Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà mácxít mang tầm vóc thời đại, đồng thời là nhà văn hóa lớn mang cốt cách hiền triết Á Đông, biểu tượng cao đẹp của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tư tưởng của Người là tài sản vô giá của dân tộc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận cách mạng thế giới.
Minh triết Hồ Chí Minh, theo GS. Hoàng Chí Bảo, là một phức hợp nhiều chiều cạnh, nhiều phương diện, nhiều lớp quan hệ, nhiều hoàn cảnh và vị thế khác nhau mà Người đã quan sát, trải nghiệm, tổng kết và đúc rút thành phương châm sống, hành động của mình. Minh triết Hồ Chí Minh là minh triết của nhà tư tưởng với trí tuệ uyên bác và mẫn tiệp, phát kiến ra con đường chiến lược để giải phóng dân tộc, giải phóng con người, chấn hưng đất nước và dân tộc, thực hiện lý tưởng giải phóng, khát vọng tự do và làm chủ, phấn đấu cho hạnh phúc cuộc sống và lương tri, phẩm giá con người của nhân dân Việt Nam. Minh triết Hồ Chí Minh là minh triết của nhà nhân văn chủ nghĩa, mang tầm vóc thời đại, để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử thế giới hiện đại với tình thương yêu nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi, thiết tha với hòa bình, đấu tranh cho tự do và công lý, đề cao đạo đức và thực hành đạo đức, là mẫu mực của nhà văn hóa khoan dung.(*)
Như vậy, có thể khẳng định bản chất của minh triết Hồ Chí Minh là sự thống nhất hữu cơ giữa tính khoa học, cách mạng và nhân văn trong hệ thống tư tưởng và phương pháp, phong cách của Người.
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đề cập tới một nội dung trong minh triết Hồ Chí Minh - tư tưởng về quyền lực của dân, hạnh phúc của dân trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và thực hành dân chủ rộng rãi để phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Đây cũng là bản chất dân chủ, nhân văn trong tư tưởng và đường lối cách mạnh của Người, là minh triết Hồ Chí Minh về chính trị.
I. Cơ sở hình thành và quá trình phát triển của minh triết Hồ Chí Minh về Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, với tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần dân tộc, Hồ Chí Minh đã dấn thân vào con đường đấu tranh đầy gian khổ và hiểm nguy để tìm con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến. Người chỉ có “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1); đồng thời, luôn khát khao đưa dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”(2). Những khát khao và ham muốn chân chính đã trở thành mục đích, động cơ hoạt động chính trị đúng đắn, cao thượng của Người, giúp Người có một nghị lực phi thường của người chiến sĩ cách mạng đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho tất cả mọi người lao động. Đối với Hồ Chí Minh, độc lập, tự do là giá trị thiêng liêng và dân là quý nhất ở đời, phục vụ nhân dân là lẽ sống cao thượng nhất. Do đó, suốt cuộc đời Người một lòng một dạ tận tụy phục vụ nhân dân, chiến đấu vì dân, vì nước, ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân... hình thành một nhân cách lớn, một phong cách, phương pháp Hồ Chí Minh đầy bản lĩnh và sáng tạo.
Nhờ những phẩm chất đạo đức cao cả và trí tuệ sáng suốt, mẫn tiệp trong tầm nhìn và hành động, trong ứng xử và hành xử mà Hồ Chí Minh đã kết hợp và chuyển hóa cái khách quan và cái chủ quan, giữa lý luận và thực tiễn để giải quyết thành công những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam, hình thành những giá trị tư tưởng chính trị tiên tiến, hiện đại nhất trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam. Nổi bật trong hệ thống tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh là vấn đề vai trò của Đảng cầm quyền và của nhà nước dân chủ pháp quyền, là việc xây dựng và phát huy dân chủ, thực hành đạo đức cách mạng để đảm bảo cho một chế độ chính trị thực sự của dân, do dân, vì dân.([1])
Một mặt, Hồ Chí Minh đã tiếp thu và phát triển kinh nghiệm của văn hóa chính trị Việt Nam trong lịch sử. Với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu về xây dựng nhà nước được phản ánh trong các bộ sử lớn của dân tộc, như Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí... Kinh nghiệm làm luật, trị nước cũng được ghi lại trong các bộ luật nổi tiếng, như Hình thư (đời Lý), Quốc triều hình luật (đời Trần), Bộ Luật Hồng Đức (đời Lê)... mà giá trị của chúng có thể sánh ngang với các bộ luật nổi tiếng ở phương Đông, phương Tây. Hồ Chí Minh rất chú ý tới mô hình nhà nước phong kiến tập quyền thân dân ở những thời kỳ hưng thịnh với tư tưởng “nước lấy dân làm gốc”. Đây là cơ sở lý luận văn hóa chính trị đầu tiên của Hồ Chí Minh trên con đường tìm kiếm mô hình nhà nước tiến bộ cho đất nước sau này.
