Ludwig Wittgenstein và Otto Neurath định hình tư tưởng triết học của các triết gia Áo trong những năm 20 và những năm đầu 30 của thế kỷ XX. Có thể sự đối lập giữa hai triết gia này là nguyên nhân dẫn đến những tranh luận gay gắt của Nhóm Viên. Ngay cả nếu như không có sự đối đầu trực triếp giữa Neurath và Wittgenstein, thì nhân cách và vị trí triết học của họ vẫn gây nên những tranh luận quan trọng nhất về những vấn đề cơ bản trong triết học khoa học.
Nhóm Viên được thành lập từ các cuộc họp không chính thức ở văn phòng của Trưởng khoa Triết học, Đại học Viên là Moritz Schlick (1882-1936) trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX. Nhóm Viên có thể coi là cái nôi của triết học phân tích đương đại và triết học khoa học. Nhóm được hình thành bởi các triết gia, các nhà toán học, các nhà khoa học tự nhiên và xã hội, họ đã nỗ lực giải quyết các vấn đề cơ bản của lôgíc và triết học khoa học. Những thành viên chính thức của nhóm, bao gồm Hans Hahn, Otto Neurath, Philipp Frank, Herbert Feigl, Rudolf Carnap, Friedrich Waismann, Theodor Radakovic, Olga Hahn-Neurath, Kurt Gödel, Felix Kaufmann, Victor Kraft, Karl Menger, Gustav Bergmann, Marcel Natkin, Heinrich Neider, Rose Rand và Edgar Zilsel([1]). Ludwig Wittgenstein không phải là thành viên chính thức của Nhóm Viên. Ông là người đã phản đối việc thành lập nhóm triết gia, dù rằng cuốn Luận cương lôgíc - triết học của ông đã từng gây ảnh hưởng tới nhiều cuộc thảo luận của Nhóm Viên. Thỉnh thoảng Wittgenstein có hiện diện, nhưng không phát biểu gì cả. Thường là ông vắng mặt, những tư tưởng của ông đã được Friedrich Waismann trình bày.
Mặc dù cách nhìn nhận và quan điểm của họ về các vấn đề nền tảng của triết học khoa học khác nhau, song các thành viên của Nhóm Viên đã cùng nhau thống nhất một số nguyên tắc chung. Những nguyên tắc này đưa ra vào năm 1929 và được gọi là “bản tuyên ngôn”: Thế giới quan khoa học của Nhóm Viên (Wissenschaftliche Weltauffassung Der Wiener Kreis)(2). Theo bản tuyên ngôn do Otto Neurath soạn thảo thì các thành viên của Nhóm Viên phải cam kết trung thành với quan điểm được gọi là “Thế giới quan khoa học”. Thế giới quan khoa học này đã từng được mô tả bằng một mệnh đề trong cuốn Luận cương của Ludwig Wittgenstein rằng: “Những gì mà có thể được nói ra, thì có thể được nói ra một cách rõ ràng” (Tlp 4.116)(3). Chúng ta nên tránh sử dụng những câu nói, những thuật ngữ mơ hồ.
Công cụ để đạt được mục tiêu có được ngôn ngữ rõ ràng chính là phép phân tích lôgíc: Những câu nói mơ hồ hoặc không rõ ràng phải được phân tích; kết quả của việc phân tích này có thể tạo ra một loạt những mệnh đề hoặc được kiểm chứng hoặc được phủ chứng. Vấn đề xoay quanh việc kiểm chứng và phủ chứng của các mệnh đề luôn là đề tài sôi nổi trong các cuộc thảo luận của Nhóm Viên: Chỉ những mệnh đề được kiểm chứng hoặc phủ chứng là những mệnh đề có ý nghĩa. Hay nói cách khác, một mệnh đề chỉ có ý nghĩa nếu tôi có thể đưa ra phương pháp để kiểm chứng mệnh đề đó. Ví dụ, mệnh đề “tuyết màu trắng” là một mệnh đề có nghĩa, bởi tôi có phương pháp để kiểm chứng điều này - Tôi có thể ra ngoài và xem điều tôi nói là đúng hay là sai. Theo Friedrich Waismann, Wittgenstein cho rằng, “Ý nghĩa của một mệnh đề nằm ở chính phương pháp kiểm chứng của nó”(4). Những mệnh đề siêu hình thì vô nghĩa, bởi chúng sẽ không bao giờ được kiểm chứng hay phủ chứng. Chúng ta hãy lấy ví dụ mệnh đề: “Chúa tồn tại”. Nếu tôi không có phương pháp để kiểm chứng điều tôi vừa nói về sự tồn tại của Chúa có thật hay không, thì tôi sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời cho mệnh đề đó là đúng hay sai. Vì vậy, mệnh đề tôi đưa ra là vô nghĩa.
