Tìm kiếm

MỘT SỐ TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA HAYEK VÀ NGUỒN GỐC CỦA CHÚNG

15/01/2024

KURT R.LEUBE (*)

Sau sự trình bày một cách vắn tắt về cuộc đời và sự nghiệp của Hayek, bài viết tập trung phân tích quá trình hình thành những tư tưởng cơ bản của Hayek qua những công trình đã xuất bản của ông, làm rõ nội dung căn bản của những tư tưởng này và nguồn gốc của chúng. Qua đó, bài viết này cho thấy tính trung thực, sự uyên bác và tri thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, cũng như những đóng góp to lớn của Hayek trong lĩnh vực triết học xã hội.

Một trong những mỉa mai đặc biệt của lịch sử là ở chỗ, việc hiểu lầm và xuyên tạc các lý thuyết dường như không có giới hạn, ngay cả trong một thời đại mà ở đó, việc tiếp cận các nguồn cứ liệu không hề hạn chế

Erich Fromm (1961)

 

 

Dẫn luận

Một sự thật hiển nhiên là, hơn bất cứ một lĩnh vực nghiên cứu nào khác, với nhiều người, triết học chính trị và triết học xã hội rất dễ trở thành một huyền thoại phổ biến, thành một thứ mốt nhất thời. Những hiểu biết sai lạc về sự nghiệp của F.A von Hayek, thực ra, cũng là một trong những trường hợp đó. Điều này khiến tôi phải trở lại với tuyên bố của E.From được trích dẫn ở trên, khi xem xét những tư tưởng chính yếu của Hayek.          

Thảo luận một cách thỏa đáng những thành tựu có tầm ảnh hưởng sâu sắc của Hayek trong khuôn khổ thời gian hạn chế quả là một nhiệm vụ khó khăn. Vì thế, ở đây, tôi chỉ cố gắng đề cập ngắn gọn đến một số sự kiện đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển tư tưởng của Hayek cũng như trong quá trình hình thành nên lý thuyết của ông.

I(*)

Friedrich August von Hayek sinh năm 1899 tại Vienna, trong một gia đình có truyền thống hàn lâm gần 5 thế hệ. Mặc dù lớn lên trong một môi trường văn hóa cao, song cũng có đôi lần ông lơ là việc học hành ở trường, kết quả là ông đã bỏ học và tình nguyện gia nhập quân đội Áo - Hung tháng 3 năm 1917. Phục vụ trong quân đội với tư cách một sĩ quan pháo binh ở mặt trận miền bắc Italia, Hayek đã trải nghiệm các trận đánh tàn khốc của quân Ý kết thúc bằng sự thảm sát vô nghĩa. Sau khi khoảng 5 triệu người lính chết trận và bị thương, kỷ luật quân đội gần như sụp đổ, thì một thỏa ước ngừng bắn cuối cùng cũng được ký kết. Hậu quả của cuộc chiến này là đám tàn quân hàng chục ngàn người bị lâm vào tình trạng đói khát, mất tinh thần, và trở nên rối loạn trong những chiến hào của nó. Không hề có bất kỳ một mệnh lệnh nào ràng buộc những con người liều mạng và bất trị, nói 11 thứ ngôn ngữ khác nhau này trước khi họ bắt đầu một cuộc rút lui lộn xộn, dài dằng dặc và buồn thảm trên hành trình trở về quê hương. Nằm trong số họ và bị mắc bệnh sốt rét, lần đầu tiên, Hayek chứng kiến cảnh những đội quân hỗn độn và đầy thù địch với nhau ấy bắt đầu tự nguyện tập hợp nhau lại thành những nhóm nhỏ, một hình thức giúp họ có thể thực hiện được cuộc rút lui của mình. Điều gây cho ông sự ngạc nhiên là việc có thể hình thành trật tự xã hội thông qua trao đổi, bàn bạc mà không cần đến những mệnh lệnh cũng như việc giải quyết những vấn đề liên quan đến tổ chức chính trị. Chính trải nghiệm này đã đưa ông đến “quyết định nghiên cứu kinh tế để tìm hiểu sự vận hành của xã hội”(1).

Hayek tới thành Vienna đói khát và đầy chia rẽ vào ngày 12 tháng 11 và chứng kiến sự suy tàn của cái xã hội mà chính ông là thành viên, khi một nghị viện tự tuyên bố thành lập “Nước Cộng hòa Áo – Đức”. Bó gọn trong một đất nước nhỏ bé, ở giữa đất liền với 7 triệu người trơ trọi, nước cộng hòa mới này được cho là không có khả năng đương đầu với những vấn đề tồi tệ thời hậu chiến cả về kinh tế và chính trị. Chính trong sự hỗn loạn chính trị và khung cảnh kinh tế ảm đạm đó, Hayek bắt đầu nghiên cứu luật học tại Đại học Tổng hợp Vienna. Thế nhưng, giữa mùa đông lạnh lẽo năm 1920, trường đại học này đã phải đóng cửa do thiếu nhiên liệu sưởi ấm. May mắn thay, Hayek có được một cơ hội quan trọng, đó là được nhận vào làm việc ở Constantin von Monakows (1853-1930) “Viện Giải phẫu não” (Brain Anatomy Institute) ở Zurich. Và, thời gian ở Zurich này đã diễn ra bước tiến quyết định nữa trong sự phát triển tư tưởng của ông. Đó là việc không bao lâu sau khi tới Zurich, Hayek đã bị những nghiên cứu của Monakow thu hút.(1)Ông quan tâm đến những thí nghiệm về sự phối hợp giữa các giác quan với những mối quan hệ chức năng giữa các vùng và bộ phận khác nhau của não bộ. Chưa đầy 21 tuổi, ông bắt đầu làm việc cho một tờ báo chuyên về những nghiên cứu lý thuyết, tờ báo mà suốt 30 năm sau đó đã cung cấp cho ông những cơ sở để viết nên Trật tự Cảm giác (The Sensory Order). Khảo cứu Cơ sở của Tâm lý học Lý thuyết (An Inquyry into the Foundations of Theoretical Psychology) năm 1952. Bài viết này, dưới tiêu đề Những nghiên cứu về lý thuyết phát triển ý thức (Beiträge zur Theorie der Entwicklung des Bewusstseins) chưa bao giờ được xuất bản, nhưng trong phần mở đầu của Trật tự Cảm giác, Hayek đã tuyên bố rằng, bản phác thảo đầy mạnh mẽ (youthful draft) này hầu như đã “chứa đựng toàn bộ nguyên lý của lý thuyết của ông”(2).