Mặt khác, Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc những giá trị trong các học thuyết chính trị của loài người, như học thuyết về xã hội đại đồng của phương Đông, cách tổ chức, quản lý xã hội theo “đức trị” của Khổng giáo và “pháp trị” của Lão giáo, Hàn Phi Tử. Người còn nghiên cứu sâu văn hóa chính trị tư sản thời kỳ Khai sáng trong các tác phẩm của Volte, Montesquieu, Rousseau về vấn đề tổ chức, hoạt động của nhà nước pháp quyền; về bản chất dân chủ, nhân đạo của nhà nước; về xây dựng kiểu nhà nước pháp quyền; về các quyền tự do, dân chủ, quyền công dân và quyền con người...
Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, quán triệt sâu sắc học thuyết về nhà nước và nhà nước chuyên chính vô sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo vào việc xây dựng nhà nước kiểu mới ở Việt Nam
Trong những năm tháng bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh có điều kiện để quan sát, nhận xét các loại mô hình nhà nước trong thế kỷ XX, từ nhà nước phong kiến thuộc địa ở Việt Nam qua nhà nước cộng hòa ở Pháp, nhà nước đại nghị ở Anh, nhà nước tự do dân chủ ở Mỹ đến nhà nước xôviết ở Nga... Các mô hình nhà nước ấy đều để lại trong tư duy Hồ Chí Minh những cái được và chưa được, những cái phù hợp và chưa phù hợp với Việt Nam sau khi giành được độc lập. Đây là cơ sở thực tiễn phong phú, quan trọng trong sự hình thành minh triết Hồ Chí Minh về nhà nước.
Như đã biết, năm1911 Hồ Chí Minh ra nước ngoài tìm đường cứu nước, mà thực chất là tìm cách xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, xóa bỏ nhà nước phong kiến và chế độ toàn quyền của Pháp ở Việt Nam. Năm 1919, Người đã có ý tưởng về sự quản lý xã hội, quản lý nhà nước ở Việt Nam bằng luật pháp: “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”(3). Đến năm 1927, Hồ Chí Minh đã có ý tưởng về xây dựng nhà nước của số đông, quyền lực nhà nước phải giao vào tay số đông người, chớ để trong tay một ít người. Năm 1930, tư tưởng về xây dựng chính phủ công nông binh được Người nêu trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Thực tế, một chính quyền đỏ, sau được gọi là xôviết tồn tại ở một số địa phương thuộc Nghệ An, Hà Tĩnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931. Song, sự thất bại của cao trào cách mạng 1930 -1931 cho thấy hình thức chính quyền xôviết hoặc mô hình liên bang Đông Dương theo kiểu Liên Xô chưa phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam.
Đến năm 1941, Hồ Chí Minh đã đưa ra tư tưởng về mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám (5 - 1941) do Người chủ trì đã xác định: Không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền xôviết, mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa. Chương trình Việt Minh cũng nhấn mạnh rằng, sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân Việt Nam dân chủ cộng hòa... Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (10 - 1944), Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải có một cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân do một cuộc Toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mạng, các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra, “một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”(4).
