Tìm kiếm

QUAN NIỆM CỦA I.KANT VỀ PHÁP QUYỀN TRONG NHÀ NƯỚC VỚI TƯ CÁCH CỘNG ĐỒNG LUẬT PHÁP

15/08/2024

TRIẾT HỌC, SỐ 8 (267), THÁNG 8-2013

 


 

ĐẶNG HỮU TOÀN (*)

Trong lịch sử tư tưởng nhân loại về nhà nước pháp quyền, người sáng lập nền triết học cổ điển Đức -  I.Kant - được coi là nhà triết học đã đưa ra một quan niệm độc đáo về triết học pháp quyền hay pháp quyền trong nhà nước dưới thể chế cộng hòa, nhà nuớc với tư cách cộng đồng luật pháp với sứ mệnh cao cả là đem lại tự do và hạnh phúc cho mọi người. Sự độc đáo đó là ở chỗ, từ tư tưởng khai sáng của các nhà triết học Anh, Pháp, ông chủ trương xây dựng nhà nước bằng một hệ thống chính trị dân chủ, rộng rãi dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền lực tối cao của luật pháp và những thể chế pháp lý với tư cách ý chí chung của cộng đồng công dân nhà nước. Lý giải mối quan hệ giữa luật pháp và đời sống nhà nước dưới thể chế cộng hòa, sự phân chia quyền lực nhà nước thành ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp, với tính tối cao thuộc về quyền lập pháp được thiết định bởi ý chí chung của cộng đồng công dân, theo tinh thần của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, song trong đó lại chứa đựng giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc mà đến nay, vẫn còn nguyên giá trị.

 

 

I.Kant (1724-1804) - người sáng lập nền triết học cổ điển Đức, như chúng ta đều biết, không chỉ nổi tiếng với bộ ba tác phẩm “Phê phán...” vĩ đại, mà còn đi vào lịch sử tư tưởng nhân loại với quan niệm được coi là độc đáo trong thời đại của ông - quan niệm về triết học pháp quyền hay quan niệm về pháp quyền trong nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, nhà nước dưới thể chế cộng hòa mà sứ mệnh cao cả của nó là đem lại tự do và hạnh phúc cho mỗi người và cho cả cộng đồng.

Với tư tưởng tiến bộ trong trào lưu chung của hệ tư tưởng giải phóng thế kỷ XVIII - XIX, với mục đích chống lại nhà nước chuyên chế, cực quyền, chống lại sự độc đoán, lạm dụng quyền lực của giới cầm quyền đương thời, khi xây dựng những quan điểm triết học của mình, I.Kant đã đưa ra một quan niệm riêng, độc đáo về pháp quyền trong nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp. Những lý giải về phương diện triết học cho sự tồn tại của pháp quyền, của luật pháp trong nhà nước dưới thể chế cộng đồng này được I.Kant trình bày trong nhiều tác phẩm, kể cả trong bộ ba tác phẩm "Phê phán..." nổi tiếng, nhất là trong các tác phẩm: “Ý niệm về lịch sử phổ quát trên bình diện công dân - toàn cầu” (1784), “Hướng tới một nền hòa bình vĩnh cửu” (1795) và “Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của học thuyết về pháp quyền” (1797).(*)

Vốn là người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng khai sáng của các nhà triết học Pháp và Anh, đặc biệt là tư tưởng của J.Rousseau, I.Kant cho rằng, việc xây dựng một nhà nước với tư cách cộng đồng lấy pháp quyền, luật pháp làm cơ sở nền tảng để tồn tại đòi hỏi phải thay đổi hệ thống chính trị chuyên quyền, độc đoán cá nhân bằng một hệ thống chính trị dân chủ, rộng rãi, dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền lực tối cao của luật pháp và những thể chế pháp lý. Xuất phát từ quan niệm đó, ông đã cố gắng lý giải mối quan hệ giữa luật pháp và pháp quyền với đời sống nhà nước dưới thể chế một cộng đồng luật pháp. Song, tiếc rằng, mối quan hệ đó lại được ông lý giải theo tinh thần của chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm mà ông là nguời sáng lập.