Có hai cách để kiểm chứng và phủ chứng các mệnh đề: a) Trên phương diện lôgíc, một mệnh đề có thể đúng hoặc sai. b) Trên phương diện kinh nghiệm, một mệnh đề cũng có thể đúng hoặc sai. Một sự thống nhất chung về trình tự lôgíc để kiểm chứng hoặc phủ chứng một mệnh đề đã được đưa: Một mệnh đề là đúng về mặt lôgíc, nếu như phép phân tích lôgíc chỉ ra tính chất hằng đúng (tautological) của mệnh đề (hoặc nó là một chân lý toán học), nó là một mệnh đề sai về mặt lôgíc, nếu nó là mệnh đề tự mâu thuẫn (hoặc nó sai về mặt toán học). Tuy nhiên, có rất nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến phương thức kinh nghiệm để kiểm chứng hoặc phủ chứng một mệnh đề. Trên thực tế, hầu hết những cuộc thảo luận của Nhóm Viên xoay quanh chủ đề kiểm chứng hoặc phủ chứng các mệnh đề có nghĩa.
Một khó khăn ai cũng thấy liên quan đến việc kiểm chứng những mệnh đề là vấn đề về những câu cơ bản diễn tả trực tiếp thực tại kinh nghiệm - thường gọi là những câu giao thức (protocol sentences). Có một cuộc tranh luận sôi nổi (không chỉ) giữa Moritz Schlick và Otto Neurath về bản chất của những câu cơ bản đó. Trong khi Schlick bảo vệ tính không thể sửa của những câu giao thức thì đối với Neurath và Popper, những câu giao thức này có thể sửa được.
Một chủ đề khác là vấn đề về những gì “đã có sẵn” trong kinh nghiệm. Đối với một số tác giả, “cái đã có sẵn” trong kinh nghiệm là những đối tượng vật lý, một số tác giả khác ưa gọi là những dữ kiện cảm tính (Mach), cũng có những tác giả lại coi những gì đã có sẵn trong kinh nghiệm là toàn bộ những cảm giác (Carnap); với Neurath, việc thiết định kiểm chứng dựa vào những gì “đã có sẵn” (trong kinh nghiệm) là không có ý nghĩa gì cả, bởi chúng ta không thể vượt ra khỏi phạm vi của mệnh đề.
Chủ đề thứ ba có lẽ là chủ đề quan trọng nhất trong lĩnh vực kiểm chứng là vấn đề chân lý. Câu hỏi được đặt ra là liệu chân lý có phải là mối quan hệ giữa phát biểu mang tính khái niệm với trạng huống của sự vật trên thực tế (thuyết chân lý tương hợp) hay chân lý là mối quan hệ chặt chẽ (gắn kết) giữa một phát biểu với các mệnh đề khác trong hệ thống khái niệm của chúng ta (thuyết chân lý gắn kết).
- “Thang Wittgenstein” - Nội dung triết học trong Luận cương lôgíc - triết học.
