Tìm kiếm

TRIẾT HỌC TRẦN ĐỨC THẢO - DẤU GẠCH NỐI GIỮA HIỆN TƯỢNG HỌC VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG

01/02/2024

Tạp chí Triết học, số 6, năm 2013

NGUYỄN THỊ TOAN (*)

Trần Đức Thảo là nhà hiện tượng học hay là nhà triết học duy vật biện chứng? Bài viết này khẳng định: Trần Đức Thảo là nhà hiện tượng học - duy vật biện chứng. Để luận giải cho điều này, tác giả đi từ việc phân tích bản chất của hiện tượng học đến quan niệm của Trần Đức Thảo về hiện tượng học Husserl. Đánh giá khách quan, trung thực về những đóng góp cũng như hạn chế của hiện tượng học để từ giã hiện tượng học, Trần Đức Thảo đã đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông đã kế thừa và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng trên nhiều phương diện, chủ yếu là lý luận về con người và phép biện chứng. Song, dấu ấn hiện tượng học trong triết học Trần Đức Thảo vẫn đậm nét, khi ông chắt lọc và cải biến những tinh túy của hiện tượng học về ý thức luận, về cái hiện tại sinh động để cấu thành nên hiện tượng học - duy vật biện chứng. Bởi vậy, có thể nói, triết học Trần Đức Thảo là sự tích hợp hữu cơ những giá trị tích cực của hiện tượng học với chủ nghĩa duy vật biện chứng thành một chỉnh thể thống nhất.

 

 

Trần Đức Thảo là nhà triết học mácxít (duy vật biện chứng) hay nhà hiện tượng học? Đại đa số ý kiến khẳng định Trần Đức Thảo là nhà triết học mácxít, là người đã chuyển từ hiện tượng học - “đứa con tinh thần” để đến với chủ nghĩa Mác, trở thành nhà triết học mácxít. Một số học giả lại cho rằng, mặc dù đã tuyên bố chối bỏ hiện tượng học, song từ trong bản chất, Trần Đức Thảo vẫn là nhà hiện tượng học. Trong Từ điển Bách khoa Hiện tượng học, Daniel J.Herman gọi Trần Đức Thảo là nhà mácxít và nhà hiện tượng học đặc sắc. Trong cuộc đối thoại với một nhà thơ, khi được hỏi: “Nên định nghĩa về anh như thế nào, là nhà hiện tượng học hay nhà mácxít?”, Trần Đức Thảo trả lời: “Phải có cái gạch nối: Hiện tượng học - mácxít, đúng hơn, nên gọi tôi là nhà duy vật biện chứng nhân bản”. Theo đó, có thể nói, Trần Đức Thảo là “nhà hiện tượng học - mácxít”, là triết gia của sự tiếp biến, giao thoa giữa các trường phái triết học và các nền văn hóa, là người tạo dấu gạch nối giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng.*

1. Trần Đức Thảo với hiện tượng học

Hiện tượng học là một trào lưu triết học phi duy lý ra đời ở Đức vào nửa cuối thế kỷ XIX. Ngay sau khi mới ra đời, hiện tượng học đã lan tỏa nhanh chóng ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nước Pháp; đồng thời, có ảnh hưởng sâu sắc tới nhiều trào lưu triết học và nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội hiện đại. Hiện tượng học đã có mầm mống trong triết học cổ điển Đức, từ ý tưởng của I.Kant muốn xây dựng hiện tượng học đại cương thành một bộ môn có nhiệm vụ xác lập ranh giới giữa cảm giác và tính độc lập của các phán đoán trong lý tính thuần túy. Song, người thực sự khiến cho hiện tượng học trở thành một trào lưu triết học là Edmund Husserl (1859 - 1939) - nhà triết học người Đức. Cống hiến lớn nhất của hiện tượng học là mở ra phương pháp mới cho triết học phương Tây hiện đại. Đó là: Con người, bằng kinh nghiệm và trực giác thuần túy, xuyên qua những hiện tượng, tìm ra cấu trúc siêu nghiệm của ý thức và bản chất thuần túy của thực tại. Không chỉ thế, hiện tượng học còn được coi là một nỗ lực truy tìm tính chất nguyên thủy, hoang sơ, chưa bị bóp méo của các sự vật, hiện tượng bằng phương pháp quy giản hiện tượng học.

Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động nghiên cứu khoa học từ việc tiếp cận với hiện tượng học qua luận văn thạc sĩ Phương pháp hiện tượng luận Husserl và được coi là một trong những nhà triết học đầu tiên đưa hiện tượng học vào nước Pháp qua Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng - tác phẩm đã gây một tiếng vang lớn, làm sửng sốt giới triết học Pháp và châu Âu, giúp cho giới triết học Pháp hiểu rõ hơn về hiện tượng học. Phần thứ nhất của tác phẩm này (Phương pháp hiện tượng học và nội dung thực sự thực tế của nó) được các chuyên gia về hiện tượng học công nhận là nghiêm túc và trung thực: “Họ phải công nhận là vào thời đó, ít có người (trừ Merleau Ponty) có đủ tài nắm vững và diễn tả hiện tượng học một cách rõ ràng minh bạch như người thanh niên họ Trần tên Thảo”([1]).

Nghiên cứu hiện tượng học Husserl, Trần Đức Thảo đã khẳng định cái cốt lõi của hiện tượng học là “khoa học trực giác cái bản chất”, là “thấu niệm của ý thức được thanh lọc bởi sự quy giản siêu nghiệm” và tư tưởng cốt lõi của nó là “quay trở lại với chính các sự vật và tìm lại ý nghĩa của bản thể trong sự phong phú về chân lý của nó”([2]). Sự thấu niệm của ý thức giúp ta nhận ra bản thể đích thực của sự vật và để đạt tới sự thấu niệm này, cần phải có sự thống nhất chặt chẽ giữa tư duy và bản thể với những nguyên lý, phương pháp tiếp cận chủ yếu sau đây:

1) Nguyên lý tiếp cận cơ bản của hiện tượng học Husserl, “nguyên lý của hết thảy mọi nguyên lý” là “tất cả cái gì tự phô ra với chúng ta trong trực giác một cách nguyên gốc - “phải được tiếp nhận đơn giản như nó được cho”. Nói cách khác, đó là việc quay trở lại với chính sự vật trong hiện tại sinh động của nó: “Sự thật là nguyên gốc hay tri giác, khi nó xuất hiện trong vẻ tươi mát của sự khám phá đầu tiên”(3).

2) Phương pháp quy giản hiện tượng học của Husserl là gác lại, kiềm chế, làm sạch những suy đoán trong những nghiên cứu trước đó, từ đó dùng các thủ thuật kiến tạo đa dạng để tái tạo một cách sáng tạo thế giới. Khi đó, con người có thể tự bằng lòng với việc tránh lựa chọn một thái độ trong khi vẫn tiếp tục sống một cách tự nhiên. Ý thức vốn có trong bản thân nó một bản thể riêng của nó, một bản thể nguyên gốc trong dòng chảy của cái đã sống trải. Trong dòng chảy ấy, ý thức từ bỏ thế giới để quay về với sự tồn tại tuyệt đối chính mình - ý thức thuần túy, ý thức siêu nghiệm.

Từ chỗ làm sáng tỏ những vấn đề của hiện tượng học Husserl, Trần Đức Thảo đã đánh giá một cách khách quan, trung thực cống hiến của hiện tượng học. Theo ông, công lao chính của hiện tượng học là đã “triệt để thanh toán chủ nghĩa hình thức trong chiều hướng phát triển của chính chủ nghĩa duy tâm và đã đặt tất cả các vấn đề về giá trị trên mảnh đất của cái cụ thể” và đề ra phương pháp quy giản hiện tượng học với “nội hàm sáng sủa” mà nhờ nó, “chúng ta siêu nghiệm được thế giới để trở về với nguồn gốc của nó”, trở về với chính sự vật, nhận thức nó với tất cả sự sinh động của nó để từ đó, tự nguyện chấp nhận mọi sắc thái của cuộc sống(4). Với phương pháp này, hiện tượng học đã “sửa lại một cách có hệ thống sự vận động qua đó tư duy tự nhiên ở một số thời điểm khủng hoảng đặt các sự thật của chính nó thành vấn đề trong sự quay trở về tự phát với ý thức của bản thân”, từ đó, “đem lại quy chế mới cho các khoa học thực nghiệm, bằng cách làm tan biến tính chất phác ngây thơ, nó ngăn cản việc “hiểu biết các sản phẩm của chính họ, khi tính chủ định tạo ra chúng vẫn còn ở trong tình trạng chưa xác định”; và trong khi “khoa học hiện đại bị hòa tan trong vô số các kỹ thuật chuyên môn hóa”, thì hiện tượng học đã “cho phép các khoa học này tìm lại được tính chân thực của chúng”(5). Bởi vậy, hiện tượng học đã trở thành phương pháp luận cho nhiều ngành khoa học phương Tây hiện đại.(3)

