Vấn đề nguồn gốc vũ trụ đã được đặt ra từ thời kỳ hình thành các nền triết học thế giới. Nó phản ánh sự tò mò của con người muốn biết thế giới xung quanh mình là gì, được bắt đầu từ đâu và vị thế của bản thân nó trong thế giới ấy như thế nào. Triết học phương Đông cũng không nằm ngoài hiện tượng đó. Tuy nhiên, khác với bản thể luận trong triết học Ấn Độ cổ đại vốn quan niệm nguồn gốc thế giới là các nguyên tử từ các thực thể vĩnh hằng, bao gồm cả những yếu tố tinh thần, và cũng khác với vũ trụ luận của trường phái Mile của Hy Lạp, La Mã cổ đại, đặc biệt là vũ trụ tinh nguyên luận mà ở đó, người ta bàn đến nguồn gốc vũ trụ là các yếu tố tự phát đầu tiên và các thiên thể (nước theo Talet, Apeiron theo Anacsimandr, không khí theo Anacsimen, lửa theo Hêraclít,...), triết học Trung Quốc cổ đại quan niệm bản nguyên của thế giới là Thái cực (bao gồm khí hỗn mang Âm và Dương cùng với nguyên lý vận động và biến dịch của nó).
Thuyết Thái cực được hình thành lâu đời nhất trong lịch sử văn hóa Trung Hoa, được trình bày trong sách Dịch, Chu Dịch hay còn gọi là Kinh Dịch. Đây là cuốn sách phản ánh quan niệm của người Trung Hoa cổ đại về nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ mà theo đó, trong Thái cực luôn hàm chứa hai thế lực đối lập nhau, nhưng không xung khắc mà giao hòa, bổ sung cho nhau để từ đó vạn vật được sinh sôi nảy nở. Đó là âm và dương. Nằm trong Thái cực, chúng được gọi chung là khí hỗn mang, hay là khí Thái cực. Nếu gọi tách ra, người ta gọi chúng là khí âm, khí dương. Khí dương nhẹ và trong (khinh thanh), khí âm đục và nặng (trọng trọc). Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chúng phải theo nguyên tắc nhất định nào đó thì vạn vật mới có loài, có giống khác nhau.(*)
Vậy Khí là gì? Lý là gì? Vai trò, vị thế của nguyên lý (理) như thế nào đối với Khí (氣) và ngược lại, cái nào có trước và nắm thế quyết định để các sự vật hiện tượng xuất hiện từ Khí và hình thành nên vũ trụ?
Đây là vấn đề có tính lịch sử thu hút sự tranh biện giữa các nhà triết học Trung Quốc Cổ, Trung đại mà về cơ bản, cũng gần với cuộc đấu tranh giữa hai quan điểm về vật chất và ý thức để từ đó, phân định ra các trường phái duy vật và duy tâm. Mặc dù sự phân định ai là người theo chủ nghĩa duy vật, ai theo chủ nghĩa duy tâm trong triết học Trung Quốc Cổ, Trung đại là điều khó khăn, bởi ở họ, các quan điểm nêu ra thường không nhất quán và triệt để, song cuộc tranh biện về Lý và Khí, cái nào có trước, mang tính quyết định phần nào đã thể hiện xu hướng chung của triết học thế giới.
Theo Từ điển triết học Trung Quốc, “Khí (氣) là một trong những phạm trù cơ bản và đặc trưng nhất của triết học Trung quốc. Nó phản ánh tư tưởng về thực thể năng động, mang tính không gian và thời gian, vật chất và tinh thần, đồng thời là một thực thể có sức sống. Theo nguyên nghĩa của thuật ngữ thì đối lập với Khí là Lý (理 - tức nguyên lý). Nội hàm khái niệm phổ biến của Khí được cụ thể hóa trên ba cấp độ cơ bản của nó là vũ trụ, nhân bản và tâm lý. Trong cấp độ thứ nhất, khí là một thực thể phổ biến của vũ trụ; ở cấp độ thứ hai, khí liên quan đến hệ tuần hoàn của cơ thể người, đến độ tinh tế nhất được gọi là tinh (精) và thần (神); ở cấp độ thứ ba là sự biểu hiện của tâm lý, là tâm (心); tâm bị chi phối bởi chí (志) nhưng nó lại điều hành được tinh (精). Một quan niệm khá phổ biến trong triết học Trung Quốc là quan niệm xem khí như một “sự vật” phi bản chất đầu tiên mà từ đó, tạo nên vũ trụ ở giai đoạn khởi phát, còn gọi là “Hỗn độn”, “Thái cực”, “Thái nhất”, “Thái thủy” hay còn gọi là “Thái hư”. Hình thức phân hóa đầu tiên của cái “hỗn mang” ấy là âm và dương, sau đó là “Ngũ hành””([1]).
