chuẩn mực đạo đức đích thực mang tính tự luật, nghĩa là chúng điều chỉnh hành vi con người một cách tự nguyện. Sự tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực nêu trên thiếu tính tự nguyện; do đó, hành vi mà chúng điều chỉnh không phải là hành vi đạo đức. Khi tham gia vào quan hệ thị trường, đặc biệt là trong điều kiện thị trường phát triển, các chủ thể kinh doanh có tầm nhìn xa, trông rộng bao giờ cũng biết rằng, thị trường giống như một trò chơi; nó có nguyên tắc và luật lệ mà người chơi phải tuân thủ. Các nguyên tắc, các chuẩn mực, như trung thực trong kinh doanh, giữ chữ tín, tôn trọng đối tác,... chính là những nguyên tắc thị trường, luật thị trường. Các doanh nhân, dù muốn hay không, cũng phải tuân thủ chúng mới có thể tham gia lâu dài vào quan hệ thị trường, quan hệ kinh doanh. Như vậy, ngay cả trong trường hợp các doanh nhân tuân thủ một cách tự giác các nguyên tắc thị trường thì động cơ thôi thúc họ cũng vẫn là lợi nhuận, hơn thế, còn là động cơ thu lợi tối đa một cách tỉnh táo nhất, khôn ngoan nhất. Thực chất của việc tuân thủ các nguyên tắc nêu trên chính là sự thực hiện các hành vi trao đổi. Do vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, hành vi kinh doanh đều không có mối liên hệ bên trong với đạo đức, không phải là hành vi đạo đức.
Nếu hành vi kinh doanh không có tư cách của hành vi đạo đức thì động lực và sự điều tiết nó không phải là các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức. Mục đích và động lực đích thực của hành vi kinh doanh là lợi nhuận của doanh nghiệp, doanh nhân. Tuy nhiên, vì lợi nhuận của các chủ thể kinh doanh có thể ngược chiều và triệt tiêu lẫn nhau, nên yêu cầu của một thị trường ổn định là, các doanh nhân tham gia vào quan hệ thị trường phải tự giác tuân thủ những nguyên tắc, những chuẩn mực thị trường. Vì vậy, để phát triển kinh tế, đảm bảo quyền lợi của các doanh nhân, nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế thị trường. Đồng thời, khi hoạch định chính sách kinh tế, chế định luật kinh doanh và các quy định có tính pháp quy trong kinh doanh, cần căn cứ vào hiện trạng, xu thế và yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Với tư cách trọng tài, nhà nước quản lý và điều tiết thị trường bằng chính sách và pháp luật. Với tư cách người tham gia vào hoạt động thị trường, các doanh nhân cần tuân thủ một cách tự giác và triệt để các nguyên tắc, các chuẩn mực thị trường. Trong khuôn khổ đó, tức là trong khuôn khổ của sự điều chỉnh có tính cưỡng chế cả từ phía nhà nước lẫn từ phía lợi nhuận, các doanh nghiệp, doanh nhân cạnh tranh một cách bình đẳng, qua đó thu lợi nhiều nhất cho bản thân một cách hợp pháp, đồng thời góp phần phát triển thị trường, phát triển kinh tế.
Theo cách lý giải trên, toàn bộ vấn đề được quy vào cơ chế, chính sách, pháp luật và việc giải quyết vấn đề; do vậy, cũng chỉ nên và chỉ cần thực hiện ở các khâu, các lĩnh vực đó. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là như vậy. Việc đối lập một cách tách rời giữa tự luật và tha luật, giữa hành vi đạo đức và hành vi kinh doanh là không khoa học. Đành rằng đặc trưng quan trọng nhất của hành vi đạo đức là sự tự nguyện phục vụ xã hội, là giúp đỡ người khác, là sự tự nguyện hy sinh lợi ích cá nhân, nghĩa là tự luật; nhưng nếu chỉ như vậy, thì hành vi đạo đức tựa hồ như là kết quả của một năng lực bẩm sinh, chẳng có mối liên hệ gì với những điều kiện sinh sống của con người, đặc biệt là đời sống vật chất, kinh tế của họ. Trong trường hợp này, một câu hỏi sẽ được đặt ra: Vậy, tính tự luật hay lòng tốt, nhu cầu cần làm điều thiện của con người từ đâu mà có? Để trả lời câu hỏi này, theo chúng tôi, cần trở lại xem xét chính cơ chế xuất hiện của những hành vi đạo đức đầu tiên và nói chung, của đạo đức con người.