Tuy nhiên, theo Trần Đức Thảo, hiện tượng học cũng chứa đựng những hạn chế cần phải vượt qua. Đó là:

1) Hiện tượng học không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm khi chỉ dừng ở việc mô tả thế giới như nó vốn có mà không hướng tới việc cải tạo thế giới. Theo Trần Đức Thảo, cả Hegel và Husserl đều duy tâm khi chưa thấy được mối liên hệ khăng khít giữa ý thức với lịch sử của sự sống. Cuộc sống trong hiện tượng học chỉ là sự phản ánh một cách trừu tượng cuộc đời thật, chưa phản ánh được những khía cạnh vật chất cụ thể của cuộc đời. Hiện tượng học nói tới con người chung chung, trừu tượng, phi giai cấp mà thờ ơ với thực tế đời thường và cuộc đấu tranh của những con người bị áp bức. Nó không giải quyết được những vấn đề mà chính nó đã đặt ra như C.Mác nói: “Nhân loại chỉ đặt ra cho mình những vấn đề mà nó có khả năng giải quyết. Đến đây, lý thuyết hiện tượng học đã trở nên chật hẹp, vênh lệch với sự vận động của thực tiễn: “Chính phương hướng của hiện tượng học đã làm cho cái nhìn của nhà hiện tượng học rời khỏi các dữ kiện hiện thực mà thực ra chúng quy định nên nội dung thực sự cho suy nghĩ của ông ta”(6).

2) Từ chủ nghĩa duy tâm siêu nghiệm, hiện tượng học đã sa vào tương đối luận. Trần Đức Thảo chỉ ra rằng, về thực chất, cái tôi siêu nghiệm của Husserl cũng chỉ là ý thức của mỗi con người trong kinh nghiệm của chính họ. Ý thức ấy không thể là cái tôi siêu nghiệm cấu thành nên ý nghĩa của thế giới ở ngoài không gian và thời gian. Phát biểu của Husserl: “Người thương nhân trên thị trường có chân lý riêng của anh ta” là một phát biểu mang tính chất tương đối luận.

3) Từ tương đối luận, hiện tượng học có khả năng dẫn con người tới chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa hoài nghi tiêu cực. Chủ nghĩa hiện sinh - sự tiếp nối của hiện tượng học là một minh chứng cho điều này. Con người, trong chủ nghĩa hiện sinh, là con người khắc khoải, cô đơn mà ý nghĩa của cuộc đời là “hiện hữu hướng tới cái chết” (Heidegger); còn tha nhân thì chỉ như một kẻ phản bội mang đầy hiểm họa. Trong Lời mở đầu của Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo cho rằng hiện tượng học là tiếng nói của tầng lớp thượng lưu trong xã hội tư bản, bởi trong khi mượn cớ “bảo vệ tinh thần” để đẩy lùi sự vận động thực tế của tiến bộ loài người, tư tưởng tư sản đã thực sự tự cắt đứt khỏi cội nguồn những giá trị tinh thần của chính nó và cũng do vậy, nó thậm chí, còn dẫn đến một sự tan rã từ bên trong(7). Cuộc cách tân của hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh hướng tới bản thể nhân vị, một mặt, thể hiện khát vọng tự do tinh thần mãnh liệt; mặt khác, cũng ẩn chứa sự bế tắc, khủng hoảng của con người trong xã hội tư bản.(6)

Nhận rõ những hạn chế đó của hiện tượng học, Trần Đức Thảo đã khẳng định: “Chúng ta buộc phải vứt bỏ không những tính tổng thể của học thuyết Husserl mà ngay cả phương pháp của nó trong chừng mực nó bị xơ cứng biến thành các công thức trừu tượng”; chúng ta “phải chuyển sang quan điểm khách quan, giải phóng mình khỏi các khái niệm lý luận của hiện tượng học do những nhu cầu kỹ thuật của thực tiễn công việc mô tả”(8). Từ đó, ông đã tìm ra quan điểm khách quan, khoa học để giải quyết những bế tắc này ở chủ nghĩa duy vật biện chứng.

