Tìm kiếm

VỀ CẶP PHẠM TRÙ “CÁI CHUNG VÀ CÁI RIÊNG” TRONG NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY TRIẾT HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

21/04/2023

Tạp chí Triết học, số 6, năm 2013

NGUYỄN HỮU KHIỂN (*)

Trong bài viết này, tác giả đưa ra ý kiến của mình xoay quanh cặp phạm trù cái chung và cái riêng trong nghiên cứu, giảng dạy triết học ở Việt Nam hiện nay. Cái chung và cái riêng là cặp phạm trù có mối quan hệ biện chứng. Theo tác giả, mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng có nhiều cấp độ; ý nghĩa phương pháp luận của mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng là chống giáo điều khi tuyệt đối hóa cái chung, đồng thời chống bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa khi quá nhấn mạnh cái riêng; nếu cần thiết có thể sử dụng quan hệ cái đặc thù và cái phổ biến như một cặp phạm trù độc lập

1. Trước hết, đại bộ phận sách triết học của chúng ta đều dựa trên tri thức triết học được tiếp thu từ các công trình triết học mácxít. Tài liệu thì từ các cuốn sách dịch của một số dịch giả triết học nổi tiếng trong nước. Qua việc đọc lại các tài liệu, tôi thấy như sau:

Thứ nhất, các công trình của các nhà kinh điển, nhất là của V.I.Lênin, tôi không thấy ai và chỗ nào các dịch giả của ta dẫn luận điểm của ông về “cái đặc thù”, (hoặc gọi là “cái đơn nhất”) liên quan đến mối quan hệ giữa “cái chung và cái riêng” cả, trong khi ông đề cập rất hay về quan hệ giữa “cái chung và cái riêng”. Kể cả các nhà triết học trong lịch sử mà tôi đã đọc được, cũng không thấy ai nói về “cái đặc thù cả” (Tôi dùng thuật ngữ đặc thù tương tự như cái đơn nhất trong các sách dùng một trong hai thuật ngữ này). 

Nhưng khi đọc giáo trình của một số tác giả Liên Xô trước đây, tôi thấy họ bắt đầu đưa thêm vào đó khái niệm “cái đặc thù” kẹp giữa hai phạm trù “cái chung” và “cái riêng”([1]). Sự giải thích của họ về cái đặc thù, theo tôi, là không thuyết phục. Một số tác giả đưa ra ví dụ thế nào là đặc thù, thậm chí còn dẫn cả cách mạng các nước, trong đó có Việt Nam ta, cho rằng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đều diễn ra ở các nước, như Bungari; Rumani, Cuba, Việt Nam..., nhưng ở Việt Nam có những đặc thù về giai cấp công nhân, về xuất phát điểm kinh tế - xã hội không giống với các quốc gia khác và coi đó là đặc thù. Như vậy, vô hình trung làm phức tạp thêm khi đang “xử lý phạm trù” “cái chung và cái riêng” để tiếp tục phân tích về “cái đặc thù” được vận dụng trong thực tiễn cho sự vận động từ cái đặc thù (cái đơn nhất) phát triển thành “cái phổ biến”(2).

Danh từ “cái chung” và “cái riêng” hoàn toàn khác nhau cả trong tiếng Nga lẫn tiếng Việt. Khi cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” được xem xét thành cặp ba phạm trù “cái riêng – cái đặc thù – cái phổ biến” thì “cái chung” đi đâu? Thiết nghĩ, đã là cái riêng, cái không lặp lại ở cái khác thì không có gì còn là đặc thù theo kiểu “chẻ năm, chẻ bẩy” cho ra “cái riêng đặc biệt thành ra cái đặc thù”. Hay như giáo trình của ta hiện nay dẫn ví dụ về Thủ đô Hà Nội là  “cái riêng”, ngoài “cái chung” (các thủ đô đều có) thì Hà Nội còn có tháp Rùa chính là “cái đặc thù” (nếu thêm cả “cụ Rùa”  thì còn đặc thù nữa chăng!).

