Tìm kiếm

KARL RAIMUND POPPER VỚI SỰ PHÊ PHÁN CHỦ NGHĨA THỰC CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA LỊCH SỬ

01/02/2023

Tạp chí Triết học, số 2, năm 2013

NGUYỄN TẤN HÙNG (*)

Trong bài viết này, sau khi điểm qua cuộc đời và sự nghiệp của K.Popper, tác giả đã tập trung trình bày quan điểm của K.Popper ở 2 vấn đề lớn: Một là, chủ nghĩa duy lý phê phán chống lại chủ nghĩa thực chứng lôgíc; hai là, sự phê phán của K.Popper đối với chủ nghĩa lịch sử. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra những nhận xét của mình về những lập luận của K.Popper đối với các vấn đề nêu trên, đặc biệt là làm rõ những hạn chế trong quan điểm của K.Popper trong việc phê phán chủ nghĩa lịch sử.

1. Vài nét về Karl R.Popper và những công trình triết học của ông

Karl Raimund Popper (1902 –1994) là một nhà triết học gốc Áo. Ông sinh ở Vienna, nước Áo (Austria) ngày 28-7-1902, học tại Trường Đại học Vienna, tốt nghiệp tiến sĩ về Tâm lý học năm 1928. Năm 1937, Karl Popper bắt đầu giảng dạy triết học ở Trường Đại học Canterbury ở New Zealand cho đến sau chiến tranh thế giới thứ II. Năm 1946, Popper đến nước Anh, dạy ở Trường Đại học Kinh tế London (London School of Economics) và đến năm 1949 thì trở thành giáo sư về lôgíc và phương pháp khoa học ở trường này. Karl Popper được Nữ hoàng Anh Elizabeth II phong Hầu tước (Knight) năm 1965, được bầu vào Hội Hoàng gia (The Royal Association) năm 1976, được tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý của Nhà nước Áo và nhiều tổ chức quốc tế.

Karl R.Popper được thừa nhận rộng rãi là một trong những nhà triết học khoa học (a philosopher of science) lớn của thế kỷ XX. Ông nổi tiếng ở việc bác bỏ phương pháp quy nạp là phương pháp dựa trên sự quan sát bằng kinh nghiệm để hình thành hay chứng minh sự đúng đắn của một lý thuyết khoa học. Ông bảo vệ chủ nghĩa duy lý (rationalism) trong khoa học và đưa ra nguyên tắc phủ chứng dùng để bác bỏ một giả thuyết khoa học.(*)

Karl Popper viết rất nhiều về triết học xã hội và chính trị. Năm 1919 ông tham gia Đảng Công nhân xã hội - dân chủ Áo - một đảng mácxít ở Áo, nhưng sau đó Popper chống lại chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác và chuyển sang lập trường của chủ nghĩa tự do xã hội (social liberalism) - một hình thức của chủ nghĩa tự do mới, đối lập với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Một số tác phẩm triết học quan trọng của Karl Popper:

1. Lôgíc của phát minh khoa học (Logik der Forschung, tiếng Đức,1934; The Logic of Scientific Discovery, tiếng Anh, Hutchinson, London, 1959).

2. Xã hội mở và những kẻ thù của nó (The Open Society and Its Enemies, Routledge, London, 1945).

3. Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử (The Poverty of Historicism, 2nd. Ed., Routledge, London, 1961).

4. Những phỏng đoán và bác bỏ: Sự tăng tiến của tri thức khoa học (Conjectures and Refutations: The Growth of Scientific Knowledge, Routledge, London, 1963).

5. Nhận thức và vấn đề quan hệ giữa ý thức và cơ thể: Nhằm bảo vệ lý luận về sự tương tác giữa chúng (Knowledge and the Mind-Body Problem: In Defence of Interactionism, Routledge, London, 1994).

6. Hai vấn đề căn bản của lý luận nhận thức (The Two Fundamental Problems of the Theory of Knowledge, Routledge, London, 2007).

2. Chủ nghĩa duy lý phê phán chống lại chủ nghĩa thực chứng lôgíc

K.Popper đưa ra thuật ngữ “chủ nghĩa duy lý phê phán” (Critical rationalism) để nói lên thực chất của hệ thống triết học của mình và chống lại chủ nghĩa thực chứng lôgíc.

