Khi nói đến các nền triết học dân tộc/philosophies nationales, không thể không nói đến triết học Áo. Tuy nhiên, với những gắn bó lịch sử của Áo với Hunggari chẳng hạn, xuất xứ của những triết gia, như Brentano, Husserl, Wittgenstein, Freud hay văn gia, như Hugo von Hofmannsthal, Karl Kraus, Robert Musil, ngôn ngữ họ sử dụng đã làm mờ nhạt sự khu biệt giữa Áo và Đức. Do đó, khi nói đến triết học Đức, người ta thường gộp cả triết học Áo vào triết học Đức, có thể vì những lý do ngôn ngữ, lịch sử, v.v.. Tuy vậy, ngày nay, một số học giả chú trọng đến mảng riêng của triết học Áo, đánh dấu từ thời đế chế Habsburg, khởi đầu từ Bolzano, Mach tới Wittgenstein, Neurath, Popper, đặc biệt là trường phái Brentano và những người kế thừa nó, cũng như sự phát triển của tập hội thành Vienne.
Rudolf Haller - nhà triết học Áo giảng dạy tại Đại học Graz nhận xét: Do hậu quả buồn thảm của chính trị diễn ra sau cuộc chiến, thời đại huy hoàng của trường phái Brentano cũng như những ngày rực rỡ của nhóm Vienne không còn tiếp diễn ở Áo từ khi chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thay vì đánh dấu việc trở về của một số nhân vật đã di cư sang Anh, Mỹ hay những quốc gia khác, hai thập niên đầu của thời hậu chiến đã bị một thứ triết học thống trị, chẳng gì khác hơn một thứ hẩu lốn giữa chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận, học thuyết tân Thomas d'Aquin, chủ nghĩa duy tâm và một thứ “luận lý biện chứng” coi như hòa nhập mọi mâu thuẫn và treo lửng chúng trong một thể thống nhất mờ mịt của một trật tự cao cấp.(*)
Franz Brentano (1838-1917) giảng dạy tại Đại học Vienne từ 1874 đã quy tụ một số môn đệ nổi tiếng, như Alexius Meinong, Edmund Husserl, Anton Marty, Carl Stumpf, Tomas Masaryk, v.v.. Hành trạng triết học của Brentano có thể phân định đa dạng: Một học thuật về Aristote (từ Von der mannigfachen Bedeutung des Seienden nach Aristoteles, 1862 đến những Die Psychologie des Aristoteles; Über den Creatianismus des Aristoteles; Aristeleles' Lehre vom Ursprung des menschlichen Geistes; Aristoteles und seine Weltanschauung); một lý luận xây dựng cơ sở cho tâm lý học như một khoa học nghiêm xác, qua Psychologie vom empirischen Standpunkt, mở đường cho những phương pháp quy nạp; một nguyên lý hữu thể luận, quan niệm chỉ có sự vật hiện hữu chỉ ra một học thuyết hướng tính làm nền tảng cho hiện tượng luận; một lý luận nhận thức đạo đức, đặc biệt là trong Vom Ursprung sittlicher Erkenntnis. Những khai phá tư tưởng kế thừa Brentano thể hiện nơi Alexius Meinong (1853-1920), Anton Marty (1847-1914), Christian von Ehrenfels (1859-1932), triết gia Ba Lan Tadeusz Kotarbinski (1886-1981), Kasimir Twardowski (1866-1938), v.v. đã tạo nên sự liên hệ mật thiết với những xu hướng khoa học phát triển đương thời, như tâm hình thuyết/Gestalttheorie, triết học phân tích (Michael Dummett trong Origins of Analytic Philosophy, 1993) mà theo đó, nên gọi dòng triết học này là triết học Anh - Áo hơn thường mệnh danh là triết học Anh - Mỹ.