2. Trần Đức Thảo với chủ nghĩa duy vật biện chứng

Nhận thức rõ những hạn chế của hiện tượng học, Trần Đức Thảo đã tuyên bố chia tay với trào lưu triết học này để đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ông cho rằng, “các phân tích hiện tượng học cụ thể chỉ có thể thấy hết được ý nghĩa của chúng và được phát triển đầy đủ trong phạm vi của chủ nghĩa duy vật biện chứng”(9). Tuy nhiên, những hạn chế của hiện tượng học không phải là nguyên nhân căn bản đưa ông đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà đó là những nguyên nhân sau đây:

1) Trên phương diện lý luận, Trần Đức Thảo đã nghiên cứu sâu sắc và nắm được tinh thần căn bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng để thấy rằng, chỉ có nó mới có khả năng san lấp những lỗ hổng của hiện tượng luận. Không phải vô cớ mà ông trích dẫn lời C.Mác: “Nhân loại chỉ đặt ra cho mình những vấn đề mà nó có khả năng giải quyết. Trong bối cảnh lịch sử nửa đầu thế kỷ XX, chỉ có chủ nghĩa duy vật biện chứng mới có khả năng giải quyết những vấn đề mà nhân loại đặt ra. Triết học Mác không chỉ đặt vấn đề giải thích thế giới, mà điều quan trọng là cải tạo thế giới - thế giới của áp bức, bóc lột, chiến tranh, phân cực giàu nghèo, khủng hoảng niềm tin, đổ vỡ tình người. Triết học Mác đặt ra cho mình nhiệm vụ trở thành ngọn cờ lý luận cho cuộc đấu tranh giải phóng con người khỏi thế giới ấy để xây dựng một thế giới mới tốt đẹp hơn. Vén bức màn thần bí duy tâm mà các nhà triết học trước đó đã che phủ lên lịch sử, C.Mác đã sáng tạo nên quan điểm duy vật về lịch sử: Xuất phát từ quan niệm đúng đắn về thực tiễn, căn bản nhất là thực tiễn sản xuất vật chất của người lao động để phân tích sự hình thành và phát triển của xã hội loài người. Theo Trần Đức Thảo, “chân lý của chủ nghĩa duy vật biện chứng được chứng minh trong phép biện chứng lịch sử hiện thực, trong đó các ý niệm của giai cấp thống trị cũ được dần dần nhận ra trong chính ý thức của họ như là những kết quả giản đơn của các điều kiện vật chất mà họ sống dưới sức ép của một sự vô sản hóa không ngừng, từ đó suy ra rằng tính vật chất là nguồn gốc thật sự của mọi ý nghĩa và mọi giá trị”(10). Không chỉ thế, ông còn nhận thấy chủ nghĩa Mác - Lênin là phương pháp luận khoa học để giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn. Từ đó, ông đã tự giải phóng mình khỏi chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của hiện tượng học Husserl để đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. (9)

2) Trên phương diện thực tiễn, bối cảnh lịch sử thế giới nửa đầu thế kỷ XX và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, phong kiến ở Việt Nam đã thôi thúc Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trong bối cảnh thế giới diễn ra hai cuộc chiến tranh lớn, khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc, ông đã đến với học thuyết Mác - Lênin - học thuyết về sự giải phóng con người, như một lẽ đương nhiên của một người trí thức có tâm. Cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc ở Việt Nam dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã thức tỉnh con người yêu nước Trần Đức Thảo, dẫn ông đến với chủ nghĩa Mác - Lênin.

Như vậy, có thể nói, Trần Đức Thảo giã từ hiện tượng học để đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng là vì những hạn chế của hiện tượng học, vì giá trị khoa học và giá trị nhân văn sâu sắc của chủ nghĩa duy vật biện chứng, vì không khí cách mạng của thời đại và của đất nước, song vượt lên tất cả là vì tình yêu máu thịt của ông đối với Tổ quốc, với nhân dân. Có thể vận dụng tư tưởng sau đây của C.Mác để nói về triết gia Trần Đức Thảo: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất; họ là sản phẩm của thời đại của mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học”(11).