Vậy nên, nếu đưa “cái đặc thù” vào mà không có mục đích làm rõ thêm thuộc tính, mối liên hệ căn bản của cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” thì nên xem xét  lại. Xin nói thêm, tôi hoàn toàn không nói đưa “cái đặc thù” vào cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” là sai, mà chỉ là có nên không, có nhất thiết không? Mặc dù các nhà khoa học Liên Xô có đề cập đến, song không phải cứ “Liên Xô thế nào thì ta phải thế đấy”!

Thứ hai, khi đã đưa “cái đặc thù” vào cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” sẽ dẫn đến những hệ lụy khác, dường như sẽ “lệch tuyến tư duy” khi giải quyết ý đồ căn bản của giảng dạy cặp phạm trù “cái chung và cái riêng”. Theo tôi, có thể nói “cái chung và cái riêng” được các nhà kinh viện thời Trung cổ khoảng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI bàn hay nhất. Chính các cuộc “cãi vã” của họ đã chỉ dẫn cho chúng ta hiểu thế nào là giáo điều, kinh viện... Theo đó, họ bàn một cách chi tiết, quyết liệt đúng kiểu “quyết định luận” (chỉ có cái riêng, không có cái chung và ngược lại). Và cũng từ việc “cãi vã” tuyệt hay như thế mà V.I.Lênin đã “dạy” cho chúng ta nhận thức căn bản về “cái chung và riêng” một cách đơn giản và chính xác như thế nào. Ông nói dù chỉ một mệnh đề đơn giản nhất - “Ivan là người” đã chứa đựng mối liên hệ giữa cái riêng (“Chàng Ivan”) và cái chung (người). Cùng với những giải thích khác, V.I.Lênin cho chúng ta một mẫu mực về cách vận dụng để nhận thức cái riêng, cái chung và mối quan hệ giữa chúng.(2)

Thứ ba, theo suy nghĩ của tôi, ngoài việc nghiên cứu thì trong giảng dạy, nhiều giảng viên còn nhấn mạnh “sau đây chúng ta nghiên cứu 6 cặp phạm trù của phép biện chứng” thì phải hiểu đó là sáu “cặp đôi” chứ! Chúng ta truyền đạt cho người học cách tiếp cận biện chứng mối quan hệ của cặp phạm trù “cái chung và cái riêng”, đặc biệt là phương pháp luận quan trọng nhất rút ra từ nghiên cứu cặp phạm trù này. Theo đó, cần tránh giáo điều trong nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn, nếu quá nhấn mạnh cái chung (đúng như Văn kiện Đại hội VI năm 1986 đã chỉ ra bệnh giáo điều), hoặc tránh bệnh “kinh nghiệm chủ nghĩa”, “địa phương, cục bộ” khi tuyệt đối hóa (hoặc quá nhấn mạnh) cái riêng.

Thứ tư, xin được nhắc lại, khi minh họa về việc có “cái đặc thù”, nhiều người tìm ra “cái độc đáo” kiểu như “chỉ Hà Nội mới có tháp Rùa”. Vậy, có mấy điểm rất đáng bàn:

Một là, nếu đặc thù như vậy thì có thể biến “cái đặc thù” thành “cái phổ biến” được không và nếu được thì có nên không? Chả nhẽ tất cả đều xây thêm tháp Rùa để thành phổ biến! Mà có xây thêm ở các thủ đô thì nó cũng không trở thành phổ biến được. Vì, những “tháp Rùa Hà Nội” vẫn là một trong những yếu tố của “cái riêng” do sự khác biệt của chúng về thời gian, địa điểm, vật liệu, thợ xây, ở hồ nào, ở nước nào... của từng tháp. Để tránh vấp phải ví dụ “độc” này, một số sách đưa vào một “tiếp đầu ngữ” (tức là rơi vào gượng ép) “trong một số trường hợp” cái đặc thù thành cái phổ biến” nhằm minh họa với ý là nhân cái tốt rộng ra)(3). Nhưng “cái riêng”, “cái chung” không phải nhận thức theo tính chất của nó, mà chủ yếu là quan hệ giữa chúng. Nếu phê phán là phê phán đừng tuyệt đối hóa để thành “duy thực” hay “duy danh”, tức giáo điều hoặc kinh nghiệm chủ nghĩa như trên mà thôi.