Theo I.Kant, nhà nước dưới chế độ cộng hòa là tập hợp của nhiều người cùng phục tùng các đạo luật pháp quyền, hay là tập hợp một số đông người dưới những quy định của pháp luật mà trong đó, mọi hoạt động của mỗi thành viên đều hướng tới sự biểu thị tự do theo ý mình một cách phù hợp với tự do của người khác, phù hợp với pháp luật chung. Trong Phê phán lý tính thuần túy, I.Kant cho rằng, ở nhà nước dưới thể chế cộng hoà đó, "việc kiến lập một nền tự do tối đa cho con người theo luật pháp, làm cho tự do của mỗi người chỉ có thể đứng vững cùng chung với tự do của mọi người (chứ không phải sự hạnh phúc tối đa, vì hạnh phúc chỉ là kết quả đương nhiên của tự do) ít ra cũng là một ý niệm tất yếu được đặt làm nền tảng và ở vị trí hàng đầu không những trong hiến pháp của một nhà nước , mà cả trong toàn bộ luật pháp của nó"(1). Do vậy, theo I.Kant, nhà nước dưới chế độ cộng hòa phải là sự liên kết giữa người với người trong khuôn khổ luật pháp nhằm giám sát và bảo đảm sự tự do và bình đẳng cho mọi công dân.(1)

Quan niệm này được I.Kant đưa ra trên tinh thần kế thừa tư tưởng của J.Rousseau về các quyền làm chủ của nhân dân, về sự chiếm hữu chung - sự chiếm hữu được coi là cơ sở cho quyền chiếm hữu cá nhân. Không chỉ kế thừa, mà còn mở rộng thêm và phát triển tư tưởng của J.Rousseau về sự liên kết giữa người với người trong nhà nước pháp quyền, I.Kant đã nâng nó lên thành khái niệm "ý chí hợp nhất", ý chí thống nhất, hợp nhất mọi cá nhân với tư cách công dân cấu thành nhà nước trong khuôn khổ nhất định của luật pháp. Luận giải vấn đề này, trong Những cơ sở đầu tiên của học thuyết về pháp quyền, khi cho rằng người ta hiểu “pháp quyền tự nhiên” như là tổng thể những gì có trước và đứng trên việc ban bố luật lệ của nhà nước để thực hiện chức năng định hướng cho nhà nước đó là mong muốn có được một pháp quyền công chính, chứ không chỉ đơn thuần là những quy chế cưỡng bách, I.Kant đặt vấn đề: Vậy, pháp quyền, về thực chất, là gì?

Trả lời vấn đề này, trước hết I.Kant cho rằng, việc cần phải làm rõ những gì là “đúng pháp luật” ở nơi này hay nơi khác, cũng như việc cần phải làm rõ điều “đúng luật pháp” ấy có công chính hay không nếu dựa theo một “tiêu chuẩn phổ biến” để có thể nhận ra cả pháp quyền công chính lẫn pháp quyền không công chính - đó là việc không thể tìm thấy trong lĩnh vực kinh nghiệm, mà chỉ có thể tìm thấy trong lĩnh vực siêu hình học được hiểu như là một nhận thức tiên nghiệm.

Với quan niệm này, I.Kant khẳng định, pháp quyền tự nhiên chỉ có thể được đặt cơ sở như là pháp quyền của lý tính và những nguyên tắc pháp quyền này phải dựa trên lý tính thực tiễn thuần túy, bởi chỉ có nó mới bảo đảm giá trị hiệu lực phổ biến và tất yếu của luật pháp. Do vậy, theo I.Kant, chỉ có “ý chí hợp nhất” mới có thể trở thành nguồn gốc cho các đạo luật, cho sự tồn tại hợp lý của pháp quyền trong nhà nước dưới chế độ cộng hoà. Rằng, chỉ có "ý chí hợp nhất và đồng thuận" của mọi người hay ý chí của nhân dân được hợp nhất mới có tính ban bố luật pháp. Từ những luận giải như vậy, I.Kant cho rằng, nhà nước dưới chế độ cộng hòa hay nhà nước theo thể chế cộng hòa, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp không phải là hiện thực kinh nghiệm, mà là cấu trúc hay mô hình lý luận - lý tưởng. Nhà nước này có nghĩa vụ phải tuân thủ ý chí chung của mọi công dân nhà nước như sự đòi hỏi của lý trí và nó phải thực hiện mục đích chung của cộng đồng công dân trong tổ chức thực tế đời sống pháp luật như sự đòi hỏi của lý tính thực tiễn thuần túy.

