Tìm kiếm

MẤY VẤN ĐỀ XÂY DỰNG VĂN HÓA NÔNG THÔN TRONG THỂ CHẾ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

01/02/2024

Tạp chí Triết học, số 7, năm 2013

ĐỖ HUY (*)

Văn hóa nông thôn mà chúng ta đang xây dựng là một bộ phận hợp thành hữu cơ của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng văn hóa nông thôn - cái đã có truyền thống từ ngàn năm trước, được duy trì bởi hàng ngàn phong tục, tập quán, hương ước, gia phong, hệ thống thiết chế... lại đang bị đảo lộn, bị thay đổi bởi những sự kiện to lớn của thời đại và lịch sử dân tộc, trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay là một vấn đề cực kỳ lớn và vô cùng phức tạp. Trong bài viết này, sau khi trình bày khái quát thực trạng văn hóa nông thôn ở nước ta hiện nay, tác giả tập trung luận giải mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa tính đặc thù và tính phổ biến trong quá trình xây dựng văn hóa nông thôn trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

 

 

Văn hóa nông thôn Việt Nam có truyền thống từ ngàn năm trước, được xây dựng và phát triển trên cơ sở lao động nông nghiệp trồng lúa nước, cư dân cư trú thành những làng xã có nhiều gia đình huyết tộc cùng sinh sống. Ngoài lao động nông nghiệp trồng lúa nước, nhiều người nông dân trong các làng xã có những nghề thủ công, như chăn tằm, dệt vải, đúc đồng, đan lát, xây lò nung gạch và làm gốm sứ,... Trong các làng xã đều có tục thờ cúng những người sinh thành, những người đã có công giáo dục, giáo dưỡng, những cụ tổ nghề và những bậc tiền nhân đã đóng góp sức lực và trí lực để duy trì sự phát triển của cộng đồng. Mùa xuân, ngày Tết, lúc nông nhàn, các làng xã trên khắp đất nước đều mở những hội vật, hội bơi, hội cờ, hội du xuân,... đưa mọi người đến những nơi linh thiêng để thành kính ôn nhớ những kỳ tích của cha ông và tự vấn lương tâm. Truyền thống văn hóa này được duy trì bởi hàng ngàn những phong tục, tập quán, hương ước, gia phong, hệ thống thiết chế đình, chùa, am, miếu, gia phả, thần phả, những trò chơi và muôn vàn câu chuyện dân gian, dã sử...(*)

Nửa sau thế kỷ XIX và suốt cả thế kỷ XX, văn hóa làng xã ở Việt Nam bị rung chuyển, bị đảo lộn, bị thay đổi bởi những sự kiện to lớn của thời đại và lịch sử dân tộc. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật, cuộc tấn công giành thị trường của các nước tư bản, công cuộc duy tân của các dân tộc láng giềng, cuộc cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc, Cách mạng tháng Mười ở Nga... đã lan tới Việt Nam làm cho toàn bộ hệ thống văn hóa làng xã ở nước ta bắt đầu rạn vỡ. Cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Pháp, sự thất bại oanh liệt của các phong trào yêu nước do các sĩ phu lãnh đạo, sự hình thành những nhân cách văn hóa mới ở thành phố, ở các khu công nghiệp đã làm cho văn hóa làng xã ở nước ta lỏng lẻo dần.

Cuộc kháng chiến thần thánh chống chủ nghĩa thực dân Pháp có một tác nhân to lớn đến toàn bộ thiết chế văn hóa làng xã. Làng mạc, đình chùa, am miếu bị thiêu cháy, gia đình ly tán, lễ hội bị mai một, giỗ tết không còn được bình yên, nhiều làng nghề đã bị xóa sổ, thanh niên trai tráng ra mặt trận, văn hóa nông thôn Việt Nam đã lay chuyển tới gốc rễ.