Chủ nghĩa thực chứng lôgíc (Logical positivism) do nhóm Vienna ở Áo sáng lập vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, đứng đầu là các nhà triết học Áo Moritz Shlick (1882 - 1936), Otto Neurath (1882-1945), nhà triết học Đức Rudolph Carnap (1891 - 1970). Từ đó nó truyền sang các nước châu Âu, đặc biệt ở Đức với H.Reichenbach (1891-1935), sang Anh với Alfred J.Ayer (1910 - 1989). Nguyên tắc nổi tiếng của chủ nghĩa thực chứng lôgíc là “Nguyên tắc tính có thể chứng thực được” hay “nguyên tắc kiểm tra” (Verifiability principle or Principle of verification). Chủ nghĩa thực chứng lôgíc là một thứ “chủ nghĩa kinh nghiệm”; vì thế, nó còn có tên là “chủ nghĩa kinh nghiệm lôgíc” (logical empiricism). Nó dựa trên phương pháp quy nạp (induction method) để chứng minh tính chân thực của một tư tưởng hay hệ thống lý luận. Trên cơ sở phân tích một luận điểm lý luận thành những mệnh đề đơn giản nhất (tức những mệnh đề nguyên tử - atomic propositions), các nhà triết học thực chứng lôgíc phân chia chúng thành hai loại: Những mệnh đề có ý nghĩa khoa học và những mệnh đề không có ý nghĩa khoa học (scientifically meaningfull and sientifically meaningfulless propositions). Những mệnh đề có ý nghĩa khoa học là những mệnh đề có thể kiểm tra, chứng thực được bằng kinh nghiệm cảm tính; chúng lại được chia thành những mệnh đề chân thựcnhững mệnh đề không chân thực (true and false propositions). Còn những mệnh đề không thể chứng thực, không kiểm tra được, không thể xác định được là đúng hay sai thì đều là những mệnh đề không có ý nghĩa khoa học và cần phải loại bỏ.

Karl Popper xác định đặc trưng của phương pháp khoa học là phương pháp suy diễn (diễn dịch). Trong tác phẩm Lôgíc của phát minh khoa học (The Logic of Scientific Discovery), Popper phê phán quan điểm đang thịnh hành thời bấy giờ coi khoa học về bản chất   là có tính chất quy nạp. Ông nhấn mạnh rằng, khoa học chỉ là sự suy diễn có tính chất giả thuyết (hypothetico-deductive reasoning).

Karl Popper bác bỏ nguyên tắc thực chứng của các nhà thực chứng lôgíc, vì nó dựa trên phương pháp quy nạp các hiện tượng được quan sát để chứng minh tính đúng đắn của một giả thuyết. Theo Popper, bằng phương pháp quy nạp không thể đi đến chân lý được. Ví dụ, qua hàng nghìn năm bằng quan sát và phương pháp lôgíc quy nạp, người châu Âu đã đi đến kết luận rằng mọi con thiên nga đều có lông trắng, nhưng kết luận này trở thành sai lầm khi phát hiện thiên nga ở châu Úc có lông đen. Bởi vũ trụ là vô cùng vô tận, do đó chúng ta không thể thực hiện quy nạp bằng quan sát tất cả các hiện tượng trong vũ trụ được. Ông viết: “Dù có bao nhiêu trường hợp thiên nga trắng mà chúng ta đã quan sát được cũng không thể chứng minh cho kết luận rằng mọi con thiên nga đều trắng”(1).

Đối lập với nguyên tắc thực chứng (verifiability principle) của chủ nghĩa thực chứng lôgíc, Karl Popper đưa ra nguyên tắc phủ chứng (falsifiability principle: nguyên tắc tính có thể chứng minh sự giả dối)(2) làm nền tảng cho nhận thức khoa học. Popper cho rằng khả năng phủ chứng (khả năng có thể bị chứng minh sự sai lầm để bác bỏ), chứ không phải là khả năng thực chứng (khả năng chứng minh sự chân thật để khẳng định tính đúng đắn) là tiêu chuẩn phân biệt giữa khoa học và không khoa học. Như vậy, tiêu chuẩn để phân biệt ranh giới giữa những lý thuyết khoa học và không khoa học không phải là khả năng thực chứng bằng quan sát, mà là khả năng phủ chứng bằng quan sát.

Những lý thuyết khoa học chỉ là những giả thuyết mà từ đó suy diễn ra những phán đoán có thể được kiểm tra bằng sự quan sát. Nếu những quan sát, thực nghiệm chứng minh được tính sai lầm của những phán đoán này thì giả thuyết bị bác bỏ. Nếu giả thuyết qua được sự kiểm tra thì nó tạm thời được chấp nhận. Không có một lý thuyết khoa học nào có thể thiết lập một cách chắc chắn.

