Tìm kiếm

GÓP THÊM MẤY Ý KIẾN VỀ PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

31/03/2023

Tạp chí Triết học, số 5, năm 2013

BÙI THỊ THANH HƯƠNG (*)

Bài viết khẳng định bản chất khoa học của phép biện chứng duy vật, điều căn bản tạo nên tính khoa học đó là ở mối quan hệ không thể tách rời giữa phép biện chứng duy vật với sự vận động của thực tiễn, đặc biệt là thực tiễn phát triển của khoa học tự nhiên. Giới thiệu một số thành tựu khoa học tự nhiên hiện đại và những ứng dụng của khoa học tự nhiên hiện đại trong đời sống, tác giả cho rằng, khoa học tự nhiên hiện đại là những bằng chứng chứng minh tính khoa học của phép biện chứng duy vật. Theo tác giả, cũng chính do bản chất khoa học của mình mà phép biện chứng duy vật cần được tiếp tục bổ sung, đổi mới một cách tích cực hơn trước những vận động không ngừng của xã hội hiện đại.

 

 

Phép biện chứng duy vật được C.Mác, Ph.Ăngghen xây dựng và V.I.Lênin phát triển, là một hệ thống lý luận khoa học phản ánh các quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy, được thể hiện qua các nguyên lý, quy luật và các cặp phạm trù.

Hai nguyên lý của phép biện chứng duy vật, nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về sự phát triển thể hiện tính biện chứng chung nhất của thế giới. Theo đó, mọi sự vật hiện tượng luôn liên hệ, ràng buộc, phụ thuộc, tác động qua lại, quy định lẫn nhau, chuyển hóa lẫn nhau; chúng đều vận động theo một khuynh hướng chủ đạo là từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn. Cụ thể hóa các nguyên lý đó là các quy luật và các cặp phạm trù. Các quy luật của phép biện chứng duy vật vạch ra những khía cạnh cơ bản của sự phát triển: Sự phát triển là do đấu tranh của các mặt đối lập trong bản thân mỗi sự vật, diễn ra theo cách thức từ lượng đổi dẫn đến chất đổi, với khuynh hướng từ thấp đến cao theo đường xoắn ốc do các quá trình phủ định của phủ định tạo ra. Các cặp phạm trù tiếp tục là sự cụ thể hóa mối liên hệ phổ biến giữa các sự vật hiện tượng trên những phương diện khác nhau: Phương diện cái chung - cái riêng, phương diện nội dung - hình thức, phương diện bản chất - hiện tượng, phương diện khả năng - hiện thực v.v..(*)

Phép biện chứng duy vật được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc toàn bộ tri thức của nhân loại, từ tri thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội đến tri thức về khoa học tư duy. Để xây dựng phép biện chứng duy vật, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã xuất phát từ những thành tựu khoa học, đặc biệt là những phát minh vạch thời đại của khoa học tự nhiên. Phép biện chứng duy vật, như khẳng định của V.I.Lênin, là một học thuyết “hoàn bị nhất, sâu sắc nhất và không phiến diện” trong phản ánh sự vận động, phát triển của thế giới khách quan. Với bản chất khoa học của mình, phép biện chứng duy vật đã và đang đóng vai trò thế giới quan, phương pháp luận cho hoạt động nhận thức và thực tiễn của con người.

Từ bước đầu hình thành, trong suốt quá trình phát triển và ngay cả hiện nay, triết học duy vật biện chứng đã phải đấu tranh không ngừng với nhiều trào lưu triết học, trào lưu tư tưởng đối lập đủ mọi màu sắc. Tuy thế, quan điểm biện chứng về sự phát triển của thế giới “hầu như không bị ai bác bỏ nữa”(1). Các triết gia ngoài mácxít, kể cả các triết gia tư sản hiện đại không thể không “đồng ý” với phép biện chứng duy vật trên những nội dung cơ bản của nó, thậm chí chính họ cũng đã từng không thể không vận dụng phép biện chứng trong những lĩnh vực khác nhau nếu muốn hoạt động của mình đạt hiệu quả cao hơn. Cho dù như vậy, việc tiếp tục phải tiếp cận những thành tựu khoa học hiện đại để “làm mới” phép biện chứng duy vật (cho dù chỉ đối với những chất liệu chứng minh cho những khái niệm, phạm trù, quy luật của nó) vẫn là một đòi hỏi thiết yếu của sự phát triển triết học.