Trước những thay đổi to lớn của văn hóa làng xã, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gương cao ngọn cờ lãnh đạo văn hóa dân tộc, bảo vệ những giá trị văn hóa ngàn năm của cha ông và đề xuất những nội dung mới, hệ tư tưởng mới, cải tạo văn hóa làng xã, xây dựng một nền văn hóa mới gắn liền với quá trình giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Cùng với cuộc cách mạng phản đế, phản phong, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, Đảng ta đã đề xuất mô thức văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng nhằm giải phóng toàn diện văn hóa làng xã, gìn giữ những giá trị truyền thống và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại làm cho bộ mặt văn hóa ở nông thôn có một diện mạo, một nội lực mới.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa kết thúc, các thiết chế văn hóa làng xã chưa kịp sang sửa và phục hồi thì cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại lại được trao tay cho những người nông dân dũng cảm. Họ vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa góp công, góp sức để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều thanh niên ở nông thôn lại rời quê hương ra tiền tuyến. Bom đạn Mỹ một lần nữa lại tàn phá những cơ sở, những thiết chế văn hóa còn sót lại. Trong hơn hai thập kỷ mặt đối mặt với sức tàn phá của không lực Hoa Kỳ, văn hóa làng xã tiếp tục bị phá hủy. Trong thời gian này, Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng phát triển văn hóa dân tộc cũng như văn hóa làng xã theo nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc. Mô thức văn hóa này tuy đáp ứng được việc xây dựng lý tưởng xã hội tốt đẹp, đạt được rất nhiều giá trị văn hóa mới, nhưng vì trình độ thực hiện nó trong các làng xã còn thấp kém, nên người ta đã nhân danh nội dung xã hội chủ nghĩa để tạo nên sự bình quân trong các quan hệ văn hóa làng xã. Nhiều lễ hội, phong tục và di sản văn hóa bị đánh giá sai theo mô thức nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, cho nên đã xảy ra tình trạng ấu trĩ trong đời sống văn hóa ở nông thôn. Rất nhiều phản văn hóa trong lao động chấm công điểm và vô đạo đức trong quan hệ cộng đồng xuất hiện đã kìm hãm sự phát triển của xã hội. Những xung đột văn hóa ở nông thôn trong thời kỳ này gia tăng. Và, từ những xung đột ấy đã xuất hiện khuynh hướng lệch chuẩn của sự trưởng thành tạo nên áp lực mạnh mẽ cho cuộc đổi mới, đưa văn hóa nông thôn vào một cuộc đảo lộn khác.

Từ năm 1986, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và từ đó, đặc điểm lớn nhất của toàn bộ sự phát triển xã hội Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội kinh qua cơ chế thị trường. Định hướng chính trị này đã làm thay đổi cấu trúc xã hội nông thôn. Cơ chế thị trường vận hành, tầng lớp doanh nhân phát triển nhanh như thần Phù Đổng. Nhiều người nông dân đã trở thành những doanh nhân, làm dịch vụ và lao động nông nghiệp, khi Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (năm 1988) đã trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình nông thôn. Cùng với sự phát triển rất mạnh và rất nhanh của cơ chế thị trường là những làn sóng đầu tư, xuất khẩu, tin học dồn dập vỗ rất mạnh vào từng ngõ ngách, từng gia đình, từng thôn làng, ngọn núi, vạt rừng, cánh đồng, lũy tre và nhân cách, tâm tư, tình cảm của hàng chục triệu người nông dân lao động. Các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học đã đưa cơ chế thị trường vào từng gia đình người nông dân. Nó đánh thức tiềm năng kinh doanh của biết bao người muốn đổi đời bằng buôn bán. Nó lôi kéo một lực lượng lao động to lớn rời khỏi gia đình, nông thôn, nông nghiệp đi xuất cảng ra nước ngoài và đến với các thành phố xa xôi. Đầu làng, cuối xóm, bên sân đình, trước cửa cổng chùa, cạnh các am miếu linh thiêng..., các quán karaoke, các vũ trường, khách sạn và dịch vụ tâm linh mọc lên như nấm. Cơ chế thị trường đã làm đảo lộn rất nhiều hệ giá trị văn hóa nông thôn truyền thống. Các giá trị vật chất, các lợi ích vật chất ngày càng lấn át các giá trị tinh thần ở nông thôn.

