Tìm kiếm

PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY BIỆN CHỨNG DUY VẬT CỦA C.MÁC TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI VỚI VẤN ĐỀ NHẬN THỨC THỜI ĐẠI HIỆN NAY

02/08/2024

Tạp chí Triết học, số 7, 2013

LƯƠNG THANH HÂN  (*)

Phương pháp tư duy biện chứng duy vật của C.Mác là sự sáng tạo khoa học trong phản ánh thực tiễn xã hội. Với những khái quát vừa lôgíc vừa lịch sử và là sự thống nhất giữa biện chứng hiện thực xã hội với biện chứng tư duy sâu sắc trong việc phát hiện hệ thống quy luật, động lực và khuynh hướng tất yếu của sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội, phương pháp tư duy này đã tạo ra bước ngoặt cách mạng trong nhận thức và cải tạo xã hội và nhờ đó, nó vẫn giữ nguyên giá trị của phương pháp phổ biến nhất, ưu trội nhất, cách mạng và khoa học nhất đối với vấn đề nhận thức thời đại hiện nay và qua đó, giúp chúng ta có những quyết sách phù hợp, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn trong hoạt động thực tiễn.

 

1. Chúng ta đều biết, với quan niệm duy vật về lịch sử, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xã hội. Với phát kiến vĩ đại này, C.Mác đã làm cho chủ nghĩa duy vật trở nên "hoàn bị và mở rộng học thuyết ấy từ chỗ nhận thức giới tự nhiên đến chỗ nhận thức xã hội loài người" và như V.I.Lênin đã khẳng định, “chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”(1). Phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong lĩnh vực xã hội của C.Mác là sự sáng tạo ở trình độ tự giác trong phản ánh thực tiễn xã hội, với những khái quát vừa lôgíc vừa lịch sử, là sự thống nhất giữa biện chứng hiện thực xã hội với biện chứng tư duy sâu sắc để phát hiện hệ thống quy luật, động lực và khuynh hướng tất yếu của sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội; tạo ra bước ngoặt cách mạng  trong nhận thức và cải tạo xã hội.

Cuộc cách mạng về nhận thức trong lĩnh vực xã hội đầu thế kỷ XIX chính là phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong tiếp cận xã hội của C.Mác. Đây là một thế giới quan mới, khác hẳn về chất so với các phương pháp tiếp cận trong lịch sử.(1)Đối với C.Mác, giữa thế giới quan duy vật và phương pháp biện chứng thống nhất, hoà quyện với nhau khi tiếp cận, phân tích xã hội với tư cách một bộ phận đặc thù của tự nhiên. Vận dụng tư duy biện chứng duy vật vào lĩnh vực xã hội là điểm khởi đầu cho mọi sự sáng tạo của C.Mác. C.Mác đã lấy sinh hoạt xã hội của con người là thực tiễn căn bản, mọi cái thần bí đều được giải quyết một cách hợp lý ngay trong thực tiễn hoạt động của con người. Ở điểm khởi đầu, quan niệm của C.Mác về xã hội đã đối lập hoàn toàn với những tín điều của giáo hội, bởi với họ thì những tín điều tôn giáo là yếu tố xuất phát, là cơ sở của mọi tư duy. Tất cả mọi khoa học đều phải “hợp gu” với học thuyết của giáo hội. Phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong lĩnh vực xã hội của C.Mác là một sự thay đổi có tính chất bước ngoặt; nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới”(2).