Từ nửa sau thế kỷ XIX trở lại đây, nhân loại đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, biến động lớn lao trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong lĩnh vực khoa học và nhận thức, nhiều phát minh kỳ diệu đã ra đời trong toán học, vật lý, hóa học, sinh học..., những phát minh đó đang chứng minh một cách sinh động hơn tính vật chất và tính biện chứng của thế giới. Các nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật được “làm mới” bởi vô số những chất liệu khoa học hiện đại.([1])

Chẳng hạn, các khoa học liên ngành xuất hiện hàng loạt hiện nay như y học hạt nhân, sinh học phân tử, hóa lượng tử... cho thấy rõ sự liên hệ phổ biến giữa các lĩnh vực được coi là hết sức khác nhau trên thế giới; trong lĩnh vực toán học, lời giải của bài toán Fermat nổi tiếng đã liên kết hàng loạt ngành tưởng chừng như tách rời nhau của toán học, như số học, đại số, hình học, giải tích; trước đây, con người biết đến bốn loại tương tác trong tự nhiên: Tương tác hấp dẫn, điện từ, hạt nhân mạnh, hạt nhân yếu nhưng hiện nay, lý thuyết thống nhất điện - yếu cho biết rằng lực điện từ và tương tác yếu chỉ là hai dạng khác nhau của một loại tương tác; đi sâu vào các lĩnh vực cụ thể, vật lý hạt cơ bản cho thấy các hạt quark, lepton, gauge boson có sự pha trộn vào nhau theo một cách nào đó chứ không phải là hạt đơn thuần; các nhà vật lý cũng đã đo được sự chuyển hóa của neutrino, khẳng định tất cả các hạt neutrino đều có thể chuyển hóa lẫn nhau... Những thành tựu trên chứng minh một cách đanh thép mối liên hệ phổ biến trong thế giới.

Các quy luật cũng tiếp tục được làm sáng tỏ thông qua hàng loạt khám phá quan trọng của khoa học. Liên quan đến quy luật mâu thuẫn, vật lý học hiện đại cho thấy, mọi hạt cơ bản đều có hai mặt sóng và hạt. Trong một số điều kiện nào đó chúng thể hiện như mặt sóng, trong một số điều kiện khác chúng thể hiện như hạt. Điều đó cho thấy mâu thuẫn luôn luôn tồn tại trong thế giới vi mô, ngay cả trong một hạt cơ bản; không chỉ thế, mỗi hạt cơ bản đều có một phản hạt tương ứng giống với hạt đó về mọi mặt, chỉ trừ điện tích trái dấu, khi hạt và phản hạt gặp nhau, chúng hủy nhau tạo ra các hạt mới. Đây là bằng chứng về sự thống nhất và chuyển hóa các mặt đối lập trong một sự vật. Ở phạm vi rộng lớn hơn, có thể thấy, nếu trước đây con người luôn cho rằng trong vũ trụ, ở các kích thước cỡ hàng triệu km trở lên chỉ có lực hấp dẫn thì hiện nay việc phát hiện ra năng lượng tối chứng tỏ rằng lực đẩy cũng có vai trò như lực hút; rằng lực hút chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ thống nhất không thể tách rời với mặt đối lập của mình là lực đẩy...