Cùng với cơ chế thị trường và các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học đã xô đẩy nghiêng ngả nhiều hệ giá trị vốn là xương sống của văn hóa làng xã nặng nghĩa, trọng tình thì quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã lại làm thay đổi rất cơ bản văn hóa nông thôn. Nhiều vùng văn hóa, nhiều di tích văn hóa đã bị xóa sổ bởi các dự án xây dựng đô thị mới. Những nhà máy, các trạm thủy điện đã ngăn sông, chặn suối và đánh chìm nhiều vùng nông thôn rộng lớn xuống dưới đáy sâu của các lòng hồ. Hàng vạn, hàng chục vạn các hộ gia đình đã di dời khỏi những vùng văn hóa mà cha ông họ đã xây dựng cả ngàn năm để đi đến những nơi ở mới chưa từng quen biết. Công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa đất nước đã thay đổi được đời sống vật chất của nhiều vùng nông thôn nghèo đói, đã xây dựng rất nhiều cơ sở hạ tầng tiện dụng cho đời sống của nhiều vùng nông thôn rộng lớn. Nhiều gia đình đã có cuộc sống vật chất tốt hơn, nhiều thôn làng đã có điện, có nước sạch, có mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu, có điện thoại gia đình và điện thoại di động, có nhà cao tầng... Tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính, xe máy và nhiều đồ đạc tiện dụng đã được không ít gia đình người nông dân mua sắm.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng mang lại rất nhiều những song đề văn hóa ở nông thôn. Ở khắp mọi nơi, sản xuất nông nghiệp tuy năng suất tăng, nhưng người nông dân đã lạm dụng hóa chất trên tất cả các khâu của thời vụ tạo nên sự đe dọa to lớn đến cuộc sống, nguồn nước, không khí và văn hóa không chỉ ở nông thôn, mà còn có liên quan mật thiết đến các thành thị tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp. Nhiều làng xã được hưởng các thành quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhưng mất ruộng, mất đất, con em họ không có việc làm, tệ nạn xã hội gia tăng. Nhiều vùng nông thôn đã trở thành những địa điểm du lịch về làng nghề, về di sản quý hiếm và được tôn vinh trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống. Song, các dịch vụ du lịch đã mang đến các vùng văn hóa này những lối sống, những thị hiếu rất xa lạ với bản sắc văn hóa làng xã...

Có thể nói, cơ chế thị trường, các làn sóng xuất khẩu, đầu tư, tin học, các quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo nên rất nhiều các song đề văn hóa ở nông thôn. Lường trước những cái được và cái mất, những giá trị và các phản giá trị có thể xuất hiện trong thể chế kinh tế thị trường đối với sự phát triển của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa nông thôn nói riêng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của quá trình đổi mới ở nước ta đã đề xuất mô thức xây dựng nền văn hóa Việt Nam mới của thời kỳ này là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, con người và tự nhiên, truyền thống và hiện đại, dân tộc và tộc người, quốc gia và quốc tế. Trong hơn 20 năm thực hiện Cương lĩnh này, mỗi kỳ đại hội Đảng kế tiếp nhau lại cụ thể hóa hơn, nhấn mạnh hơn mối liên hệ khăng khít của văn hóa với cơ chế thị trường, bởi thị trường phát triển càng mạnh, càng rộng, càng sâu thì càng đặt ra rất nhiều những song đề văn hóa mới.

Thực tế trong hơn 20 năm qua, khi chúng ta tiếp thu được một số phương pháp, một số giá trị văn hóa mới thông qua thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường đầu tư, thị trường tin học và các công nghệ văn hóa tiên tiến thì rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một. Khi chúng ta hội nhập văn hóa sâu, tin học phát triển mạnh mẽ thì những định hướng xã hội chủ nghĩa của văn hóa đã bị giằng rút ra khỏi cơ chế của nó và bị thị trường tự do xô đẩy nghiêng ngả rất nhiều các giá trị nhân văn mà Đảng ta đã xây dựng và giáo dục trong nhiều thập kỷ trước đây. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI đã trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho hộ gia đình nông dân, nhưng không bao lâu thì thị trường đã làm tha hóa mạnh mẽ người nông dân mà Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 khóa X đã cảnh tỉnh. Hiện nay, sự phân tầng xã hội ở nông thôn tăng lên rất nhanh, đạo đức của một bộ phận thanh niên sa sút, dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe yếu kém, ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cánh đồng, các con sông, dòng suối rất nặng nề, dân thiếu việc làm, sự chuyển động và di dân đang gia tăng, xung đột và tệ nạn xã hội ở tình trạng báo động, nhiều lĩnh vực văn hóa trở nên vô chuẩn.