Tiếp theo, khi phát triển quan niệm này từ “mệnh lệnh tuyệt đối” với tư cách không chỉ là quy luật cơ bản của luân lý được hiểu theo nghĩa hẹp là luân lý cá nhân, riêng tư, mà còn là quy luật cơ bản của những nguyên tắc đạo đức nói chung, I.Kant cho rằng, nguyên tắc pháp quyền không gì khác hơn là “mệnh lệnh tuyệt đối” được áp dụng cho các mối quan hệ bên ngoài của những công dân tự do và bình đẳng. Và, một khi đòi hỏi của “mệnh lệnh tuyệt đối” này - đòi hỏi mọi công dân phải tôn trọng lẫn nhau như những cá nhân tự do và bình đẳng - được thực hiện trên phạm vi toàn xã hội thì khi đó, nguyên tắc pháp quyền được xác lập. Do vậy, theo I.Kant, pháp quyền chính là tổng thể điều kiện mà nhờ đó, sự tự do lựa chọn của mỗi công dân có thể hợp nhất được với sự tự do lựa chọn của công dân khác theo “quy luật phổ biến của tự do” hay “sự tự do được phổ quát hóa”. Cũng do vậy, theo I.Kant, một hành vi được coi là “công chính” theo luật pháp là hành vi làm cho tự do của mỗi công dân có thể cùng tồn tại với tự do của bất cứ công dân nào khác trên cơ sở của sự tự do phổ quát. Tương tự như vậy, việc ban bố luật pháp của nhà nước chỉ được coi là đúng đắn hay “công chính”, khi nó thực hiện được “mệnh lệnh tuyệt đối” với tư cách “quy luật phổ biến tối cao của tự do” trong đời sống xã hội cộng đồng giữa những công dân tự do và bình đẳng trước pháp luật.

Với quan niệm rằng, ở nhà nước dưới chế độ cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, mỗi cá nhân đều có quyền phát ngôn, tức là quyền tham gia vào quyết định chung và đồng thời, tự mình phải phục tùng và thực hiện quyết định chung đó, I.Kant đã phủ nhận quan niệm trống rỗng về tự do mà theo đó, tự do là quyền được làm tất cả những gì mong muốn của mọi công dân, nếu không vi phạm quyền của người khác. Theo I.Kant, tự do công dân là quyền của cá nhân chỉ phục tùng và thực hiện các đạo luật mà bản thân anh ta tán thành. Với nghĩa đó, I.Kant khẳng định, ở nhà nước dưới chế độ cộng hoà thì tự do phải trở thành sở hữu không thể tước đoạt của mỗi công dân. Tự do đòi hỏi mọi công dân đều phải công nhận tự do của những công dân khác không phụ thuộc vào việc họ sử dụng tự do nhằm mục đích gì. Tự do của mỗi người phải được hợp nhất với tự do của người khác, của tất cả mọi người và khi đã có sự hợp nhất như vậy về tự do mà một người nào đó lại sử dụng quyền tự do của mình để ngăn cản tự do của người khác, thì tự do của anh ta cũng tất yếu phải bị ngăn cản. Không chỉ thế, I.Kant còn cho rằng, nhà nước dưới chế độ cộng hoà này cần phải bảo đảm cho mọi công dân của mình quyền tự do lập hiến với tư cách quyền mà họ không phải tuân theo bất cứ một đạo luật nào khác, ngoài luật do mình chấp thuận. Ở nhà nước dưới chế độ này, sự bình đẳng công dân là quyền mà một công dân nào đó thừa nhận người đứng ở vị trí cao hơn mình chỉ là người mà họ bắt buộc phải làm những cái mà anh ta bắt buộc họ làm như một nghĩa vụ.

Khi xem xét thực trạng xã hội đương thời, I.Kant đã nhận thấy có sự không phù hợp giữa quan niệm của ông về tự do và bình đẳng với tự do và bình đẳng trong hiện thực. Thế nhưng, do hạn chế bởi những tư tưởng ở thời đại mình, quan niệm của I.Kant về vấn đề này vẫn trở nên xa lạ với tư tưởng về sự can thiệp thực tiễn vào tình trạng hiện tồn và cải biến nó. Với quan niệm về “người công dân tích cực” và “người công dân thụ động”, thậm chí I.Kant còn bảo vệ sự bất bình đẳng trên thực tế, khi ông cho rằng mọi cá nhân, xét về địa vị xã hội, gia đình, tài sản mà phải phục tùng người khác thì ở họ, sẽ không thể có được quyền phát ngôn và tham gia giải quyết các vấn đề nhà nước. Tuy nhiên, I.Kant vẫn khẳng định rằng, các “công dân thụ động” đó, dẫu sao vẫn có quyền được giữ lại cho mình sự tự do và bình đẳng hình thức, bởi họ có quyền yêu cầu nhà nước áp dụng những đạo luật do chính nhà nước đã ban hành, nếu những đạo luật đó không mâu thuẫn với các quyền không thể tước đoạt của họ.