Một thời gian ngắn sau khi giành được học vị tiến sĩ đầu tiên năm 1921, ông tìm được một công việc nhỏ tại ‘Abrechnungsamt’ (cơ quan chính phủ thực hiện những thỏa thuận của hiệp ước hòa bình) dưới sự lãnh đạo của Ludwig von Mises (1881-1973). Mặc dù gánh nặng công việc khiến ông chủ yếu quan tâm đến những vấn đề kinh tế và gác lại những tham vọng nghiên cứu tâm lý học lý thuyết của mình trong khoảng thời gian 25 năm, song những gì ông thu nhận được từ thời sinh viên vẫn là mối quan tâm chính trong tư tưởng của ông. Giống như hầu hết những người bạn của mình ở thành Vienna, Hayek gia nhập "Privatseminar" (thảo luận nhóm) nổi tiếng do L.von Mises điều hành – một hoạt động độc lập với công việc ở trường đại học. Ở đây, có một chuyện đáng lưu ý là, mặc dù von Mises là học giả hàng đầu thuộc thế hệ thứ ba của Trường Phái kinh tế Áo (Austrian School of Economics) và là một nhà kinh tế học kiệt xuất của Áo thời kỳ giữa hai thế chiến, song Mises chưa bao giờ được đề nghị một chức vụ giáo sư chính thức nào. Tuy vậy, những buổi thảo luận nhóm nổi tiếng của Mises ở Viên (1921-1934) đã trở thành hạt nhân cho thế hệ thứ tư của Trường phái Áo/Nhóm Vienna (Austrian School). Hầu hết những người tham gia nhóm này đã rời bỏ Áo trước năm 1938 và sau đó, đã trở thành những nhân vật nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực hoạt động của mình. Ở đây, có thể dẫn ra vài trường hợp: Fritz Machlup (1902 - 1983), Gottfried von Haberler (1900 - 1995), F.A. von Hayek, Erik Voegelin (1901 -1985), Alfred Schuetz (1899 - 1959), Steffy Browne (1899 - 1990) hay Felix Kaufmann (1895 - 1949). 

Đầu năm 1923, khi mà việc xin học bổng tại Mỹ (US) còn rất khó khăn, Hayek đã phải xoay xở, xin xỏ một số quỹ để có được một chuyến tới New York tiến hành việc nghiên cứu những phương pháp thống kê phát triển mới và kỹ thuật dự báo. Sau khoảng một năm ông trở về Vienna và giành học vị tiến sĩ thứ hai về khoa học chính trị, cho xuất bản một số bài báo về lý thuyết chu chuyển tiền tệ và thương mại được rút ra từ những trải nghiệm của mình tại Mỹ. Năm 1927, cùng với người thầy dày dạn kinh nghiệm của mình - L.v.Mises, ông bắt đầu thành lập viện nghiên cứu xúc tiến kinh doanh (business-cycle) tại Vienna.(2)

II

Những nghiên cứu đầu tiên của Hayek về kinh tế học tiền tệ đã mở đường cho tác phẩm Lý thuyết tiền tệ và Chu trình Thương mại (Monetary Theory and Trade Cycle (1929)) rất được ca ngợi của ông, tác phẩm mà chẳng bao lâu sau đó, được coi là chuẩn mực trong lĩnh vực này và hiện vẫn còn được lưu hành. Bắt rễ vững chắc từ truyền thống của Trường phái Áo (Austrian School), một trong những đặc trưng cơ bản trong lý luận về chu kỳ kinh doanh của Hayek là ở chỗ nhấn mạnh sự khan hiếm tư bản, bởi bất kỳ một sự thiếu thốn tư bản nào cũng sẽ ngay lập tức gây ra khủng hoảng. Không giống như lý thuyết kinh tế cổ điển, lần đầu tiên, Hayek đã lý giải việc đầu tư quá mức (overinvestment)(*) sẽ dẫn đến tình trạng “khan hiếm tư bản (capital scarcity) như thế nào. Điều này tất yếu dẫn đến suy giảm đầu tư và vì thế, dẫn đến sự thất thoát, thua lỗ một phần vốn thực, thứ được sản sinh ra do tỷ lệ đầu tư cao quá mức. Quan sát kỹ sự phát triển kinh tế tại Mỹ đầu năm 1929, trong một bình luận ngắn gọn của mình, Hayek là người đầu tiên cảnh báo về một cuộc khủng hoảng tiền tệ chắc chắn sắp xảy ra ở Mỹ.

Năm 1931, Lionel Robbins (1898-1984), người thừa nhận tác phẩm của Hayek là đối trọng học thuật với lý thuyết của John M.Keynes (1883-1946), đã mời ông tới thuyết giảng tại Trường Kinh tế London (London School of Economics = LSE). Bốn bài báo của Hayek về Giá cả và Sản xuất (Prices and Production) đã thành công đến mức mà không lâu sau đó, ông được trao chức giáo sư chính thức tại Trường Kinh tế London. Những bài luận này được xuất bản năm 1931 và trở thành hạt nhân cho cuốn sách thứ hai Giá cả và Sản xuất (Prices and Production) của ông, cuốn sách này hiện vẫn được lưu hành. Khi nhận vị trí giáo sư tại LSE, hầu như lập tức Hayek trở thành đối thủ đầy mạnh mẽ trong những cuộc tranh luận học thuật không khoan nhượng diễn ra sôi động ở Anh - những cuộc tranh luận mà qua đó, những đặc điểm của kinh tế học hiện đại được xác định. Thực tế là những lý giải của Hayek với tư cách đối thủ duy nhất và quan trọng nhất đối lập với lý luận kinh tế mới của Keynes đã khởi xướng những cuộc tranh luận đầy mạnh mẽ về tiền tệ – tư bản –  những lý thuyết về chu kỳ - kinh doanh giữa hai nhân vật chủ xướng và những môn đệ xuất sắc của họ.(*)

Theo Hayek, thời kỳ bùng nổ (boom) hay suy sụp (burst) có nguyên nhân từ việc tạo dựng tín dụng giả tạo, thứ tạo nên động lực của một số quá trình sản xuất năng suất (tương tự thời kỳ phất lên trong xây dựng của Hoa Kỳ cuối cùng đã dẫn đến cuộc khủng hoảng 2008), nhưng ruốt cuộc lại không thỏa mãn được kỳ vọng của nhiều người về những lợi ích sẽ thu được trong tương lai so với hiện tại. Trong điều kiện một nền kinh tế thị trường không vấp phải cản trở nào, thì những kỳ vọng này có xu hướng cân bằng thông qua việc điều chỉnh tỉ lệ lợi tức. Tuy nhiên, rõ ràng là việc tự điều chỉnh tỉ lệ lợi tức đã bị tín dụng giả làm cho méo mó. Trong khi tín dụng cộng thêm (phải trả thêm) tỏ ra có tác dụng kích thích trong ngắn hạn (tạo ra sự phất lên (booms)), thì trong một thời gian dài, cơ cấu sản xuất không phù hợp với vốn tiết kiệm thực tế sẽ sụp đổ, dẫn đến việc nổ tung những bong bóng tín dụng và gây ra những tổn thất tai hại. Nói cách khác, luận đề trung tâm của Hayek, trong sự tương phản sâu sắc với luận đề của Lord Keynes, là kiên định quan điểm cho rằng, nhân tố tiền tệ là căn nguyên và bất kỳ một chu kỳ kinh doanh nào cũng phải xuất phát từ những thay đổi thực sự trong cơ cấu sản xuất.

