Tìm kiếm

VỀ MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG

28/02/2023

Tạp chí Triết học, số 4, năm 2013

CAM THIỆU BÌNH (*)

Nghiên cứu Kinh tế luân lý, mọi người khó có thể tránh khỏi nghịch lý giữa kinh tế thị trường và luân lý đạo đức. Một mặt, do phạm trù kinh tế thuần khiết đã đưa tư duy và những phương thức hành vi chiếm được một phạm vi rộng lớn trong lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời, dựa theo cái gọi là lập trường thị trường mang tính siêu hình, kinh tế và luân lý là sự hài hòa thống nhất, thị trường thông qua một bàn tay vô hình có thể làm cho mọi nguồn lợi của cá nhân phục vụ lợi ích đối với công chúng một cách tự nhiên, từ đó đảm bảo làm cho tính bắt buộc trên khía cạnh luân lý biến thành nhu cầu trên lĩnh vực kinh tế. Nhưng một mặt khác, trong cuộc sống hiện thực, chúng ta thường có thể cảm thấy rằng, từ khi thực hiện kinh tế thị trường, con người luôn lấy tiền bạc làm thước đo cho mọi tiêu chuẩn, tất cả đều hướng vào đồng tiền, để kiếm tiền có thể không từ mọi thủ đoạn. Tóm lại, trong điều kiện của kinh tế thị trường, tưởng chừng như kinh tế đã đi lên, nhưng ngược lại đạo đức lại đang trượt dốc. Như vậy, phải giải quyết thế nào nghịch lý giữa kinh tế thị trường và luân lý đạo đức, làm thế nào lý giải mối quan hệ giữa luân lý đạo đức với kinh tế thị trường? Đáp án của bài viết là: trong điều kiện kinh tế thị trường, hành vi của các cá nhân bị chế định bởi tính hợp lý của kinh tế, cho nên không thể trông đợi vào động cơ đạo đức của cá nhân, đạo đức cần phải được cụ thể hóa từ trong chế độ và từ trong kết cấu. Đấy chính là cái gọi là lập trường của kết cấu luân lý, nghĩa chính của nó ở chỗ, muốn có được hành vi đạo đức cá nhân của nhà doanh nghiệp, không thể chỉ ngóng trông trong việc tuyên truyền và hô hào đạo đức, mà phải xây dựng một quy tắc trò chơi khiến tất cả hành vi của cá thể đều phải bị ràng buộc ở đó, nó quy định vạch xuất phát đối với người chơi, yêu cầu đạo đức chính là được thể hiện ở chỗ này. Trong hoạt động kinh tế, đạo đức không nên là tiêu chuẩn dùng để phê phán hành vi của cá nhân, mà cần phải được xem là yếu tố quan trọng có tác dụng ràng buộc tất cả các thành phần tham gia vào thị trường.

1. Vấn đề đặt ra: Tính mâu thuẫn của luân lý đạo đức với kinh tế thị trường.

Dù là Trung Quốc hay châu Âu, nhìn từ góc độ văn hóa, mọi người thường có một thái độ miệt thị đối với đời sống kinh tế. Trước đây, mọi người luôn coi việc hưởng thụ và hoạt động mang lại lợi nhuận là những hoạt động thấp nhất. Nhưng, trong tình hình hiện nay, quan niệm này đã có sự thay đổi. Không thể xếp kinh tế vào thứ hạng thấp nhất của hành vi con người, mà như nhà chính trị người Đức W.Rathenau (1867-1922) nói,(*)trên thực tế, kinh tế đã trở thành vận mệnh của chúng ta. Nguyên nhân chủ yếu là do phạm trù kinh tế thuần khiết đã đưa tư duy và những phương thức hành động chiếm được một phạm vi rộng lớn trong lĩnh vực đời sống xã hội, chứ không chỉ do tình trạng tốt xấu của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về mặt chính trị của một quốc gia, cũng không chỉ do mong muốn không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất của đại bộ phận người dân quyết định. Việc kinh tế hóa xã hội khiến kinh tế học dám tuyên bố bản thân mình là nguyên tắc chỉ đạo khoa học xã hội, từ đó cũng có thể phục vụ đối với chế độ nhà nước, hiến pháp và chế định pháp luật, thậm chí nó có thể phục vụ việc giải thích tất cả mọi hành vi của loài người.