Quy luật lượng - chất, quy luật phủ định của phủ định, các cặp phạm trù... đều được chứng minh tương tự. Với quy luật lượng - chất, vật lý hạt cơ bản cho thấy ở các thang năng lượng khác nhau sẽ có các hạt mới, các cường độ tương tác giữa chúng cũng thay đổi; hoặc khi làm lạnh các vật xuống những nhiệt độ cực thấp (khoảng - 2000C trở xuống), các vật liệu, các chất thể hiện rất nhiều tính chất kỳ lạ như siêu dẫn, siêu chảy, thể ngưng tụ Bose - Enstein... Khi nghiên cứu sự vận động của các hạt thông thường, người ta coi chúng như các sóng, đây là lượng tử hóa lần một, còn khi nghiên cứu sự vận động của các sóng, các trường, người ta xem chúng như các hạt, đó là lượng tử hóa lần hai, có thể xem đây là bằng chứng của quy luật phủ định. Thí nghiệm về sự nhiễu xạ của electron cho thấy, tuy không đoán trước được một hạt sẽ bay đến đâu nhưng chúng ta có thể biết được một chùm electron khi đi qua một số lớn các khe sẽ phân bố như thế nào. Đây là ví dụ rõ ràng cho mối quan hệ tất nhiên - ngẫu nhiên: Một electron đập vào màn ở vị trí nào là ngẫu nhiên, nhưng nhiều electron sẽ phân bổ như thế nào trên màn sẽ là tất yếu, không thể khác được...

Không chỉ bản thân các phát minh khoa học, mà ngay cả việc ứng dụng các phát minh đó trong sản xuất và đời sống cũng thể hiện rõ một số nội dung của phép biện chứng duy vật, đặc biệt là tư tưởng về sự tồn tại của các mâu thuẫn trong thế giới. Chẳng hạn, các nghiên cứu về tế bào gốc cho ta khả năng thay thế bất cứ bộ phận nào của cơ thể nhưng lại đặt ra hàng loạt vấn đề về đạo đức, bởi các tế bào này đều được lấy từ nhau thai; sự phát triển của công nghệ gen đã tạo ra các giống lúa, giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh cao nhưng lại dễ gây bệnh cho con người; sự ra đời của công nghệ nhân bản vô tính cho phép con người bảo vệ các giống loài đang bị đe dọa tuyệt chủng nhưng lại để mở khả năng nhân bản người; liệu pháp gen có thể cứu người bằng cách thay thế các gen bị lỗi nhưng cũng có thể giết người vì gen thay thế chưa chắc đã phù hợp; công nghệ thông tin giúp chúng ta kết nối mọi người nhưng lại phát sinh nhiều vấn đề như bảo mật thông tin, đời sống ảo, tội phạm mạng; công nghệ hạt nhân có thể dẫn tới sự  ra đời những nhà máy điện nguyên tử, nhiệt hạch, đo tuổi mẫu vật thời xưa nhưng lại có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân làm loài người tuyệt diệt; công nghệ vũ trụ giúp chúng ta chinh phục không gian nhưng lại mang đến các vấn đề rác thải vũ trụ; tàu đệm từ sử dụng một từ trường mạnh đẩy tàu giúp chúng ta vượt qua những khoảng cách lớn một cách dễ dàng, tuy nhiên nếu tai nạn xảy ra thì hậu quả sẽ khủng khiếp; công nghệ định vị toàn cầu giúp chúng ta đi vào nhiều nơi trên Trái đất mà không hề lạc đường, nhưng chính nó lại làm chúng ta luôn bị theo dõi, v.v..

Rõ ràng, nếu khoa học tự nhiên thời kỳ C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã “đẻ ra chủ nghĩa duy vật biện chứng” thì khoa học tự nhiên hiện đại đang tiếp tục “nuôi dưỡng” chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chủ nghĩa duy vật biện chứng nói chung và phép biện chứng duy vật nói riêng là một hệ thống mở; sự đổi mới, không ngừng bổ sung trong thực tiễn là nhu cầu tự thân của hệ thống lý luận này. Phép biện chứng duy vật không dung hòa sự khép kín, ngưng đọng, bất biến. Việc phát triển phép biện chứng duy vật, việc làm phong phú nó, bổ sung vào nó những luận điểm mới là một điều tất yếu hiển nhiên. Tuy nhiên, lâu nay, sự bổ sung, phát triển lý luận duy vật biện chứng không nhiều. Những ý kiến trao đổi, luận bàn, thậm chí không nhất trí một nội dung nào đó không phải là ít, nhưng tất cả vẫn chỉ dừng ở trao đổi, tranh luận.