Triết học Áo phát triển với nhóm Vienne, rầm rộ nhất vào thời kỳ mệnh danh là chủ nghĩa thực chứng luận lý, kế thừa học thuyết Bolzano, Ernst Mach với những tên tuổi, như Moritz Schlick (1882-1936), Rudolf Carnap (1891-1970), Hans Reichenbach (1891-1953) trong những thập niên 20 và 30 của thế kỷ XX. Trong Triết học và khoa học (1972), tôi đã nói khái lược về trường phái Vienne với chương trình hoạt động dưới tiêu đề “Wissenschaftliche Weltauffassung” (1929) và cơ quan ngôn luận chính là tập san “Erkenntnis” có tham vọng thiết lập một triết lý khoa học, xây dựng trên cơ sở những mô thức. Chân lý dựa vào quan sát, nghĩa là với những phương tiện của khoa học thực nghiệm. Triết học là một hệ thống những hoạt động đặc thù nhằm khám phá và thiết lập ý nghĩa của những mệnh đề, còn khoa học sẽ kiểm soát xem những mệnh đề đó có thực không. Triết học phải trở thành luận lý của khoa học. Barry Smith trong Austrian Philosophy đã đưa ra một nhận xét chung: Triết học Áo có toan tính đưa triết học gần với khoa học chủ nghiệm, ở trường phái Vienne là hình thái giảm trừ hiện tượng, vật lý; ở trường phái Brentano là mưu toan thống nhất phương pháp, có căn rễ từ triết học chủ nghiệm, trên cơ sở những khảo nghiệm cá biệt, xây dựng trên ngôn ngữ luận lý lý tưởng.
Ngày nay, triết học Áo có xu hướng trở về truyền thống cố hữu, coi trọng luận lý, triết lý khoa học, nhận thức luận, khảo sát những vấn đề đạo đức dưới góc nhìn phân tích. Đã có một sự giao lưu tư tưởng giữa các trường đại học Graz và Salzbourg với các trường đại học ở Mỹ. Những nhà triết học Áo, như R.Haller, H.Rutte, W.Sauer ở Graz, E.Morscher ở Salzbourg, N.Benedikt, P.Kampits ở Vienne gần với những xu hướng chủ nghiệm và phân tích hơn những nguồn tư tưởng sử dụng tiếng Đức khác. Những triết gia, như W.Stegmüller, Victor Kraft, Bela von Juhos chủ yếu hướng về triết lý khoa học và luận lý, cùng với những nhà triết học trẻ ở những thập niên cuối thế kỷ XX, như G.Frey, P.Weingartner, G.Schurz ở Salzbourg, E.Oeser, F.Wukeits ở Vienne.
Hai đại biểu của tư tưởng Áo đã mở ra những con đường mới cho học thuật cần phải nói đến trước tiên là Brentano và Freud.
Franz Brentano sinh năm 1838 ở Marienberg-am-Rgein, thuộc dòng dõi gia đình Đức gốc Ý với những người nổi tiếng, như Clemens Brentano, Bettina von Arnim (là những nhà văn quan trọng trong chủ nghĩa lãng mạn Đức), người em Lujo Brentano là nhà luận thuyết kinh tế học. Franz theo học toán, văn chương, triết học và thần học ở München, Würzburg và Berlin.
Luận án đệ trình năm 1862 của Brentano viết về ý nghĩa đa dạng của hữu thể theo Aristote - Von der mannigfachen Bedeutung des Seienden nach Aristoteles. Sau đó, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, mặc dầu cũng như Bolzano (1871-1848), ông đã thụ phong linh mục năm 1864. Ông trình luận án giáo nghiệp Tâm lý học của Aristote (Die Psychologie des Aristoteles) vào năm 1867 và giảng dạy tại Đại học Würzburg.
