Tìm kiếm

VẤN ĐỀ TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC

11/01/2023

Tạp chí Triết học, số 1, năm 2013

NGUYỄN VĂN VIỆT (*)

Công nghệ sinh học hiện đại bao gồm trong nó cả những nghiên cứu và ứng dụng lẫn sự hiểu biết sâu sắc về sự sống và khả năng can thiệp vào sự sống ở mức độ phân tử. Với khả năng can thiệp vào sự sống, sinh học hiện đại luôn tiềm ẩn cả lợi ích to lớn lẫn sự mạo hiểm khôn lường. Chính điều đó đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có vấn đề thuộc khía cạnh đạo đức. Bài viết này đề cập đến một trong số những vấn đề có tính cấp thiết hiện nay là vấn đề xây dựng nên các chuẩn mực đạo đức cho những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học qua sự phân tích và đánh giá hai nguyên tắc đạo đức chủ yếu nguyên tắc hiệu quả và nguyên tắc toàn vẹn để từ đó, đề cập đến yêu cầu và con đường hình thành hệ thống các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đạo đức sinh học.

Ngày nay, công nghệ sinh học hiện đại không chỉ nghiên cứu tự nhiên sống mà còn can thiệp mạnh mẽ vào quy luật vốn có của tự nhiên với tham vọng dùng công nghệ sinh học để điều khiển thế giới hữu cơ, thực hiện công việc của tạo hóa. Chính khả năng can thiệp vào sự sống, công nghệ sinh học đã ẩn chứa rất nhiều tiềm năng, từ những lợi ích to lớn đến những mạo hiểm chưa được xác định một cách rõ ràng. Trong bối cảnh đó, xã hội ngày càng có nhiều sự quan tâm đến khía cạnh đạo đức trong những nghiên cứu và ứng dụng  công nghệ sinh học. 

Trong xã hội hiện nay, có hai thái độ phổ biến, đối lập nhau là tin tưởng và nghi ngờ những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong các tranh luận về công nghệ sinh học, vấn đề mà xã hội chúng ta đang quan tâm là có chấp nhận cho công nghệ sinh học được phát triển tự do trong khả năng điều khiển thế giới tự nhiên sống hay không? Cuộc tranh luận tất yếu phải cần đến những chuẩn mực đạo đức và chính những lý do đạo đức sẽ mang ý nghĩa quyết định việc sử dụng hay không sử dụng một thực hành nào đó của công nghệ sinh học. Tuy nhiên, tính hai mặt của việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học làm cho việc xác định các tiêu chuẩn đạo đức trong lĩnh vực này trở nên đặc biệt khó khăn. Xét trên bình diện chung, hiện nay có hai nguyên tắc đạo đức được sử dụng một cách phổ biến với tư cách là cơ sở đạo đức cho các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học.  Đó là nguyên tắc hiệu quả (principles of effective) và nguyên tắc toàn vẹn (principles of integrity).(*)

Nguyên tắc hiệu quả đánh giá trên cơ sở những lợi ích mà ngành công nghệ sinh học đem lại cho con người. Theo nguyên tắc này, đạo đức cao nhất là cái đem lại lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất. Từ cách nhìn hiệu quả, đạo đức của công nghệ sinh học biểu hiện là nó giúp tăng cường chất lượng cuộc sống cho con người và động vật, giúp giảm các tác nhân gây bệnh... Yêu cầu của nguyên tắc này là cần phải định lượng được tỷ lệ lợi và hại trong các hoạt động. Cái lợi của những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học được xác định khi đem lại những giá trị thương mại, có thể tạo ra bao nhiêu việc làm cho xã hội, có dẫn đến tăng tưởng kinh tế, có giải quyết được vấn đề sức khoẻ... Ngược lại, cái hại của công nghệ sinh học được đánh giá thông qua việc xác định các mạo hiểm.  Mặt mạo hiểm cao hay thấp dựa trên khả năng thiệt hại có thể xảy ra cho sức khoẻ con người, môi trường tự nhiên khi nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Nhiều khả năng sẽ được dự báo và mỗi khả năng sẽ có những xác suất mạo hiểm nhất định. Việc tính toán xác suất đó căn cứ trên kiến thức sinh học và những thử nghiệm đặc biệt với công nghệ. Chẳng hạn, thông qua các thí nghiệm về cây biến đổi gen để xác định mạo hiểm về môi trường, thông qua những thử nghiệm thuốc trên động vật để xác định những mạo hiểm cho con người. Tuy nhiên, độ tin cậy của những đánh giá mạo hiểm dựa trên các thí nghiệm, thử nghiệm này không thật chắc chắn vì nó còn phụ thuộc vào phạm vi thử nghiệm, khả năng hạn chế về chuyên môn của người đánh giá mạo hiểm; đồng thời, khi đánh giá họ đã đặt các mạo hiểm trên bàn cân chủ quan của chính họ. Vì vậy, việc đánh giá mạo hiểm không bao giờ cho ta sự chắc chắn tuyệt đối.