Hai là, khi trình bày quy luật phủ định của phủ định, chúng ta đã truyền đạt cho người học về cái mới (cái mới, tiến bộ, tích cực, phù hợp với quy luật...) với phân tích rằng, cái mới, tiến bộ, ban đầu chỉ là số ít; nó chưa thích ứng, còn khó khăn trong quá trình phát triển. Nó cần được ủng hộ, nâng đỡ để “làm gương” về cái tốt mà nhân rộng ra trong thực tiễn. Như vậy, việc phổ biến, nhân rộng được hiểu là phổ biến, nhân rộng cái tích cực.

Hơn nữa, “cái đặc thù” không phải là cái tốt, cũng không phải là cái xấu, nó chỉ là một biểu hiện có trong sự vật, hiện tượng này mà không có ở sự vật, hiện tượng khác. Chính vì vậy, khi đề cập ý nghĩa phương pháp luận và sự vận dụng trong thực tiễn, đa số các sách đều nêu những ví dụ hướng về sự “nhân rộng” hay “thu hẹp” những hiện tượng như một phong trào nào đó. Vậy phải chăng chúng ta chỉ dạy triết học cho cán bộ lãnh đạo? (Nhất là khi một giảng viên trẻ, dạy cho sinh viên cũng toàn là những thanh niên lại càng thấy bài giảng có tính giáo điều, kinh viện đến thế nào!).(3)

Theo tôi, nhân rộng cái mới được vận dụng trong thực tiễn xã hội thì cũng không phải là nội dung cơ bản của việc giảng dạy cặp phạm trù “cái chung và cái riêng”. Mục đích chính là tránh hai khuynh hướng cực đoan như đã nêu. Nếu chú ý hơn còn thấy, hầu hết các cặp phạm trù đều được nhận thức từ liên hệ có tính đối lập (vận động, khuynh hướng phát triển...) của hai yếu tố, trở thành hai mặt, hai cực như “cái chung” và “cái riêng”. Nếu không khéo ta lại  “sinh ra” một “cặp ba” (cái chung, cái riêng và cái đơn nhất)(4).

Ba là, về định hướng mục đích của bài giảng, nếu giảng viên nào say sưa coi “cái đặc thù” là cái mới cần nhân rộng hay cái lạc hậu cần thu hẹp thì còn bỏ cả việc truyền thụ phương pháp luận về việc tránh giáo điều và chủ quan, kinh nghiệm chủ nghĩa trong nhận thức và hoạt động thực tiễn khi nghiên cứu cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” với tính cách là mục tiêu chính. Bởi lẽ, hiện nay, thời lượng cho phần kiến thức triết học đã bị thu hẹp đáng kể. Phải chăng như vậy là lạc mục tiêu bài giảng? Thực ra không phải tất cả các giáo trình của các trường đại học ở nước ta đều viết theo cách đó. Cụ thể cuốn giáo trình của Trường Đại học Thăng Long được viết theo cơ cấu và hướng xử lý phương pháp luận của cặp phạm trù “cái riêng và cái chung”(5).

2. Ý kiến cá nhân để rộng đường tham khảo thêm

 Tôi cho rằng, cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” là cặp phạm trù có mối quan hệ biện chứng hấp dẫn (theo những gì V.I.Lênin đã dày công nghiên cứu từ lịch sử triết học mà viết ra), không hề có “cái đặc thù”. Song, việc trình bày cho người nghe có thể hiểu được là không đơn giản. Trong khi việc cải cách giáo dục đang còn làm theo cách vừa đại trà vừa cắt xén(6) thì điều đó lại càng khó khăn hơn.