Thực trạng văn hóa ở nông thôn nước ta hiện nay nói chung và vùng đồng bằng trung du Bắc Bộ nói riêng đã trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và qua gần 30 năm đổi mới tuy đã tạo nên được nhiều quan hệ văn hóa tích cực, nhưng những giá trị truyền thống được lưu giữ rất ít và nhiều giá trị hiện đại chưa phát triển đồng bộ và phù hợp với sự phát triển kinh tế. Cơ chế thị trường đã xáo trộn văn hóa ở nông thôn trên mọi phương diện, từ nhân cách đến lao động, hệ thống giá trị. Việc xác lập hệ chuẩn văn hóa mới cho nông thôn còn chưa phù hợp với thực tế phát triển của từng vùng, từng miền. Nguyên nhân trước tiên mà chúng ta có thể nhận biết là trình độ lãnh đạo và quản lý văn hóa ở nông thôn còn thấp. Các văn kiện rất hay, các ý tưởng rất tốt đẹp của Đảng trong các nghị quyết không được thực hiện trong đời sống thực tế một cách tốt nhất. Công việc quản lý văn hóa ở nông thôn đang có vấn đề. Xóa đói, giảm nghèo là một thành tựu văn hóa quan trọng nhằm nâng cao sức và lực của người nông dân, nhưng chính sách đó đã bị nhiều vùng nông thôn thực hiện một cách vô văn hóa. Chỉ có một bộ phận được hưởng lợi, còn tuyệt đại đa số nông dân vẫn nghèo đói. Chương trình 135 là để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo khó ở khu vực miền núi, hải đảo, các vùng dân tộc ít người; song, người ta đã tìm cách bằng mọi giá để được xếp vào xã nghèo thuộc diện nhận tài trợ, biến chương trình 135 thành 531 (nếu nơi nào không chấp nhận nhà nước lấy 5 phần, địa phương lấy 3 phần, người dân lấy 1 phần thì khó có triển vọng nhận được đầu tư). Thực trạng văn hóa ở nhiều vùng nông thôn cho thấy, các cấp quản lý lo cho lợi ích của mình nhiều hơn lo cho lợi ích của dân. Ở nhiều vùng nông thôn, các hoạt động văn hóa diễn ra rất lộn xộn. Mối quan hệ văn hóa giữa các thế hệ có rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Nhân cách văn hóa, các chuẩn mực văn hóa, các tập quán văn hóa chưa có một định hướng rõ ràng. Các vấn đề cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp nhiều nơi còn rất lạc hậu. Các lễ hội, việc làng, các thiết chế văn hóa còn diễn ra một cách tự phát. Nhiều người đã biến những lễ hội văn hóa thành những dịch vụ buôn thần, bán thánh. Việc gìn giữ, trùng tu, phát huy các di sản văn hóa quý hiếm ở nhiều địa phương diễn ra một cách vô tổ chức.

Hiện nay, Nhà nước ta đang thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với một kế hoạch đầu tư vô cùng to lớn. Nhà nước đã chọn 11 xã thí điểm với mức đầu tư 200 tỷ cho mỗi xã trong 10 năm. Một phần ba số tiền này được Nhà nước đầu tư trực tiếp, một phần ba do các doanh nghiệp đầu tư, còn một phần ba còn lại là vốn xã hội huy động trong nhân dân. Nhà nước đã đề ra 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí này đã quan tâm đến những vấn đề chung của nông dân, nông nghiệp và nông thôn, nhưng chưa quan tâm đến tính đặc thù, đa dạng văn hóa vùng, miền và truyền thống văn hóa ở từng làng, từng xã, ở từng tộc người khác nhau và ở các trình độ phát triển khác nhau, các nguồn lực khác nhau. Trước thực trạng xây dựng văn hóa nông thôn như vậy, cần phải có một nhận thức sâu hơn, cụ thể hơn về mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng trong việc xây dựng văn hóa nông thôn trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Ai cũng biết rằng, văn hóa là trình độ người của các quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội, và sự phát triển của chính bản thân con người. Cái chung nhất của mọi sự phát triển văn hóa là nâng cao trình độ phát triển của con người cả về mặt thể lực, phẩm giá đạo đức, trí tuệ, khả năng sáng tạo, tình cảm và thiên hướng. Văn hóa phương Tây hay văn hóa phương Đông, văn hóa cổ đại hay văn hóa hiện đại đều được hình thành và phát triển từ việc đối tượng hóa các năng lực bản chất của con người. Tuy nhiên, sự phát triển của mọi văn hóa đều gắn liền với bản sắc. Đó là bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa vùng, miền và cả bản sắc văn hóa cá nhân. Người ta thường nói tới bản sắc văn hóa Mường, văn hóa Thái, văn hóa Mông, văn hóa người Kinh hay văn hóa miền Bắc, văn hóa miền Nam, văn hóa miền Trung, vùng văn hóa Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, vùng văn hóa Tây Bắc, vùng văn hóa Nghệ - Tĩnh, Phú Xuân, Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ,... Ngoài ra, ở Việt Nam, nhiều nhà văn hóa học, khi nghiên cứu cái chung và cái riêng của văn hóa Việt, còn đề cập đến văn hóa Kinh và văn hóa Trấn, như văn hóa Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương, Sơn Tây; hay văn hóa Phiên Trấn là các vùng văn hóa phên dậu của Đại Việt.