Như vậy, nguyên tắc hiệu quả dựa trên sự so sánh giữa lợi ích và mạo hiểm còn có nhiều điểm hạn chế. Sự thiếu chắc chắn trong các công nghệ sinh học có khi gây nên những hệ quả to lớn mà phần lợi ích không thể bù đắp nổi. Thông thường, những hậu quả đó là cái khó nhìn thấy trước mắt, vì thế con người đã không quan tâm, chú ý đến nó để rồi phải gánh chịu những hậu quả to lớn. Ph.Ăngghen đã từng cảnh báo, “tất cả các phương thức sản xuất đã có từ trước đến nay chỉ nhằm đạt được những hiệu quả có ích gần nhất và trực tiếp nhất của lao động. Còn đối với những hậu quả xa xôi, sau này mới xuất hiện và chỉ có tác dụng khi nó tái diễn lại nhiều lần và tích tụ thêm lên mãi, thì người ta hoàn toàn không chú ý đến”([1]).  Rất tiếc là điều này đã không được chú ý trong nguyên tắc hiệu quả.

Nguyên tắc hiệu quả mới chủ yếu chú ý đến lợi ích của con người trong khi thế giới tự nhiên lại bị xem nhẹ, thậm chí bị coi như đối tượng bóc lột vì thế, nhiều nhà nghiên cứu đã phê phán gay gắt nguyên tắc này. Tiêu biểu nhất cho những phê phán này là những người theo quan điểm “Đạo đức sinh thái sâu”([2]) (Deep Ecological Ethics). Theo họ, việc chỉ biết chú ý đến lợi ích con người, loại tự nhiên không có ý thức như con người ra khỏi những xem xét đạo đức cũng giống như việc loại phôi thai, trẻ em, người già ra khỏi phạm vi xem xét đó, và vì thế không thể chấp nhận được, là phi đạo đức; rằng đó là “chủ nghĩa sô vanh con người” (human chauvinism), “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mới” (new racism); những kẻ sô vanh con người thường xuyên tranh luận rằng tất cả động vật đều đặt sự tồn tại của mình lên trên hết, và con người cũng phải làm như thế, như vậy, đã đánh đồng con người có đạo lý với những loài động vật khác. Họ đưa ra tám nguyên tắc nền tảng trong ứng xử với tự nhiên với nội dung cơ bản là: 1) Hạnh phúc và sự thịnh vượng của cuộc sống con người và không con người trên trái đất có giá trị nội tại (inherent value)(3); những giá trị này độc lập với giá trị sử dụng (usefulness) của nó đối với con người; 2) Sự phong phú và tính đa dạng của tự nhiên sống là một phần của cuộc sống trên trái đất nên nó cũng có giá trị nội tại; 3) Con ngư­ời không được giảm bớt sự phong phú và tính đa dạng này ngoại trừ việc phải thỏa mãn nhu cầu sống còn của mình; 4) Sự phát triển đòi hỏi phải giảm bớt dân số và tăng sự phát triển của thế giới không con người lên; 5) Tác động của con người vào thế giới đã vượt quá mức cần thiết và làm cho tự nhiên xấu đi nhanh chóng; 6) Vì vậy, những chính sách của con người phải có sự thay đổi. Những sự thay đổi trong chính sách sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi về cấu trúc cơ bản về tư tưởng, chính trị, kinh tế và kỹ thuật. Kết quả là các quan hệ cơ bản của con người sẽ thay đổi một cách sâu sắc; 7) Sự thay đổi về tư tưởng của con người chủ yếu là nhằm nâng cao chất lượng của cuộc sống dựa trên giá trị nội tại hơn là tìm cách tăng các tiêu chuẩn tiện nghi cho cuộc sống; 8) Tất cả những người đồng ý với những điểm vừa đề cập có trách nhiệm góp phần trực tiếp hay gián tiếp vào những cố gắng thực hiện những thay đổi cần thiết(4).