Mặc dù không thể phủ nhận rằng những luận cứ lý luận của Hayek đã thắng, song trong những năm sau đó, ông rất lấy làm tiếc về sai lầm của mình - đó là đã không cố gắng bác bỏ một cách có hệ thống cuốn sách có ảnh hưởng nhất của Keynes, cuốn Lý thuyết Tổng quát (General Theory). Điều này phần lớn là do Hayek ngờ rằng, Keynes có thể nhanh chóng thay đổi quan điểm của mình như ông ấy đã làm sau khi tác phẩm Chuyên luận về tiền tệ (Treatise on Money) của ông ta bị Hayek bác bỏ. Dù sao chăng nữa, trong những năm xảy ra cuộc Đại Suy thoái (Great Depression), những khuyến cáo mang tính chính trị đầy lôi cuốn của Keynes về sự can thiệp dường như không đau đớn của nhà nước, và cả những khuyến cáo mặc dù nhầm lẫn nhưng rất hùng hồn về thâm hụt chi tiêu, chẳng bao lâu đã thống trị các chính sách kinh tế.  Trong bối cảnh mà khi đó, Kinh tế học Keynes (Keynesian economics) đã ngự trị trong hầu hết các sách giáo khoa kinh tế và với những tư tưởng còn chưa hoàn thiện của mình, liệu rằng nó có được mong đợi hay lại trở thành một thứ mốt. Kết cục là, ngày nay, chúng ta đang chứng kiến cảnh những chính phủ trung ương với những món nợ quốc gia khổng lồ không thể chịu đựng được và những thể chế dân chủ đầy yếu kém.

III

Chỉ sau 5 năm ở Anh, Hayek đã được bầu vào vị trí lãnh đạo Hiệp hội Kinh tế London (London Economic Society) đầy ảnh hưởng và trên cương vị chủ tịch, ông đã có bài diễn văn bất hủ về “Kinh tế học và Tri thức” ('Economics and Knowledge') vào năm 1936. Tác phẩm này hóa ra lại là cú đột phá trí tuệ của ông. Nó đưa ông từ một nhà lý luận kinh tế được cả thế giới kính trọng thành một nhà triết học xã hội hàng đầu thế kỷ XX. Lần đầu tiên, Hayek đã vạch ra một cách có hệ thống rằng, “nhiệm vụ của kinh tế học hay vấn đề mà các lý thuyết xã hội nói chung cần phải giải quyết là khám phá và lý giải xem loại hoạt động nào của con người sẽ mang lại một trật tự vận hành xã hội toàn diện thông qua việc sử dụng một lượng tri thức vô hạn đang và sẽ không bao giờ bị quy thành tư tưởng đơn nhất. Tri thức tách biệt về thời gian và nơi chốn này hiển nhiên không bao giờ hoàn toàn có sẵn, thậm chí là về nguyên tắc, cho bất kỳ cá nhân hay cấp có thẩm quyền nào”(3). Để một trật tự xã hội ngoài ý muốn có thể tồn tại thì hành vi của người thực thi phải đạt tới một trình độ nhất định, bởi hành vi ngẫu nhiên sẽ không bao giờ mang lại sự bền vững.

Chưa đầy 10 năm sau khi xuất bản cuốn Kinh tế và Tri thức (Economics and Knowledge), Hayek đã tinh lọc luận cứ này trong một tiểu luận rất thuyết phục và được trích dẫn nhiều nhất của mình - The Use of Knowledge in Society (Sử dụng tri thức trong xã hội) (1945). Bởi lẽ, không có trí tuệ nào có thể lý giải thì nói chi đến việc kiểm soát được những thứ phức tạp hơn chính bản thân nó và vì thế, cần phải có một giới hạn thực tế cho việc có thể sử dụng (như thế nào) và làm chủ được (đến đâu, bao nhiêu) lượng tri thức. Những trật tự xã hội phức tạp, được thiết lập dựa trên các sự kiện thường nghiệm hơn là dựa trên những gì trí tuệ có thể quy định hoặc tổ chức, thường chỉ có thể được hình thành từ những hệ thống quy tắc chứ không phải từ những kế hoạch được tính toán kỹ càng. Với tư cách một quan niệm nền tảng, phát hiện của ông về trình tự phát triển, từ đạo đức của những nhóm săn bắt nhỏ đến những quy tắc phức tạp của một xã hội phát triển như xã hội chúng ta ngày nay, hầu như đã xuất hiện trong bản phác thảo thời thanh niên được đề cập đến ở trên. Quãng thời gian này, ông tìm lại được bản phác thảo và bắt đầu phát triển nó. Phác thảo này dần được hoàn thiện thành cuốn Trật tự cảm giác. Khảo cứu Cơ sở Tâm lý học lý thuyết (The Sensory Order. An Inquyry into the Foundations of Theoretical Psychology) của ông. Xuất bản năm 1952, the Sensory Order được cho là cuốn sách quan trọng nhất của Hayek, tuy nhiên, nó lại được tiếp nhận khá hờ hững. Cuốn sách này chính là một đàm thoại triết học và tâm lý học lý thuyết mà trong đó, Hayek đã phát triển một cách có hệ thống nhất những mô tả của mình về cơ chế hoạt động tâm thức của con người và cách thức tâm thức sản sinh ra tri thức. Một cách vắn tắt nhất, tôi sẽ cố gắng chỉ ra những nét chính yếu của tác phẩm này.

Tác phẩm này được bố cục tương tự cuốn Chuyên luận lôgíc - Triết học (Tractatus Logico-Philosophicus (1921)) của Ludwig Wittgenstein (1889-1951), một người anh em họ xa của Hayek. Lý thuyết cảm giác cho rằng, toàn bộ “kinh nghiệm bắt đầu bằng việc tiếp nhận các dữ liệu cảm giác thông qua quá trình liên tục xử lý những đặc trưng, tính chất phản ánh những thuộc tính tương ứng ở đối tượng ngoại giới được nhận thức, hoặc là những đặc trưng có mối tương quan duy nhất với những thuộc tính như vậy ở những yếu tố của thế giới vật chất”(4). Nói cách khác, đầu tiên, những thuộc tính của dữ liệu cảm giác thuộc về những sự kiện bên ngoài; tiếp đó, chúng được truyền tải dưới một dạng thức nào đó vào bên trong tâm trí. Dữ kiện cảm giác được nhận thức dưới dạng như vậy được cho là thứ tạo nên những chất liệu thô mà tinh thần tích lũy được và tìm cách sắp xếp theo những cách thức khác nhau. Lý luận truyền thống này về trật tự cảm giác, vì thế, đã rút ra được sự khác biệt giữa nhận thức cảm giác trực tiếp về những đặc tính nhất định và quá trình trừu tượng hơn nữa của tư duy.