Thuật ngữ Khí trở thành phạm trù triết học từ thế kỷ IV tr.CN trong các tác phẩm kinh điển, như Quản Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, v.v.. Xét sự xuất hiện của thuật ngữ theo niên đại thì lần đầu tiên khí được đề cập tới trong sách “Quốc Ngữ” khoảng thế kỷ VIII tr.CN, ở đó, Bá Dương Phụ (伯陽父) - một bá tước của nhà Chu đã giải thích hiện tượng động đất bằng sự phá hủy trật tự tương tác giữa khí Trời và khí Đất. Trong Quản Tử, khí được xem là “linh khí”, tức một loại “khí có hồn”, “khí năng động”. Theo sách Trang Tử, trong khí có thuộc tính của “đạo”, nếu cho là nhỏ thì nhỏ tới mức không chứa đựng được gì, còn nếu cho là lớn thì không gì nằm ngoài nó được (Nội thiên). Sách Mạnh Tử cũng đề cập đến sự hợp nhất giữa thân khí và thần khí tạo thành “ý” (意). Tâm là cơ quan của tư duy, do đó nó suy ngẫm về lý (理), tức là về hiện tượng và sự vật cốt để nắm bắt cho được thân khí và thần khí. Chừng nào các cơ quan cảm giác của con người không tham gia hoạt động [suy ngẫm] thì không thể biết được các sự vật, hiện tượng ấy là gì. Từ đó Mạnh Tử cho rằng, dường như có một mối tương quan giữa năng lượng khởi thủy trong con người là “khí hạo nhiên” và “chí” (志): Chí chỉ đạo khí và khí hội tụ đầy đủ trong cơ thể. Cho nên, chí là căn bản, còn khí là thứ cấp. Mối quan hệ giữa chí và khí được Nho giáo suy lý và phát triển lên tầm mức cao, đó là việc xem xét mối quan hệ giữa lý và khí theo phương diện bản thể luận. Vậy Lý là gì?
Lý được xem là một trong những phạm trù cơ bản của triết học Trung Quốc; nó phản ánh dưới dạng phổ biến nhất ý niệm về tính trật tự hợp lý, tính cấu trúc lý tưởng, tính quy luật vốn có trong từng sự vật cụ thể và toàn bộ thế giới, trong từng khách thể và chủ thể, trong cả suy nghĩ và lời nói. Với tư cách khởi thủy mang tính cấu trúc hóa, lý là cái đối lập với khí; còn với tư cách nguyên lý khách quan và chính đáng (còn gọi là thiên lý), nó đối lập với dục vọng chủ quan của cá nhân.
Trong thời kỳ phát triển của Nho giáo Tiên Tần, phạm trù “Lý” mang ba ý nghĩa cơ bản: vật lý, siêu hình và nhân bản.
Theo nghĩa vật lý, đó là những đặc tính bề ngoài, mang cảm tính của sự vật, đồng thời quy định “hình thức” của các sự vật ấy (形-hình).
Theo nghĩa siêu hình thì lý là cấu trúc bên trong, “không nhìn thấy” của các vật thể và hiện tượng, ứng với nó là đạo (道) và cho phép nhận biết các sự vật đó ở những mức độ nhất định. Đạo là lý, nhận biết được đạo tức là nắm được lý.
Trong Đạo gia, nguyên lý siêu hình của các sự vật được nhận biết ngoài cảm giác cũng được gọi là phạm trù đạo. Tư tưởng như vậy cũng được nêu trong Chương 20 của sách Hàn Phi Tử (韓非#l) nhằm mục đích làm rõ quan điểm của Đạo gia: “Sau việc xác định được lý là nắm được đạo”.