Trong nhà nước duới chế độ cộng hoà, theo I.Kant, các công dân của nhà nước đó cần phân biệt rạch ròi pháp luật với đạo đức, nghĩa vụ pháp lý với trách nhiệm của nhà từ thiện; phân biệt nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp với nhà thờ với tư cách cộng đồng đạo đức. Bởi lẽ, theo I.Kant, nhà thờ là nơi quy định trách nhiệm đạo đức, còn nhà nước là nơi quy định trách nhiệm pháp lý.

I.Kant còn cho rằng, trong nhà nước dưới chế độ cộng hòa, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, mỗi cá nhân là một giá trị tuyệt đối, là một công dân trong cộng đồng xã hội và đều có quyền sở hữu tư cách công dân này. Quyền này là bất khả xâm phạm và không thể được đại diện hay thay thế bởi công dân khác. Với tư cách này, họ không thể bị hy sinh, không thể là công cụ cho những mưu đồ của một ai đó, dù đó là những mưu đồ tốt đẹp nhất, thậm chí mỗi cá nhân với tư cách này cũng không thể trở thành vật hy sinh vì phúc lợi chung của toàn xã hội. I.Kant gọi đó là “mệnh lệnh tuyệt đối”. Với mệnh lệnh này, không một ai được phép nhân danh với bất cứ tư cách nào để biến người khác trở thành vật hy sinh vì lợi ích của cá nhân mình. Rằng, “ý chí chung của cộng đồng công dân” không thể tán đồng một “đặc quyền vô hướng như vậy” và “ngay cả quốc vương cũng không thể có khát vọng về đặc quyền như vậy”(2). Với quan niệm về giá trị tự thân của mỗi cá nhân như vậy, I.Kant cho rằng, nhà nước dưới chế độ cộng hoà, nhà nước với tư cách là cộng đồng của những cá nhân phục tùng pháp luật phải có nghĩa vụ đảm đương trách nhiệm ngăn chặn sự chuyên quyền của một cá nhân trong mối quan hệ đối với những cá nhân khác. Nhà nước đó, theo I.Kant, trong toàn bộ hoạt động của mình, đều phải dựa vào pháp luật và thực hiện mọi hoạt động của mình phù hợp với luật pháp. Chỉ có như thế, nhà nước đó mới có thể tạo ra niềm tin và cũng mới có thể giữ được niềm tin của những người tạo ra nó - những công dân trong một cộng đồng mà ở đó, luật pháp là đối tượng.

Sau I.Rousseau, người ta cho rằng, các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trong nhà nước pháp quyền chỉ là sự thể hiện đặc biệt của quyền lực thống nhất, tối cao của nhân dân. I.Kant cũng đã đưa ra một quan niệm tương tự như vậy trong những luận giải triết học của ông về nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp. I.Kant cho rằng, theo “quy luật tự do”, chỉ có bản thân nhân dân mới có thể là người đứng đầu nhà nước. Song, trong nhà nước đó, mọi công dân đều có quyền hoạt động theo nguyên tắc vừa tuân thủ pháp luật, đồng thời vừa có quyền và có khả năng buộc nhà nước chấp hành pháp luật. Và, cái bảo đảm thực hiện quan hệ trách nhiệm lẫn nhau giữa công dân và nhà nước cũng như giữa nhà nước và công dân là sự phân quyền của nhà nuớc.(2)Do đó, quan hệ của nhân dân với tư cách là người đứng đầu nhà nước với chính nhân dân với tư cách là tổng thể các thần dân phải được thực hiện qua sự phân quyền nhà nước thành ba quyền - quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Mọi nhà nước, theo I.Kant, đều có ba quyền: Lập pháp là quyền chỉ thuộc về “ý chí về chủ quyền tập thể của nhân dân”, "ý chí hợp nhất" của mọi công dân trong xã hội, tức là quyền chỉ thuộc về nhân dân và do vậy, nó là quyền tối cao trong nhà nước và mọi quyền khác đều phải phục tùng, mọi luật pháp đều phải xuất phát từ đó. Hành pháp là quyền thuộc về người cầm quyền theo luật và tuân thủ quyền lực lập pháp. Người được trao quyền hành pháp được phép đưa ra những quy tắc ứng xử để định hướng và duy trì hoạt động của mọi công dân trong xã hội theo luật pháp. Tư pháp là quyền do quyền lực hành pháp bổ nhiệm. Người được bổ nhiệm quyền này là người quản lý pháp luật theo luật định. Trong ba quyền đó thì tính tối cao của quyền lập pháp trên quyền hành pháp là điều không thể loại trừ, còn quyền tư pháp thì phải được thực hiện bởi toà án do nhân dân bầu ra và chỉ được phán quyết hành động của một công dân nào đó theo luật pháp.