Rõ ràng, từ ý tưởng về một nhà nước của số đông đến sự lựa chọn mô hình nhà nước công nông binh, rồi chuyển sang khẳng định mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa đại biểu cho khối đại đoàn kết của toàn thể quốc dân (do quốc dân đại hội bầu ra), không của riêng một giai cấp nào, là một bước chuyển sáng suốt trong tư duy lý luận của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng ta, phản ánh được nét đặc thù của thực tiễn dân tộc, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Năm 1945, phong trào cách mạng phát triển mạnh, căn cứ địa được mở rộng ở khắp các vùng Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái và một số vùng ngoại vi Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái... Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng khu giải phóng, thành lập ủy ban nhân dân cách mạng (do nhân dân cử ra để thi hành 10 chính sách của Việt Minh). Khu giải phóng là hình ảnh “nước Việt Nam mới phôi thai”, cử ra ủy ban chỉ huy lâm thời thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng ở khu giải phóng (Tân Trào là thủ đô của Khu giải phóng). Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Ngày 6 - 1 - 1946, cuộc Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I được tổ chức và trên cơ sở đó thành lập Nhà nước Việt Nam mới.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc xây dựng một nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc: Nhà nước mang tính chất nhân dân - Nhà nước của dân, do dân, vì dân; đó là một Nhà nước thể hiện quyền lực của nhân dân lao động.
II. Nội dung cơ bản của minh triết Hồ Chí Minh về nhà nước
1. Minh triết Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước dân chủ - dân là chủ, dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Xây dựng Nhà nước dân chủ do nhân dân lao động là chủ và làm chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thể hiện nhất quán minh triết Hồ Chí Minh về nhà nước. Dân là chủ nhà nước được biểu hiện ở chỗ, “bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(5), cán bộ và công chức nhà nước là người được dân ủy quyền, là “công bộc” hay “đầy tớ” của dân. Dân làm chủ nhà nước: Trước hết dân tổ chức ra nhà nước, thực hiện nghiêm túc chế độ phổ thông đầu phiếu trong bầu cử các cơ quan quyền lực nhà nước, mỗi người dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, giàu nghèo, dân tộc, đảng phái, tôn giáo, đã là người Việt Nam được và phải tự đi bầu cử; từ 21 tuổi trở lên được quyền ra ứng cử(6). Dân không chỉ tổ chức ra Nhà nước thông qua dân chủ trực tiếp và gián tiếp, mà còn thông qua các tổ chức dân chủ thực hiện quyền bãi miễn các thành viên nhà nước khi không còn đủ tiêu chuẩn. Dân có quyền tham gia vào công việc quản lý của Nhà nước; góp ý, phê bình, kiểm tra, kiểm soát và giám sát hoạt động của các cơ quan và nhân viên nhà nước. Mặt khác, “dân làm chủ” còn được biểu hiện ở chỗ mọi người phải tích cực thực hiện nghĩa vụ công dân của mình, như nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đóng thuế...
Nhà nước dân chủ cũng có nghĩa là nhà nước phục vụ nhân dân, đem lại và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm các điều kiện cho nhân dân “sống một đời hạnh phúc”. Muốn vậy, bản thân nhà nước phải liêm khiết, không đặc quyền đặc lợi, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, chống hách dịch, cửa quyền, “quan cách mạng”.
Đề cập tới Nhà nước dân chủ, Hồ Chí Minh không chỉ nói đến Nhà nước do dân là chủ và làm chủ hoặc Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mà còn nhấn mạnh Nhà nước đó phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là nét khác biệt với nhà nước dân chủ tư sản.
Sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của nhà nước.
Khi nói nhà nước dân chủ mới của nước ta là Nhà nước của dân, do dân, vì dân không có nghĩa đó là nhà nước phi giai cấp hay siêu giai cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tính chất nhà nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của chính quyền: Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai? Điều đó quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp...
Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta được biểu hiện trước hết ở chỗ: Do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đồng thời, bản chất đó của Nhà nước ta còn thể hiện ở định hướng đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, như Hồ Chí Minh nói, “bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến”(7).
Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta còn được thể hiện ở nguyên tắc tổ chức cơ bản của nó là nguyên tắc tập trung dân chủ. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ Trung ương và các cơ quan khác của Nhà nước đều phải hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời, phải tập trung đến cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng, chế độ nào cũng có chuyên chính, vấn đề là ai chuyên chính với ai; rằng, trong chế độ dân chủ cũng phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ(8).