Do Đạo mang tính chủ - khách thể, tức là cái nhất thời và vì thế được gọi là đạo nhất thời, nó quy định sự nhận thức, đồng thời chính bản thân nó cũng bị nhận thức, cho nên trong dạng thức (modus) của Lý có cả ý nghĩa nhân bản – đó là đặc tính căn bản của tâm (心) làm nhiệm vụ phối hợp giữa đạo và nghĩa (義).
Theo quan điểm của các nhà triết học Trung Quốc, cơ quan chủ yếu của nhận thức là tâm, nó là trung tâm của các lý. Mạnh Tử đặt vấn đề: Cái gì liên kết được tâm? Đó chính là nghĩa và lý” (Mạnh Tử, VI A,7). Tuân Tử cho rằng, “Nếu tâm chính (心政) làm điều nghĩa, thì ở đó có Lý”.
Như vậy, các nhà triết học Trung Quốc cổ đại đã gắn khái niệm Nghĩa với Lý. Mối liên hệ mật thiết giữa hai khái niệm này, một lần nữa, lại được nói tới trong sách Trang Tử. Chẳng hạn, ở chương 16 sách này nói rằng: “Nếu ở Đạo cái gì không được nguyên lý hóa, thì đó là nghĩa”. Và, ở chương 33 còn khẳng định thêm rằng, đối với người quân tử, “nghĩa là lý”. Trong Lễ Ký, chương 46/49: “Lý về thực chất là nghĩa”. Trong Chu Dịch (周易) cũng khẳng định có sự “tương ứng của lý với nghĩa” (Thuyết quái truyện).
Như vậy, có thể nói, Khí và Lý là hai phạm trù quan trọng trong triết học Trung Quốc, có lịch sử lâu dài và luôn được luận giải ở mức độ khác nhau tùy theo đặc điểm của nền triết học ấy trong từng giai đoạn phát triển của nó. Từ thời Hán, Đổng Trọng Thư (董仲舒) cho rằng, bản thể của trời đất là “nguyên khí”; và với quan niệm này, ông đã đồng nhất “nguyên khí” với những phẩm chất mà cha mẹ truyền cho con cái, tức là cái mà người ta gọi là thực thể phổ biến.
Sách “Hoài Nam Tử” (淮南子) cho rằng, xét về phương diện vũ trụ luận và nhân bản luận, khí là một trong những yếu tố khởi thủy ngang hàng với “thần” và “tinh”, chúng kết hợp đồng thời với nhau làm cho mọi hiện hữu được trở nên đầy đủ.
Vương Sung (王充) - nhà triết học duy vật thời Tây Hán đã giải thích cái khởi thủy tinh thần trong khí là thần khí và xem nó như một thứ tinh tế mỏng manh, nhưng sự kết tụ và phân rã của nó được sánh với sự đóng băng hoặc tan ra của nước: Con người được sinh ra bởi thần khí, khi nó kết tụ và lại trở về trạng thái ban đầu của nó là phân rã, tức cái chết. Khái niệm thần khí của Vương Sung có thể được giải thích như “nguyên khí”, trong đó không có khí đục hay trong.
Đến thời kỳ Tân Nho giáo, có thể khẳng định là từ thời Tống (Tống Nho) đến thời Thanh (Thanh Nho), vấn đề bản thể của vũ trụ được chú trọng với việc xem xét vai trò của Khí hoặc Lý bởi một số đại biểu tiêu biểu, như Châu Đôn Di, Trương Tải, Trình Hạo, Trình Di và Chu Hi, Đới Chấn, v.v..
Ở Việt Nam, vấn đề Lý, Khí liên quan đến nguồn gốc và sự tiến hóa của vũ trụ đã được đề cập tới trong tư tưởng của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) và đặc biệt, trong tư tưởng của Lê Quí Đôn (1726-1784), Bùi Dương Lịch (1757-1827), v.v..
Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà Lý học Việt Nam thế kỷ XVI cho rằng, nguồn gốc của vũ trụ là Thái cực, mà sự khởi đầu của vũ trụ chính là sự phân chia khối khí hỗn mang ấy thành tam tài (Thiên, Địa, Nhân):
“Thái cực sơ triệu phân,
Tam tài định quyết vị.
Khinh thanh thượng vi Thiên,
Trọng trọc hạ vi Địa,
Trung tập nhi vi Nhân
Bẩm thụ thị nhất khí”
(Thái cực từ lúc mới tạo lập đã phân chia,
Tam tài đã ổn định vị trí của chúng.