Tuy nhiên, trong thực tiễn cuộc sống, chúng ta có thể cảm nhận rằng, từ khi thực hiện kinh tế thị trường đến nay, mọi người thường lấy tiền bạc làm thước đo cho mọi tính toán, tất cả đều hướng vào đồng tiền, để kiếm tiền người ta có thể bất chấp mọi thủ đoạn. Tóm lại, trong điều kiện của kinh tế thị trường, dường như kinh tế là trên hết, còn đạo đức thì lại đang trượt dốc.

Vậy, giữa đạo đức với kinh tế thị trường, rốt cục, có quan hệ như thế nào?

2. Lập trường “mang tính siêu hình về thị trường”: Không có sự xung đột giữa lôgíc thị trường với các chuẩn tắc đạo đức

Có một dạng quan điểm tương đối thịnh hành, cho rằng không có xung đột nào giữa hệ thống lôgíc của thị trường với chuẩn tắc đạo đức; rằng, kinh tế và đạo đức có sự hài hòa, thống nhất với nhau.

Quan điểm này phản ánh lập trường mang tính siêu hình về thị trường, tức coi thị trường là chủ quản duy nhất, có thể vạch ra sự khác biệt giữa đạo đức và vô đạo đức; thị trường thông qua một bàn tay vô hình để đánh giá kế hoạch kinh tế với hành vi mang tính đạo đức. Hành vi vô đạo đức sẽ thất bại trên thị trường và bị trừng phạt, còn hoạt động kinh tế phù hợp với quan niệm đạo đức như uy tín, chân thành thì có thể thành công thông qua thị trường và được cổ vũ. Thị trường đó có thể bảo đảm cho “tính bắt buộc trên khía cạnh đạo đức” biến thành “nhu cầu trên lĩnh vực kinh tế”. Adam Smith từng cho rằng, bàn tay vô hình của thị trường có thể làm cho mọi nguồn lợi của cá nhân phục vụ lợi ích đối với công chúng một cách tự nhiên. Cá nhân, về cơ bản, không cần phải “ôm lấy” cái mục đích có lợi của người khác, mà hoàn toàn chỉ lo cho tư lợi của mình, từ đó xã hội mới có thể đánh giá bản thân cá nhân có ý phục vụ đối với công chúng và muốn kéo dài hơn nữa sự phục vụ đối với công chúng. Hay nói một cách khác, lôgíc của bản thân thị trường chính xác hơn so với quan niệm đạo đức của cá nhân các giám đốc, các chủ doanh nghiệp.

Như vậy, những loại người này chỉ cần đi theo sự điều tiết của thị trường là được, giám đốc không nhất thiết phải suy nghĩ đến đạo đức, cũng không nhất thiết phải nghiên cứu đến vấn đề kinh tế. Nhưng mọi người dễ dàng nhận thấy rằng, dạng lý luận “thị trường chính là đạo đức” kiểu như vậy không thể tiến thêm một bước khi bị vặn lại. Trong thị trường mang tính siêu hình thể hiện cái gọi là đạo đức, nhằm chỉ những người không cùng làm việc thông qua giao dịch mà thực hiện sự cân bằng về các lợi ích của bản thân mình. Một hạng mục giao dịch thành công thể hiện sự phù hợp về lợi ích giữa bên mua và bên bán. Từ đó, có thể nói, hoạt động kinh tế này đã thực hiện được loại đạo đức nào đó. Nhưng “phạm vi” của loại đạo đức này tương đối chật hẹp. Căn cứ vào thời gian, địa điểm và căn cứ vào phạm vi trên của hai bên để nhìn nhận, đánh giá thì có thể thấy hành vi kinh tế này là phù hợp với loại đạo đức nào đó. Nhưng từ góc độ khác, hoặc từ hậu quả lâu dài của hành vi kinh tế để đánh giá thì có thể mọi người rất khó thừa nhận nó là đạo đức. Mà điểm này giống như một loại chứng từ đen vô đạo đức có thể ẩn nấp đằng sau hành vi kinh tế sẽ không hiện ra. Ví dụ, các công ty xuyên quốc gia của Mỹ, Nhật khai thác rừng, tài nguyên ở Nam Mỹ và Đông Nam Á với giá rẻ mạt, hay doanh nghiệp của các quốc gia phát triển đem cái bị cấm sản xuất ở quốc gia mình di chuyển đến các nước thuộc thế giới thứ ba. Như vậy, phải chăng giữa thành công trên thị trường với hiện thực đạo đức đang tồn tại mối quan hệ tất yếu, cái thuộc về thị trường cũng chính là cái thuộc về đạo đức?