Lý luận phạm trù của Brentano: Khai phá bốn ý nghĩa của hữu thể là hữu tuỳ thể, hữu trong ý nghĩa là chân lý, hữu của những phạm trù và hữu phân chia theo tiềm thể và động thể; trong đó, chương 5, xét hữu thể theo những dạng phạm trù là dài nhất, bao gồm 15 luận cương. Mỗi luận cương là một lý giải phạm trù, từ quan niệm phạm trù không những là một cơ cấu tổ chức cho khái niệm (koinon), mà chính những phạm trù là những khái niệm thực, có một sự hài hoà giữa những phạm trù của Aristote và những khu biệt ngữ pháp của danh từ và tính từ, động từ và trạng từ. Ở phần kết, Brentano dẫn hai đoạn trong Siêu hình học của Aristote để chỉ ra quan hệ giữa hữu và phạm trù, vì “theo bốn ý nghĩa mà hữu tiên khởi phân chia, trong những dạng thức phạm trù là quan trọng nhất”: “Ở bất kỳ chỗ nào mà khoa học chủ yếu xét đến cái gì là đầu tiên, và những sự vật khác phụ thuộc vào nó, cũng như nhờ nó mà chúng có danh tính. Vậy nếu như đó là bản thể, nó sẽ thuộc về những bản thể mà nhà triết học phải nắm được những nguyên lý và nguyên nhân của nó”([1]). Bretano dẫn giải: Nếu nay coi siêu hình học là khoa học về hữu thể thì rõ ràng đối tượng chính là bản thể, và trong mọi trường hợp loại suy như vậy, khoa học chủ yếu xét đến cái đầu tiên mà mọi sự khác phụ thuộc và nhận được tên, “và như vậy, chúng ta cũng cần phải xem xét chủ yếu và tiên quyết đặc biệt xem nó là gì trong ý nghĩa này”([2]).
Trong nghiên cứu để tìm ra những ý nghĩa đa phức của hữu thể, Brentano xác định: Những phạm trù khác nhau tương ứng với những phương thức khác nhau của thuộc từ. Ngay từ chương đầu của luận án 1862, ông đã dẫn ra 4 loại chính của hữu/όv là: hữu không có hiện hữu nào ngoài tri năng (stereseis, apophaseis); hữu của vận động, phát sinh và tàn tạ (quá trình đi về bản thể, hủy diệt; hodos eis ousian, phthora) vì những cái này ở ngoài tinh thần, do đó không có hiện hữu toàn diện, hoàn tất; hữu có một hiện hữu hoàn tất nhưng phụ thuộc (những cảm tính của bản thể, phẩm chất, sự vật sản sinh; pathe ousias, poietika, genetika); cuối cùng là hữu của những bản thể (ousia). Nỗ lực chính của Brentano là nhằm giảm trừ tính đồng âm này của hữu, đi tìm sự thống nhất của phức thể, ý nghĩa thực sự, đầu tiên là hữu thứ tư nói trên: Bản thể. Ở chương năm, trong luận cương 13, ông vẽ lại hai biểu đồ 1 để trình bày hữu/on gồm bản thể/ousia tạo thành phạm trù thứ nhất và tùy thể/ symbebekos phân chia thành những tùy thể tuyệt đối/pathos và quan hệ/pros ti (phù hợp với cách mà những tùy thể áp dụng vào chủ thể, tuyệt đối hay tương ứng với sự vật khác; quan hệ mà dây liên lạc với bản thể thì yếu nhất và ở mức độ tối thiểu tạo thành phạm trù cuối cùng); những tùy thể tuyệt đối gồm những tùy thể đính kết/ enyparchonta lại gồm lượng/poson và phẩm/poion, khai triển/kineseis gồm hoạt động/poiein và cảm thụ/paschein, và bao hàm/ta en tini gồm nơi chốn/pou và thời gian/pote và biểu đồ 2 về hữu tương ứng với những phạm trù/to kata tas ptoseis on là cây phổ hệ về bản thể và những tùy thể.