Nhẹ và trong bốc lên là trời,
Nặng và đục lắng xuống là đất.
Ở giữa tập kết lại thành người,
Bẩm thụ cùng một khí chất)([2]).
Khí chất mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu ra ở đây chính là thể hỗn mang của Thái cực, bao gồm âm và dương, đó cũng chính là nguồn gốc của vũ trụ. Nhìn chung, quan điểm của Nguyễn Bỉnh Khiêm về quá trình chuyển hóa của Thái cực thành vũ trụ không phải là mới, song cái độc đáo của nó thể hiện ở chỗ khẳng định khí là bản nguyên và nó chỉ có một – khí Thái cực. Nếu không phải là hỗn mang, không phải là sự thống nhất của hai mặt đối lập trong Thái cực thì không có sinh sôi, “triệu phân”. Đó cũng là tư tưởng duy vật về nguồn gốc vũ trụ với nguyên lý phổ biến của Thái cực là sự tương tác giữa âm và dương.
Sau Nguyễn Bỉnh Khiêm hai thế kỷ, Lê Quí Đôn - nhà bác học được mệnh danh là bách khoa thư đầu tiên của Việt Nam đã dày công tìm đọc nhiều tài liệu bàn về nguồn gốc của vũ trụ và suy ngẫm để đưa ra quan điểm riêng của mình. Cũng giống như Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông khẳng định vũ trụ được hình thành từ khí (Thái cực).
Theo Lê Quí Đôn, Thái cực là khí, mà khí là vật chất. Khí hỗn nguyên là cái vật chất, vừa là nguồn gốc, vừa là điều kiện sinh thành của mọi sự vật. Với quan niệm này, ông gọi đức nguyên của trời là khí, đức nguyên của đất là hình:
“Đức nguyên của trời lớn lao thay! Vạn vật bắt nguồn từ đó, ấy là nói về khí. Đức nguyên của đất thuần hậu rất mực! Vạn vật do đó mà sinh ra, ấy là nói về hình.
Đứng về trời đất mà nói thì tất cả đều có hình và khí.
Đứng về vạn vật mà nói thì tất cả đều nhận phần khí ở trời và thành hình ở đất vậy.
Đầy rẫy trong khoảng trời đất đều là khí cả”(3).
Nói về Thái cực, ông khẳng định: “Thái cực là một, là một khí hỗn độn lúc đầu tiên”(4). Trong Kinh Dịch, Trời (Càn) thuộc dương, Đất (Khôn) thuộc âm. “Trời thì hình động mà khí tĩnh; Đất thì hình tĩnh mà khí động... Khí trời chìm xuống, khí đất bốc lên. Hơi khí của trời của đất đều là sinh ý”(5), tức là hai khí ấy gặp nhau tạo ra cơ mầu để sinh hóa.
Như vậy, bằng việc dẫn các sách Liệt Tử (列子) - một cuốn sách của Đạo gia về vũ trụ luận, sách Khôn dư đồ thuyết của học giả phương Tây Nam Hoài Nhân (Ferdinandus-Verbiest), Lê Quí Đôn đã khẳng định “khí là có thực”, nguồn gốc của khí trời và khí đất từ khí hỗn nguyên (Thái cực) và từ hai khí đối lập nhau nhưng không diệt trừ nhau, vạn vật được sinh sôi nảy nở, trong đó có con người. Khí, theo Lê Quí Đôn, rõ ràng là một dạng vật chất, bởi nó “có thực”. Quan điểm này được xem là thống nhất với quan điểm của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Tuy nhiên, nếu đồng nhất khí với vật chất là không chính xác. Theo P.S.Popov, “khái niệm khí có thể là năng lượng sống, là sức mạnh đối lập với vật chất”(6). Ở Lê Quí Đôn cũng vậy, khí không chỉ là vật chất, mà còn được xem là nhân tố quyết định năng lực và tâm - sinh lý của con người. Ông dẫn sách Hoài nam tử: “Khí núi sinh nhiều con trai; khí đầm sinh nhiều con gái; khí nước sinh nhiều người câm; khí gió sinh nhiều người điếc... Khí đồi bốc lên sinh nhiều người cuồng; khí thoáng sinh nhiều người nhân; khí ở gò to sinh nhiều người tham; khí nắng sinh nhiều người yểu; khí lạnh sinh nhiều người thọ; sinh ở nơi đất nhẹ thì người nhanh trai; sinh ở nơi đất nặng thì người chậm chạp; ở nơi nước trong thì tiếng người nhỏ; ở nơi nước đục thì tiếng người thô... Trung châu sinh nhiều thánh hiền”(7). Từ quan niệm trên của tác giả Hoài nam tử là Lưu An, Lê Quí Đôn cho việc suy diễn đó xuất phát từ vật lý học và theo ông, cứ “theo thế mà suy diễn ra thì không có chỗ nào là không đúng (chữ in nghiêng do chúng tôi nhấn mạnh – T.N.V.)”