Chẳng hạn, về các quy luật, hiện nay các quy luật khách quan của hiện thực được nghiên cứu khá kỹ, cùng với quy luật mâu thuẫn, lượng - chất, phủ định của phủ định là các quy luật xã hội (thể hiện biện chứng của vận động xã hội), như quy luật lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất, quy luật cơ sở hạ tầng - kiến trúc thượng tầng, quy luật tồn tại xã hội - ý thức xã hội, quy luật đấu tranh giai cấp..., các quy luật đó có quan hệ như thế nào với hoạt động có ý thức của con người? Điều này còn đang được lý giải một cách đơn giản, trong khi bản thân nó là một vấn đề vô cùng phức tạp.

Đi sâu vào từng nội dung chi tiết của các quy luật, chúng ta sẽ gặp hàng loạt các vấn đề cần phải được làm rõ (hoặc thống nhất một cách chính thức). Quy luật mâu thuẫn vẫn là hạt nhân để lý giải sự vận động của tự nhiên, xã hội, tư duy, nhưng các mâu thuẫn (mà cơ bản là mâu thuẫn xã hội) hiện tồn tại như thế nào? Quan niệm về sự đối lập tuyệt đối giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản đã được khắc phục trong quá trình đổi mới, nhưng lại xuất hiện một thái cực ngược lại - coi hai chế độ không khác gì nhau và vì vậy, có thể “hội tụ” với nhau tại một giai đoạn phát triển nào đó. Vấn đề này cần phải được làm rõ, vì sự “đồng nhất”, “thống nhất” của các mặt đối lập khác về chất với sự “hội tụ” (chẳng hạn: “Hội tụ” sẽ thủ tiêu cách mạng, còn “đồng nhất” và “thống nhất” các mặt đối lập tất yếu dẫn tới cách mạng). Mặt khác, trong điều kiện thế giới phát triển theo xu thế hòa nhập hiện nay, khi trình bày sự liên hệ của các mặt đối lập trong lĩnh vực xã hội cần chú ý thích đáng sự thống nhất của hai mặt đối lập, tránh cường điệu, nhấn mạnh thái quá mặt đấu tranh giữa chúng. Liên quan trực tiếp đến vấn đề này, cần phải đầu tư kỹ hơn cho việc trình bày các hình thức đấu tranh của các mặt đối lập: Ngoài phủ định, bài trừ nhau, sự đấu tranh của các mặt đối lập còn có thể diễn ra dưới các hình thức khác, như cùng biến đổi để chuyển thành cái khác, có thể hòa nhập vào nhau, hoặc chuyển hóa lẫn nhau... V.I.Lênin đã phát triển những tư tưởng này trong thời kỳ lãnh đạo công cuộc xây dựng ở nước Nga, đã thực hiện “sự kết hợp hai mặt đối lập” và bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ tiếc là thời gian quá ngắn chưa đủ để V.I.Lênin định hình cho chúng ta một cách tư duy, một cách làm mới trên cơ sở đã chứng minh vững chắc trong thực tiễn.

Trong quá trình phát triển của xã hội ta hiện nay, chúng ta vừa tuân theo những sự tiến hóa dần dần về lượng, lại vừa tranh thủ những bước phát triển về chất trong tất cả các lĩnh vực; vừa kế thừa những mặt “hợp lý” của chủ nghĩa tư bản để phát triển lực lượng sản xuất, lại vừa đấu tranh loại bỏ những mặt tiêu cực của chủ nghĩa tư bản; vừa biết tích lũy nội dung, vừa phải luôn tìm tòi những hình thức mới sáng tạo; vừa kế thừa những giá trị truyền thống của dân tộc vừa tiếp thu những tiến bộ của nền văn minh mới... Phép biện chứng duy vật phải khái quát được những vận động này trong thực tế.