Theo chúng tôi, về cơ bản, những nguyên tắc nền tảng của “đạo đức sinh thái sâu” cho rằng: Tự nhiên có giá trị nội tại độc lập với giá trị sử dụng của nó cho mục đích của con người, không phụ thuộc vào việc nó có thoả mãn hay không thoả mãn nhu cầu, lợi ích (thường là trước mắt, trực tiếp) của người sử dụng nó. Theo đó, giá trị nội tại của tự nhiên là toàn bộ những thuộc tính khách quan, vốn có tạo nên bản chất khách quan của tự nhiên và mang ý nghĩa sống còn cho sự tồn tại và phát triển của chính tự nhiên.

Những thuộc tính khách quan vốn có của tự nhiên xét đến cùng, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của nó mà còn có ý nghĩa cho sự tồn tại và phát triển của chính con người. Bởi vì như C.Mác – Ph.Ăngghen đã viết: “Giới tự nhiên... là thân thể vô cơ của con người... con người là một bộ phận của tự nhiên”(5), rằng, “bản thân chúng ta với cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng thế giới tự nhiên”(6). Con người và xã hội loài người là một bộ phận cấu thành của tự nhiên, là mắt khâu trong hệ thống tự nhiên – con người – xã hội. Sự vận hành của hệ thống vật chất theo cơ chế hoạt động của chu trình sinh học, chu trình trao đổi vật chất, năng lượng, thông tin giữa xã hội và sinh quyển theo nguyên tắc tự tổ chức, tự điều khiển, tự cân bằng, tự làm sạch và tự bảo vệ theo một trật tự. Vì thế, việc con người không tôn trọng những thuộc tính khách quan vốn có của tự nhiên sẽ dẫn đến phá vỡ sự thống nhất của hệ thống tự nhiên – con người – xã hội, làm đảo lộn chu trình sinh học, và cuối cùng là con người sẽ phải nhận “sự trả thù của tự nhiên”.

Từ những phân tích trên đã cho thấy, mặc dù hiệu quả là yêu cầu đạo đức không thể thiếu trong những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học vì một xã hội phồn vinh, thịnh vượng, song, nếu chỉ dựa vào tính hiệu quả thì sớm muộn con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả không lường. Vì vậy, hạn chế của nguyên tắc hiệu quả được bổ sung bằng nguyên tắc toàn vẹn.

Nội dung cơ bản của nguyên tắc toàn vẹn là tránh những can thiệp của công nghệ làm thay đổi, huỷ hoại những giá trị nội tại, khách quan vốn có được hình thành qua hàng triệu năng tiến hóa của tự nhiên và con người.

Nguyên tắc toàn vẹn là sự kế thừa quan niệm truyền thống lâu đời trong lịch sử về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Ngay từ thời cổ xưa con người đã nghĩ về những thứ có sự sống phải có những bản chất cấu thành nên sự tồn tại của nó, những “telos”. Thuật ngữ này được lấy từ triết học của Arixtốt, trong đó, nó chỉ ra rằng, mọi thứ đều có hướng hay mục đích cuối cùng thông qua quá trình phát triển và tái sản xuất loài. Mọi hành động can thiệp của con người vào sự sống cũng có nghĩa là  sự xâm phạm những “telos”, làm cho tự nhiên đi trệch khỏi những mục đích cuối cùng tạo nên những nguy hiểm cho tự nhiên và con người. Trong truyền thống phương Đông, Nho giáo cho rằng vạn vật trong vũ trụ luôn sinh thành, biến hóa không ngừng theo “đạo”. “Đạo” là cái huyền vi, sâu kín, là thịnh đức, chí thành của trời đất “tương thôi”, “trung hòa”. Do cái gốc ấy mà bốn mùa vận hành, vạn vật sinh hóa. Đó cũng chính là mệnh trời mà con người phải hiểu và không thể cưỡng lại. Con người cần phải sống “hòa” với trời đất, thuận theo tự nhiên mới là “sợ mệnh”, “thuận mệnh”. Tinh thần sống “hoà” với tự nhiên, không can thiệp vào thiên nhiên ở Lão Tử được đẩy cao thành lẽ sống “vô vi”. Theo đó, trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người không nên có bất kỳ sự can thiệp nào làm thay đổi tính tự nhiên vốn có của nó.