Trần Đức Thảo đã thể hiện một sự hiểu biết chính xác, sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa duy vật biện chứng. Những hiểu biết này thể hiện bước đầu trong phần II của Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trên cái nền của sự hiểu biết ấy, ông đã phát triển sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng trong bối cảnh lịch sử mới qua một loạt công trình, tiêu biểu là các tác phẩm: Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức; Vấn đề con người và chủ nghĩa Lý luận không có con người”; Sự hình thành con người,... Trần Đức Thảo kế thừa và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng chủ yếu trong lý luận về con người và phép biện chứng duy vật.

Trong lý luận về con người, khi nắm vững hạt nhân của chủ nghĩa Mác là tư tưởng giải phóng con người, Trần Đức Thảo xác định nhiệm vụ của triết học là: “Cần phải phát triển nhận thức của con người và tái thực hiện sự thống nhất biện chứng giữa lý thuyết và thực tiễn trong một sự hiểu biết toàn cầu về lịch sử thế giới đòi hỏi phải có mối liên hệ gắn bó với cuộc đấu tranh giai cấp của quần chúng với mặt tích cực của quan hệ xã hội cũ, và các yêu cầu của sự tiến bộ con người”(12). Bởi vậy, ông đã dành nhiều tâm huyết của mình cho việc nghiên cứu lý luận về con người. Trong phần II của Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, ông đã vận dụng phép biện chứng duy vật để làm rõ mối quan hệ giữa người với người và các quan hệ xã hội khác là quan hệ biện chứng giữa hai mặt bản chất và hiện tượng chứ không phải là một chuỗi các hiện tượng lẻ tẻ, rời rạc. Con người tồn tại trong một hệ thống chung mà hiện tượng là phương thức sinh thành và phát triển của nó. Hệ thống chung ấy được ông gọi là “cơ thể phi cơ thể”, là “sự kéo dài của chính cơ thể mình thông qua tổ chức xã hội của cộng đồng”, là giới tự nhiên đã được cải biến bởi hoạt động lao động của con người. 11

Trên lập trường duy vật biện chứng, Trần Đức Thảo nghiên cứu con người từ xuất phát điểm là hoạt động sản xuất vật chất. Từ hoạt động cơ bản ấy đã hình thành nên các hoạt động khác, quy định sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Tư duy xuất hiện bên trong hệ thống chung mà từng con người riêng rẽ đã ở trong đó từ đầu, chứ không đứng tách biệt hoặc đối diện với nó. Theo ông, “bản thân con người là một sự hiện diện khép kín, vừa mang tính chủ quan với tư cách là chính nó, đồng thời vừa mang tính khách quan trong điều kiện tự nhiên vô cơ của việc nó tồn tại”(13). Và khi xác định rằng “một lý thuyết chỉ có ý nghĩa thông qua thực tiễn”, ông đã nghiên cứu con người trong những mối quan hệ hiện thực. Đó là “những mối quan hệ xã hội được sản sinh một cách khách quan bởi tác động qua lại của những con người độc lập với ý muốn của họ” và “tổng hòa các quan hệ xã hội từ thời cội nguồn của con người khéo léo, trong phép biện chứng phổ biến của lịch sử loài người”(14). Với quan niệm này, Trần Đức Thảo cho rằng, “bản chất của con người như là tổng hòa các quan hệ xã hội được tạo lập từng nấc từ cội nguồn cho đến thời kỳ hiện tại”(15).

 Như vậy, có thể nói, sự sáng tạo của Trần Đức Thảo trong lý luận về con người chính là ở chỗ, ông đã nghiên cứu sâu sắc về sự hình thành con người và bản chất con người trong sự biến đổi qua từng thời kỳ lịch sử, đặc biệt là truy tìm vào chiều sâu của ý thức con người. Ông cũng đã bước đầu đề cập tới khả năng tha hóa con người trong chủ nghĩa xã hội. Đó là những vấn đề mà các nhà kinh điển mácxít chưa có điều kiện nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện. Những nỗ lực của ông trong việc nghiên cứu về con người, một mặt, nhằm bảo vệ triết học Mác trước ý kiến cho rằng triết học Mác bỏ qua vấn đề con người; mặt khác, nhằm khắc phục sự khủng hoảng của con người phương Tây hiện đại.