Như vậy, theo Popper, không thể có một chân lý khoa học nào cả; sự phát triển của khoa học chỉ là đưa ra một giả thuyết và bác bỏ nó để rồi hình thành một giả thuyết khác. Sự tiến triển của khoa học chỉ là tiến trình đi từ giả thuyết này đến giả thuyết khác, là một chuỗi những sai lầm nối tiếp nhau mà thôi.

Một số nhận xét về những lập luận trên đây của Karl Popper:(1)

Thứ nhất, Karl Popper đứng trên lập trường chủ nghĩa duy lý đối lập với chủ nghĩa kinh nghiệm và phương pháp quy nạp. Đây là sự đối lập và đấu tranh đã diễn ra từ hàng nghìn năm trước. Ví dụ, ở Hy Lạp ngay từ thời cổ đại, trường phái Elea (Parmenides, Zenon) bằng phương pháp duy lý đã bác bỏ sự vận động dựa trên sự quan sát; thời cận đại, một số nhà kinh nghiệm chủ nghĩa Anh, như Francis Bacon đã bác bỏ lôgíc diễn dịch của Arixtốt và chứng minh rằng phương pháp quy nạp là phương pháp duy nhất đúng đắn; David Hume chỉ thừa nhận nhận thức bằng kinh nghiệm và bác bỏ nhận thức bằng lý tính, theo ông, “lý tính là nô lệ của những đam mê”. Thật ra, chủ nghĩa kinh nghiệm với phương pháp quy nạp và chủ nghĩa duy lý với phương pháp suy diễn (diễn dịch) đều có những đóng góp nhất định, đồng thời cũng có những hạn chế nhất định. Hai phương pháp lôgíc: Quy nạp và diễn dịch đều có vai trò nhất định không thể phủ nhận được trong quá trình nhận thức, nhưng cũng có một số hạn chế cần được khắc phục bằng cách đưa vai trò của thực tiễn vào lý luận nhận thức (đây là công lao của triết học Mác).

Thứ hai, Theo Popper, tri thức khoa học chỉ là những giả thuyết và không thể đạt đến chân lý. Đây là một kết luận sai lầm của Popper; bởi vì, chân lý bao giờ cũng có hai mặt: Tính tương đối và tính tuyệt đối. Popper không thấy mặt tuyệt đối của các tri thức khoa học. Mỗi chân lý khoa học đều có mặt tuyệt đối và không bao giờ trở thành sai lầm. Chỉ có mặt tương đối cần phải được bổ sung và phát triển. Các lý thuyết khoa học mới ra đời không phủ định hoàn toàn các lý thuyết khoa học đã có, mà chỉ bổ sung cho chúng mà thôi. Thí dụ, trường hợp hình học phi Ơclít đối với hình học Ơclít.

Hạn chế này của Karl Popper được Imre Lakatos (1922-1974), nhà triết học Hungary khắc phục. Trong Phương pháp luận của các chương trình nghiên cứu khoa học, Lakatos không tán thành nguyên tắc phủ chứng của Karl Popper và quan niệm về vai trò quyết định của “hệ chuẩn” (paradigm) của Kuhn đối với tri thức khoa học. Theo Lakatos, cả Popper lẫn Kuhn đều phủ nhận tính chân lý khách quan và tính liên tục của sự phát triển tri thức khoa học. Lakatos, trái lại, coi sự phát triển của khoa học là quá trình phát triển từ thấp đến cao trong tính liên tục của “chương trình nghiên cứu” (Research Programme), trong đó các học thuyết có liên hệ chặt chẽ với nhau. Mỗi học thuyết tiếp sau học thuyết ban đầu trong chương trình đều xuất hiện với tư cách kết quả bổ sung thêm cho học thuyết trước đó. Tuy nhiên, các học thuyết đều chia sẻ những điểm chung mà Lakatos gọi là “hạt nhân cứng” (hard core).