Với tư duy biện chứng duy vật được vận dụng một cách thiên tài, C.Mác đã phân tích và rút ra những kết luận sâu sắc về lịch sử xã hội. Và như vậy, nếu không có phép biện chứng duy vật thì không thể có chủ nghĩa duy vật lịch sử, nếu không có chủ nghĩa duy vật lịch sử thì không thể có phép biện chứng duy vật. Với phương pháp đó, tự nó tạo ra một giá trị vĩnh hằng mà không có một phương pháp nào có thể thay thế với tư cách phương pháp luận chung nhất, phổ biến nhất khi tiếp cận một hiện tượng phức tạp là quan hệ giữa con người với con người và quan hệ giữa các giai cấp. Khi nghiên cứu xã hội, C.Mác nhận ra rằng, phương pháp tiếp cận theo kiểu Hêghen là giả dối, là ảo tưởng. Chẳng hạn, với những vấn đề chính trị, giai cấp: Nếu ở Hêghen, nhà nước là “hiện thân của ý niệm tuyệt đối”, nhà nước là “sự ngao du của chúa trời”, “nhà nước quyết định xã hội công dân”, thì ngay trong các tác phẩm đầu tiên, C.Mác đã chỉ ra rằng cần phải có một thế giới quan mới, thế giới quan duy vật biện chứng, đó là xem xét từ tồn tại xã hội đến ý thức xã hội, từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần, từ xã hội công dân đến nhà nước. Chỉ có phương pháp biện chứng duy vật mới cho phép mọi sự khái quát và triển khai nghiên cứu đúng hướng và sâu sắc. Trong “Chống Đuyrinh”, Ph.Ăngghen khẳng định, việc đề xuất những nguyên lý của C.Mác thể hiện một thế giới quan mới - thế giới quan duy vật biện chứng, ở chỗ “các nguyên lý không phải là điểm xuất phát của sự nghiên cứu mà là kết quả cuối cùng của nó; những nguyên lý ấy không phải được ứng dụng vào giới tự nhiên và lịch sử loài người, mà được trừu tượng hoá từ giới tự nhiên và lịch sử loài người; không phải là giới tự nhiên và loài người phải phù hợp với các nguyên lý mà trái lại các nguyên lý chỉ đúng trong chừng mực chúng phù hợp với tự nhiên và lịch sử”(3).

Phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong tiếp cận xã hội của C.Mác đạt đến trình độ tự giác là một quá trình chuyển đổi lập trường từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường của giai cấp vô sản. Đây là quá trình chuyển đổi phương pháp tư duy, một phương pháp tư duy mới, đối lập với tất cả các phương pháp biện chứng duy tâm hoặc duy vật siêu hình. Trong lịch sử, việc giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại đã dẫn đến sự xuất hiện hai trường phái cơ bản đối lập nhau. Nếu xét về nhận thức luận cơ bản thì sự đối lập của hai trường phái là tuyệt đối. Tuy vậy, có một thực tế lịch sử là, mỗi trường phái, mỗi đại biểu thường lẫn lộn giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm biểu hiện ở những cấp độ khác nhau. C.Mác, khi còn là môn đệ của phái Hêghen trẻ, việc ông chịu ảnh hưởng của thế giới quan duy tâm là điều không thể tránh khỏi. Nhưng chính C.Mác đã tự “bứt phá tư duy”, “tự lột xác”, “tự chiến thắng chính mình” để đến với thế giới quan duy vật biện chứng. V.I.Lênin nhận xét, bước thay đổi đó đã cho thấy rõ sự chuyển hướng của C.Mác “từ chủ nghĩa duy tâm sang chủ nghĩa duy vật, từ chủ nghĩa dân chủ cách mạng sang chủ nghĩa cộng sản”(4).

C.Mác tiếp cận xã hội với nguyên tắc thống nhất giữa chủ nghĩa duy vật và phương pháp biện chứng. Tư duy biện chứng duy vật của C.Mác trở nên sáng rõ thông qua cách tiếp cận xã hội với tư cách một hệ thống chỉnh thể. Mặc dù đối tượng nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội là trừu tượng, nhưng C.Mác đã nhất quán là đi từ hiện thực xã hội với phương pháp tiếp cận toàn diện, biết lựa chọn những mối liên hệ bản chất để nhận thức xã hội. Ông cho rằng, “nghiên cứu một cơ thể đã phát triển thì dễ hơn nghiên cứu tế bào của cơ thể đó”(5). Từ đó, ông đã phát hiện ra động lực phát triển xã hội không ở đâu khác là bên trong sự vật, hiện tượng - tức trong lòng xã hội. Ông cũng đã công khai khẳng định rằng, “đối tượng nghiên cứu của tôi là phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những quan hệ sản xuất và trao đổi thích ứng với phương thức ấy”(6). Tuy nhiên, C.Mác không đồng nhất hoặc theo lối chung chung, mà đi sâu nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở giai đoạn tư bản tự do cạnh tranh và nhờ đó, vạch ra quy luật vận động nội tại của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bằng quá trình phân tích đi từ đơn giản đến phức tạp, từ bản chất cấp 1 đến bản chất cấp 2, đến bản chất cấp... n. Đây là đỉnh cao của sự phân tích khoa học trên lập trường duy vật triệt để mà từ đó, C.Mác đã vạch ra lôgíc, khuynh hướng phát triển của lịch sử xã hội và đi đến khẳng định rằng, “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(7).

Phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong tiếp cận xã hội của C.Mác là tiếp cận xã hội bằng hệ thống các yếu tố, chứ không phải bằng những “mảnh ghép” được chắp lại, gộp lại một cách siêu hình, máy móc. Từ nhận biết tất cả các yếu tố bên trong của xã hội, C.Mác đã liên kết, tìm ra những nút thắt, những thuộc tính căn bản, có ý nghĩa quyết định. Điểm xuất phát để C.Mác nghiên cứu xã hội là con người hiện thực mà tiền đề của nó là phải có khả năng sống rồi mới có thể làm ra lịch sử. Từ đó, C.Mác luận giải những mối liên hệ bản chất nhất trong xã hội đó là quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, và giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giữa vật chất và tinh thần, giữa kinh tế và chính trị, giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, giữa các giai cấp... Những mối quan hệ bản chất đó đã chi phối sự vận động và phát triển của xã hội diễn ra theo một trật tự có quy luật, với động lực nội tại là sự thống nhất và đấu tranh giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng được biểu hiện thành những dạng thức khác nhau trong lịch sử mỗi hình thái kinh tế - xã hội.

Như vậy, phương pháp tư duy biện chứng duy vật của C.Mác tỏ rõ tính ưu trội là lựa chọn điểm xuất phát cho mọi nguyên lý về duy vật lịch sử - tức là đi từ vật chất đến tinh thần, đi từ tồn tại xã hội đến ý thức xã hội. Đây là thế giới quan mới, một cuộc cách mạng về tư duy mà C.Mác đã thực hiện. Xét về lịch sử, ở thời điểm này, C.Mác chưa trình bày đầy đủ quan niệm về việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, nhưng về căn bản, thế giới quan duy vật biện chứng đã được hình thành một cách đầy đủ, tỏ rõ sự đối lập với phương pháp tiếp cận xã hội của chủ nghĩa duy tâm. Trong lịch sử tư tưởng, các đại biểu, trường phái triết học phương Đông và phương Tây đều ít nhiều đã bàn đến lĩnh vực xã hội, nhưng do hạn chế của phương pháp tư duy, nên khi tiếp cận đều rơi vào trạng thái nếu biện chứng thì duy tâm hoặc duy vật thì siêu hình. Rốt cuộc, cả hai phương pháp ấy đều không cho một kết quả đúng trong tiếp cận xã hội và do vậy, việc rơi vào chủ nghĩa duy tâm là điều không thể tránh khỏi. Trái lại, C.Mác tự tin khẳng định rằng, “phương pháp biện chứng của tôi không những khác phương pháp của Hêghen về cơ bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa”(8)

Phương pháp tư duy biện chứng duy vật của C.Mác là sự khái quát hoá và trừu tượng hoá ở trình độ cao để phát hiện ra quy luật và động lực phát triển của lịch sử xã hội loài người; là sự thống nhất giữa nhận thức và cải tạo xã hội bằng hoạt động thực tiễn cách mạng. Tư duy của C.Mác là một hành trình đi từ hiện thực xã hội để khái quát lý luận rồi lại trở về cải tạo xã hội thông qua hoạt động thực tiễn. Trong bối cảnh mà thế giới quan duy tâm đang phát triển ở nước Đức, việc C.Mác vươn lên một tư duy mới, một thế giới quan mới, có thể nói, là “hoàn toàn trái với triết học Đức là triết học từ trên trời đi xuống đất” để “từ dưới đất đi lên trời” từ “quá trình đời sống hiện thực” của con người để “mô tả sự phát triển của những phản ánh tư tưởng và tiếng vang tư tưởng của quá trình đời sống ấy”(9). C.Mác đã bám sát thực tiễn xã hội, thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Mọi lý luận biện chứng được ông khái quát đều bắt nguồn từ thực tiễn và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, “giống như triết học thấy giai cấp vô sản là vũ khí vật chất của mình, giai cấp vô sản cũng thấy triết học là vũ khí tinh thần của mình”(10).

