Tìm kiếm

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

03/02/2023

Tạp chí Triết học, số 2, năm 2013

VÕ VĂN THẮNG (*)

Trên cơ sở luận giải thêm về nội hàm khái niệm trí thức, phân tích thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời gian qua, tác giả bài viết đề xuất những giải pháp nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

 

Hiện nay, trong nước và trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về trí thức (hơn 60 định nghĩa). Theo quan niệm của Đảng ta, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội(1). Trong đời sống xã hội, khi nói đến trí thức (intellectual), người ta thường nghĩ ngay tới những người có bằng cấp cao. Tuy nhiên, theo chúng tôi, bằng cấp cao chỉ là một dấu hiệu; hơn nữa đó cũng không phải là dấu hiệu bản chất của trí thức. Trên thực tế, có những người không có bằng cấp cao nhưng do tư chất thông minh, lại chịu khó học hỏi, nên có vốn kiến thức khá sâu rộng, có nhiều sáng tạo và được cộng đồng ghi nhận trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định như là một trí thức.

Trong lịch sử cả ở phương Đông lẫn phương Tây cổ đại, con người thật kỳ diệu khi sáng tạo nên những tuyệt tác truyền miệng bất hủ được lưu truyền cho đến ngày nay trong khi chưa có chữ viết, chưa có trường đại học. Và lịch sử cũng đã từng ghi nhận nhiều tên tuổi lớn tuy chưa học hết bậc đại học nhưng đã có những đóng góp xuất sắc cho khoa học - công nghệ, văn hóa – nghệ thuật hay kinh tế - xã hội như các nhà sáng chế, các nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới - Thomas Edison, Bill Gates ở Hoa Kỳ, nhà viết kịch vĩ đại Shakespeare ở Anh...(1)Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng khi hoàn thành những tác phẩm văn học để đời, như Những ngày thơ ấu, Bỉ vỏ khi chỉ mới học xong tiểu học. Trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp trên mọi miền đất nước đã xuất hiện ngày càng nhiều “kỹ sư chân đất” – những nông dân “chân lấm tay bùn” chịu khó tìm tòi, dám nghĩ, dám làm, chế tạo từ máy cày, máy cấy, máy gặt đập liên hợp đến nhân giống, cây con có chất lượng và năng suất cao... đáp ứng nhu cầu sản xuất và ước muốn chinh phục đỉnh cao khoa học – công nghệ. Họ được công chúng thừa nhận như là những trí thức thực sự. Như vậy, một người có học cao hay có chuyên môn cao, cho dù là giáo sư, tiến sĩ chưa hẳn là nhà trí thức, nhưng một người dù không học cao hoặc không có bằng cấp vẫn có thể được xem là nhà trí thức. Edward Said, một nhà trí thức nổi tiếng người Palestinian, từng là giáo sư đại học ở Anh và Columbia cho rằng, những người có học nhưng không phải là trí thức, nếu họ là những kẻ thụ động tinh thần, chấp nhận một cách dễ dãi những gì được dạy, không chịu nỗ lực suy nghĩ chín chắn về những vấn đề xã hội, không có khả năng hình thành ý kiến độc lập với những gì được nhiều người công nhận. Theo tôi, cái căn cước của trí thức không phải dựa vào vị trí công việc mà là thái độ, hành động và những giá trị mà họ tạo ra hoặc giữ gìn, dấn thân cho những mục tiêu cao cả của cộng đồng. Trí thức phải biết dùng tri thức và cả uy tín của mình để góp phần phân định rõ hơn chân lý, tham gia giải quyết những vấn đề chung mà xã hội đã, đang và sẽ đối mặt, góp phần xác lập những chuẩn mực, thang giá trị xã hội và bảo vệ nó nhằm định hướng, thúc đẩy xã hội phát triển theo hướng tiến bộ.

Mỗi thời đại khác nhau, mỗi dân tộc đều hình thành nên đội ngũ trí thức của dân tộc mình. Nếu như trí thức Trung Hoa thâm nho, trí thức Nhật khiêm tốn, trí thức Nga sâu sắc, đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng, tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa, phong nhã, v.v. thì trí thức Việt Nam yêu nước nồng nàn, trung thành với Đảng, với nhân dân, cần cù, thông minh, sáng tạo, không ngại khó khăn, gian khổ. Chúng ta tự hào và vui mừng vì những bậc trí thức tiền bối nhận thấy trách nhiệm của mình, đã có những đóng góp đáng kể cho quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thực tiễn cho thấy, ở nước ta, các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”(2). Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa X của Đảng đã nhận định: “Đội ngũ trí thức đã đóng góp tích cực vào xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp những vấn đề mới phát sinh trong sự nghiệp đổi mới; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo những công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ của đất nước, vươn lên tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới.

Bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo, quản lý đã phát huy tốt vai trò và khả năng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước. Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhiều trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đa số trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc; nhiều người đã về nước làm việc, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển đất nước”(3).

Ngày 13/8/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X là văn bản quan trọng, khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của Đảng đối với đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó có đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ; cho đến nay, nội dung, mục tiêu, giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức vẫn giữ nguyên giá trị. Đảng, Nhà nước luôn hết sức coi trọng và quan tâm chăm lo phát triển khoa học - công nghệ, cũng như đội ngũ trí thức, cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đầu tư phát triển đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Đặc biệt, Tổng Bí thư rất tâm đắc với quan điểm cho rằng, đội ngũ trí thức là “vàng ròng” của quốc gia. Trong các thành tựu to lớn mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đạt được trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, có sự đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, của đội ngũ trí thức. Để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, cần phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức.(3)Đảng, Nhà nước luôn trân trọng, lắng nghe ý kiến tham vấn của các nhà khoa học nhằm làm lợi cho quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ ra hạn chế mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng như đội ngũ trí thức cần khắc phục trong thời gian tới là phải tập hợp được đông đảo trí thức khoa học và công nghệ, trí thức trẻ, trí thức trong doanh nghiệp và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động... Chia sẻ với những khó khăn khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Tổng Bí thư cho rằng, tiến độ triển khai Nghị quyết sau 3 năm vẫn còn chậm, đồng thời yêu cầu Liên hiệp Hội cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan của Đảng và Nhà nước để phát huy vai trò của mình và đội ngũ trí thức, đóng góp vào hoạch định chính sách, điều hành các dự án lớn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Số liệu thống kê sau đây phần nào cho thấy sự hạn chế của đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ nước ta. Từ năm 1998 đến năm 2002, toàn thế giới công bố được 35 vạn công trình khoa học và công nghệ, trong đó, Mỹ đóng góp 119.000 công trình, chiếm khoảng 1/3; Singapore có 6.932 công trình; Thái Lan có 5.210 công trình; Malaisia có 2.088 công trình. Riêng Việt Nam chỉ có 250 công trình, chiếm chưa đến một phần nghìn của thế giới. Từ năm 2001 đến 2005, nước ta có 11 đơn đăng ký sáng chế gửi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong khi đó số lượng của các nước khác là: Indonesia 36 đơn, Thái Lan 39 đơn, Philippine 85 đơn, Hàn Quốc 15.000 đơn, Nhật Bản 87.620 đơn và Mỹ 206.710 đơn. Chỉ số phát triển kinh tế tri thức của Việt Nam mới chiếm 1,9%, tỷ lệ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế do nhân tố trí tuệ chỉ khoảng 16%, tỷ lệ ngành công nghệ cao chiếm 15,7%. Xuất khẩu công nghệ cao năm 2003 mới có 2,5%, trong khi của Trung Quốc là 27%, Thái Lan là 30%, Singapore là 59%.