Như vậy, trong quan niệm truyền thống, tự nhiên được coi trọng bởi nó có vị trí như những lực lượng thần thánh bất khả xâm phạm, thì trong quan điểm hiện đại, nó là kết quả của việc nhận rõ ý nghĩa của sự bảo vệ tự nhiên đối với sự tồn tại của con người. Đó chính là sự chuyển hướng từ cách hiểu bản thể luận sang cách hiểu nhận thức luận về vị trí, vai trò của tự nhiên đối với cuộc sống con người. Cơ sở nhận thức mới của nguyên tắc toàn vẹn quan tâm chủ yếu đến sự thống nhất vật chất của thế giới tự nhiên. Theo đó, tự nhiên là một thể thống nhất giữa thế giới vô cơ với thế giới hữu cơ, giữa các loài sinh vật này với loài sinh vật khác và giữa các yếu tố trong mỗi cá thể sống của các loài sinh vật. Đây là những mối quan hệ hữu cơ đã được xác lập qua hàng triệu năm tiến hóa và có ý nghĩa sinh tồn đối với tự nhiên. Sự can thiệp của công nghệ sinh học vào tự nhiên có khả năng phá vỡ mối liên kết hữu cơ vốn có của tự nhiên, từ đó phá huỷ hệ sinh thái. Sự can thiệp sẽ đặc biệt nguy hiểm khi nó dựa trên quan niệm coi tự nhiên chỉ là kho nguyên liệu vô tận cho mục đích khai thác của con người, và như vậy sẽ gây nên những hệ quả khôn lường cho xã hội.

Nguyên tắc toàn vẹn có ưu điểm góp phần bảo vệ con người và tự nhiên tránh được những mạo hiểm của việc phá vỡ hệ thống các mối liên hệ hữu cơ bền vững được xác lập qua hàng triệu năm tiến hóa. Nó buộc con người không chỉ biết quan tâm đến lợi ích của mình mà còn phải biết tôn trọng lợi ích của tự nhiên. Từ đó, nó góp phần lựa chọn những công nghệ mới phù hợp với yêu cầu của tiến bộ xã hội. Có thể coi nguyên tắc toàn vẹn là một sự bổ sung cần thiết cho những hạn chế của nguyên tắc hiệu quả.

Song một thực tế đáng phải phê phán là đang có những thái độ nghi ngờ công nghệ sinh học, từ đó sử dụng nguyên tắc toàn vẹn như một công cụ ngăn cản mọi nghiên cứu và ứng dụng của nó. Theo thái độ đó, vì toàn vẹn có nghĩa là sự nguyên vẹn không có bất cứ sự sứt mẻ nào nên nguyên tắc toàn vẹn không cho phép có bất cứ sự đụng chạm nào đến cái tự nhiên, vốn có của sinh vật sống. Chẳng hạn, đối với con người, không được phép ghép một bộ phận của người này sang người khác, càng không được phép ghép các bộ phận của động vật vào con người; việc áp dụng các công nghệ biến đổi gen đối với động – thực vật nhằm tạo nên những hiệu quả cao trong nông nghiệp, y tế là sự vi phạm nguyên tắc toàn vẹn. Mặc dù vào thời điểm hiện nay, thái độ này chưa định hình một cách rõ ràng thành khuynh hướng cơ bản của thời đại, song, nó đang có chiều hướng phát triển và mở rộng cùng với sự phát triển và mở rộng các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Thái độ này không chỉ là những ngăn cản thuần tuý có tính chất tâm lý của một số quần chúng mà còn đang hình thành cả những cơ sở lý luận làm chỗ dựa cho những phản đối đó. Chẳng hạn, “chúng ta ít nhiều trở nên quen thuộc với những sự rùng rợn xuất phát từ những công nghệ di truyền học... Chúng ta có những lý do để hoài nghi di truyền học”(7). Giáo sư triết học Ron Epstein, Viện Tôn Giáo Thế Giới của Mỹ viết: “Nghiệp chướng và sự đau khổ sẽ vẫn còn đi với chúng ta trong thế giới mới dũng cảm... Vì sinh học chỉ liên kết với vương quốc của vật lý nên nó không có khả năng hiểu được loại nguy hiểm này”(8). Giống như vậy, giáo sư Hjalmar Hegge, trường Đại học Oslo cho rằng, phương pháp của công nghệ sinh học dựa trên những phân tích “phân ra từng khía cạnh” để xem xét, do đó nó là dựa trên “chủ nghĩa quy giản” để phát triển “chất hóa học của cuộc sống”, và có thể gọi đó là “sự siêu hình man rợ, sự nhầm lẫn giữa phương pháp lô gíc và bản thể học”(9).