Theo chúng tôi, đạo đức có nguồn gốc từ lao động và hoạt động sinh sống của con người. Chính trong lao động và các hoạt động sinh sống của mình, con người nhận thấy phải tương trợ lẫn nhau, nghĩa là phải hy sinh những lợi ích nhất định cho người khác, cho cộng đồng. Nhờ vậy, lao động có hiệu quả hơn và đời sống được bảo đảm hơn. Ban đầu, sự tương trợ, sự giúp đỡ người khác mới chỉ hiện diện như là điều kiện cần thiết để con người sống và lao động tốt hơn. Nói cách khác, sự tương trợ này chịu sự thôi thúc hay là sự chế ước của lợi ích, tức là của tính quy định bên ngoài, của tha luật. Nó chưa đủ tư cách của hành vi đạo đức. Nhưng trong quá trình lao động và sinh sống, tính tất yếu của sự giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại và phát triển được ý thức, được thực hiện tự giác, thường xuyên, thì tới một lúc nào đó, ý thức về tính tất yếu đó sẽ chuyển hóa thành nhu cầu tự nguyện tương trợ lẫn nhau. Mặc dù được sinh ra từ tính tất yếu bên ngoài, nhưng nhu cầu tương trợ lẫn nhau của con người một khi đã hình thành thì nó có tính độc lập ở mức độ nhất định đối với nguồn gốc và cơ sở sản sinh ra nó. Việc giúp đỡ người khác đã có sự chuyển hóa về chất - từ tất yếu sang tự do và trở thành nhu cầu tinh thần, nhu cầu tự thể hiện nhân tính; nó “vô tư” đối với lợi ích chủ thể và được thôi thúc từ nội tâm, từ tự luật, nghĩa là nó trở thành nhu cầu đạo đức. Hành vi được thôi thúc từ nhu cầu tự nguyện giúp đỡ người khác như vậy chính là hành vi đạo đức đầu tiên của con người. Cố nhiên, sự hình thành ý thức và thực tiễn đạo đức của con người, loài người diễn ra với những hình thức chắc chắn là rất đa dạng và phong phú; song, về thực chất, đó chính là cội nguồn và cơ chế của sự hình thành đạo đức.
Cũng như vậy, trong cơ chế thị trường, các doanh nhân có thể xuất phát từ nhu cầu tối đa hoá lợi nhuận mà tiến hành kinh doanh. Những nguyên tắc thị trường (được pháp chế hóa thành luật và những quy định pháp quy) buộc họ phải trung thực trong kinh doanh, phải tôn trọng đối tác, phải giữ chữ tín,... Đồng thời, một tầm nhìn xa, trông rộng cũng khiến họ biết rằng, muốn có lợi nhuận lâu dài thì phải tuân thủ những nguyên tắc thị trường. Hành vi của họ vừa chịu sự chế ước của pháp luật, vừa chịu sự chế ước của khát vọng kiếm lợi. Nếu chỉ dừng lại ở những tính quy định, sự chế ước mang tính tha luật như vậy thì hành vi kinh doanh hoàn toàn chỉ là hành vi kinh doanh, nó chưa mang nội dung đạo đức, mặc dù người kinh doanh có thể rất tự giác tuân thủ các nguyên tắc thị trường.
Nhưng, một khi sự tuân thủ những nguyên tắc thị trường đã vượt quá giới hạn cưỡng chế của ý chí, của lòng hám lợi thuần túy mà trở thành nhu cầu của con người tự thể hiện nghĩa vụ tinh thần, thì khi đó, hành vi kinh doanh không thuần túy chỉ là hành vi kinh doanh nữa; nó đã được điều tiết bởi nhu cầu, tình cảm, quan niệm, chuẩn mực đạo đức mà trong trường hợp này là đạo đức kinh doanh. Hơn nữa, cần thấy rằng, trong một cơ chế thị trường được kiện toàn, hoàn thiện (cố nhiên với những mức độ nhất định) thì về cơ bản, những chế định mang tính pháp luật sẽ khá chặt chẽ. Những doanh nhân không tuân thủ các nguyên tắc thị trường sẽ bị pháp luật đào thải khỏi quan hệ thị trường với tư cách chủ thể kinh doanh. Một cơ chế thị trường hoàn thiện sẽ từng bước làm cho việc tuân thủ các nguyên tắc thị trường trở thành nhu cầu bên trong của chủ thể kinh doanh. Như thế, hành vi kinh doanh không chỉ là hành vi kinh doanh nữa, nó đã đồng thời mang nội dung đạo đức và được thúc đẩy bởi động cơ đạo đức. Các nguyên tắc, các chuẩn mực thị trường, do vậy, cũng được nâng lên thành các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức. Điều đó có nghĩa là, các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức (trong trường hợp này là đạo đức kinh doanh) đã tham gia vào việc điều tiết hành vi kinh doanh và trở thành động lực tinh thần, động lực đạo đức của kinh doanh.