Quy luật phủ định là quy luật cần được nghiên cứu và trình bày thấu đáo hơn. Có một số ý kiến cho rằng, quy luật phủ định của phủ định không có tính phổ biến. Những người ủng hộ ý kiến này viện vào sự phủ định của phủ định trong xã hội; theo họ, từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy cho đến nay trong xã hội chưa có mặt quy luật này, bởi vì chưa có chủ nghĩa cộng sản để cho thấy sự lặp lại xã hội cộng sản nguyên thủy ở những đặc trưng như không tư hữu, không giai cấp, không bóc lột... Trong nhiều tác phẩm của mình, C.Mác và đặc biệt là Ph.Ăngghen thông qua một loạt các ví dụ trong tự nhiên, xã hội, tư duy đã khẳng định tính phổ biến của quy luật phủ định trong thế giới. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen chưa lý giải kỹ lưỡng vấn đề trong sự phát triển xã hội từ thời kỳ cộng sản nguyên thủy đến nay đã có quy luật phủ định của phủ định chưa? Vấn đề đó cần phải có một sự luận giải chắc chắn, bởi nếu hiểu máy móc quy luật, rất có thể từ phương pháp biện chứng trở thành siêu hình.

Cần thấy rằng, trong thực tế sự phủ định không chỉ diễn ra ở các sự vật mà sự phủ định đó còn được hiểu trên sự mất đi của những thuộc tính, của những yếu tố, bộ phận nào đó của sự vật. Chẳng hạn: Quả trứng phủ định một phần nhất định của gà mẹ; bào thai khi ra đời phủ định một phần thân thể người mẹ; những thuộc tính riêng lẻ của một xã hội bị phủ định bởi những thuộc tính tương ứng ở xã hội kế tiếp... Nếu chúng ta quan niệm như vậy thì trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội đã có mặt quy luật phủ định của phủ định. Ví dụ, với hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, có thể hiểu như sau: Cái khẳng định là hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, với việc giai cấp tư sản làm cách mạng lật đổ giai cấp phong kiến quý tộc, xóa bỏ quyền tư hữu đất đai của địa chủ, xóa bỏ tình trạng cát cứ, xóa bỏ quyền tư hữu tư liệu sản xuất nhỏ... đã khẳng định được mình với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội mới, phân biệt với tất cả các hình thái khác. Khi đã nắm quyền thống trị xã hội, giai cấp tư sản không xóa bỏ hết; trái lại, nó đã lợi dụng khá nhiều cái do phong kiến tạo ra, tuy xóa bỏ tiểu sản xuất nhưng vẫn lấy tư liệu sản xuất và sức lao động từ khu vực này, sử dụng những yếu tố tinh thần, chính trị nhất định của xã hội phong kiến, thậm chí ngay cả một số thuộc tính được coi là đối lập với xã hội tư bản như tính gia trưởng, lễ giáo phong kiến, những giá trị tôn giáo phong kiến... Đây là quá trình dùng những cái khác, đối lập với mình để phát triển mình, qua đó chủ nghĩa tư bản dần phát triển hơn hẳn chế độ phong kiến. Chính trong quá trình sử dụng những cái khác mình như trên, chủ nghĩa tư bản đã dần tạo được một năng suất lao động cao hơn hẳn phong kiến, tích lũy được kinh nghiệm tổ chức quản lý sản xuất, quản lý xã hội, hoàn thiện cơ chế thị trường... Và, với tất cả những thuộc tính đó, chủ nghĩa tư bản làm sụp đổ hoàn toàn khung thành phong kiến, để khẳng định mình với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội vô cùng năng động, tồn tại trên cơ sở chế độ sở hữu lớn của các nhà tư bản.