Tuy nhiên, Hayek lại quan niệm rằng, toàn bộ nhận thức cảm giác với tư cách là hành động phân loại cho rằng thế giới xung quanh ta dựa trên sự phỏng đoán theo nghĩa chúng ta tiếp nhận thông tin thông qua những hệ thống phân loại đã có trước đó, xét từ phương diện lý giải những sự kiện mới. Hệ thống này là sản phẩm phức hợp bao gồm tiến hóa văn hóa học tập của cá nhân. Chúng luôn luôn phản ánh kinh nghiệm riêng của một cá nhân và những kinh nghiệm đã được tích lũy của loài với những cách phân loại sự kiện tạm thời khác nhau, có thể tương tự hay khác biệt về một phương diện nào đó liên quan đến hành vi. Vì thế, toàn bộ quá trình học tập hay mở rộng tri thức của chúng ta phải được hiểu là quá trình sửa chữa, điều chỉnh, và/hoặc tinh lọc những tri thức đã phỏng đoán dựa trên những thông tin hiện có. Nhận thức cảm giác, vì thế, luôn là việc làm sáng tỏ, đặt một cái gì đó vào trong một hoặc vài lớp đối tượng và nhất thiết phải đi đến chỗ trừu tượng nó. Quá trình này luôn chọn lựa ra những khía cạnh hay những đặc điểm nhất định của một tình huống cụ thể. Những thuộc tính điển hình về những đặc trưng cảm giác, hay các lớp sự kiện khác nhau được đặt trong một quá trình nhận thức, rồi được tập hợp lại thành những phản ứng khác nhau của tổ chức sống, qua đó xác lập được trật tự của những sự kiện.

Sự phân loại này dựa trên cơ sở những kết nối được tạo ra trong hệ thống thần kinh nhờ các liên kết trong quá khứ. Chính vì lý do này mà mọi cảm giác phải được coi là sự luận giải (interpretation) về một sự kiện trên cơ sở những trải nghiệm/kinh nghiệm trong quá khứ của mỗi cá nhân. Kinh nghiệm của chúng ta vận hành trên cơ sở những sự kiện sinh lý học và sắp xếp chúng thành một trật tự theo nghĩa là cơ sở tâm lý của chúng. Sự khác biệt giữa những đặc trưng cảm giác theo nghĩa chỉ tâm thức có ý thức mới có thể nhận thức được sự vật bất kỳ trong môi trường của nó, khi ấy sự khác biệt này chính là kết quả của một kinh nghiệm tiền cảm giác kiểu như vậy. Chính vì thế, có thể nói rằng, mỗi kinh nghiệm cảm giác về một sự kiện xung quanh ta có thể sở hữu cái gọi là những thuộc tính (Hayek) mà với chúng, không có những thuộc tính tương ứng. Xin nhắc lại, ý nghĩa của những thuộc tính này là ở chỗ, tổ chức sống đó đã biết cách ấn định nhiệm vụ cho một lớp sự kiện trên cơ sở kết hợp những sự kiện của lớp này với các lớp sự kiện khác trong quá khứ. Ở đây, Hayek lập luận rằng, chức năng tổ chức này của tâm thức ưu tiên nhận thức những sự vật cụ thể, bởi tất cả những thông tin mà chúng ta có được về thế giới bên ngoài diễn ra dưới dạng quá trình sắp xếp. Bản thân quá trình này sẽ bộc lộ dần khi tâm thức nhận ra được những liên kết mới hoặc những khác biệt giữa những kinh nghiệm trong quá khứ.

Tâm thức (mind) là một chỉnh thể (cơ thể sống - organism) có khả năng sản sinh ra hình ảnh về thế giới bên ngoài. Theo Hayek, nó là “trình tự đặc thù của một tập hợp các sự kiện diễn ra trong một cơ thể sống nhất định, theo những cách thức quan hệ nhất định, nhưng lại không đồng nhất với trình tự vật lý của các sự kiện trong môi trường đó”(5). Cách thức tâm thức phân loại thông tin, về bản chất, là mang tính chủ quan theo nghĩa, nó phụ thuộc vào chủ thể nhận thức, mặc dù cơ chế hoạt động của chúng khá giống nhau. 

Rõ ràng là, mọi quan hệ giữa người với người và giữa con người với sự vật, vốn không thể nhận thức hết được và phức tạp như chính sự tồn tại của chúng, đều xuất phát từ những hoạt động tinh thần khác nhau, thứ mà chúng ta cố gắng nhận thức (understand/ verstehen) và khái nhiệm hóa (conceptualize/ begreifen). Trong khuôn mẫu tuyệt vời của Trường phái Áo, Hayek đã đặt phương pháp nhận thức (verstehen) khái niệm hóa (begreifen) tính toán kinh tế cá nhân thành vấn đề chủ yếu khi nghiên cứu hành vi của con người trên phương diện lý luận. Trung tâm của những sự kiện xã hội là con người với tư cách một tác nhân (actor) và vì thế, con người là trọng tâm của nghiên cứu. Với Hayek, chủ đề cốt yếu này không phải là việc đánh giá hoạt động con người kinh tế (homo economicus), mà đúng ra là, ông quan sát con người với tư cách một tâm thức (thực thể tinh thần) đang thẩm định (chính mình). Nhiệm vụ của triết học xã hội, vì thế, không phải là xây dựng những hệ thống lý luận siêu hình học, mà là khảo cứu giới hạn của lý tính (trí tuệ) của con người. Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể nhận ra được kinh nghiệm qua các phạm trù hay các hệ phạm trù bắt nguồn từ phạm trù căn bản, căn cơ của hành động. Thực tại phải được nhận thức, lý giải một cách đầy trí tuệ bằng khái niệm, quan niệm.

Con người không cư xử với mọi sự vật theo cùng một cách thức, bởi các sự vật chỉ giống nhau theo nghĩa vật lý và sinh học. Đúng hơn, con người biết cách phân loại sự vật thành các nhóm cụ thể, và con người đã phát hiện ra cách sử dụng chúng theo cách thức những đồng loại của mình đã làm với kỳ vọng rằng những sự vật này mang lại cho họ kết quả tương tự, giống như khi một người nào đó quan sát những người khác. Vì thế, liên quan đến hành động của con người, thì sự vật những gì mà người ta nghĩ nó là như thế. Cách tiếp cận của Hayek gắn với việc lý giải một cách có hệ thống ý nghĩa, nguồn gốc và những hàm ý xã hội trong khuôn khổ những kinh nghiệm của chính bản thân con người.

Nói cách khác, tâm thức của chúng ta nhìn nhận thế giới xunh quanh từ góc độ các luật lệ và những mối quan hệ trừu tượng giữa những đối tượng khác nhau, cho nên sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy rằng chúng ta có thể nhận thức được những khuôn mẫu mà không nhất thiết phải diễn giải hay thậm chí là hiểu hết những tình huống hay hoàn cảnh tạo nên chúng. Chẳng hạn, nội hàm của từ “fair play (chơi đẹp) hay “luật công bằng (rules of justice) có thể giống như thế. Chúng ta chỉ nhận thức và biết được thế giới xung quanh khi chúng được thấm lọc vào ta qua những kinh nghiệm trong quá khứ của mỗi cá nhân. Vì thế, chúng ta chỉ có thể đánh giá (judge) những thiết chế xã hội từ phương diện những giá trị và phong tục đã có - những thứ đã hình thành và phát triển trải qua những giai đoạn tiến hóa của con người. Vì thế, bất kỳ tuyên bố nào thể hiện ý chí muốn tạo ra hoặc thậm chí tái thiết xã hội từ đầu (con số không) đều là những truyên bố trống rỗng theo đúng nghĩa của thuật ngữ này.