Chủ đề thứ ba này chính là điểm khởi phát cho cuốn Luận cương của Wittgenstein. Luận cương lôgíc - triết học có thể được hiểu là sự phân tích có hệ thống các điều kiện để kiểm chứng và phủ chứng những mệnh đề có nghĩa. Mối quan tâm chính trong Luận cương của ông là: Những điều kiện gì là cần thiết để chỉ ra một mệnh đề là đúng hay là sai? Theo Wittgenstein thì rõ ràng rằng, một kiểm chứng hoặc phản chứng kinh nghiệm thuyết phục có thể có được nếu phép phân tích lôgíc dẫn đến kết luận về sự hiện diện của các mệnh đề đơn mà tính đúng hay sai của chúng không phụ thuộc vào tính đúng hay sai của mệnh đề khác, mà chỉ phụ thuộc vào mối tương quan hoặc không tương quan của nội dung của chúng với thực tại. Vì vậy, đối với Wittgenstein, thuyết chân lý tương hợp không phải là một lập trường mở ra cho những cuộc tranh luận về nhận thức luận sâu hơn, mà thuyết này hàm chứa một yêu cầu (đòi hỏi) về một sự kiểm chứng (có tính) thuyết phục đối với những mệnh đề có nghĩa.
Điều này có thể nhận thấy khi ta phân tích kĩ hơn Luận cương: Trước khi tiếp cận tác phẩm này, điều quan trọng, chúng ta cần phải biết là trình tự lập luận triết học của Wittgenstein thường không tương ứng với thứ tự các luận điểm mà ông trình bày trong Luận cương. Luận cương đưa ra kết quả chung cuộc của một lập luận triết học bao quát, bắt đầu bằng việc phản tư về bản chất các mệnh đề, về tính có thể là đúng hay là sai của các mệnh đề. Chúng ta có thể tìm hiểu đầy đủ quá trình hình thành tư tưởng triết học sơ kỳ của Wittgenstein trong cuốn Những ghi chép được viết từ 1914 đến 1916 (Tagebücher 1914-16)(5). Wittgenstein viết Những ghi chép trong suốt thời gian làm nghĩa vụ quân sự với tư cách một quân nhân Áo trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mặc dù cuốn nhật ký được viết trong chiến hào ở mặt trận Nga và Ý, song không hề nói đến những biến cố chiến tranh mà chỉ ghi chép những suy tư triết học; trong đó, Wittgenstein khai mở các luận đề chính về triết học sơ kỳ của ông mà sau này, được ông thể hiện trong Luận cương.
Theo Wittgenstein, các mệnh đề có thể là đúng hoặc sai nếu nội dung của chúng được biểu đạt rõ ràng và rành mạch. Chỉ khi tôi nhận biết được rõ ràng và rành mạch nội dung của một mệnh đề thì tôi mới có thể tuyên bố được trong những trường hợp nào (văn cảnh nào) mệnh đề đó là đúng hay sai. Những luận điểm đó đã cấu thành nên điểm khởi đầu của Wittgenstein trong chương bốn của Luận cương.
“Hiểu một mệnh đề, nếu nó đúng, có nghĩa là biết cái gì được hình thành. [...] Nó đơn giản chỉ được hiểu, bởi người nào hiểu được những yếu tố cấu thành của nó”(6).
Chúng ta hãy lấy một ví dụ minh họa như sau: “It is raining outside” – “bên ngoài trời đang mưa”. Nếu như chúng ta không biết “đang mưa” nghĩa là gì thì chúng ta cũng không thể kiểm chứng được mệnh đề đó đúng hay sai. Do đó, điều kiện đầu tiên để kiểm chứng hay phủ chứng một mệnh đề là sự miêu tả đầy đủ về nội dung của nó - cái mà theo Wittgenstein chính là “bức tranh (phản chiếu) của mệnh đề”. Trong cuốn Những ghi chép, giả thuyết đầu tiên để kiểm chứng những mệnh đề ấy được trình bày như sau:
“Nếu một mệnh đề nói với chúng ta điều gì đó, thì nó phải là bức tranh (phản chiếu) của hiện thực như là chính hiện thực đang hiện hữu, và là một bức tranh hoàn chỉnh về hiện thực. Tất nhiên, sẽ có một số yếu tố nó không thể truyền tải hết, nhưng những gì biểu đạt ra phải được biểu đạt đầy đủ và được định dạng rõ ràng”(7).