Brentano đã viết bốn thiên sách về Aristote: Luận án nói trên, Tâm lý học Aristote, đặc biệt lý luận về tinh thần sáng tạo/Die Psychologie des Aristoteles, insbesondere seine Lehre vom Nous Poietikos 1867 (Luận án giáo nghiệp), Học thuyết Aristote về căn nguyên của tinh thần con người/Aristoteles Lehre vom Ursprung des menschlichen Geistes 1911, Aristote và thế giới quan của ông/ Aristoteles und seine Weltanschauung 1911 (ảnh hưởng quan trọng đến luận án De Aristotelis notione Unius 1864 và Materie und Form bei Aristoteles của Georg von Hertling - môn đệ của ông).
Học thuyết tâm lý học: Tác phẩm Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm/Psychologie vom empirischen Standpukt xuất bản lần đầu năm 1874, như Brentano xác định ở lời nói đầu là “quan điểm tâm lý học của tôi là thường nghiệm, chỉ riêng kinh nghiệm là thầy tôi”. Lần xuất bản đầu này gồm hai quyển: Quyển 1 trình bày tâm lý học như một khoa học gồm bốn chương xác định khái niệm và mục đích của tâm lý học, phương pháp tâm lý học với những quy chiếu trên cơ sở kinh nghiệm, những quy luật nền tảng, diễn dịch và kiểm chứng; quyển 2 nghiên cứu những hiện tượng tinh thần tổng quát (phân biệt giữa những hiện tượng tinh thần và thể chất), ý thức nội tại, thể thống nhất của ý thức, kiểm điểm những lý thuyết phân loại hiện tượng tinh thần (như Platon, Aristote, Wolff, Hume, Reid, Brown, Mendelssohn, Kant, Hamilton, Lotze, trường phái Herbart), v.v..; quyển 3 của bộ Tâm lý học do Oskar Kraus biên tập mang nhan đề ý thức cảm xúc và tri hoạt/Vom sinnlichen und noetischen Bewußtsein, xuất bản năm 1929, thực sự chỉ là sự tiếp nối nghiên cứu “phân loại những hiện tượng tinh thần” ở phụ lục bộ Tâm lý học.
Ảnh hưởng của Aristote qua Luận án giáo nghiệp vẫn là nguồn gốc cơ sở của tâm lý học theo quan điểm thường nghiệm của Brentano, như phân biệt những hiện tượng tinh thần, hay hành vi tinh thần với những hiện tượng vật lý. Cả hai hiện tượng cùng diễn ra trong tinh thần, song hiện tượng vật lý thể hiện là màu sắc, hình ảnh tôi thấy, nóng, lạnh tôi cảm thấy, âm thanh tôi nghe và những thực thể tương tự trong tri tưởng, trong khi nghe, thấy, cảm nhận, mọi phán đoán, nhớ lại, kỳ vọng, tư kiến, nghi hoặc là những hiện tượng hay hành vi tinh thần. Brentano phân biệt ba loại hiện tượng tinh thần: (1) Vorstellungen tức những ý niệm, tư tưởng, biểu tượng, (2) phán đoán và (3) những hiện tượng cảm xúc (yêu, ghét).
Hai đặc tính chính trong tâm lý học Brentano là “tâm lý học miêu tả/ beschreibende Psychologie” và “phi hiện hữu ý hướng/intentionale Inexistenz”. Khái niệm tâm lý học miêu tả để phân biệt với tâm lý học khởi sinh mà thực sự, Brentano chỉ khai phá kể từ bài giảng Về nguồn gốc của nhận thức đạo lý/Vom Ursprung sittlicher Erkenntnis, 1889, trong lời tựa, ông viết: Những điều tôi trình bày ở đây là một phần của “tâm lý học miêu tả”. Trong đoạn 14: “Để hiểu nguồn gốc thực của nhận thức đạo đức, chúng ta phải xem xét những kết quả nghiên cứu mới đây trong lĩnh vực tâm lý học miêu tả”. Trong đoạn 19: “Bộ diện chung của mọi việc tâm lý, thường được quy chiếu, rủi thay, bằng một từ sai lạc “ý thức”, dựa vào quan hệ chúng ta với một đối tượng. Quan hệ này được gọi là ý hướng; “nó là quan hệ với sự vật có thể không thật nhưng hiện diện như một đối tượng”. Nhà tâm lý học miêu tả nghiên cứu những cấu thành của ý thức con người, những thành tố và xác định những phương thức phối hợp của chúng. Khác với tâm lý học khởi sinh hay giải thích, tâm lý học miêu tả không quan tâm đến tình trạng nhân quả của hiện tượng tâm lý hay những quan hệ với quá trình vật lý, hóa học.