3. Lập trường của kết cấu đạo đức: Đạo đức cần phải được cụ thể hóa từ trong chế độ và từ trong kết cấu 

Liệu chúng ta có thể dựa vào sự hô hào đạo đức một cách đơn giản để có thể khiến nhà sản xuất trong quá trình hoạt động kinh tế nói đến lương tâm, đưa ra việc làm có trách nhiệm đối với người khác, với xã hội và với môi trường hay không? Đương nhiên là không thể. Đối với lương tâm của nhà sản xuất, mọi người chỉ có thể kỳ vọng, chứ không thể trông chờ. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế thị trường, hành vi cá nhân chịu sự chế định của tính hợp lý kinh tế, cho nên không thể trông chờ vào động cơ đạo đức của cá nhân, đạo đức nhất thiết phải được cụ thể hóa từ trong chế độ và từ trong kết cấu.

Nhà xã hội học Friedrich August Hayek chỉ ra rằng, người ta phát minh ra thị trường hoàn toàn không vì thỏa mãn nhu cầu của người khác, mà là xuất phát từ mong muốn đạt được lợi ích của cá nhân, là kết quả của sự phát triển xã hội. Thị trường thể hiện một loại trật tự mang tính tự phát, trật tự này thể hiện rõ, trong quá trình vận dụng quyết sách kinh tế có một sức mạnh cưỡng chế nào đó đang có tác dụng chủ đạo, đấy chính là tính hợp lý của kinh tế. Điều này đòi hỏi mỗi một hành vi kinh tế đều nhất thiết phải làm tăng thêm thu nhập của chủ thể kinh tế ở mức độ cao nhất và cố gắng để giảm thiểu tối đa giá thành dự tính ban đầu, tức là nhất thiết phải có lợi nhuận và đảm bảo địa vị trong thị trường. Nói theo cách của Milton Friedman, trong một hệ thống kinh tế tự do, trách nhiệm duy nhất của mỗi người tham gia chính là lợi nhuận. Tính hợp lý kinh tế đánh dấu một tiêu chí bất biến mang tính khách quan - người nào muốn đứng được trong kinh tế thị trường nhất thiết phải phục tùng yêu cầu mang tính bắt buộc của nó. Điều này không có quan hệ gì với quan niệm lý tính, tín ngưỡng, thế giới quan của cá nhân.

Vì vậy, để có được hành vi đạo đức cá nhân của nhà doanh nghiệp, không thể chỉ ngóng trông vào sự tuyên truyền và hô hào đạo đức, mà phải xây dựng một “quy tắc trò chơi” khiến mọi hành vi của cá nhân đều phải bị ràng buộc vào đó. Đó là quan điểm của nhà kinh tế đạo đức học người Đức - Karl Homann. Quy tắc trò chơi là chỉ điều kiện bên ngoài chủ thể hoạt động kinh tế, nó lấy chủ thể kinh tế quy định phương thức hành vi, chỉ đạo chủ thể kinh tế có thể làm gì, không thể làm gì; nó quy định vạch xuất phát đối với các đối tượng tham gia cạnh tranh. Yêu cầu đạo đức chính là được thể hiện ở chỗ này. Trong kết cấu kinh tế thị trường, hành vi cá nhân không thể nói là thiện hay ác, mà chỉ có thể nói là thích ứng hay không thích ứng với thị trường. Nếu một loại hành vi kinh tế nào đó bị chứng minh là vô đạo đức, là vì thị trường ép chủ thể kinh tế làm như vậy, thì không phải cá nhân có vấn đề mà chính là quy tắc trò chơi có vấn đề. Nghĩa vụ đạo đức của mỗi một chủ thể kinh tế là tích cực tham gia vào việc cải cách các quy tắc và chế độ kinh tế. Trong hoạt động kinh tế, đạo đức không phải là tiêu chuẩn dùng để phê phán hành vi của cá nhân, mà nó cần được xem là yếu tố quan trọng có tác dụng ràng buộc tất cả các thành phần tham gia vào thị trường.