I.Kant khẳng định sự tồn tại bình đẳng của ba quyền này với những chức năng riêng của chúng, cũng như sự phân chia giữa chúng không chỉ cần thiết đối với sự tồn tại của một nhà nước dưới chế độ cộng hòa hay nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, mà còn cần thiết đối với việc ngăn ngừa sự chuyên chế, sự lạm dụng quyền lực nhằm mục đích chung là đem lại và bảo đảm sự phồn vinh, thịnh vượng cho quốc gia. Song, trước sau, trong ba quyền cơ bản này của nhà nước, I.Kant vẫn dành sự ưu tiên cho quyền lập pháp. Bởi theo I.Kant, quyền lập pháp là cái thuộc về "ý chí tối cao", "ý chí hợp nhất" của mọi công dân trong cộng đồng xã hội. Nói rõ hơn về điều này, I.Kant viết: “Quyền lập pháp chỉ có thể thuộc về ý chí hợp nhất của nhân dân. Trên thực tế, vì mọi luật pháp đều phải xuất phát từ ý chí hợp nhất đó, nên lẽ đương nhiên là nhà nước không có quyền được đối xử với một ai đó một cách không theo luật. Tuy nhiên, khi một ai đó quyết định một vấn đề gì về một cá nhân khác, thì bao giờ cũng có một khả năng diễn ra là anh ta đối xử với cá nhân đó một cách không theo luật, song anh ta lại không bao giờ có khả năng như vậy trong quyết định về chính bản thân mình... Do vậy, chỉ có ý chí hợp nhất và nhất trí của tất cả mọi người với nghĩa là mỗi người đối với tất cả và tất cả đối với mỗi người cùng thông qua một quyết định, tức là ý chí của nhân dân được hợp nhất một cách phổ biến, mới có thể trở thành ý chí lập pháp”(3).

Với quan niệm đó, I.Kant khẳng định nhà nước lý tưởng là chế độ cộng hoà thuần tuý, chân chính, là nơi mà luật pháp chiếm địa vị thống trị, không phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Nhà nước đó là duy nhất phù hợp với “quy luật của tự do” và duy nhất hợp lý. Còn chế độ quân chủ lập hiến, chế độ hạn chế ở sự đại diện của nhân dân, theo I.Kant, chỉ là một ảo tưởng và trên thực tế, nó chỉ là tấm bình phong che đậy cho chế độ quân phiệt(4). Hoạt động của nhà nước đó, I.Kant khẳng định, về thực chất, chỉ là ở việc lập pháp. Mục đích của quyền lập pháp là mưu cầu sự tự do cho mọi công dân của nhà nước, còn quyền hành pháp (quản lý) không có mục đích pháp lý chung  (quản lý chỉ có thể tác động tới phúc lợi của công dân) và do vậy, các biện pháp nhằm đạt tới những mục đích không phải pháp lý không thể là các biện pháp cưỡng chế.

Theo đó, có thể nói, đây cũng là một quan niệm độc đáo của I.Kant về nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp. Đánh giá quan niệm này của I.Kant về nhà nước lý tưởng - chế độ cộng hoà, C.Mác đã viết: “Kant đã coi chế độ cộng hoà, một hình thức nhà nước duy nhất hợp lý, là một tiêu chuẩn cơ bản của lý tính thực tế, một tiêu chuẩn mà người ta không bao giờ đạt được nhưng cứ luôn luôn phải lấy đó làm mục đích"(5). Bản thân I.Kant cũng đã thừa nhận không một nhà nước hiện tồn nào phù hợp với học thuyết của ông về nhà nước, về pháp luật và không một nhà nước nào có thể đáp ứng được “quy luật của tự do” mà ông đã nói đến.