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí còn gọi văn hóa kinh trấn là văn hóa chiếng. Chiếng Sơn Nam thì văn nhã tụ khí anh hoa, Chiếng Kinh Bắc tinh hoa tụ lại phát tích nhiều danh nhân và cảnh đẹp. Chiếng Sơn Tây hình thế tốt đẹp, khí thế hùng hậu, nhân cách thật thà, phong khí và nhân vật gần với đời cổ. Chiếng Hải Dương văn hóa trung hòa không quá văn hoa, không quá chất phác...

Văn hóa là một quá trình nhân hóa, nó là cơ chế dính kết cộng đồng và có sự sinh thành lịch sử. Tuy văn hóa gắn liền với các quan hệ xã hội, nhưng nó có lôgíc nội tại của nó; nó có sự phát triển độc lập tương đối so với sự phát triển kinh tế và xã hội. Sự phát triển độc lập tương đối này là ở cơ chế kế thừa của nó. Một nền kinh tế đã qua, một chế độ xã hội đã qua, những thế hệ người đã qua, nhưng văn hóa của chúng vẫn còn sức sống không mất đi cùng với nền kinh tế ấy, chế độ xã hội ấy và những thế hệ người ấy. Tính độc lập tương đối của văn hóa còn thể hiện rất rõ ở chỗ, văn hóa có những cơ chế bền vững và cơ chế mở; nó vừa tiếp biến, vừa chế ngự các quan hệ kinh tế, xã hội. Không phải bất cứ một sự phồn vinh, một sự biến đổi nào về kinh tế có thể lay chuyển được toàn bộ cơ chế bền vững của văn hóa. Không phải mọi biến cố xã hội, mọi giao tiếp xã hội đều có thể phá vỡ tính đặc thù bền vững của văn hóa. Vì lý do đó, khi phát triển văn hóa ở nông thôn, khi quan tâm đến cái chung của mọi văn hóa và văn hóa chung của dân tộc cần phải gìn giữ và phát huy những cái tốt đẹp, cái riêng, cái đặc thù trong truyền thống văn hóa và không tiếp biến những cái chưa phù hợp với bản sắc văn hóa của cộng đồng.

Ở nhiều vùng nông thôn nước ta, mỗi vùng đều có những cơ sở quan trọng cho việc phát triển đặc thù văn hóa. Những cơ sở đó nằm trong cấu trúc của văn hóa làng, xã, văn hóa vùng, miền. Nó gắn liền với sự sinh thành lịch sử của làng xã. Nó được thể hiện ra từ trong các hoạt động lao động và chiến đấu, từ trong các quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm, từ trong lối sống tắt lửa tối đèn có nhau của cộng đồng làng xã. Tính đặc thù này tập trung ở nguồn nhân lực, ở hoạt động sáng tạo, ở phong tục, ở tập quán trong suốt chiều dài lịch sử của làng xã, của vùng, miền văn hóa. Xây dựng văn hóa ở nông thôn cần chú ý đến tính đặc thù văn hóa với tư cách nguồn lực quan trọng đầu tiên định hướng cho việc phát triển văn hóa mới, gắn truyền thống với hiện đại mà trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta, luôn làm cho văn hóa cá nhân tách khỏi mối quan hệ bản chất với cộng đồng.

Như đã nói ở trên, văn hóa là trình độ người của mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, con người và xã hội cũng như sự phát triển của chính bản thân con người. Ba yếu tố của mối quan hệ văn hóa này quan hệ khăng khít với nhau trong quá trình phát triển văn hóa. Bản sắc văn hóa, văn hóa vùng, miền, văn hóa làng xã đều gắn bó máu thịt với quá trình hình thành phẩm giá đạo đức, năng lực hoạt động và thiên hướng sáng tạo của nhân cách trong việc cải tạo môi trường sinh thái, phát triển cộng đồng và sự trưởng thành của cá nhân. Sự phát triển của mọi văn hóa đều gắn liền đất đai, tài nguyên, sông suối, vạt rừng, cánh đồng, cảnh quan tự nhiên của mỗi vùng văn hóa. Kể từ ngàn xưa cho đến tận hôm nay, những vấn đề tài nguyên, môi trường, đất đai, nguồn nước, sông, biển... luôn là những vấn đề thời sự của mọi văn hóa. Tài nguyên, đất đai, môi trường đều gắn liền với các địa danh cụ thể, tính đặc thù của văn hóa. Văn hóa nông thôn ở Việt Nam trải dài trên ba vùng sinh thái: a) Sinh thái núi đồi, cao nguyên; b) Sinh thái đồng bằng và c) Sinh thái biển. Văn hóa sinh thái núi đồi miền Bắc khác với văn hóa núi đồi Tây Nguyên, văn hóa đồng bằng Bắc Bộ cũng không giống với văn hóa sông rạch của đồng bằng Nam Bộ và văn hóa biển của ba miền Bắc, Trung, Nam cũng không giống nhau. Vì thế, 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng cần phải được vận dụng khác nhau. Trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, rất nhiều vấn đề văn hóa nóng bỏng đều xảy ra ở mỗi địa phương cụ thể xoay quanh việc giải quyết các quan hệ giữa con người và tài nguyên tự nhiên, như đất đai, rừng, biển, ao, hồ, sông, suối, mảnh vườn, gốc đa, bến nước, những lò gạch và chất thải của các làng nghề truyền thống ven sông, ven biển. Tính đặc thù văn hóa này đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong quá trình xây dựng văn hóa mới ở nông thôn nước ta hiện nay.