4. Hiệu quả của kết cấu đạo đức

Hạt nhân của quan điểm này nằm ở chỗ, điều nó nhấn mạnh không phải là hành vi hợp lý của cá nhân, mà là kết cấu hợp lý của kinh tế. Trước đây, Kant - một đại biểu của đạo đức học cho rằng, không có sự ràng buộc chính là một nhược điểm chết người. Ông nhấn mạnh chỉ ở chỗ nên là thế này, nên là thế kia, nhưng mọi người đều có thể nói với ông ta rằng, chúng tôi biết nên làm như vậy, song chúng tôi không có cách nào làm như vậy. Chúng ta nên nhớ rằng, cần phải có những tiền đề và điều kiện cần thiết thì mới có thể làm được bất cứ việc gì. Đặc biệt là tác dụng mang tính cưỡng chế của tính hợp lý kinh tế, kinh tế trở thành môi trường lý luận phổ biến của hành vi con người. Việc khích lệ một loại kinh tế cá thể nào đó có biểu hiện ý chí tốt đẹp, như tự nguyện ứng dụng kỹ thuật bảo vệ môi trường khiến chi phí sản xuất nâng cao, hoặc tự nguyện tăng thêm phúc lợi của người công nhân, sẽ lập tức có thể biến thành nhược điểm để những kẻ cạnh tranh lợi dụng; đồng thời, lập tức có thể xuất hiện nguyên nhân theo đuổi lý tưởng đạo đức khiến cục diện lợi ích kinh tế của mình trở nên bất lợi. Và đây chính là hành động đố kỵ to lớn trong hoạt động khởi xướng lý tưởng đạo đức và duy trì các nguyên tắc đạo đức trong nền kinh tế - xã hội. Chuẩn tắc đạo đức muốn đạt được sự quán triệt, điều kiện tất yếu là nó không mâu thuẫn với lợi ích kinh tế, không tạo ra sự đe dọa đối với lợi ích kinh tế của chủ doanh nghiệp, không xung đột với tính hợp lý kinh tế. Nói cách khác, chuẩn tắc đạo đức muốn được quán triệt, nhất thiết phải chuyển đổi thành ngôn ngữ kinh tế.

Như vậy, với việc vận dụng đòn bẩy kinh tế thông qua điều tiết giá cả, yêu cầu của đạo đức chính là cố định lại hình thái kinh tế. Đó chính là điều chúng tôi đã nói đến ở trên. Nếu tiền đề thực hiện yêu cầu đạo đức không được đảm bảo, thì kiểu yêu cầu này khó có thể phát huy được hiệu lực. Quy phạm đạo đức thực sự cần phải có sức ràng buộc và nhất thiết phải thông qua trạng thái cố định nào đó để thiết lập và thể hiện. Xét từ góc độ ý nghĩa, tính hiệu quả của chuẩn tắc đạo đức được quyết định bởi tính ổn định của trạng thái cố định này. Ở đây sẽ thể hiện được ưu điểm “kết cấu đạo đức”: Tạo thành điểm xuất phát của hoạt động con người, xuất phát điểm này hình thành dựa trên đòi hỏi của loại yêu cầu đạo đức nào đó. Yêu cầu đạo đức trong kết cấu trở thành quy tắc, thói quen được cố định lại, tạo thành sự ràng buộc có tính cưỡng chế đối với bất cứ người nào. Chính vì vậy, Samuel Scheffler chỉ ra rằng, “ở trong một xã hội, cơ chế của nó phù hợp với chính nghĩa của yêu cầu đạo đức, quan hệ chặt chẽ giữa tính hợp lý và đạo đức sẽ có thể vô cùng nhỏ ở trong tình trạng xã hội không chính nghĩa. Giảm bớt xung đột tiềm ẩn giữa đạo đức và hứng thú của bản thân là nhiệm vụ của chính trị”(1).