Chỉ thông qua việc xác định rõ ràng nội dung mệnh đề thì những điều kiện cho tính đúng hay sai của một mệnh đề – những điều kiện xác tín (chân trị) của mệnh đề - mới được xác lập:
“Một mệnh đề quy định thực tại đến mức độ mà người ta chỉ cần nói “Có” hay “Không”. Thực tại vì thế cần phải được miêu tả trọn vẹn (đầy đủ) trong mệnh đề”(8).
Do đó, điều kiện đầu tiên để kiểm chứng hay phủ chứng một mệnh đề là phải xác định được đầy đủ nội dung của nó: Theo Wittgenstein, rõ ràng có rất nhiều mệnh đề trong ngôn ngữ hàng ngày không đáp ứng được điều này - chúng thường mơ hồ, không xác định. Nhiệm vụ của các triết gia là phải làm sáng tỏ nội dung của mệnh đề bằng cách sử dụng phép phân tích khái niệm. Qua việc phân tích khái niệm, chúng ta sẽ phải tìm ra những mệnh đề có nội dung rõ ràng và các điều kiện xác tín (chân trị) của chúng được xác định đầy đủ. Vì lý do trên, việc phân tích các khái niệm sẽ phải đến hồi kết – tìm đến cái được gọi là các mệnh đề đơn (mệnh đề cơ sở); nếu việc phân tích không kết thúc, các điều kiện xác tín của mệnh đề sẽ không bao giờ được xác định; tính chân thực của một mệnh đề sẽ luôn phụ thuộc vào các mệnh đề khác (có mức độ cấu trúc) phức tạp hơn trong (thang bậc) hệ thống khái niệm của chúng ta; từng bước phân tích như vậy sẽ thay đổi các điều kiện xác tín của mệnh đề. Do đó, chúng ta phải công nhận các mệnh đề đơn là xuất phát điểm trong hệ thống khái niệm của chúng ta. Các mệnh đề đơn là những mệnh đề mà tính đúng sai của nó không phụ thuộc vào các mệnh đề khác, mà chỉ phụ thuộc vào sự tương hợp hay không tương hợp về nội dung của nó với thực tại.
“Thật rõ ràng rằng, sự phân tích những mệnh đề phải mang lại cho chúng ta những mệnh đề đơn, hàm chứa những tên gọi nối kết trực tiếp với nhau”(9).
Các mệnh đề đơn này không chỉ không thể phân tích, mà xét về mặt lôgíc, nó không phụ thuộc vào các mệnh đề đơn khác. “Đó là một ký hiệu của mệnh đề đơn, mà không thể có mệnh đề đơn nào có thể mâu thuẫn với nó”(10). Tính độc lập về mặt lôgíc của các mệnh đề đơn có thể còn được quy giản từ yêu cầu rằng tính đúng hay sai của các mệnh đề đơn là phụ thuộc vào sự tương hợp hay không tương hợp với thực tại và không phụ thuộc vào tính đúng sai của các mệnh đề (đơn) khác.
Việc kiểm chứng các mệnh đề có nghĩa không chỉ có hàm ý về các mệnh đề đơn độc lập về mặt lôgíc, mà còn hàm ý về thực tại với tư cách là cơ sở đảm bảo điều kiện chân thực (xác tín) của mệnh đề. Trong thực tại nhất thiết phải tồn tại những sự kiện mà mệnh đề có thể tương hợp hoặc không tương hợp; các mệnh đề đơn chỉ có thể đúng khi các sự kiện cơ sở tồn tại trong thực tiễn: “Mệnh đề đơn giản nhất là mệnh đề cơ sở, [nó] thể hiện sự hiện hữu của sự kiện nguyên tử (atomic fact)”(11).