Khái niệm phi hiện hữu ý hướng được trình bày ở chương 1 quyển hai Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm: Mọi hiện tượng tinh thần đặc thị điều mà những nhà Kinh viện thời Trung cổ gọi là phi hiện hữu ý hướng (hay tinh thần) của một khách thể, và cái mà chúng ta gọi dầu không hoàn toàn bất hàm hồ là tham chiếu tới một nội dung, hướng về một đối tượng (điều mà ở đây không được hiểu là ý nghĩa một sự vật), hay nội tại về mặt khách quan. Mọi hiện tượng tinh thần bao gồm một sự vật như khách thể trong nó, dầu không phải hành động như vậy cùng một đường lối. Thèm muốm là thèm muốn một cái gì được hướng dẫn trong tư tưởng về đối tượng của thèm muốn, bất kỳ đối tượng diễn ra như thế nào. Luận cương ý hướng chỉ ra hướng niệm hiểu biết bản tính chủ yếu của tư tưởng.
Khái niệm hướng tính không phải do Brentano phát kiến, cũng không phải là người đầu tiên nhận ra hướng tính của tinh thần, song kế thừa từ Aristote và các nhà Kinh viện, như Duns Scotus, Wilhelm von Ockham. Tuy nhiên, Brentano đã xem ý hướng như cơ sở cho một triết học mang tính khoa học thường nghiệm của tinh thần. Ông đã để lại công trình nền tảng cho hiện tượng luận hiện đại và nhiều nhà triết học, từ Carl Stumpf, Meinong, Husserl, Heidegger, Sartre, Merleau-Ponty, v.v..
Joseph M. Bochenski dẫn giải liên hệ ý hướng với giảm trừ hiện tượng luận như sau: Qua kinh nghiệm sống động diễn ra toàn thể cơ bản của kinh nghiệm là kinh nghiệm về một đối tượng. Những kinh nghiệm này mang ý nghĩa “kinh nghiệm ý hướng”, và một khi chúng là ý thức (yêu, đánh giá, v.v.) về một sự vật gì, có nghĩa là “liên hệ có ý hướng” về sự vật. Khi áp dụng giảm trừ hiện tượng luận [ý tượng] vào những kinh nghiệm ý hướng như vậy, người ta đi đến chỗ nhận ra một mặt khung ý thức như một điểm tham chiếu thuần túy của ý hướng (ý thức thuần túy), mà đối tượng ý hướng được cho; mặt khác, người ta thấy một đối tượng mà giảm trừ không để lại hiện hữu nào khác, được phú cho về mặt ý hướng như chủ thể. Kinh nghiệm tự hiện như hành vi thuần túy, không gì khác hơn là quan hệ ý hướng của ý thức thuần túy về đối tượng ý hướng”.