Thật ra, trong lịch sử đã từng xuất hiện chủ nghĩa bài khoa học(10), khuynh hướng này coi khoa học và kỹ thuật  không thể là cơ sở cho thế giới quan và đời sống con người, rằng cái hại do nó gây ra lớn hơn những thành quả mà nó đem lại. Khẩu hiệu của họ là hãy quay về với những giá trị ngoài khoa học để tìm kiếm trong đó những nguyên lý cần thiết cho hạnh phúc của con người. Sai lầm của chủ nghĩa bài khoa học bắt nguồn từ chỗ không hiểu được những hậu quả khi nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ chủ yếu xuất phát từ phương diện chính trị – xã hội, chẳng hạn, những sai lầm trong định hướng chính trị, việc lợi dụng khoa học và công nghệ cho mục đích phi nhân đạo, v.v.. Từ đó, họ biến các vấn đề chính trị – xã hội thành các vấn đề khoa học – công nghệ, coi các hậu quả của việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ không phải từ các nguyên nhân chính trị – xã hội mà khoa học và công nghệ mới là nguyên nhân trực tiếp.

Như vậy, chủ nghĩa bài khoa học chỉ là hình thức mới của việc sử dụng nguyên tắc toàn vẹn ngăn cản những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học và đó là một sự sai lầm. Thái độ và định hướng triết học này đang ngăn cản việc phát huy công nghệ sinh học với toàn bộ những khả năng của nó, kể cả chức năng đạo đức, thông qua tiềm năng nhân đạo cao cả của việc giải phóng con người khỏi bóng tối của sự dốt nát, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của xã hội.

Những phân tích về hai nguyên tắc đạo đức cơ bản trên đã làm nổi lên  những yêu cầu cơ bản sau: Một mặt, phải lựa chọn và đặc biệt nhấn mạnh một số nguyên tắc đạo đức chung, mặt khác, phải cụ thể hóa các nguyên tắc đạo đức chung đó thành các chuẩn mực cụ thể để từ đó tạo ra hệ thống các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức phù hợp với lĩnh vực công nghệ sinh học. Hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực đó chính là hệ thống nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp – đạo đức sinh học (bioethics).(9)