Thực tế thời gian qua cho thấy, đội ngũ trí thức ở nước ta ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nhưng cơ cấu còn bất hợp lý. Theo số liệu thống kê, hiện nay nước ta có hơn 3 triệu người có trình độ đại học trở lên, trong đó có hơn 9.000 giáo sư, phó giáo sư, 24.300 tiến sĩ, hơn 101.000 thạc sĩ. Tuy đội ngũ trí thức có tăng nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ - lực lượng chủ yếu của đội ngũ trí thức, chất lượng chưa cao về phương pháp tư duy sáng tạo, năng lực tổ chức, điều hành công việc, trình độ ngoại ngữ, mối quan hệ hợp tác với các đồng nghiệp nước ngoài... Đây chính là những hạn chế sẽ cản trở quá trình hội nhập của trí thức nói riêng và của đất nước nói chung. Thế nhưng, trong gần 9.000 tiến sĩ được điều tra, có gần 70% giữ chức vụ quản lý và chỉ 30% thực sự làm chuyên môn. Bậc đào tạo trình độ cao ngày càng có xu hướng phát triển lệch về ngành nghề, lĩnh vực nghiên cứu, số lượng nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, một lĩnh vực quan trọng được xác định là nền tảng, động lực của sự phát triển chỉ chiếm khoảng 10%. Chất lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cũng còn nhiều vấn đề, tỷ lệ cán bộ khoa học phát huy tốt chỉ chiếm khoảng 34 -35%, số yếu kém lên đến 27 - 28%. Về số lượng, Việt Nam là nước có số tiến sĩ thuộc loại cao trong khu vực, nhưng số người có năng lực nghiên cứu khoa học còn ít. Người ta ước tính rằng, mỗi năm cứ 02 giáo sư công bố 1 bài báo khoa học, 5 tiến sĩ công bố 1 bài báo khoa học thì số bài báo khoa học của Việt Nam hơn hẳn Thái Lan và Malaysia. Nhưng trong thực tế, tính từ 1970-2011 số bài báo của Việt Nam (10745) trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia và 11% của Singapore (Số bài báo khoa học của cả nước Việt Nam hiện nay đăng trên tạp chí khoa học quốc tế bằng hoặc nhỏ hơn số bài báo khoa học của một đại học hàng đầu của Thái Lan (Đại học Chulalongkorn và Mahidol) hay Malaysia (Đại học Malaya). Nhân lực khoa học công nghệ tại 233 đơn vị trực thuộc các bộ, ngành trung ương - nơi tập trung đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ cao nhất cho thấy tuổi đời của cán bộ có chức danh cao bình quân chung là 57,2 tuổi; trong đó, giáo sư là 59,5 tuổi, phó giáo sư là 56,4 tuổi, số cán bộ có chức danh khoa học ở tuổi  dưới 50 chỉ có 12%, riêng giáo sư là 7,2%, phó giáo sư là 13,5%. Những số liệu này phản ánh nguy cơ hụt hẫng về đội ngũ cán bộ khoa học ở nước ta trong thời gian tới, khi lớp cán bộ có trình độ cao về hưu(4). Kết quả điều tra còn cho thấy, đội ngũ trí thức khoa học Việt Nam hạn chế về ngoại ngữ, văn hoá ứng xử, giao lưu quốc tế, chỉ có khoảng 25% số cán bộ khoa học có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Điều này tất yếu dẫn đến sự bất cập trong quá trình hội nhập quốc tế và tiếp cận, cập nhật kiến thức, thông tin mới về khoa học công nghệ trên thế giới.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, ngày 21/02/2013, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo kết luận số 78/TB- VPCP về việc xây dựng Đề án “Phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020 phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Yêu cầu của Đề án là đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (tập trung vào 5 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW)(5), rút ra một số kinh nghiệm về những việc đã làm được, chưa làm được; trên cơ sở đó, đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để phát triển và phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới(6).

Như chúng ta đã biết, trong bất kỳ xã hội nào, đặc biệt là xã hội hiện đại, khi mà nhân loại đang hướng đến kinh tế tri thức thì đội ngũ trí thức lại càng có một sứ mệnh và vai trò quan trọng hơn. Mỗi trí thức có thể và cần lựa chọn con đường riêng của mình trong lao động trí óc để tiếp cận tri thức, đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Song, ngoài sự hiểu biết, phẩm chất tư duy, đội ngũ trí thức cần thể hiện bản lĩnh sáng tạo, cần có bản lĩnh sống, vững vàng trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là phải có trách nhiệm giúp những người làm công tác lãnh đạo, quản lý nắm được sự thật. Người xưa đã khái quát phẩm hạnh cần có của một trí thức thành một nguyên tắc sống, đó là “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (Nghĩa là, giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi). Nói cách khác, vai trò của trí thức là nhìn thấy, phát hiện trước những vấn đề xã hội đặt ra, mà thực chất là nói đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm làm người của những người hiểu biết. Nhà bác học tài ba Einstein từng nói, thế giới này là một nơi nguy hiểm không phải vì những kẻ xấu xa mà vì những người chỉ biết đứng nhìn và không làm gì cả.