Chúng ta không chỉ cần các sự kiện tương hợp với nội dung của các mệnh đề đúng, mà còn cần có cái tương ứng với nội dung của các mệnh đề sai – những sự kiện tiêu cực (negative fact) tương ứng với các mệnh đề sai. Sự kiện tiêu cực là một trạng huống có thể có (khả thể) nhưng không hiện hữu trên thực tế. Tính đúng và tính sai, sự khẳng định và phủ định của mệnh đề tạo nên hình thức lôgíc của mệnh đề (logical form). Thực tại phải có cái tương hợp với hình thức lôgíc đó. Trong thực tại phải có không gian lôgíc (logical space) ôm chứa tất cả các trạng huống có thể của sự vật mà các mệnh đề có thể tương hợp hoặc không tương hợp.
“Lý luận miêu tả lôgíc, thông qua ngôn ngữ, diễn đạt một cách tổng quát rằng: Để một mệnh đề có thể là đúng hay là sai, có phù hợp với thực tại hay không, thì trong mệnh đề phải có cái gì đó đồng nhất với thực tại”(12).
“Cái chung mà bất kỳ bức tranh nào của bất cứ hình thức nào cũng phải có với thực tại để có thể phản ánh (biểu đạt) được thực tại một cách chính xác hay không chính xác – là hình thức lôgíc, nghĩa là hình thức của thực tại”(13).
Đối với Wittgenstein, các sự kiện là mối liên hệ giữa các đối tượng (đơn thể); do đó chúng ta cần các đơn thể nguyên tử/ đơn thuần cho các sự kiện nguyên tử. Vì vậy mà ở phần cuối trong hệ thống kiến giải của Luận cương có mục “Bản thể luận”, bao gồm các đơn thể giản đơn, các sự kiện nguyên tử và các trạng huống khả thể... Tất cả đều được đặt trong không gian lôgíc. “Bản thể luận của Luận cương” này là hệ quả sau cùng cho những nhận định triết học [của Wittgenstein] về bản chất các mệnh đề đúng và sai, mà chúng ta có thể tìm thấy ngay trong phần đầu của Luận cương:
“1. Thế giới là tất - cả. Tất cả là hoàn - cảnh.
1.13. (Tất cả) Các sự kiện trong không gian lôgíc là thế giới.
2. Hoàn cảnh, sự kiện, là sự hiện hữu của sự kiện nguyên tử.
2.01. Sự kiện nguyên tử là sự kết hợp của các đơn thể (vật thể, sự vật).
2.02. Đơn thể thì giản đơn.
2.021. Các đơn thể làm thành thực thể của thế giới. Do đó, chúng không thể được là hợp thể.
2.0211. Nếu thế giới không có thực thể, thì một mệnh đề có ý nghĩa hay không, phải tùy thuộc vào một mệnh đề khác đúng hay không.
2.0212. Trong trường hợp đó, chúng ta không thể hình dung được một hình tượng nào về thế giới (dù thỏa đáng hay không)”(14).
Theo Wittgenstein, rõ ràng những nhận định bản thể luận này tự thân nó là những mệnh đề vô nghĩa - chúng không thể kiểm chứng hay phủ chứng được, bởi chúng chỉ đưa ra các điều kiện cần để các mệnh đề có nghĩa. Một cách chắc chắn, [có thể nói rằng], các mệnh đề này giống như “các mệnh đề siêu hình học”. Wittgenstein thừa nhận rằng, [mặc dù] các mệnh đề này là vô nghĩa nhưng đồng thời ông lại cho rằng chúng nhất thiết phải có. Chức năng không rõ ràng này của các mệnh đề trong Luận cương được diễn đạt qua phép tương tự (loại tỷ) với cây thang là công cụ sau khi dùng xong thì phải vứt bỏ đi.
“Những mệnh đề của tôi, là để minh giải trong cách này: Độc giả nào khi đã thấu hiểu được tôi, cuối cùng sẽ nhận ra rằng chúng (những mệnh đề đó) là vô nghĩa, sau khi đã sử dụng chúng để trèo rồi dẫm vượt lên chúng (nghĩa là người ấy phải vứt cái thang đó đi, sau khi đã dùng nó để trèo). Sau khi đã vượt qua những mệnh đề của tôi, độc giả hẳn sẽ nhận thức được thế giới một cách chân thực”(15).