2. Sự phê phán của Popper chống lại chủ nghĩa lịch sử

Trong tác phẩm Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử Xã hội mở và những kẻ thù của nó, Karl Popper kiên quyết bác bỏ chủ nghĩa lịch sử hay phương pháp lịch sử (historicism), xem đó là một phương pháp nghèo nàn không có hiệu quả. Phương pháp lịch sử hay chủ nghĩa lịch sử là phương pháp xem xét quá trình vận động, phát triển sự vật, hiện tượng gắn với những điều kiện lịch sử nhất định và tuân theo những quy luật khách quan không phụ thuộc ý thức xã hội. Do đó, trên cơ sở tính quy luật của lịch sử người ta có thể dự báo được tương lai của xã hội loài người. Phương pháp lịch sử được Hêghen phát triển và sau đó được C.Mác áp dụng trong chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Popper cho rằng, “luận đề căn bản (...) là: Niềm tin vào vận mệnh của lịch sử chỉ đơn thuần là sự mê tín, và không thể có một sự tiên đoán nào về tiến trình của lịch sử nhân loại bằng những phương pháp khoa học hay lý tính”(3). Theo Popper, tiến trình lịch sử nhân loại chịu ảnh hưởng rất mạnh của sự tăng tiến của tri thức nhân loại. Chúng ta không thể tiên đoán được sự tăng tiến trong tương lai của tri thức khoa học của chúng ta; do đó, cũng không thể tiên đoán được tiến trình phát triển tương lai của lịch sử nhân loại. Thêm nữa, Popper còn cho rằng đã có không biết bao nhiêu người là nạn nhân của những niềm tin vô căn cứ của các tôn giáo, các hệ tư tưởng chính trị; do đó, mục đích của ông khi viết cuốn sách này là “để tưởng nhớ đến vô số những người đàn ông, đàn bà và trẻ con thuộc mọi tín ngưỡng hay dân tộc hay chủng tộc, những người đã trở thành nạn nhân của lòng tin phát xít và cộng sản vào các quy luật không thể lay chuyển được của vận mệnh lịch sử”(4).

Trong Lời nói đầu (Preface, 7-1957) của tác phẩm Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử, Popper đưa ra một lập luận lôgíc có hình thức một tam đoạn luận phức tiến gồm 5 phán đoán để bác bỏ khả năng tiên đoán sự phát triển của lịch sử như sau:

“1. Diễn tiến của lịch sử loài người bị ảnh hưởng mạnh bởi sự gia tăng tri thức của nhân loại.

2. Chúng ta không thể tiên đoán, bằng các phương pháp lý tính hay khoa học, sự tăng tiến tương lai của tri thức khoa học của chúng ta.

3. Vì thế, chúng ta không thể tiên đoán diễn tiến tương lai của lịch sử loài người.

4. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải bác bỏ khả năng của lịch sử lý thuyết; tức là, của một khoa học xã hội lịch sử có thể tương ứng với vật lý lý thuyết. Không thể có một lý thuyết khoa học nào về phát triển lịch sử dùng làm cơ sở cho tiên đoán lịch sử.

5. Mục đích căn bản của các phương pháp lịch sử chủ nghĩa vì thế là sai lầm; và chủ nghĩa lịch sử sụp đổ”(5).

Tuy nhiên, Karl Popper không bác bỏ khả năng tiên đoán những diễn biến xã hội sẽ diễn ra trong một tương lai gần, trong điều kiện chưa có những bước nhảy trong tri thức khoa học. Ông viết: “Lập luận này, tất nhiên, không bác bỏ khả năng của mọi loại tiên đoán xã hội; ngược lại, nó hoàn toàn tương thích với khả năng kiểm tra các lý thuyết xã hội - ví dụ, các lý thuyết kinh tế - bằng cách tiên đoán những diễn biến nào đó sẽ diễn ra dưới các điều kiện nhất định. Nó chỉ bác bỏ khả năng tiên đoán những diễn tiến lịch sử ở chừng mực chúng có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng tri thức của chúng ta”(6).

Một số nhận xét về lập luận của Karl Popper nhằm bác bỏ phương pháp lịch sử:

Thứ nhất, lập luận 5 mệnh đề của Popper dùng để bác bỏ phương pháp lịch sử, tức phủ nhận khả năng tiên đoán tương lai của xã hội dựa trên những quy luật của nó có chỗ không đúng. Đúng là chúng ta không thể biết được cụ thể sự tăng tiến của tri thức khoa học của loài người trong tương lai, nhưng điều chắc chắn là trong tương lai những phát minh khoa học mới sẽ làm cho lực lượng sản xuất phát triển hơn hiện nay, đời sống vật chất của xã hội sẽ tốt hơn và đời sống tinh thần của xã hội cũng trở nên phong phú hơn. Sự tăng tiến của tri thức khoa học bao giờ cũng theo hướng đi lên làm cho xã hội phát triển ngày càng giàu có hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn, công bằng hơn. Đó là điều tất nhiên chúng ta có thể dự báo được mà không sợ sai lầm. Khi lực lượng sản xuất phát triển thì quan hệ sản xuất cũng sẽ phát triển theo hướng hoàn thiện hơn; như vậy, quan hệ sản xuất của xã hội tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện nay cũng là điều chúng ta có thể dự báo được.