Một là, quan hệ biện chứng giữa “cái chung và cái riêng” có nhiều cấp độ. Việc nghiên cứu vấn đề đó là để vận dụng, cải tạo thế giới phục vụ cho con người. Tuy nhiên, tôi thấy có một số sách trình bày những ví dụ về “cái chung và cái riêng” quá rộng, dẫn tới sự khó hiểu cho người học. Chẳng hạn, quan hệ biện chứng giữa “cái chung và cái riêng” từ ví dụ “con người” và “cục đất” là hai cái riêng, nhưng đều có cái chung là “đều có thành phần các bon” như mọi thuộc tính vật chất. Ví dụ như thế thì quá mơ hồ, khó hiểu cho người học. Nó chỉ định hướng về quan điểm chung nhất, rộng nhất về mối liên hệ, về tính thống nhất, nhưng không vận dụng được. V.I.Lênin đưa ví dụ rất đơn giản, dễ hiểu “Ivan là người”. Nếu phát triển thêm còn có thể nói “người là động vật”; “động vật là sinh vật” (cùng với thực vật); sinh vật là chất hữu cơ... Ví dụ như vậy cho phép ta vận dụng quan hệ giữa “cái chung và cái riêng”, từ đó rút ra được điều gì đó cho nhận thức và hành động. Hơn nữa, quan hệ biện chứng giữa “cái chung và cái riêng” chỉ là tương đối, chỉ tồn tại khi ta “cắt khúc” chuỗi phát triển vô tận của thế giới vật chất mà thôi. Từ nhận thức mối quan hệ giữa “cái chung và cái riêng” theo nhóm, theo hệ như vậy mới chỉ rõ vận dụng tri thức về chúng vào thực tiễn cuộc sống. 5

Hai là, cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” chỉ nên dừng lại ở phương pháp luận vận dụng trong thực tiễn là chống giáo điều khi tuyệt đối hóa “cái chung” (dẫn đến rập khuôn, máy móc, sách vở) và chống bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa (dẫn tới bài xích khoa học). Chẳng hạn, cách đây gần thế kỷ, do quá nhấn mạnh tính quốc tế vô sản, mà hạ thấp, thậm chí coi thường vị trí của lợi ích dân tộc đã làm cho lý luận và thực tiễn cách nhau quá xa. Cùng theo đuổi một ý thức hệ, một thể chế nhưng không nhân nhượng nhau từng tấc đất, ngọn núi, dải nước biển. Vậy cái gì đang thống trị trong đầu các chính khách và người dân ở các quốc gia khác nhau này? Họ đặt lợi ích dân tộc hay quốc tế vô sản lên trên? Rõ ràng, “cái chung" (học thuyết, lý luận về một xã hội) là thuộc tính của một thực thể hoàn thiện như chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân quốc tế thuần khiết không thể “ngày một ngày hai” mà phải trải nghiệm, tiệm tiến, nghĩa là cần có thời gian. Rõ ràng, C.Mác chưa bao giờ đưa thời gian ra cả mà chỉ là sự vận động. Chính sự giáo điều, kinh viện là những cái đã được nhắc tới trong những năm đầu của Đổi mới.

Thái cực thứ hai phải tránh là quá nhấn mạnh “cái riêng” sẽ dẫn đến kinh nghiệm chủ nghĩa, đến cục bộ địa phương. Nhưng xem ra sai lầm về kinh nghiệm chủ nghĩa không nguy hại bằng giáo điều, sách vở. Bởi lẽ, sự giáo điều thường xảy ra trong việc vận dụng học thuyết, lý luận mà người ta theo đuổi, còn kinh nghiệm chủ nghĩa nếu có chỉ là chủ trương, hành động có tính nhất thời, ít nguy hại hơn.