Tư duy biện chứng duy vật của C.Mác đã chỉ ra quy luật vận động và phát triển của xã hội bao gồm những quy luật cơ bản, đặc thù vận hành trong đời sống xã hội. Động lực phát triển xã hội không phải là từ bên ngoài như quan điểm duy tâm, mà là một hệ thống các yếu tố bên trong, liên hệ, ràng buộc, tác động qua lại lẫn nhau từ con người đến vật chất, tinh thần, văn hoá, khoa học... Trong đó, con người là chủ thể, động lực trực tiếp là đấu tranh giai cấp mà đỉnh cao là cách mạng xã hội sẽ làm chuyển biến xã hội thông qua các nấc thang khác nhau từ thấp đến cao. Đây là cách tiếp cận duy vật triệt để, khác về chất so với quan điểm duy tâm, tôn giáo – quan điểm đã không thể lý giải nổi và rốt cuộc, phải mượn đến “chúa”, “thượng đế” để giải thích cho sự vận động và phát triển của xã hội. Nếu ở Hêghen là sự điều hoà mâu thuẫn, tìm mọi cách để giải quyết mối quan hệ giữa chính trị với khoa học theo hướng có lợi cho ông, thì C.Mác lại khẳng định “lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”(11). Chỉ có phương pháp biện chứng duy vật trong nhận thức và giải quyết mâu thuẫn theo quan điểm duy vật lịch sử mới thấy hết được những mâu thuẫn vốn có trong lòng xã hội. C.Mác đã không phải “vay mượn” động lực ở đâu khác, mà phát hiện ra động lực đó ngay trong lòng xã hội.

Phương pháp tư duy biện chứng duy vật của C.Mác đã vạch ra cấu trúc, diện mạo của xã hội, quy luật, động lực phát triển của nó mà từ trước đến nay chưa ai có thể làm được. Nếu như không có tư duy biện chứng duy vật thì không thể khái quát hình thái kinh tế - xã hội, không thể phát hiện ra những mâu thuẫn trong lòng xã hội là động lực quyết định xã hội tiến lên và những vấn đề mấu chốt của lịch sử xã hội, như quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, quy luật phát triển của xã hội và khuynh hướng tất yếu của sự chuyển biến từ hình thái kinh tế - xã hội thấp lên hình thái kinh tế xã hội cao hơn với tư cách quá trình lịch sử - tự nhiên. Đây là đỉnh cao của trí tuệ loài người, của sự phân tích khoa học, bằng phương pháp tư duy biện chứng duy vật mà C.Mác là đại biểu cho khả năng vượt trước, khả năng sáng tạo vượt bậc của tư duy nhân loại.(10)

2. Phương pháp tư duy biện chứng duy vật của C.Mác trong lĩnh vực xã hội vẫn giữ nguyên giá trị đối với vấn đề về nhận thức thời đại hiện nay. Nó vẫn là phương pháp phổ biến nhất, ưu trội nhất để nhận thức về thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ Cách mạng tháng Mười Nga. Nhận thức sâu sắc về thời đại có ý nghĩa trên nhiều phương diện, như xác định chiến lược, sách lược; xây dựng, củng cố niềm tin cho con người vào sự phát triển và tiến bộ xã hội; xác lập phương thức trong quan hệ quốc tế, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng... Đây là những vấn đề lớn đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc phải “lựa tình thế”, “chọn thời cơ” để đề ra những quyết sách lớn cho sự nghiệp cách mạng, phù hợp với tình hình cụ thể. Như vậy, muốn nhận thức sâu sắc khuynh hướng phát triển của thời đại hiện nay, chúng ta cần phải vận dụng sáng tạo các phương pháp nhận thức khoa học trên tinh thần thế giới quan duy vật biện chứng mácxít. Phương pháp biện chứng duy vật của C.Mác trong lĩnh vực xã hội đã trang bị cho chúng ta “công cụ nhận thức vĩ đại” để nhận thức đúng đắn khuynh hướng phát triển của xã hội từ hiện thực sinh động trong nước và quốc tế hiện nay.