(8). Ông còn nói: “Người ta lúc ngủ say, hễ gọi thì tỉnh ngay; đó là khí gọi thần hồn về. Trong lúc chiêm bao, phàm những sự gặp gỡ, nói năng, làm lụng, mừng giận khi tỉnh dậy nhớ hết cả; đó là thần động đến khí. Thần và khí của người ta thường như thế, thì đủ biết thần và khí của trời đất từ xưa đến nay vẫn lưu thông, không chỗ nào là không thấy có”(9). Trong trường hợp này, quan điểm của Lê Quí Đôn trùng hợp với hiện tượng thân khí và thần khí đạt tới sự thống nhất để tạo thành ý trong sách Mạnh Tử đã được đề cập tới ở trên.
Trong quan niệm về khí của Lê Quí Đôn, chúng ta thấy ông đồng nhất nó với không khí, tức khí trong không gian giữa trời và đất: “Dưới vòm trời, trên mặt đất đều là gió với khí cả... Khí trời ở trên sa xuống, khí đất ở dưới bốc lên, những khí ấy đều là sinh ý của trời đất. Gió và khí quanh quẩn trong khoảng lúc đó cũng như lúc nào, không phải lúc động thì có mà lúc tĩnh thì không có”(10). Khái niệm Không khí ở đầy gần với vật chất, chính vì thế mà nó làm mất đi ý nghĩa tâm lý tinh thần của Khí. Sách Quản Tử, chương 49 viết: “Khí tụ lại thì cũng giống như thần khí, linh khí trong tâm”.
Nói tóm lại, không thể xác định thuật ngữ Khí một cách đơn nghĩa, song có thể khẳng định rằng, việc dùng các khái niệm tương đương, khá phổ biến trong bản thể luận của Lê Quí Đôn để diễn tả nó là không thể khác được. Theo đó, khí là vật chất, là không khí, thần khí, linh khí. Khác với các quan điểm của Tống Nho, ông khẳng định một cách nhất quán và cho rằng, bản thể của thế giới chính là khí. Khi đang ở trạng thái hỗn độn, thì khí ấy là Thái cực và ông chỉ xác nhận có một Thái cực mà thôi, nghĩa là trước nó không có Vô cực, Thái hư hay Thái thủy nào cả. Ông khẳng định “khí là không khí”, tức là cái thực hữu, tồn hữu để phản bác lại quan điểm của Đạo gia về nguồn gốc của thiên địa vạn vật là Đạo (hư vô). Theo Lão Tử, Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật. Đạo của Đạo gia là cái gì đó mập mờ, thấp thoáng và không thể nắm bắt được nó bằng khả năng cảm quan thông thường của con người. Vì vậy, Lê Quí Đôn xác nhận trong khoảng không gian tưởng chừng trống rỗng lại chứa đầy khí và gió, tức cái thực hữu. Từ đó, ông tỏ ra nghi ngờ về sự hình thành vạn vật từ hư vô: ““Cái hữu là từ cái vô mà sinh ra” thì có được không?”(11).
Từ đây, vấn đề buộc Lê Quí Đôn phải làm rõ là sự vật được sinh ra từ “khí hỗn nguyên” bằng cách nào? Để lý giải quá trình hình thành và phát triển của vũ trụ, Lê Quí Đôn tìm đến nguyên lý của Dịch: “Dịch hữu Thái cực, sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật” (Dịch có Thái cực, Thái cực sinh Âm Dương, Âm Dương sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái sinh vạn vật). Khí hỗn nguyên ấy luôn vận động để “nhẹ và trong bay lên là Trời, nặng và đục lắng xuống là Đất”, tiếp đến là “khí đất bốc lên, khí trời hạ xuống; hai khí ấy gặp nhau và xảy ra “sinh ý””. Vậy “sinh ý” ở đây có phải là Lý không? Nếu đó là Lý thì được Lê Quí Đôn giải thích như thế nào theo quan hệ với Khí?