Liên quan đến vấn đề cái chung và cái riêng trong quá trình xây dựng văn hóa nông thôn ở nước ta hiện nay là vấn đề các sản phẩm văn hóa đặc trưng, trong đó có cả việc hình thành những nhà văn hóa lớn của đất nước. Người ta đã từng biết đến hát chèo đồng bằng Bắc Bộ, hát xoan Phú Thọ, hát quan họ Bắc Ninh, hát ví và giặm Nghệ Tĩnh, hát bội Bình Định, hát cải lương Nam Bộ... Người ta cũng biết đến các nhà văn hóa lừng danh của đất nước và thế giới như Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Nguyễn Đình Chiểu và hàng trăm, hàng ngàn các nhà hoạt động văn hóa Việt Nam có tên tuổi khác nữa. Các sản phẩm văn hóa ấy, các danh nhân văn hóa ấy đều là sản phẩm đặc trưng của mỗi vùng văn hóa. Mỗi vùng văn hóa, mỗi làng văn hóa, mỗi xã văn hóa khi phát triển cao độ các giá trị văn hóa của mình, tự nó sẽ có tầm dân tộc, quốc gia và thế giới. Trong cơ chế thị trường hiện nay, với mạng thông tin toàn quốc và toàn cầu, mỗi tính đặc thù văn hóa, nếu được phát triển cao độ sẽ nhanh chóng trở thành hiện tượng văn hóa của cả quốc gia và nhân loại.

Nói đến tính đặc thù và tính phổ biến trong việc xây dựng văn hóa nông thôn ở nước ta hiện nay, cũng cần phải quan tâm đến tính đặc thù của văn hóa tâm linh trên mọi vùng quê của đất nước. Văn hóa Phật giáo, văn hóa Đạo giáo, Ki tô giáo, Tin lành và những nét đặc sắc trong sinh hoạt tâm linh của nhiều vùng văn hóa khác nhau trên khắp đất nước. Xây dựng văn hóa ở nông thôn là nhằm phát triển mối liên hệ, sự cố kết cộng đồng và các phẩm giá đạo đức xã hội. Những tôn giáo ấy có các giáo luật và đức tin truyền thống, phát triển tinh thần quảng đại, bác ái, phòng ngừa tội ác trước khi nó biến thành quỷ dữ. Xây dựng văn hóa ở nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường cần quan tâm triệt để đến các mặt tích cực của mỗi văn hóa tôn giáo ấy để tạo nên sự bình đẳng, hòa bình và tình hữu nghị trong cộng đồng làng xã.

Văn hóa nông thôn hiện nay mà chúng ta đang xây dựng là một bộ phận hợp thành hữu cơ của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cái riêng, cái đặc thù của mọi sự phát triển văn hóa nông thôn đều gắn bó chặt chẽ với chủ nghĩa yêu nước, những thành tựu khoa học của thời đại mang trong nó lý tưởng độc lập dân tộc, chủ nghĩa nhân văn cao cả, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tình cảm nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, cần cù trong lao động, tế nhị trong cư xử, giản dị trong lối sống. Những đặc tính này là tính chất chung của nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, phát triển cơ chế thị trường. Mỗi vùng, miền văn hóa, mỗi làng văn hóa thể hiện những đặc tính chung này trong phát triển văn hóa bằng các phương thức và các chủ thể văn hóa cụ thể để làm sao, chúng vừa phản ánh được cái chung của sự phát triển văn hóa của cả đất nước, vừa mang bản sắc văn hóa địa phương, văn hóa vùng, miền.