Tuy nhiên, bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta không làm triệt tiêu tính nhân dân, tính dân tộc của Nhà nước; trái lại, nó thống nhất, hài hòa trong Nhà nước đại đoàn kết dân tộc. Bởi vì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói, giai cấp công nhân không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của dân tộc. Sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta thể hiện ở chỗ:
Thứ nhất, Nhà nước dân chủ mới của ta ra đời là kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ với sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cách mạng.
Thứ hai, Nhà nước bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy lợi ích của dân tộc làm nền tảng. Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu luôn là Chính phủ đại đoàn kết dân tộc.
Thứ ba, Nhà nước mới của ta vừa ra đời đã phải đảm nhiệm nhiệm vụ lịch sử là tổ chức cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của dân tộc để bảo vệ thành quả cách mạng. Nhờ biết phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước do Hồ Chí Minh đứng đầu đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang là lãnh đạo cả dân tộc tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến vĩ đại trong lịch sử, bảo vệ được nền độc lập, thống nhất Tổ quốc và bắt tay vào xây dựng đất nước theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
2. Minh triết Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ
Một nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ, trước hết phải là một nhà nước hợp hiến. Sau khi giành được chính quyền trong cả nước, Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam mới, thể hiện ý chí và lực lượng của toàn thể dân tộc Việt Nam trong việc dựng nước và giữ nước “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ngày 17 - 9 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Ngày 20 - 9 - 1945, ký Sắc lệnh số 34 thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để chuẩn bị đệ trình Quốc hội. Ủy ban gồm 7 vị, do Người làm Trưởng ban. Ngày 6 - 1 - 1946 cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã thành công tốt đẹp, hơn 90% cử tri đi bỏ phiếu và có 333 đại biểu đã trúng cử. Quốc hội mới họp phiên đầu tiên ngày 2 - 3 - 1946 đã chuẩn y lời thỉnh cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh mở rộng thêm 50 ghế cho Việt Nam Quốc dân Đảng và 20 ghế cho Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội. Quốc hội thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Đây là Chính phủ hợp hiến đầu tiên do đại biểu của nhân dân bầu ra, có đầy đủ tư cách và hiệu lực trong việc giải quyết mọi vấn đề nội trị và ngoại giao của Nhà nước Việt Nam mới.
Theo Hồ Chí Minh, nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước quản lý đất nước bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong một Nhà nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn luôn đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau. Không thể có dân chủ ngoài pháp luật, pháp luật là bà đỡ của dân chủ. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật; ngược lại, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế.
Xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa đảm bảo việc thực hiện quyền lực của nhân dân là mối quan tâm suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, đã ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Mặt khác, Người hết sức chăm lo đưa pháp luật vào đời sống, tạo ra cơ chế bảo đảm cho pháp luật được thi hành, cơ chế kiểm tra, giám sát việc thi hành trong các cơ quan nhà nước và trong nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, công bố luật chưa phải là mọi việc đã xong, mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt. Người thường nhắc nhở cán bộ rằng, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(9); rằng, chỉ khi dân biết và dám phê bình người lãnh đạo, thì lúc đó dân mới biết nắm quyền của mình, tức là đạt đến trình độ dân chủ hóa khá cao. Người rất không hài lòng trước việc pháp luật của ta không được thực hiện nghiêm minh, xét xử thiếu công bằng, “thưởng có khi quá rộng mà phạt thì không nghiêm”, lẫn lộn giữa công với tội. Tính nghiêm minh của pháp luật thể hiện ở chỗ, có công thì được thưởng, có lỗi thì phải phạt, “không vì công mà quên lỗi, vì lỗi mà quên công”.