Quá trình đảm bảo việc sử dụng một cách tốt nhất những tri thức mang tính cá nhân còn rất phân tán về cả không gian và thời gian hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua những thị trường đang phát triển mà ở đó, con người có thể sản sinh ra tri thức cá nhân của họ. Bằng những tương tác xã hội tại thị trường, một cách ngẫu nhiên,  chúng ta có thể phát hiện ra những tiềm năng của nó và sử dụng nó một cách phù hợp. Thông qua lôgíc chọn lựa (logic of choice) và sử dụng những tri thức hiện có, chúng ta tổng hợp nên tri thức tiềm ẩn (not-yet-existing knowledge) về những sự vật và đối tượng hiện tồn, những đối tượng mà không ai trong số những người tham gia thị trường đã sở hữu hay chính xác là có thể thấy trước. Nói cách khác, khi tri thức cụ thể về thời gian và không gian chứa đựng những sự kiện liên quan thường được truyền đến hàng triệu người với những quan niệm về giá trị, cũng như những mục tiêu hay dự định hết sức khác nhau, thì chỉ có một thị trường dựa trên hệ thống giá cả mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao những thông tin thích hợp, cho phép những hoạt động của con người thích nghi được với những hoàn cảnh và kinh nghiệm về những cái mà họ chưa biết. Kết quả là, tất cả các nền kinh tế kế hoạch tập trung đều thất bại hoặc buộc phải tiếp nhận yếu tố thị trường như là những bước khám phá.

Tương tự như thị trường, xã hội cũng là những kết quả nằm ngoài dự kiến của một quá trình phát triển tự phát ngoài ý muốn của con người. Đương nhiên, chúng ta không chủ ý lựa chọn những cơ cấu và thể chế nhất thiết phải có cho môi trường xã hội của chúng ta, bởi chúng ta đã nhận thức được những lợi ích mà chúng sẽ mang đến. Đúng ra là, những cơ cấu này phát triển bởi chúng mang lại lợi ích cho những khuôn mẫu xã hội mà ở đó, con người chấp nhận chúng. Bản thân những khái niệm đạo đức, những quy tắc ứng xử hay luật pháp (theo nghĩa đích thực của nó) đều biểu thị một trình tự phát triển tự phát, khi chúng xuất phát từ quá trình cạnh tranh theo lôgíc lựa chọn (logic of choice). Con người không được trời phú cho một tâm thức có thể nghĩ ra (conceive) bất kỳ một nền văn minh nào, hay có thể dựng nên và tạo ra văn hóa, ngôn ngữ, cũng như những thiết chế xã hội khác một cách tùy tiện (theo ý muốn của mình).  Bản thân tâm thức con người là một hệ thống, một quá trình diễn ra những cải biến liên tục. Quá trình đó chính là kết quả của những cố gắng của con người nhằm thích nghi và cải biến những tri thức ngày càng nhiều về những cái mà chúng ta chưa hề được biết.

IV

Việc xuất bản (khá muộn màng) bản dịch tiếng Anh tác phẩm rất quan trọng của Ludwig von Mises - Chủ nghĩa xã hội: Phân tích kinh tế và xã hội học (Socialism: An Economic and Sociological Analysis) (1936) đã gây sự chú ý đến Socialist Calculation Debate (Tranh luận về hoạch định (kinh tế) chủ nghĩa xã hội), chủ yếu giữa một bên là Lange, Lerner hay Dickinson và bên kia là Mises, Hayek hay Robbin. Tác phẩm này đã chỉ ra rằng, kế hoạch hóa tập trung xã hội chủ nghĩa chỉ là sự mâu thuẫn về thuật ngữ, đơn giản là bởi thiếu sở hữu tư nhân và thị trường thì không thể có giá cả cho những phương tiện sản xuất đặc biệt quí hiếm này, vì thế mà những người lập kế hoạch chủ chốt dĩ nhiên không được biết đến. Khi cơ chế thị trường chèo lái xã hội bị phá hủy hay bị cản trở bởi sự can thiệp của nhà nước, thì bất kỳ sự hợp tác nào giữa mọi người cũng sẽ “bị thay thế bởi một hệ thống không có cơ chế rõ ràng” (nguyên văn: bị thay thế bởi một hệ thống dò dẫm tìm đường trong bóng đêm)(6). Nhờ những bài luận đầy thuyết phục của Hayek về sự phân chia tri thức trong xã hội, nên chức năng lợi nhuận của việc phổ biến tri thức và tính toán thất thoát đã chứng tỏ những trở ngại không thể vượt qua được của những nhà lập kế hoạch xã hội chủ nghĩa, đồng thời đưa cuộc tranh luận đi đến hồi kết thúc, ít ra là về phương diện lý luận. Ở đây, Hayek đã bước vào một cuộc tranh luận chính trị rộng hơn và ông đã hiệu đính, cải biên cuốn Kế hoạch hóa kinh tế của những người theo chủ nghĩa tập thể (Collectivist Economic Planning) (1938) mà đến nay vẫn còn được in lại.

Nỗi khiếp sợ chủ nghĩa phát xít và chiến tranh đã khiến Hayek viết cuốn Đường về Nô lệ (The Road to Serfdom = Trở lại thời kỳ nông nô). Cuốn sách ăn khách này nhanh chóng khiến ông trở nên nổi tiếng và đã được dịch ra khoảng 20 ngôn ngữ khác nhau. Mặc dù, đây không phải là tác phẩm quan trọng nhất của ông, song sự thành công trên phạm vi quốc tế của nó đã đưa vị thế của Hayek lên tầm một nhân vật quốc tế. Trong cuốn sách này, bằng những lời lẽ đầy mạnh mẽ, ông cảnh báo rằng, bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ nhằm mục đích đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội cũng sẽ luôn sản sinh ra những hậu quả ngoài dự kiến và tất yếu, dẫn đến tình trạng nhà nước ngày càng ép buộc con người và vì thế, sẽ dẫn đến sự mất tự do cá nhân.(6)