Mọi sự phát triển văn hóa đều phải gắn với nhân cách văn hóa, với các chuẩn mực văn hóa, thiết chế văn hóa. Văn hóa Phật giáo có những nhân cách tăng ni, phật tử, có giáo luật và giáo phái, có các chuẩn mực từ bi, bác ái, giác ngộ và giác tha, có các thiết chế tín ngưỡng gia đình, chùa chiền, am miếu... Văn hóa Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo hay Đạo giáo đều có những nhân cách văn hóa, chuẩn mực văn hóa và thiết chế văn hóa của chúng. Chúng ta xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thể chế kinh tế thị trường càng phải triệt để quan tâm đến việc xây dựng những nhân cách văn hóa, chuẩn mực văn hóa, thiết chế văn hóa thống nhất trong nó những cái chung của quốc gia, cái đa dạng của văn hóa tộc người và phương diện vật chất cũng như tinh thần của toàn thể nền văn hóa thống nhất.

Nhân cách văn hóa mà nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hướng đến xây dựng là những con người có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, có tinh thần yêu nước, tự cường tự lập, có ý chí vươn lên, có ý thức bảo vệ phẩm giá dân tộc, đoàn kết cộng đồng, ham học hỏi, ham tiến bộ... Nhân cách văn hóa này có thể xuất hiện nhiều kiểu dạng khác nhau trên các lĩnh vực, các vùng, các phương diện văn hóa khác nhau. Xây dựng văn hóa mới ở nông thôn cần cụ thể hóa việc xây dựng những nhân cách văn hóa này trong các phương diện văn hóa khác nhau trong hoạt động của cộng đồng, dù là hoạt động chính trị, đạo đức, tôn giáo, giáo dục hay quản lý, lãnh đạo.

Các chuẩn mực văn hóa mà nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hướng đến xây dựng là cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái hợp lý. Một xã hội, một cộng đồng, một cá nhân có văn hóa trước hết phải sống và làm việc theo cái đúng của Hiến pháp và pháp luật, đó là chuẩn mực khung, chuẩn mực bắt buộc, được phép và không được phép của một cộng đồng văn hóa. Sống đúng còn phải sống theo chuẩn mực khoa học, bởi khoa học là một giá trị khách quan, không thiên vị mà nó làm cho mỗi người được hiểu, được biết thật đúng về đời sống và hoạt động của mình và của mọi người. Sống đúng còn là sống theo một lý tưởng tích cực, một hệ tư tưởng tiến bộ đảm bảo quyền lao động, quyền công dân và quyền sống của mỗi người.

Ngoài chuẩn mực của cái đúng, nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc còn coi chuẩn mực của cái tốt là chuẩn mực cố kết cộng đồng, làm cho các nhân cách được phát triển về các phẩm giá đạo đức và quan hệ cộng đồng có sự yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ nhau một cách vô tư. Các phẩm giá đạo đức, chủ nghĩa nhân văn cao cả, đấu tranh chống lại mọi áp bức, bóc lột là những mục tiêu quan trọng mà các chuẩn mực đạo đức của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hướng tới làm cho xã hội văn minh, phẩm giá dân tộc, phẩm giá con người được tôn trọng.

Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc coi cái đẹp là một hệ chuẩn cơ bản của quá trình xây dựng văn hóa cá nhân, văn hóa vùng, miền và sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa cả nước. Chuẩn mực của cái đẹp đòi hỏi mọi quá trình xây dựng văn hóa mới, dù là văn hóa nông thôn hay đô thị, văn hóa cá nhân hay cộng đồng, văn hóa vùng hay miền, văn hóa Phật giáo hay Thiên chúa giáo, văn hóa giao thông hay công sở, văn hóa y tế hay học đường... đều phải coi quan điểm phát triển hài hòa, toàn diện làm mục tiêu. Không thể nhân danh văn hóa này mà phủ định văn hóa khác, không thể phát triển phiến diện mặt này mà bỏ qua mặt kia của văn hóa. Văn hóa của cá nhân phải được phát triển mọi mặt: Trí, đức, thể, mỹ. Văn hóa của cộng đồng phải được phát triển hài hòa cả mặt vật chất cũng như tinh thần.