Tương tự, với hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa cũng có thể phân tích sự vận động trong bản thân hình thái đó theo quy luật phủ định của phủ định. Trong các lĩnh vực khác của xã hội cũng có “mặt” quy luật phủ định. Trong lĩnh vực sản xuất vật chất, ngành đóng giày chẳng hạn, những đôi giày ban đầu được đóng hoàn toàn thủ công, đơn chiếc, nhưng sau đó, đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, người ta bắt đầu phải dùng máy móc sản xuất hàng loạt theo những kích cỡ phổ biến nhất, máy móc cho những đường may sắc nét và đẹp hơn, nhưng rõ ràng một số kích cỡ phổ biến nào đó không bao quát hết được những trường hợp riêng, đặc thù. Từ đó nảy sinh nhu cầu  phải sản xuất những đôi giày riêng lẻ với số đo riêng có, trên cơ sở những tính toán khoa học đến từng chi tiết như độ dày của bàn chân, độ dài của ngón... và không thể không dùng máy móc hiện đại nhất để đảm bảo thẩm mỹ cho sản phẩm... Như vậy, không còn nghi ngờ gì về tính phổ biến của quy luật này, và đúng như Ph.Ăngghen đã khẳng định, phủ định cái phủ định “là một quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy”(2).

Cách hiểu chi tiết về một vài nội dung của các cặp phạm trù cũng cần có sự hợp lý hơn. Chẳng hạn, định nghĩa phạm trù “khả năng” trong cặp phạm trù khả năng - hiện thực đang gây ra những sự phân vân cho cả người học lẫn người dạy. Khó có thể hình dung “khả năng là cái chưa có, chưa tới nhưng sẽ có, sẽ tới khi có những điều kiện thích hợp”. Tại sao cái “chưa có” lại tồn tại được và nó tồn tại như thế nào? Làm thế nào để cái “chưa có” lại trở thành “có” được? Rõ ràng, cần có một định nghĩa thuyết phục hơn đối với phạm trù này. Thêm vào đó, trong sự vận động phức tạp của thực tiễn, đã xuất hiện một số mặt, đặc điểm, thuộc tính, mối liên hệ chung, ổn định trong thế giới hiện thực cần khái quát thành những phạm trù mới bên cạnh những phạm trù đã có. Đặc biệt, các phạm trù đó cũng có “tính cặp đôi” - một đặc trưng của các phạm trù triết học, đó là các cặp phạm trù toàn thể - bộ phận, trừu tượng - cụ thể; lịch sử - lôgíc... Việc khái quát mối quan hệ của các phạm trù này, tìm ra ý nghĩa của chúng đối với nhận thức và hoạt động thực tiễn sẽ thuận lợi hơn cho con người rất nhiều khi bắt gặp những vấn đề nhận thức và thực tiễn tương tự (thực ra các phạm trù này đã được đề cập trong phép biện chứng của G.Hêghen và cũng được C.Mác sử dụng để phân tích sự vận động của chủ nghĩa tư bản, nhưng hiện chúng vẫn đang nằm ngoài hệ thống các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật).

Có thể nói, trong quá trình phát triển, chủ nghĩa duy vật đã không ít lần “thay đổi hình thức của mình” khi có những phát minh quan trọng của khoa học tự nhiên. Ngày nay, sự bổ sung, đổi mới triết học duy vật biện chứng nói chung và phép biện chứng duy vật nói riêng là phù hợp với bản chất của hệ thống lý luận này, vì với phép biện chứng thì “không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả”(3). Chuẩn xác những nguyên lý, quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật, bổ sung những nội dung cần có, soi chiếu với khoa học tự nhiên hiện đại, đó là những cách thức để bảo vệ và phát triển triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. 

 

                 

 

 


(*) Tiến sĩ, Chủ nhiệm khoa Triết học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

([1]) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.430.

([2]) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr.200.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.21, tr.395

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007