Bên cạnh vấn đề con người, Trần Đức Thảo còn nghiên cứu để bổ sung cho chủ nghĩa duy vật biện chứng những vấn đề lý luận về thời gian, tính hướng đích của lịch sử, lịch sử phổ quát, lôgíc hình thức và lôgíc biện chứng...(13)

Trong lý luận về phép biện chứng, để bảo vệ phép biện chứng mácxít, Trần Đức Thảo đã tích cực phê phán phương pháp tư duy siêu hình mới trong chủ nghĩa xã hội. Đó là việc lấy danh biện chứng để giải thích sai lệch về chủ nghĩa Mác và giải quyết những vấn đề của cuộc sống, dẫn tới sai lầm của bệnh máy móc, giáo điều, chủ quan duy ý chí. Vì vậy, ông yêu cầu đổi mới tư duy là phải khôi phục lại tư duy biện chứng của các nhà kinh điển. Ông cũng phát triển sáng tạo phép biện chứng duy vật trong lý luận về cái chung và cái riêng, biện chứng của mâu thuẫn, cái trung gian (= cái trung giới), chân lý và sai lầm... Trên cơ sở kinh điển và chứng minh bằng thực tế, ông đã luận giải sáng tạo và đầy thuyết phục về phạm trù cái chung - cái riêng: Cái chung là cái vừa trừu tượng, vừa cụ thể; vừa là bộ phận, vừa là chỉnh thể (khác với cách luận giải của các tài liệu triết học từ trước tới nay). Từ mối quan hệ giữa chân lý và sai lầm, ông cũng đã có cách hiểu mềm dẻo về biện chứng của mâu thuẫn: Từ chỗ chỉ ra những mặt đối lập và mối liên hệ của chúng trong mâu thuẫn, cần phải thấy được sự chuyển hóa giữa chúng, bởi chúng đều tồn tại trong một chỉnh thể thống nhất - đồng nhất - đồng chất. Đặc biệt, ông đã làm rõ nội hàm của cái trung gian: “Hiểu theo nghĩa khái quát nhất, trung gian là sự thống nhất của phủ định với sự phủ định cái phủ định, thể hiện phép biện chứng của việc chuyển một hệ thống lịch sử sang hệ thống thứ hai cao hơn, mà sự phát triển của nó bao hàm việc lấy lại một số yếu tố của hệ thống thứ nhất, mở đường cho sự chuyển lên hệ thống thứ ba còn cao hơn nữa”(16). Nói cách khác, sau lần phủ định thứ nhất, ta được cái trung gian kế thừa những giá trị tích cực của cái bị phủ định, tạo tiền đề cho sự phát triển trong cái phủ định tiếp theo - phủ định của phủ định. Việc nắm được bản chất của cái trung gian có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nhất là trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội để không phủ định sạch trơn, để biết kế thừa có phê phán quá khứ, bắc những nhịp cầu trung gian mềm dẻo, thích hợp đi lên chủ nghĩa xã hội.

3. Dấu ấn hiện tượng học trong triết học Trần Đức Thảo

Đến đây, chúng tôi quay trở lại vấn đề dấu gạch nối trong triết học Trần Đức Thảo. Trần Đức Thảo có vĩnh biệt hiện tượng học như lời ông tuyên bố trong bài báo Vĩnh biệt chủ nghĩa hiện sinh: Hiện tượng học tinh thần và nội dung hiện thực của nó (Thời đại mới - tháng 9/1948) hay không? Thực chất thì ông chỉ đoạn tuyệt với những hạn chế của hiện tượng học chứ không đoạn tuyệt với những giá trị tích cực của nó. (16)

Thật vậy, trong những tác phẩm sau này, Trần Đức Thảo vẫn nhiều lần trở lại với hiện tượng học. Điều này không những không làm giảm, mà còn làm tăng giá trị triết học của ông. Bởi hiện tượng học là một trường phái triết học có giá trị, có ảnh hưởng tới triết học phương Tây hiện đại. Mặt khác, giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biệt chứng có những điểm tương đồng không thể phủ nhận được. Hiện tượng học cho rằng thực tại luôn trong quá trình xuất hiện, luôn gắn với thế giới và lịch sử. Còn chủ nghĩa duy vật biện chứng thì cho rằng thế giới luôn trong quá trình kiến tạo không ngừng. Hiện tượng học nhằm tới sự thông hiểu thế giới hiện tại; còn chủ nghĩa duy vật biện chứng thì nhằm tới sự thay đổi thế giới. Cả hai có thể bổ túc cho nhau. Thái độ của Trần Đức Thảo đối với hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng là thái độ của một nhà khoa học chân chính. Được đào tạo tại Pháp - cái nôi của triết học phương Tây, lại có thời gian dài nghiên cứu hiện tượng học của Husserl, việc ông tiếp thu tinh thần của hiện tượng học là lẽ đương nhiên. Bởi vậy, hiện tượng học đã ngấm trong máu thịt của ông, để mặc dù tuyên bố là từ bỏ nó, thậm chí vĩnh biệt nó, song trong từng trang viết của ông vẫn mang hơi hướng của hiện tượng học. Điều đó thể hiện qua cả nội dung triết học lẫn hình thức ngôn ngữ diễn đạt của ông.