Thực tiễn cũng cho thấy, nếu tách rời một cách đối lập đạo đức với kinh doanh, tìm động lực kinh doanh chỉ ở lợi nhuận, và do đó, quản lý xã hội chỉ duy nhất dựa vào cơ chế, chính sách, pháp luật để điều tiết kinh doanh thì hiệu quả điều tiết sẽ bị hạn chế. Các doanh nhân, trong chừng mực không có sự phát triển tuơng ứng về đạo đức, nghĩa là không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực đạo đức, bởi tình cảm và lương tâm ở tầng sâu tâm lý, thì lòng hám lợi sẽ kích thích họ lách qua những khiếm khuyết của pháp luật và chính sách, phá hoại sự cạnh tranh trung thực, làm cho hoạt động thị trường không thể diễn ra một cách bình thường, lành mạnh. Pháp luật và chính sách, dẫu hoàn thiện đến đâu cũng không tránh khỏi một số khiếm khuyết nhất định. Hơn thế, hiện nay, chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng xã hội chủ nghĩa là một điều mới mẻ, chưa có tiền lệ. Vì vậy, những khiếm khuyết của cơ chế và quản lý trong thời gian qua đã tạo điều kiện cho hàng loạt các trường hợp kinh doanh vừa vi phạm pháp luật, vừa vi phạm đạo đức. Hậu quả của tình trạng đó là những tổn hại to lớn không chỉ đối với công quỹ mà còn đối với ngay cả bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân đã vi phạm đạo đức trong kinh doanh. Vì thế, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường pháp chế trong kinh doanh, Nhà nước cần chủ động và tích cực “đạo đức hóa” lĩnh vực kinh doanh tạo ra sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong quản lý. Sự thống nhất này đòi hỏi, trong quá trình chế định chính sách, luật, các quy định có tính pháp quy đối với kinh doanh, Nhà nước cần dựa vào không chỉ các yêu cầu của thị trường, mà cả những yêu cầu đạo đức trong kinh doanh. Thông qua, chẳng hạn, những ưu đãi, những hạn chế, những quy định về chất lượng hàng hóa, về bảo vệ môi trường trong kinh doanh, về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp, doanh nhân..., Nhà nước điều chỉnh lợi ích trên phạm vi toàn xã hội, giữa các ngành nghề, các lĩnh vực kinh tế dựa trên nguyên tắc công bằng xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự điều chỉnh đó chính là sự điều chỉnh được chi phối bởi các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức xã hội. Như vậy, thông qua các chính sách, các quy định có tính pháp lý đối với kinh doanh, các nguyên tắc đạo đức xã hội thể hiện vai trò động lực trong kinh doanh.
Trên bình diện đạo đức cá nhân, cũng không thể và không nên tách đạo đức khỏi kinh doanh. Việc coi đạo đức là đạo đức, kinh doanh là kinh doanh vô hình trung sẽ “bật đèn xanh” cho các doanh nhân vi phạm đạo đức trong hoạt động kinh doanh. Việc vi phạm đạo đức trong kinh doanh trước sau cũng sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật. Vì vậy, vấn đề đặt ra không phải ở chỗ con người khi là con người kinh doanh thì không cần biết đến đạo đức hay chỉ cần biết đến đạo đức khi ra khỏi lĩnh vực kinh doanh mà là làm thế nào để các doanh nhân tự giác, tự nguyện tuân thủ các nguyên tắc thị trường, biến việc thực hiện các nguyên tắc thị trường thành nhu cầu đạo đức. Điều đó, đương nhiên, không cản trở hoạt động kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận; ngược lại, còn thúc đẩy việc hợp lý hóa sự vận hành của thị trường, góp phần phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm thị trường đã và đang chứng tỏ rằng, việc nâng cao các phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu của kinh doanh là một trong những động lực to lớn thúc đẩy kinh doanh phát triển. Ngay từ thời cổ đại, những doanh nhân chân chính đã biết đến những chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Chẳng hạn, trong các nguyên tắc kinh doanh của Phạm Lãi đã có những yêu cầu về chữ tín, về sự trung thực, về việc bảo đảm chất lượng hàng hóa... với tư cách các nhân tố đảm bảo cho kinh doanh có hiệu quả, có lợi nhuận([1]). Các phường hội thủ công thời phong kiến cũng rất quan tâm đến việc nâng cao uy tín đạo đức trong sản xuất và mua bán hàng hóa. Trong quan hệ với đối tác, người ta sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi hơn là để mất uy tín của phường hội.