Thật vậy, trong học thuyết của I.Kant về nhà nước dưới thể chế cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp nói chung, cũng như trong quan niệm của ông về pháp luật nói riêng đã xuất hiện mâu thuẫn giữa cái cần phải có nhưng trên thực tế lại không có với cái đang có nhưng lại không nên có, bởi ở đây, ông vẫn giữ lối tư duy nhị phân - “thế giới hiện tượng” và “thế giới vật tự nó”, cái đang là và cái phải là,... được đưa ra trong Phê phán lý tính thuần túy. Và, khi tiếp thu, phát triển tư tưởng của J.Rosseau về quyền lực tối cao của nhân dân, I.Kant cũng đã mâu thuẫn với chính tư tưởng này, khi ông khẳng định rằng, thứ nhất, chủ quyền của quyền lực nhân dân là cái không thể thực hiện được; thứ hai, về nguyên tắc, chính quyền hiện tồn phải hoàn toàn phục tùng ý chí nhân dân. Khi đem nguyên lý của T.Hobbes - nguyên lý về những thẩm quyền vô hạn của quyền lực tối cao - đối lập với lý tưởng về quyền lực nhân dân của J.Rosseau, I.Kant cho rằng, đối với nhân dân - những người đang chịu sự tác động của luật công dân thì những lập luận, lý giải về cách thức xuất hiện quyền lực tối cao đang hiện hành là vô ích và thậm chí, nó còn dẫn tới nguy cơ phá huỷ nhà nước. Từ đó, I.Kant đã đi đến quan niệm rằng, “cần phải phục tùng chính quyền hiện tồn, cho dù nguồn gốc của nó có là thế nào đi chăng nữa”. Rằng, các quyền không thể tước bỏ được của nhân dân chỉ có thể là quyền phê phán công khai những sai lầm luôn có thể có của chính quyền nhà nước(6).

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện mâu thuẫn đó trong học thuyết của I.Kant về nhà nước dưới thể chế cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng  luật pháp, theo C.Mác và Ph.Ăngghen, là do ông còn mang nặng những ảo tưởng vốn đặc trưng cho toàn bộ tư tưởng xã hội của tầng lớp thị dân Đức cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX. I.Kant chỉ khai thác những tư tưởng chính trị của chủ nghĩa tự do tư sản Pháp mà không khai thác tư tưởng lý luận của giai cấp tư sản Pháp, như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Chúng ta... tìm thấy ở Kant cái hình thức đặc thù mà chủ nghĩa tự do Pháp, dựa trên những lợi ích giai cấp hiện thực, đã tiếp thu được ở Đức. Dù Kant hoặc những thị dân Đức, mà Kant là người tô điểm lợi ích của họ, đều không nhận thấy rằng lợi ích vật chất và ý chí do quan hệ sản xuất vật chất chi phối và quyết định là cơ sở của những tư tưởng lý luận ấy của giai cấp tư sản”. Do vậy, “Kant đã tách rời sự diễn đạt lý luận ấy với những lợi ích được diễn đạt trong đó, biến những quy định, có động cơ vật chất, của ý chí của giai cấp tư sản Pháp thành những tự quy định thuần tuý của “ý chí tự do”, của ý chí tự nó và vì nó, của ý chí của loài người, và do đó biến ý chí ấy thành những quy định khái niệm thuần tuý về mặt tư tưởng và những định đề về đạo đức”(7).

Chính vì vậy, trong học thuyết của I.Kant về nhà nước dưới thể chế cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, tư tưởng về quyền lực tối cao, về các quyền không thể tước bỏ của nhân dân đã biến thành tư tưởng về lý tính thực tiễn thuần tuý, thành tư tưởng thuần tuý đạo đức - tư tưởng đối lập hiện thực với kinh nghiệm và lịch sử. Tư tưởng này đã được tuyên bố là không thể thực hiện được và trên thực tiễn, nhân dân chỉ thừa nhận nghĩa vụ phải phục tùng tầng lớp cầm quyền một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, I.Kant lại là người kiên quyết bác bỏ quan điểm mà theo đó, việc hoàn thiện các thể chế xã hội và pháp lý chỉ là mong muốn về mặt lý luận nhưng không thể thực hiện được trên thực tiễn.