Ba là, nếu đi theo hướng nghiên cứu lôgíc giữa “cái chung, cái riêng và cái đặc thù” sẽ dẫn đến cách tiếp cận và giải quyết thoát ly nhận thức về các cặp phạm trù như là nền tảng nhận thức trong lịch sử triết học. Cho đến V.I.Lênin, các nhà kinh điển chưa hề đề cập đến khái niệm “cái đặc thù”. Nó chỉ được các nhà triết học Liên Xô sau này đưa ra và các nhà khoa học của nước ta tiếp thu. Đó là chưa nói, khi giảng giải về “cái đặc thù” nhiều giảng viên thường viện dẫn những gì “không thể lặp lại” ví như tháp Rùa của Hà Nội đã nêu trên.

Bốn là, về sự phát triển của các khái niệm, phạm trù. Chính V.I.Lênin đã từ lịch sử, thực tiễn để nói rằng các “lưới” của nhận thức luôn được mở rộng và không bị hạn chế. Ở nước ta, khi biên soạn tài liệu giảng dạy cho các đối tượng không chuyên triết học, các tác giả chỉ dừng lại “con số sáu cặp phạm trù”. Nhưng trong các tài liệu giảng dạy của Liên Xô trước đây đã từng có một số sách giáo khoa được các nhà khoa học trình bày với số lượng nhiều hơn 6 cặp phạm trù; thậm chí còn không phân biệt quy luật và phạm thù (như “chất – lượng” là cặp phạm trù, không trình bày là “quy luật”) và ở đó trình bày 11 cặp phạm trù như đã nêu trên(7).

Vậy, vì sao phải đưa thêm tri thức về mối quan hệ giữa “cái đặc thù và cái phổ biến” vào trình bày trong cặp phạm trù “cái chung và cái riêng” khi mà trong lịch sử triết học không hề đưa thêm vào? Nếu cần thiết có thể sử dụng quan hệ “cái đặc thù và cái phổ biến” như một cặp phạm trù độc lập từ nhận thức thực tiễn, (hoặc đưa ngay vào phần phân tích cái mới (cái tích cực, số ít, thậm chí là đơn nhất xét theo hiện tượng, vận động, phát triển trở thành cái phổ biến).

Năm là, hệ lụy của việc vận dụng máy móc mối quan hệ giữa “cái đặc thù và cái phổ biến” ở Việt Nam xuất phát từ sự nhận thức máy móc, đơn giản và chủ quan trong giai đoạn thực hiện cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp. Theo đó, “cái đặc thù” thường được coi là số ít tiến bộ. Nếu nó là cái tích cực (trong lý luận và sách vở đều nói như vậy) thì cần nhận thức, rồi nhân ra thành “cái phổ biến”. Nhưng những việc làm đã vi phạm tính khách quan của hiện tượng “điển hình tiên tiến”: Trước hết, tạo ra một cách chủ quan những gương điển hình (tất nhiên là từ những cá nhân, tập thể có một số yếu tố tích cực nhất định nhưng chưa đạt đến tiên tiến!). Khi đã khẳng định là tiên tiến thì vận dụng mối quan hệ giữa “cái đặc thù” biến thành “cái phổ biến” để nhân ra đại trà... Thực tiễn này đã dẫn đến tình trạng một số nơi tổ chức, tập thể “thêm vào” những điều kiện bên ngoài cho đủ yếu tố điển hình tiên tiến rồi khẳng định như một mô hình tích cực; tiếp theo là quảng bá rồi nhân ra đại trà. Thế là thành sự vận dụng lý luận: Nhân rộng “cái đặc thù” thành “cái phổ biến”(8). Cụ thể là việc tổ chức thí điểm hợp tác xã bậc thấp tiên tiến (cấp thôn, làng) theo cách áp đặt, chủ quan, rồi nhân lên hàng loạt thành các hợp tác xã cấp cao, sau đó sẽ phát triển như các lâm trường, nông trường quốc doanh của Liên Xô trước đây! Chính vì quá hăng say chạy theo phong trào mà bỏ qua cái phát hiện hợp lý của “hiện tượng ông Kim Ngọc”? Điều này đã được Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết: Cái cần khắc phục là bệnh chủ quan, duy ý chí, giáo điều. Sự sửa chữa trước đó chính là việc ban hành “Chỉ thị 100” và “Nghị quyết 10” của Đảng như mọi người đã biết.