Một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, có hiệu lực là nhà nước có đội ngũ cán bộ, viên chức nhà nước có trình độ văn hóa, am hiểu pháp luật, thành thạo nghiệp vụ hành chính và nhất là phải có đạo đức cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong việc dùng cán bộ, Người nhắc nhở phải tẩy sạch óc bè phái, đấu tranh chống tệ “ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”. Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76 về việc ban hành Quy chế công chức, trong đó xác định: Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân dưới sự lãnh đạo tối cao của Chính phủ, công chức theo chế độ chức nghiệp, vì vậy cần phải qua một kỳ thi tuyển để bổ nhiệm vào các ngạch, bậc hành chính.
3. Minh triết Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả
Một là, tăng cường pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức.(9)
Trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, cần phải nhấn mạnh vai trò của pháp luật, phải khẩn trương xây dựng đồng bộ hệ thống pháp luật, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân; song, không vì thế mà xem nhẹ vai trò hỗ trợ của các nhân tố khác, trong đó có giáo dục đạo đức. Đạo đức và pháp luật là hai hình thái ý thức xã hội khác nhau nhưng lại kết hợp và bổ sung cho nhau trong thực tế trị nước. Những nhà chính trị sáng suốt thường không bao giờ tuyệt đối hóa địa vị độc tôn của một yếu tố riêng lẻ nào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà chính trị lão luyện và sáng suốt đã thâu thái được những kinh nghiệm lịch sử quý báu trong văn hóa trị nước của loài người và vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo. Người là một mẫu mực của sự kết hợp đạo đức và pháp luật, luôn chú trọng giáo dục đạo đức nhưng cũng không ngừng nâng cao vai trò, sức mạnh của pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gương mẫu trong việc chấp hành kỷ cương, phép nước, đồng thời luôn kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền. Người là một nhà lập pháp, đồng thời là một nhà hành pháp vĩ đại. Minh triết của Người về sự kết hợp thống nhất, biện chứng giữa giáo dục đạo đức và tăng cường pháp luật cần được chúng ta kế thừa và phát huy trên con đường xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ, trong sạch, vững mạnh, có hiệu quả.
Hai là, Nhà nước phải đảm bảo quyền làm chủ thật sự của nhân dân.
Quyền làm chủ thật sự của nhân dân chính là một nội dung cơ bản trong yêu cầu xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong vấn đề này, việc mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa quan trọng. Quyền làm chủ của nhân dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật. Để đưa Hiến pháp và pháp luật vào cuộc sống, cần chú ý bảo đảm mọi người được bình đẳng trước pháp luật, xử phạt nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật, bất kể sự vi phạm đó do tập thể hoặc cá nhân nào gây ra. Có như vậy dân mới tin và mới bảo đảm được tính chất nhân dân của Nhà nước ta.
Hiện nay, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, ngoài việc thực thi nghiêm chỉnh pháp luật, còn cần chú ý thực hành dân chủ trong các cộng đồng dân cư. Theo đó, cần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở đã được Chính phủ ban hành, tiến tới hoàn thiện cơ sở pháp lý về dân chủ cơ sở.
Ba là, kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước.
Thực hiện minh triết Hồ Chí Minh về nhà nước trong điều kiện hiện nay còn cần chú ý cải cách các thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm trong việc giải quyết các khiếu kiện của công dân theo đúng những quy định của pháp luật; tiêu chuẩn hóa cũng như sắp xếp lại đội ngũ công chức, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa có đức vừa có tài, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu đội ngũ công chức yếu thì không thể nói đến một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân mạnh được. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu và phải được tiến hành thường xuyên, bảo đảm chất lượng.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân tất yếu gắn liền với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đây là trách nhiệm cực kỳ quan trọng của Đảng với tư cách Đảng cầm quyền. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước thể hiện ở những nội dung cơ bản, như xác định đường lối xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; thể chế hóa đường lối, chủ trương đó trong hiện thực; Đảng lãnh đạo bằng đường lối, tổ chức và bộ máy của Đảng, bằng vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong bộ máy nhà nước, bằng công tác kiểm tra. Đảng không làm thay và không can thiệp vào công việc quản lý của Nhà nước. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị trên cơ sở bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức theo luật định...
Bản chất, tính chất của Nhà nước ta gắn liền với vai trò, trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Do đó, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là yếu tố quyết định cho sự thành công của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân theo minh triết Hồ Chí Minh. q