Những điều nói trên cho thấy tư tưởng triết học pháp quyền của I.Kant về “một công dân tích cực” của “chế độ cộng hoà chân chính”, - một con người luôn mang trong mình “thực thể của tính độc lập công dân”, con người chỉ có thể tồn tại và sinh sống được không phải nhờ “sự tuỳ tiện” của một người khác nào đó, mà nhờ chính “các quyền và sức mạnh của bản thân” - chính là cơ sở lý luận cho học thuyết của ông về nhà nước dưới thể chế cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng  luật pháp.

Với cơ sở lý luận này, khi thừa nhận vai trò to lớn của “Khế ước xã hội” đối với sự hình thành nhà nước mà J.Rosseau đã khẳng định, I.Kant luôn nhấn mạnh tính tất yếu của sự hình thành nhà nước dưới thể chế cộng hoà, nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp là do những mâu thuẫn trong sự phát triển nội tại của xã hội. Do vậy, theo ông, nhà nước ra đời với tư cách này phải có nhiệm vụ giải quyết những đối kháng của xã hội, "ngăn cản những gì cản trở tự do", điều hoà sự phát triển của xã hội theo hướng ngày càng hoàn thiện lợi ích con người. Để làm được điều này, nhất là để thoát ra khỏi tình trạng một nhà nước chỉ biết đến chức năng "cưỡng chế đơn thuần", trong Những cơ sở siêu hình học đầu tiên của học thuyết về pháp quyền, I.Kant khẳng định, nhà nước đó phải là nhà nước pháp quyền mà ở đó, pháp quyền và luật pháp được đo lường dựa theo các "nguyên tắc tiên nghiệm" sau đây: Một là, sự tự do của mỗi thành viên trong xã hội với tư cách con người; hai là, sự bình đẳng của mỗi thành viên với những thành viên khác với tư cách thần dân; và ba là, sự tự chủ của mỗi thành viên với tư cách công dân. Mọi công dân với tư cách này trong nhà nước pháp quyền đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm tạo ra tình trạng "hài hòa tối đa" giữa hiến pháp với những nguyên tắc pháp quyền nhằm khắc phục sự bất cập vốn luôn tồn tại trong hệ thống pháp luật hiện hành. I.Kant gọi đó là "bổn phận" do lý tính đề ra bằng một "mệnh lệnh tuyệt đối”. Ngay cả lịch sử nhân loại, được I.Kant xem xét trong ý niệm về lịch sử phổ quát trên bình diện công dân - toàn cầu, với tư cách diễn đàn mà con người tự khẳng định mình, tỏ rõ sức mạnh và tính tích cực sáng tạo của mình cũng đòi hỏi một "xã hội công dân" được quản lý bằng pháp quyền, bằng luật pháp một cách phổ biến.

Những điều trình bày trên cho thấy, với I.Kant, sự tồn tại của pháp quyền và vai trò tối thượng của luật pháp, cũng như sự tồn tại của nhà nước pháp quyền, hay nhà nước với tư cách cộng đồng luật pháp, như ông vẫn thường nói, là hết sức cần thiết trong đời sống xã hội. Sứ mệnh cao cả của nhà nước này, theo I.Kant, là sử dụng pháp quyền, cũng như các đạo luật, luật pháp và các quy tắc đạo đức vào mục đích phục vụ con người, mang lại sự tự do và hạnh phúc cho con người. Giá trị nhân đạo, nhân văn trong quan niệm của I.Kant về nhà nước với tư cách cộng đồng  luật pháp và về vai trò của pháp quyền trong nhà nước này là ở đó, ở chính quan niệm độc đáo này. q

 


(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Triết học, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

(1) Immanuel Kant. Phê phán lý tính thuần túy (Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải). Nxb Văn học, Hà Nội, 2004, tr.613.

(2) I.Kant. Tác phẩm gồm 6 tập, t.4, phần II. Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1965, tr.253.                                        

(3) I.Kant. Sđd.,tr.234.

(4) Xem: I.Kant. Sđd., tr.241-242.

(5) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.7. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.107.

(6) Xem: I.Kant. Tác phẩm gồm 6 tập, t.4, phần II. Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1965, tr.241.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.3. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.270.                                      

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007