Yêu cầu cơ bản của đạo đức sinh học là vừa tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng nhằm phát huy và giải phóng được những tiềm năng to lớn của sinh học hiện đại, vừa ngăn ngừa được những hành động mạo hiểm của con người gây phương hại đến cá nhân, cộng đồng và xã hội. Một hệ thống nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức như vậy sẽ là “hành lang văn hóa – đạo đức” cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng sinh học hiện đại. Theo chúng tôi, để có được hệ thống chuẩn mực đạo đức phục vụ cho những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học có thể thông qua ba hướng. Thứ nhất, những chuẩn mực đạo đức chung đáp ứng tốt yêu cầu cơ bản của đạo đức sinh học cần được đặc biệt đề cao. Chẳng hạn, trách nhiệm xã hội của nhà nghiên cứu, thái độ tôn trọng con người và tự nhiên, v.v.. Thứ hai, trong những trường hợp cần thiết, một số chuẩn mực đạo đức chung phải được cụ thể hóa cho phù hợp với các quan hệ đặc thù của lĩnh vực này nhằm phục vụ cả yêu cầu nghề nghiệp và yêu cầu đạo đức. Sở dĩ cần phải cụ thể hóa các nguyên tắc, chuẩn mực chung là vì trong nhiều trường hợp những chuẩn mực đạo đức chung ngày càng tỏ ra kém hiệu quả khi giải quyết hết các vấn đề đạo đức hết sức đa dạng và phức tạp trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở hai hướng trên thì vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu đạo đức mà lĩnh vực công nghệ sinh học đặt ra. Thực tế hiện nay cho thấy, các nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đang làm xuất hiện khá nhiều tình huống nan giải ngoài khả năng bao quát của các chuẩn mực đạo đức truyền thống.  Chẳng hạn, vấn đề định nghĩa sự khởi đầu và sự kết thúc cuộc sống, vấn đề quan hệ gia đình, tông tộc (chẳng hạn, việc phán xét quan hệ gia đình cho một cá thể được sinh ra bởi trứng của người mẹ và tinh trùng của một người cha khác), vấn đề an tử, vấn đề bỏ đi những thai nhi có khiếm khuyết lớn về di truyền, vấn đề quyền bí mật về thông tin di truyền trong các hoạt động liên quan đến lấy dấu gen của các bệnh viện cũng như của cơ quan quản lý dân cư, v.v.. Có thể nói, đó là các tình huống chưa từng được đặt ra trong lịch sử trước các chuẩn mực đạo đức. Nó đang cần những chuẩn mực đạo đức mới làm cơ sở văn hóa cho những nghiên cứu và ứng dụng của công nghệ sinh học. Vì vậy, theo chúng tôi, hướng thứ ba trong xây dựng các chuẩn mực đạo đức sinh học là: Trong những trường hợp nhất định, nếu việc sử dụng những nguyên tắc đạo đức hiện có không đáp ứng được, cần phải sớm xác định những chuẩn mực đạo đức mới phù hợp với yêu cầu của cuộc sống nhân văn, của sự tiến bộ xã hội. Nói cách khác, nó không thể chống lại những giá trị đạo đức “gốc”, những giá trị căn bản, cốt lõi nhất của đời sống con người. Xét cho cùng, việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới trên cơ sở phù hợp với các giá trị đạo đức “gốc” cũng chỉ là một hình thức cụ thể hóa các giá trị đạo đức “gốc” vào một lĩnh vực của đời sống xã hội mà thôi.

Như vậy, các chuẩn mực đạo đức sinh học là một loại đạo đức đặc thù. Tính chất đặc thù của nó không phải là ở chỗ nó hoàn toàn riêng biệt, đối lập với đạo đức chung. Tính đặc thù của nó được thể hiện ở chỗ đặc biệt nhấn mạnh, hoặc được cụ thể hoá để đáp ứng những yêu cầu, những đòi hỏi của xã hội đối với con người trong những lĩnh vực công nghệ sinh học.

Sự phát triển của khoa học và công nghệ là quy luật tiến bộ của xã hội. Mặc dù, công nghệ sinh học mới đang ở những bước phát triển ban đầu, song, nhu cầu xây dựng đạo đức sinh học đã được đặt ra và trở thành yêu cầu cấp bách của thời đại chúng ta. q

 

 


(*) Tiến sĩ, Trường Cao đẳng Sư phạm Long An.

([1]) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.657.

([2]) Người đề xướng cho quan điểm này là Arne Naess, giáo sư triết học, Trường Đại học Oslo, Nauy.

([3]) Những cách gọi đồng nghĩa là giá trị trong nó (value in themselves), giá trị cố hữu, giá trị bản tính (inherent value).

(4) Xem: Patrick Curry. The campaign ecology On ecological ethics: a critical introduction, http://www.ecospherics.net/pages/RoDeepEcolPlat.html

(5) C.Mác và Ph.Ăng ghen. Toàn tập. t.42. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.135.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.20. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.655.

(7) Trond Skaftnesmo. Ecology versus Genetics-Two Opposite Tendencies within the Sciences of Life.  http://www.anth.org/ifgene/articles.htm.

(9) Hjalmar Hegge. Transcending Darwinism in the Spirit of Goethe's Science: A Philosophical Perspective on the Works of Adolf Portmann. http.www.anth.org/ifgene/hegge.htm.

(10) Xem: V.G.Phê-đô-tô-va. Phê phán các khuynh hướng xã hội văn hóa trong triết học tư sản hiện đại. Chủ nghĩa duy khoa học, chủ nghĩa bài khoa học, tiếng Nga, Matxcơva, 1981.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007