Những người như Karl Homann xác định quy tắc trò chơi ở  đạo đức, từ đó đưa ra tư tưởng kết cấu đạo đức, luận giải mối quan hệ giữa đạo đức và kinh tế, không còn nghi ngờ gì nữa, đã đưa ra những gợi ý hết sức có ý nghĩa. Trong nghiên cứu đạo đức kinh tế ở Đức, “chế độ hóa đạo đức kinh tế” là một vấn đề rất được quan tâm. Sự chế độ hóa đạo đức kinh tế này không chỉ thể hiện trong chính sách, pháp luật về kinh tế của đất nước, mà còn thể hiện trong quy phạm thành văn phổ biến, những cam kết thỏa thuận có sức ràng buộc đối với tất cả mọi doanh nghiệp. Ngoài ra, cần khẳng định rằng, nghiên cứu đạo đức kinh tế không nhấn mạnh vào hành vi đạo đức của chủ thể kinh tế, mà cần tập trung vào sức thuyết phục của quan điểm về “kết cấu đạo đức” trong trật tự và kết cấu đạo đức. Điều này có thể được chứng minh bằng thực tiễn của nước Mỹ - nơi nó diễn ra sớm hơn nhiều so với châu Âu.([1])Giáo sư Richard T.De George của Trường Đại học Kansas, trong một bài báo, đã viết: Đến nay trọng điểm nghiên cứu đạo đức kinh tế (Business Ethics) ở nước Mỹ là những hành vi vô đạo đức trong khi phân tích về kinh tế, mục đích không phải chỉ là nghiên cứu hành vi của người trong cuộc, mà chính là nhằm tìm ra một giải pháp, một kết cấu tốt hơn, từ đó ngăn ngừa một cách hiệu quả những hiện tượng không tốt nảy sinh trong xã hội(2). Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, vấn đề đạo đức trong nền kinh tế - xã hội chỉ có thể được giải quyết một cách căn bản thông qua chế độ kinh tế và cải cách pháp quy. Ví dụ, cho dù là ở nước Đức hay ở nước Mỹ, vào giữa thế kỷ XIX điểm nóng của những tranh luận về đạo đức kinh tế tập trung ở phương diện mối quan hệ giữa chủ và thợ, như các vấn đề về quyền lợi của người lao động, mức tiền công hợp lý... Cho đến nay, vấn đề bóc lột tuy vẫn thuộc đối tượng nghiên cứu của đạo đức kinh tế, nhưng ở châu Âu và châu Mỹ thì xung đột giữa chủ và thợ lại không phải là trọng điểm nghiên cứu của đạo đức kinh tế. Bởi lẽ, từ sau chiến tranh, thông qua việc thiết lập kinh tế thị trường, thông qua luật lao động, luật thỏa thuận tiền lương, luật cạnh tranh, điều lệ doanh nghiệp và thực thi các quy phạm pháp luật khác, những vấn đề xã hội mang tính truyền thống trước đây đã từng bước được làm giảm bớt.

Ở Trung Quốc, việc thực thi Luật hợp đồng lao động cũng là một ví dụ rất điển hình. Sau 30 năm cải cách mở cửa, tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã đạt vị trí thứ hai trên thế giới, nhưng thu nhập bình quân của người dân và mức độ đảm bảo về lao động vẫn chưa tương xứng. Không ít những người lao động phổ thông cống hiến hết mình vì sự phát triển của đất nước, vì sự phồn vinh của xã hội. Ở một phương diện nào đó, điều đó cũng có nghĩa là sự hy sinh vô cùng to lớn.([2])Rất nhiều người lao động, trên con đường đấu tranh bảo vệ quyền lợi, đã phải trải qua nhiều gian nan, khó khăn. Lúc bấy giờ, bạn có thể hy vọng rằng nhà sản xuất chủ động thực thi đảm bảo quyền lợi cho người lao động không? Rất khó. Bởi lẽ, họ lo lắng rằng sử dụng nhiều lao động thì giá thành sản phẩm sẽ cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ giảm xuống. Vì vậy, nhà nước cần phải đưa ra những quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý có sức ràng buộc tất cả các doanh nghiệp, buộc họ phải đảm bảo quyền lợi cơ bản cho người lao động. Tháng 1 năm 2008 Trung Quốc bắt đầu thực thi Luật hợp đồng lao động. Kết quả là, từ tháng 01 đến tháng 9, tỉ lệ doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, từ chỗ trước đây chưa đầy 20% đã lên đến 93%. Hiện tượng hợp đồng lao động ngắn hạn giảm xuống, hợp đồng lao động trung, dài hạn và hợp đồng không thời hạn từng bước chiếm ưu thế. Người ta coi hợp đồng lao động là quan hệ lao động mang tính ổn định lâu dài và hợp lý, nó có lợi về mặt pháp lý đối với nguồn nhân lực của doanh nghiệp, nhìn xa hơn thì sự ra đời của luật này không chỉ có hiệu quả đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, mà còn duy trì sự tăng trưởng kinh tế lâu dài của đất nước. 

Người dịch: ThS. NGUYỄN ĐỨC HÒA

(Viện Triết học

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)


(*) Giáo sư, tiến sĩ, Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

([1]) Đạo đức nhân loại.  New York, 1992, tr.139.

([2]) Renk Marin (chủ biên). Kinh tế và luân lý (bài Đạo đức doanh nghiệp nhìn từ nước Mỹ). Stuttgart, 1992, tr.309.

Liên hệ với chúng tôi:

Bản quyền thuộc về Viện Triết Học, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam

Điện thoại: +84 435140527, +84 435141134, Fax: +84 435141935

Email: vnphilosophy@yahoo.com

Địa chỉ: Tầng 11, 12 nhà A, Số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Giấy phép số 211/GP-BC của Bộ VHTT cấp ngày 29 tháng 5 năm 2007