Ngay câu trích dẫn “hai khí ấy gặp nhau và xảy ra sinh ý” cho thấy, Lê Quí Đôn khẳng định sinh ý là phái sinh, đồng thời là hệ quả tương tác của hai khí (âm dương). Chúng tôi cho rằng, việc Lê Quí Đôn nêu “sinh ý” ở đây không phải để chứng minh vật chất có tính tình, có tri thức, mà cốt để làm rõ các quy luật vận động và chuyển hóa trong vũ trụ: “Nắng to, thì nước nổi bọt vẩn đục lên một đen; hễ nổi cơn gió bấc thì nước lại trong suốt muôn khoảng một màu biếc; ấy là do khí sinh ra thế... Cơ trời bĩ rồi lại thái, loạn rồi lại trị, chính là như thế... Sấm sét vang động, gió mưa thấm nhuần, mặt trời mặt trăng vận hành, rét rồi lại nực, phấn phát sự sinh dưỡng của vạn vật, vận động mở đóng đều là có việc cả”(12). Sinh ý chính là Lý hay còn gọi là nguyên lý. Sự vận động mở đóng của vạn vật và hiện tượng được lặp đi lặp lại trở thành quy luật phổ biến.
Không nghi ngờ gì nữa, quan điểm duy vật có điểm thêm một vài yếu tố sơ khai, mộc mạc của phép biện chứng trong vũ trụ tinh nguyên luận của Lê Quí Đôn chính là việc ông khẳng định “Lý không có hình tích, nhân khí mà hiện ra. Vậy lý tức ở trong khí. Âm, dương, lẻ, chẵn, tri và hành, thể và dụng có thể đối nhau mà nói; còn như Lý và Khí thì không thể đối nhau mà nói được”(13). Quan điểm này hoàn toàn ngược lại với “lý bản luận” của phái Trình - Chu, một học phái khẳng định Lý có trước và quyết định Khí. Chu Hy cho rằng, Thái cực là Lý của trời đất và vạn vật. Trong vạn vật đều có thái cực, Lý và Khí là những trạng thái đã phân hóa, cũng như âm và dương của Dịch. Lý là hình nhi thượng, gốc của vạn vật; Khí là cái vỏ hình nhi hạ, là cái khí cụ làm nên vạn vật.
Tuy nhiên, quan niệm vật chất hữu sinh, vật chất thần diệu đã đưa Lê Quí Đôn đến chỗ biện hộ cho thuyết luân hồi, tiền định, cho các phương thuật như bốc phệ (bói toán), tinh mệnh (tử vi), phong thủy, v.v.. Nguyên nhân là ở chỗ ông, nhận định “Lý không có hình tích”, “then máy của trời” là thần diệu nên sự “biện hộ” ấy là không tránh khỏi. Ông viết: “Riêng tôi nghĩ rằng, thánh nhân đặt ra bói toán, cốt để cho người ta quyết hiềm nghi, định do dự, chứ không phải để dạy người ta cầu cạnh lợi đạt”(14).
Như vậy, quan điểm triết học của Lê Quí Đôn về nguồn gốc vũ trụ qua lập luận về Lý, Khí và mối quan hệ giữa chúng cho thấy ông có quan điểm độc lập, không rập khuôn theo học thuyết Tống Nho và ở mức độ nhất định, mang tính duy vật. Tuy nhiên, do hạn chế lịch sử và điều kiện cụ thể, ông không thoát khỏi những quan điểm duy tâm thần bí. Mặc dù, ông là người có công hệ thống hóa các quan điểm trong lịch sử triết học Trung Hoa và tham khảo thêm các tài liệu của phương Tây để làm rõ nguồn gốc thế giới, song theo chúng tôi, nhìn chung, quan điểm của Lê Quí Đôn rõ ràng chưa đủ để chúng ta khẳng định ông là nhà lập thuyết, thậm chí có thể nói là chưa vượt lên trên các quan điểm truyền thống của triết học phương Đông và của Việt Nam cho đến thời của ông. q