Khái niệm phi hiện hữu ý hướng đã gây ra một cuộc tranh luận giữa những nhà triết học “lục địa” và triết học “phân tích” về đường lối lý giải. Những học giả trong cuộc tranh luận này có thể kể từ Herbert Spiegelberg, Roderick M. Chisholm, Ausonio Marras, Dale Jacquette, Joseph Margolis, Barry Smith, Dermot Moran, Tim Crane, Gabriel Segal, xu hướng dựa trên Aristote, Kinh viện, triết học phân tích, hiện tương luận, vật ngữ thuyết/Physikalismus, vật thể luận/Reism. Những học giả như Hartry Field hay W.V.Quine liên kết luận về phi hiện hữu ý hướng của tinh thần với quan niệm vật ngữ thuyết của thế kỷ XX. Segal giải thích sự quan tâm đặc biệt của Brentano tới vấn đề làm sao chúng ta có thể biểu hiện sự vật không hiện hữu ngoài tinh thần, đó là ý niệm về việc nếu nghĩ đến một sự vật không hiện hữu, như vậy là tư tưởng có đối tượng ý hướng hiện hữu. Đối tượng này không là một vật cụ thể của thực tại bên ngoài, mà là một thực thể chỉ hiện diện trong tinh thần. Tim Crane dựa vào chương I trong Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm của Brentano để giải thích Brentano không xét đến sự khu biệt giữa “đối tượng vật lý” hiện hữu và “đối tượng ý hướng” không hiện hữu. Quan điểm của Brentano rõ ràng là khoa học nghiên cứu sự vật như những hiện tượng, tự chúng không thực mà là những ký hiệu của thực tại độc lập không biết về mặt cơ bản. Ông vẫn tin tưởng có một cái gì bên ngoài hiện tượng, khi ông đối chiếu “chân lý tương đối” của những hiện tượng vật lý với những hiện tượng của tri giác nội tại là thực tự nội, khi ông viết: Tâm lý học nghiên cứu quy luật của những hiện tượng cao hơn những hiện tượng vật lý không những vì thật và thực tự chúng, mà còn cao đẹp không thể sánh được.
Học thuyết đạo đức: Bài giảng Về nguồn gốc của nhận thức đạo lý dẫn trên tại Hội Luật thành Vienne vào tháng giêng năm 1889 chính là để luận về chế tài tự nhiên của luật pháp và đạo đức/von der natürlichen Sanktion für recht und sittlich [“tự nhiên ở đây hiểu theo nghĩa những quy luật có thể được nhận biết là đúng và liên hệ vì chúng theo bản nhiên của chúng”]. Chủ đích của Brentano là để xác định những nguyên lý nhận thức đạo lý của con người dựa trên nền tảng của phân tích mới, khác với trước. Các nguyên lý này phát triển những quan niệm trong Tâm lý học từ quan điểm thường nghiệm, dựa trên những tiền quy đề, chẳng hạn như yêu và ghét là những thành tố loại (3) trong những hiện tượng tinh thần có thể được coi là đúng hay không đúng, cũng như những phán đoán có thể được coi là đúng hay không đúng. Nói một điều gì A thì tốt như thể nói không thể yêu A một cách không đúng, nghĩa là xác quyết loại bỏ những người yêu A không đúng. Tương tự như vậy, nói A là xấu là xác quyết loại bỏ những người ghét A không đúng. Cách duy nhất để nắm vững khái niệm cảm xúc đúng, theo Brentano, là đối phản những trường hợp cảm xúc thực được “đánh giá là đúng” với những trường hợp cảm xúc không đúng.
Một tác phẩm đạo đức khác của Brentano - Grundlegung und Aufbau der Ethik/Cơ sở và cấu trúc đạo đức là tập hợp những bài giảng lần đầu từ năm 1876 do F. Mayer-Hillebrand biên tập và xuất bản năm 1952 cho thấy lý luận đạo đức trong hai tác phẩm nói trên giống nhau. Khi đặt vấn nạn về những nguyên lý cơ bản có trực tiếp là những phán đoán hiển nhiên (như một loại quan hệ ý hướng mà trong đó, những trực giác tự nội cho ta nhận thức trực tiếp). Trong Cơ sở và cấu trúc đạo đức, Brentano chỉ ra việc con người có thể nghĩ một phán đoán hiển nhiên, song thực tế không phải vậy: Trong những trường hợp như vậy, chúng ta phải sửa đổi phán đoán của mình; song, nếu trước đó có người nói với chúng ta là xác tín tin tưởng của chúng ta là một sai lầm, hay thiếu an toàn trực tiếp, chúng ta cũng phản bác mạnh mẽ. Mặt khác, có thể nghĩ một phán đoán không hiển nhiên trong khi thực sự như vậy, là vì những tri giác nội tại hiển nhiên trong trường hợp bản nhiên, nó có tính cách riêng tư.