Trong thời gian phục vụ chiến tranh (thế giới thứ 2) ở London và Cambrigdge, Hayek tiếp tục nghiên cứu những vấn đề liên quan đến phương pháp luận của các khoa học xã hội. Đặc biệt, ở đây, cần phải chú ý đến những cố gắng của ông nhằm bác bỏ việc nghiên cứu một cách thiếu suy xét của các khoa học xã hội bằng phương pháp của các khoa học chính xác. Hiểu biết sâu sắc của Hayek rằng, con người, hoạt động của họ và xã hội xung quanh họ phải được khảo cứu và phân tích bằng một phương pháp luận căn bản khác với những phương pháp được sử dụng trong các khoa học tự nhiên chính là điểm cốt yếu. Hầu hết những nhà kinh tế học, thậm chí cho đến hiện nay, vẫn tin chắc rằng, sử dụng công cụ toán học “khách quan” nghiên cứu một số lượng thích hợp những sự kiện giống nhau có thể đảm bảo xác định được những quy tắc định lượng, những hằng số hay thậm chí là bản chất của những hiện tượng kinh tế. Nhưng, Hayek đã chỉ ra rằng, trong khoa học xã hội không thể chỉ nghiên cứu những mối quan hệ định lượng, mà còn phải nghiên cứu các khái niệm với tư cách những ý định, mục tiêu hay thậm chí là tiến trình giáo dục (học tập). Ngược lại với những phương pháp phân tích của các khoa học tự nhiên, ông đặt tên cho những phương pháp được sử dụng trong khoa học xã hội là (những phương pháp) phức hợp. Chỉ trong các khoa học chính xác, những thí nghiệm mới có thể cho phép chúng ta kiểm chứng hay phủ chứng những giả thuyết và rút ra kết luận từ những kinh nghiệm đã có, một sự hậu nghiệm (posteriori). Dĩ nhiên, với Hayek, những quan hệ kinh tế định lượng đa thể thức mới là đối tượng nhận thức của nghiên cứu kinh tế, chứ không phải là trật tự các mối quan hệ định lượng đã được nghiên cứu ở đâu đó, đây hiển nhiên không thể là mục tiêu chính yếu của nghiên cứu khoa học. Vì thế, những khẳng định nhằm xác lập hay xây dựng môi trường xã hội xung quanh theo ý muốn chủ quan của con người phần nhiều có nguyên nhân từ lối tiếp cận mang tính tạo dựng (constructivist) và thành kiến của Chủ nghĩa duy khoa học (Scientism.)

Sau chiến tranh, khi sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu đe dọa thay thế nỗi sợ hãi chế độ Nazi trước đó, Hayek nóng lòng muốn khơi dậy những nguyên tắc tự do và ông đã đưa ra đề xuất thú vị về việc tổ chức một hội nghị. Được tài trợ riêng, ông đã thành công khi thu thập khoảng 39 học giả độc lập (isolated) đồng chính kiến đến từ 10 quốc gia thảo luận những vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích chung tại đất nước Thụy Sĩ trung lập. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên năm 1947, Mont Pelerin Society (Hội Mont Pelerin) đã ra đời và quy tụ được khoảng 600 thành viên trên khắp thế giới.

V

Sau 18 năm sống ở Anh, Hayek đã rời LSE vào cuối năm 1949 và đảm nhận khóa giảng dạy ba tháng mùa xuân tại Đại học Tổng hợp Arkansas ở Fayetteville (AK); sau đó, ông được giao chức giáo sư của các khoa học Xã hội và Đạo đức (Moral and Social Sciences) (chứ không phải là kinh tế học!) tại Đại học Tổng hợp Chicago mùa thu năm 1950. Ông ở Chicago trong 12 năm và những tọa đàm liên ngành của ông ở đó đã trở thành huyền thoại, khi chúng thu hút được những nhà khoa học và trí thức hàng đầu tới Chicago. Trong số những người tham dự, có những nhân vật tên tuổi, như E.Fermi, A.Einstein, K.R.Popper, K.Polanyi, hay M.Friedman. Hơn 60 tiểu luận và 5 cuốn sách quan trọng ra đời đã cho thấy hiệu quả công việc to lớn của ông ở nơi này.

Năm 1959, chính xác là 100 năm sau sự xuất hiện cuốn On Liberty (Bàn về tự do) của John Stuart Mill ở London, Hayek đã xuất bản tác phẩm có sức công phá dữ dội của ông - The Constitution of Liberty (Hiến pháp tự do) ở Chicago. Cuốn Hiến pháp cơ bản trình bày lại những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do kinh tế và chính trị mà chẳng bao lâu sau đã trở thành cột mốc quan trọng trong kho tàng triết học chính trị. Ở đây, Hayek không chỉ thành công khi trình bày triết học xã hội của mình dưới một sắc thái riêng, mà trong tác phẩm đồ sộ này, ông còn chỉ ra khuôn khổ kinh tế - xã hội, thể chế và luật pháp cần thiết của một xã hội mà ở đó, tự do của con người được hiện thực hóa. Trong khi với đa phần những nhà triết học đương thời, mục tiêu chủ yếu của chính trị là thiết lập một trật tự xã hội lý tưởng thông qua trừu tượng hoặc những cải cách không tưởng, thì Hayek coi nhiệm vụ chủ yếu của mình là khám phá những quy luật cho phép con người có khả năng độc lập với những giá trị, mục đích, nguyên tắc, hay thái độ khác nhau để có thể chung sống trong tự do. Đối với bên ngoài, những quy luật ứng xử đã được chấp nhận và thường dùng này vẫn phát triển qua thời gian cho phép mỗi cá nhân thực hiện mục đích của anh ta mà không cần những người bên ngoài có thể hiểu hết về chúng. Với bên trong, trật tự tự phát này sản sinh ra những thứ mà không một cá nhân nào lại có thể nhận thức hết được.

Với Hayek, “con người chưa có lý tính trước khi có văn minh. Lý tính và văn minh tiến hóa song hành”(7). Nói cách khác, đơn giản là con người không thiết kế một bộ quy tắc xã hội và áp đặt chúng vào môi trường của mình, bởi bản thân tâm thức của con người không ngừng thay đổi. Tâm thức con người là kết quả của những cố gắng liên tục của bản thân anh ta nhằm thích nghi với những tình huống mới. Việc khẳng định rằng con người đã sáng tạo ra đạo đức và các thể chế xã hội, vì thế, con người có thể thay đổi chúng tùy theo ý muốn, chỉ có thể chứng minh được khi chúng ta đã cố ý tạo ra chúng bằng những hiểu biết đầy đủ về những gì mà chúng ta đang làm. Đối với Hayek, quan niệm thịnh hành cho rằng con người được trời phú cho tâm thức có khả năng nhận thức văn minh (văn hóa, luật pháp và những thiết chế xã hội khác - những thứ tạo ra văn minh) là một quan niệm mà về cơ bản, là sai lầm. Theo một nghĩa nào đó, Hayek cho rằng, con người trở nên văn minh lên rất nhiều so với những mong muốn của họ, nhưng họ vẫn chưa nhận thức được những gì mà những nền đạo đức mới này có thể đem lại cho mình. Hayek còn khẳng định rằng, “chúng ta phải nhận thức được rằng nền văn minh nhân loại có đời sống riêng của nó và mọi cố gắng nhằm cải tạo sự vật của con người phải vận hành trong khuôn khổ hoạt động của một chỉnh thể mà chúng ta không thể kiểm soát hết được. Để những lực lượng này có thể vận hành thì chúng ta chỉ có thể hy vọng tạo điều kiện thuận lợi và trợ giúp chúng trong chừng mực những gì chúng ta nhận thức được về chúng mà thôi”(8).