Trong thời gian tới, để không phụ lòng mong đợi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân thì đội ngũ trí thức Việt Nam phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức rõ những phẩm chất cao quý của trí thức, đồng thời nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém của mình, nắm bắt nhu cầu bức thiết của thực tiễn đất nước để lựa chọn giải pháp thích hợp, nhằm nâng hiệu quả hoạt động chuyên môn, phát huy tính năng động, sáng tạo, lòng say mê khoa học để lao động sáng tạo góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.(7)

Nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, thiết nghĩ chúng ta cần phải:

Một là, đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ trí thức đảm bảo yêu cầu chất lượng, số lượng và hợp lý về cơ cấu.

Hai là, có chính sách phù hợp nhằm thu hút các nhà nghiên cứu, nhà khoa học ở nước ngoài cũng như các nghiên cứu sinh, thực tập sinh, sinh viên Việt Nam học tập ở các nước sau khi tốt nghiệp về nước làm việc, công tác. Đồng thời, tạo môi trường, điều kiện phù hợp, thuận lợi cho đội ngũ trí thức nghiên cứu, làm việc, đặc biệt là một môi trường dân chủ, tự do thực sự, tránh đố kỵ, hẹp hòi, ích kỷ để họ sáng tạo khoa học, tham gia giải quyết những vấn đề lớn của xã hội từ góc độ khoa học. Từ đó, chúng ta mới có thể phát huy mọi tiềm năng cá nhân, nhóm, tổ chức để họ gắn bó lâu dài với công việc, khắc phục tình trạng “dịch chuyển chất xám” hay “chảy máu chất xám”.

Ba là, có chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Khuyến khích người có trình độ cao tham gia nghiên cứu khoa học. Cần có chính sách đặc biệt đối với trí thức, cán bộ khoa học công nghệ đầu ngành, cán bộ khoa học công nghệ trẻ tài năng. Sự đãi ngộ không chỉ là thuần túy vật chất mà quan trọng không kém còn là việc sử dụng và ý thức, thái độ đối với họ. Để trí thức yên tâm đầu tư hết sức vào công việc thì Đảng và Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ xứng đáng, phù hợp và trân trọng với những đóng góp của họ. Cần chú ý rằng, trong điều kiện đất nước còn khó khăn chung, song Nhà nước vẫn dành một khoản đầu tư lớn từ ngân sách cho công tác nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, số công trình nghiên cứu được triển khai ứng dụng còn quá khiêm tốn. Rõ ràng, vấn đề ở đây còn là trách nhiệm xã hội của người trí thức.

Cách đây 529 năm, Thân Nhân Trung (1419-1499) tiến sĩ triều Lê, đã cho rằng, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn; vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết... Lê Quý Đôn (1726 – 1784) nhà bác học lớn của Việt Nam cũng khẳng định rằng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng. Rõ ràng, muốn chấn hưng đất nước không thể không cần đến hiền tài.

Có thể nói, trong bất kỳ xã hội nào cũng có người lãnh đạo và người được lãnh đạo. Đây là thang bậc xã hội chứ không phải là thang bậc giá trị. Cái làm nên thang bậc giá trị là sự cống hiến của mỗi người tùy theo cương vị của mình. Một cơ chế tổ chức xã hội tiên tiến bao giờ cũng đòi hỏi có sự kết hợp hài hòa giữa hai thang bậc ấy từ hai phía. Platon (khoảng 427-347 TCN.), đã từng nhấn mạnh: Công bằng là mỗi người làm hết trách nhiệm của mình. Hiện nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc, lắng nghe những ý kiến hợp lý từ đội ngũ trí thức, từ đó có những quyết sách đúng đắn để phát triển kinh tế - xã hội. Những quyết sách đó được đội ngũ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước đón nhận bằng trái tim và khối óc của mình. Với bản lĩnh và sự nỗ lực lao động sáng tạo của nhân dân, đặc biệt là của đội ngũ trí thức nước ta chắc chắn trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ “cất cánh” để vươn lên, gia nhập nhóm nước phát triển. 


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang.

(1) Xem: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

(2) Hồ Chí Minh. Toàn tập, t 5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.156.

(3) Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

(4) Điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2006.

(5) Xem Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X "Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

(6) Xem Thông báo kết luận số 78/TB- VPCP, ngày 21/02/2013 của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “Về việc xây dựng Đề án Phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2020 phục vụ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007