Quan điểm về hiển nhiên và chân lý của Brentano được trình bày trong di cảo Wahrheit und Evidenz/Chân lý và hiển nhiên do Alfred Kastil biên tập và xuất bản năm 1930. Brentano đặc thị chân lý tham chiếu với hiển nhiên vì “chân lý đi đôi với phán đoán của con người phán đoán đúng, vì thế nó gắn liền với phán đoán của con người xác quyết điều gì con người phán đoán với hiển nhiên xác quyết”. Phán đoán hiển nhiên trực tiếp gồm hai loại: Phán đoán thuộc tri giác nội tại và phán đoán của lý trí hay tri thức/Einsichten, chẳng hạn như phán đoán hai vật thì nhiều hơn một vật, cái gì đỏ thì khác với cái gì xanh, v.v.. Mọi phán đoán hiển nhiên thì thật, song không phải mọi phán đoán thật thì hiển nhiên. Những phán đoán thuộc tri giác ngoại tại thì thật song không hiển nhiên. Brentano cũng xét lại tam đoạn luận dựa trên lý luận phán đoán của ông và do vậy, theo ông, không phải phán đoán khẳng định thì phổ cập và không phải phán đoán phủ định thì đặc thù.
Vị trí của Brentano trong lịch sử triết học khá quan trọng, vì ông được xem là người khai phá cho triết học Áo, với nhiều môn đệ nổi tiếng, như Alexius Meinong, Anton Marty, Carl Stumpf, Christian von Ehrenfels; những triết gia Ba Lan, như Kasimir Twardowski, Tadeusz Kotarbinski. Ông còn được biết đến với tư cách người thầy của Husserl, cha đẻ ra Hiện tượng luận hiện đại và Heidegger. Ông có ảnh hưởng rõ ràng đến luận án của Heidegger về tâm lý học và xu hướng tâm lý học đầu tiên ở Husserl (cho đến khi bừng tỉnh vì ảnh hưởng của Frege). Quan niệm về ý thức thời gian ở khái niệm trì động/ Retention của Husserl chịu ảnh hưởng của khái niệm “liên tưởng nguyên ủy” của Brentano.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tuy ảnh hưởng triết học Brentano đã mờ nhạt trước phong trào hiện tượng luận ở lục địa châu Âu, song quan niệm về phương pháp luận triết học và ý hướng tính vẫn quan trọng đối với triết học phân tích và ngôn ngữ Anh - Mỹ, nhất là qua những di cảo được xuất bản sau khi Brentano đã mất.
Những tác phẩm chính của ông, ngoài những sách đã dẫn trên, là: Über die Gründe der Entmutigung auf philosophischen Gebiete, 1874; Was für Philosophie manchmal Epoche macht, 1876; Die vier Phasen der Philosophie, 1926; Über den Creatianismus des Aristoteles, 1882; Das Genie, 1892; Das Schlechte als Gegenstand dichterischer Darstellung, 1892; Grundzüge der Ästhetik, 1959; Über die Zukunft der Philosophie, 1893; Untersuchungen zur Sinnepsychologie, 1907; Von der Klassifikation der psychischen Phänomene, 1911; Kategorienlehre, 1933.
Sigmund Freud. Tôi chỉ nói đến Freud (1856 - 1939) trong lĩnh vực khoa học. Người ta đã thử hỏi, có phải Freud cũng giống như trường hợp Galilée, có nghĩa là ngày nay, các ông này chỉ là những cái tên ghi trong lịch sử khoa học? Nhà vật lý học không cần học hỏi ở Galilée nữa? Phân tâm học của Freud quả thật có một vị trí đặc biệt trong khoa y học – không phải chỉ là một bộ phận trong những khoa tâm bệnh luận, tâm trị liệu (psychopathology, psychiatry), mà ở một vị trí ngang bằng vì khai phá ra một khoa học mới: Phân tâm học?