Trong thời gian vừa qua, ở nước ta việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế đã cho thấy đó chưa phải là “cái đặc thù” từ điều kiện khách quan, nên nó không thể phát triển thành “cái phổ biến” theo quy luật. Thực tế cho thấy, chính trí tuệ của con người đã tìm ra những vận động, biến đổi của tự nhiên khách quan hoặc của chính bản thân con người mà không ai có thể phủ nhận thậm chí là hoài nghi. Đó mới chính là cái mới đích thực được các nhà khoa học tự nhiên phát hiện. Đây là những ví dụ “không thể chối cãi” về năng lực nhận thức, tìm ra cái mới nhờ nhận thức của con người mà những tinh hoa khoa học là đại diện. Những thành tựu khoa học đó chính là những cái mới rất cần nhân rộng ra vì lợi ích của con người, điều này đã và đang được làm như vậy. Những cái mới đó không bị giới hạn bởi nhận thức chủ quan, ý thức hệ. Bởi chúng phản ánh sự vận động, phát triển của thế giới khách quan và chính những phát minh của các tinh hoa khoa học đã ngày càng chứng minh cái mà những người mácxít gọi là chân lý. q8

 


(*) Giáo sư, tiến sĩ. Học viện Hành chính, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

([1]) “E–din-noi-e” (cái riêng), “Ôb-se-ie (cái đặc thù), "Vse- obse-ie" (cái phổ biến). GS. Septulin, (Chủ biên), Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lich sử, Nxb Sách chính trị, Mátxcơva, 1985, tr.128, (Tiếng Nga).

(2) GS. Septulin (Chủ biên). Sđd., tr.132.

(3) Xem: Bộ Giáo dục và Đào tạo. Triết học Mác Lênin (Đề cương bài giảng). Nxb Giáo dục; Hà Nội, 1995; Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình triết học Mác Lênin (dùng cho đại học và cao đẳng). Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004.

(4) Ngoài 6 cặp phạm trù phổ biến như đã biết trong một số sách, các tác giả Nga còn bổ sung thêm một số cặp như “cái bộ phận và toàn thể” "yếu tố - cấu trúc"; "yếu tố - hệ thống" ; "cấu trúc – chức năng". Xem GS.Septulin (Chủ biên). Chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lich sử. Nxb Sách chính trị, Mátxcơva, 1985. Sđd., tr.167,175 (tiếng Nga).

(5) Xem: Đại học Thăng Long. Triết học (phần I), Hà Nội, 1996, tr.175 - 180.

(6) Đại trà thì cứ là sinh viên buộc phải học triết học bất luận ngành nào, còn cắt xén thì làm theo kiểu "cắt tóc một kiểu" tức chỉ còn phân biệt chuyên triết và không chuyên triết.

(7) Xem: GS.Septulin (Chủ biên). Sđd., tr.167,175.

(8) Trước đây có tình trạng, đoàn kiểm tra đến một trại chăn nuôi có thành tích tỷ lệ lợn sống và phát triển rất cao nhưng đúng thời điểm đàn lợn không giữ được đủ số lượng. Người ta đã  bí mật bỏ thêm những con khác vào để cho trại đó giữ được thành tích trở thành điển hình và coi “hợp tác xã chăn nuôi tiên tiến” đó là mô hình tích cực; từ đó nhân ra thành phổ biến, đúng như lý luận đã nghiên cứu!

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: 59 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007