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường, tính cạnh tranh và nhu cầu tối đa hóa lợi nhuận ngày càng cao khiến cho kinh doanh có những điểm khác biệt, khắc nghiệt hơn nhiều so với trước kia. Doanh nghiệp không thể tồn tại và phát triển được nếu kinh doanh không có lãi cao. Tính khắc nghiệt đó khiến không phải ở đâu và lúc nào thị trường cũng là một môi trường kinh tế - đạo đức lành mạnh. Bên cạnh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn nghiêm túc, vẫn có những doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh bất chính. Có những doanh nghiệp đã từng thành công lớn trong kinh doanh, bỗng chốc đổ bể vì những gian lận thương mại. Điều đó khiến người ta nghi ngờ về tính trung thực trong những năm thành đạt của các doanh nghiệp đó. Nhưng, tất cả sự phức tạp ấy không thể phủ nhận được rằng, đạo đức là một nhân tố bên trong, một động lực thật sự của kinh doanh.
Tính đến vai trò điều tiết và kích thích của đạo đức trong kinh doanh, hiện nay ở nhiều quốc gia, người ta đã và đang xây dựng những bộ luật đạo đức doanh nghiệp. Hàng loạt các công ty, các hãng lớn lớn ở Anh, Mỹ, Canada, Hồng Kông,... đã có các bộ luật đạo đức doanh nghiệp và chúng đang phát huy tác dụng. Những yêu cầu pháp lý - đạo đức được xác định một cách cụ thể trong các bộ luật đạo đức doanh nghiệp đã khiến hoạt động của doanh nghiệp vừa năng động, vừa ổn định; mỗi thành viên với cương vị của mình đều biết ứng xử một cách hợp đạo đức và đạt hiệu quả cao. Uy tín đạo đức của doanh nghiệp được nâng lên và trở thành một lợi thế thật sự trong cạnh tranh, cụ thể là trong việc gọi vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị phần.
Yêu cầu của thực tiễn phát triển đạo đức kinh doanh trong điều kiện hiện đại đã làm xuất hiện một lý thuyết đạo đức chuyên biệt gọi là đạo đức kinh doanh (Business ethics). Lý thuyết này có nhiệm vụ nghiên cứu phạm vi tác động của đạo đức kinh doanh, tính đặc thù của đạo đức kinh doanh; từ đó, xây dựng các nguyên tắc, các chuẩn mực đạo đức kinh doanh làm cơ sở đạo đức cho quản lý nhà nước về kinh tế, kinh doanh và định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng, giáo dục đạo đức doanh nghiệp.
Tất cả những điều đó khẳng định sự thống nhất giữa đạo đức và lợi nhuận, khẳng định tính tất yếu và vai trò động lực của đạo đức trong kinh doanh. Đẩy mạnh nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu tính đặc thù của đạo đức kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó, xây dựng và áp dụng đạo đức kinh doanh là một trong những nhiệm vụ gắn liền với chính quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
([1]) 16 nguyên tắc kinh doanh của Phạm Lãi bao gồm: - 5 lời răn cho bản thân người kinh doanh: 1, Sinh ý yếu cầu khẩn; 2, Dụng đồ yếu tiết kiệm; 3, Dụng nhân yếu phương chính; 4, Lâm sự yếu trách nhiệm; 5, Thủ tâm yếu an ninh. - 5 yêu cầu khi tiếp xúc với khách hàng: 1, Tiếp nạp yếu khiêm hoà; 2, Dự khiếm yếu thức nhân; 3, Mãi mại yếu tuỳ thời; 4, Nghị quá yếu đinh ninh; 5, Kỳ hạn yếu ước định. - 3 yêu cầu đối với chất lượng hàng hoá: 1, Hoá sắc yếu diện nghiêm; 2, Ưu biệt yếu phân biệt; 3, Hoá vật yếu tu chỉnh. - 3 yêu cầu đối với quản lý tiền bạc: 1, Xuất nhập yếu cẩn thận; 2, Tiền tài yếu minh phân; 3, Trương mục yếu kiết tra.