Ở vị thế người khởi xướng, Freud quan niệm khoa phân tâm học là một khoa học tự nhiên (natural science) đã gây tranh cãi ở những triết gia thông diễn học (như Paul Ricœur, Jürgen Habermas). Khác với xu hướng đương đại coi lĩnh vực nhân văn là đối tượng của những khoa học tinh thần (Geisteswissenchaften), Freud khẳng định: Trí thức và tinh thần là những đối tượng nghiên cứu khoa học theo một đường lối đúng như bất kỳ những sự vật nào khác với con người... Phân tâm học có quyền đặc biệt nói đến thế giới quan (Weltanschauung) khoa học.
Thế giới quan ấy đã mở ra một cuộc cách mạng, như Wilhem Reich đã gọi nó là cách mạng tình dục. Tại sao vậy? Tình dục vốn là một vấn đề có căn để từ thuở có người, biết phân biệt phái giống. Một khai phá khác trong phân tâm học: “Vô thức”, cũng không phải là phát hiện đầu tiên từ Freud. Ngay một quan niệm: Con gái là hữu thể nhận biết mình từ khi nhận ra là người thiếu dương vật, cũng không phải là phát hiện đầu tiên của Freud. Song, quả thực, Freud đã làm một cuộc cách mạng, như C.Mác đã làm cuộc cách mạng trên bình diện xã hội, hay Einstein trên bình diện tự nhiên. Cuộc cách mạng của Freud trên bình diện tâm lý mở ra một cái nhìn mới về thế giới con người, như Léon Chertok nhận định: “Cách mạng phân tâm học đã biến đổi triệt để và tạo ra những khái niệm về vô thức và quan hệ khách thể vốn liên hệ mật thiết được triển khai - mối tương hỗ này không chỉ giới hạn trong lĩnh vực y học, nhưng đã tác động sâu xa đến mọi lĩnh vực văn hoá hiện đại”.
Để có một cái nhìn toàn diện ảnh hưởng này như thế nào, thử xét đến toàn cảnh vận động phân tâm học: Trước hết, phong trào hoạt động phân tâm học đã có một lịch sử, từ quan niệm trị liệu chạy điện (Electrotherapy) sang phương pháp thôi miên, liên tưởng tự do, thanh tẩy tiến đến nền tảng phân tâm trị liệu những bệnh cuồng (hysteria) đã làm thay đổi cục diện ngành y học này; một đội ngũ tiêu biểu, như Adler, Jung, Bleuler đã phát triển phân tâm học (cũng như những khoa học khác, để phát triển tất yếu có xung đột và bất đồng); lý luận được thử nghiệm kinh qua thực tiễn.
Ở Freud, những khai phá tâm thức con người vẫn hằn dấu những ám ảnh, như mặc cảm Œdipe, bản năng tính dục xung hoà với bản năng chết, nguyên lý thực tế đối lập với nguyên lý khoái lạc, vô thức như thể hiện tượng tâm thần lộ diện trong những giấc mộng, trong lời nói nhịu (lapsus linguae), trong những ứng xử hụt hẫng... Con người, kể từ khi có quan niệm của Freud, không còn trong vòng vây toả thiện - ác, nhưng là một hiện thể như Freud nhận xét: Wo es war soll Ich werden (Nó là chỗ nào tôi trở thành), đánh dấu dòng tư tưởng nhân loại tiến đến chỗ cáo chung, mở màn bằng phán đoán: Con người đã chết. Trong những năm cuối đời, trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, ông đã ghi lại bằng những lời tiên đoán qua (những tác phẩm): Die Zukunft einr Illusion (Tương lai của một ảo ảnh), Das Unbehagen in der Kultur (Nỗi bất hạnh trong văn hóa, văn minh),...