Trong cơ chế thị trường, ngoài cái đúng, cái tốt, cái đẹp, còn xuất hiện cái hợp lý hay không hợp lý gắn liền với các lợi ích cá nhân, nhóm và cộng đồng. Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam là nền văn hóa của cơ chế thị trường và tồn tại suốt thời kỳ quá độ. Nó chấp nhận mọi sự cạnh tranh hợp lý và không chấp nhận chủ nghĩa bình quân, tôn trọng mọi sáng tạo cá nhân và có cơ chế phát triển những tài năng. Điều đó có vẻ rất mới so với tư duy văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, những quan điểm đạo đức mới, thẩm mỹ mới không duy nhất hóa sự hy sinh cá nhân cho cộng đồng, không coi sự phát triển hài hòa có nghĩa là đối xứng, mà nó cổ vũ cho tính hợp lý. Những cá nhân, tài năng kiệt xuất sẽ được cộng đồng chú ý hơn, tôn vinh tích cực hơn, chấp nhận trao cho họ những lợi ích xứng đáng hơn, bởi họ có tiềm năng và năng lực thực sự phát triển những cái đúng, cái tốt, cái đẹp của cộng đồng tốt hơn. Dù xây dựng văn hóa đô thị hay nông thôn, văn hóa vùng hay miền cũng như tất cả mọi phương diện của văn hóa trong thể chế kinh tế thị trường đều cần triệt để quan tâm đến chuẩn mực hợp lý trong phát triển văn hóa.

Vấn đề cuối cùng trong phát triển văn hóa nông thôn ở nước ta hiện nay là thiết chế văn hóa. Các thiết chế văn hóa được hình thành là do đòi hỏi của mọi sự phát triển bền vững của văn hóa. Những thiết chế văn hóa mà nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở nước ta hiện nay quan tâm xây dựng để cho các quan hệ văn hóa phát triển mạnh mẽ và bền vững là những thiết chế gắn bó hữu cơ với các thiết chế văn hóa truyền thống, đồng thời phải xây dựng thêm những thiết chế văn hóa mới và bổ sung một số yếu tố mà các thiết chế văn hóa truyền thống cần có để nó vận động phù hợp với tiến trình văn hóa mới. Đó là những thiết chế gia đình, lao động, giáo dục, y tế mang những nội dung mới để hình thành những phẩm giá, năng lực, thiên hướng mới của nhân cách văn hóa. Người ta không thể giữ nguyên các yếu tố gia trưởng của gia đình trước kia, mà phải đưa vào đó những chuẩn mực bình đẳng, ấm no, hòa thuận. Người ta cũng không thể giữ một thiết chế giáo dục sách vở, ít thực tế, mà phải đưa vào đó những yếu tố mới để tạo nên những nguồn nhân lực mới phát triển xã hội hiện đại. Ngoài ra, người ta phải xây dựng thêm nhiều các thiết chế văn hóa mới gắn với thời đại mới, với sự phát triển của công cuộc đổi mới. Đó là những thiết chế bảo vệ môi trường văn hóa, truyền đạt và kiểm soát thông tin, quản lý và gìn giữ các giá trị văn hóa. Những thiết chế này có một vai trò rất đặc biệt trong việc duy trì sự vận hành của văn hóa mới. Nó là một cơ chế gìn giữ tính ổn định của văn hóa, đồng thời cũng là một cơ chế tiếp biến những giá trị văn hóa mới, lọc bỏ những nhân tố lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển tiến bộ của văn hóa.

Vấn đề xây dựng văn hóa nông thôn trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay là một vấn đề lớn và vô cùng phức tạp. Nó liên quan đến các vấn đề truyền thống, đất đai, môi trường, quyền dân chủ, cạnh tranh, nhận thức của người dân và trình độ quản lý văn hóa của Nhà nước. Hiện nay, ở một số địa phương, khi xây dựng nông thôn mới, người ta thực hiện mô hình 4 nhà: Nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học để đảm bảo quá trình xã hội hóa các hoạt động văn hóa dựa trên những chân lý khoa học đúng đắn và định hướng chính trị tiến bộ. Tuy nhiên, ở mỗi khâu này trong phát triển văn hóa ở nông thôn mới đều có vấn đề đặt ra xoay quanh trình độ dân trí và trình độ quản lý văn hóa của Nhà nước cũng như lợi ích của các doanh nhân và ngay cả trách nhiệm của nhà khoa học.

Vấn đề phát triển văn hóa xây dựng nông thôn mới trong thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay là một vấn đề cực kỳ lớn và phức tạp. Riêng ngành văn hóa không thể giải quyết được. Vấn đề này có liên quan mật thiết và hữu cơ đến toàn bộ sự phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, giao thông vận tải, thương nghiệp, công nghiệp và nông nghiệp, môi trường quản lý đất đai. Nó gắn với quyết sách của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước một cách lâu dài, thường xuyên và liên tục. Mọi chính sách xa thực tế, tư duy nhiệm kỳ và quản lý yếu kém đều không phù hợp với tiến trình phát triển văn hóa trong việc xây dựng nông thôn mới trong điều kiện phát triển thể chế kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. q

 

 

                 

 


(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007