Từ hiện thực của xã hội, với phương pháp biện chứng duy vật là xuất phát từ thực tiễn, xem xét trên tổng thể xã hội hiện thời đang xuất hiện những sự hợp lý nhất định, nhưng cũng bộc lộ những mâu thuẫn với các cấp độ khác nhau. Quá trình vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hơn ba trăm năm đã trải qua nhiều giai đoạn. Hiện tại, chủ nghĩa tư bản đang tự điều chỉnh, thích nghi và có những thuận lợi nhất định so với chủ nghĩa xã hội. Khoa học và công nghệ phát triển nhanh đã tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển mang tính chất xã hội hoá cao. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong lòng xã hội tư bản hiện đại vừa tăng lên, vừa được xoa dịu bởi những biện pháp vừa mang cách thức tổ chức quản lý tư bản, vừa mang tính “thủ đoạn chính trị” của giai cấp tư sản hiện đại. Mâu thuẫn đó giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chưa biết khi nào sẽ trở thành “xiềng xích”, trở nên “xung đột” gắn với những điều kiện lịch sử nhất định để có thể mở ra một thời đại cách mạng xã hội mới. Do vậy, để nhận thức đúng vấn đề này, cần phải có quan điểm biện chứng về khuynh hướng phát triển và thực tiễn xã hội luôn diễn ra với những “khúc quanh co” không thể tránh khỏi. Bởi lẽ, sự vận động và phát triển của xã hội không phải là con đường thẳng tắp, không chỉ là khách quan, mà còn có những “khúc quanh co” và luôn bị chi phối bởi nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người với lập trường giai cấp và lợi ích khác nhau.

Nhận thức sâu sắc những vấn đề của thời đại để có những phương thức ứng xử phù hợp trong quan hệ quốc tế hiện nay là cần thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Sự vận động, biến đổi của xã hội đương đại có nhiều đặc trưng khác so với trước kia. Khi tồn tại hai chế độ chính trị xã hội đối lập nhau thì tất yếu đặt ra những mâu thuẫn cần phải giải quyết. Nhưng cũng trong trạng thái ấy, giờ đây với xu thế toàn cầu hóa, đã xuất hiện “sự thống nhất tương đối” trong chỉnh thể giữa các nước trong cộng đồng quốc tế. Đó là sự “tuỳ thuộc”, “phụ thuộc” vào nhau không phân biệt chế độ chính trị, nước lớn hay nước nhỏ, tư bản mới phát triển hay tư bản lâu đời. Sự tuỳ thuộc và phụ thuộc đó sẽ chi phối cách ứng xử, giải quyết vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự..., cũng như sự liên minh giữa các nước trong cộng đồng quốc tế. Thực tế cho thấy, chỉ một sự kiện diễn ra trong phạm vi một nước hay một vài nước, với không gian dù nhỏ hẹp, cũng tác động đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá... mang tính toàn cầu mà bất kỳ quốc gia nào cũng không thể không quan tâm. Do vậy, phương pháp tiếp cận hệ thống lại càng cần thiết được vận dụng sáng tạo khi nhận thức hiện thực xã hội với sự vận động, phát triển của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa... trong đời sống đương đại đang diễn ra một cách sinh động.