Chính nhờ phương pháp lịch sử mà C.Mác đã tiên đoán được rất nhiều điều chính xác trong sự phát triển của xã hội loài người. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen dự báo: Xã hội tư bản là xã hội có đối kháng giai cấp cuối cùng trong lịch sử; sau xã hội tư bản và thay thế cho xã hội tư bản sẽ là “một liên hợp”; trong đó, mọi cá nhân sẽ được phát triển tự do trong một cộng đồng xã hội tốt đẹp; chiến tranh sẽ được thay thế bằng quan hệ hợp tác, hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, v.v..

Tuy nhiên, sự cảnh báo của Karl Popper về việc lạm dụng phương pháp lịch sử cũng có những giá trị nhất định của nó. Chúng ta chỉ có thể dự báo về xã hội tương lai ở những nét đại thể, mà không thể tiên đoán sự phát triển tương lai của xã hội một cách cụ thể, chi tiết. Chúng ta chỉ có thể đưa ra một số dự báo về sự phát triển của xã hội tương lai khi đã có những cơ sở nhất định và không thể đưa ra những khẳng định khi chưa có cơ sở của nó. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta không thể nói rằng xã hội tương lai sẽ do một đảng, hai đảng, nhiều đảng hay không có đảng chính trị nào lãnh đạo cả. Chúng ta cũng không thể quả quyết rằng xã hội tương lai sẽ còn chế độ tư hữu hay không còn chế độ tư hữu; kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể hay kinh tế tư nhân sẽ có vai trò chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân. Chúng ta càng không thể dựa trên một số dự báo chủ quan để xây dựng một mô hình về xã hội tương lai để rồi buộc xã hội phải phát triển theo mô hình đã định sẵn.

Chính những dự báo không đúng về xã hội tương lai và mô hình chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa tập trung, cứng nhắc (đối lập với mô hình xã hội mở) đã dẫn đến khủng hoảng và sụp đổ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa cuối thế kỷ XX.

Tóm lại, những nghiên cứu sâu sắc về triết học của Karl Popper mà chúng tôi trình bày trên đây đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm. Ví dụ, những hạn chế của phương pháp lôgíc quy nạp, thực chất của phát minh khoa học, vai trò của tiên đoán và dự báo xã hội... Rất tiếc, cuốn sách Sự nghèo nàn của chủ nghĩa lịch sử của Karl Popper mặc dù đã ra đời từ cuối những năm 50 của thế kỷ XX, nhưng ở Việt Nam chúng ta chỉ mới biết đến trong những năm gần đây.

 


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Đại học Đà Nẵng.

(1) Karl Popper. The Logic of Scientific Discovery. Routledge Classics 2002, p.4.

(2) Verifiability (xuất phát từ động từ verify, danh từ verification = kiểm tra, chứng minh tính chân thực, đúng đắn) có nghĩa là tính có thể kiểm tra, chứng minh sự chân thực. Falsifiability (xuất phát từ tính từ false = sai lầm, giả dối, động từ falsify, danh từ falsification = chứng minh sự sai lầm, giả dối, tạm dịch là phủ chứng) có nghĩa là tính có thể chứng minh sự sai lầm, phủ chứng (chứ không thể thực chứng, tức chứng minh sự đúng đắn được).

(3) “The fundamental thesis of this book - that the belief in historical destiny is sheer superstition, and that there can be no prediction of the course of human history by scientific or any other rational methods”.

(4) Đây là câu viết ở đầu cuốn sách: “In memory of the countless men and women of all creeds or nations or races who fell victims to the fascist and communist belief in Inexorable Laws of Historical Destiny”.

(5) Sau đây là nguyên văn lập luận của Karl Popper nhằm bác bỏ chủ nghĩa lịch sử trong Lời nói đầu (Preface) của “The Poverty of Historicism”:

1. The course of human history is strongly influenced by the growth of human knowledge.

2. We cannot predict, by rational or scientific method, the future growth of our scientific knowledge.

3. We cannot, therefore, predict the future course of human history.

4. This means that we must reject the possibility of a theoretical history; that is to say of a historical social science that would correspond to theoretical physics. There can by no scientific theory of historical development serving as a basis for historical prediction.

5. The fundamental aim of historicist methods is therefore misconceived; and hictoricism collapses.

(6) “This argument does not, of course, refute the possibility of every kind of social prediction; on the contrary, it is pefectly compatible with the possibility of testing social theories – for example, economic theories – by way of predicting that certain developments will take place under certain condictions. It only refutes the possibility of predicting historical developments to the extent to which they may be influenced be by the growth of our knowledge”.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007