Bất chấp sự thật rằng văn minh là kết quả của những hoạt động người đạt được qua quá trình tiến hóa của rất nhiều thế hệ, người ta không thể coi những nền văn hóa khác xa nhau, những cơ cấu xã hội hay những thể chế xã hội là sản phẩm nằm trong mẫu thiết kế của con người. Chúng là kết quả của một quá trình tiến hóa không định trước và ngoài ý muốn, phát triển một cách tự phát không phụ thuộc vào mong muốn của bất kỳ ai. Nói cách khác, chúng là những khuôn mẫu hành vi của con người (patterns of human behavior), chứ không phải là kết quả của mẫu  thiết kế của con người (result of human design), giống như việc con người đã không lựa chọn một cách có ý thức những cơ cấu đời sống xã hội, vì anh ta nhận thấy quyền lợi do những cơ cấu này mang lại. Đúng ra là, những cơ cấu này đã tiến hóa và phát triển bởi chúng mang lại lợi ích cho những khuôn mẫu xã hội mà con người đã chấp nhận và chỉ những nhóm người theo đuổi những cái mới này mới nảy nở và dần dần thay thế những xã hội mà người ta không còn muốn duy trì. Bởi lẽ, hầu hết những thể chế xã hội (như ngôn ngữ, luật pháp, quy tắc đạo đức, v.v.) hiện ra trước chúng ta dưới dạng đã được cấu trúc hoặc là hợp thức về phương diện hoạt động, cho nên chúng ta tin rằng chúng chỉ có thể là nhân tạo (artificial) và vì thế là kết quả của mẫu thiết kế của con người (result of human design). Tuy vậy, sự lưỡng phân (phân tách) sai lầm giữa mẫu hình xã hội “tự nhiên” và “nhân tạo ('natural' and 'artificial'), được lý giải là sự lựa chọn có tính loại trừ, rõ ràng là sai lạc, bởi những thiết chế xã hội này không phải là cái được bịa ra, cũng không phải là cái được thiết kế. Nói cách khác, tồn tại phạm trù thứ ba quan trọng nhất về hiện tượng xã hội, chính xác không phải là tự nhiên theo nghĩa tồn tại độc lập với hoạt động của con người, cũng không phải là nhân tạo theo nghĩa là kết quả của sự dự liệu của con người.

Những thuật ngữ phổ biến và hấp dẫn về phương diện chính trị, như “công bằng xã hội ('social justice') rõ ràng bắt nguồn từ nhận thức sai lầm mang tính tạo dựng về xã hội, khi nó đưa ra giả định về một xã hội bao gồm những con người tự do được tổ chức một cách có tính toán, thậm chí là một xã hội được nhân cách hóa thành một người nhân từ có thể ban thưởng cho chúng ta. Tình trạng lộn xộn xung quanh khái niệm công bằng xã hội đã khiến cho thuật ngữ này trở nên mơ hồ và thậm chí, mang tính chất mê muội như một thứ ma túy. Hầu hết những lập luận mang hơi hướng công bằng xã hội đều cho rằng tồn tại một số lượng hàng hóa và dịch vụ, giống như một cái bánh có thể được cắt ra thành nhiều phần và phân phát theo một số nguyên tắc đạo đức trừu tượng, chẳng hạn như nhu cầu hay tài cán, hơn là theo những nguyên tắc mà nhờ đó, trước hết hàng hóa hay dịch vụ được sản xuất. Nói cách khác, việc phân phối hợp lý hay phân phát của cải, thu nhập, hoặc bất kỳ nguồn lực nào khác trong phạm vi một xã hội hay một nhóm thì hấp dẫn hơn, bình đẳng hơn, thậm chí là công bằng hơn. Rõ ràng là không có những hành động công bằng “ít hơn” hay “nhiều hơn”, giống như việc không có những hành động dũng cảm, hào phóng, khiêm tốn ít hơn hay nhiều hơn. Người nào đưa ra một tiêu chuẩn bất chấp việc nó hoàn toàn không thể so sánh được với công bằng thì khi đó, chính là họ đang gợi ý về sự bất công – một nguyên nhân mà tất cả chúng ta cố gắng tránh, chẳng hạn thông qua việc xác định lại khái niệm công bằng(9). Vì thế, công bằng xã hội hay thuật ngữ được sử dụng đồng nghĩa với nó là phân phối công bằng, được áp dụng trong phân chia (allotment) của cải, hàng hóa xã hội, hay những tước vị phải tương xứng với công lao của công dân. Không thể có bất kỳ ứng dụng nào về công bằng cho những thành quả của nền kinh tế thị trường, do chỗ trên thực tế không thể có công bằng trong phân phối ở những nơi mà không có ai phân phối. Công bằng chỉ là một khái niệm đạo đức và vì thế, chỉ có con người và những hoạt động của họ mới có thể được xác định là công bằng hay không công bằng, xấu xa hay tốt đẹp.

VI

Năm 1962, Hayek trở lại châu Âu và đảm nhận cương vị do Walter Eucken để lại tại Đại học Freibourg/Breisgau ở Đức. (Eucken là thành Vienna lãnh đạo của cái gọi là Ordo-school mà trong một chừng mực không nhỏ đã đặt cơ sở lý luận và kế hoạch chi tiết cho “Điều thần kỳ của kinh tế Đức” (“German economic miracle”) - kết quả của tự do hóa thị trường và thả lỏng cạnh tranh). Trong thời gian 6 năm đầu ở Freiburg, Hayek đã xuất bản hai cuốn sách, 5 cuốn thông tin (brochure) và khoảng 30 bài luận dài. Trong số này, một số được tập hợp lại thành cuốn Những nghiên cứu Triết học, Chính trị và Kinh tế (1966) (Studies in Philosophy, Politics, and Economics). Ở đây, phải đề cập đến những đóng góp có ảnh hưởng mạnh đến lý thuyết cạnh tranh của ông sau này, cuốn Cạnh tranh - Một quá trình khám phá (Competition as a Discovery Procedure).  