Trong thời đại hiện nay, sự vận động và chuyển hoá của thế giới đang diễn ra một cách hết sức nhanh chóng, nhưng nó không đến mức đi chệch khỏi những quy luật mà tự nó đã định hình, đã tự vạch đường đi cho mình như tinh thần của phương pháp biện chứng duy vật đã chỉ ra. Tuy nhiên, biểu hiện của quá trình phát triển ở tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế là rất phong phú, đa dạng. Do vậy, cần có những khái quát, đánh giá mới để phát hiện những mối liên hệ bản chất nhất của thế giới. Chẳng hạn, hiện nay, vấn đề lợi ích của các quốc gia, dân tộc được đặt lên hàng đầu; nó chi phối đời sống quan hệ quốc tế, kể cả các nước cùng và không cùng chế độ chính trị. Thực chất vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc vẫn do giai cấp thống trị kiểm soát. Trong quan hệ quốc tế hiện nay, việc các nước thường toan tính, mặc cả, thậm chí là sự mặc cả “trên lưng nước khác” không phải là hiếm. Vậy, mâu thuẫn giai cấp tăng lên hay giảm đi? Trong mối quan hệ giai cấp - dân tộc thì yếu tố nào chi phối? Về thực chất, đây là những biểu hiện ở các cấp độ khác nhau từ bản chất của chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, giai cấp tư sản đặt lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng đã bất chấp mọi giá trị trong quan hệ quốc tế. Với phương pháp phân tích biện chứng duy vật, đánh giá một cách khách quan, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng, “chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công”(12). Từ đó, cần có những phương pháp phù hợp trong quan hệ hợp tác và đấu tranh, trong việc xác định đối tác, đối tượng và so sánh cán cân lực lượng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội để có những quyết sách phù hợp, vừa mềm dẻo vừa linh hoạt, với những phương thức ứng sử tinh tế trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời đang ở giai đoạn đầu - giai đoạn chủ nghĩa xã hội. Nó còn phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài. Quá trình phát triển vừa mang trong mình cái mới, nhưng cũng chứa đựng những cái không còn phù hợp của xã hội cũ để lại. Cuộc đấu tranh giữa cái mới, cái tích cực với cái tiêu cực, lạc hậu của mỗi nước đi lên chủ nghĩa xã hội là không thể tránh khỏi. Chủ thể giai cấp, dân tộc cần nhận thức sâu sắc vấn đề để thấy được tính chất gay go, quyết liệt, phức tạp, lâu dài của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Mỗi quốc gia, dân tộc đều phải kiên trì, phải có niềm tin tất thắng vào cái mới, cái tiến bộ để lựa chọn cho mình những quyết sách đúng đắn đưa đất nước tiến lên theo mục tiêu đã lựa chọn. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể, của phương thức vận dụng máy móc mối liên hệ giữa giữa lý luận và thực tiễn, làm cho nó bộc lộ những mâu thuẫn bên trong mà không được giải quyết kịp thời và do vậy, đã phải trả giá đắt. Khuynh hướng phát triển tất yếu của lịch sử là đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Quy luật, động lực là do những yếu tố trong lòng xã hội - xã hội tư bản chủ nghĩa đang bộc lộ những khuyết tật ngày càng trầm trọng và sâu sắc mà giai cấp tư sản dù khéo lựa đến mấy, dùng những thủ đoạn chính trị tinh vi đến đâu cũng không thể giải quyết nổi. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của hàng tỷ người trên hành tinh. Đó là một sự thật. Các nước Venezuela, Bolivia, Ecuador, Nicaragoa đều tuyên bố lạc quan về chủ nghĩa xã hội. Đây có thể coi là mô hình mới về chủ nghĩa xã hội ở khu vực Mỹ - Latinh. Nó như một khuynh hướng, một khát vọng về chủ nghĩa xã hội của nhân dân tiến bộ trên thế giới đang phấn đấu cho lý tưởng vì hòa bình, vì tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đảng ta, với tinh thần biện chứng, khách quan, đã đánh giá đúng về khả năng và khuynh hướng phát triển của chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã chỉ rõ: “Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”(13).

Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh quốc tế đang diễn ra những biến đổi to lớn và sâu sắc. Những biến đổi diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự,... đòi hỏi chúng ta phải có một phương pháp biện chứng duy vật trong tiếp cận và đánh giá. Tính chất và mức độ hội nhập về kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học... ngày càng sâu rộng và trở nên phổ biến. Thế giới đang vận động, biến đổi không ngừng, chứa đựng những yếu tố khó lường lại càng đòi hỏi chúng ta phải có phương pháp tư duy biện chứng duy vật trong xem xét để có những quyết sách phù hợp, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc mà vẫn giữ được môi trường hoà bình, ổn định và phát triển. Nhận thức sâu sắc về tình hình quốc tế và trong nước, Đảng ta nhận định: “Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp”(14). Đây là sự vận dụng sáng tạo thế giới quan duy vật biện chứng, đánh giá khách quan, khoa học tình hình để chúng ta có những quyết sách phù hợp, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn chỉ đạo thực tiễn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. q

 

 

                 

 


(*) Tiến sĩ, Khoa Triết học, Học viện Chính trị,         Bộ Quốc phòng.

(1) V.I.Lênin. Toàn tập, t.23. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tr.53.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.19. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 164.

(3 ) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.20, tr. 54.

(4 ) V.I.Lênin. Sđd., t.26, tr. 97.

(5 ) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.16.

(6 ) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.23, tr.19.

(7)  C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.4, tr. 613.

(8)  C. Mác và Ph.Ăgghen. Sđd., t.23, tr.35.

(9 ) C. Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.3, tr.37,38.

(10) C. Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.1, tr.589.

(11 ) C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t.4, tr.596.

(12) Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.68.

(13 ) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.69.

(14 ) Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., tr.67.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007