2. Neurath phê bình triết lý sơ kỳ của Wittgenstein.
Đối với Otto Neurath, những mệnh đề vô nghĩa làm nền tảng cho những mệnh đề có nghĩa là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Là một nhà khoa học xã hội, với tư cách giáo sư kinh tế (Volkswirtschaftslehre), mối quan tâm chính của Neurath trong Nhóm Viên là sự thống nhất tất cả các bộ môn khoa học, khoảng cách tệ hại/ khó chịu giữa những khoa gọi là giải thích và khoa học thông hiểu (erklärende und verstehende Wissenschaften) nên được giải quyết bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn khoa học của những Khoa học thực nghiệm vào trong Khoa học xã hội và Nhân văn, thậm chí cả triết học(16). Đối với khoa học riêng của Neurath, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch khoa học những quá trình kinh tế. Dưới chế độ Cộng hòa Xô viết ở Munich năm 1919 (Räterepublik), Neurath đã trở thành Cục trưởng Cục trung tâm Bavarian đặc trách kinh tế vụ và ông đã cố gắng thực hiện một nền kinh tế kế hoạch tập trung ở Bavaria.
Tính kiểm chứng như một nguyên tắc của các mệnh đề có nghĩa phải được áp dụng cho tất cả các bộ môn khoa học, không ngoại trừ bất cứ bộ môn nào. Theo Neurath, tính kiểm chứng không chỉ là tiêu chí có giá trị cho các mệnh đề khoa học, mà còn là điều kiện cần thiết để các mệnh đề có nghĩa trong lĩnh vực của “khoa học thống nhất". Không đi theo lý tưởng "khoa học hợp nhất" (Einheitswissenschaft), ông bác bỏ sự tất yếu của “các mệnh đề triết học đặc biệt" nào được miễn khỏi yêu cầu kiểm chứng. Cũng theo Neurath, chúng ta không thể đặt chính chúng ta ra ngoài hệ thống các mệnh đề - những mệnh đề mà chúng ta sử dụng để mô tả các hiện tượng khác nhau trong thế giới của chúng ta. Chẳng có cơ sở vững chắc nào để các triết gia có thể sử dụng [nó] như là nền tảng cho những "siêu – nhận định (phán xét)"(17) (meta-considerations) của họ về bản chất các mệnh đề khoa học.
“Chúng ta giống như các thủy thủ phải đóng lại tàu của họ giữa biển khơi mà không thể nào tháo nó ra trên xưởng chữa tàu (dry dock) và tái tạo nó từ những bộ phận cấu thành tốt nhất"(18).
Xuất phát từ quan điểm về khoa học thống nhất thì tất cả các mệnh đề - thậm chí cả các mệnh đề triết học và các mệnh đề lôgíc - phải được đưa về những nguyên tắc chung – có giá trị cho các mệnh đề có nghĩa, chúng phải sẵn sàng để có thể được kiểm chứng và phủ chứng. Rõ ràng rằng, điều này đi trệch với quan điểm duy tự nhiên toàn thể (global naturalistic attitude); Neurath đã bác bỏ hầu hết các nguyên tắc về bản thể luận và siêu - ngôn ngữ trong Luận cương như là [những nguyên tắc] vô nghĩa. Một số câu "đặc biệt" này có thể chuyển thành các mệnh đề có nghĩa, song đa phần chúng phải được loại bỏ.(18)
"Nạn nhân" tiếp theo trong thuyết kiểm chứng toàn thể của Neurath là khái niệm về chân lý như là sự tương hợp giữa ngôn ngữ và thực tại. Theo ông, lý thuyết chân lý tương hợp giả định những mệnh đề về cấu trúc của thực tại mà không cần phải kiểm chứng hay phản chứng. Hơn thế nữa, trong quá trình kiểm chứng, chúng ta cũng không thể so sánh những gì mang tính khái niệm với những gì không mang tính khái niệm - chính thực tại. (Luận điểm này có thể được tìm thấy trong triết học khoa học của Popper, mặc dù nó chưa đi tới kết luận cuối cùng như Neurath đã làm). Vì lý do đó mà Neurath luôn "chung thủy" với lý thuyết chân lý tương hợp.