Triết học Trần Đức Thảo là triết học về ý thức luận. Đây chính là điểm mà các nhà triết học duy vật biện chứng chưa có điều kiện bàn tới một cách sâu sắc, nhưng lại là thế mạnh của hiện tượng học. Vấn đề về cái hiện tại sinh động được ông trình bày trong Luận lý hiện tại sinh động. Có thể nói, công trình nghiên cứu này là một minh chứng điển hình cho sự hòa quyện hữu cơ giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng trong triết học Trần Đức Thảo. Ông đã phân tích cái hiện tại sinh động trong sự thống nhất chặt chẽ giữa lôgíc hình thức và lôgíc biện chứng. Tác phẩm đã dẫn người đọc hội nhập vào thời gian để hình dung được sự chuyển động của một hiện hữu trong thời gian, khám phá hiện tại sinh động với ba chiều hội nhập của thời gian: Chiều dài của bản thân sự trôi chảy, chiều sâu của sự lắng đọng tồn trữ và chiều rộng diễn tả sự đồng thời trong tương quan với hiện trạng của thế giới. Với văn phong hiện tượng học, Trần Đức Thảo đã mô tả sinh động tính đồng nhất cụ thể của cá thể sinh học trong sự trở thành của nó ở giây lát hiện tại. Có thể nói, nếu hiện tượng học mô tả thực tại sống động trong trạng thái nguyên thủy, thì chủ nghĩa duy vật biện chứng là sự trừu tượng hóa thực tại, xuyên qua những dích dắc ngẫu nhiên của lịch sử để tìm ra bản chất quy luật vận động, phát triển của thế giới trong dự phóng tới tương lai. Triết học Trần Đức Thảo là sự tích hợp hữu cơ những giá trị tích cực của hiện tượng học với chủ nghĩa duy vật biện chứng thành một chỉnh thể thống nhất. Những nghiên cứu sáng tạo trong triết học của ông về ý thức, về sự hình thành con người, về thời gian tính, hiện tại sinh động và phép biện chứng,... là những minh chứng sinh động cho điều này.

Có thể nói, khi kế thừa có phê phán hiện tượng học, đặt nó trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng để xây dựng triết học hiện tượng học - duy vật biện chứng, đó là đặc thù của triết học Trần Đức Thảo. Những đóng góp quý báu của ông đã dẫn ông đi vào lịch sử triết học nhân loại một cách hoàn toàn chính danh. Triết học Trần Đức Thảo gợi ý cho chúng ta rằng, trong thời đại ngày nay, việc tích hợp những giá trị triết học Đông - Tây để nâng tầm tư duy lý luận của dân tộc là một hướng đi cần thiết. 


(*) Tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

([1]) Trần Văn Đoàn. Hiện tượng học tại Việt Nam (Tham luận tại Hội nghị quốc tế về hiện tượng học, Đại học Oxford, GB, 07 - 2004).

([2]) Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.86,31.

(3) Xem: Trần Đức Thảo. Sđd., tr.27,92.

(4) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.176,140.

(5) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.177,180,181.

(6) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.18.

(7) Xem: Trần Đức Thảo. Sđd., tr.23.

(8) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.18.

(9)  Trần Đức Thảo. Sđd., tr.17.

(10)  Trần Đức Thảo. Sđd., tr.27.

(11) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.56.

(12) Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.16.

(13) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.16.

(14)  Trần Đức Thảo. Sđd., tr.113.

(15) Trần Đức Thảo. Sđd., tr.106.

(16)  Trần Đức Thảo. Sđd., tr.10.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007