Năm 1968, Hayek trở thành giáo sư danh dự của Freiburg và cũng năm đó, ông nhận vị trí giáo sư tại Đại học Salzburg (Áo). Bất chấp vấn đề sức khỏe và sự cô lập trong quan hệ, ông đã xuất bản một số bài luận độc đáo và sách. Trong diễn văn khai trương về “Những sai lầm của thuyết Tạo dựng” (‘The Errors of Constructivism), ông đã đưa thuật ngữ thuyết Tạo dựng (Constructivism) vào tranh luận triết học - xã hội để nhấn mạnh sự hỗn độn xung quanh thuật ngữ “kỹ thuật xã hội” ('social engineering'). Mô hình cải cách hiến pháp dân chủ của Hayek mà trong đó, ông cho rằng nên hạn chế quyền lực của chính phủ đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh vấn đề này. Xu hướng tiếc nuối những cơ cấu dân chủ thịnh hành nhất dẫn đến việc cho phép cùng một nhóm đại diện vừa thiết lập những quy tắc lại vừa điều khiển chính phủ, tạo ra những rủi ro để dần biến một xã hội tự do thành những hệ thống chuyên quyền, độc đoán, thống trị bởi những liên minh lợi ích có tổ chức (organized interests). Ở đây, quyền lực quá mức của các liên minh và hệ thống vận động hành lang tại Hoa Kỳ là những ví dụ rõ nhất. Rất ngạc nhiên và không hề được chuẩn bị trước, ông được trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 1974. Tuy nhiên, có vẻ như vì một lý do đối xứng chính trị nào đó, ông đã phải chia sẻ giải thưởng này với đối thủ của ông - Gunnar Myrdal (1898-1987), người được xem là cha đẻ của mô hình phúc lợi xã hội chủ nghĩa kiểu Thụy Điển. Giải thưởng uy tín này đã khiến Hayek lại nhanh chóng nổi tiếng toàn thế giới. Nó cũng khởi đầu sự trở lại sau một thời gian dài của Trường phái Kinh tế Áo (Austrian School of Economics). Năm 1977 Hayek đã cho xuất bản một trong số những tác phẩm gây tranh cãi của ông - Tư hữu hóa tiền tệ (The Denationalization of Money). Cuốn sách nhỏ này ngay lập tức đã nhóm lên cuộc tranh luận mạnh mẽ trong giới lý luận gia tài chính và tiền tệ và hiện vẫn còn tiếp diễn. Với khái niệm cơ bản này, ông cho rằng chỉ có thể tránh được lạm phát nếu quyền lực độc quyền trong phát hành tiền tệ được tách khỏi chính phủ và những người cầm quyền nhà nước, đồng thời trao nhiệm vụ này cho cơ sở tư nhân để khích lệ cạnh tranh trong thông hành tiền tệ.

Với những cống hiến kiên định cho khoa học hàn lâm thì thật không có gì lạ, khi Hayek đã rời khỏi một đất nước vào lúc ông được đề nghị vị trí quan trọng trong một thể chế trói buộc về chính trị. Đây là trường hợp xảy ra đầu những năm 30 của thế kỷ XX, khi ông rời Áo, sau đó là 18 năm sống ở Anh, khi Churchill cố gắng lôi kéo ông; rồi lại sau 12 năm sống ở Mỹ, nơi mà những điều tương tự đã xảy ra và cũng như vậy, sau 6 năm sống ở Freiburg.

Cuối cùng, Hayek cũng đã trở lại Freiburg. Ở đó, ông hoàn thành tập thứ ba của bộ ba tác phẩm Luật, Pháp chế và Tự do (Law, Legislation, and Liberty) của mình. Ông vẫn đều đặn thuyết trình và viết tiếp cuốn sách cuối cùng của mình - Tự phụ chết người. Những sai lầm của Chủ nghĩa xã hội (The Fatal Conceit. The Errors of Socialism). Được xuất bản năm 1989, trong một chừng mực nhất định, đây là cuốn sách dự kiến trở thành tác phẩm kết thúc sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, ông đã quá yếu để có thể làm chủ được bản thảo đồ sộ này và bất đắc dĩ phải cho phép hiệu đính nó để đưa ra xuất bản. Kết quả là, thật đáng tiếc, đây không phải là tác phẩm tốt nhất của ông, cũng không phải là sự khởi đầu thích hợp để hiểu bản chất triết học xã hội của Hayek. Hayek mất ở Freiburg ngày 23 tháng 3 năm 1992.

Sự nghiệp của Hayek khởi đầu và phát triển trên cơ sở tiếp cận toàn diện những môn khoa học trí tuệ quy định và ảnh hưởng lẫn nhau. Những cống hiến về lý luận kinh tế cũng như triết học xã hội và luật pháp của ông đã đóng vai trò tiên phong và xác lập nên những chuẩn mực quan trọng nhất. Những đóng góp không thể kể hết của ông cho lịch sử tư tưởng là báu vật và cuốn sách của ông về tâm lý học lý thuyết Trật tự Cảm giác (The Sensory Order) đáng được coi là cơ sở cốt yếu, mang tính đột phá và độc nhất vô nhị. Không thể làm lu mờ những phẩm chất đặc trưng của học giả xuất sắc này, cũng như không thể đánh giá hết được những đóng góp vĩ đại của ông cho khoa học xã hội. Sự trung thực, uyên bác và tri thức uyên thâm trong nhiều lĩnh vực của ông đơn giản là không ai có thể sánh bằng.

Cuối cùng, với tư cách là một học giả, một người thầy và là một người bạn hiền từ như một người cha, trong con người Hayek còn có cả những nét quân tử của hình mẫu cổ điển lẫn những yếu đuối từng có của con người. q

Người dịch: TS.NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG

(Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

Hiệu đính: ThS. TRẦN TUẤN PHONG

(Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)


(*) Giáo sư danh dự, Viện sĩ (Professor Emeritus and Research Fellow), Viện Hoover (Hoover Institution), Đại học Stanford (Stanford University) (USA); Giám đốc  ECAEF, (Academic Director, ECAEF), Vaduz (Công quốc Liechtenstein = Principality of Liechtenstein).

(1) Đàm luận và phỏng vấn F.A.v. Hayek I, Salzburg 1969 - 1977 (Bản dịch của tác giả. Bản ghi âm của tác giả).

(2) F.A. von Hayek, The Sensory Order, The University of Chicago Press, 1952, V.

(*) Overinvestment : đầu tư quá nhiều vào sản xuất tư liệu sản xuất, kết quả là sau khi kết thúc giai đoạn phồn vinh của chu kỳ sản xuất thì năng lực sản xuất tư liệu sản xuất dư thừa dẫn đến thất nghiệp tăng – ND.

(3) Đàm luận và phỏng vấn F.A.v. Hayek I, Salzburg 1969-1977 (Bản dịch của tác giả. Bản ghi âm của tác giả).

(4) F.A. von Hayek. The Sensory Order.  p.165.

(5) F.A. von Hayek, The Sensory Order, p. 16.

(6) L. von Mises. Human Action, 3rd.ed., H. Regnery Publ., Chicago, 1962, p.700.

(7) F.A. von Hayek. New Studies in Philosophy, Politics, Economics, and the History of Ideas, University of Chicago Press, 1978, p.118.

(8) F.A. von Hayek. The Constitution of Liberty, University of Chicago Press, 1960, p.69.

(9) For a detailed discussion, see especially Hardy Bouillon, Wirtschaft, Ethik und Gerechtigkeit, ECAEF Studien zur Wirtschafts- und Gesellschaftsordnung, Buchausgabe, 2011. English translation, Business Ethics and the Austrian Tradition in Economics, Routledge, 2011.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007