“Việc kiểm chứng một số phát biểu là sự xem xét liệu chúng phù hợp với một số phát biểu giao thức đến mức độ nào; vì thế chúng ta bác bỏ mệnh đề cho rằng một phát biểu có thể được so sánh với “thực tại”, và hơn thế nữa, từ khi “thực tại” đối với chúng ta được thay thế bằng năm bẩy tổng thể các phát biểu nhất quán với chính nó chứ không phải với các cái khác”(19).
Lý thuyết chân lý đối xứng mà Neurath đã trình bày đem lại một hệ quả tai hại đối với chính thuyết kiểm chứng là: Không có chân lý xác định (rạch ròi). Thậm chí, mỗi mệnh đề giao thức [dù] nằm ở cuối của quá trình kiểm chứng thì nó cũng không miễn dịch đối với sự xét lại. [Chúng ta] không có nghĩa vụ phải chấp nhận một mệnh đề giao thức khi mà nó không nhất quán với phần còn lại của hệ thống khái niệm dựa trên nền tảng khoa học. Rõ ràng rằng, Neurath đã không chấp thuận quan niệm về các mệnh đề đơn mà không thể được phân tích sâu hơn; khi tất cả các mệnh đề hoàn toàn gắn liền với các bộ phận khác trong hệ thống khái niệm của chúng ta thì sẽ không có sự độc lập lôgíc của các mệnh đề đơn.)
3. Những nhận xét tổng quát
Sự đối lập về mặt triết học giữa Wittgenstein và Neurath là ví dụ điển hình chứng minh những ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng cấp tiến (radical positivism), làm suy yếu chính nghiên cứu tiếp cận theo thực chứng luận hay kiểm chứng luận: Hoặc là ta phải thừa nhận thang bậc triết học của Wittgenstein cũng như những nhận xét [về] siêu hình học của ông trong Tractatus với tư cách là nền tảng bản thể luận của thuyết kiểm chứng hoặc là từ bỏ ý niệm về sự kiểm chứng xác định do Neurath nêu. Theo đường lối thứ hai này thì bản thân luận thuyết kiểm chứng (Verificationism) được tương đối hóa và được chuyển hóa thành phiên bản mang tính thực dụng hơn của triết học khoa học.(19
Rốt cuộc, nghiên cứu của Otto Neurath về viễn cảnh phát triển của triết học khoa học có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều so với triết học sơ kỳ của Wittgenstein trong Luận cương. W.V.O Quine theo đuổi quan điểm của Neurath, bởi cũng giống như Neurath, ông bác bỏ sự khác biệt nghiêm ngặt giữa mệnh đề phân tích và mệnh đề tổng hợp. Việc chú trọng vào tính toàn thể của hệ thống khái niệm (chỉnh thể luận (mang tính) khái niệm – conceptual holism) và sự bác bỏ cơ sở trung tính có thể tạo ra những tiêu chí khách quan cho sự thử nghiệm các lý thuyết, đặt nền tảng cho khái niệm cách mạng khoa học của Thomas S.Kuhn. Tuy nhiên, ảnh hưởng cuối cùng trong phương pháp của Neurath lại chính là ở sự tương đối hóa toàn diện các khái niệm chân lý và tính khách quan. Việc mô tả đặc điểm không thể so sánh (bất khả ước) giữa các lý thuyết khác biệt nổi tiếng của Thomas S.Kuhn và sự tương đối hóa triệt để của tri thức khoa học dựa trên nguyên tắc "bất cứ điều gì cũng có thể trở thành nguyên tắc" của Paul Feyerabend là những hệ quả có thể được rút ra từ cách tiếp cận của Neurath. q
Người dịch: ThS. NGÔ HƯƠNG GIANG
(Viện Triết học,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
Người hiệu đính: ThS. TRẦN TUẤN PHONG
(Viện Triết học,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)